THÁNH KINH GIẢI LUẬN / Giăng 3: 3
CƠ-ĐỐC NHÂN VÀ SỰ PHỤC SINH
Kinh thánh: Giăng 3: 1-8
Câu gốc: GIĂNG 3: 3, 7 – Đức Chúa Jêsus cất tiếng đáp rằng: Quả thật, quả thật, ta nói cùng ngươi, nếu một người chẳng sanh lại, thì không thể thấy được nước Đức Chúa Trời… Chớ lấy làm lạ về điều ta đã nói với ngươi: Các ngươi phải sanh lại.
Chúng ta tạ ơn Chúa là cứ mỗi một năm thì cả Hội thánh chung đều có cơ hội mừng ngày Đức Chúa Jêsus phục sinh để nhắc nhở cho con dân Chúa nhớ về hy vọng tuyệt diệu trong tương lai là mỗi một chúng ta sẽ được sống lại một cách vinh hiển giống như Chúa của chúng ta. Nhờ niềm hy vọng lớn lao đó mà chúng ta đã cố gắng hết sức để giữ đức tin và sự trung tín của mình trong Chúa bất kể hoàn cảnh đời sống và sự thử thách từng ngày trong thế gian nầy. Năm nay thì chúng ta cũng lại có cơ hội mừng Chúa phục sinh chung với nhau một lần nữa và tôi xin nhân dịp nầy để cùng suy gẫm với quý Hội thánh một Chủ đề quen thuộc là Cơ-đốc-nhân và Sự Phục Sinh.
Như điều mà quý Hội thánh đã biết qua các lớp học Kinh thánh thì sự phục sinh trong đời sống Cơ-đốc-nhân phải có hai chặng: Chặng thứ nhất là sự phục sinh tâm linh của chúng ta, mà Đức Chúa Jêsus đã gọi là sự sanh lại, và chặng thứ hai là sự phục sinh thân thể trong ngày Đức Chúa Jêsus Christ tái lâm. Đối với cả hai sự phục sinh nầy thì sự phục sinh tâm linh phải xãy ra trước nhất hầu cho trong tương lai thì sự phục sinh thân thể mới được xãy ra. Nếu không có sự phục sinh thứ nhất trong tâm linh của người theo Chúa thì sẽ không có sự phục sinh thứ hai của thân thể, mà chỉ có sự sống lại để chịu đoán phạt mà thôi. Thứ tự nầy đã được lời của Chúa xác nhận trong Giăng 3: 3 và 7 và cũng là hai câu gốc nền tảng của chúng ta sáng hôm nay.
GIĂNG 3: 3, 7 – Đức Chúa Jêsus cất tiếng đáp rằng: Quả thật, quả thật, ta nói cùng ngươi, nếu một người chẳng sanh lại, thì không thể thấy được nước Đức Chúa Trời… Chớ lấy làm lạ về điều ta đã nói với ngươi: Các ngươi phải sanh lại.
Như vậy thì theo lời của Chúa trong hai câu Kinh thánh nầy thì chúng ta có thể thấy rằng sự phục sinh của tâm linh là điều cần yếu nhất để một người có thể hưởng được sự sống đời đời trong tương lai và để có thể nhận được sự phục sinh phần thân thể trong ngày Đức Chúa Jêsus trở lại. Chính bởi lẽ đó mà Chúa đã nhấn mạnh trong câu thứ 7 là mỗi một Cơ-đốc-nhân phải được phục sinh phần tâm linh trước, không miễn trừ một ai. Đây là một mạng lệnh mà Cơ-đốc-nhân không thể chối từ, vì vậy mà lời của Chúa mới dùng chữ Phải Sanh Lại để chúng ta có thể thấy được tầm quan trọng của mạng lệnh ấy. Cũng chính vì lý do cần phải phục sinh phần tâm linh của mình trong những ngày tháng còn sống giữa thế gian nầy cho nên hôm nay chúng ta sẽ cùng nhau suy gẫm đến ý nghĩa của sự phục sinh cá nhân.
Theo quan điểm thông thường của Cơ-đốc-nhân trong những lần chuyện trò về các vấn đề thuộc linh thì nhiều người vẫn cho rằng sự được phục sinh là quyền phép của Đức-Thánh-Linh nên họ để dành điều ấy cho Chúa làm việc và ít khi suy nghĩ đến cách thế nào để chính mình được phục sinh, hoặc là có khi còn cho rằng tất cả các Cơ-đốc-nhân sau khi cầu nguyện tin nhận Chúa rồi thì đều đã được phục sinh. Nhưng thật ra thì vấn đề không phải là đơn giản như vậy. Để chúng ta có thể hiểu được rõ ràng hơn về sự phục sinh tâm linh trong đời sống cá nhân thì tôi xin được cùng với quý Hội thánh suy nghĩ đến lý do vì sao chúng ta cần phải phục sinh. Những lý do ấy thì được biện biệt ra cho cả hai phía, tức là về phần của Đức Chúa Trời và về phần của con người. Như tất cả chúng ta đều đã biết thì vì Đức Chúa Trời là Đấng Công Bình và Yêu Thương nên Ngài đã cho phép con người được dự phần vào các kế hoạch và công tác của Ngài, chẳng hạn như việc được quản trị các loài tạo vật mà Ngài đã dựng nên và được dự phần trực tiếp vào chương trình cứu rỗi nhân loại của Ngài. Chính bởi lẽ đó mà đối với sự phục sinh tâm linh của cá nhân thì Đức Chúa Trời cũng đã phân biệt ra làm hai phần, phần mà Đức Chúa Trời sẽ thực hiện và phần mà con người cần phải thực hiện. Khi cả hai phần nầy được thỏa mãn đầy đủ thì sự phục sinh tâm linh sẽ xãy ra trong đời sống của con dân Chúa. Chúng ta sẽ suy gẫm đến phần của Đức Chúa Trời trước.
Lý do mà Đức Chúa Trời muốn Cơ-đốc-nhân cần phải phục sinh phần tâm linh để có thể hưởng được sự sống đời đời là vì đó là yếu tố quan trọng nhất để con người có thể sống với Chúa và sống với nhau trong Thiên đàng của Ngài. Chúng ta đều biết rằng con người xa cách Chúa là vì tội lỗi, và tội lỗi phát sinh là do ý muốn của con người kể từ thời A-đam cho đến ngày hôm nay. Bởi vì con người muốn nên mới phạm tội, chẳng hạn như muốn được nhiều lợi nhuận nên mới tham lam, muốn thỏa mãn sắc dục nên mới phạm tội tà dâm và muốn quyền thế nên mới gian dối. Nói tóm lại là tất cả tội lỗi mà con người phạm phải đều bắt nguồn từ ý muốn của con người, chính bởi lẽ đó mà lời của Chúa mới cho biết là khi con dân Chúa biết sống một đời thỏa lòng thì sẽ tránh được sự phạm tội, như lời Kinh thánh đã được ghi lại trong 1Ti-mô-thê 6: 6-10.
1TI-MÔ-THÊ 6: 6-10 – Vả, sự tin kính cùng sự thỏa lòng, ấy là một lợi lớn. Vì chúng ta ra đời chẳng hề đem gì theo, chúng ta qua đời cũng chẳng đem gì đi được. Như vậy, miễn là đủ ăn đủ mặc thì phải thỏa lòng; Còn như kẻ muốn nên giàu có, ắt sa vào sự cám dỗ, mắc bẫy dò, ngã trong nhiều sự tham muốn vô lý thiệt hại kia, là sự làm đắm người ta vào sự hủy diệt hư mất. Bởi chưng sự tham tiền bạc là cội rễ mọi điều ác, có kẻ vì đeo đuổi nó mà bội đạo, chuốc lấy nhiều điều đau đớn.
Như vậy thì chúng ta có thể thấy được rằng trong các câu Kinh thánh nầy thì lời của Chúa đã cho biết là sự thỏa lòng giúp cho Cơ-đốc-nhân tránh được sự tham muốn, vì hễ tham lam thì sẽ dễ dàng bị cám dỗ mà phạm tội. Và chúng ta đều biết rằng sự tham lam bắt nguồn từ ý muốn của con người xuất phát từ trong tâm trí chớ không phải vì cớ hoàn cảnh ở bên ngoài. Bởi lẽ đó mà việc Cơ-đốc-nhân theo Chúa không giống như việc một người đi tu. Vì nếu có lên núi cao hoặc vào rừng sâu để không bị ngoại vật cám dỗ thì cũng chẳng ích gì nếu trong tấm lòng vẫn còn có sự tham muốn. Nhưng đối với Cơ-đốc-nhân chúng ta thì việc theo Chúa là bước vào đời sống để làm chứng nhân cho Ngài, để làm muối của đất, làm ánh sáng cho thế gian. Chính vì cớ ấy mà Cơ-đốc-nhân cần phải có sự thỏa lòng để không bị cám dỗ, giống như một con cá no thì không cắn câu, chỉ có cá đói mới mắc câu mà thôi. Vì vậy mà Đức Chúa Trời muốn con dân Ngài phải phục sinh ở trong tâm linh trước, tức là từ bỏ sự tham muốn của xác thịt để sống theo ý muốn của Đức Chúa Trời, như lời Kinh thánh đã được viết ra trong Rô-ma 12: 2.
RÔ-MA 12: 2 – Đừng làm theo đời nầy, nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình, để thử cho biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào.
Đây là câu Kinh thánh mô tả về sự phục sinh trong tâm linh của những người theo Chúa. Sự phục sinh như vậy có thể được tóm tắt như thế nầy: Ấy là trước đây thì chúng ta sống giống như bao nhiêu người khác trong trần gian, là thích làm theo ý muốn của mình để thỏa mãn sự tham lam của cá nhân. Nhưng khi đã được phục sinh trong tâm linh rồi thì chúng ta làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời, còn ý muốn của bản ngã thì chúng ta đóng đinh nó vào thập tự giá, theo như gương của Đức Chúa Jêsus. Sự phục sinh như vậy đã được sứ đồ Phao-lô mô tả trong Ga-la-ti 2: 20.
GA-LA-TI 2: 20 – Tôi đã bị đóng đinh vào thập tự giá với Đấng Christ mà tôi sống, không phải là tôi sống nữa, nhưng Đấng Christ sống trong tôi. Nay tôi còn sống trong xác thịt, ấy là tôi sống trong đức tin của Con Đức Chúa Trời, là Đấng đã yêu tôi, và đã phó chính mình Ngài vì tôi.
Sự đóng đinh, hay còn được gọi là sự từ bỏ bản ngã như vậy là không phải dễ. Không phải Cơ-đốc-nhân nào cũng làm được. Nhưng dầu muốn hay không thì Cơ-đốc-nhân cũng phải cố gắng thực hiện cho bằng được, vì đó là yêu cầu và là mạng lệnh của Chúa, như lời Đức Chúa Jêsus đã phán trong Lu-ca 9: 23.
LU-CA 9: 23 – Đoạn, Ngài phán cùng mọi người rằng: Nếu ai muốn theo ta thì phải tự bỏ mình đi, mỗi ngày vác thập tự giá mình mà theo ta.
Thập tự giá mà chúng ta vác theo Chúa mỗi ngày là cây thập tự mà trên đó bản ngã của chính mình đã bị đóng đinh. Chúng ta có thể nhớ lại rằng những người bị đóng đinh vào thập tự giá thì không chết ngay lập tức, nhưng họ vẫn có thể nói được. Những lời cám dỗ thỏ thẻ mà chúng ta thường nghe trong lòng mình kể từ ngày tin nhận Chúa là tiếng của bản ngã nói với chúng ta, và ngay cả đối với những người đã nhận được sự phục sinh trong tâm linh rồi thì thỉnh thoảng vẫn nghe được tiếng nói của bản ngã, bởi vì nó chưa chết hẳn. Bản ngã của con người chỉ thật sự chết khi Cơ-đốc-nhân được biến hóa thân thể mình, tức là được phục sinh phần thuộc thể để đón Đức Chúa Jêsus Christ trong ngày Chúa tái lâm. Lúc đó thì bản ngã xác thịt mới chết hẳn. Chính vì bản ngã của con người vẫn còn sống nên việc theo Chúa của Cơ-đốc-nhân mới thường gặp sự khó khăn. Ở đây thì tôi không muốn nói đến sự thử thách khó khăn ở bên ngoài, mà muốn nói đến sự khó khăn trong tâm trí khi chúng ta cố gắng bước theo con đường của Chúa.
Suốt trong mấy mươi năm chức vụ thì tôi đã có nhiều lần nghe được lời than phiền của các anh chị em khác về việc theo Chúa. Họ đã nói trực tiếp với tôi như thế nầy: Tôi thấy tin Chúa và đi nhà thờ không phải là chuyện khó, nhưng khi nghe Mục sư giảng dạy và trình bày về Kinh thánh thì tôi lại thấy theo Chúa khó quá. Nếu phải theo Chúa cách như vậy thì ai mà được cứu? Đã có nhiều người ý kiến với tôi như thế, nhưng tôi chỉ trả lời đơn giản với quý anh chị em ấy, là nếu theo Chúa mà dễ thì Thiên đàng đâu còn là Thiên đàng nữa? Chúng ta thử suy nghĩ như thế nầy để so sánh thì sẽ hiểu được là phải theo Chúa như thế nào và từ đó mới có thể hiểu được sự quan trọng của việc phải được phục sinh trong tâm linh. Chúng ta thấy đi chợ có dễ không? Chắc chắn là dễ, bởi vì một tuần chúng ta có thể đi mấy lần, hoặc là mỗi ngày mỗi đi cũng được. Nhưng tình trạng ở chợ thì tất cả chúng ta đều đã biết, có nghĩa là ở đó thì có đủ mọi điều lộn xộn và cả tội ác nữa, lớn và nhỏ, tội thấy được và tội không thấy được của cả người bán lẫn người mua. Nhưng nếu đi đến Thiên đàng mà cũng dễ như đi chợ thì nơi đó không phải là Thiên đàng của Đức Chúa Trời, mà là một chốn nào khác. Cũng vậy, chúng ta thử nghĩ đến việc gặp tổng thống Hoa-kỳ thì sẽ biết điều đó dễ hay khó, mà đó mới chỉ là con người mà thôi chớ không phải là Đức Chúa Trời. Thử hỏi trong số hơn 350 triệu dân chúng tại Hoa-kỳ thì có bao nhiêu người được vào tòa Bạch Ốc để sống với tổng thống chừng một tuần lễ? Ngay cả khi một người được mời thì cũng phải thỏa mãn các điều kiện của lực lượng mật vụ bảo vệ tổng thống thì người đó mới được phép vào, còn nếu không thì dẫu được mời cũng không được cho vào bên trong hoặc không thể tiếp cận được với tổng thống. Cũng một thể ấy Cơ-đốc-nhân chúng ta đã được Đức Chúa Jêsus mời gọi đến với Đức Chúa Trời nhưng nếu chúng ta không thỏa mãn được các yêu cầu của Đức-Thánh-Linh thì chắc chắn là không ai được phép bước vào Thiên đàng. Chúng ta có thể suy nghĩ như thế nầy để cho dễ hiểu: Tổng thống có thể là người dễ chịu và mời chúng ta vào Nhà Trắng để ở, nhưng để qua khỏi sự khám xét của lực lượng mật vụ thì không phải dễ. Cũng một thể ấy, Đức Chúa Jêsus vì lòng yêu thương lớn lao của Ngài đã mời gọi con người đến với Đức Chúa Trời, nhưng Đức-Thánh-Linh thì không phải là dễ dàng để cho con dân Chúa muốn sống thế nào cũng được mà lại có thể đến gần với Đức Chúa Trời. Chắc chắn là Đức-Thánh-Linh phải khó khăn và cẩn thận triệu lần hơn là lực lực lượng bảo vệ tổng thống, vì tổng thống chỉ là con người bất toàn, còn Đức Chúa Trời là Vua trên muôn vua, Chúa trên muốn Chúa, là Đấng Toàn Năng, là Đức Chúa Trời vinh hiển tuyệt mỹ. Bởi lẽ đó nên sự khó khăn trong các yêu cầu của Đức-Thánh-Linh dành cho Cơ-đốc-nhân khi theo Chúa là dễ hiểu, vì Đức-Thánh-Linh là Đấng không thể dễ ngươi được, như chính lời của Đức Chúa Jêsus đã phán trong Ma-thi-ơ 12: 31 và 32.
MA-THI-Ơ 12: 31-32 – Ấy vậy, ta phán cùng các ngươi, các tội lỗi và lời phạm thượng của người ta đều sẽ được tha; song lời phạm thượng đến Đức Thánh Linh thì sẽ chẳng được tha đâu. Nếu ai nói phạm đến Con người, thì sẽ được tha; song nếu ai nói phạm đến Đức Thánh Linh, thì dầu đời nầy hay đời sau cũng sẽ chẳng được tha.
Nếu chúng ta để ý đến hai câu Kinh thánh nầy một cách cẩn thận thì sẽ thấy rằng lời của Chúa đã có đề cập đến chữ các lời phạm thượng, có nghĩa là tất cả những lời nói nghịch cùng Đức Chúa Trời và cùng Đức Chúa Jêsus Christ thì đều sẽ được tha, nhưng hễ nói phạm thượng đến Đức-Thánh-Linh thì đời đời sẽ không được tha đâu. Lời nầy cho thấy rằng Ngài là Đấng nghiêm trang một cách tuyệt đối. Vì vậy mà những người cứ mở miệng là tự xưng mình được đầy dẫy Đức-Thánh-Linh thì phải coi chừng, nhất là những người dùng việc nói tiếng líu lo để giả dạng như là đang có Đức-Thánh-Linh, vì có thể là họ đang cố tình phạm thượng vì đã mượn danh Ngài để dùng vào ý riêng. Phạm thượng đến Đức-Thánh-Linh là một tội lỗi nghiêm trọng đến nỗi lời của Đức Chúa Jêsus đã được lặp đi lặp lại nhiều lần để Cơ-đốc-nhân có thể cẩn thận mà chú ý hết mực, như một câu Kinh thánh khác trong Mác 3: 28 và 29.
MÁC 3: 28-29 – Quả thật, ta nói cùng các ngươi, mọi tội lỗi sẽ tha cho con cái loài người, và hết thảy những lời phạm thượng họ sẽ nói ra cũng vậy; nhưng ai nói phạm đến Đức Thánh Linh thì chẳng hề được tha, phải mắc tội đời đời.
Vì Đức-Thánh-Linh là Đấng nghiêm trang tuyệt đối như vậy nên việc theo Chúa của Cơ-đốc-nhân không phải là chuyện dễ dàng như nhiều người vẫn lầm tưởng. Chỉ khi nào con dân Chúa thỏa mãn được các yêu cầu của Ngài thì con người mới có thể đến gần được với Đức Chúa Trời, tức là hưởng được sự sống đời đời. Chính bởi lẽ đó mà sứ đồ Phao-lô đã được cảm động để cảnh cáo Cơ-đốc-nhân là chớ làm buồn lòng Đức-Thánh-Linh, như lời đã được ghi lại trong Ê-phê-sô 4: 30.
Ê-PHÊ-SÔ 4: 30 – Anh em chớ làm buồn cho Đức Thánh Linh của Đức Chúa Trời, vì nhờ Ngài anh em được ấn chứng cho đến ngày cứu chuộc.
Nhưng nếu Cơ-đốc-nhân cứ tiếp tục làm theo sự tham muốn của bản ngã và xác thịt thì không thể nào làm vui lòng Đức-Thánh-Linh được, vì Ngài yêu mến chúng ta đến đỗi ghen tương, như lời Kinh thánh đã bày tỏ ra trong Gia-cơ 4: 5.
GIA-CƠ 4: 5 – Hay là anh em tưởng Kinh thánh nói vô ích sao? Đức Thánh Linh mà Đức Chúa Trời khiến ở trong lòng chúng ta, ham mến chúng ta đến nỗi ghen tương.
Vì vậy chỉ có khi nào Cơ-đốc-nhân thật sự được phục sinh trong tâm linh thì mới có thể làm vui lòng Đức-Thánh-Linh được. Và đó là lý do vì sao mà Cơ-đốc-nhân cần phải được phục sinh tâm linh trước trong những ngày tháng còn sống giữa thế gian nầy. Và như điều mà tôi đã có đề cập đến khi nãy, thì dấu hiệu của sự phục sinh thật trong đời sống của một người là biết từ bỏ những tham muốn của bản ngã để làm theo ý muốn của Đức-Thánh-Linh. Điều nầy được thể hiện qua việc Cơ-đốc-nhân phải vâng phục lời phán của Đức-Thánh-Linh trong Kinh thánh, tức là làm theo mọi sự mà Kinh thánh đã dạy dỗ, sống theo đúng mẫu mực mà Kinh thánh đã chỉ định. Còn nếu Cơ-đốc-nhân cãi trả hoặc từ chối những lời ấy để không làm theo thì đã làm buồn Đức-Thánh-Linh, như lời Kinh thánh đã được trưng dẫn khi nãy trong Ê-phê-sô 4: 30 và trong Hê-bơ-rơ 12: 25.
HÊ-BƠ-RƠ 12: 25 – Anh em hãy giữ, chớ từ chối Đấng phán cùng mình. Vì nếu những kẻ kia cự Đấng truyền lời báo cáo ở dưới đất còn không tránh khỏi thay, huống chi chúng ta, nếu cự Đấng truyền lời báo cáo từ trên trời, thì càng không tránh khỏi được.
Các chữ chớ từ chối Đấng phán cùng mình có nghĩa là chớ từ chối sự dạy dỗ của Chúa trong lời Kinh thánh, vì Kinh thánh là lẽ thật của Đức Chúa Trời và là lời của Đức-Thánh-Linh, vì Ngài là Thần Lẽ Thật, như mối tương quan mà lời của Chúa đã bày tỏ qua hai câu gốc sau đây:
GIĂNG 17: 17 – Xin Cha lấy lẽ thật khiến họ nên thánh; lời Cha tức là lẽ thật.
1GIĂNG 5: 7 – Ấy là Đức Thánh Linh đã làm chứng, vì Đức Thánh Linh tức là lẽ thật.
Khi đặt hai câu Kinh thánh nầy với nhau thì chúng ta có thể thấy rằng Kinh thánh là lẽ thật, và Kinh thánh chính là lời phán của Đức-Thánh-Linh. Vì vậy khi Cơ-đốc-nhân từ chối sống theo mẫu mực mà lời của Chúa đã dạy dỗ trong Kinh thánh thì điều đó có nghĩa là đang từ chối lời phán của Đức-Thánh-Linh và đang làm buồn lòng Ngài. Bởi lẽ đó mà Đức Chúa Trời muốn con dân Ngài phải phục sinh. Đây là một mạng lệnh, vì chỉ có sự phục sinh thật mới khiến cho Cơ-đốc-nhân vâng phục lời Kinh thánh một cách hoàn toàn mà thôi, còn nếu không thì Cơ-đốc-nhân chỉ theo Chúa bằng danh hiệu ở bên ngoài mà chưa thật sự có tấm lòng vâng phục ở bên trong.
Khi Đức Chúa Trời đòi hỏi con dân Ngài cần phải phục sinh trong tâm linh, tức là phải được tái sanh, thì đó là phần của Đức Chúa Trời, còn về phần chúng ta thì yêu cầu cần phải được phục sinh là bổn phận mà con dân Chúa phải thực hiện để báo hiếu với tình yêu của Đức Chúa Trời đã đối với chính mình. Theo như điều mà chúng ta đã cùng nhau suy gẫm qua trong chương trình kỷ niệm đêm Thương khó thì việc Đức Chúa Jêsus chịu bị đóng đinh trên thập tự giá là bằng chứng về sự gánh thay cho chúng ta những hậu quả của tội lỗi, đó là sự sỉ nhục, sự đau đớn và sự chết. Kể từ khi A-đam phạm tội thì Đức Chúa Trời đã biết rằng Ngài sẽ phải gánh thay những điều đó để con người có thể trở lại với Ngài. Vì vậy mà chương trình hy sinh của Chúa đã được bày tỏ ra từ ban đầu khi Đức Chúa Trời dùng da thú kết thành áo để mặc cho A-đam và Ê-va, như lời Kinh thánh đã có tường thuật lại trong Sáng thế ký 3: 21.
SÁNG THẾ KÝ 3: 21 – Giê-hô-va Đức Chúa Trời lấy da thú kết thành áo dài cho vợ chồng A-đam, và mặc lấy cho.
Áo da thú ngày ấy là biểu tượng cho sự chết của Đức Chúa Jêsus trên thập tự giá, như là Chiên Con toàn hảo được dâng lên làm của lễ chuộc tội cho cả loài người, hầu cho tất cả mọi người trở về với Ngài được khoác lên mình bộ áo công nghĩa trong danh Cứu Chúa Jêsus Christ. Bởi lẽ đó mà việc cần phải được phục sinh là bổn phận của tất cả các Cơ-đốc-nhân đối với tình yêu của Đức Chúa Trời qua sự chết của Đức Chúa Jêsus Christ. Chúa đã vì chúng ta chịu hy sinh thì Cơ-đốc-nhân phải cố gắng hết sức để nhờ cậy Đức-Thánh-Linh mà làm cho tâm linh mình được phục sinh và đổi mới hoàn toàn. Nếu chúng ta không biết cố gắng như vậy thì tức là đã làm phụ lòng Đức Chúa Jêsus và làm buồn lòng Đức-Thánh-Linh.
Chúng ta thử suy nghĩ như thế nầy thì sẽ thấy được việc cần phải phục sinh tâm linh của mình là một bổn phận quan trọng như thế nào: Trong đời sống nầy thì có nhiều bậc cha mẹ đi làm là vì muốn nuôi sống bản thân mình và nhất là muốn nuôi sống các con trong gia đình. Không những nuôi ăn nuôi mặc không mà thôi, mà cha mẹ còn phải lo nghĩ cho con được đến trường để chuẩn bị cho tương lai của các con sau nầy. Vì vậy mà nhiều bậc cha mẹ đã cố gắng lắm, ngay cả trong việc chịu nhọc nhằn đau đớn, thậm chí chịu bị sỉ nhục tại chỗ làm việc để có đồng lương mang về mà nuôi con. Chúng ta biết rằng trong thế gian nầy thì có kẻ xấu kẻ tốt lẫn lộn nhau, có những người hiền lành chân chất nhưng cũng có những kẻ gian ác lấn trên đạp dưới hoặc những kẻ mà người ta thường gọi là thượng đội hạ đạp. Những kẻ ấy là những người nịnh bợ kẻ quyền thế và chà đạp những người cấp dưới để họ được danh tiếng, được lợi nhuận. Những kẻ như vậy thì tại các công sở và những chỗ làm việc thì có nhiều lắm, vì họ biết rằng khi lên chức thì sẽ được lên lương, cho nên vì thế mà họ chà đạp cấp dưới một cách trắng trợn, thậm chỉ sỉ nhục cấp dưới nữa để hối thúc công việc hầu có thể lấy lòng cấp trên. Tất cả chúng ta là những người đã từng đi làm việc thì đều ít nhiều kinh nghiệm những sự việc tương tự như vậy. Cho nên trong những hoàn cảnh như thế thì có những bậc cha mẹ đành cắn răng nuốt nhục để có thể tiếp tục làm việc hầu cho có đồng lương để đem về mà nuôi con. Nhiều khi nhục nhã lắm mà không dám mở miệng, vì nghĩ rằng nếu mình phản kháng thì có thể mất việc và con mình ở nhà phải chịu lam lũ, đói khát. Vì vậy mà nhiều bậc cha mẹ cứ nín thinh, cắn răng mà chịu đựng. Ngay cả khi về đến nhà cũng cố gắng làm mặt vui để con cái khỏi phải lo lắng hoặc buồn phiền chung với mình. Khi chúng ta là những bậc cha mẹ mà gặp phải những hoàn cảnh như vậy thì có thể nhớ đến gương của Đức Chúa Jêsus trong đêm Ngài chịu thương khó mà an ủi và khích lệ chính mình. Vì tình yêu vô bờ bến của Ngài đối với con người, đối với chúng ta, mà Chúa đã phải chịu để cho quân lính vả trên mặt và nhổ nước miếng lên Ngài. Chúng ta thử tưởng tượng mà xem, khi chúng ta là con người khi bị sỉ nhục mà còn bị đau đớn biết chừng nào, thì huống chi là Đức Chúa Trời toàn năng. Nhưng vì để chuộc tội cho chúng ta mà Chúa đành chịu để cho người ta sỉ nhục Ngài không một tiếng than van. Các bậc cha mẹ hy sinh vì con có thể hiểu được điều nầy một cách rõ ràng lắm. Họ mặc kệ cho người ta sỉ nhục, thậm chí chưởi rủa thậm tệ nữa, nhưng mỗi ngày vẫn phải làm mặt lạnh như đồng, trán cứng như đá, để tiếp tục đến chỗ làm mà tìm đồng lương về nuôi con. Nhưng nếu các con ở nhà lại không cố gắng ngoan ngoãn và học tập thì sẽ làm buồn lòng cho cha mẹ biết là bao nhiêu, sẽ làm cho sự hy sinh của cha mẹ trở nên vô ích. Nhưng nếu các con hiểu được sự hy sinh của cha mẹ mà cố gắng thì người cha người mẹ sẽ vui lòng rất nhiều để nhờ đó được khích lệ mà tiếp tục lam lũ vì con. Khi liên hệ thí dụ nầy vào trong cõi thuộc linh thì chúng ta có thể hiểu được tại sao Đức Chúa Trời muốn mỗi một Cơ-đốc-nhân phải được phục sinh và tại sao đó là bổn phận mà Cơ-đốc-nhân cần phải làm. Bởi vì Đức Chúa Trời không những đã chịu sỉ nhục vì chúng ta, mà Ngài còn chịu đau đớn, chịu chết cho chúng ta trên thập tự nữa. Vì sự hy sinh của Chúa là như vậy nên việc chúng ta cố gắng vâng phục Ngài và cố gắng tìm cho được sự phục sinh tâm linh cho chính cá nhân mình là điều đương nhiên, giống như tâm tình của Phao-lô đã bày tỏ ra trong Phi-líp 3: 8.
PHI-LÍP 3: 8 – Tôi cũng coi hết thảy mọi sự như là sự lỗ, vì sự nhận biết Đức Chúa Jêsus Christ là quí hơn hết. Ngài là Chúa tôi, và tôi vì Ngài mà liều bỏ mọi điều lợi đó. Thật, tôi xem những điều đó như rơm rác, hầu cho được Đấng Christ.
Trong câu Kinh thánh nầy thì Phao-lô đã cho biết rằng vì ông hiểu được sự hy sinh của Chúa cho chính ông nên ông liều bỏ mọi sự, quyết sống một đời vâng phục để được đẹp lòng Chúa. Cơ-đốc-nhân chúng ta trong mùa Phục sinh năm nay cũng cố gắng mang tâm tình ấy mà theo Chúa suốt đời. Đức Chúa Trời là Cha thiên thượng đã chịu sỉ nhục, chịu đau đớn, chịu chết cho chúng ta thì mỗi một người trong chúng ta cũng nên cố gắng từ bỏ mình, vác thập tự giá mình mà theo Chúa cho đến cuối cùng. Sự từ bỏ bản ngã và vác thập tự giá như vậy chính là sự phục sinh thật, sự phục sinh của tâm linh trước khi chúng ta nhận được sự phục sinh trong thân thể.
Theo như điều mà tôi đã có đề cập đến khi nãy thì việc theo Chúa đang khi còn sống trong trần gian nầy không phải là dễ, nhất là trong cố gắng tìm cho được sự phục sinh thật cho chính mình. Chính Đức Chúa Jêsus cũng đã xác nhận rằng con đường theo Chúa như vậy là rất khó, khó đến nỗi ít có người đi được đến cuối cùng. Bởi lẽ đó mà chúng ta phải cố gắng hết mình và phải cậy nhờ sức của Đức-Thánh-Linh mỗi một ngày. Đừng bao giờ làm buồn lòng Ngài để chính mình được thêm sức mà tiếp tục bước đi. Cũng bởi lẽ đó mà khi Cơ-đốc-nhân chúng ta nghe những lời rao giảng rằng việc theo Chúa là dễ dàng, có nghĩa là không cần phải sống theo mẫu mực và điều răn của Kinh thánh, thì những kẻ đó chỉ muốn người ta đến với họ chớ không phải đến với Chúa. Chúng ta thử nghĩ mà xem, nếu Cơ-đốc-nhân không sống theo mẫu mực mà Kinh thánh đã dạy dỗ thì làm sao chúng ta có thể sống đời đời với nhau trong Thiên đàng của Chúa? Ngay tại trên đất nầy, mỗi tuần chỉ có khoảng 2 tiếng đồng hồ để gặp nhau trong nhà thờ mà nhiều Cơ-đốc-nhân còn không chịu nổi nhau với những tánh tình, thói quen, sự tham muốn, ganh tỵ và bè đảng như thấy đang xãy ra, thì làm sao tất cả Cơ-đốc-nhân có thể sống với nhau đời đời trong Thiên đàng được? Với tình trạng của Hội thánh chung ngày hôm nay, với việc chia thành nhiều hệ phái, với việc Cơ-đốc-nhân biện minh rằng không muốn đến nhà thờ để khỏi phải thấy điều chướng mắt, hoặc có người thì vừa cầu nguyện chung xong là vội vã đi về để khỏi phải gặp mặt nhau, hoặc với việc kết bè đảng để tranh quyền, tranh chức vị, với việc tham nhũng phong chức bất kể hậu quả và đủ mọi thứ lộn xộn khác, thì nếu Cơ-đốc-nhân không được phục sinh thật trong tâm linh mình thì làm sao có thể sống chung đời đời với nhau trong Thiên đàng được, làm sao có thể thấy mặt nhau mỗi ngày trong nước vinh hiển? Chính vì những lý do đó mà chúng ta hiểu được tại sao Đức Chúa Trời muốn con dân Ngài phải phục sinh và cũng hiểu được bổn phận trọng yếu của Cơ-đốc-nhân là phải tìm cho bằng được sự phục sinh thật cho tâm linh mình.
Vì vậy cầu xin Đức Chúa Trời tiếp tục soi sáng cho con dân Chúa biết làm thế nào để có thể từ bỏ mình mỗi ngày để vác thập tự giá mà theo Chúa cho đến cuối cùng. Cầu xin Đức Chúa Trời tiếp tục thêm sức cho Cơ-đốc-nhân để con dân Chúa có thể thắng hơn bản ngã mà biết vâng phục Chúa trong mọi phương diện của đời sống mình. Và cầu xin Đức-Thánh-Linh thêm sức để giúp đỡ cho con dân Chúa tìm được sự phục sinh thật và duy trì sự phục sinh ấy luôn luôn trong tâm linh mỗi người cho đến ngày Đức Chúa Jêsus Christ tái lâm. Amen.