CƠ-ĐỐC NHÂN VÀ SỰ THAM SẮC 1
Tất cả Cơ-đốc-nhân chúng ta đều biết rằng Đức Chúa Trời ngăn cấm con dân Ngài không được tham lam, dầu là trong bất cứ phương diện lớn nhỏ nào, vì như điều mà chúng ta đã cùng nhau nghiên cứu qua trong các lớp học Kinh thánh tối thứ Ba thì lời của Chúa cho biết là sự tham lam chẳng khác gì việc thờ lạy hình tượng (Cô-lô-se 3: 5)
Nếu nói một cách tổng quát thì tất cả chúng ta cũng đều biết rằng sự tham lam bao gồm 6 phương diện, là tham tiền, tham sắc, tham quyền, tham danh, tham nhàn và tham ăn. Về việc tham tiền thì quý Hội thánh đã nghe nhiều về vấn đề đó, nên mặc dầu sự tham tiền được kể là đứng đầu trong các phương diện của sự tham lam thì Cơ-đốc-nhân chúng ta đã biết ít nhiều về sự tai hại của nó, cho nên tôi xin được đề cập đến sự tham sắc trước, tức là sự đam mê sắc đẹp.
Theo ý tưởng trong Cô-lô-se 3: 5 thì sự tham sắc cũng được kể là sự thờ lạy hình tượng và tội lỗi đó có ảnh hưởng rất tai hại cho sự cứu rỗi của cá nhân, vì vậy mà con dân Chúa phải cậy sức của Đức-Thánh-Linh để tránh sự tham sắc cùng những cám dỗ của nó. Nhưng nói một cách khái quát như vậy thì không thể nào bày tỏ được hết sự nguy hiểm của tội tham sắc đối với Cơ-đốc-nhân, bởi lẽ đó mà chúng ta phải nghiên cứu về tội lỗi ấy một cách kỹ lưỡng hơn để có thể thức tỉnh mà tránh xa nó. Vì muốn của Đức Chúa Trời là tôi con Ngài phải rao giảng về Lẽ thật và phải hiểu biết về Lẽ thật nên tôi xin được trình bày về Chủ đề nầy một cách chi tiết để Cơ-đốc-nhân chúng ta có thể biết rõ ràng về sự dạy dỗ của Kinh thánh đối với tội tham sắc.
Như tôi đã từng nhiều lần thưa trình với quý Hội thánh thì Đức Chúa Trời không bao giờ muốn để cho con cái Ngài phải hoang mang về bất cứ một điều gì hoặc bất cứ một vấn đề nào trong cuộc sống, cả trong phương diện thuộc linh và thuộc thể. Vì vậy mà trong Chủ để nầy thì chúng ta trước tiên phải biết phân biệt được sự khác nhau giữa nhu cầu thưởng ngoạn cái đẹp và sự tham sắc.
Kinh thánh cho chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời là Đấng Tuyệt Mỹ và mọi điều mà Ngài đã tạo dựng nên đều có nét đẹp riêng của nó, tức là tất cả đều có sự tốt đẹp và thiện lành, như lời Kinh thánh đã bày tỏ trong (Sáng thế ký 1: 31).
Vì Đức Chúa Trời là Đấng Chân Thiện Mỹ nên bởi lẽ đó Chúa yêu những sự đẹp đẽ và tốt lành. Kinh thánh cho biết là nơi ngự của Chúa cũng là nơi đẹp đẽ, vinh hiển, như lời đã có ghi lại trong (Thi thiên 50: 2)
Vì Đức Chúa Trời là Đấng yêu sự tốt đẹp cho nên khi Ngài tạo dựng nên con người thì Chúa cũng đã tạo dựng A-đam và Ê-va theo ảnh tượng đẹp đẽ của Ngài và cũng đã lập nên vườn Ê-đen với đủ mọi thứ cây trái tốt đẹp để con người có thể hưởng phước tại đó, như lời Kinh thánh đã tường thuật lại trong (Sáng thế ký 2: 9)
Đức Chúa Trời biết rằng sự thưởng ngoạn và nhận biết điều tốt đẹp là nhu cầu của con người, cũng như điều đó là yêu cầu cần phải có tại Thiên đàng. Chính vì vậy mà việc con người thưởng thức những điều tốt đẹp và trau dồi nét đẹp của cá nhân một cách thánh sạch tôn trọng thì không bị Chúa ngăn cấm, trái lại còn được lời của Chúa khuyến khích nữa. Điều đó được thể hiện qua các phần thưởng mà Đức Chúa Trời hứa ban cho những người có đời sống vừa ý Ngài, chẳng hạn như Đức Chúa Trời đã ban xứ Ca-na-an tốt đẹp cho dòng dõi của Áp-ra-ham (Phục truyền 6: 18. 1Tê-sa-lô-ni-ca 4: 4).
Hai câu Kinh thánh nầy cho chúng thấy phần thưởng thuộc thể tốt đẹp mà Đức Chúa Trời dành cho dân Y-sơ-ra-ên và mạng lệnh phải trau dồi nét đẹp của cá nhân trong sự thánh sạch tôn trọng dành cho tất cả các con cái Chúa. Ngoài ra đối với Cơ-đốc-nhân thì phần thưởng tốt đẹp lớn nhất mà Chúa đã hứa ban cho những người có đức tin và kính yêu Chúa hết lòng là chính Thiên đàng vinh hiển của Ngài. Đó là nơi tốt đẹp nhất mà cả vũ trụ nầy cũng không thể so sánh được và lời của Chúa đã mô tả về nơi tuyệt mỹ đó (Khải huyền 21: 18, 21)
Vì vậy, theo như lời của Chúa trong các câu gốc mà tôi vừa trưng dẫn qua thì quý Hội thánh đã có thể thấy rằng việc thưởng thức và nhận biết cái đẹp không phải là tội, vì đó là phần phước mà Đức Chúa Trời ban cho con người. Nhưng đam mê cái đẹp mới là tội lỗi, và chúng ta sẽ lần lượt suy gẫm qua các câu Kinh thánh có dạy dỗ về điều đó.
Vì xu hướng chiều theo sự cám dỗ của ma quỉ mà con người dễ dàng chuyển từ việc thích cái đẹp sang việc đam mê cái đẹp. Chính nguyên nhân đó làm cho con người phạm tội tham sắc. Chúng ta biết rằng sự đam mê khác với nhu cầu, hay nói một cách khác thì sự đam mê là tham muốn những điều vượt quá nhu cầu của mình hoặc vượt quá phần phước mà Đức Chúa Trời đã ban cho. Chúng ta thử xem lại một trong những câu chuyện có liên quan đến cuộc đời của Áp-ra-ham và bà Sa-ra thì sẽ thấy được điều đó. Lời Kinh thánh cho biết rằng bà Sa-ra rất đẹp và nhan sắc của bà đã làm động lòng vua Pha-ra-ôn (Sáng thế ký 12: 14-15)
Chúng ta đều biết rằng các vị vua ngày xưa đều có nhiều cung tần mỹ nữ, nhưng dẫu Pha-ra-ôn là vua của một cường quốc thời bấy giờ, tức là người có nhiều cung phi trẻ đẹp mỹ miều, nhưng ông vẫn động lòng với nhan sắc của bà Sa-ra mặc dầu lúc bấy giờ bà đã 65 tuổi rồi. Việc Pha-ra-ôn tham muốn sắc đẹp của bà Sa-ra là thí dụ điển hình về tội tham sắc, tức là sự tham muốn vượt ra ngoài nhu cầu của cá nhân. Ngày hôm nay thế gian cũng có rất nhiều người phạm phải tội tham sắc đến nỗi họ ngoại tình mặc dầu đã có vợ con rồi, hoặc trong những trường hợp mà người ta bỏ vợ đã lớn tuổi để đi lấy người phụ nữ trẻ đẹp hơn, nhưng đây là điều mà tôi sẽ trình bày thêm trong các phần sau.
Như tôi đã có đề cập đến khi nãy thì sự đam mê là tham muốn những điều vượt quá nhu cầu của mình hoặc vượt quá phần phước mà Đức Chúa Trời đã ban cho. Trong trường hợp thứ nhất có liên quan đến bà Sa-ra thì đó là sự tham mê nhan sắc vượt quá nhu cầu của Pha-ra-ôn. Còn trong trường hợp thứ hai, là tham muốn cái tốt đẹp vượt quá phần phước của cá nhân thì chúng ta có thể lấy trường hợp của bà Ê-va để làm thí dụ. Ngay từ ban đầu, sau khi tạo dựng nên A-đam và Ê-va, thì Đức Chúa Trời đã ngăn cấm hai ông bà không được ăn trái của cây biết điều thiện và điều ác (Sáng thế ký 2: 16-17)
Vì ông A-đam và bà Ê-va được Đức Chúa Trời dựng nên cho sự sống đời đời nên Ngài đã không hề ngăn cấm họ ăn trái cây của sự sống, nhưng chỉ ngăn cấm họ đừng ăn trái của cây biết điều thiện và điều ác mà thôi. Đó là điều mà tôi đã có trình bày cùng với quý Hội thánh trong phần thứ nhất của Bài giảng với Chủ đề Tại Sao Cuộc Đời Đầy Đau Khổ. Vì vậy chúng ta có thể thấy rằng phần phước mà Đức Chúa Trời đã ban cho ông bà là được tự do ăn hoa quả của mọi thứ cây trong vườn, ngoại trừ trái của cây biết điều thiện và điều ác mà thôi. Nhưng vì lời cám dỗ của Sa-tan mà bà Ê-va đã nảy sinh ra lòng tham mê điều tốt đẹp vượt quá hơn phần phước mà Đức Chúa Trời đã ban cho (Sáng thế ký 3: 6).
Trong câu Kinh thánh nầy thì chúng ta có thể thấy rằng sự đẹp đẽ và quí báu của trái của cây biết điều thiện và điều ác đã làm cho bà Ê-va động lòng tham mà quên luôn cả sự cảnh cáo của Đức Chúa Trời về hậu quả của việc ăn trái cây đó. Sự tham mê như vậy là thí dụ điển hình về việc con người tham lam cái đẹp vượt quá phần phước mà Đức Chúa Trời đã ban cho mỗi cá nhân. Trong thực tế của đời sống thì nhiều người đã vì bản ngã và xác thịt mà phạm tội tham sắc tương tự như tội lỗi mà bà Ê-va đã phạm ngày xưa, cả trong phương diện nhan sắc của con người và cái đẹp của vật thể. Như vậy, khi hiểu được định nghĩa về sự tham sắc thì Cơ-đốc-nhân phải cẩn thận giữ mình hầu cho có thể tránh khỏi tội lỗi ấy và có thể sống đẹp lòng Đức Chúa Trời.
Bây giờ, sau khi đã suy gẫm sơ lược qua về định nghĩa của sự tham sắc thì chúng ta sẽ cùng nhau xem xét đến lý do dẫn đến việc có rất nhiều người phạm phải tội lỗi ấy, ngay cả đối với những người đã là con dân của Chúa và có biết về mạng lệnh của Ngài. Tất cả chúng ta đều biết rằng cái đẹp đi vào nhận thức của con người qua mắt nhìn, cũng như quan điểm và lý lẽ đi vào lòng người qua tai nghe. Như điều mà tôi đã trình bày qua lúc đầu thì sự thưởng thước cái đẹp là nhu cầu của đời sống con người và cái đẹp dễ dàng thu hút mắt nhìn của người khác. Như trong câu chuyện về bà Sa-ra thì chúng ta có thể thấy rằng dân Ê-díp-tô lập tức chú ý đến nhan sắc của bà trước tiên lúc Áp-ra-ham mới vừa vào xứ của họ. Dầu rằng Áp-ra-ham là nguời du mục xa lạ đối với người Ê-díp-tô nhưng khi thấy đoàn người lữ hành đến thì họ không chú ý đến điều nào khác mà chỉ chú ý đến sắc đẹp của bà Sa-ra mà thôi. Ngay cả Gia-cốp là người có đức tin mạnh mẽ nơi Đức Chúa Trời và được kể là một trong những tổ phụ của đức tin trong vòng con dân Chúa thì ông cũng chú ý đến sắc đẹp và vì vậy mà có sự thương ít thương nhiều đối với bà Lê-a và bà Ra-chên (Sáng thế ký 29: 17-18).
