CƠ-ĐỐC NHÂN VÀ SỰ LY DỊ (p. 4)
Có hai lý do khiến cho các tôi con Chúa ngày nay xem chuyện ly dị là bình thường, thứ nhất là vì không hiểu rằng Đức Chúa Jêsus chỉ cho phép vợ chồng được ly dị khi một trong hai người phạm tội ngoại tình. Thứ hai là vì họ không hiểu luật pháp trong thư tín Rô-ma đoạn 7 rằng người ta chỉ được phép lập gia đình lần thứ hai khi người vợ hoặc người chồng trước đã qua đời. Đa số các mục sư đều tưởng lầm rằng hễ ly dị một cách hợp pháp (dù là với bất cứ lý do nào) và có giấy tờ hẳn hoi thì Cơ-đốc nhân có thể lập gia đình lẫn nữa. Hiểu như vậy là có chung một nhận thức như người Pha-ri-si. Chính vì vậy nên họ mới thắc mắc và hỏi Đức Chúa Jêsus rằng tại sao Môi-se cho phép để vợ trong khi Chúa thì dạy rằng người ta không được phép ly dị nhau ngoại trừ phạm tội ngoại tình. Chẳng những thế thôi, một số mục sư khác thì tưởng là họ biết Kinh thánh nên giải thích rằng chỉ có người phạm tội ngoại tình mới không được phép lập gia đình lần nữa, còn đối với người kia, vì không có phạm lầm lỗi gì, nên đương nhiên được phép tái giá hoặc tái hôn, muốn lấy ai thì lấy.
Giải thích theo cách thứ hai là bẻ cong chân lý trong Kinh thánh. Không có chỗ nào Chúa dạy như vậy cả nhưng cho biết là dưới ánh sáng của luật pháp thì mặc dầu đã ly dị rồi cả hai người đều không được lập gia đình lần nữa nếu người kia vẫn còn sống. Ngay cả trong thời kỳ Môi-se, khi dân Y-sơ-ra-ên được phép để vợ thì luật pháp cũng cấm không cho người ta lấy những người bị để, huống chi là trong thời kỳ ân điển:
(Lê-vi ký 21: 14) Ngươi chẳng nên cưới đàn bà góa, bị để, dâm ô hay là kỵ nữ, nhưng phải cưới một người đồng trinh trong vòng dân sự mình.
Đó là luật pháp dành cho thầy tế lễ, đến nỗi không cho phép họ được lấy người đã từng có gia đình. Nhưng ngày hôm nay thì có nhiều mục sư lấy vợ là người đã ly dị hay là người đã từng luyến ái với người khác trước hôn nhân. Thật là một sự sai lầm đáng trách vì không chịu suy gẫm lời Kinh thánh.
Có người thì biện minh rằng luật pháp trên chỉ dành cho thầy tế lễ thời Cựu ước mà thôi, còn tôi con Chúa ngày nay thì được miễn. Bào chữa như vậy là thiếu lẽ thật lắm, vì không hiểu Kinh thánh. Lời của Chúa cho biết là Cơ-đốc nhân ngày nay (huống chi là mục sư) là dòng dõi thầy tế lễ, có nghĩa tất cả đều đang làm chức thầy tế lễ của Đấng Christ trong thời kỳ ân điển, và cả Kinh thánh (tức là từ Sáng thế ký đến Khải huyền) đều đã được Đức Chúa Trời soi dẫn để dạy dỗ con cái Chúa cho được công bình (chớ không phải chỉ có Tân ước mới dạy dỗ riêng Cơ-đốc nhân của thời đại ân điển ngày nay mà thôi):
(1Phi-e-rơ 2: 9) Nhưng anh em là dòng giống được lựa chọn, là chức thầy tế lễ nhà vua, là dân thánh, là dân thuộc về Đức Chúa Trời, hầu cho anh em rao giảng nhân đức của Đấng đã gọi anh em ra khỏi nơi tối tăm, đến nơi sáng láng lạ lùng của Ngài.
(2Ti-mô-thê 3: 16) Cả Kinh thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn, có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình.
Chính vì vậy mà có những phần luật pháp trong Cựu ước vẫn còn áp dụng trong thời đại ân điển của chúng ta. Và cũng chính vì luật pháp ấy mà Đức Chúa Jêsus đã cảnh cáo rằng nếu người nào ly dị vợ hoặc chồng của mình không phải vì cớ ngoại tình tức là đã trực tiếp làm cho cả hai đều phạm tội tà dâm:
(Ma-thi-ơ 5: 32) Song ta phán cùng các ngươi: Nếu người nào để vợ mà không phải vì cớ ngoại tình, thì người ấy làm cho vợ mình ra người tà dâm; lại nếu người nào cưới đàn bà bị để, thì cũng phạm tội tà dâm.
Chúng tôi biết vẫn có những người hoàn toàn không hiểu rõ về luập pháp của sự ly dị được bày tỏ qua câu gốc trên nên sẽ cố gắng giải thích thêm bằng thí dụ sau đây:
Như Kinh thánh cho biết thì trước mặt Đức Chúa Trời người nam và người nữ đều được đối xử như nhau (theo 1Cô-rinh-tô 11: 11-12 như đã trưng dẫn trong phần thứ 2) nên mặc dầu câu Kinh thánh trên chỉ đề cập đến việc người nam để vợ mà thôi, nhưng thật ra luật pháp ấy áp dụng chung cho cả mọi người, nam cũng như nữ.
Bây giờ chúng tôi xin thí dụ thế nầy: Có một người chồng (tên A) ly dị người vợ (tên B) không phải vì cớ ngoại tình, có thể vì cớ không còn thương nhau nữa hay là vì một lý do nào khác. Sau đó thì người đàn ông tên A và người phụ nữ tên B đều đi lập gia đình lần nữa. Theo như luật pháp của Chúa trong Rô-ma 7: 1-3 (là luật pháp được tiếp tục áp dụng trong thời đại ân điển) thì cả hai là người phạm tội tà dâm vì chồng cũ, vợ cũ đều còn sống. Chẳng những vậy thôi, hai người mà họ lập gia đình với cũng phạm tội tà dâm ngay cả trong trường hợp cả hai người đến sau đều chưa từng lập gia đình (nhưng vẫn bị kể là phạm tội vì cớ lấy vợ, lấy chồng của người khác). Như vậy, vì không thực hiện theo điều Đức Chúa Jêsus đã phán dạy, cả bốn người đều phạm tội tà dâm!
Luật pháp nầy có như vậy là vì được đặt trên nguyên tắc hiệp một của hai đời sống trong sự luyến ái qua hôn nhân. Theo như điều đã được xác định từ thời A-đam và Ê-va thì khi hai người kết hiệp trong hôn nhân (tức là có sự luyến ái bằng xác thịt) thì được Đức Chúa Trời kể như trở nên một xác thịt mà thôi.
(còn tiếp)