CƠ-ĐỐC NHÂN VÀ SỰ TỰ DO
TỰ DO TRONG KHUÔN KHỔ
Kinh thánh: 1Phi-e-rơ 2: 11-17
Câu gốc: 1CÔ-RINH-TÔ 8: 9 – Nhưng hãy giữ lấy, kẻo sự tự do mình làm dịp cho kẻ yếu đuối vấp phạm.
*******
Ở tại Hoa-kỳ thì một trong những điều mà người lái xe phải chú ý là bảng tốc độ. Tất cả các con đường ở tại Mỹ, dầu là đường nông thôn vắng vẻ hay là đường tại trung tâm thành phố hoặc là đường xa lộ xuyên bang thì chính phủ luôn luôn có những tấm bảng ghi rõ ràng tốc độ cho phép mà người lái xe có thể sử dụng trên khoảng đường đó. Những bảng tốc độ như vậy quan trọng đến nỗi chính phủ đã cung cấp luôn cả tọa độ của từng bảng một cho vệ tinh nhân tạo trên không gian. Vì vậy khi chúng ta lái xe thì thấy có những lúc số chỉ vận tốc trên GBS thay đổi chính xác với bảng tốc độ đặt dọc theo đường mặc dầu lúc đó chúng ta vẫn đang chạy trên một con đường mà thôi. Những người lái xe tập trung, nhất là các tài xế xe tải đều nhận biết được điều đó. Dẫu vậy cũng đã có những trường hợp mà người lái chưa có nhiều kinh nghiệm bị cảnh sát thổi phạt vì họ không thay đổi đúng tốc độ theo bảng chỉ dẫn đặt dọc theo bên đường.
Chẳng hạn như khi chúng ta lái xe trong nội thành của một thành phố thì tốc độ cho phép có thể là 45 hoặc 35 miles một giờ, nhưng khi chạy ngang qua những đoạn đường có trường học hoặc khu dân cư đông đúc hoặc là khu shopping thì bảng tốc độ cho phép là 25 miles một giờ. Còn những khi chúng ta thấy có những trụ đèn vàng nhấp nháy báo hiệu thì người lái phải giảm tốc độ xuống còn 15 miles một giờ để có thể đề phòng trường hợp cần phải thắng xe lại vì có trẻ em hoặc người già băng qua đường.
Những bảng hướng dẫn tốc độ như vậy không phải là được gắn lên một cách cẩu thả theo ý thích của chính quyền, nhưng đã được nghiên cứu kỹ lưỡng bởi các chuyên gia về giao thông và phải được chính phủ địa phương thông qua thì mới được dựng lên. Riêng với tốc độ trên đường xa lộ xuyên bang thì sau khi được các chuyên gia gợi ý thì những tốc độ đó đều phải được sự đồng ý của cả quốc hội tiểu bang và quốc hội liên bang rồi mới được ghi thành luật và mới được phép cắm dọc theo đường xa lộ.
Bảng hướng dẫn tốc độ là thí dụ mà tôi muốn sử dụng để minh họa cho tầm quan trọng của quyển Kinh thánh mà Đức Chúa Trời đã ban cho loài người chúng ta. Tất cả các Cơ-đốc-nhân đều biết rằng khi tạo dựng con người thì Đức Chúa Trời đã ban cho nhân loại quyền tự do để lựa chọn điều mình muốn làm. Đây là nhân quyền đầu tiên và quan trọng nhất mà con người có được từ Đấng Tạo Hóa. Nhưng không phải vì được sự tự do như vậy thì con người muốn làm gì cũng được. Vì trong đời sống nầy luôn có hai phương diện trái ngược nhau, đó là hoặc làm điều tốt cho mình và cho người khác hoặc là làm điều xấu ảnh hưởng đến chính mình và cũng ảnh hưởng đến người chung quanh. Đó là hai phương diện trái ngược nhau giữa điều thiện và điều ác. Vì sự cám dỗ của ma quỉ và vì bản ngã xác thịt của con người mà nhân loại thường dùng sự tự do có được để làm điều sai. Vì vậy mà Đức Chúa Trời đã ban cho con người quyển Kinh thánh để hướng dẫn nhân loại biết chọn điều đúng đắn để thực hiện hầu có thể nhận được phần thưởng từ nơi Đấng Tạo Hóa.
Một trong những nguyên tắc và luật lệ của tự nhiên do Đức Chúa Trời đặt ra là mọi việc làm đều có hậu quả của nó. Đây là điều mà người xưa, mặc dầu không biết Đức Chúa Trời bao nhiêu, những vẫn nhận ra được và vì vậy mà mới có câu thành ngữ là hễ gieo gió thì gặt bão, tương tự như lời Kinh thánh đã có ghi lại trong thư tín Ga-la-ti:
GA-LA-TI 6: 7 – Chớ hề dối mình; Đức Chúa Trời không chịu khinh dể đâu; vì ai gieo giống chi, lại gặt giống ấy.
Đức Chúa Trời là Đấng Công Bình cho nên Ngài thưởng phạt rất là phân minh. Hễ ai làm điều thiện lành thì người đó được phước từ nơi Ngài, còn ai làm điều gian ác thì chắc chắn sẽ bị phạt. Mặc dầu con người đều biết về luật nhân quả nầy nhưng không phải tất cả mọi người đều cố gắng làm thiện. Rất nhiều người thích làm theo ý mình, nhất là vì muốn được lợi ích cho bản thân mà bất kể đến sự thiệt hại cho người khác. Nhưng khi họ phải chịu đau khổ vì hậu quả của việc đã làm thì họ lại trách móc Đấng Tạo Hóa, đến nỗi trong dân gian vẫn thường nghe câu nói phạm thượng là Ông Trời không có mắt hoặc là lời than thở rằng Trời hại tôi rồi.
Nhưng Đức Chúa Trời không những là Đấng Công Bình mà Ngài còn là Đấng Yêu Thương. Vì vậy Chúa không muốn người ta phải chịu án phạt nặng nề vì cớ phạm tội. Bởi cớ ấy mà Đức Chúa Trời đã giáng sinh vào trong trần gian, mang thân xác con người và được gọi là Đức Chúa Jêsus để chịu chết đền tội của con người đã làm trong quá khứ. Vì vậy khi một người tin Chúa thì tất cả mọi tội lỗi mà người ấy đã phạm đều được xóa sạch, như lời của Chúa đã được ghi lại trong sách tiên tri Ê-sai:
Ê-SAI 53: 5 – Nhưng Người đã vì tội lỗi chúng ta mà bị vết, vì sự gian ác chúng ta mà bị thương. Bởi sự sửa phạt Người chịu chúng ta được bình an, bởi lằn roi người chúng ta được lành bịnh.
1PHI-E-RƠ 2: 23 – Ngài bị rủa mà chẳng rủa lại, chịu nạn mà không hề ngăm dọa, nhưng cứ phó mình cho Đấng xử đoán công bình; Ngài gánh tội lỗi chúng ta trong thân thể Ngài trên cây gỗ, hầu cho chúng ta là kẻ đã chết về tội lỗi, được sống cho sự công bình; lại nhân những lằn đòn của Ngài mà anh em đã được lành bịnh.
Khi Kinh thánh ghi lại rằng Đức Chúa Trời đã tha thứ hết mọi tội lỗi của chúng ta bởi sự chết của Đức Chúa Jêsus trên thập tự giá thì điều đó có nghĩa là Ngài tha thứ hết tội lỗi của chúng ta trong quá khứ và nếu sau đó có lỡ yếu đuối phạm phải lầm lỗi thì Ngài cũng tha nếu thật lòng ăn năn, tức là không bao giờ còn tái phạm lại lầm lỗi nữa. Kinh thánh không hề có ý bảo con người tin Chúa để tiếp tục phạm tội và tiếp tục được tha mãi. Khi người ta hiểu như vậy là cố tình lợi dụng tình yêu của Chúa và lợi dụng dòng huyết quý báu của Ngài đã đổ ra trên thập tự giá để thoả mãn bản ngã và tham muốn riêng của cá nhân. Hiểu như vậy chẳng khác gì một người chồng bảo vợ tha thứ cho anh ta về tội ngoại tình để anh tiếp tục phạm tội nhiều lần nữa. Loài người còn không thể chấp nhận để bị lừa dối như vậy, huống chi là Đức Chúa Trời. Vì thế để được tha tội thì ai nấy phải ăn năn và hứa là không bao giờ phạm lại tội lần thứ hai, như lời của Phao-lô đã bày tỏ và đã được ghi lại trong sách Công vụ:
CÔNG VỤ 16: 10 – Nhưng đầu hết tôi khuyên dỗ người thành Đa-mách, kế đến người thành Giê-ru-sa-lem và cả xứ Giu-đê, rồi đến các dân ngoại rằng phải ăn năn và trở lại cùng Đức Chúa Trời, làm công việc xứng đáng với sự ăn năn.
Kinh thánh Kinh thánh dùng những chữ làm công việc xứng đáng với sự ăn năn thì điều đó có nghĩa là không bao giờ tái phạm lại tội mà mình đã được tha. Bởi lẽ đó mà Đức Chúa Jêsus đã phán rằng người đã ăn năn về tội lỗi của mình rồi thì chớ phạm lại tội ấy nữa, kẻo hình phạt sẽ càng nặng hơn, như trong trường hợp của người bị bại được Chúa chữa lành tại ao Bê-tết-đa và đã được ghi lại trong sách Tin lành Giăng:
GIĂNG 5: 14 – Sau lại, Đức Chúa Jêsus gặp người đó trong đền thờ, bèn phán rằng: Kìa, ngươi đã lành rồi, đừng phạm tội nữa, e có sự gì càng xấu xa xảy đến cho ngươi chăng.
Sự con người ăn năn rồi sau đó tiếp tục tái phạm lại tội lỗi cũ thì cũng giống như người chạy xe quá tốc độ bị cảnh sát phạt rồi lại tiếp tục chạy quá tốc độ như trước. Vì vậy chính phủ đã có những đạo luật phạt nặng hơn những người cứ cố tình phạm lại tội cũ, không những phạt tiền mà còn bị bắt giam và bị mất luôn bằng lái xe. Có thể là có người chạy chậm lại một thời gian sau khi bị phạt, nhưng lâu dầu thì họ sẽ quên và tiếp tục thói quen chạy xe nhanh như trước. Trong phương diện thuộc linh thì cũng có nhiều người giống như vậy. Bởi lẽ đó mà Đức Chúa Trời ban cho nhân loại quyển Kinh thánh để nhắc nhở về những mạng lệnh và mẫu mực mà Chúa đã chỉ định, cũng giống như những bảng ghi tốc độ dọc theo bên đường, và Cơ-đốc-nhân phải đọc Kinh thánh thường xuyên để chính mình được có thể, ghi nhớ, tỉnh tức và làm theo.
Theo các chuyên gia giao thông thì bảng tốc độ chỉ định được gắn dọc theo đường là tốc độ an toàn nhất cho người lái xe trên đoạn đường đó. Các kỹ sư khi làm đường thì đã để ý đến điều kiện của mặt đường, độ cong của con đường và nhiều yếu tố khác nữa để xác định tốc độ nào là an toàn nhất cho người lái xe chạy trên con đường đó. Thí dụ chẳng hạn như bảng tốc độ dành cho người lái xe chạy qua các cây cầu bắc ngang eo biển của Hoa-kỳ. Tôi đã từng lái xe chạy ngang qua eo biển của tiểu bang Virginia trên cây cầu dài 17 dặm (khoảng hơn 44 cây số, tức là cây cầu dài hơn đoạn đường từ trung tâm Saigon đến thành phố Biên hòa). Khi chạy trên những cây cầu như vậy thì gió bạt rất mạnh, vì chung quan đều là biển cả, không có một cấu trúc nào để ngăn gió, nên các chuyên gia giao thông đã quy định tốc độ an toàn nhất là 45 miles một giờ cho tất cả các loại xe. Ngoài ra thì các loại xe tải 18 bánh phải chở trọng tải tổng cộng là trên 15,000 pounds (khoảng 3 tấn 3) thì mới có thể bảo đảm an toàn. Dầu vậy vẫn có những tài xế xe tải bất kể đến sự hướng dẫn đó để chạy xe trống ngang qua cầu. Chúng ta biết là những xe tải 18 bánh thì có thùng xe rất cao, nhiều khi là hơn 9 feet. Vì vậy mà đã có những trường hợp lật xe trên cầu vì bị gió bạt quá mạnh. Cũng đã có trường hợp nguyên một chiếc xe tải 18 bánh ủi bể thành cầu bằng bê tông cốt sắt và rơi xuống biển làm người tài xế bị thiệt mạng. Người ta phải đem xà lan đến để câu chiếc xe tải lên khỏi đáy biển vì sợ sóng có thể đẩy thân xe vào chân cầu và làm hại cấu trúc của nó.
Mặc dầu người Hoa-kỳ là cư dân của một đất nước tự do, nhưng không phải vì thế mà họ muốn chạy xe với tốc độ nào cũng được. Có thể có những người lái xe nhiều năm và họ có kinh nghiệm để nhận biết tốc độ nào là tốt nhất để có thể lái xe an toàn. Nhưng không phải vì thế mà họ có thể chạy bất cần để ý đến tốc độ đã chỉ định. Lý do là vì sẽ có nhiều người chạy theo tốc độ của họ, mà người ta thường gọi là núp bóng xe trước để tránh cảnh sát. Thứ nhất là nếu có bị cảnh sát bắt thì xe chạy trước sẽ bị bắt trước tiên còn các xe sau sẽ chạy chậm lại và thoát được cảnh sát công lộ. Nhưng đã có những trường hợp núp bóng xe trước như vậy mà gây ra tai nạn khi các chiếc xe không thắng kịp và đụng đít nhau.
Cũng một thể ấy, trong phương diện thuộc linh không phải vì Cơ-đốc-nhân đã được Chúa ban cho sự tự do mà muốn sống thế nào cũng được. Đã có một số Cơ-đốc-nhân lợi dụng những câu gốc sau đây để từ chối sống đạo và tuyên bố rằng vì cớ họ đang sống trong thời kỳ ân điển nên không cần phải làm theo luật pháp và mẫu mực của Kinh thánh, chẳng hạn như một câu trong
RÔ-MA 6: 14 – Vì tội lỗi không cai trị trên anh em đâu; bởi anh em chẳng thuộc dưới luật pháp, mà thuộc dưới ân điển.
Thật ra thì câu gốc nầy có ý dạy dỗ Cơ-đốc-nhân về việc đừng phạm tội nữa, có nghĩa là đừng để tội lỗi tiếp tục làm chủ đời sống mình như những ngày chưa tin, nhưng phải nhớ đến ân điển tha thứ của Chúa để sống mẫu mực như là một lời tạ ơn và cũng để làm gương tốt cho người khác. Nhưng có một số người thì hiểu sai để rồi tuyên bố là không cần phải làm theo luật pháp của Kinh thánh. Sự hiểu lầm như vậy xãy ra là vì họ đọc chỉ có câu 14 mà thôi, chớ không chịu đọc thêm câu 15 để hiểu cho rõ nghĩa sự dạy dỗ của lời Đức Chúa Trời, vì câu 15 có nhắc nhở đến việc đừng phạm tội nữa:
RÔ-MA 6: 15 – Vậy thì làm sao! Vì chúng ta không thuộc dưới luật pháp, nhưng thuộc dưới ân điển, thì chúng ta sẽ phạm tội hay sao? Chẳng hề như vậy!
Giống như thí dụ về bảng chỉ dẫn tốc độ gắn dọc theo bên đường, thì khi một Cơ-đốc-nhân ỷ mình đã được tự do trong ân điển của Chúa để sống bất cần để ý đến các mẫu mực trong Kinh thánh thì người đó sẽ làm gương xấu và sẽ cám dỗ người khác bắt chước theo để sống như vậy. Rốt lại sự thiếu mẫu mực của nhiều Cơ-đốc-nhân sẽ làm cho Hội thánh không gây được tiếng tốt cho người chưa tin. Nguy hiểm hơn nữa là nếu một người ỷ lại vào ân điển để phạm tội thì sẽ làm cho những Cơ-đốc-nhân khác có thể bắt chước theo đó mà phạm tội giống như vậy. Bởi lẽ đó mà lời của Chúa trong Kinh thánh đã phán dặn rằng Cơ-đốc-nhân đừng lấy sự tự do của mình mà làm cho người khác vấp phạm, như có chép trong thư tín 1Cô-rinh-tô:
1CÔ-RINH-TÔ 8: 9 – Nhưng hãy giữ lấy, kẻo sự tự do mình làm dịp cho kẻ yếu đuối vấp phạm.
Bảng chỉ dẫn tốc độ được đặt dọc theo đường để báo cho mọi người lái xe biết về tốc độ an toàn nhất cho chính họ và những người lái xe khác, ngay cả đối với những người đi bộ trên đoạn đường đó. Cũng một thể ấy, mẫu mực trong Kinh thánh đã được Đức Chúa Trời dạy dỗ để giúp cho mọi người tránh được tội lỗi mà có đời sống bình an, vui mừng và được phước của Chúa. Nếu người lái xe không để ý đến bảng hướng dẫn tốc độ và chạy xe quá nhanh để gây tai nạn nguy hiểm cho mình và cho người khác, thì cũng cùng một cách như vậy, Cơ-đốc-nhân sống không mẫu mực sẽ gây nguy hiểm cho chính mình và cho người khác vạn lần hơn, bởi vì điều đó liên quan đến linh hồn và sự sống đời đời.
Ngoài ra khi chúng ta lái xe trên đường thì cũng phải hết sức thận trọng và giảm tốc độ tại những khu vực đường cong, mà tài xe xe truck tại Hoa-kỳ gọi một số nơi là khúc cong tử thần, giống như đoạn đường cong tại thành phố Cameron tiểu bang Missouri. Tại những chỗ cong như vậy thì chính phủ thường có bảng báo động trước đó vài dặm và có bảng chỉ dẫn tốc độ an toàn nhất để chạy qua những chỗ như thế. Dầu vậy vẫn có nhiều tài xế không thèm để ý và hậu quả là họ bị lật xe hoặc đụng vào xe khác, có khi gây ra tai nạn chết người.
Trong phương diện thuộc linh cũng vậy, Đức Chúa Trời đã dùng lời Kinh thánh để cảnh tỉnh Cơ-đốc-nhân về những nguy hiểm mà chúng ta cần phải để ý, hầu có thể tránh được sự phạm tội hoặc tránh được sự thiệt hại cho chính mình và cho người thân yêu của mình, chẳng hạn như những câu gốc sau đây:
CHÂM NGÔN 23: 31-32 – Chớ xem ngó rượu khi nó đỏ hồng, lúc nó chiếu sao trong ly, và tuôn chảy dễ dàng. Rốt lại, nó cắn như rắn, chích như rắn lục.
GIU-ĐE 1: 23 – Hãy cứu vớt những kẻ kia, rút họ ra khỏi lửa; còn đối với kẻ khác, hãy có lòng thương lẫn với sợ, ghét cả đến cái áo bị xác thịt làm ô uế.
Vì vậy Cơ-đốc-nhân chúng ta cần phải thận trọng mỗi một khi được lời của Chúa nhắc nhở về những điều cần phải tránh.
Tất cả chúng ta là người lái xe tại Mỹ thì đều biết rằng khi tai nạn xãy ra thì các công ty bảo hiểm sẽ có chuyên gia để xác định mức độ có lỗi của cả hai bên. Ấy là vì lời khai của mỗi người có thể thiên vị, tức là chỉ nói những điều tốt về mình và đổ lỗi của tai nạn cho người khác. Bởi lẽ đó các chuyên gia tai nạn xe cộ của các hãng bảo hiểm sẽ xem vị trí va chạm và chiều chạy của hai chiếc xe để xác định người có lỗi. Họ cũng sẽ liên lạc với hãng điện thoại để biết là lúc tai nạn xãy ra thì ai là người đang nói chuyện trên điện thoại, vì điều đó rất dễ làm cho người lái xe bị phân tâm. Một điểm đáng chú ý là các loại xe đời mới sau nầy đều có bộ phận ghi nhận tốc độ của chiếc xe, và khi tai nạn xãy ra thì nó sẽ đứng lại đúng tại tốc độ đó. Nhờ vậy mà các chuyên gia bảo hiểm sẽ xác định được ai là người chạy quá tốc độ để quyết định người phải bồi thường. Vì vậy dầu người có lỗi cãi thế nào cũng không thắng kiện được vì đã có bằng chứng rõ ràng.
Trong phương diện thuộc linh cũng như vậy. Đến ngày phán xét chung thẩm thì Đức Chúa Trời sẽ dùng mẫu mực trong Kinh thánh để quyết định tội lỗi của mỗi người, vì những lời ấy đã được ban cho nhân loại hơn 4,000 năm rồi, như lời của Đức Chúa Jêsus đã xác định về điều đó và được ghi lại trong sách Tin lành Giăng:
GIĂNG 12: 48 – Người nào bỏ ta ra và không nhận lãnh lời ta, đã có kẻ xét đoán rồi. Lời ta đã rao giảng, chính lời đó sẽ xét đoán họ nơi ngày sau cùng.
XA-CHA-RI 5: 3 – Người bảo ta rằng: Ấy là sự rủa sả tràn ra trên khắp mặt đất: Hễ ai trộm cắp sẽ bị dứt đi theo chữ trên mặt nầy của cuốn sách nầy; hễ ai thề sẽ bị dứt đi theo chữ trên mặt kia của cuốn sách nầy.
KHẢI HUYỀN 20: 12 – Tôi thấy những kẻ chết, cả lớn và nhỏ, đứng trước tòa, và các sách thì mở ra. Cũng có mở một quyển sách khác nữa, là sách sự sống; những kẻ chết bị xử đoán tùy công việc mình làm, cứ như lời đã biên trong những sách ấy.
Một người lái xe không thể chối cãi về tai nạn mà anh đã gây ra khi nói rằng tôi không để ý đến bảng tốc độ đặt bên đường cho nên xin quan tòa thông cảm mà tha bổng cho tôi, thì cũng một thể ấy Cơ-đốc-nhân không thể thưa với Chúa trong ngày phán xét rằng Chúa ơi, con không có để ý đến những mẫu mực mà Chúa đã có ghi lại trong Kinh thánh vì vậy xin Chúa thông cảm cho con.
Ấy đó là lý do Cơ-đốc-nhân phải chuyên cần học Kinh thánh để được bình an đi đến Thiên đàng, cũng như những người muốn lái xe phải chuyên cần học luật lái xe rồi thi lấy bằng lái và lái xe theo sự sự chỉ dẫn mà chính phủ đã cho gắn dọc theo hai bên đường. Nếu lỡ có tai nạn xe cộ xãy ra thì lỗi cũng không phải thuộc về mình. Cũng một cách như vậy, khi Cơ-đốc-nhân cẩn thận sống theo mẫu mực trong Kinh thánh thì nếu lỡ có yếu đuối, vấp ngã thì Chúa cũng sẽ tha thứ bởi vì chính mình không có ý định cố tình phạm tội.
Vì vậy, cầu xin Chúa giúp đỡ cho Cơ-đốc-nhân thấy được tầm quan trọng của những sự dạy dỗ trong Kinh thánh để có thể học, nghiên cứu và làm theo cách cẩn thận trong đời sống nầy. Cầu xin Chúa cho chúng ta ghi nhớ các mạng lệnh và điều răn của Chúa một cách cẩn thận giống như người lái xe để ý đến bảng hướng dẫn tốc độ dọc theo bên đường. Cầu xin Chúa giúp đỡ cho Cơ-đốc-nhân được bình an trên con đường đi về Thiên quốc cũng như một người lái xe được bình an trên đường phố mỗi một ngày. Và cầu xin Chúa cho chúng ta thấy nhau đầy đủ ngày Đức Chúa Jêsus tái lâm. Amen.