CƠ-ĐỐC NHÂN VÀ SỰ NHẬN ĐỊNH ĐỜI SỐNG
Sự nhận định đời sống là một trong những cách hành xử quan trọng của Cơ-đốc-nhân. Đức Chúa Jêsus đã phán dạy các môn đồ Ngài ngày xưa và cũng cho chúng ta ngày hôm nay là chớ để cho ai lừa dối mình (Mác 13: 5) vì vậy sự nhận định đời sống đáng phải là khả năng thuộc thể hàng đầu của Cơ-đốc-nhân. Thêm vào đó, vì Đức Chúa Trời đã gọi chúng ta trở nên con cái sáng láng của Ngài (Ê-phê-sô 5: 8), nên Cơ-đốc-nhân cần phải biết nhận định đời sống để trở nên khôn ngoan, dè giữ đang khi còn sống trên thế gian nầy.
Khi nói đến việc nhận định đời sống thì điều đó có nghĩa là bao gồm tất cả mọi loài, mọi vật trong trần gian, nhất là nhận định về những người mà Cơ-đốc-nhân chúng ta liên hệ mỗi ngày hầu tránh được kẻ xấu, tránh xa khỏi tội lỗi và sự cám dỗ, tránh được sự bị lường gạt để vâng theo mạng lệnh của Chúa đã đề cập đến ở trên, là chớ để cho ai lừa dối mình. Ngoài ra khả năng nhận định đời sống còn giúp cho Cơ-đốc-nhân biết sắp xếp cách trật tự và ưu tiên cho những phương diện thuộc về cá nhân hầu đời sống mình có thể làm chứng tốt cho người chưa tin.
Nhưng trước khi đi vào chi tiết về sự nhận định đời sống, thì chúng ta cần thấy được sự khác nhau giữa việc đoán xét và nhận định. Theo lời Kinh thánh cho biết thì sự đoán xét là phán quyết điều đúng, điều sai nơi người khác cùng với hình phạt cặp theo (xin đọc thêm bài viết về CƠ-ĐỐC NHÂN VÀ SỰ ĐOÁN XÉT), còn việc nhận định đời sống là quan sát, suy nghĩ về mọi người, mọi vật để nhận biết thật giả và từ đó định ra được đường hướng hoặc cách ứng xử xứng hiệp với người hay với hoàn cảnh mà mình đang đối diện, hầu cho có thể sống đẹp lòng Đức Chúa Trời luôn luôn.
Ê-PHÊ-SÔ 5: 10-11 – Hãy xét điều chi vừa lòng Chúa, và chớ dự vào công việc vô ích của sự tối tăm, thà quở trách chúng nó thì hơn.
– Đây là mạng lệnh mà lời của Chúa muốn Cơ-đốc-nhân cần phải có, đó là biết nhận định, suy xét mọi điều để có thể sống đẹp lòng Chúa,
– Sự nhận định như vậy bao gồm cả những người mà chúng ta giao tiếp hàng ngày (vì trong đời sống nầy có người tốt kẻ xấu lẫn lộn với đầy những sự dối gạt, cho nên con dân Chúa phải biết nhận định đặc điểm của từng người),
– Sự nhận định của chúng ta phải đặt nền tảng trên Kinh thánh, vì chỉ có như vậy mới vừa long Chúa theo như ý nghĩa của cây Kinh thánh nầy,
– Nhờ có Kinh thánh và những mẫu mực đã được ghi chép lại mà Cơ-đốc-nhân có thể nhận định đúng đắn về mọi người, mọi việc để từ đó biết tránh xa những cám dỗ và tội lỗi cùng những ảnh hưởng xấu của thế gian hầu giữ được đời sống ngay lành trước mắt Chúa,
– Chỉ khi nào Cơ-đốc-nhân nhận định được điều nào là công việc vô ích của sự tối tăm thì bấy giờ mới có thể tìm cách tránh xa nó được,
– Chẳng những thế thôi, Chúa còn cho phép con dân Ngài được quyền quở trách những công việc như vậy, nhưng khi làm điều đó thì phải xác nhận được vị trí và quyền hạn của cá nhân mình, bằng không thì không thể có kết quả tốt mà trái lại còn gây thiệt hại và phản tác dụng nữa.
Cơ-đốc-nhân ngày nay thường có khuynh hướng sa vào những tình trạng cực đoan. Có người thì không để ý gì đến cuộc sống thuộc thể, chỉ chú trọng đến phương diện thuộc linh mà thôi, nên thường nói về những điều liên quan đến đức tin và thần học, trong khi đó lại bỏ qua những trách nhiệm thuộc thể, chẳng hạn như không chịu cần mẫn làm việc hoặc học tập, thậm chí còn có người bỏ bê cả vợ con để suốt ngày nói về chuyện tận thế mặc dầu cá nhân không phải là người được gọi vào chức vụ giáo sĩ, đến nỗi gây cớ vấp phạm cho người chưa tin về thái độ ‘ăn cơm dưới đất mà cứ nói chuyện trên trời (theo như lời bình phẩm của người ngoại).
Trái lại, cũng có rất nhiều Cơ-đốc-nhân chỉ chú ý đến phương diện thuộc thể mà thôi, nào là ăn mặc sao cho hợp thời trang, ở nhà như thế nào, đi xe ra làm sao, thậm chí có người còn tham gia vào các đảng phái chính trị để tranh đấu cho lý tưởng hoặc quan điểm đoàn thể mà không hề chịu khó ngồi lại đọc Kinh thánh, cầu nguyện, tham gia các buổi học Kinh thánh trong tuần, ngay cả việc nhóm thờ phượng Chúa cũng làm cho có lệ, khi nào rảnh rỗi thì đi, còn những lúc đoàn thể có sinh hoạt, hội họp thì bỏ cả giờ nhóm ngày Chúa nhật.
Cả hai thái cực nầy đều làm cho đời sống Cơ-đốc-nhân bị ảnh hưởng, trở nên lệch lạc, thiếu chuẩn mực quân bình mà Kinh thánh đã chỉ định. Chúng ta cần phải nhớ rằng Đấng mà chúng ta đang thờ phượng là Đức Chúa Trời Công Bình, Ngài không chỉ là Đấng phán xét loài người một cách ngay thẳng tuyệt đối, mà còn là Đấng cân bằng trong mọi việc. Phương diện nầy trong mỹ đức công bằng của Chúa được bày tỏ ra trong cả vũ trụ. Khi Đức Chúa Trời tạo dựng nên thế giới thì Ngài tạo nên mặt trời, mặt trăng, ban ngày, ban đêm, Ngài tạo nên mùa Xuân, mùa Thu, mùa Đông, mùa Hè, Ngài tạo nên nóng, lạnh, cay, đắng, mặn, ngọt, đồi núi, biển hồ, lửa, nước, thực vật, động vật và Ngài tạo nên loài người có nam, có nữ.
Vì vậy khi chúng ta trở nên con dân của Đấng Công Bình thì Cơ-đốc-nhân cũng phải thể hiện sự cân bằng trong cả phương diện thuộc linh và thuộc thể.
(Xin đọc thêm các bài viết về CÁC MỸ ĐỨC CỦA CHÚA, ĐỨC CHÚA TRỜI LÀ ĐẤNG CÔNG BÌNH, CƠ-ĐỐC NHÂN SỐNG ĐẠO, CƠ-ĐỐC NHÂN VÀ SỰ THỰC HÀNH TIN KÍNH, BIỆN BIỆT KHỎI THẾ GIAN)
Khi nói về sự quân bình trong cả hai phương diện thì điều đó có nghĩa là trong đời thuộc linh Cơ-đốc-nhân phải sốt sắng và trung tín trong sự thực hành tin kính, chẳng hạn như đọc Kinh thánh, cầu nguyện, nhóm họp ngày Chúa nhật, phục vụ Chúa trong Hội thánh, thăm viếng, chăm sóc, tham gia các chương trình truyền giảng, chứng đạo, các buổi học Kinh thánh nhóm nhỏ, làm công tác từ thiện. Còn trong phương diện thuộc thể thì Cơ-đốc-nhân cũng cần phải để ý đến xã hội mà mình đang sống, đến các sự kiện đang xãy ra trong quốc gia và trên thế giới để mà chuẩn bị tâm lý cho thích hợp, để cầu nguyện và để tìm biết ý muốn Chúa khi Ngài cho phép mọi điều ấy xãy ra hầu có thể sẳn sàng trong bất cứ hoàn cảnh nào, nhất là để nghe sự hướng dẫn và dạy dỗ của Chúa.
(còn tiếp)