CƠ ĐỐC NHÂN VÀ RƯỢU (p. 5)
Sau khi Đức Chúa Trời hủy diệt hai thành Sô-đôm va Gô-mô-rơ vì tội đồng tính luyến ái ghê gớm của họ, thì chỉ có 3 người của hai thành phố ấy sống sót mà thôi, đó là Lót và hai người con gái trẻ chưa chồng của ông. Theo như sự tường thuật của Kinh thánh thì hai người con gái ấy, vì lo sợ rằng sẽ không có ai lấy họ làm vợ nữa, nên đã âm mưu cùng nhau để phục rượu cho cha say mềm, rồi đến nằm cùng ông, cốt vì muốn lưu lại dòng giống cho cha của họ:
(Sáng thế ký 19: 30-38) Lót ở Xoa thì sợ hãi, nên cùng hai con gái mình bỏ đó mà lên núi, ở trong một hang đá kia. Cô lớn nói cùng em mình rằng: Cha ta đã già, mà không còn ai trên mặt đất đến sánh duyên cùng ta theo như thế thường thiên hạ. Hè! Chúng ta hãy phục rượu cho cha, và lại nằm cùng người, để lưu truyền dòng giống cha lại. Đêm đó, hai nàng phục rượu cho cha mình; nàng lớn đến nằm cùng cha; nhưng người chẳng hay lúc nào nàng nằm, lúc nào nàng dậy hết. Qua ngày mai, chị nói cùng em rằng: Nầy, đêm hôm qua ta đã nằm cùng cha rồi; hôm nay chúng ta hãy phục rượu cho cha nữa, rồi em hãy lại nằm cùng người, để lưu truyền dòng giống cha lại. Đêm đó, hai nàng lại phục rượu cho cha mình nữa, rồi nàng nhỏ thức dậy lại nằm cùng cha; nhưng người chẳng hay lúc nào nàng nằm, lúc nào nàng dậy hết. Vậy, hai con gái của Lót do nơi cha mình mà thọ thai. Nàng lớn sanh được một con trai, đặt tên là Mô-áp; ấy là tổ phụ của dân Mô-áp đến bây giờ. Người em cũng sanh đặng một con trai, đặt tên là Bên-Am-mi; ấy là tổ phụ của dân Am-môn đến bây giờ.
Dầu rằng trong câu chuyện nầy Lót không trực tiếp dự phần để phạm tội, nhưng bởi vì rượu và sự say sưa của ông đã giúp cho âm mưu của hai người con gái được thành tựu. Từ đó mà có dòng dõi Mô-áp và Am-môn. Hai dòng dõi nầy đã bị Đức Chúa Trời hủy diệt hoàn toàn, ngày nay không còn có mặt trong vòng xã hội loài người nữa (chữ đến bây giờ ở phần cuối của câu thứ 38 có ý nói đến thời gian mà sách Sáng thế ký được viết ra, chớ không phải ngụ ý là thời gian mà chúng ta đang sống đây).
Nếu Lót tỉnh táo thì chắc rằng âm mưu của hai người con gái của ông sẽ thất bại. Người trẻ tuổi thường hay có những suy nghĩ và quyết định bồng bột, vì vậy mà trong mỗi gia đình đều cần phải có những người hết sức tỉnh táo trong tâm trí và mẫu mực trong đời sống cũng như trong từng cử chỉ, lời nói để hướng dẫn con em. Nếu nói cho tận cùng thì âm mưu của hai con gái Lót có thể được thông cảm vì cớ tuổi còn trẻ, dầu rằng hành xử như vậy là điều dại dột nhất mà người ta có thể nghĩ ra. Nhưng phần lỗi lớn nhất vẫn là Lót. Ông là người gia trưởng, đáng lý phải tỉnh táo và sáng suốt để có thể hướng dẫn con mình sau cơn tai nạn, nhưng ông lại say sưa đến nỗi gián tiếp phạm trọng tội trước mặt Chúa. Đây là tội lỗi mà trong luật pháp của Đức Chúa Trời cho biết là tuyệt đối không được phạm (dầu là với con gái hay con dâu):
(Lê-vi ký 18: 17) Chớ cấu hiệp cùng một người đàn bà luôn với con gái của người đàn bà nữa. Chớ lấy cháu gái nội ngươi, hoặc cháu gái ngoại ngươi đặng cấu hiệp cùng họ; chúng nó đều là cốt nhục gần; làm vậy, ấy là một việc ác dục.
(Lê-vi ký 19: 29) Chớ nhục con gái ngươi khiến nó làm kỵ nữ, để trong xứ không có điều dâm loạn và đầy dẫy những ác dục.
(Lê-vi ký 20: 12) Nếu người nào nằm cùng dâu mình, hai người đều hẳn phải bị phạt xử tử; vì họ phạm một sự gớm ghiếc; huyết họ sẽ đổ lại trên mình họ.
Mặc dầu những điều răn của luật pháp vừa được trưng dẫn trong các câu Kinh thánh trên chỉ được ban hành trong thời của Môi-se, tức là sau thời đại của Lót rất xa, nhưng vì Đức Chúa Trời là Đấng trước sau như một từ ban đầu vô cùng nên những điều ấy vẫn là mẫu mực mà loài người phải noi theo.
