CƠ-ĐỐC NHÂN VÀ SỰ GIẢI TRÍ
THÁNH KINH ĐỀ MỤC
CƠ-ĐỐC NHÂN VÀ SỰ GIẢI TRÍ
Kinh thánh: Truyền đạo 11
Câu gốc: TRUYỀN ĐẠO 11: 9-10 – Hỡi kẻ trẻ kia, hãy vui mừng trong buổi thiếu niên, khá đem lòng hớn hở trong khi còn thơ ấu, hãy đi theo đường lối lòng mình muốn, và nhìn xem sự mắt mình ưa thích, nhưng phải biết rằng vì mọi việc ấy, Đức Chúa Trời sẽ đòi ngươi đến mà đoán xét. Vậy, khá giải sầu khỏi lòng ngươi, và cất điều tai hại khỏi xác thịt ngươi; vì lúc thiếu niên và thì xuân xanh là sự hư không mà thôi.
*******
1. SỰ GIẢI TRÍ LÀ NHU CẦU CỦA CON NGƯỜI
– Sự giải trí là một trong những phương pháp giúp cho tinh thần được thư giãn. Nói một cách khác thì sự giải trí tức là chuyển hướng tư tưởng sang những vấn đề đơn giản hoặc vui tươi hơn để làm giảm bớt các áp lực tâm lý.
– Trong đời sống nầy thì con người thường gặp phải những nan đề làm cho tâm trí lo lắng, buồn rầu, đau khổ. Đó là những điều không thể tránh khỏi được khi còn sống trong trần gian, như đã được khẳng định trong…
THI THIÊN 90: 10 – Tuổi tác của chúng tôi đến được bảy mươi, còn nếu mạnh khỏe thì đến tám mươi. Song sự kiêu căng của nó bất quá là lao khổ và buồn thảm, vì đời sống chóng qua, rồi chúng tôi bay mất đi.
TRUYỀN ĐẠO 1: 8 – Muôn vật thảy đều lao khổ, loài người không thế nói ra được. Mắt không hề chán ngó, tai chẳng hề nhàm nghe.
– Sự lo lắng, buồn rầu, đau khổ đều bắt nguồn từ sự nhận định của tâm trí.
Thí dụ: Có hai người cùng làm một công việc giống nhau, nhưng nếu tâm trí của một người xem công việc ấy như là điều mình thích làm, thì người ấy sẽ cảm thấy vui vẻ. Còn người kia, nếu không thích công việc ấy thì sẽ cảm thấy chán nản, buồn bực.
– Vì vậy vui hay buồn, đau khổ hay là thỏa mãn đều bắt nguồn từ sự nhận định của tâm trí.
– Tất cả mọi người đều biết rằng tâm lý lo lắng, buồn rầu, đau khổ đều có ảnh hưởng rất tai hại trên sức khỏe của cá nhân.
CHÂM NGÔN 17: 22 – Lòng vui mừng vốn một phương thuốc hay, còn trí nao sờn làm cho xương cốt khô héo.
– Chính bởi lẽ đó mà con người cần phải có sự giải trí để giúp cho tinh thần có thể hướng đến một vấn đề khác và nhờ đó làm quên đi sự buồn rầu, đau khổ, lo lắng hoặc mệt nhọc.
– Vì Đức Chúa Trời là Đấng tạo dựng con người cho nên Ngài biết là con người cần có sự giải trí. Điều nầy đã được lời của Chúa cho biết trong…
TRUYỀN ĐẠO 11: 9 – Hỡi kẻ trẻ kia, hãy vui mừng trong buổi thiếu niên, khá đem lòng hớn hở trong khi còn thơ ấu, hãy đi theo đường lối lòng mình muốn, và nhìn xem sự mắt mình ưa thích, nhưng phải biết rằng vì mọi việc ấy, Đức Chúa Trời sẽ đòi ngươi đến mà đoán xét. Vậy, khá giải sầu khỏi lòng ngươi, và cất điều tai hại khỏi xác thịt ngươi, vì lúc thiếu niên và thì xuân xanh chỉ là sự hư không mà thôi.
– Trong câu Kinh thánh nầy thì chữ HÃY đi theo đường lối lòng mình muốn, và nhìn xem sự mắt mình ưa thích… cho thấy rằng Đức Chúa Trời cho phép hoặc nói đúng hơn là nhắc nhở cho con người biết là nên có sự giải trí để tránh khỏi tình trạng bị áp lực về tâm lý.
– Khi lời Kinh thánh nhắc đến chữ KẺ TRẺ KIA thì ấy là vì tuổi trẻ thì chưa cho nhiều trách nhiệm bổn phận cho nên mới có thì giờ giải trí nhiều hơn. Còn người đã lập gia đình thì vì có trách nhiệm bổn phận đối với vợ hoặc chồng hoặc là đối với con cái nên thì giờ dành cho sự giải trí sẽ ít hơn.
1CÔ-RINH-TÔ 7: 32-34 – Vả, tôi muốn anh em được thong thả chẳng phải lo lắng gì. Ai không cưới vợ thì chăm lo việc Chúa, tìm phương cho Chúa đẹp lòng. Song ai cưới vợ rồi thì chăm lo việc đời nầy, tìm cách cho vợ mình thỏa dạ. Người nữ có chồng và đồng trinh cũng khác nhau như vậy: Ai không chồng thì chăm lo việc Chúa, đặng cho thân thể và tinh thần đều được thánh; nhưng ai có chồng thì chăm lo các việc đời nầy, tìm cách cho đẹp lòng chồng mình.
– Nhưng mặc dầu cho phép con người được có sự giải trí nhưng lời của Chúa cũng nhắc nhở về việc phải giải trí bằng điều tốt chớ không nên giải trí bằng điều xấu. Bởi lẽ đó lời của Chúa mới đề cập đến việc BỊ đoán xét trong tương lai, như có chép trong phần cuối của câu thứ 9…
Phải biết rằng vì MỌI việc ấy (tức là cách sống của cá nhân, bao gồm luôn cả sự giải trí), Đức Chúa Trời sẽ đòi ngươi đến mà đoán xét.
– Trong thời kỳ hiện đại thì sự giải trí có nhiều phương diện, nhiều cách, nhưng vì lời của Chúa có nhắc đến việc người ta sẽ bị phán xét về thói quen giải trí của cá nhân cho nên sự giải trí được phân biệt ra làm 2 loại, đó là sự giải trí có ích và sự giải trí tai hại.
2. SỰ GIẢI TRÍ CÓ ÍCH
Gồm những điều làm cho tâm trí được thư giãn, vui tươi và cá nhân có thể được học hỏi thêm về kiến thức để tăng thêm sự hiểu biết.
3. SỰ GIẢI TRÍ TAI HẠI
Gồm những điều làm cho người ta giận giữ hoặc buồn bã hoặc quá tốn kém hoặc làm mất sức khỏe hoặc thậm chí có thể làm mất đức tin.
Thí dụ về việc tìm niềm vui của vua Sa-lô-môn:
TRUYỀN ĐẠO 2: 8 – Ta cũng thâu chứa bạc vàng, và những vật báu của các vua, các tỉnh. Ta lo sắm cho mình những con hát trai và gái, cùng sự khoái lạc của con trai loài người, tức là nhiều vợ và hầu.
– Sự chọn lựa niềm vui cũng như ý thích của cá nhân ông đã làm cho vua Sa-lô-môn phạm tội.
NÊ-HÊ-MI 13: 26 – Sa-lô-môn, vua Y-sơ-ra-ên, há chẳng có phạm tội trong điều đó sao? Vả, trong nhiều dân tộc không có một vua nào giống như người. Người được Đức Chúa Trời của mình thương yêu, và Đức Chúa Trời đặt người làm vua trên cả Y-sơ-ra-ên. Dẫu vậy, người cũng bị đàn bà ngoại bang xui cho phạm tội!
– Sự giải trí tai hại còn có nghĩa là làm cho người ta bị say mê, bị ghiền, bị ràng buộc.
CHÂM NGÔN 20: 1 – Rượu khiến người ta nhạo báng, đồ uống say làm cho hỗn hào. Phàm ai dùng nó quá độ, chẳng phải là khôn ngoan.
– Ghiền giải trí (tức là tình trạng quá độ) có thể làm cho Cơ-đốc-nhân bị mê muội trong đời thuộc linh và không còn sẳn sàng để chờ đợi ngày Đức Chúa Jêsus Christ tái lâm.
LU-CA 21: 34 – Vậy, hãy tự giữ lấy mình, e rằng vì sự ăn uống quá độ, sự say sưa và sự lo lắng đời nầy làm cho lòng các ngươi mê mẩn chăng, và e ngày ấy đến thình lình trên các ngươi như lưới bủa.
– Ăn uống quá độ, giải trí quá độ đều là tình trạng BỊ GHIỀN.
RÔ-MA 13: 13 – Hãy bước đi cách hẳn hoi như giữa ban ngày. Chớ nộp mình vào sự quá độ và say sưa, buông tuồng và bậy bạ, rầy rà và ghen ghét.
– Khi Cơ-đốc-nhân bị ghiền về mất cứ một điều gì thì người đó không còn là Cơ-đốc-nhân thật nữa.
PHI-E-RƠ 4: 3 – Ngày trước cũng đã đủ làm theo ý muốn người ngoại đạo rồi, mà ăn ở theo tà tịch, tư dục, say rượu, ăn uống quá độ, chơi bời, và thờ hình tượng đáng gớm ghiếc.
– Trong câu Kinh thánh nầy thì lời của Chúa cho thấy rằng chỉ có người chưa tin mới bị quá độ mà thôi, còn khi đã được tái sanh rồi thì có sự tiết độ (self control), có nghĩa là không còn bị ghiền bất cứ một điều nào nữa.
GA-LA-TI 5: 22 – Nhưng trái của Thánh Linh, ấy là lòng yêu thương, sự vui mừng, bình an, nhịn nhục, nhân từ, hiền lành, trung tín, mềm mại, tiết độ.
– Người chưa tin thì có sự quá độ, còn Cơ-đốc-nhân thì phải có sư tiết độ. Bởi thế cho nên khi một người xưng mình là Cơ-đốc-nhân mà có một đời sống quá độ trong bất cứ phương diện nào thì người đó không phải là Cơ-đốc-nhân thật.
2PHI-E-RƠ 2: 19 – Chúng nó hứa sự tự do cho người, mà chính mình thì làm tôi mọi sự hư nát, vì có sự chi đã thắng hơn người, thì người là tôi mọi sự đó.
– Đối với sự giải trí thì chữ THẮNG HƠN có nghĩa là bị GHIỀN. Còn các chữ LÀM TÔI MỌI CHO SỰ ĐÓ có nghĩa là bị nó ràng buộc, không có không được. Thí dụ như bị ghiền cà phê.
GA-LA-TI 5: 1 – Đấng Christ đã buông tha chúng ta cho được tự do. Vậy hãy đứng vững, chớ lại để mình dưới ách tôi mọi nữa.
– Cơ-đốc-nhân ĐỨNG VỮNG tức là người không bị ghiền bất cứ điều gì, mà trong phạm vi của đề tài nầy, có nghĩa là không ghiền bất cứ một hình thức giải trí nào.
4. NHỮNG ĐIỀU CẦN NHỚ KHI GIẢI TRÍ
– Cơ-đốc-nhân được phép giải trí, nhưng phải chọn những sự giải trí hữu ích cho đời sống mình. Thí dụ: Nếu có khả năng thì nên đi du lịch, vì vừa được thư giãn, được thay đổi không khí mà còn có thể nhìn thấy những điều đẹp đẽ trong tự nhiên do Đức Chúa Trời sáng tạo. (Khi xem muôn vật do tay Chân Chúa sáng tạo chúng…)
SÁNG THẾ KÝ 1: 31 – Đức Chúa Trời thấy các việc Ngài đã làm thật rất tốt lành. Vậy, có buổi chiều và buổi mai, ấy là ngày thứ sáu.
TRUYỀN ĐẠO 3: 11 – Phàm vật Đức Chúa Trời đã làm nên đều là tốt lành trong thì nó. Lại, Ngài khiến cho sự đời đời ở nơi lòng loài người. Dầu vậy, công việc Đức Chúa Trời làm từ ban đầu đến cuối cùng, người không thế hiểu được.
– Phải cố gắng tránh tình trạng bị ghiền vì bất cứ một môn giải trí nào.
(còn tiếp)