CƠ ÐỐC NHÂN VÀ RƯỢU (p. 6)
Tóm lại, vì cớ rượu mà Lót phạm tội loạn luân với hai người con gái của ông. Đức Chúa Trời cho ghi lại câu chuyện nầy vào trong Kinh thánh là vì muốn Cơ-đốc nhân chúng ta thấy được nguyên nhân tại sao Lót phạm tội mà tránh xa rượu. Ông được kể là người công bình khi so sánh với sự gian ác của dân thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ, và nếu Lót biết cẩn thận thì chắc đã có thêm một dòng dõi công bình trên đất. Vậy mà những Cơ-đốc nhân thích uống rượu dường như cố tình lãng quên câu chuyện nầy để chỉ nhớ đến việc Đức Chúa Jêsus hóa nước thành rượu tại Ca-na mà thôi. Khuynh hướng ấy cho chúng ta thấy rằng khi một người đã đam mê điều gì đó thì họ cố hết sức để biện minh cho hành động của họ bất chấp lời Kinh thánh có dạy dỗ thêm gì về điều ấy nữa hay không.
Đời sống trần gian ngày nay có nhiều cám dỗ và cạm bẫy, cả giới trẻ và người trưởng thành đều bị lôi kéo và vẫn thường phạm tội. Chúng ta có thể thấy được trong thực tế tính thích uống rượu của người Việt, nói đúng hơn nữa là tánh thích nhậu nhẹt. Có người nhận xét là người Việt thích uống rượu bia đến nỗi đám cưới nhậu mà đám tang cũng nhậu, được lên lương nhậu mà mất việc cũng nhậu, lúc vui nhậu, lúc buồn cũng nhậu, khi thành công nhậu mà thất bại cũng nhậu, con đầy tháng nhậu, con đầy năm cũng nhậu, mua nhà nhậu mà bán nhà cũng nhậu. Có nghĩa là bất cứ trường hợp nào cũng nhậu. Khi Đức Chúa Jêsus phán rằng Cơ-đốc nhân phải là muối của đất, ánh sáng của thế gian thì trong hoàn cảnh người Việt thích nhậu như vậy thì tôi con Chúa phải nêu gương sáng bằng một đời sống tỉnh táo, thăng bằng, sáng suốt, chớ có đâu lại đi bắt chước người thế gian để từ mục sư cho đến tín hữu đều uống rượu, uống bia? Lời Kinh thánh đã có phán dạy rằng tôi con của Chúa đừng bắt chước làm theo điều mà thế gian vẫn hay thực hiện, nhưng lời ấy thì không biết co bao nhiêu người thật sự ghi nhớ và vâng theo:
(Rô-ma 12: 2) Đừng làm theo đời nầy, nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình, để thử cho biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào.
Người tín hữu bình thường vì cớ còn yếu đuối, chưa được tái sanh, chưa được trưởng thành nên thích nhậu nhẹt thì có thể hiểu được; nhưng đàng này một số mục sư lại có tánh thích rượu bia thì thật không biết nói thế nào. Theo như lời Kinh thánh cho biết thì người đàn ông là chủ trong gia đình. Vì vậy những người gia trưởng cần phải có sự tỉnh táo hoàn toàn, luôn luôn, để làm gương và nêu cao mẫu mực của một đời sống tin kính, nhất là những người đã ở trong chức vụ, hầu có thể giúp đỡ và hướng dẫn người nhà mình thắng hơn các mưu kế của ma quỉ. Một người gia trưởng say sưa bên ly rượu, nhất là người đó lại là người đang hầu việc Chúa, thì thường không làm gương tốt được cho con trẻ trong nhà. Thế cho nên người gia trưởng hoặc trưởng bối trong gia đình (tốt hơn hết là tất cả người nam trong gia đình Cơ đốc) cần phải tránh việc uống rượu để có thể tập trung vào việc hướng dẫn các thế hệ sau trong con đường tin kính Chúa.
Cũng cần nói thêm tại đây là có nhiều Cơ-đốc nhân thích uống rượu biện minh rằng họ có uống nhưng chưa bao giờ say. Ý những người đó muốn nói là họ chưa bao giờ say đến nỗi đi lão đảo, té ngã té nghiêng, hoặc ói mửa, hoặc nói năng bừa bãi. Nhưng những điều đó không phải là chứng cớ đáng tin cậy để biện minh cho việc Cơ-đốc nhân uống rượu. Theo như khoa học cho biết thì cơ thể con người chỉ cần có một dung lượng nhỏ của rượu cũng đủ để gọi là say. Người xưa Việt Nam chúng ta có câu ‘Nói có sách, mách có chứng’ thì cũng vậy, trong vấn đề uống rượu chúng ta cần căn cứ vào bằng chứng của khoa họ chớ không thể lấy quan điểm cá nhân để biện minh một cách vô chừng mực được. Nhưng chúng tôi không đề cập nhiều đến các bài viết khoa học tại đây, mà chỉ muốn dùng lời Kinh thánh để trình bày và khuyên nhủ mà thôi.
Như những điều đã đề cập qua trong các phần đầu của đề tài nầy, thì chúng ta có thể thấy rằng cả Nô-ê và Lót đều được Đức Chúa Trời kể là những người công bình trọn vẹn trong thời đại mà họ sống, chính vì vậy mà cả hai người đều nhận được sự thương xót của Chúa khi Ngài trừng phạt thế gian tội lỗi
(Sáng thế ký 6: 9) Nầy là dòng dõi của Nô-ê. Nô-ê trong đời mình là một người công bình và trọn vẹn, đồng đi cùng Đức Chúa Trời.
(Sáng thế ký 19: 16) Nhưng Lót lần lữa; vì cớ Đức Giê-hô-va thương xót Lót, nên hai thiên sứ nắm lấy tay kéo người, vợ cùng hai con gái người, và dẫn ra khỏi thành.
Nhưng sự công bình đó không giúp gì được họ khi họ không cẩn thận về rượu. Nhờ sự công bình của ông mà Nô-ê được Đức Chúa Trời cứu qua khỏi cơn nước lụt hủy diệt cả thế giới thời đó. Nhờ sự công bình của ông mà Lót được Chúa cứu khỏi sự trừng phạt mà Ngài giáng xuống trên hai thành phố tội ác là Sô-đôm và Gô-mô-rơ. Nhưng cuối cùng vì rượu mà hai ông trở thành những kẻ đồng lõa trong những tội lỗi nghiêm trọng ảnh hưởng đến nhiều thế hệ con cháu sau nầy.
Như vậy, ngay từ đầu khi rượu được đề cập đến trong Kinh thánh thì đều có kèm theo nó những tội lỗi mà người tỉnh táo có thể tránh khỏi. Điều đó cho thấy rằng Đức Chúa Trời muốn nhấn mạnh đến sự nguy hiểm khôn lường của việc uống rượu và say sưa. Nhưng tiếc thay, trong mọi thời đại thì con người vẫn không muốn bỏ rượu. Không phải con người, nhất là Cơ-đốc nhân, không biết về những nguy hiểm liên quan đến việc uống rượu, nhưng sự cám dỗ nằm ở điểm là người ta nghĩ rằng họ có thể tự kềm chế được khi uống rượu.
Đức Chúa Trời tôn trọng sự tự do của con người, mặc dầu Ngài biết là con người vẫn thường sử dụng sự tự do của họ một cách sai trật. Ngay cả dân Y-sơ-ra-ên, vốn là tuyển dân của Chúa, cũng thích uống rượu. Thế cho nên Chúa phải đặt luật pháp rõ ràng cho những người muốn đến gần Ngài.
Dầu rằng Kinh thánh có ghi lại rằng Đức Chúa Trời cho phép dân Y-sơ-ra-ên được uống rượu, như có chép trong sách Phục truyền luật lệ ký:
(Phục truyền 14: 26) Rồi đưa bạc ấy đổi lấy mọi thức chi mình ước ao, hoặc bò hay chiên, hoặc rượu hay là đồ uống say, tức là mọi món chi mình muốn. Ngươi phải ăn nó tại đó, trước mặt Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, và vui vẻ với gia quyến mình’
Nhưng đối với các thầy tế lễ làm việc trong Đền thờ, khi họ đến ra mắt Đức Giê-hô-va, thì không một người nào trong vòng họ được phép uống rượu hay bất cứ loại thức ăn nước uống nào có chất làm cho say. Họ chỉ được uống rượu khi đã ra khỏi Đền thờ của Chúa mà thôi:
(Lê-vi ký 10: 8-9) Đoạn, Đức Giê-hô-va phán cùng A-rôn rằng: Khi nào vào hội mạc, ngươi và các con trai ngươi chớ nên uống rượu hay là uống vật chi có tánh say, e phải chết chăng: Ấy là một mạng lịnh đời đời, trải các thế đại.
Đức Chúa Trời ngăn cấm điều ấy nhằm để cho các thầy tế lễ được tỉnh táo, trang trọng trong phần thuộc thể khi vào Đền thờ, mà trong phương diện thuộc linh cũng cốt để họ được Đức Thánh Linh thăm viếng. Trong thực tế lịch sữ của dân tộc Y-sơ-ra-ên sau nầy thì đã có nhiều trường hợp mà trong đó các thầy tế lễ và các tiên tri bất tuân lệnh cấm uống rượu, làm tự mình bị say sưa, đến nỗi không được Đức Thánh Linh hướng dẫn, rồi bởi đó mà không thể giải thích được sự hiện thấy, không thể cắt nghĩa được các lời tiên tri và không thể thi hành chức vụ của họ một cách hữu hiệu:
(Ê-sai 28: 7-8) Song những kẻ ấy cũng choáng váng vì rượu, xiêu tó vì các thứ rượu mạnh. Thầy tế lễ và đấng tiên tri đều choáng váng vì rượu mạnh, bị rượu nuốt đi, nhân các thứ rượu mạnh mà xoàng ba; xem sự hiện thấy thì cắt nghĩa sai, xử kiện thì vấp ngã; mửa ra ô uế đầy bàn tiệc, chẳng có chỗ nào sạch!
Ấy là trong thời kỳ luật pháp, vốn được dùng làm hình bóng cho Cơ-đốc nhân chúng ta ngày nay trong phương diện thuộc linh, cũng như luật pháp dành cho người Na-xi-rê về việc uống rượu.
(còn tiếp)