THÁNH KINH GIẢI LUẬN / Mác 2: 17
CON ĐƯỜNG THEO CHÚA CỦA CƠ-ĐỐC NHÂN 1
MÁC 2: 17 – Đức Chúa Jêsus nghe vậy, bèn phán cùng họ rằng: Chẳng phải kẻ mạnh khỏe cần thầy thuốc đâu, nhưng là kẻ có bịnh. Ta chẳng phải đến để gọi người công bình, nhưng gọi kẻ có tội.
– Chỉ những người nhận biết rằng họ có tội mới cần đến sự tha thứ của Chúa, còn những kẻ tự cho rằng họ là vô tội hoặc là người công bình thì thường không muốn tìm đến với Chúa.
– Nhưng thật ra thì tất cả con người từng sanh vào đời sống nầy đều là kẻ có tội, tức là mang nguyên tội của tổ phụ và kỷ tội của cá nhân.
– Tất cả mọi người đều cần sự tha thứ của Đức Chúa Trời trong danh Đức Chúa Jêsus Christ.
– Muốn được Chúa tha thứ thì trước hết phải nhận biết rằng mình có tội và phải có lòng ân năn thật. Đây là hai bước đầu tiên trên con đường theo Chúa.
Trong phương diện thuộc linh thì ngày mà chúng ta cầu nguyện tin nhận Chúa là ngày quan trọng nhất trong cuộc đời của chúng ta trên đất nầy. Ngày đó đánh dấu một giai đoạn mới trên phần còn lại của đời sống chúng ta. Trong phương diện thuộc thể thì người ta có nhiều ngày để nhớ, chẳng hạn như ngày sanh, ngày chết, ngày ra trường, ngày đầu tiên có người yêu, ngày đám cưới, ngày có đứa con đầu lòng, ngày nhận được một chức vụ quan trọng và có người còn nói vui vui là ngày được đi Mỹ để định cư. Để có thể nhớ được những ngày như vậy thì người ta hay có một bữa tiệc hàng năm để chính mình được nhắc nhở về ngày đó và để chung vui với bạn bè. Còn ngày chết thì người khác nhớ giùm mình chớ mình thì không cần phải nhớ vì nó là một thực tế đánh dấu và gắn liền với cuộc đời sau. Nhưng trong phương diện thuộc linh thì Cơ-đốc-nhân ít khi nhớ đến ngày mình cầu nguyện tin nhận Chúa, vì chúng ta ít khi thấy có ai mở một bữa tiệc, dầu rằng nho nhỏ, để cùng gia đình và bạn bè nhớ đến ngày đó. Nếu có ai hỏi thì nhiều Cơ-đốc-nhân chỉ có thể nhớ một cách mơ hồ là mình tin Chúa vào năm đó hoặc năm kia, còn chính xác là năm nào thì nhiều khi không chắc. Nhưng xin thưa với quý Hội thánh rằng ngày chúng ta cầu nguyện tin nhận Chúa là ngày quan trọng hơn hết trong đời sống của một người, vì ngày ấy quyết định rằng trong tương lai mình có được sống đời đời với Đức Chúa Trời trong Thiên đàng hay không. Vì ngày tin Chúa là một ngày hết sức quan trọng như vậy cho nên tôi xin được cùng với quý Hội thánh suy gẫm đến bài đầu tiên của Chủ đề Con Đường Theo Chúa Của Cơ-Đốc Nhân. Trong Chủ đề nầy thì chúng ta sẽ cùng nhau suy gẫm đến những chân lý quan trọng mà Đức Chúa Trời đã dạy dỗ cho Cơ-đốc-nhân và đã có ghi lại trong Kinh thánh. Hy vọng rằng với Chủ đề nầy thì mỗi một người trong chúng ta có thể xác định được tiến trình theo Chúa của mình đang ở bước thứ mấy và nhờ đó mà được tỉnh thức trong phương diện thuộc linh cũng như có quyết định sẽ làm gì đối với những bước kế tiếp.
Theo như lời Kinh thánh cho biết thì tiến trình theo Chúa của Cơ-đốc-nhân gồm có ba giai đoạn chính, đó là Tin, Tái sanh và Nên thánh mà chúng ta có thể gọi tắt là TTN để cho dễ nhớ. Ba giai đoạn nầy thì đã được ghi lại rõ ràng trong Kinh thánh và tôi đã có trình bày phần đầu tiên trong Chủ đề Ba Yếu Tố Để Được Cứu Rỗi, chắc quý Hội thánh còn nhớ. Sáng hôm nay thì chúng ta cùng nhau đọc lại lời của Chúa có liên quan đến ba giai đoạn ấy trong các câu Kinh thánh sau đây:
GIĂNG 6: 47 – Quả thật, quả thật, ta nói cùng các ngươi, hễ ai tin thì được sự sống đời đời.
GIĂNG 3: 3 – Đức Chúa Jêsus cất tiếng đáp rằng: Quả thật, quả thật, ta nói cùng ngươi, nếu một người chẳng sanh lại, thì không thể thấy được nước Đức Chúa Trời.
HÊ-BƠ-RƠ 12: 14 – Hãy cầu sự bình an với mọi người, cùng tìm theo sự nên thánh, vì nếu không nên thánh thì chẳng ai được thấy Đức Chúa Trời.
Ba giai đoạn của sự tin, tái sanh và nên thánh là cần thiết và rất là quan trọng để đức tin của một người có thể kết quả được. Ba giai đoạn ấy có mối liên hệ mật thiết với nhau, chẳng hạn như phải có đức tin thật thì mới có được tái sanh và từ đó mới có thể bắt đầu tiến trình nên thánh để trong tương lai có thể nhận được sự sống đời đời. Bởi lẽ đó mà nếu Cơ-đốc-nhân thiếu một trong ba giai đoạn nầy, nhất là giai đoạn đầu tiên là tin nhận Chúa bằng đức tin thật thì người đó chưa thật sự bắt đầu con đường theo Chúa của mình. Chính vì thế mà Cơ-đốc-nhân phải biết và phải trãi quan ba giai đoạn cần thiết ấy để hội đủ điều kiện mà Đức Chúa Trời đòi hỏi con dân Ngài cần phải có. Nhưng khi chúng ta suy gẫm đến ba giai đoạn ấy thì sẽ thấy có 10 bước hay là mười bậc mà Cơ-đốc-nhân cần phải thực hiện để hoàn thành con đường theo Chúa của mình. Vì vậy mà Chủ đề nầy sẽ giúp cho chúng ta nhận biết rõ ràng 10 bước ấy là thế nào và đồng thời giúp chúng ta xác định được chính mình đang ở bước thứ mấy trên con đường theo Chúa.
Hôm nay thì chúng ta sẽ suy gẫm đến bước đầu tiên cần phải có để Cơ-đốc-nhân có thể bắt đầu con đường theo Chúa của mình. Bước ấy là Phải nhận biết rằng mình có tội. Chắc nghe đến đây thì sẽ có nhiều Cơ-đốc-nhân không còn muốn nghe nữa. Điều đó cũng dễ hiểu, vì tâm lý chung của con người là không muốn nghe người khác nói rằng mình có tội, mà cũng không tự nhận chính mình là người có tội nữa. Bởi thế cho nên dầu rằng đây là bước đầu tiên và là bước dễ nhất, nhưng đối với nhiều người thì nó sẽ là bước khó nhất, khó để chấp nhận và khó để thực hiện. Nhưng xin thưa cùng với quý Hội thánh là nếu một người không thể thực hiện được bước đầu tiên nầy thì không thể nào đến với Chúa được, bởi vì chính Đức Chúa Jêsus đã cho biết rằng Ngài đến thế gian vì cớ kẻ có tội, chớ không phải vì những kẻ tự kể rằng mình là vô tội hoặc tự cho rằng mình là người công bình. Lời của Chúa phán về việc Ngài đến trần gian để tìm kiếm kẻ có tội đã được ghi lại trong các câu gốc sau đây:
MA-THI-Ơ 9: 13 – Hãy đi, và học cho biết câu nầy nghĩa là gì: Ta muốn sự thương xót, nhưng chẳng muốn của lễ. Vì ta đến đây không phải để kêu kẻ công bình, song kêu kẻ có tội.
Và một câu nữa ở trong sách Tin lành Mác, cũng là câu gốc nền tảng của chúng ta sáng hôm nay:
MÁC 2: 17 – Đức Chúa Jêsus nghe vậy, bèn phán cùng họ rằng: Chẳng phải kẻ mạnh khỏe cần thầy thuốc đâu, nhưng là kẻ có bịnh. Ta chẳng phải đến để gọi người công bình, nhưng gọi kẻ có tội.
Trong hai câu Kinh thánh nầy thì rõ ràng là Đức Chúa Jêsus đã cho biết rằng Ngài giáng sinh vào trong trần gian là để cứu những người nhận biết rằng mình có tội. Còn đối với những người tự cho mình là vô tội thì bởi sự suy nghĩ như vậy mà họ không thể đến được với Đức Chúa Trời. Theo lời Kinh thánh cho biết thì mọi người từng sinh vào trong trần gian nầy đều bị kể là kẻ có tội, tức là có đời sống không công bình khi so sánh với tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời, như lời Kinh thánh đã bày tỏ trong các câu gốc sau đây:
RÔ-MA 3: 12 – Chúng nó đều sai lạc cả, thảy cùng nhau ra vô ích. Chẳng có một người làm điều lành, dẫu một người cũng không.
1GIĂNG 5: 17 – Mọi sự không công bình đều là tội; mà cũng có tội không đến nỗi chết.
Lời của Chúa trong Kinh thánh đã khẳng định rằng không có một người nào làm điều lành, tức là không có ai làm điều thiện theo tiêu chuẩn của Chúa chớ không phải là làm điều thiện theo quan điểm của thế gian. Vì như câu Kinh thánh trong 1Giăng 5: 17 cho biết thì khi người ta không làm sự công bình thì điều đó cũng bị kể như là tội lỗi rồi. Thí dụ như nếu các bậc cha mẹ mà thương con không đều thì trước mặt Chúa đó là một cái tội, tức là tội thiên vị. Nhưng chúng ta có thể thấy được rằng thông thường thì người ta không nhận rằng họ có tội. Vì đối với mọi người trong thế gian thì khi nói đến tội lỗi thì họ lập tức nghĩ ngay đến những tội nặng nề và nghiêm trọng như tội cướp của giết người, còn những điều nho nhỏ khác chẳng hạn như nói dối, nói hành, tham muốn thì họ không coi đó là tội nghiêm trọng đáng để ý.
Bởi lẽ đó mà một trong những khó khăn đối với người đi làm chứng truyền giảng là nói cho thân hữu biết là họ có tội. Những anh chị em đã từng dự phần vào công tác chứng đạo truyền giảng thì chắc đã có kinh nghiệm về sự khó khăn đó. Không một thân hữu nào muốn mời Cơ-đốc-nhân vào nhà để rồi nói cho họ biết là họ có tội. Có nhiều trường hợp thì họ còn giận dữ và đuổi những người đến chứng đạo ra khỏi nhà, bởi vì không ai muốn mời khách vào nhà để rồi lại bị người khách đó chỉ trích mình là người có tội. Vì vậy mà những anh chị em có lòng sốt sắng muốn tham gia vào công tác chứng đạo truyền giảng thì trước hết phải được huấn luyện và trang bị đầy đủ đã rồi hãy ra đi. Vì nếu không được chuẩn bị kỹ lưỡng, nhất là về mặt tâm lý, thì sẽ dễ bị ngã lòng, thối lui, hoặc có khi tệ hại hơn là sinh ra tranh cãi với thân hữu khi họ chất vấn mình về những điều mà mình làm chứng cho họ. Trong những trường hợp như vậy thì sự chứng đạo sẽ phản tác dụng và mang lại hậu quả trái ngược với lòng mong muốn của Cơ-đốc-nhân, nghĩa là từ đó về sau thì thân hữu sẽ không muốn gặp mình nữa để nghe trình bày bất cứ điều gì về niềm tin trong Đức Chúa Jêsus, còn mình thì bị giận dữ bực tức vì người ta không chịu nghe mình nói. Có lòng sốt sắng về việc chứng đạo truyền giảng là tốt, nhưng mỗi một anh chị em phải được huấn luyện và trang bị đầy đủ rồi mới có thể thực hiện công tác ấy một cách có hiệu quả cho thân hữu và cho chính cá nhân mình.
Cũng vì tâm lý của con người là không muốn nghe người khác nói rằng họ có tội, cho nên nhiều khi những người làm công tác truyền giảng và chứng đạo lại không dám nói cho người ta biết rằng họ có tội, mà chỉ giới thiệu với thân hữu về việc đi nhà thờ và cầu nguyện tin nhận Chúa như là một lợi ích cho bản thân họ về phương diện thuộc thể, nhất là cứ đề cập rằng hãy tin nhận Chúa đi để được phước nầy hoặc phước kia. Việc nói về phước thì không phải là điều sai, vì chắc chắn rằng người đến với Chúa sẽ được phước, nhưng vì Đức Chúa Trời là Đấng Công Bằng nên phước chỉ có thể đến sau mà không thể là bước đầu tiên để giúp cho người ta có thể tin nhận Chúa thật lòng và theo Ngài một cách trung tín cho đến hết đời.
Theo như thực tế cho thấy thì có nhiều người đến với Chúa hoặc gia nhập vào Hội thánh không phải vì thật lòng tin Chúa mà chỉ vì muốn tìm một môi trường tốt mà thôi. Tôi xin đưa ra đây một thí dụ điển hình như thế nầy để quý Hội thánh có thể thấy được điều đó: Chẳng hạn như có người muốn đưa đứa con trai đến nhà thờ vì nhận thấy rằng người tin Chúa thì ăn nói mềm mõng, lịch sự hơn nhiều người khác, nhất là thấy thanh niên theo Chúa thì không có dùng những từ ngữ tục tĩu hoặc chưởi thề, cũng như không có tình trạng nhậu nhẹt bê tha hoặc tụ tập bè đảng phá làng phá xóm. Bởi lẽ đó mà họ biết rằng nếu cho con của họ đến tiếp xúc với một môi trường tốt như vậy thì chắc nó sẽ quen được bạn bè tốt và thay đổi tánh tình. Bằng không thì nó sẽ cứ tiếp tục theo bạn bè xấu mà cờ bạc, rượu chè, yêu đương lung tung, có khi còn ăn cắp tiền của cha mẹ mà tập tành chích hút xì ke ma túy nữa. Vì sự suy nghĩ như vậy mà người cha người mẹ cầu nguyện tin Chúa để cho con cũng có thể đi nhà thờ. Mặc dầu việc gia nhập Hội thánh như vậy không có gì sai, nhưng người cha người mẹ của cậu con trai đó lại không hề nghĩ rằng mình có tội để từ đó có lòng ăn năn thật mà đến với Chúa và theo Ngài. Họ chỉ đi nhà thờ, làm thành viên của Hội thánh mà thôi, chớ chưa thật sự đầu phục Chúa bằng tấm lòng ăn năn bởi sự nhận biết rằng mình có tội. Chính bởi lẽ đó mà chúng ta có thể thấy được trong thực tế là có nhiều người đi nhà thờ hàng bao nhiêu năm nhưng tánh tình và quan điểm vẫn không thay đổi. Thậm chí trong vòng những người tự cho mình là Cơ-đốc-nhân vẫn còn có người kỵ ngày, tháng, năm, kỵ tuổi, đi coi bói, xem số tử vi và tin rằng người ngoại vì có bùa nên được phát đạt. Việc theo Chúa như vậy bắt nguồn từ nguyên nhân là tấm lòng của họ chưa được thay đổi, bởi vì họ chưa có sự ăn năn thật. Và sự ăn năn thật chỉ có được khi một người nhận biết rằng mình có tội ở trước mặt Chúa mà thôi.
Chúng ta thử suy nghĩ thế nầy thì sẽ thấy được vì sao mà bước đầu tiên nầy lại cần thiết và quan trọng đến như vậy, tức là sự nhận biết rằng mình có tội. Người ở trong thế gian thì cũng có lúc nhận biết rằng ít nhiều gì thì họ cũng có phạm tội một lần nào đó, và bởi lẽ ấy mà người xưa mới có câu là nhân vô thập toàn. Nhưng khi nhận biết như vậy thì không phải ai cũng đến với Chúa. Có nhiều người nhận biết rằng họ có tội nhưng lại đến với thần tượng để được tha thứ, bởi vì sự đòi hỏi của thần tượng là dễ làm, chẳng hạn như đọc một bài kinh bao nhiêu lần, hoặc thực hiện một hình thức phóng sanh, hoặc ăn chay trong bao nhiêu ngày. Đâu phải là tất cả những người nhận biết rằng mình có tội đều đến ăn năn với Chúa. Nhưng nếu họ đã nhận biết rằng họ có tội mà còn chưa đến với Chúa thì huống chi là những người cho rằng họ không có tội thì làm sao thật lòng đến với Ngài bằng sự ăn năn?
Theo lời của Chúa cho biết thì nếu một người không thật lòng ăn năn thì không thể nhận được sự tha thứ, như lời Kinh thánh có ghi lại trong Rô-ma 2: 5.
RÔ-MA 2: 5 – Bởi lòng ngươi cứng cỏi, không ăn năn, thì tự chấp chứa cho mình sự giận về ngày thạnh nộ, khi sẽ hiện ra sự phán xét công bình của Đức Chúa Trời.
Lời của Chúa trong câu Kinh thánh nầy cho biết rằng nếu một người không ăn năn thì đến cuối cùng sẽ phải nhận sự đoán phạt của Chúa. Đây là nguyên tắc công bình không bao giờ thay đổi của Đức Chúa Trời. Vì vậy mà Đức Chúa Jêsus mới phán dạy rằng con dân của Chúa chỉ nên tha thứ cho kẻ phạm tội khi họ biết ăn năn mà thôi, như chính lời của Chúa đã phán và đã có ghi lại trong Lu-ca 17: 3.
LU-CA 17: 3 – Các ngươi hãy giữ lấy mình. Nếu anh em ngươi đã phạm tội, hãy quở trách họ; và nếu họ ăn năn, thì hãy tha thứ.
Khi đọc đến câu Kinh thánh nầy thì quý Hội thánh có để ý đến mạng lệnh của Chúa là hãy giữ mình hay không? Sự giữ mình như vậy là giữ mình về điều gì? Phần còn lại của câu gốc nầy cho chúng ta biết rõ ràng là Chúa đang muốn cảnh cáo con dân Ngài là phải giữ mình về việc tha thứ người khác khi mà họ chưa ăn năn. Sự tha thứ như vậy là bày tỏ lòng yêu thương một cách mù quáng và đi ngược lại cới nguyên tắc công bình của Chúa. Sự tha thứ như vậy không làm cho kẻ có tội suy nghĩ lại, mà còn làm cho họ cứ phạm tội thêm và có cơ hội để tiếp tục lợi dụng tình yêu thương của Cơ-đốc-nhân. Khi Cơ-đốc-nhân để cho kẻ phạm tội lợi dụng mình như vậy thì đâu còn là con cái của sự sáng nữa, thế thì làm sao có thể làm sáng danh Chúa được?
Chính vì nguyên tắc công bình của Đức Chúa Trời là chỉ tha thứ khi có sự ăn năn thật nên bước đầu tiên trên con đường theo Chúa của Cơ-đốc-nhân là phải nhận biết rằng mình có tội. Nhờ nhận biết như vậy mà Cơ-đốc-nhân mới có thể đến với Chúa bằng tấm lòng ăn năn thật xuất phát từ nhu cầu muốn được Chúa tha thứ. Theo như thực tế đời sống cho thấy thì có nhiều người mặc dầu biết rằng họ có tội nhưng họ không bao giờ ăn năn, trái lại nhiều khi lại phạm tội nhiều hơn như là một sự thách đố với cuộc đời và với loài người.
Như vậy thì quý Hội thánh đã có thể thấy được tầm quan trọng của bước thứ nhất trong tiến trình theo Chúa. Nhưng mặc dầu bước đầu tiên nầy là cần thiết và quan trọng như vậy, nhưng có nhiều người vẫn chưa thực hiện được kể từ khi gia nhập vào Hội thánh. Trong tổng số những người trở thành Cơ-đốc-nhân thì có nhiều người đã đến với Chúa bằng tấm lòng ăn năn thật bởi nhận biết rằng mình có tội. Dầu vậy thì vẫn có những người dầu đã đi nhà thờ nhiều năm và là thành viên của Hội thánh địa phương, thậm chí có người còn giữ những chức vụ quan trọng trong Hội thánh nữa nhưng vẫn chưa từng nhận rằng mình có tội với tấm lòng ăn năn thật trong ngày cầu nguyện tin Chúa. Họ đến với Chúa bởi nhiều lý do khác như điều mà tôi đã trình bày khi nãy. Đối với những Cơ-đốc-nhân như vậy thì họ phải bắt đầu con đường theo Chúa bằng việc nhận biết rằng họ có tội, rằng tội lỗi trong quá khứ của họ vẫn chưa được xóa sạch vì chưa từng ăn năn thật trước mặt Chúa. Sự nhận biết như vậy là cả một thách thức lớn đối sự sự kiêu hãnh của cá nhân, nhất là sau bao nhiêu năm mang danh hiệu là Cơ-đốc-nhân và được nhiều người trong Hội thánh biết tiếng. Nhưng dầu có làm tổn thương sự kiêu hãnh của cá nhân đến đâu đi nữa thì việc đến với Chúa bằng sự nhận biết rằng mình có tội vẫn phải là bước đầu tiên mà Đức Chúa Trời đòi hỏi đối với mọi người đến với Ngài. Chỉ với sự nhận biết rằng mình có tội thì người ta mới nghe được tiếng kêu gọi của Đức Chúa Jêsus mà thôi, theo như ý tưởng trong câu gốc nền tảng của chúng ta sáng hôm nay.
Nhưng sự khó khăn về việc nhận biết rằng mình có tội lại bắt nguồn từ một nguyên nhân khác nữa, đó là việc làm ngơ với tội lỗi trong đời sống của Cơ-đốc-nhân. Ấy cũng là vì Hội thánh chung ngày hôm nay thì ít khi nói đến tội lỗi lắm. Chúng ta có thể thấy rằng không chỉ người ngoại và thân hữu không thích nghe nói về tội, mà ngay cả Cơ-đốc-nhân cũng không thích nghe nữa. Có ai trong chúng ta thử đếm rằng tội lỗi của con người gồm có những điều nào hay không? Nếu mở rộng ra và kể từng tội một thì không ai trong chúng ta có thể đếm được hết. Chính bởi lẽ đó mà thông thường Cơ-đốc-nhân chỉ nói hoặc nghe về tội một cách tổng quát mà thôi, nhưng dầu là tổng quát thì cũng không được rõ ràng như trong lời của Chúa đã được trưng dẫn khi nãy trong 1Giăng 5: 17 là mọi sự không công bình đều là tội. Khi ít nghe về tội lỗi thì những người gia nhập vào Hội thánh mà chưa từng nhận biết rằng mình có tội thì làm sao được cáo trách để thực hiện bước cần thiết đầu tiên trên con đường theo Chúa?
Lý do mà Cơ-đốc-nhân không muốn nghe về tội lỗi là vì tâm lý của nhiều người chưa thật sự được thay đổi từ ngày tin Chúa, nên vẫn còn giữ lại tâm lý giống như tâm lý của các thân hữu và người chưa tin, là không muốn nghe người khác nhắc nhở về tội, nhất là tội lỗi của chính mình. Cũng chính bởi lẽ đó mà những người rao giảng cũng ít khi nhắc nhở về tội, là vì muốn chìu theo sở thích của người nghe. Chắc chắn là trong vòng Hội thánh chung thì Cơ-đốc-nhân đã từng nghe lời nhận xét là Mình đừng nên nói về tội lỗi nhiều quá, vì cứ nếu nói như vậy thì làm sao người ta đến với Chúa. Lời nhận xét đó hoàn toàn đi ngược lại nguyên tắc mà Đức Chúa Jêsus đã phán trong Ma-thi-ơ 9: 13 rằng Ngài đến thế gian để kêu kẻ có tội. Vì vậy mà khi những người kia nhận xét rằng nếu cứ nói mãi về tội lỗi thì người ta sẽ không đến với Chúa thì thật ra là họ có ý muốn nói rằng người ta sẽ không đến với Hội thánh và không đi nhà thờ nữa. Ngày hôm nay thì nhu cầu của nhiều Hội thánh là muốn người ta đi nhà thờ, còn việc có theo Chúa đúng đắn hay không thì tính sau. Bởi vì nếu không có nhiều người đi nhà thờ thì sẽ thiếu hụt trong sự dâng hiến, Hội thánh sẽ thiếu tiền để cung lương mục sư và thiếu tài chánh để làm những công việc khác. Vì vậy mà cả Cơ-đốc-nhân và người rao giảng đều không muốn nói về tội lỗi hầu để có nhiều người đi nhà thờ chớ không phải là đến với Chúa. Còn nếu có phải nói về tội thì những người rao giảng thường hay đề cập đến những tội có liên quan đến lợi ích thuộc thể của Hội thánh chẳng hạn như tội không đi nhà thờ vào ngày Chúa nhật, tội không dâng hiến hoặc không dâng phần mười đầy đủ, nhưng về những tội lỗi nghiêm trọng hơn thì lại không đả động đến, chẳng hạn như tội tà dâm, tội ngoại tình, tội cúng giỗ người đã chết, tội chung sống ngoài hôn nhân và nhiều tội lỗi khác. Sự dung túng và đồng lõa với tội lỗi một cách ngấm ngầm như vậy để chìu theo ý muốn của người nghe đã làm cho Hội thánh chung ngày hôm nay đầy dẫy bè đảng, sự tham quyền cố vị, sự kiêu ngạo, khoe mình, nói hành, nói xấu, tội tà dâm và mọi thứ lộn xộn khác. Tất cả những điều ấy chung quy cũng bắt nguồn từ việc Cơ-đốc-nhân không được nghe nhiều về tội lỗi cho nên không ý thức được rằng từ lúc ban đầu khi mới đến với Chúa và cầu nguyện tin nhận Ngài thì họ đã không nhận biết rằng mình có tội và từ đó chưa có sự ăn năn thật để được Chúa tha thứ cho. Cũng bởi lẽ đó mà chúng ta có thể thấy rằng vì trong đời sống của Cơ-đốc-nhân vẫn còn chất chứa tội lỗi như ngày chưa tin nên Hội thánh chung mới có đầy những tệ nạn như mọi người đã biết. Tình trạng mà Hội thánh còn chất chứa đầy những tội lỗi như vậy thì đã được lời của Chúa cho biết rõ ràng từ xưa, như có chép trong Ga-la-ti 5: 19-21.
GA-LA-TI 5: 19-21 – Vả, các việc làm của xác thịt là rõ ràng lắm: Ấy là gian dâm, ô uế, luông tuồng, thờ hình tượng, phù phép, thù oán, tranh đấu, ghen ghét, buồn giận, cãi lẫy, bất bình, bè đảng, ganh gổ, say sưa, mê ăn uống, cùng các sự khác giống như vậy. Tôi nói trước cho anh em, như tôi đã nói rồi: hễ ai phạm những việc thể ấy thì không được hưởng nước Đức Chúa Trời.
Đây là thư tín mà Phao-lô đã được Đức-Thánh-Linh cảm động để viết ra cho những người đã tin Chúa rồi tại thành Ga-la-ti. Khi ông đề cập đến những việc làm của xác thịt như đã được đề cập đến trong câu gốc nầy thì điều đó có nghĩa là chúng vẫn còn tồn tại và hành động trong những người đã được gọi là Cơ-đốc-nhân. Chẳng những vậy thôi, tất cả những tội lỗi nầy thì cũng vẫn thấy xãy ra thường xuyên trong Hội thánh chung ngày hôm nay. Nguyên nhân cũng là vì khi một người gia nhập vào Hội thánh mà chưa nhận biết rằng mình có tội thì người đó chưa thật sự ăn năn. Mặc dầu những người như vậy có cầu nguyện tin Chúa, thậm chí còn nhận lễ báp-tem nữa, nhưng tấm lòng của họ từ ngày đầu tiên gia nhập vào Hội thánh không phải là tấm lòng tìm kiếm Chúa bằng sự ăn năn thật nên họ cũng chưa có sự tha thứ thật. Mà hễ chưa có sự tha thứ thật thì chưa được Đức-Thánh-Linh ngự cùng. Mà hễ chưa được Thần Khôn Ngoan của Chúa ở cùng thì tội ác và mọi thứ lộn xộn khác vẫn còn tồn tại trong đời sống họ như những ngày chưa tin. Đây là điều mà Kinh thánh đã bày tỏ ra trong Gia-cơ 3: 13-17.
GIA-CƠ 3: 13-17 – Trong anh em có người nào khôn ngoan thông sáng chăng: Hãy lấy cách ăn ở tốt của mình mà bày tỏ việc mình làm bởi khôn ngoan nhu mì mà ra. Nhưng nếu anh em có sự ghen tương cay đắng và sự tranh cạnh trong lòng mình, thì chớ khoe mình và nói dối nghịch cùng lẽ thật. Sự khôn ngoan đó không phải từ trên mà xuống đâu; trái lại, nó thuộc về đất, về xác thịt và về ma quỉ. Vì ở đâu có những điều ghen tương tranh cạnh ấy, thì ở đó có sự lộn lạo và đủ mọi thứ ác. Nhưng sự khôn ngoan từ trên mà xuống thì trước hết là thanh sạch, sau lại hòa thuận, tiết độ, nhu mì, đầy dẫy lòng thương xót và bông trái lành, không có sự hai lòng và giả hình.
Giống như lời của Chúa trong các câu gốc nầy cho biết, thì ngày hôm nay Hội thánh chung cũng có các tình trạng bè đảng, tranh cạnh giống như vậy. Điều đáng buồn là nhiều người nghĩ rằng đó là tình trạng chung của Hội thánh không thể tránh khỏi, chớ họ đâu có biết rằng tình trạng gây gỗ, bè đảng, tranh quyền đoạt vị, tham lam quyền lợi trong Hội thánh đều vốn xuất phát từ việc Cơ-đốc-nhân ít khi nhắc nhở nhau về tội lỗi mà chỉ muốn nói và muốn nghe về phước không mà thôi hầu có thể thu hút người ta đi nhà thờ. Người nghe thì không thích nghe về tội, người giảng thì sợ làm mích lòng người nghe rồi người ta sẽ không đi nhà thờ nữa nên cả hai đã cố tình bỏ qua bước đầu tiên và cần thiết của tiến trình theo Chúa là mỗi cá nhân phải nhận biết rằng mình có tội để từ đó được cáo trách mà có tấm lòng ăn năn thật và phát sinh nhu cầu cần được sự Chúa tha thứ để tìm đến với Ngài hết lòng. Đó là ý nghĩa thật sự trong lời phán của Đức Chúa Jêsus khi Ngài cho biết rằng Ngài đến thế gian là để kêu kẻ có tội.
Như điều mà tôi đã có đề cập đến khi nãy là trong thực tế thì có nhiều người đi nhà thờ và gia nhập vào Hội thánh không phải là vì có lòng ăn năn thật và muốn được tha thứ, mà là vì một lý do nào khác, chẳng hạn như đi nhà thờ vì cớ gia đình muốn mình đi, đi nhà thờ vì đang trồng cây si một người nào đó trong ban thanh niên, đi nhà thờ vì muốn cưới vợ hoặc lấy chống là người đang theo đạo, hoặc đi nhà thờ vì thấy vui vui, có nhiều sinh hoạt hữu ích, hoặc vì cớ nhà thờ thường đi cắm trại và thông công vui vẻ. Đi nhà thờ bởi những lý do đó không có gì là sai, nhưng tất cả đều là thứ yếu nếu so sánh với việc tìm đến với Chúa vì nhận biết rằng mình có tội, muốn ăn năn và muốn được Chúa tha thứ cho. Sự nhận thức như vậy là bằng chứng cho thấy rằng người đó nghe được tiếng của Chúa kêu gọi mình đến với Ngài, theo như lời phán của Đức Chúa Jêsus trong Mác 2: 17. Bởi lẽ đó nếu Cơ-đốc-nhân nào nhớ lại rằng lúc ban đầu khi mình cầu nguyện tin nhận Chúa thì chưa có sự nhận biết rằng mình có tội và chưa bày tỏ tấm lòng ăn năn thật của mình trước mặt Chúa thì người đó cần phải thực hiện bước thứ nhất nầy để có thể thật sự bắt đầu con đường theo Chúa của chính cá nhân mình. Ngoài ra thì Cơ-đốc-nhân chúng ta cũng phải nhớ rằng khi làm chứng cho thân hữu và người chưa tin thì phải nói cho họ biết rằng họ có tội theo tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời và cần tiếp nhận Chúa để được Ngài tha thứ cho. Mời gọi thân hữu đến với Chúa cách như vậy mới chính xác với lời phán của Đức Chúa Jêsus, còn mọi cách mời gọi khác đều làm cho Hội thánh trở nên ngày càng thế tục hơn chớ không trở nên thánh khiết hơn, vì nếu một người cầu nguyện tin Chúa và gia nhập vào Hội thánh mà không có lòng ăn năn thật thì người đó chưa nhận được sự tha thứ và vẫn còn bị kể là kẻ có tội trước mặt Đức Chúa Trời. Nhiều kẻ có tội hội tụ nhau lại thì đó là một hội tục chớ không còn là Hội của những người được biệt riêng ra thánh cho Đức Chúa Trời nữa. Bởi thế mà bước thứ nhất nầy cần phải được tất cả các Cơ-đốc-nhân thực hiện, không miễn trừ một ai.
Vì vậy, cầu xin Đức Chúa Trời tiếp tục nhắc nhở con dân Chúa bằng lời của Ngài trong Kinh thánh để Cơ-đốc-nhân có thể biết con đường đúng đắn mà theo Chúa cho đến cuối cùng. Cầu xin Đức Chúa Trời tiếp tục mở mắt tâm linh của con cái Ngài và ban cho mỗi người tấm lòng dạn dĩ biết vâng phục để điều gì mà Chúa đòi hỏi thì Cơ-đốc-nhân có thể làm theo một cách đầy đủ và cương quyết. Và cầu xin Đức-Thánh-Linh soi sáng càng hơn con đường theo Chúa của chúng ta bằng lẽ thật của Ngài cho đến khi chúng ta được gặp Đức Chúa Jêsus trong sự vinh hiển vui mừng. Amen.