CUNG KÍNH TRƯỚC MẶT CHÚA

Tin Lành là niềm tin với ít nghi thức nhất so với tất cả các tôn giáo khác. Người mục sư Tin Lành không có bộ quần áo nhất định như áo lễ của các hàng giáo phẩm khác. Trong các buổi thờ phượng Ðức Chúa Trời của người Tin Lành cũng không có nhiều nghi thức như trong các lễ của các tôn giáo khác. Ðó là một trong những đặc điểm mà người ta có thể thấy được nơi đạo Tin Lành (hai chữ nầy được dùng để phân biệt với giáo hội Công giáo, chớ không phải để mô tả một giáo phái riêng biệt mà nhiều người Tin Lành tại Việt Nam vẫn lầm tưởng) (Chúng tôi sẽ cho đăng bài viết về vấn đề nầy khi có dịp tiện trong những lần sau).

Mặc dầu có ít lễ nghi, nhưng trong các buổi thờ phượng Chúa vẫn có những nghi thức mà tôi con của Chúa sử dụng thường xuyên. Vì vậy, không phải vì cớ ít nghi lễ và hình thức mà Cơ-đốc-nhân chúng ta thờ ơ với những điều cần nên làm khi ra mắt Chúa. Trong phạm vi bài viết nầy chúng tôi chỉ xin được đề cập đến vấn đề quỳ gối khi cầu nguyện mà thôi. Chúng tôi hoàn toàn không có ý cổ động cho việc quỳ gối cầu nguyện trong giờ thờ phượng, vì truyền thống lâu nay của chúng ta là đứng hoặc ngồi khi thưa trình hoặc kêu cầu với Chúa. Chúng tôi chỉ muốn nói đến sự quỳ gối cầu nguyện tại nhà riêng nếu Cơ-đốc-nhân có thể làm được. Chúng tôi cũng không có chủ ý khuyên rằng tại nhà mọi người nên quỳ gối cầu nguyện, vì có người không thể làm được điều đó, chẳng hạn như những người bị thấp khớp hoặc yếu lưng, yếu cột sống. Nhưng nếu Cơ-đốc-nhân có thể thực hiện được hình thức nầy thì là một điều rất tốt, vì chúng ta bày tỏ được tấm lòng khiêm cung, hạ mình khi ra mắt Ðức Chúa Trời trong sự cầu nguyện.

Có thể một số người thấy việc chúng tôi đang gợi ý đây là điều dư thừa, nhưng trong thực tế có những Cơ-đốc-nhân, kể từ ngày cầu nguyện tin nhận Chúa, chưa từng một lần biết quỳ gối trước mặt Ðức Chúa Trời.

Chúng ta cần phải nhớ rằng sự quỳ gối mặc dầu là hình thức bên ngoài những vẫn là một trong những cách tốt nhất để bày tỏ tấm lòng khiêm cung trước mặt Ðức Chúa Trời và là một trong những hình thức mà Cơ-đốc-nhân sẽ thực hiện suốt đời, không những trong đời nầy mà còn mãi mãi trong đời sau nữa.

Trong nếp sinh hoạt của con người từ ngàn xưa đến nay thì việc một người quỳ gối xuống trước mặt một người khác là cách để bày tỏ lòng tôn trọng, chẳng hạn như việc một người thường dân quỳ gối trước mặt vua hoặc trước một người có quyền tước cao:

(Sáng thế ký 41: 42-43) Vua liền cổi chiếc nhẫn trong tay mình, đeo vào tay Giô-sép, truyền mặc áo vải gai mịn, và đeo vòng vàng vào cổ người; rồi, truyền cho lên ngồi xe sau xe vua, có người đi trước hô rằng: Hãy quì xuống! Ấy, Giô-sép được lập lên cầm quyền cả xứ Ê-díp-tô là vậy.

Ngay cả trong trường hợp trước mặt những người được nể phục hoặc sợ hãi, thì người ta cũng quỳ xuống để thưa trình, nài xin:

(2Các Vua 1: 13) A-cha-xia lại sai một quan cai năm mươi lính đi với năm mươi lính mình. Quan cai nầy lên đến, quì gối xuống trước mặt Ê-li, cầu xin người rằng: Hỡi người của Đức Chúa Trời, xin ông xem quí trọng mạng sống của tôi và mạng sống của năm mươi người nầy, là kẻ tôi tớ ông.

Vì vậy, việc người ta quỳ lạy trước các thần tượng của họ là điều đương nhiên vẫn làm, vì là cách để bày tỏ lòng thành kính:

(Ê-sai 37: 38) Một ngày kia người đang quì lạy trong đền Nít-róc, thần của mình, thì con trai người là A-tra-mê-léc và Sa-rết-se lấy gươm giết người. Đoạn, hai người đó trốn trong xứ A-ra-rát. Con trai người là Ê-sạt-ha-đôn trị vì thay người.

Hình thức quỳ lạy thần tượng là rất phổ thông đối với các tôn giáo trên thế giới, nên không cứ thần tượng của họ làm bằng vật chất gì, hoặc vàng, hoặc bạc, hoặc đá, hoặc gỗ, thì người ta vẫn quỳ xuống để lạy và thờ phượng:

(Ê-sai 44: 15) Gỗ ấy người ta sẽ dùng mà chụm, lấy về mà sưởi. Cùng dùng để đun lửa hấp bánh; lại cũng lấy mà làm một vì thần, rồi thờ lạy nó, làm nó nên một tượng chạm mà quì lạy trước mặt nó.

Khi suy nghĩ về những điều trên thì chắc chắn Cơ-đốc-nhân chúng ta nhận biết Ðức Chúa Trời mà chúng ta đang thờ phượng là Ðấng cao cả, vĩ đại hơn hết, nên việc tôi con Ngài quỳ xuống trước mặt Ngài trong những lần cầu nguyện là việc không có gì đáng phải ngạc nhiên hay thắc mắc:

(Rô-ma 14: 11) Bởi có chép rằng: Chúa phán: Thật như ta hằng sống, mọi đầu gối sẽ quì trước mặt ta, và mọi lưỡi sẽ ngợi khen Đức Chúa Trời.

(Phi-líp 2: 10) Hầu cho nghe đến danh Đức Chúa Jêsus, mọi đầu gối trên trời, dưới đất, bên dưới đất, thảy đều quì xuống.

Dầu vậy, như điều mà chúng tôi vừa đề cập đến ở trên, là có nhiều Cơ-đốc-nhân chưa từng một lần quỳ gối xuống để cầu nguyện với Chúa. Chúng tôi không hề có ý nói rằng đây là lầm lỗi, nhưng theo như lời Kinh thánh thì đó là một thiếu sót mà chúng ta có thể dễ dàng sửa đổi.

Ðức Chúa Trời thường dùng cách so sánh để dạy dỗ chúng ta về những điều cần thiết. Chẳng hạn như việc Ðức Chúa Trời phán bảo dân Y-sơ-ra-ên hãy so sánh chính mình họ với người ngoại bang để xem thử việc họ chối bỏ Chúa có đúng hay không:

(Giê-rê-mi 2: 10-11) Hãy qua các cù lao Kít-tim mà xem! Hãy khiến người đến Kê-đa, và xét kỹ; xem thử có việc như vậy chăng. Có nước nào thay đổi thần của mình, mặc dầu ấy chẳng phải là thần không? Nhưng dân ta đã đổi vinh hiển mình lấy vật vô ích!

Ðức Chúa Jêsus cũng đã dùng phương pháp nầy (tức là sự so sánh) để dạy dỗ các môn đồ và đoàn dân đông về việc tin cậy Ðức Chúa Trời:

(Ma-thi-ơ 6: 26) Hãy xem loài chim trời: chẳng có gieo, gặt cũng chẳng có thâu trữ vào kho tàng, mà Cha các ngươi trên trời nuôi nó. Các ngươi há chẳng phải là quí trọng hơn loài chim sao?

