CỦA LỄ MÙA GIÁNG SINH

CỦA LỄ MÙA GIÁNG SINH

Kinh thánh: Ma-thi-ơ 2: 7-12

Câu gốc: 1SA-MU-ÊN 15: 22 phần B – Vả, sự vâng lời tốt hơn của tế lễ; sự nghe theo tốt hơn mỡ chiên đực.

*******

Kinh thánh có ghi lại một trong những truyện tích của mùa Giáng Sinh mà ai trong chúng ta cũng biết. Đó là việc các bác sĩ từ Đông phương đến tìm Đức Chúa Jêsus lúc Ngài vừa mới sanh ra để thờ lạy Ngài. Khi họ đến được nơi Đức Chúa Jêsus Christ vừa sanh tại chuồng chiên máng cỏ thì liền dâng cho Ngài những lễ vật để tỏ lòng tôn kính Đấng đến từ Đức Chúa Trời. Kinh thánh có cho biết những lễ vật mà các bác sĩ đã mang đến dâng cho Đức Chúa Jêsus là vàng, nhũ hương và một dược.

MA-THI-Ơ 2: 9-11 – Mấy thầy nghe vua phán xong, liền đi. Kìa, ngôi sao mà họ đã thấy bên đông phương, đi trước mặt cho đến chừng ngay trên chỗ con trẻ ở mới dừng lại. Mấy thầy thấy ngôi sao, mừng rỡ quá bội. Khi vào đến nhà, thấy con trẻ cùng Ma-ri, mẹ Ngài, thì sấp mình xuống mà thờ lạy Ngài; rồi bày của quí ra, dâng cho Ngài những lễ vật, là vàng, nhũ hương, và một dược.

Ý nghĩa của những lễ vậy nầy cũng thì đa số chúng ta đều đã biết, vì vậy tôi chỉ xin nhắc lại một chút mà thôi. Các bác sĩ dùng vàng để làm lễ vật là có ý bày tỏ sự tôn trọng của họ đối với Đức Chúa Jêsus như là một vị vua, vì vàng tượng trưng cho sự cao sang, quyền quý.

THI THIÊN 47: 2 – Vì Đức Giê-hô-va Chí Cao thật đáng kinh; Ngài là Vua lớn trên cả trái đất.

1CÁC VUA 10: 10 – Đoạn nữ vương dâng cho vua một trăm hai mươi ta lâng vàng và rất nhiều thuốc thơm cùng ngọc quí. Từ đó nhẫn nay, chẳng hề có ai đem thuốc thơm đến số nhiều bằng của nữ vương nước Sê-ba dâng cho vua Sa-lô-môn.

Các bác sĩ dâng cho Đức Chúa Jêsus nhũ hương vì nó là dấu hiệu chỉ về chức vụ thầy tế lễ, vì Đức Chúa Jêsus là Thầy Tế Lễ Thượng Phẩm chí cao, là Đấng dâng tế lễ cho Đức Chúa Trời để chuộc tội loài người.

LÊ-VI KÝ 2: 16 – Đoạn, thầy tế lễ lấy một phần hột tán ra với dầu và hết thảy nhũ hương mà xông làm kỷ niệm. Ấy là của lễ dùng lửa dâng cho Đức Giê-hô-va.

HÊ-BƠ-RƠ 9: 11 – Nhưng Đấng Christ đã hiện đến, làm thầy tế lễ thượng phẩm của những sự tốt lành sau nầy; Ngài đã vượt qua đền tạm lớn hơn và trọn vẹn hơn, không phải tay người dựng ra, nghĩa là không thuộc về đời nầy

Còn nhũ hương là lễ vật bày tỏ sự đau đớn của Đức Chúa Jêsus khi Ngài bị đóng đinh trên thập tự giá:

MÁC 15: 23 – Họ cho Ngài uống rượu hòa với một dược; song Ngài không uống.

Các bác sĩ là những người có lòng mong đợi được thấy Đấng đến từ trời, là Đức Chúa Jêsus, nên vì vậy mà họ được Đức Chúa Trời soi dẫn để biết những lễ vật nào là xứng đáng và có ý nghĩa nhất để mang đến dâng tặng cho Chúa.

Ngày hôm nay nếu Cơ-đốc-nhân chúng ta cũng có lòng mong đợi được nhìn thấy Chúa trong ngày vinh hiển khi Chúa tái lâm, thì chắc rằng chúng ta cũng sẽ được Đức-Thánh-Linh soi sáng để biết dâng của lễ nào là xứng đáng và đẹp lòng nhất cho Đức Chúa Jêsus trong mùa Giáng sinh năm nay và trong những năm tháng còn lại của cuộc đời chúng ta.

Kinh thánh có nhắc nhở rằng mỗi một khi chúng ta đến ra mắt Chúa thì đừng đi tay không, mà cần phải có lễ vật cặp thep để tôn vinh Đức Chúa Trời:

XUẤT Ê-DÍP-TÔ KÝ 23: 15 – Ngươi hãy giữ lễ bánh không men; phải ăn bánh không men trong bảy ngày về mùa tháng lúa trỗ, như lời ta đã phán dặn; vì trong tháng đó ngươi ra khỏi xứ Ê-díp-tô. Lại chẳng ai nên tay không đến trước mặt ta.

THI THIÊN 96: 8 – Hãy tôn vinh xứng đáng cho danh Đức Giê-hô-va; Hãy đem lễ vật mà vào trong hành lang Ngài.

Trong câu Kinh thánh chủ đề thì lời của Chúa cho Cơ-đốc-nhân chúng ta biết rằng sự vâng lời là của lễ đẹp lòng Chúa hơn hết:

1SA-MU-ÊN 15: 22 phần B – Vả, sự vâng lời tốt hơn của tế lễ; sự nghe theo tốt hơn mỡ chiên đực.

Có những lý do mà sự vâng lời của Cơ-đốc-nhân đối với các mạng lệnh, điều răn, mẫu mực trong sự dạy dỗ của Chúa làm đẹp lòng Ngài.

Thứ nhất, sự vâng lời về những điều mà Chúa đã dạy dỗ trong Kinh thánh sẽ giúp cho Cơ-đốc-nhân chúng ta được cứu và được hưởng sự sống đời. Đó là điều mà Đức Chúa Trời muốn chúng ta đạt được hơn hết.

1TI-MÔ-THÊ 2: 4 – Ngài muốn cho mọi người được cứu rỗi và hiểu biết lẽ thật.

Bởi lẽ đó ai vâng lời theo sự dạy dỗ của Kinh thánh để làm theo ý muốn của Chúa thì người đó sẽ được cứu và nhận được sự sống đời đời trong tương lai. Vì vậy sự vâng lời để sống đạo hầu cho sau nầy được cứu sẽ là một lễ vật làm đẹp lòng Đức Chúa Trời:

MA-THI-Ơ 7: 21 – Chẳng phải hễ những kẻ nói cùng ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, thì đều được vào nước Thiên đàng đâu; nhưng chỉ kẻ làm theo ý muốn của Cha ta ở trên trời mà thôi.

Vâng lời để có một đời sống tái sanh cũng là một của lễ đẹp lòng Chúa, vì chỉ khi nào Cơ-đốc-nhân thật sự được tái sanh thì mới được cứu, như lời mà Đức Chúa Jêsus đã phán với Ni-cô-đem:

GIĂNG 3: 3 – Đức Chúa Jêsus cất tiếng đáp rằng: Quả thật, quả thật, ta nói cùng ngươi, nếu một người chẳng sanh lại, thì không thể thấy được nước Đức Chúa Trời.

Thứ hai, sự vâng lời để làm theo những điều mà Chúa đã có dạy dỗ và được ghi lại trong Kinh thánh sẽ giúp cho Cơ-đốc-nhân chúng ta làm sáng danh Chúa và làm chứng tốt về Chúa cho mọi người chung quanh. Như vậy chúng ta có thể đền đáp được trong muôn một tình yêu của Chúa đối với con dân Ngài, trong đó có chúng ta, và điều đó đương nhiên làm đẹp lòng Chúa như một của tế lễ xứng hiệp:

2CÔ-RINH-TÔ 2: 14 – Song tạ ơn Đức Chúa Trời, Ngài làm cho chúng tôi được thắng trong Đấng Christ luôn luôn, và bởi chúng tôi, Ngài rải mùi thơm về sự nhận biết Ngài khắp chốn!

Trong câu Kinh thánh nầy chữ thắng trong Đấng Christ có nghĩa là Cơ-đốc-nhân nhờ vâng phục theo sự dạy dỗ của Chúa mà có một đời sống gương mẫu, đắc thắng được sự cám dỗ để không sống giống như người thế gian, và nhờ đó mà người ta nhận biết được rằng Cơ-đốc-nhân là những người được Đức Chúa Trời ở cùng và giúp sức cho, vì nếu không bởi năng lực của Chúa thì không ai đắc thắng nỗi quyền lực của Sa-tan và sự cám dỗ của nó.

Vì vậy, khi Cơ-đốc-nhân biết vâng lời để sống theo các mẫu mực đã có ghi trong Kinh thánh thì chúng ta sẽ làm chứng tốt về Chúa cho thế gian và họ có thể nhận biết là Ngài đang thực hữu. Điều đó đẹp lòng Chúa. Như vậy thì sự vâng lời của Cơ-đốc-nhân là của lễ mà Đức Chúa Trời ưa thích.

Thứ ba, sự vâng lời sẽ giúp cho Cơ-đốc-nhân được phước nhiều hơn trong Chúa, thỏa mãn được ý định yêu thương của Đức Chúa Trời, vì Ngài muốn mọi con dân Chúa đều được phước dư dật, đầy tràn.

Ê-PHÊ-SÔ 1: 3 – Ngợi khen Đức Chúa Trời, Cha Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, Ngài đã xuống phước cho chúng ta trong Đấng Christ đủ mọi thứ phước thiêng liêng ở các nơi trên trời.

Cơ-đốc-nhân chúng ta đều biết rằng Đức Chúa Trời là Đấng Công Bình, và một trong những đặc điểm về sự công bình của Chúa là thưởng phạt phân minh. Kinh thánh cho biết rằng Chúa chẳng bao giờ nhậm lời cầu xin của kẻ có tội, và như vậy thì những phước lành như sự bình an, vui mừng, thỏa lòng sẽ chẳng bao giờ được ban cho họ.

GIĂNG 9: 31 – Chúng ta vẫn biết Đức Chúa Trời chẳng nhậm lời kẻ có tội, mà nếu ai kính sợ Đức Chúa Trời, làm theo ý muốn Ngài, thì Ngài nhậm lời.

Nhưng khi Cơ-đốc-nhân biết vâng lời Chúa đã dạy dỗ trong Kinh thánh thì chắc chắn sẽ được Đức Chúa Trời ban phước dồi dào, vì điều đó thỏa mãn mỹ đức công bình của Chúa và vì Chúa luôn muốn ban phước cho những người biết vâng lời Ngài.

GIÊ-RÊ-MI 7: 23 – Nhưng, nầy là mạng lịnh mà ta đã truyền cho họ: Hãy nghe tiếng ta, thì ta sẽ làm Đức Chúa Trời các ngươi, các ngươi sẽ làm dân ta; hãy đi theo cả đường lối ta dạy cho, để các ngươi được phước.

Với ba nguyên nhân chính yếu trên thì Cơ-đốc-nhân chúng ta biết được rằng sự vâng lời là của lễ đẹp lòng Chúa và chúng ta nên dâng điều đó cho Chúa trong mùa Giáng Sinh năm nay và suốt những tháng năm còn lại của cuộc đời chúng ta trên đất.

Cũng cần phải nói thêm là sự vâng lời không phải dễ thực hiện. Chúng ta thấy trẻ em từ khi còn nhỏ đã khó vâng lời, vì vậy mà các bậc cha mẹ phải dùng nhiều cách để giúp cho con biết nghe lời dạy dỗ của họ. Nhưng càng lớn thì con người lại càng có khuynh hướng ít vâng lời hơn, như chúng ta nhìn thấy những thực tế ngoài xã hội. Đó là vì khi người ta trưởng thành thì thường hay nghĩ rằng mình đã biết điều gì cần phải làm và điều gì cần phải tránh nên không thích vâng lời người khác. Và cũng vì lý do đó mà trong tất cả các quốc gia, các xã hội trên thế giới đều có các hình thức trừng phạt để bắt người ta phải vâng lời, hay nói một cách khác là biết tôn trọng và tuân thủ theo luật pháp.

Đối với Cơ-đốc-nhân chúng ta thì vâng lời là một sự tự nguyện, vì chúng ta kính yêu Chúa nên tự mình muốn vâng lời để đẹp lòng Ngài. Nhưng bản ngã xác thịt và sự cám dỗ của Sa-tan làm Cơ-đốc-nhân cảm thấy sự vâng lời Chúa là khó, và điều đó trở thành cuộc nội chiến bên trong tấm lòng của chúng ta, giống như điều đã xãy ra cho Phao-lô:

RÔ-MA 7: 18-19 – Vả, tôi biết điều lành chẳng ở trong tôi đâu, nghĩa là trong xác thịt tôi, bởi tôi có ý muốn làm điều lành, nhưng không có quyền làm trọn; vì tôi không làm điều lành mình muốn, nhưng làm điều dữ mình không muốn.

Tấm lòng và tâm trí của Phao-lô muốn vâng lời Chúa, nhưng bản ngã xác thịt của ông thì lại muốn sống theo tội lỗi, vì vậy ông đã phải ta thán và la lên rằng:

RÔ-MA 7: 24-25 – Khốn nạn cho tôi! Ai sẽ cứu tôi thoát khỏi thân thể hay chết nầy? Cảm tạ Đức Chúa Trời, nhờ Đức Chúa Jêsus Christ, là Chúa chúng ta!

Chỉ bởi nhờ cậy nơi quyền năng của Chúa mà Cơ-đốc-nhân chúng ta mới có thể vâng lời Chúa và sống theo mẫu mực mà Chúa đã dạy dỗ trong Kinh thánh. Có thể nhiều người trong vòng Cơ-đốc-nhân chúng ta chưa làm được những điều lớn lao cho Chúa, nhưng ngay trong những tháng ngày nầy chúng ta cứ tập tành để vâng phục và làm theo những điều nho nhỏ trước, để điều đó trở thành thói quen, rồi chúng ta sẽ bắt đầu vâng phục những điều lớn lao hơn. Cứ tiếp tục vâng phục từng điều một, từ nhỏ tới lớn, cho đến ngày chúng ta gặp Chúa khi Ngài tái lâm.

Cầu xin Chúa thêm sức để mỗi chúng ta có thể vâng lời Chúa luôn luôn trong mọi hoàn cảnh. Amen.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *