CƠ-ĐỐC NHÂN VÀ Ý MUỐN CỦA ĐỨC CHÚA TRỜI

Ngày hôm nay trên cả thế giới có khoảng hơn hai tỷ người tin Chúa hoặc nói rằng mình theo Chúa, nhưng có một số con dân Chúa vẫn chưa phân biệt được đâu là ý muốn của Đức Chúa Trời. Hoặc nói cách khác thì có một số Cơ-đốc-nhân vẫn còn chưa biết rõ tường tận tất cả các ý muốn của Đức Chúa Trời là gồm những điều nào.

Theo như lời Kinh thánh cho biết thì ý muốn của Chúa bao gồm những điều sau đây:

– Chúa muốn loài người tin Chúa để được cứu (Giăng 16: 40). Chữ tin nầy có nghĩa là tin bằng tấm lòng và sống theo mẫu mực mà Chúa đã dạy dỗ trong Kinh thánh (Ê-phê-sô 5: 17), chớ không phải tin bằng hình thức bên ngoài và chỉ có danh không mà thôi.

– Chúa muốn con dân Ngài ghi nhớ và làm theo mọi điều Chúa đã dạy dỗ trong Kinh thánh (Giô-suê 1: 8, 1Các Vua 2: 3, Thi thiên 40: 8)

– Chúa muốn con dân Chúa từ bỏ người cũ (bản chất cũ) của mình và trở nên người mới trong Chúa (Ê-phê-sô 2: 14-15, Rô-ma 12: 2), tức là người được tái sanh và nên thánh (1Tê-sa-lô-ni-ca 4: 3-5). Nói một cách chi tiết hơn thì Chúa muốn con dân Ngài phải trở nên những người chân thật (Thi thiên 51: 6) và có tình yêu thương cũng như lòng nhân từ thương xót đối với người khác (Ma-thi-ơ 9: 13, 12: 7).

– Chúa muốn chúng ta trưởng thành trong đức tin, nghĩa là phải tăng trưởng trong sự hiểu biết Chúa (Ê-phê-sô 4: 14).

– Chúa muốn Cơ-đốc-nhân chúng ta lúc nào cũng phải dư dật trong sự tạ ơn Chúa (1Tê-sa-lô-ni-ca 5: 18).

– Chúa muốn chúng ta sống đạo một cách mẫu mực để làm chứng tốt về Ngài cho mọi người chưa tin hầu họ có cơ hội được cứu (Cô-lô-se 1: 7, 1Phi-e-rơ 2: 15, 4: 19).

– Chúa muốn mọi người, nhất là Cơ-đốc-nhân, phải được cứu và hiểu biết lẽ thật (Ma-thi-ơ 23: 37, 1Ti-mô-thê 2: 4). Chữ phải được nhấn mạnh ở đây vì có một số Cơ-đốc-nhân chỉ theo Chúa bằng hình thức và danh xưng mà thôi chớ chưa thật sự vâng phục để làm theo ý muốn Chúa.

Trên đây là những điều tổng quát về ý muốn của Đức Chúa Trời. Nếu Cơ-đốc-nhân chúng ta muốn biết thêm chi tiết về ý muốn của Chúa thì có thể đọc thêm những câu gốc có các chữ HÃY, ĐỪNG, PHẢI, CHỚ. Đó là các mạng lệnh mà Chúa muốn con dân Ngài thực hiện. Nhưng để hiểu rõ điều nào là mạng lệnh và điều nào là một câu gốc tường thuật, hoặc là một lời nói nhấn mạnh thì Cơ-đốc-nhân cần phải hiểu Kinh thánh cặn kẽ hơn để có thể phân biệt được (Cô-lô-se 1: 9).

Điều mà Cơ-đốc-nhân chúng ta cần để ý tại đây, đó là tất cả các ý muốn của Chúa đều quan trọng và cần phải được thực hiện (về phía con dân của Chúa, Hê-bơ-rơ 13: 21, 1Phi-e-rơ 4: 2) hoặc cần phải được hoàn thành bởi quyền năng của Chúa để thỏa mãn chương trình của Ngài (Ê-sai 55: 11).

Chúng ta thử hình dung như thế nầy thì sẽ hiểu được một cách khái quát về tầm quan trọng của ý muốn Đức Chúa Trời. Ngày xưa khi một vị vua ra chiếu chỉ thì thần dân phải tuyệt đối tuân theo, bằng không thì phạm tội khi quân, là tội rất nặng. Khi chúng ta nhớ rằng Đức Chúa Trời là Vua trên muôn vua, Chúa trên muôn chúa, là Đấng Tạo Hóa quyền năng, thì Cơ-đốc-nhân chúng ta hiểu được tầm quan trọng của ý muốn Đức Chúa Trời là thế nào.

Chính bởi lẽ đó mà lời Kinh thánh đã khẳng định một các mạnh mẽ và quả quyết rằng chỉ có những người làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời mới còn lại đời đời mà thôi, tức là chỉ có những người như vậy mới hưởng được sự sống vinh hiển nơi Thiên đàng trong tương lai (Ma-thi-ơ 7: 21, 1Giăng 2: 17, Hê-bơ-rơ 10: 36).

Khi nói đến việc làm theo ý muốn của Chúa thì có nhiều Cơ-đốc-nhân sẽ phản đối, vì nghĩ rằng không có ai làm được. Sự sợ hãi dẫn đến thái độ chống đối như vậy là vì thiếu đức tin. Nếu đọc Kinh thánh cẩn thận thì Cơ-đốc-nhân chúng ta sẽ thấy rằng không có chỗ nào trong lời của Chúa phán rằng con dân Ngài phải đạt đến một mức độ chính xác nào đó trong phương diện thuộc linh thì mới được cứu. Vì Chúa là Đấng thấy tấm lòng của mỗi người, nên lời của Chúa đã khẳng định rõ ràng về trọng tâm của đức tin là Cơ-đốc-nhân có thật sự muốn làm theo ý muốn của Chúa hay không mà thôi (Phi-líp 2: 13, Thi thiên 143: 10, Cô-lô-se 4: 12, Gia-cơ 2: 17). Đó là vấn đề trọng tâm. Còn việc làm theo đến mức độ nào thì tùy thuộc vào sự cầu xin của mỗi người để có thể nhờ sức của Đức-Thánh-Linh mà thực hiện một cách đầy đủ và trọn vẹn (Phi-líp 4: 13).

Cơ-đốc-nhân chúng ta cần phải hiểu rằng sự nên thánh (tức là làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời) là một tiến trình đời đời, không có lúc nào dừng lại (1Cô-rinh-tô 11: 1, Ê-phê-sô 5: 1). Vấn đề quan trọng là Cơ-đốc-nhân có muốn nên thánh theo ý của Chúa (1Tê-sa-lô-ni-ca 4: 3-5) để được cứu rỗi hay không mà thôi. Hay nói một cách khác, là Cơ-đốc-nhân chúng ta có muốn bắt đầu việc làm theo ý muốn Đức Chúa Trời hay không (tức là có muốn bắt đầu tiến trình nên thánh hay không).

Trong tất cả các ý muốn của Chúa vừa được liệt kê ở trên thì việc được cứu rỗi và hiểu biết lẽ thật là hai điều quan trọng hơn hết. Thứ nhất, về vấn đề được cứu rỗi, thì đây là điều quan trọng hàng đầu, bởi lẽ đó mà Đức Chúa Trời mới giáng sinh thành người để chịu chết trên thập tự giá. Vì muốn con người được cứu rỗi nên Đức Chúa Jêsus phải đổ huyết quí báu của Ngài để nhân loại có thể nhận được điều đó. Thế nên sứ đồ Phao-lô rất để ý đến chính sự cứu rỗi của cá nhân ông. Theo lời của Phao-lô thì nếu một người chỉ biết sống thiện lành, làm điều tốt cho người khác, được tiếng khen, được người ta quý chuộng, mà không nhận được sự sống đời đời thì những điều kia có ích gì đâu (1Cô-rinh-tô 9: 26-27). Cũng một thể ấy, nếu Cơ-đốc-nhân không chú ý đến việc làm sao để mình chắc chắn nhận được sự cứu rỗi trong ngày Đức Chúa Jêsus tái lâm thì như vậy sẽ phụ lòng Chúa rất nhiều.

Thứ hai, việc hiểu biết lẽ thật (tức là hiểu tường tận sự sâu nhiệm trong lời Kinh thánh) cũng là điều quan trọng hàng đầu, vì nhờ đó mà Cơ-đốc-nhân chúng ta mới biết rõ ý muốn của Chúa là thế nào để làm theo, bằng không thì cứ tưởng rằng tin suông cũng sẽ được cứu hoặc chỉ cần làm theo nghi lễ hình thức bên ngoài thì cũng nhận được sự sống đời đời. Vì lời của Chúa là quan trọng như vậy nên Ngài chỉ ban cho nhân loại một quyển Kinh thánh mà thôi, không có một điều thứ hai nào khác, hầu cho con dân Chúa hiểu được tầm quan trọng của Kinh thánh khi thấy sự hiếm hoi như vậy.

Nhưng một trong những khuyết điểm phổ thông của Cơ-đốc-nhân chúng ta là thường chỉ đọc Kinh thánh lướt qua mà thôi, chớ ít khi nghiên cứu và suy gẫm cho thật kỹ lưỡng, vì vậy mà chỉ nắm bắt được ý nghĩa bề mặt của chữ, của câu gốc hay của một phần Kinh thánh nào đó, nhưng lại không chịu so sánh với toàn bộ lẽ thật của cả Kinh thánh về vấn đề ấy (2Ti-mô-thê 3: 16-17). Vì vậy mà việc giải thích Kinh thánh của Cơ-đốc-nhân không có sự thống nhất. Trái lại nhiều khi rất mâu thuẫn với nhau vì cớ không hiểu tường tận và có đức tin còn yếu kém (2Phi-e-rơ 3: 16).

Lời của Chúa khẳng định mạnh mẽ rằng nhờ Kinh thánh mà con dân của Ngài sẽ được cứu (2Ti-mô-thê 3: 15, Gia-cơ 1: 18). Điều đó có nghĩa là ngoài Kinh thánh ra thì Cơ-đốc-nhân không còn có cách nào khác để xây dựng đức tin của mình và để biết được ý muốn của Chúa rõ ràng mà làm theo hầu có thể được cứu.

Chính bởi lẽ đó mà việc được cứu rỗi và việc hiểu biết lẽ thật đã được ghi lại trong cùng một câu Kinh thánh để Cơ-đốc-nhân chúng ta có thể thấy được mối liên hệ quan trọng của hai điều đó (1Ti-mô-thê 2: 4).

Vì tiêu chuẩn của việc được cứu rỗi là làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời, mà ý muốn của Chúa là Cơ-đốc-nhân chúng ta phải hiểu biết lẽ thật trong Kinh thánh, nên việc đọc, nghiên cứu và suy gẫm Kinh thánh đáng phải là công tác hàng đầu của Cơ-đốc-nhân và của Hội thánh Chúa khắp mọi nơi. Nhưng theo thực tế cho thấy thì các hoạt động khác lại được dành nhiều thì giờ hơn là việc học Kinh thánh.

(Xin đọc thêm bài viết về CƠ-ĐỐC NHÂN VÀ KINH THÁNHCƠ-ĐỐC NHÂN VÀ PHƯƠNG PHÁP HỌC KINH THÁNH)

(còn tiếp)

CÁC CÂU GỐC ĐÃ TRƯNG DẪN:

1CÁC VUA 2: 3 – Hãy giữ điều Giê-hô-va Đức Chúa Trời muốn con giữ, để đi trong đường lối Ngài, gìn giữ những luật pháp, điều răn, mạng lịnh, và sự dạy dỗ của Ngài, y như đã chép trong luật pháp của Môi-se, hầu cho con làm điều chi hay là đi nơi nào cũng đều được thành công.

THI THIÊN 40: 8 – Hỡi Đức Chúa Trời tôi, tôi lấy làm vui mừng làm theo ý muốn Chúa, luật pháp Chúa ở trong lòng tôi.

THI THIÊN 51: 6 – Nầy, Chúa muốn sự chân thật nơi bề trong; Chúa sẽ làm cho tôi được biết sự khôn ngoan trong nơi bí mật của lòng tôi.

THI THIÊN 143: 10 – Xin dạy tôi làm theo ý muốn Chúa, vì Chúa là Đức Chúa Trời tôi; Nguyện Thần tốt lành của Chúa dẫn tôi vào đất bằng thẳng.

Ê-SAI 55: 11 – Lời nói của ta cũng vậy, đã ra từ miệng ta, thì chẳng trở về luống nhưng, mà chắc sẽ làm trọn điều ta muốn, thuận lợi công việc ta đã sai khiến nó.

MA-THI-Ơ 7: 21 – Chẳng phải hễ những kẻ nói cùng ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, thì đều được vào nước thiên đàng đâu; nhưng chỉ kẻ làm theo ý muốn của Cha ta ở trên trời mà thôi.

MA-THI-Ơ 9: 13 – Hãy đi, và học cho biết câu nầy nghĩa là gì: Ta muốn sự thương xót, nhưng chẳng muốn của lễ. Vì ta đến đây không phải để kêu kẻ công bình, song kêu kẻ có tội.

MA-THI-Ơ 12: 7 – Phải chi các ngươi hiểu nghĩa câu nầy: Ta muốn lòng nhân từ, không muốn của tế lễ, thì các ngươi không trách những người vô tội.

MA-THI-Ơ 23: 37 – Hỡi Giê-ru-sa-lem, Giê-ru-sa-lem, ngươi giết các đấng tiên tri và ném đá những kẻ chịu sai đến cùng ngươi, bao nhiêu lần ta muốn nhóm họp các con ngươi như gà mái túc con mình lại ấp trong cánh, mà các ngươi chẳng khứng!

LU-CA 13: 34 – Hỡi Giê-ru-sa-lem, Giê-ru-sa-lem, ngươi giết các tiên tri, và quăng đá các đấng chịu sai đến cùng ngươi, ghe phen ta muốn nhóm họp con cái ngươi, như gà mái túc và ấp con mình dưới cánh, mà các ngươi chẳng muốn!

GIĂNG 6: 40 – Đây là ý muốn của Cha ta, phàm ai nhìn Con và tin Con, thì được sự sống đời đời; còn ta, ta sẽ làm cho kẻ ấy sống lại nơi ngày sau rốt.

RÔ-MA 12: 2 – Đừng làm theo đời nầy, nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình, để thử cho biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào.

1CÔ-RINH-TÔ 9: 26-27 – Vậy thì, tôi chạy, chẳng phải là chạy bá vơ; tôi đánh, chẳng phải là đánh gió. Song tôi đãi thân thể tôi cách nghiêm khắc, bắt nó phải phục, e rằng sau khi tôi đã giảng dạy kẻ khác, mà chính mình phải bị bỏ chăng.

1CÔ-RINH-TÔ 11: 1 – Hãy bắt chước tôi, cũng như chính mình tôi bắt chước Đấng Christ vậy.

Ê-PHÊ-SÔ 2: 14-15 – Vì, ấy chính Ngài là sự hòa hiệp của chúng ta; Ngài đã hiệp cả hai lại làm một, phá đổ bức thường ngăn cách, là sự thù nghịch đã phân rẽ ra, bởi vì Ngài đã đem thân mình mà trừ bỏ luật pháp của các điều răn chép thành điều lệ. Như vậy, khi làm cho hòa nhau, Ngài muốn lấy cả hai lập nên một người mới trong Ngài,

Ê-PHÊ-SÔ 4: 14 – Ngài muốn chúng ta không như trẻ con nữa, bị người ta lừa đảo, bị mưu chước dỗ dành làm cho lầm lạc, mà day động và dời đổi theo chiều gió của đạo lạc.

Ê-PHÊ-SÔ 5: 1 – Vậy anh em hãy trở nên kẻ bắt chước Đức Chúa Trời như con cái rất yêu dấu của Ngài.

Ê-PHÊ-SÔ 5: 17 – Vậy chớ nên như kẻ dại dột, nhưng phải hiểu rõ ý muốn của Chúa là thế nào.

PHI-LÍP 2: 13 – Vì ấy chính Đức Chúa Trời cảm động lòng anh em vừa muốn vừa làm theo ý tốt Ngài.

PHI-LÍP 4: 13 – Tôi làm được mọi sự nhờ Đấng ban thêm sức cho tôi.

CÔ-LÔ-SE 1: 7 – Vì Đức Chúa Trời muốn khiến họ biết sự giàu vinh hiển của sự mầu nhiệm đó ở giữa dân ngoại là thể nào, nghĩa là Đấng Christ ở trong anh em, là sự trông cậy về vinh hiển.

CÔ-LÔ-SE 1: 9 – Cho nên, chúng tôi cũng vậy, từ ngày nhận được tin đó, cứ cầu nguyện cho anh em không thôi, và xin Đức Chúa Trời ban cho anh em được đầy dẫy sự hiểu biết về ý muốn của Ngài, với mọi thứ khôn ngoan và hiểu biết thiêng liêng nữa.

CÔ-LÔ-SE 4: 12 – Ê-pháp-ra, người hàng xứ với anh em, tôi tớ của Đức Chúa Jêsus Christ, có lời chào anh em; người vì anh em chiến đấu không thôi trong khi cầu nguyện, để anh em trở nên toàn vẹn và trọn niềm vâng phục mọi ý muốn của Đức Chúa Trời.

1TÊ-SA-LÔ-NI-CA 4: 3-5 – Vì ý muốn Đức Chúa Trời, ấy là khiến anh em nên thánh: tức là phải lánh sự ô uế, mỗi người phải biết giữ thân mình cho thánh sạch và tôn trọng, chẳng bao giờ sa vào tình dục luông tuồng như người ngoại đạo, là kẻ không nhìn biết Đức Chúa Trời.

1TÊ-SA-LÔ-NI-CA 5: 18 – Phàm việc gì cũng phải tạ ơn Chúa; vì ý muốn của Đức Chúa Trời trong Đức Chúa Jêsus Christ đối với anh em là như vậy.

2TÊ-SA-LÔ-NI-CA 1: 5 – Đó đủ chứng cớ về sự đoán xét công bình của Đức Chúa Trời, Ngài muốn khiến anh em nên xứng đáng cho nước Ngài, là vì nước đó mà anh em chịu khổ.

1TI-MÔ-THÊ 2: 4 – Ngài muốn cho mọi người được cứu rỗi và hiểu biết lẽ thật.

2TI-MÔ-THÊ 3: 15 – Từ khi con còn thơ ấu đã biết Kinh thánh vốn có thể khiến con khôn ngoan để được cứu bởi đức tin trong Đức Chúa Jêsus Christ.

2TI-MÔ-THÊ 3: 16-17 – Cả Kinh thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn, có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình, hầu cho người thuộc về Đức Chúa Trời được trọn vẹn và sắm sẵn để làm mọi việc lành.

HÊ-BƠ-RƠ 10: 36 – Vì anh em cần phải nhịn nhục, hầu cho khi đã làm theo ý muốn Đức Chúa Trời rồi, thì được như lời đã hứa cho mình.

HÊ-BƠ-RƠ 13: 21 – Nguyền xin Ngài bởi Đức Chúa Jêsus Christ khiến anh em nên trọn vẹn trong mọi sự lành, đặng làm thành ý muốn Ngài, và làm ra sự đẹp ý Ngài trong chúng ta; sự vinh hiển đáng về Ngài đời đời vô cùng! A-men.

GIA-CƠ 1: 18 – Ấy chính Ngài theo ý muốn mình, đã dùng lời chân thật sanh chúng ta, hầu cho chúng ta được nên như trái đầu mùa của những vật Ngài dựng nên.

GIA-CƠ 2: 17 – Về đức tin, cũng một lẽ ấy; nếu đức tin không sanh ra việc làm, thì tự mình nó chết.

1PHI-E-RƠ 2: 15 – Vì anh em làm điều lành để ngăn miệng những kẻ ngu muội dại dột, ấy là ý muốn của Đức Chúa Trời.

1PHI-E-RƠ 4: 2 – Hầu cho còn sống trong xác thịt bao lâu thì chớ lại theo những sự người ta ưa thích, một phải theo ý muốn Đức Chúa Trời.

1PHI-E-RƠ 4: 19 – Vậy những kẻ chịu khổ theo ý muốn Đức Chúa Trời, hãy cứ làm lành mà phó linh hồn mình cho Đấng Tạo hóa thành tín.

2PHI-E-RƠ 3: 16 – Ấy là điều người đã viết trong mọi bức thơ, nói về những sự đó, ở trong có mấy khúc khó hiểu, mà những kẻ dốt nát và tin không quyết đem giải sai ý nghĩa, cũng như họ giải sai về các phần Kinh thánh khác, chuốc lấy sự hư mất riêng về mình.

1GIĂNG 2: 17 – Vả thế gian với sự tham dục nó đều qua đi, song ai làm theo ý muốn Đức Chúa Trời thì còn lại đời đời.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *