CƠ-ĐỐC NHÂN VÀ SỰ LY DỊ (p. 9)
Khi Đức Chúa Trời thiết lập luật hiệp một trong hôn nhân và quyết định rằng một người có sự luyến ái với người khác (không phải là vợ hoặc chồng của họ) thì bị kể là phạm tội ngoại tình thì ấy cũng vì Chúa muốn bảo vệ cuộc hôn nhân của con người. Văn hóa phong tục của đa số các dân tộc cũng áp dụng cùng một luật tương tự. Điều đó giúp cho con người biết những tội lỗi cần phải tránh trong hôn nhân. Ngoài ra luật về sự hiệp một và tội ngoại tình cũng giúp bảo vệ mạng sống của con người. Chúng ta ít nữa cũng một lần nghe về những vụ đánh ghen mà trong đó người chồng giết tình nhân của vợ, hoặc người vợ tạt acid vào tình nhân của chồng. Đức Chúa Trời không hề muốn những tội lỗi đó xãy ra vì thế Ngài mới quyết định rằng khi một người có sự luyến ái với người khác phái thì điều đó được kể là sự hiệp một suốt đời, vĩnh viễn không có người thứ ba cho đến khi một trong hai người (chồng hoặc vợ) đã qua đời.
Chúng tôi cũng đã giải bày về luật pháp của Chúa trong việc đối phó với những người phạm ngoại tình, là người kia (người không phạm tội) không được chung sống lại với người đã phạm tội, và hai người phải lập tức ly dị và đó là sự ly dị vĩnh viễn. Mặc dầu đã ly dị, luật pháp của Chúa cũng không cho phép hai người đó được lập gia đình với bất cứ ai cho đến khi người phạm tội đã qua đời. Lúc bấy giờ thì người không phạm tội mới có thể lập gia đình với người khác vì người kia đã chết rồi. Còn trong trường hợp người không phạm tội qua đời trước thì người đã phạm tội vẫn không được phép lập gia đình với bất cứ ai, ngay cả với người mà họ đã có sự luyến ái lúc vợ hoặc chồng họ còn sống cũng không được. Người đã từng làm tình nhân của người đã có gia đình cũng không được phép lập gia đình với bất cứ ai, ngay cả đối với người mà họ đã từng cùng phạm tội tà dâm với.
Bất cứ ai cũng cho rằng luật pháp nầy là quá khó cho con người. Nhưng ấy là vì tình yêu mà Đức Chúa Trời đã lập nên luật pháp như vậy. Chủ tâm của Ngài là muốn con người có đời sống thánh khiết hầu được đồng trị cùng Chúa trong tương lai và hưởng vinh quang nơi Thiên đàng. Ngài không muốn con người phải sa vào hỏa ngục. Nhưng ngoài mỹ đức yêu thương, Đức Chúa Trời còn là Đấng Công Bình cho nên Ngài không thể không phạt kẻ phạm tội, và ngoại tình là tội làm cho rất nhiều người bị khốn khổ và vì vậy mà những kẻ phạm tội ấy phải bị phạt như bao nhiêu tội khác. Đó là điều mà Kinh thánh đã khẳng định rõ ràng:
(Hê-bơ-rơ 13: 4) Mọi người phải kính trọng sự hôn nhân, chốn quê phòng chớ có ô uế, vì Đức Chúa Trời sẽ đoán phạt kẻ dâm dục cùng kẻ phạm tội ngoại tình.
(1Cô-rinh-tô 6: 10) Chớ tự dối mình: phàm những kẻ tà dâm, kẻ thờ hình tượng, kẻ ngoại tình, kẻ làm giáng yểu điệu, kẻ đắm nam sắc, kẻ trộm cướp, kẻ hà tiện, kẻ say sưa, kẻ chưởi rủa, kẻ chắt bóp, đều chẳng hưởng được nước Đức Chúa Trời đâu.
Câu gốc trong Hê-bơ-rơ cho biết thêm rằng chính Đức Chúa Trời sẽ đoán phạt kẻ phạm tội ngoại tình thì điều ấy có nghĩa là dẫu những kẻ phạm tội trốn tránh được luật pháp của con người trong đời nầy thì rồi họ cũng phải đối diện với Chúa để nhận án phạt đời đời của Ngài, như có chép trong thư Cô-rinh-tô vừa trưng dẫn ở trên.
Khi Cơ-đốc nhân ý thức được sự nghiêm trọng trong luật pháp của Đức Chúa Trời về tội ngoại tình thì sẽ nhờ đó mà giữ mình để có thể được cứu vào Thiên đàng. Vì vậy xin đừng có một tôi con Chúa nào nghĩ rằng vì mình đã cầu nguyện tin Chúa rồi nên thế nào cũng được hưởng sự sống đời đời, và vì thế mà sống bê tha, phạm tội, nhất là những tội trong hôn nhân và tự đánh lừa chính họ rằng chắc cũng chẳng sao, chắc Chúa sẽ tha. Nếu một người phạm tội biết ăn năn thì Chúa sẽ tha, nhưng dầu được tha thì thử hỏi có bao nhiêu người có thể sống một mình không luyến ái cho đến suốt đời? Nếu một người không có nhu cầu luyến ái thì họ đã không lập gia đình, và cũng chẳng cần phải phạm tội tà dâm hoặc ngoại tình với bất cứ ai. Còn nếu không thể thìn mình được mà phải lập gia đình thì nên gắn bó với người phối ngẫu của mình đến suốt đời, và nên chỉ có một người mà thôi. Vì thế Cơ-đốc nhân phải nhận biết rằng trong Đức Chúa Trời có sự tha thứ, nhưng đó là sự tha thứ về hành động phạm tội của một người, chớ không phải điều đó đồng nghĩa với việc thay đổi bất cứ điều gì trong luật pháp về sự hôn nhân mà Ngài đã định. Nhưng nếu một người lợi dụng lòng nhân từ của Chúa để cố tình phạm tội vì nghĩ rằng sau khi phạm tội họ sẽ ăn năn thì vĩnh viễn không có sự tha thứ đâu. Đức Chúa Trời không chịu khinh dễ đâu và chắc chắn không để con người lừa gạt Ngài cách như vậy.
Đức Chúa Trời nghiêm khắc trong những điều liên quan đến hôn nhân và luyến ái là vì Ngài muốn con người được hạnh phúc. Chúng ta thử suy xét sâu xa một chút thì sẽ thấy rằng nếu một Cơ-đốc nhân trẻ (dầu là nam hay nữ) ý thức được sự nghiêm trọng trong hôn nhân thì người đó sẽ rất cẩn thận trong việc chọn lựa người phối ngẫu tương lai, vì biết rằng một khi đã kết hiệp nhau bởi sự luyến ái thì đó là sự hiệp một suốt đời. Chúng ta là cha mẹ, ai cũng muốn con mình lựa chọn cẩn thận trước khi quyết định tiến tới hôn nhân. Thậm chí nhiều cha mẹ thời nay không tin tưởng con, còn muốn tự mình quyết định thay cho con, vì muốn con lập gia đình với người tốt hoặc xứng đáng theo ý kiến của họ. Vậy mà mâu thuẫn thay, hầu như tất cả mọi người đều chống đối luật hôn nhân của Đức Chúa Trời khi Ngài muốn con người cẩn trọng trong hôn nhân để nhờ đó tìm được hạnh phúc. Thế mới biết sự nhận thức của con người là cạn cợt biết bao so với đường lối cao cả của Đấng Tạo Hóa.
Ngoài ra luật hiệp một trong hôn nhân mà Đức Chúa Trời đã định cũng giúp hàn gắn những bất hòa trong đời sống vợ chồng. Nếu hai người ý thức rằng trong trường hợp phải chia tay vì bất hòa họ phải sống một mình suốt đời không được luyến ái với bất cứ ai, thì những cặp vợ chồng sẽ suy nghĩ lại và làm hòa với nhau để tiếp tục đời sống hôn nhân đôi lứa hơn là chịu cảnh cô đơn trọn cả đời. Nhưng ít ai chịu nghĩ sâu xa như vậy. Họ chỉ muốn chấm dứt mối liên hệ hôn nhân lập tức lúc đang lúc nóng giận rồi tìm người khác, tưởng là như vậy sẽ giải quyết được nan đề. Và cũng chính vì lẽ đó mà người ta, ngay cả nhiều tôi con Chúa trong các Hội thánh, đều chống đối luật hôn nhân mà Đức Chúa Trời đã cho ghi lại trong Kinh thánh.
Nhiều người lại còn trưng dẫn câu chuyện Đa-vít phạm tội với bát-Sê-ba để biện minh cho cách sống và quan niệm hôn nhân ngày nay. Chúng tôi sẽ có dịp trình bày về đề tài ấy trong một dịp khác, để cho thấy rằng dùng trường hợp của Đa-vít để phản đối luật hôn nhân trong Kinh thánh sai lầm ở những điểm nào.