Nếu Lót là người không bao giờ uống rượu thì chắc hai con gái của ông không thể nào dụ cho ông uống say. Đó là một thực tế, là vấn đề tâm lý thông thường mà chắc rằng ai trong chúng ta cũng có thể hiểu được. Người ta chỉ bị dụ dỗ khi có một điều nào đó thật là ham thích trong đời sống họ. Còn những kẻ âm mưu dụ dỗ người khác thì cũng thường tìm hiểu ý thích của nạn nhân để có thể dùng đúng điều mà người đó ưa muốn. Thực tế của cuộc sống cho chúng ta thấy rằng khi một người đi câu, để có được kết quả khả quan, thì họ trước nhất phải biết giống cá mà họ muốn câu thích loại mồi nào. Đó cũng là một phần của nghệ thuật săn bắt. Trong Kinh thánh có cho thấy những trường hợp điển hình để dạy dỗ chúng ta về sự cám dỗ hầu con cái của Chúa không bị thế gian lừa dối. Chúng ta thử nhớ lại trường hợp của Gia-cốp và Ê-sau thì sẽ thấy được điều đó. Để lừa gạt cha hầu có thể nhận lấy sự chúc phước cho mình, Gia-cốp đã cùng mẹ nấu món ngon mà Y-sác ưa thích để dọn cho cha ăn trước khi Ê-sau đi săn trở về:
(Sáng thế ký 27: 6-10) Rê-be-ca nói cùng Gia-cốp, con trai mình, rằng: Nầy, mẹ có nghe cha nói cùng Ê-sau, anh con, và dặn rằng: Hãy đem thịt rừng về cho cha, dọn một món ngon cha ăn; đặng trước khi qua đời, cha sẽ chúc phước cho con trước mặt Đức Giê-hô-va. Vậy, con ơi! Bây giờ, hãy nghe mẹ và làm theo lời mẹ biểu: Hãy ra ngoài bầy, bắt hai dê con tốt, rồi mẹ sẽ dọn cho cha con một món ngon, tùy theo người sở thích; con sẽ đem cho cha ăn, đặng người chúc phước con trước khi qua đời.
Bà Rê-be-ca biết Y-sác thích món ngon nào nên nấu món ấy để làm ông khỏi nghi ngờ. Còn phần Gia-cốp thì cẩn thận hơn, dùng lông bao hai cánh tay và mặc áo của anh để âm mưu chắc chắn được thành công. Chúng tôi không đi vào chi tiết của câu chuyện nầy, nhưng chỉ đề cập đến để làm thí dụ hầu cho thấy rằng khi người ta ưa thích điều nào đó thật nhiều thì dễ bị kẻ khác dùng chúng mà làm mồi dụ dỗ. Ngoài ra Kinh thánh còn tường thuật lại chuyện của Sam-sôn và Đa-li-la, chuyện của Giu-đa với 30 miếng bạc, đều cũng bao hàm một trong những ý nghĩa tương tự như trên. Chính vì lẽ đó mà lời của Chúa đã dạy dỗ tôi con Ngài chớ tham lam bất cứ điều gì, nhất là về vấn đề tiền bạc, vì sẽ dễ bị ma quỉ dùng điều đó mà cám dỗ Cơ-đốc nhân trên bước đường tin kính:
(1Ti-mô-thê 6: 10) Bởi chưng sự tham tiền bạc là cội rễ mọi điều ác, có kẻ vì đeo đuổi nó mà bội đạo, chuốc lấy nhiều điều đau đớn.
Riêng đối với rượu, lời của Chúa còn khuyên dạy chúng ta một cách mạnh mẽ hơn nữa, là đừng nhìn tới, huống chi là uống:
(Châm ngôn 23: 31-) Chớ xem ngó rượu khi nó đỏ hồng, lúc nó chiếu sao trong ly, và tuôn chảy dễ dàng; Rốt lại, nó cắn như rắn, chích như rắn lục.
Lời Kinh thánh đã dạy tỏ tường là đừng nhìn tới rượu, vậy mà vẫn có nhiều tôi con của Chúa cứ nhất định cãi chối và cho rằng họ được phép uống. Hoặc giả các người đó mỗi lần uống rượu đều bịt mắt hết lại chăng? Giả sử có người nói rằng vì câu Kinh thánh trên được chép trong Châm ngôn, là sách được viết ra trong thời kỳ luật pháp, còn Cơ-đốc nhân thì lại sống trong thời kỳ ân điển nên không nhất thiết phải làm theo? Vậy thì chẳng lẽ vì Mười Điều Răn đã được ban hành trong thời kỳ luật pháp nên Cơ-đốc nhân ngày hôm nay cũng bỏ qua luôn? Còn các điều răn khác nữa thì sao?
Trở lại với câu chuyện của Lót thì chúng ta thấy rằng vì ông là người đã từng uống rượu, nên bởi đó mà hai con gái của ông mới âm mưu dùng rượu để dụ ông. Nếu ông là người chẳng bao giờ uống rượu thì trong số hành lý gói ghém theo để chạy trốn khỏi tai nạn chắc chắn là không có rượu và hai người con gái làm sao kiếm ra được rượu khi cả ba đang trốn trong hang đá? Ngay cả trong trường hợp hai người con gái có dấu rượu để đem theo thì nếu ông không bao giờ uống rượu thì làm sao họ dụ được? Vả lại, nếu Lót là gia trưởng mà không uống rượu thì chắc hai người con gái cũng không thể có rượu trong nhà để mà dấu đem theo (ấy là vì Lót không có con trai).
(còn tiếp)