Vì thế, nếu dùng phương pháp nầy để nói về việc quỳ gối cầu nguyện với Ðức Chúa Trời thì chúng ta có thể dùng lời Kinh thánh mô tả về tấm lòng thành kính mà người ngoại đối với thần tượng của họ để nhắc nhở Cơ-đốc-nhân chúng ta ngày hôm nay:

(Ða-ni-ên 3: 5) Khi nào các ngươi nghe tiếng còi, kèn, đờn cầm, đờn sắt, quyển, sáo và các thứ nhạc khí, thì khá sấp mình xuống để thờ lạy tượng vàng mà vua Nê-bu-cát-nết-sa đã dựng.

Nếu với những thần tượng bằng vàng, bạc, đá, gỗ mà người ngoại còn quỳ xuống để thờ lạy, thì ít nữa, trong những dịp thuận tiện, nhất là tại nhà riêng, Cơ-đốc-nhân chúng ta cũng nên bày tỏ tấm lòng thành kính đối với Chúa bằng cách quỳ gối xuống mỗi khi chúng ta cầu nguyện với Ngài.

Nhưng nhiều khi Cơ-đốc-nhân vẫn hay viện dẫn rằng khi thờ phượng Chúa chỉ cần lấy tâm thần lẽ thật mà thờ phượng thì Ðức Chúa Trời cũng đã hài lòng rồi để bào chữa cho những điều mình không thích hoặc không muốn làm. Thí dụ như có người không chịu tập hát để ngợi khen Chúa cho được tốt, nhưng lại viện dẫn rằng mình đã có tấm lòng đối với Ngài nên không cần phải mất thì giờ cho sự tập hát. Ðối với sự quỳ gối cầu nguyện với Chúa cũng có thể được nhiều Cơ-đốc-nhân biện minh giống như vậy, rằng đây chỉ là hình thức mà thôi, có cũng được, không có cũng không sao.

Dầu vậy, lời Kinh thánh cho biết rằng khi một người có tấm lòng tôn trọng và nể phục đối với một ai đó thì tự nhiên việc quỳ gối xuống là điều không thể tránh khỏi, chẳng hạn như trường hợp của sứ đồ Giăng:

(Khải huyền 22: 8-9) Chính tôi là Giăng đã thấy và nghe những điều đó. Khi nghe và thấy đoạn, tôi sấp mình xuống dưới chân thiên sứ đã tỏ những điều ấy cho tôi, để thờ lạy. Song người phán rằng: Chớ làm vậy! Ta là bạn tôi tớ với ngươi, với anh em ngươi, là các đấng tiên tri, và với những kẻ giữ các lời trong sách nầy. Hãy thờ phượng Đức Chúa Trời!

Sứ đồ Giăng là người Giu-đa, đương nhiên là biết luật pháp của Ðức Chúa Trời. Ông biết rằng loài người chỉ nên thờ lạy một mình Ðức Giê-hô-va mà thôi. Nhưng những sự hiện thấy về ngày cuối cùng, về Thiên đàng vinh hiển mà thiên sứ đã chỉ cho đã làm ông bị bắt phục và có đầy lòng tôn trọng đấng ấy nên vì lẽ đó mà ông quỳ xuống trước thiên sứ để thờ lạy.

Cũng một thể ấy, nhưng với mức độ lớn lao hơn nhiều, là khi Cơ-đốc-nhân kinh nghiệm được sự hiện diện của Ðức Chúa Trời gần gũi với mình trong sự cầu nguyện thì việc muốn được quỳ gối xuống trước mặt Chúa sẽ là điều tự nhiên và hết sức dễ dàng. Lúc ấy ý chí cá nhân, sự phản đối của xác thịt hoặc quan điểm đó là hình thức đều không còn tồn tại chút chi và Cơ-đốc-nhân sẽ phải quỳ xuống một cách tự nguyện. Ðây là điều mà lời Kinh thánh đã khẳng định rằng mọi con người sẽ phải làm lúc ở trong sự hiện diện của Chúa:

(Rô-ma 14: 11) Bởi có chép rằng: Chúa phán: Thật như ta hằng sống, mọi đầu gối sẽ quì trước mặt ta, và mọi lưỡi sẽ ngợi khen Đức Chúa Trời.

Chẳng những vậy thôi mà Cơ-đốc-nhân chúng ta cũng sẽ có lòng mong muốn người khác cùng thực hiện hành động nầy để dâng vinh hiển cho Chúa:

(Thi thiên 95: 6) Hãy đến, cúi xuống mà thờ lạy; Khá quì gối xuống trước mặt Đức Giê-hô-va, là Đấng Tạo hóa chúng tôi!

Kinh thánh đã có ghi lại trường hợp của con dân Chúa quỳ gối xuống trước mặt Ðức Chúa Trời trong sự cầu nguyện, nài xin, dầu người đó là vua như Sa-lô-môn, là tiên tri như Ða-ni-ên, là sứ đồ như Phao-lô, Phi-e-rơ hay là một người dân bình thường:

(2Sữ ký 6: 12) Sa-lô-môn đang đứng trước bàn thờ của Đức Giê-hô-va, đối mặt cả hội chúng Y-sơ-ra-ên, giơ tay mình ra (vì người đã đóng một cái sạp bằng đồng, bề dài năm thước, bề ngang năm thước, bề cao ba thước, để tại giữa hành lang; người đứng tại đó, quì gối xuống trước mặt cả hội chúng Y-sơ-ra-ên, giơ tay lên trên trời),

(Ða-ni-ên 6: 10) Khi Đa-ni-ên nghe rằng chỉ dụ đó đã ký tên rồi, thì về nhà mình (những cửa sổ của phòng người thì mở về hướng Giê-ru-sa-lem). Tại đó, cứ một ngày ba lần, người quì gối xuống, cầu nguyện, xưng tạ trước mặt Đức Chúa Trời mình, như vẫn làm khi trước.

(Công vụ 9: 40) Phi-e-rơ biểu người ta ra ngoài hết, rồi quì gối mà cầu nguyện; đoạn, xây lại với xác, mà rằng: Hỡi Ta-bi-tha, hãy chờ dậy! Người mở mắt, thấy Phi-e-rơ, bèn ngồi dậy liền.

(Công vụ 20: 36) Phao-lô nói lời đó xong, bèn quì xuống và cầu nguyện với hết thảy các người ấy.

(Mác 1: 40) Có một người phung đến cùng Ngài, quì xuống cầu xin rằng: Nếu Chúa khứng, có thể khiến tôi sạch được.

Không những quỳ gối xuống trong sự cầu nguyện mà Kinh thánh còn ghi lại những trường hợp quỳ gối xuống để lãnh lấy lời phán của Ðức Chúa Trời:

(Phục truyền 33: 3) Ngài thương yêu dân sự, các thánh của Ngài đều ở trong tay Ngài, quì xuống chân Ngài, Đặng lãnh những lời của Ngài.

Vì thế, việc Cơ-đốc-nhân chúng ta ngày nay tập tành quỳ gối xuống mặt Chúa trong những lần cầu nguyện, nhất là trong những thì giờ thuận tiện tại nhà riêng thì điều đó là rất tốt, để có thể bày tỏ sự cung kính hết lòng của chúng ta mỗi một lần thưa chuyện với Ðức Chúa Trời. Dầu việc quỳ gối cầu nguyện dường như là hình thức bên ngoài, nhưng là hình thức quan trọng bày tỏ được tấm lòng và không phải là khó thực hiện (ngoại trừ trong những trường hợp đau bệnh hoặc vì tuổi tác cao). Ngoài ra chúng ta cũng cần nên nhớ là các tôn giáo khác trên thế giới đều quỳ lạy trước thần của họ. Nếu chúng ta không có cách thức nầy để làm chứng cho mọi người rằng chúng ta tôn trọng Ðức Chúa Trời thì điều đó có thể làm cho người ngoại xem thường niềm tin của chúng ta nơi Ðấng Tạo Hóa.

Ðây là điều mà chúng tôi chỉ gợi ý, không phải là hình thức bắt buột, nhưng nếu Cơ-đốc-nhân chúng ta làm được mỗi ngày thì tốt biết bao nhiêu.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *