CƠ-ĐỐC NHÂN VÀ SỰ LY DỊ (p. 7)

Có một số con cái Chúa hỏi chúng tôi rằng nếu luật pháp của Chúa là như vậy thì trong những trường hợp mà người chồng hung dữ, đánh đập vợ, hoặc người vợ mê cờ bạc mà khuyên hoài không bỏ thì làm sao. Ngay cả trong những trường hợp như vậy thì Đức Chúa Trời cũng có dạy dỗ chúng ta phương pháp để giải quyết. Điều đó cho chúng ta thấy tình yêu của Ngài đối với con người là lớn lao đến bậc nào, khi Chúa chỉ dạy chúng ta bằng Kinh thánh về mọi điều trong đời sống, và đó cũng là cớ tích giúp chúng ta kính yêu Đức Chúa Trời và trân trọng Lời Hằng Sống của Ngài.

Trong cuộc hôn nhân của loài người thì có một điều chắc chắn là không phải cặp vợ chồng nào cũng thuận hòa yêu thương nhau. Trong những cuộc hôn nhân mà người chồng đánh đập vợ hoặc người vợ có những thói hư tật xấu không chịu từ bỏ thì Chúa cho phép hai người được ly thân (chớ không phải là ly dị):

(1Cô-rinh-tô 7: 15) Nếu kẻ không tin Chúa muốn phân rẽ, thì cho phân rẽ. Trong cơn đó, người anh em hay là người chị em chẳng phải cầm buộc gì. Đức Chúa Trời đã gọi anh em ăn ở trong sự bình an.

Trong câu gốc trên Đức Chúa Trời đã định một trong những nguyên tắc có thể được dùng trong hôn nhân, đó là sự phân rẽ giữa hai vợ chồng. Chữ phân rẽ nầy có ý nghĩa khác hơn là chữ ly dị, vì nó có hàm ý về sự ở riêng, tách biệt tạm thời, và không còn liên hệ bằng sự luyến ái nữa. Dầu vậy đặc điểm chung của cả hai tình trạng nầy là chỗ hai người không được quyền lập gia đình lần nữa hoặc chung sống với người khác:

(1Cô-rinh-tô 7: 11) Ví bằng đã phân rẽ nhau, thì nên ở vậy đừng lấy chồng khác, hay là phải lại hòa thuận với chồng mình, còn chồng cũng không nên để vợ.

Chính việc không nên lập gia đình hoặc chung sống với người khác mới có thể tạo cơ hội cho hai người trở lại với nhau nếu họ chịu hòa thuận, chịu thay đổi.

Mặc dầu luật pháp trong 1Cô-rinh-tô 7: 15 vừa trưng dẫn ở trên là đề cập đến trường hợp của những người lập gia đình với người không tin Chúa, nhưng nguyên tắc ấy vẫn được áp dụng cho Cơ-đốc nhân. Vì trong luật pháp của Chúa người chồng người vợ phải có bổn phận đối với nhau theo như mực thước của Kinh thánh đã chỉ định, nhưng nếu một trong hai người không chịu vâng phục để thực hiện theo những mẫu mực ấy thì là người chối bỏ Kinh thánh, bất tuân mạng lệnh của Đức Chúa Trời trong cuộc hôn nhân của mình, thì như vậy có khác gì với người ngoại đâu?

Sau đây là những câu gốc điển hình dạy dỗ về các mẫu mực trong hôn nhân mà vợ chồng phải đối xử với nhau:

(1Cô-rinh-tô 7: 3-4) Chồng phải làm hết bổn phận đối với vợ, và vợ đối với chồng cũng vậy. Vợ không có quyền tự chủ về thân mình, bèn là chồng; chồng cũng vậy, không có quyền tự chủ về thân mình bèn là vợ.

(Ê-phê-sô 5: 25) Hỡi người làm chồng, hãy yêu vợ mình, như Đấng Christ đã yêu Hội thánh, phó chính mình vì Hội thánh.

(Ê-phê-sô 5: 28) Cũng một thể ấy, chồng phải yêu vợ như chính thân mình. Ai yêu vợ mình thì yêu chính mình vậy.

(Ê-phê-sô 5: 33) Thế thì mỗi người trong anh em phải yêu vợ mình như mình, còn vợ thì phải kính chồng.

Những mẫu mực trên được Đức Chúa Trời cho ghi lại trong Kinh thánh của Ngài không phải để đọc cho có rồi bỏ qua. Những Cơ-đốc nhân kính sợ Chúa cần phải tôn trọng những mẫu mực ấy và làm theo. Cơ-đốc nhân không thể nói được rằng họ tin Chúa nhưng không cần phải thực hiện sự dạy dỗ của Kinh thánh. Tin Chúa cách như vậy không khác gì người ngoại không biết Chúa. Cho nên mặc dầu nguyên tắc về sự phân rẽ dường như chỉ có đề cập đến tình huống xãy ra cho những người đã lập gia đình với người không tin Chúa, nhưng vẫn được áp dụng cho Cơ-đốc nhân. Vì luật pháp của Đức Chúa Trời là mực thước cho mọi đời sống trong trần gian, dầu là có tin Chúa hay không. Nếu một người nói rằng luật pháp của Kinh thánh dành cho người chưa biết Chúa không thể áp dụng cho người đã tin Chúa, vậy thì chẳng lẽ luật pháp dành cho người đã tin cũng không được áp dụng cho người không tin? Nếu biện minh như vậy thì vào ngày chung thẫm của cả thế gian Đức Chúa Trời sẽ xử án người không tin bằng luật pháp nào? Chẳng lẽ người không tin Chúa có thể thưa với Ngài rằng vì họ không biết, không đọc Kinh thánh nên Đức Chúa Trời chỉ nên xử phạt họ bằng luật pháp do con người đặt ra? Hoặc giả Cơ-đốc nhân nói rằng vì có những luật pháp trong Kinh thánh chỉ dành cho người ngoại nên con dân Chúa không cần phải biết tới? Chẳng lẽ người ngoại còn phải vâng giữ luật pháp của Kinh thánh mà con dân của Chúa thì không cần phải tuân theo?

Bởi lẽ đó, luật phân rẽ trong hôn nhân có thể được áp dụng trong trường hợp hai vợ chồng không thể sống chung với nhau vì sự hung bạo của người chồng hoặc tánh xấu của người vợ, hoặc là vì một trong hai người không chịu vâng phục sự dạy dỗ của Kinh thánh. Nhưng sự phân rẽ như vậy, hay còn gọi là ly thân, chỉ là tạm thời để tạo cơ hội cho người có lỗi (không phải lỗi vì cớ ngoại tình) biết ăn năn, chớ không phải là sự ly dị hẳn hoi. Nhưng dầu là ly thân thì luật pháp của Chúa trong Kinh thánh cũng không cho phép hai người đó được lập gia đình lần nữa hay có quan hệ luyến ái với bất cứ ai trong thời gian xa cách, hầu cho họ có hội trở lại với nhau khi biết ăn năn và sửa đổi.

Nói tóm lại, thì theo như lời của Kinh thánh, khi một người nam và một người nữ lập gia đình với nhau và có sự luyến ái trong hôn nhân, thì sự kết hiệp đó được kể là bền chặt (cả hai trở thành một) suốt đời. Dầu là sau đó, vì lý do nầy hoặc lý do khác mà hai người phải ly thân hoặc ly dị thì họ cũng không được quyền lập gia đình lần thứ hai, hoặc có quan hệ luyến ái với người nào khác nếu vợ cũ, chồng cũ của họ vẫn còn sống trên trần gian. Trong cuộc hôn nhân, nếu một trong hai người phạm tội ngoại tình thì người kia phải lập tức ly dị ngay, vĩnh viễn không được trở lại sống chung với người đã phạm tội, mà cũng không được phép lập gia đình lần nữa nếu người phạm tội ngoại tình vẫn còn sống (mặc dầu ngươi kia không hề có lầm lỗi gì).

Trong trường hợp có sự luyến ái xác thịt trước hôn nhân thì hai người cũng được xem như là vợ chồng theo như luật pháp của Kinh thánh. Họ cần phải lập gia đình với nhau và phải xưng tội với Chúa vì đã có quan hệ với nhau trước hôn nhân. Nhưng nếu họ chỉ có luyến ái mà không lập gia đình với nhau thì bị xem là hai kẻ bị để. Họ không được phép có quan hệ với bất cứ ai khác, nếu có thì họ bị kể là kẻ phạm tội ngoại tình và sau nầy mặc dầu có lập gia đình với người khác có cưới hỏi và có hôn thú, thì dưới ánh sáng của Kinh thánh họ vẫn bị kể là hai kẻ phạm tội tà dâm, dầu người thứ ba đến sau chưa hề lập gia đình hoặc có luyến ái với ai bao giờ. Đó là luật pháp mà Kinh thánh đã bày tỏ.

Từ trước đến nay, khi nghe chúng tôi trình bày về luật pháp nầy thì hầu như tất cả mọi người đều phản đối rất mạnh mẽ. Họ tưởng rằng đang phản đối chúng tôi, nhưng thật ra là đang phản đối Đức Chúa Trời. Vì chúng tôi chỉ là người trình bày, chớ không phải là tác giả của luật hôn nhân và ly dị trong Kinh thánh.

Tất cả những người nghe biết về luật pháp nầy đều có chung một lời phát biểu, là khó quá, khe khắc quá, ai giữ theo cho nổi. Nhưng khi nói như vậy thì những người đó chỉ nghĩ về trường hợp của họ, hoàn cảnh của họ, sự tự do thoải mái của họ trong việc muốn lấy ai thì tùy thích, chớ không nghĩ xa hơn về thế hệ tương lai, về hạnh phúc của con cháu, về việc làm gương cho người ngoại, về trách nhiệm là muối của đất, là ánh sáng của thế gian và nhất là không hề nghĩ gì về vinh hiển của Đức Chúa Trời. Sự phản đối như vậy bày tỏ tấm lòng ích kỷ tiềm ẩn trong xác thịt của con người.

(còn tiếp)




Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *