CƠ-ĐỐC NHÂN VÀ SỰ CHỨNG ĐẠO

Kinh thánh: Ma-thi-ơ 28: 1-20

Câu gốc: KHẢI HUYỀN 1: 5 – Lại từ nơi Đức Chúa Jêsus Christ là Đấng làm chứng thành tín, sanh đầu nhất từ trong kẻ chết và làm Chúa của các vua trong thế gian!

Chữ Cơ-đốc-nhân có nghĩa là người thuộc về Đấng Christ. Chữ Cơ-đốc là từ ngữ được chuyển âm từ tiếng Quảng đông sang tiếng Việt, có nghĩa là Christ. Chữ Cơ-đốc-nhân cũng đồng nghĩa với chữ Christian trong tiếng Anh.

Chữ CHỨNG ĐẠO là tiếng Hán Việt, có nghĩa là làm chứng về đạo hay còn có nghĩa là làm chứng về niềm tin của cá nhân mình. Vì vậy, đối với Cơ-đốc-nhân thì sự làm chứng là nói về Đức Chúa Trời cho người chưa tin.

Theo như lời Kinh thánh cho biết thì sự chứng đạo hoặc làm chứng là bổn phận và là trách nhiệm của mỗi một Cơ-đốc-nhân.

Bổn phận và trách nhiệm ấy được bắt nguồn từ mạng lệnh của Chúa là Cơ-đốc-nhân phải bắt chước Đấng Christ, như đã được chép trong…

1CÔ-RINH-TÔ 11: 1 – Hãy bắt chước tôi, cũng như chính mình tôi bắt chước Đấng Christ vậy.

Khi Phao-lô khuyên Cơ-đốc-nhân nên bắt chước ông thì đó là vì ông bắt chước Đấng Christ.

Sự bắt chước để làm theo như vậy là phù hợp với tiêu chuẩn mà Đức Chúa Trời đã chỉ định cho con dân Ngài. Vì hễ người nào kính sợ Chúa và kể mình là con cái của Ngài thì đương nhiên là phải bắt chước Chúa, như đã có chép trong…

Ê-PHÊ-SÔ 5: 1 – Vậy anh em hãy trở nên kẻ bắt chước Đức Chúa Trời như con cái rất yêu dấu của Ngài.

Loài người chúng ta không thể thấy được Đức Chúa Trời, nhưng vì Đức Chúa Jêsus Christ là hình ảnh của Đức Chúa Trời không thấy được cho nên khi Cơ-đốc-nhân bắt chước Đấng Christ thì điều đó có nghĩa là đang bắt chước Đức Chúa Trời.

Về việc Đức Chúa Jêsus Christ là hình ảnh của Đức Chúa Trời không thấy được thì đã được ghi lại trong…

CÔ-LÔ-SE 1: 15 – Ấy chính Ngài là hình ảnh của Đức Chúa Trời không thấy được, là Đấng sanh ra đầu hết thảy mọi vật dựng nên.

Bởi thế cho nên khi Cơ-đốc-nhân chứng đạo, hay nói cách khác, là làm chứng về niềm tin của mình nơi Đức Chúa Trời, thì điều đó là sự thể hiện việc bắt chước Đấng Christ và bắt chước Đức Chúa Trời. Ấy là bởi vì Đức Chúa Jêsus Christ là Đấng LÀM CHỨNG thành tín, như đã được đề cập đến trong…

KHẢI HUYỀN 1: 5 – Lại từ nơi Đức Chúa Jêsus Christ là Đấng làm chứng thành tín, sanh đầu nhất từ trong kẻ chết và làm Chúa của các vua trong thế gian!

Bắt chước Đức Chúa Trời và bắt chước Đấng Christ có nghĩa là như vậy, chớ không phải là bắt chước Chúa để đi trên mặt nước.

Đề cập đến điều đó là vì có một số Cơ-đốc-nhân, khi nghe được khuyên nhủ là phải nên bắt chước Đấng Christ, thì đã từ chối, thậm chí chống đối lại lời khuyên ấy và tuyên bố rằng: Làm sao con người có thể bắt chước Chúa được? Làm sao tôi có thể đi trên mặt nước được mà bảo tôi phải bắt chước Đấng Christ?

Sự hiểu sai ý nghĩa của các câu gốc rồi dẫn đến sự chống đối lời của Chúa trong Kinh thánh giống như vậy không phải là những trường hợp hiếm thấy.

Vì vậy, khi Cơ-đốc-nhân chứng đạo thì điều đó là sự bắt chước Đấng Christ một cách đáng khen.

Việc bắt chước như vậy không chỉ là bắt chước Ngài trong việc đi ra làm chứng về Đức Chúa Trời, mà còn là bắt chước Ngài về phương pháp làm chứng nữa.

Thông thường khi nói về phương pháp chứng đạo thì Cơ-đốc-nhân thường trưng dẫn hoặc tìm kiếm các trường hợp điển hình trong thực tế, chẳng hạn như về một Hội thánh đông người hoặc một cá nhân thành công, để từ đó làm tiêu chuẩn mà học theo. Nhưng phương pháp làm chứng đúng đắn nhất, đẹp lòng Đức Chúa Trời nhất mà Chúa muốn con dân Ngài phải thực hiện là bắt chước theo sự làm chứng của Đức Chúa Jêsus và từ những lời dạy dỗ trong Kinh thánh.

Chính vì vậy mà sự làm chứng về Chúa không phải đơn thuần là truyền giảng để có thêm người gia nhập vào Hội thánh, mà còn là một vấn đề rất quan trọng liên quan đến nhiều phương diện trong đời sống của Cơ-đốc-nhân.

CÁC YẾU TỐ QUAN TRỌNG TRONG VIỆC CƠ-ĐỐC NHÂN CHỨNG ĐẠO

Yếu tố quan trọng thứ nhất trong việc Cơ-đốc-nhân chứng đạo và truyền giảng là phải THÀNH THẬT.

Điều răn thứ Chín trong Mười Điều Răn mà Đức Chúa Trời phán dặn con dân Ngài phải làm theo là không được làm chứng gian dối cho người khác, như đã có chép trong…

XUẤT Ê-DÍP-TÔ KÝ 20: 16 – Ngươi chớ nói chứng dối cho kẻ lân cận mình.

Nhiều Cơ-đốc-nhân nghĩ rằng mạng lệnh nầy là để áp dụng cho những lời làm chứng thông thường, chẳng hạn như khi có sự tranh chấp cãi vả giữa hai người với nhau mà cá nhân mình là người làm chứng.

Nhưng mạng lệnh nầy không phải là dừng lại tại đó hoặc chỉ được hiểu như thế mà thôi. Trái lại thì Cơ-đốc-nhân chúng ta phải hiểu như thế nầy: Dầu là đối với con người mà Đức Chúa Trời còn không cho phép Cơ-đốc-nhân được làm chứng dối thì huống chi là lời làm chứng về Đức Chúa Trời.

Vì vậy vấn đề quan trọng nhất và lớn nhất trong điều răn thứ Chín nầy là Cơ-đốc-nhân không bao giờ được làm chứng dối về Đức Chúa Trời. Điều đó có nghĩa là không bao giờ được truyền giảng và chứng đạo một cách KHÔNG THÀNH THẬT.

Sau đây là một vài câu hỏi để làm thí dụ:

Nếu Cơ-đốc-nhân làm chứng cho người khác rằng hãy nên tin Chúa để được bình an, thì chính cá nhân người làm chứng như vậy có thật sự kinh nghiệm được sự bình an trong Chúa chưa?

Nếu Cơ-đốc-nhân làm chứng cho người khác rằng hãy tin Chúa để được chữa lành bệnh, thì chính cá nhân người làm chứng đó đã thật sự kinh nghiệm được sự chữa lành của Chúa cho chính mình chưa?

Nếu Cơ-đốc-nhân làm chứng cho người khác rằng hãy tin Chúa để được Ngài giúp đỡ và giải quyết cho các rắc rối bất hòa trong gia đình, thì chính người làm chứng đó đã kinh nghiệm được sự đầm ấm hoà thuận và hạnh phúc trong gia đình mình chưa?

Nếu chính cá nhân của người làm chứng như vậy đã kinh nghiệm được đúng theo như lời mà mình nói với người khác, thì đó là sự làm chứng thành thật.

Còn nếu chính cá nhân người đó chưa kinh nghiệm được giống như lời làm chứng của mình, thì ấy là lời chứng giả dối.

Trước khi trình bày xa hơn nữa thì Cơ-đốc-nhân chúng ta thử liên tưởng thế nầy về sự làm chứng không thành thật:

Thông thường thì Cơ-đốc-nhân vẫn có thể bị buồn bực hoặc tức giận khi có ai đó nói với người khác về những lời mà họ không có nói hoặc về những điều mà họ không có làm, hoặc nếu có mà lại được mô tả không hoàn toàn đúng với sự thật.

Những trường hợp như vậy thì xãy ra nhiều lắm trong cuộc sống thường nhật của con người. Đó là một hình thức của việc làm chứng không thành thật, bởi vì sự làm chứng là nói với người khác về điều mà mình biết có liên quan đến ai đó, tức là có liên quan đến người thứ ba.

Chúng ta thử nghĩ mà xem: Đối với con người, vốn thấp thỏi hèn mọn, mà khi có ai đó làm chứng về mình một cách sai lầm hoặc thiếu thành thật mà mình còn buồn bực hoặc tức giận, thì thử hỏi đối với Đức Chúa Trời, là Đấng vinh hiển tuyệt đối, thì Ngài sẽ phản ứng như thế nào?

Chính bởi lẽ đó mà Đức Chúa Trời đã nghiêm cấm Cơ-đốc-nhân không được làm chứng dối về bất cứ ai, dầu là làm chứng về Đức Chúa Trời hoặc là làm chứng về một người nào khác.

Yếu tố quan trọng thứ hai trong việc Cơ-đốc-nhân chứng đạo và truyền giảng là phải có lòng yêu thương.

Nói một cách khác thì việc chứng đạo truyền giảng của Cơ-đốc-nhân phải bắt nguồn từ lòng yêu thương. Tình yêu thương phải là động cơ chính yếu và trực tiếp của sự chứng đạo truyền giảng.

1CÔ-RINH-TÔ 16: 14 – Mọi điều anh em làm, hãy lấy lòng yêu thương mà làm.

Chữ MỌI ĐIỀU trong câu gốc trên là có ý bao gồm luôn sự chứng đạo truyền giảng của Cơ-đốc-nhân.

Khi Cơ-đốc-nhân biết bắt chước Đức Chúa Trời và Đức Chúa Jêsus Christ trong sự chứng đạo, thì đương nhiên cũng phải có tấm lòng yêu thương linh hồn tội nhân cũng như Đức Chúa Trời và Đức Chúa Jêsus Christ đã bày tỏ, như đã có chép trong…

GIĂNG 3: 16 – Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời.

RÔ-MA 5: 8 – Nhưng Đức Chúa Trời tỏ lòng yêu thương Ngài đối với chúng ta, khi chúng ta còn là người có tội, thì Đấng Christ vì chúng ta chịu chết.

Phao-lô là gương mẫu cho chúng ta về tấm lòng yêu thương khi ông làm chứng và dẫn dắt người Cô-rinh-tô trở về với Chúa, như đã có ghi lại trong…

2CÔ-RINH-TÔ 12: 15 – Về phần tôi, tôi rất vui lòng phí của và phí trọn cả mình tôi vì linh hồn anh em, dẫu rằng tôi yêu anh em thêm, mà cần phải bị anh em yêu tôi kém.

Vì vậy chúng ta thấy hai yếu tố nầy có sự liên quan mật thiết với nhau. Đó là vì yêu thương linh hồn tội nhân mà Cơ-đốc-nhân chứng đạo. Và Cơ-đốc-nhân chứng đạo một cách thành thật là vì chúng ta yêu thương linh hồn của người chưa tin. Sự liên quan mật thiết như vậy là đó là đặc tánh của tình yêu thương, như đã được lời của Chúa bày tỏ ra trong…

RÔ-MA 12: 9 – Lòng yêu thương phải cho thành thật. Hãy gớm sự dữ mà mến sự lành.

Theo như Chủ đề nầy thì sự lành ở đây là việc truyền giảng một cách thành thật vì lòng yêu thương. Còn sự dữ có nghĩa là truyền giảng một cách thiếu thành thật vì một động cơ nào khác, chớ không phải là thật lòng yêu thương linh hồn tội nhân.

2TI-MÔ-THÊ 3: 13 – Nhưng những người hung ác, kẻ giả mạo thì càng chìm đắm luôn trong điều dữ, làm lầm lạc kẻ khác mà cũng lầm lạc chính mình nữa.

Theo như Chủ đề nầy thì các chữ KẺ GIẢ MẠO có nghĩa là những người chứng đạo thiếu thành thật, chứng đạo gian dối hoặc chứng đạo vì một động cơ nào khác chớ không phải vì lòng yêu thương.

Người chứng đạo như vậy bị lời của Chúa gọi là kẻ giả mạo và sự chứng đạo như vậy bị gọi là sự làm dữ.

Lời Kinh thánh trong câu gốc trên còn cho biết thêm là những kẻ giả mạo như vậy không những làm lầm lạc người khác trong niềm tin mà chính họ cũng bị lầm lạc luôn về Lẽ thật và về sự chứng đạo đúng đắn nữa.

Sự chứng đạo sai với Lẽ thật trong Kinh thánh không thể giúp cho người tin theo được cứu rỗi mà trái lại còn làm cho họ bị hư mất nữa. Người Pha-ri-si là thí dụ điển hình về sự chứng đạo sai lầm, như Đức Chúa Jêsus đã có cho biết trong…

MA-THI-Ơ 23: 15 – Khốn cho các ngươi, thầy thông giáo và người Pha-ri-si, là kẻ giả hình! Vì các ngươi đi khắp dưới nước trên bộ để khuyên một người vào đạo mình; và khi đã khuyên được rồi, thì các ngươi làm cho họ trở nên người địa ngục gấp hai các ngươi.

Các chữ TRỞ NÊN NGƯỜI ĐỊA NGỤC GẤP HAI CÁC NGƯƠI là có ý nói đến việc những người mới vào đạo đó có nguy cơ mất bị linh hồn đến gấp đôi so với người Pha-ri-si, vốn là những kẻ bị Đức Chúa Jêsus gọi là dòng dõi của ma quỉ và cho biết rằng cha của họ chính là Sa-tan, như có chép trong…

GIĂNG 8: 44 – Các ngươi bởi cha mình, là ma quỉ, mà sanh ra; và các ngươi muốn làm nên sự ưa muốn của cha mình. Vừa lúc ban đầu nó đã là kẻ giết người, chẳng bền giữ được lẽ thật, vì không có lẽ thật trong nó đâu. Khi nó nói dối, thì nói theo tánh riêng mình, vì nó vốn là kẻ nói dối và là cha sự nói dối.

Vì vậy, việc chứng đạo gian dối, thiếu thành thật và thiếu lòng yêu thương sẽ làm cho người ta có nguy cơ bị mất linh hồn, hay còn gọi là giết người trong phương diện thuộc linh, và Đức Chúa Jêsus đã gọi việc thực hiện công tác đó cách như vậy là sự làm điều dữ, như có chép trong…

LU-CA 6: 9 – Đức Chúa Jêsus liền phán cùng họ rằng: Ta hỏi các ngươi: Trong ngày Sa-bát, nên làm điều lành hay là làm điều dữ, nên cứu người hay là giết người?

Lời phán của Đức Chúa Jêsus không chỉ được áp dụng trong câu chuyện về ngày sa-bát thuở xưa, mà còn được áp dụng trong việc chứng đạo và rao giảng lời Chúa tại Hội thánh vào ngày Chúa nhật nữa, khi những lời rao giảng ấy không giúp cho người nghe hiểu biết về Lẽ thật để nhờ đó được tái sanh, được nên thánh và được cứu rỗi mai sau.

(còn tiếp)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *