CƠ-ĐỐC NHÂN VÀ SỰ LY DỊ (p. 8)
Khi Cơ-đốc nhân suy nghĩ về luật pháp của Chúa liên quan đến sự ly dị thì hầu như mọi người đều có tâm lý phản đối vì thấy khó thực hiện, khó vâng giữ quá. Tâm lý nầy xãy ra là vì mọi người đều đặt cá nhân và hoàn cảnh của chính mình lên trước luật pháp của Chúa, hay nói đúng hơn là so sánh hiện trạng của cá nhân với luật pháp của Đức Chúa Trời, chớ không nhìn theo nhãn quan rộng lớn hơn để hiểu rằng luật pháp của Chúa được ban ra cốt là để cho con người được hạnh phúc và gia đình được bền vững.
Hầu giúp cho con dân Chúa có thể thấy được sự tốt đẹp trong luật pháp của Đức Chúa Trời trong vấn đền hôn nhân và ly dị thì chúng tôi xin giải bày tại đây những ích lợi trong luật pháp ấy.
Thứ nhất, khi Đức Chúa Trời chỉ định luật hiệp một trong hôn nhân thì điều ấy là sự ích lợi cho những người lập gia đình. Thông thường thì chúng ta thấy tình cảm trong hôn nhân của con người phai tàn dần theo năm tháng. Khi lập gia đình với nhau lúc còn trẻ tuổi thì nhờ sự tươi trẻ của người vợ, sự mạnh mẽ của người chồng mà có thể giúp cho hai người rất đầm ấm, yêu thương, gắn bó với nhau một cách sâu đậm. Đó là chưa nói đến việc nếu người vợ có sự mỹ miều xinh đẹp thì chắc người chồng còn yêu thương mật thiết hơn nữa. Nhưng có một thực tế trong đời sống mà không ai tránh khỏi, đó là sự già nua của tuổi tác. Theo năm tháng sự tươi trẻ của người vợ lần hồi bị tàn phai, sức lực mạnh mẽ của người chồng cũng không còn. Chúng ta là những người có tuổi, tóc bạc, da mồi, thử nhìn lại những tấm hình được chụp lúc thời trai trẻ, nhất là chụp trong ngày đám cưới của mấy mươi năm về trước thì chắc hẳn phải nhận ra sự khác biệt của diện mạo, dáng vóc xưa và nay.
Chính vì sự thay đổi đó mà nhiều cặp vợ chồng trở nên lạnh nhạt với nhau khi đã già nua, tình yêu thuở ban đầu cũng không còn nữa. Điều đó xãy ra rất thường xuyên trong đời sống nầy, là vì người ta lập gia đình với nhau bởi dáng vẽ bên ngoài nhiều hơn là tấm lòng bên trong. Có biết bao thực tế trong cuộc đời cho thấy có những người con gái nết na, hiền dịu, nhưng vì không có nhan sắc, thậm chí bị người khác xem là xấu xí, thì đành chịu ở vậy suốt đời vì không có người muốn lập gia đình với. Trái lại, có những người nữ tánh tình thiếu đoan trang nhưng vì có nhan sắc mặn mà kiều diễm nên vẫn có nhiều người theo đuổi và muốn cưới cho bằng được.
Vì cuộc hôn nhân của loài người thường đặt trọng tâm lên dáng vẽ bên ngoài nên Đức Chúa Trời mới lập luật hiệp một trong hôn nhân để bảo vệ các cặp vợ chồng khi họ tuổi tác già nua, có nghĩa là nếu họ kính sợ Chúa thì gắn bó với nhau suốt đời theo luật pháp của Ngài, chớ không thể bỏ nhau được. Nhưng cả người chưa biết Chúa và Cơ-đốc nhân đều không thích luật pháp nầy bởi vì tánh xác thịt, muốn thay đổi vợ chồng khi không còn yêu nhau nữa. Có biết bao trường hợp mà trong đó người chồng thấy vợ đã già thì ly dị để cưới người phụ nữ khác trẻ hơn. Có biết bao nhiêu trường hợp mà người phụ nữ lúc hồi xuân nhìn lại chồng mình thì thấy không còn phong độ như ngày nào bèn ly dị để rộng đường bồ bịch. Thực tế đó thì ai cũng thấy, vì vậy từ ngàn xưa Đức Chúa Trời đã lập luật hôn nhân để con người được bảo vệ, chớ không phải để làm cho con người bị khó khăn. Nhưng loài người thì chỉ nghĩ đến quyền lợi của mình nên tìm mọi cách chống đối luật pháp của Chúa hầu cho chính họ được thỏa mãn ý muốn riêng.
Chẳng hạn như trong vòng nam giới của Cơ-đốc nhân có người phản đối luật ly dị để chính họ được bỏ vợ cũ mà cưới vợ trẻ hơn. Những người đó vì tham muốn xác thịt nên chống đối luật pháp của Đức Chúa Trời và ruồng bỏ người vợ từng gắn bó nhiều năm trước. Họ chỉ nghĩ đến quyền lợi cá nhân chớ không hề suy nghĩ về thân phận và hoàn cảnh của người vợ cũ, là người sau nhiều năm chung sống đến khi nhan sắc tàn phai thì bị ruồng bỏ như một món đồ cũ không còn giá trị. Những người đàn ông đó cũng không suy nghĩ đến việc làm gương cho con cháu, thậm chí có người còn đi cưới phụ nữ trẻ hơn tuổi con của họ. Trong những trường hợp đó thì chúng ta mới thấy luật pháp về hôn nhân và ly dị của Đức Chúa Trời là cần thiết. Vì nếu Ngài không ban hành luật pháp ấy thì sự bất công trong hôn nhân sẽ không có dịp để truy cứu, và sau nầy sẽ không bị xét xử, và như thế là mạnh ai nấy làm theo ý riêng mình, bất kể sự tai hại, đau buồn của người bị bỏ rơi, bị ruồng rẫy. Đức Chúa Trời là Đấng Công Bình, Ngài không để cho loài người muốn làm gì thì làm, để rồi một bên thì hí hửng đi cưới vợ trẻ, một bên thì buồn khổ cay đắng cả đời.
Nếu nói về vấn đề biện minh thì ai cũng nghĩ phần đúng về mình, nhưng Đức Chúa Trời là Đấng quản trị cả vũ trụ, nên khi đặt ra luật pháp, dầu là luật tự nhiên hay luật trong vấn đề hôn nhân và ly dị thì Ngài đều áp dụng cho tất cả mọi người, không có trường hợp miễn trừ. Khi Ngài quyết định rằng mối quan hệ luyến ái trong hôn nhân là sự hiệp một suốt đời thì tất cả mọi người đều bị đặt dưới luật pháp ấy, không ai có thể biện minh rằng trường hợp họ đặc biệt thế nầy hoặc ngoại lệ thế kia. Và nếu bất cứ ai cãi chối, chống đối luật pháp nầy của Chúa hoặc bất cứ một luật nào khác mà Đức Chúa Trời đã phán dạy thì phải chịu hậu quả của việc làm ấy.
Thứ hai, khi luật hiệp một cũng được áp dụng cho những quan hệ luyến ái trước hôn nhân thì Đức Chúa Trời muốn thế hệ trẻ được lợi ích. Vì như điều mà chúng tôi đã trình bày trong các phần trước, khi có sự luyến ái xác thịt giữa hai người thì điều đó được kể là sự hiệp một suốt đời theo luật pháp của Đức Chúa Trời. Nhưng cả Cơ-đốc nhân và người ngoại đều chống đối luật pháp ấy. Nguyên nhân cũng là vì sự ích kỹ của bản ngã, chỉ nghĩ đến tình trạng của cá nhân hoặc muốn có quan hệ với nhiều người, mà không thấy sự lợi ích tổng quát của luật pháp Đức Chúa Trời đã chỉ định. Chắc chắn là chúng ta đều có nghe về những câu chuyện oan trái của đời sống khi có những người nữ trẻ tuổi nghe lời ngon tiếng ngọt của người đàn ông mà chấp nhận cho sự luyến ái ngoài hôn nhân được xãy ra, nhưng sau khi đã thỏa mãn tham muốn xác thịt thì nhiều người đàn ông liền hất hủi bỏ rơi những người nữ nhẹ dạ như vậy (mà dân gian gọi là những vụ quất ngựa truy phong). Khi Đức Chúa Trời đặt ra luật pháp hiệp một suốt đời thì ấy là để giúp cho con người biết điều đó là tội lỗi mà tránh. Dầu vậy thì loài người vẫn cố tình vi phạm vì cớ lòng tham muốn cá nhân. Nếu đã là luật pháp thì chắc chắn phải có sự trừng phạt. Đức Chúa Trời sẽ không bỏ qua cho những kẻ phạm luật pháp của Ngài mà lừa gạt người khác trong sự luyến ái cách như vậy. Đáng lẽ Hội thánh phải nêu gương và nhấn mạnh đến luật pháp nầy để giúp cuộc đời tránh bớt những vụ lừa gạt thương tâm trong tình yêu (mà có nhiều người vì buồn bã đành tự tử) nhưng đáng tiếc là có một số mục sư và những người trong các ban nghành lãnh đạo của Hội thánh lại phản đối luật pháp Chúa và chính họ cũng phạm nữa, hoặc dung túng cho con em phạm luật.
Ngay cả trong trường hợp hai người trưởng thành đồng ý có mối quan hệ luyến ái trước hôn nhân, thì không phải vì vậy mà họ không phạm luật của Chúa. Như điều mà chúng tôi đã trình bày trong phần trước, luật pháp của Chúa áp dụng cho cả thế gian, không miễn trừ một ai, nên không thể nói rằng vì có sự đồng ý của hai bên thì có thể chấp nhận được.
Thứ ba, luật hiệp một suốt đời trong hôn nhân giúp cho người ta tránh được tội ngoại tình. Nếu nói về việc bị cám dỗ thì tất cả con người đều bị, ma quỉ chẳng hề bỏ qua một ai mà không cám dỗ. Nhưng khi có luật pháp về sự hôn nhân và ly dị thì những tôi con Chúa có lòng lòng kính sợ Ngài sẽ nhân luật pháp ấy mà giữ mình. Thêm nữa, nhờ luật pháp ấy mà người ta biết cẩn trọng khi quyết định bước vào vòng hôn nhân.
(còn tiếp)