Nhưng chúng ta phải nhớ rằng tình yêu của Gia-cốp đối với Ra-chên không phải là tội tham sắc, vì ông không có tham muốn vượt quá nhu cầu cá nhân và phần phước mà Đức Chúa Trời đã ban cho. Cơ-đốc-nhân chúng ta cần phải để ý là các tổ phụ đức tin của Cơ-đốc-nhân đều có vợ đẹp. Kinh thánh cho biết là cả bà Sa-ra, bà Rê-bê-ca và bà Ra-chên đều là những phụ nữ rất đẹp (Sáng thế ký 24: 16).
Nhưng có một điều mà tôi muốn nhấn mạnh tại đây để quý Hội thánh có thể ghi nhớ, ấy là các tổ phụ đức tin của Cơ-đốc-nhân đều không có một người nào phạm đến tội tham sắc, vì không một ai trong số họ tham muốn sắc đẹp vượt quá nhu cầu cá nhân hoặc vượt quá sự cho phép của Đức Chúa Trời. Việc họ lập gia đình với những người trong vòng bà con thân thuộc hoặc cùng cha khác mẹ như trong trường hợp của Áp-ra-ham thì tôi sẽ xin được trình bày trong một chủ đề khác để quý Hội thánh có thể hiểu rõ hơn về điều đó. Nhưng không một ai, tôi xin được nhấn mạnh ở điểm nầy, là không một ai trong vòng Cơ-đốc-nhân nên dùng cuộc hôn nhân của họ mà bênh vực cho tội tham sắc của mình, vì đó là sự lam dụng Kinh thánh. Một thí dụ điển hình về tội lạm dụng Kinh thánh là việc người Hồi giáo đã dùng trường hợp của Gia-cốp có 4 vợ để dựng nên giáo lý là người nam của đạo Hồi có quyền lấy vợ nhiều như vậy và thậm chí có thể lấy người bà con có huyết thống gần với họ giống như trong trường hợp của Áp-ra-ham.
Chủ ý của tôi khi đề cập đến trường hợp của các tổ phụ đã lấy vợ đẹp thì ấy là vì tôi chỉ muốn thí dụ về việc con người nhận thức sắc đẹp qua mắt nhìn mà thôi. Điều đó không phải là tội. Nhưng nguyên nhân chính yếu dẫn người ta đến việc phạm tội tham sắc là tư tưởng hoặc hành động kế tiếp của mỗi người sau khi nhận thức được sự mỹ miều nơi người khác hoặc cái đẹp của một sự vật nào đó. Chính Đức Chúa Jêsus đã có cảnh cáo về những loại tư tưởng thiếu trong sạch khi nhìn thấy nét đẹp của người phụ nữ (Ma-thi-ơ 5: 28).
Đây là luật pháp trọn vẹn trong thời kỳ ân điển. Đó là việc mọi người phải tự kiểm tra tư tưởng của cá nhân mính khi mắt có thể nhìn thấy sắc đẹp mỹ miều của người khác. Luật pháp nầy khác với luật pháp trong thời kỳ Cựu ước và đòi hỏi Cơ-đốc-nhân phải giữ mình ở đẳng cấp cao hơn. Trong thời kỳ Cựu ước thì một người chỉ bị kể là phạm tội tà dâm khi bị bắt quả tang hoặc là có từ hai người trở lên làm chứng về việc phạm tội ấy. Nhưng trong thời kỳ ân điển thì vì tội lỗi nhiều hơn và sự cám dỗ cũng tinh vi hơn, nên luật pháp của Đức Chúa Trời dành cho con cái Ngài cũng vì thế mà đòi hỏi nhiều hơn và cao hơn. Khi nhìn vào thực tế thì chúng ta có thể tìm thấy được rất nhiều thí dụ về sự cám dỗ của thế gian để làm cho người ta phạm tội tà dâm và tội tham sắc trong tư tưởng, chẳng hạn như trong các phim ảnh, chương trình ca nhạc, các buổi trình diễn thời trang, các videos trên mạng internet và ngay cả trong văn chương kịch nghệ nữa. Ai cũng biết là cái đẹp thu hút người khác qua mắt nhìn nên họ cố gắng phô bày ra một cách lộ liễu bằng mọi lý do để làm bình phong che đậy cho những điều đó, chẳng hạn như lời tuyên bố rằng đó là sự tự do bày tỏ cá nhân trong thời đại mới. Chính bởi lẽ ấy mà ngay từ buổi khởi đầu của thời kỳ cuối cùng thì Đức Chúa Jêsus đã cảnh cáo trước với Cơ-đốc-nhân về tư tưởng bên trong đầu óc của mỗi một người đối với sắc đẹp. Vì Ngài là Đấng đã tạo dựng nên con người nên Chúa biết rằng khi con người đã có tư tưởng tham lam hoặc đam mê về sắc đẹp thì chẳng sớm thì muộn người ta cũng sẽ hành động ra bên ngoài để thỏa mãn sự đam mê ấy (Ma-thi-ơ 15: 19).
Như chúng ta có thể thấy được trong câu Kinh thánh nầy thì lời của Chúa cho biết là bởi tấm lòng mà con người sẽ nãy sinh những ác tưởng, chẳng hạn như tội tà dâm, tức là sự phạm tội cả trong tư tưởng và hành động bên ngoài. Kinh thánh đã có ghi lại một số các thí dụ về hành động phạm tội tà dâm vì cớ sự tham sắc và tôi xin được trình bày sơ lược qua để quý Hội thánh có thể thấy được sức mạnh cám dỗ của nó là khủng khiếp như thế nào. Vì vậy mà Cơ-đốc-nhân phải hết sức cảnh giác và thức tỉnh về tội lỗi ấy.
Trường hợp thứ nhất mà tôi muốn trình bày với quý Hội thánh ngày hôm nay là câu chuyện về cuộc đời của Sam-sôn. Ông là người được Đức Chúa Trời lựa chọn từ trước khi được sinh ra để làm người Na-xi-rê, tức là người thuộc về Chúa. Kinh thánh đã có ghi lại rằng Sam-sôn từng được Đức-Thánh-Linh cảm động nhiều lần (Các quan xét 13: 24-25).
Chúng ta có thể thấy được rõ ràng trong câu Kinh thánh nầy là Sam-sôn được Đức-Thánh-Linh cảm động, nhưng ông vẫn phạm tội tà dâm vì cớ sự tham sắc như nhiều người đàn ông khác trong thế gian. Vì vậy mà con dân của Chúa phải hết sức cẩn thận, đừng bao giờ ỷ y mà nghỉ rằng cá nhân mình đã đủ mạnh để có thể thắng hơn tội tham sắc. Ấy đó là lý do mà Cơ-đốc-nhân phải nhờ cậy nơi Chúa luôn luôn mỗi ngày để giữ mình cho khỏi sự phạm tội. Nhưng có một điều mà chúng ta cần phải để ý tại đây, đó là sự khác biệt giữa việc được Đức-Thánh-Linh cảm động và được Đức-Thánh-Linh ở cùng. Hai điều nầy hoàn toàn khác nhau. Tôi sẽ xin được trình bày với quý Hội thánh về Chủ đề ấy vào những dịp tới.
Trở lại với câu chuyện của cuộc đời Sam-sôn thì chúng ta có thể thấy rằng mặc dầu ông đã được Đức-Thánh-Linh cảm động nhưng vì sự tham sắc mà Sam-sôn đã thương mến các người nữ ngoại bang, từ người vợ đầu tiên thuộc về dân Phi-li-tin, cho đến Đa-li-la và thậm chí Sam-sôn còn đi đến với một người kỹ nữ tại Ga-za nữa (Các quan xét 16: 1).
Tại đây thì tôi xin một lần nữa nhấn mạnh rằng câu chuyện của Sam-sôn không phải là được ghi lại để cho Cơ-đốc-nhân nhơn điều đó mà phạm tội đâu. Nhưng lời của Chúa muốn dùng gương của Sam-sôn để cho con dân Ngài được thức tỉnh về sức mạnh cám dỗ của tội tham sắc mà biết cố gắng để giữ mình và tránh xa. Mặc dầu Sam-sôn có sức mạnh thuộc thể nhưng vì ông chỉ được Đức-Thánh-Linh cảm động mà thôi chớ không được Ngài ở cùng, cho nên có những lúc hành động của ông hoàn toàn thiếu sự thận trọng cần thiết của một con dân Chúa. Lời của Đức Chúa Trời đã cảnh cáo về những tội lỗi tựa như tội của Sam-sôn một cách nặng nề lắm, vì nó có liên quan đến sự cứu rỗi linh hồn của con người, như có chép trong
Bởi lẽ đó mà Cơ-đốc-nhân phải hết sức cẩn thận về tội tham sắc tựa như trường hợp của Sam-sôn. Đối với người thế gian thì chuyện đam mê sắc đẹp là bình thường, thậm chí người ta còn cổ vũ về điều đó và quảng bá nó khắp mọi nơi bằng mọi phương tiện. Còn đối với con dân của Chúa thì từ xưa đến nay đã có không ít người sa ngã vì thiếu cảnh giác đối với sự đam mê sắc đẹp. Trường hợp của Đa-vít là thí dụ thứ hai mà tôi muốn đề cập đến sáng hôm nay. Câu chuyện vua Đa-vít phạm tội tà dâm với bà Bát-sê-ba thì cả thế giới đều biết cho nên tôi cũng chỉ trình bày sơ lược tại đây mà thôi, với chủ ý là giúp quý Hội thánh có thể thấy được rằng ngay cả đối với những người đã từng kinh nghiệm Chúa và mạnh mẽ trong đức tin như vua Đa-vít cũng vẫn có thể phạm tội tham sắc như bao nhiêu người khác trong trần gian. Ấy là vì quyền lực của sắc đẹp mạnh mẽ lắm mà nếu không cẩn thận thì con dân Chúa khó có thể đứng vững được (Nhã ca 8: 6).
Chữ ái tình trong câu gốc nầy bao gồm cả tình yêu chân thật của đôi lứa và sự đam mê nhan sắc trong tấm lòng của con người. Như điều mà tôi đã có trình bày qua trong Bài giảng với Chủ để Những Bí Mật Của Tình Yêu thì người thế gian thường mệnh danh tình yêu để làm bình phong mà che dấu sự tham muốn sắc dục của họ. Nhưng tình yêu và sự đam mê sắc dục là hai điều hoàn toàn khác nhau. Đó là vấn đề mà tôi sẽ xin được trình bày trong một chủ đề khác.
Kinh thánh không có mô tả chính xác về nhan sắc của bà Bát-shê-ba là như thế nào nhưng chắc chắn rằng bà rất là đẹp. Sắc đẹp của bà thu hút đến nỗi mà chỉ cần nhìn qua một lần là vua Đa-vít quên hết mọi điều. Ông quên rằng ông đã có vợ rồi và có nhiều vợ chớ không phải là một người. Vì vậy sự tham sắc của ông là nỗi đam mê vượt quá nhu cầu và phần phước mà Chúa đã ban. Chẳng những thế thôi ông cũng không quan tâm đến việc bà Bát-shê-ba là một phụ nữ đã có chồng. Và Đa-vít cũng quên luôn danh dự của một người được dân sự trong cả nước kính trọng. Nhưng trên hết mọi sự đó thì ông quên luôn cả mạng lệnh và điều răn của Chúa, có nghĩa là quên luôn Đức Chúa Trời để phạm tội tà dâm và sau đó phạm luôn cả tội giết người. Qua câu chuyện về sự phạm tội tà dâm của vua Đa-vít thì Cơ-đốc-nhân chúng ta đã có thể hiểu rằng sức cám dỗ của sự tham sắc là mạnh mẽ lắm, mạnh đến nỗi một người như vua Đa-vít mà còn bị sa ngã vì mất cảnh giác. Vì vậy mà con dân của Chúa ngày hôm nay phải hết sức cẩn thận giữ mình đối với sự tham mê sắc đẹp.
Về sự phạm tội của Đa-vít thì tôi hy vọng là sẽ có dịp trình bày nhiều hơn với quý Hội thánh để cho chi tiết được sáng tỏ, bởi vì đã có một số người cứ vịn vào việc vua Đa-vít được Đức Chúa Trời tha thứ để làm cớ cho họ phạm tội tà dâm và biện minh rằng họ cũng sẽ được tha thứ giống như vậy hoặc đòi hỏi người khác phải tha thứ cho họ như Đức Chúa Trời đã tha thứ cho vua Đa-vít. Nhưng tại đây thì tôi xin thưa rằng Đa-vít phạm tội vì cớ mất cảnh giác đối với sự tham sắc, còn những người kia thì mượn chuyện vua Đa-vít mà cố tình phạm tội, nên hai sự việc hoàn toàn khác nhau. Và đó cũng là lý do mà tôi nhắc đến sự phạm tội của vua Đa-vít để giúp cho quý Hội thánh thấy rằng việc mất cảnh giác đối với sự tham sắc là nguy hiểm như thế nào.
Khi Kinh thánh ghi lại sự phạm tội của Đa-vít thì điều đó có nghĩa là lời của Chúa muốn dùng tấm gương của người đi trước để nhắc nhở hậu thế về tội lỗi ấy, chớ không phải là để cho Cơ-đốc-nhân bắt chước Đa-vít mà cố tình phạm tội tà dâm, rồi nghĩ rằng mình cũng sẽ được tha thứ giống như vua Đa-vít đã được Chúa tha thứ. Riêng đối với sự cố tình phạm tội thì lời của Chúa đã có cảnh cáo đến điều đó (Hê-bơ-rơ 10: 26-27).
Lời của Chúa trong câu gốc nầy đã phán dạy rõ ràng về nguyên tắc mà Đức Chúa Trời sẽ áp dụng cho những Cơ-đốc-nhân cố tình phạm tội tà dâm trong thời kỳ ân điển. Chúng ta biết rằng khi Chúa đã lập nguyên tắc của Ngài và đã cho ghi lại trong Kinh thánh thì điều đó sẽ không bao giờ thay đổi. Những phần còn lại trong chủ đề nầy thì tôi sẽ trình bày cùng với quý Hội thánh trong những lần tới.
Vì vậy, cầu xin Đức Chúa Trời dùng lời của Ngài để giúp đỡ cho Cơ-đốc-nhân biết cảnh giác về tội đam mê nhan sắc mà con người đang theo đuổi trong thế gian nầy. Cầu xin Đức Chúa Trời thương xót ngăn giữ Cơ-đốc-nhân tránh được việc cố tình phạm tội tà dâm để con dân Chúa có thể xứng đáng với trách nhiệm là muối của đất, là ánh sáng của thế gian. Và cầu xin Đức-Thánh-Linh tiếp tục thêm sức cho con dân Chúa được vững vàng mạnh mẽ trong thời kỳ sau rốt nầy để có thể thắng hơn sự cám dỗ của nhan sắc con người cho đến ngày Đức Chúa Jêsus Christ tái lâm. Amen.
CÁC CÂU KINH THÁNH ĐÃ ĐƯỢC TRƯNG DẪN:
SÁNG THẾ KÝ 1: 31 – Đức Chúa Trời thấy các việc Ngài đã làm thật rất tốt lành. Vậy, có buổi chiều và buổi mai; ấy là ngày thứ sáu.
SÁNG THẾ KÝ 3: 6 – Người nữ thấy trái của cây đó bộ ăn ngon, lại đẹp mắt và quí vì để mở trí khôn, bèn hái ăn, rồi trao cho chồng đứng gần mình, chồng cũng ăn nữa.
SÁNG THẾ KÝ 24: 16 – Người gái trẻ đó thật rất đẹp, còn đồng trinh, chưa gả cho ai. Nàng xuống giếng nhận đầy bình nước, rồi trở lên.
SÁNG THẾ KÝ 29: 17-18 – Mắt Lê-a yếu, còn Ra-chên hình dung đẹp đẽ, vẻ mặt tốt tươi. Gia-cốp yêu Ra-chên nên nói rằng: Vì nàng Ra-chên, con út cậu, tôi sẽ giúp việc trong bảy năm.
PHỤC TRUYỀN 6: 18 – Vậy, ngươi phải làm điều ngay thẳng và tốt lành trước mặt Đức Giê-hô-va, để ngươi được phước và vào nhận lấy xứ tốt đẹp mà Đức Giê-hô-va đã thề hứa cùng tổ phụ ngươi, để ban cho ngươi.
CÁC QUAN XÉT 13: 24-25 – Người đàn bà nầy sanh một con trai, đặt tên là Sam-sôn. Đứa trẻ lớn lên, và Đức Giê-hô-va ban phước cho. Thần Đức Giê-hô-va khởi cảm động người tại trong dinh Đan, giữa khoảng Xô-rê-a và Ê-ta-ôn.
CÁC QUAN XÉT 16: 1 – Sam-sôn đi đến Ga-xa, thấy một kỵ nữ ở đó, bèn đi vào nhà nàng.
THI THIÊN 50: 2 – Từ Si-ôn tốt đẹp toàn vẹn, Đức Chúa Trời đã sáng chói ra.
CHÂM NGÔN 6: 26 – Vì tại kỵ nữ có người nông nổi chỉ còn một miếng bánh mà thôi; Người dâm phụ vẫn lừa sẵn linh hồn quí báu.
NHÃ CA 8: 6 – Hãy để tôi như một cái ấn nơi lòng chàng, như một cái ấn trên cánh tay chàng; Vì ái tình mạnh như sự chết,
lòng ghen hung dữ như Âm phủ; Sự nóng nó là sự nóng của lửa, thật một ngọn lửa của Đức Giê-hô-va.
MA-THI-Ơ 5: 28 – Song ta phán cho các ngươi biết: Hễ ai ngó đàn bà mà động tình tham muốn, thì trong lòng đã phạm tội tà dâm cùng người rồi.
MA-THI-Ơ 15: 19 – Vì từ nơi lòng mà ra những ác tưởng, những tội giết người, tà dâm, dâm dục, trộm cướp, làm chứng dối, và lộng ngôn.
CÔ-LÔ-SE 3: 5 – Vậy hãy làm chết các chi thể của anh em ở nơi hạ giới, tức là tà dâm, ô uế, tình dục, ham muốn xấu xa, tham lam, tham lam chẳng khác gì thờ hình tượng.
1TÊ-SA-LÔ-NI-CA 4: 4 – Mỗi người phải biết giữ thân mình cho thánh sạch và tôn trọng.
HÊ-BƠ-RƠ 10: 26-27 – Vì nếu chúng ta đã nhận biết lẽ thật rồi, mà lại cố ý phạm tội, thì không còn có tế lễ chuộc tội nữa, nhưng chỉ có sự đợi chờ kinh khiếp về sự phán xét, và lửa hừng sẽ đốt cháy kẻ bội nghịch mà thôi.
KHẢI HUYỀN 21: 18, 21 – Tường thì xây bằng bính ngọc, thành thì xây bằng vàng ròng, tợ như thủy tinh trong vắt… Mười hai cửa thì làm bằng mười hai hột châu; mỗi cửa bằng một hột châu nguyên khối làm thành. Đường trong thành bằng vàng ròng, giống như thủy tinh trong suốt.