CƠ-ĐỐC NHÂN VÀ SỰ LY DỊ (p. 5)

Như điều mà chúng tôi đã đề cập đến ở trên thì sự luyến ái xác thịt trong hôn nhân là quan trọng và mật thiết đến độ Đức Chúa Trời dùng điều đó để làm hình bóng về sự kết hiệp giữa Đấng Christ và Hội thánh. Trong đời sống con người sự luyến ái xác thịt có thể xãy ra bởi nhiều mối quan hệ, chẳng hạn như trong hôn nhân giữa vợ với chồng, nhưng cũng thấy xãy ra trong mối quan hệ bồ bịch (kiểu boy friend, girl friend của Âu Mỹ), hoặc trong các mối quan hệ ngoài hôn nhân (ngoại tình) hay trước hôn nhân. Nhưng trong quan điểm thánh khiết của Đức Chúa Trời thì Ngài chỉ chấp nhận mối quan hệ luyến ái của người nam và người nữ sau hôn nhân mà thôi (nghĩa là chỉ có quan hệ ấy sau khi đã chính thức làm lễ cưới, chính thức trở nên vợ chồng), còn tất cả các mối quan hệ luyến ái khác đều không được chấp nhận.

Vì sự luyến ái trong xác thịt là quan trọng nên theo luật pháp của Kinh thánh thì nếu một người có quan hệ luyến ái với kỹ nữ thì cũng bị xem là đã trở thành một với người đó:

(1Cô-rinh-tô 6: 16) Anh em há chẳng biết người nào kết hiệp với điếm đĩ, thì trở nên một xác với nó sao? Vì có chép rằng: Hai người sẽ đồng nên một thịt.

Chính bởi lẽ đó nên khi một người có quan hệ luyến ái xác thịt với người khác phái, bất kể hoàn cảnh hay lý do như thế nào, thì cũng được xem như là đã kết hiệp với người đó, và được kể như có mối quan hệ vợ chồng, mặc dầu không cưới hỏi hoặc chỉ là quan hệ trong một giai đoạn ngắn ngủi nào đó mà thôi. Vì vậy, khi một người đã có quan hệ luyến ái với ai đó rồi sau lại đi lập gia đình thì làm cho cả ba trở thành những kẻ phạm tội tà dâm.

Chúng tôi xin được dùng thí dụ như thế nầy để làm rõ vấn đề: Chẳng hạn như có một thanh niên kia, ngày còn là sinh viên đại học có cặp bồ với một bạn nữ sinh cùng trường hoặc cùng lớp. Sau một thời gian thì hai người có quan hệ luyến ái xác thịt với nhau (đây là điều vẫn thường thấy xãy ra ngày hôm nay). Theo luật pháp của Kinh thánh thì dù hai người không hề có cưới hỏi, nhưng vì mối quan hệ luyến ái ấy mà Đức Chúa Trời kể họ đã trở thành một như những người đã bước vào đời sống hôn nhân (vì với kỹ nữ mà còn bị kể là hiệp làm một, huống chi là với người bình thường). Điều đó có nghĩa là mặc dầu trong mắt của loài người họ vẫn chỉ là bồ bịch với nhau, nhưng trong quan điểm của Đức Chúa Trời đã bày tỏ qua Kinh thánh thì họ đã là vợ chồng (vì theo luật pháp chỉ những người là vợ chồng mới được phép có sự luyến ái ấy). Sau khi ra trường thì cặp nam nữ sinh viên đó chia tay nhau, mỗi người một ngã. Vài năm sau, khi hai người ấy lập gia đình, thì theo luật pháp của Kinh thánh đã phán dạy, họ trở thành hai kẻ phạm tội tà dâm, vì người vợ người chồng của họ vẫn còn sống (mặc dầu ngày còn là sinh viên họ không có cưới hỏi, nhưng vì đã có quan hệ luyến ái xác thịt nên được xem như đã là vợ chồng của nhau rồi). Chẳng những thế thôi, hai người mà họ lập gia đình với (dầu cả bốn người đều là lần đầu tiên có cưới hỏi) thì cũng bị kể là kẻ phạm tội tà dâm (vì đã lấy vợ, lấy chồng của người khác).

Để tóm tắt về thí dụ trên thì chúng tôi có thể nói một cách ngắn gọn như thế nầy: Khi hai người sinh viên đã có luyến ái xác thịt mà không lập gia đình với nhau thì bị xem như là người bị để. Và khi họ chính thức lập gia đình với người khác thì cả bốn người đều phạm tội tà dâm. Chúng ta cùng xem lại lời phán của Đức Chúa Jêsus thì sẽ thấy vấn đề được Chúa dạy dỗ rõ ràng như thế nào:

(Ma-thi-ơ 5: 32) Song ta phán cùng các ngươi: Nếu người nào để vợ mà không phải vì cớ ngoại tình, thì người ấy làm cho vợ mình ra người tà dâm; lại nếu người nào cưới đàn bà bị để, thì cũng phạm tội tà dâm.

Có người biện minh như thế nầy: Mặc dầu họ (thí dụ như hai người sinh viên kia) đã ăn ở với nhau nhưng vì chưa cưới hỏi cho nên không thể được kể là vợ chồng. Nói như vậy là cố tình không hiểu luật pháp của Đức Chúa Trời để chính họ có thể dung túng cho tội lỗi. Thử hỏi trong trường hợp đối với kỹ nữ, thì có ai đi cưới người kỹ nữ đó trước rồi mới có quan hệ luyến ái xác thịt hay không? Việc một người đi đến kỹ viện (hay lầu xanh) để luyến ái với kỹ nữ chỉ là cuộc vui xác thịt trong chốc lát của những kẻ trác táng, ai cũng biết như vậy, nhưng việc đó vẫn bị Đức Chúa Trời kể như là sự kết hiệp làm một giữa vợ với chồng. Thế thì việc hai người chưa cưới hỏi mà có quan hệ luyến ái thì có khác gì đâu? Sự quan hệ đó chắc hẳn phải lâu dài hơn là việc một người đi đến kỹ viện, vậy mà có tôi con Chúa dám cãi chối rằng đó không phải là quan hệ vợ chồng. Thử hỏi có chỗ nào trong Kinh thánh cho phép hai người không phải là vợ chồng mà lại được có quan hệ luyến ái xác thịt với nhau? Nếu Kinh thánh không có chỗ nào cho phép mối quan hệ luyến ái như vậy thì tại sao các mục sư, các Cơ-đốc nhân cứ tiếp tục cãi chối luật pháp của Kinh thánh? Trong vấn đề nầy quả hẳn có sự thúc đẩy của xác thịt và ma quỉ chớ chẳng sai. Vì đối với lễ giáo của người ngoại chưa biết Chúa mà người ta còn không chấp nhận điều ấy, huống chi là trong vòng con cái Đức Chúa Trời. Hay là các mục sư, các Cơ-đốc nhân khác cho rằng sự luyến ái như vậy chẳng có quan trọng bao nhiêu? Những người cãi chối luật pháp của Kinh thánh cứ thử đi đến các gia đình người ngoại và tuyên bố với họ rằng việc con trai con gái của họ ăn ở với người khác ngoài hôn nhân không phải là chuyện quan trọng đáng chú tâm, để xem họ phản ứng như thế nào?

Vậy mà trong thực tế có mục sư, ngày còn là sinh viên đã có quan hệ luyến ái với người nữ, mà sau khi tốt nghiệp, vẫn thản nhiên đi nhận chức vụ, rồi cũng thản nhiên đi lập gia đình với người khác. Tín lý quan trọng như vậy về cuộc hôn nhân của tôi con Chúa mà không biết, không vâng phục, không làm theo thì thế nào có thể làm gương cho thanh niên trong Hội thánh được?

Cũng có người biện minh rằng Cơ-đốc nhân trong thời kỳ ân điển không cần phải vâng phục luật pháp của Đức Chúa Trời vì đã là người tự do trong Đấng Christ rồi. Nói như vậy thì chẳng lẽ tôi con Chúa bỏ luôn cả Mười Điều Răn, vì là luật pháp của Cựu ước? Nói như vậy chẳng lẽ gia đình người ngoại còn biết giữ lễ giáo về đời sống trong sạch của con trai, con gái họ trước hôn nhân, mà tôi con của Chúa thì sống trụy lạc, muốn ăn ở với ai ngoài hôn nhân thì tùy ý? Nói như vậy thì chẳng lẽ người ngoại còn biết đề cao tánh nhịn nhục chịu đựng để sống chung cho đến răng long đầu bạc, còn tôi con của Chúa thì cứ hễ không còn thích nhau nữa thì cứ việc ly dị một cách thoải mái, rồi cũng thoải mái mà đi lấy người khác? Nền tảng đạo đức của Hội thánh ngày nay bị sa sút là vì tôi con của Chúa thờ ơ quá với Kinh thánh, với những tín lý và mực thước căn bản trong lời của Đức Chúa Trời, đến nỗi muối mất mặn, đèn lu mờ như chúng ta thấy ngày nay.

Trở lại với vấn đề ly dị, thì Đức Chúa Jêsus chỉ cho phép tôi con của Ngài được ly dị nhau bởi một nguyên nhân duy nhất mà thôi, đó là một trong hai người phạm tội tà dâm. Mà hễ đã phạm tội tà dâm rồi thì người chồng hay người vợ tuyệt đối không được trở lại chung sống với người đã phạm tội. Vậy mà các mục sư vẫn tiếp tục làm ngơ về luật pháp ấy, thậm chí còn khuyên hai người như vậy chung sống lại với nhau và biện minh rằng đó là sự yêu thương, sự tha thứ, nhưng trong thực tế lại không biết Đức Chúa Trời đã dạy gì về việc yêu thương theo Lẽ thật của Kinh thánh là như thế nào.

(còn tiếp)




Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *