CƠ ĐỐC NHÂN VÀ RƯỢU (p. 4)

Vì trọng tâm của mối liên hệ giữa người với người là tình yêu thương (theo như luật vàng của Đức Chúa Jêsus là kính Chúa yêu người), nên Kinh thánh có dạy dỗ rằng nếu biết món ăn thức uống của mình làm cho người khác vấp phạm thì Cơ-đốc nhân đừng ăn uống những món ấy để bày tỏ tình yêu thương đối với người khác:

(Rô-ma 14: 21) Điều thiện ấy là đừng ăn thịt, đừng uống rượu, và kiêng cữ mọi sự chi làm dịp vấp phạm cho anh em mình.

Câu Kinh thánh trên cho biết là đừng uống rượu, chớ chưa nói đến việc đừng say rượu. Vậy mà vẫn có nhiều tôi con Chúa cứ cố cãi chối rằng họ được quyền uống vì không bao giờ say. Lời của Chúa đã rành rành như vậy nhưng vì tánh thích rượu hoặc đã ghiền rượu nên những người ấy vẫn một mực khăng khăng là có thể uống được. Thậm chí có người còn nói rằng uống rượu không có tội. Chúng tôi sẽ trình bày thêm để cho thấy sự sai lầm của họ là lớn và tai hại đến mức độ nào. Lời Kinh thánh cho biết là nếu một người làm cớ cho các anh chị em khác yếu đuối hơn vấp phạm thì người đó phạm tội với Chúa (chớ chẳng phải chỉ với người ta thôi đâu), như trong trường hợp ăn của cúng thần tượng:

(1Cô-rinh-tô 8: 10) Bởi vì, nếu có kẻ lương tâm yếu đuối thấy ngươi là người có sự hay biết ngồi ăn trong miếu tà thần, thì há chẳng cũng bắt chước mà ăn của cúng tế sao? Thế thì ngươi lấy sự hay biết mình mà làm hư mất kẻ yếu đuối, là người anh em mà Đấng Christ đã chết thế cho! Khi nào mình phạm tội cùng anh em như vậy, làm cho lương tâm yếu đuối của họ bị thương, thì là phạm tội cùng Đấng Christ.

Cũng một thể ấy, nếu một Cơ đốc nhân còn là con đỏ trong đức tin mà biết mục sư thích uống bia (dầu là tại nhà riêng) hoặc thấy những anh chị em khác có chức vụ trong Hội thánh (chẳng hạn như thành viên của ban trị sự, chấp sự) ngồi uống rượu (dẫu là trong tiệc cưới) rồi từ đó bắt chước để uống (vì nghĩ rằng mục sư, ban trị sự còn uống rượu được, huống gì tôi) và vì cớ ấy mà về sau say sưa, làm những việc không xứng hiệp với tiêu chuẩn của Kinh thánh đã phán dạy về đời sống của Cơ đốc nhân, vậy thì hóa mục sư và ban trị sự gây cớ vấp phạm cho người anh em mình trong đức tin. Làm cho người khác vấp phạm là tội lớn (dẫu là cho người trưởng thành hay trẻ em), đến nỗi những người như vậy bị Chúa rủa sả nặng nề:

(Mác 9: 42) Nhưng hễ ai làm cho một đứa trong những đứa nhỏ nầy đã tin, phải sa vào tội lỗi, thì thà buộc cối đá lớn vào cổ nó mà bỏ xuống biển còn hơn.

Có người phản đối câu gốc nầy khi được trưng dẫn để nói về tội làm cho người khác vấp phạm. Họ biện minh rằng Đức Chúa Jêsus chỉ dạy đừng làm cho trẻ nhỏ vấp phạm mà thôi. Lập luận như vậy là cố tình cãi chối với lời của Chúa, vì không có chỗ nào trong Kinh thánh cho biết là hễ làm cớ vấp phạm cho trẻ em thì là tội mà làm cớ vấp phạm cho người lớn thì không sao. Điều mà chúng ta cần chú ý đến trong câu gốc trên là đừng làm cớ vấp phạm cho người khác, chớ không phải là dùng để biện biệt tội gây cho trẻ em hay người lớn.

Việc đừng gây cho người khác vấp phạm là một trong những nguyên tắc quan trọng mà Cơ đốc nhân cần phải thực hiện trong nếp sống đạo của chính mình. Chính sứ đồ Phao-lô đã thực hiện theo nguyên tắc đó, thứ nhất là để không gây cớ vấp phạm cho con dân Chúa và thứ hai là để chức vụ của ông được tiếng tốt, không bị dèm chê:

(1Cô-rinh-tô 8: 13) Cho nên, nếu đồ ăn xui anh em tôi vấp phạm, thì tôi sẽ chẳng hề ăn thịt, hầu cho khỏi làm dịp vấp phạm cho anh em tôi.

(2Cô-rinh-tô 6: 3) Chúng tôi chẳng làm cho ai vấp phạm, hầu cho chức vụ của mình khỏi bị một tiếng chê bai nào.

Khi chúng tôi trình bày đến điều nầy trước đây thì có một số Cơ-đốc nhân không đồng ý, viện dẫn rằng họ không thể giống được Phao-lô. Nhưng trong Kinh thánh đã có ghi lại lời của Phao-lô là tôi con Chúa của mọi thời đại sau nầy nên bắt chước ông để làm đẹp lòng Đức Chúa Trời:

(Phi-líp 3: 17) Hỡi anh em, hãy bắt chước tôi, lại xem những kẻ ăn ở theo mẫu mực mà anh em thấy trong chúng tôi.

Chẳng những thế thôi lời của Chúa còn khuyên chúng ta bắt chước Đấng Christ và bắt chước Đức Chúa Trời (chúng tôi sẽ trình bày về đề tài nầy khi có dịp thuận tiện):

(1Cô-rinh-tô 11: 1) Hãy bắt chước tôi, cũng như chính mình tôi bắt chước Đấng Christ vậy.

(Ê-phê-sô 5: 1) Vậy anh em hãy trở nên kẻ bắt chước Đức Chúa Trời như con cái rất yêu dấu của Ngài.

Thử hỏi, tôi con của Chúa ngày nay còn chưa chịu bắt chước Phao-lô trong việc đừng uống rượu để khỏi gây cớ vấp phạm cho người khác, thì chừng nào họ mới tập tành để bắt chước Đấng Christ và bắt chước Đức Chúa Trời? Chữ bắt chước nầy là động từ chính yếu có tầm quyết định trong sự nên thánh của Cơ đốc nhân, tức là có ảnh hưởng đến sự được cứu rỗi hay không trong ngày sau rốt (chúng tôi sẽ giải thích thêm ý nghĩa của sự nên thánh trong những lần tới).

Ngoài ra Cơ đốc nhân cần nên biết rằng lời Kinh thánh được chép ra không phải để chúng ta đọc xong rồi bỏ qua. Chúng ta cũng chớ nên tưởng rằng sẽ không có hậu quả nào xãy ra nếu bất tuân lời của Chúa. Ma quỉ là kẻ đã bỏ qua lời của Chúa và chúng ta biết số phận của nó ngày sau sẽ ra thể nào. Đức Chúa Trời đã từng quở trách dân Y-sơ-ra-ên ngày xưa không làm theo lời của Ngài và Đức Chúa Jêsus cũng đã từng hỏi dân sự về sự bất tuân của họ:

(Giê-rê-mi 11: 8) Nhưng họ không vâng lời, không để tai vào; họ theo sự cứng cỏi của lòng ác mình mà làm. Vì vậy ta đã làm cho họ mọi lời ngăm đe của giao ước nầy, là điều ta đã dặn họ làm theo mà họ không làm theo.

(Ê-xê-chi-ên 20: 21) Nhưng con cái dấy loạn nghịch cùng ta; không noi theo luật lệ ta, không vâng giữ và không làm theo mạng lịnh ta, là điều người ta nếu làm theo thì được sống bởi nó; và chúng nó phạm những ngày Sa-bát ta nữa. Bấy giờ, ta nói rằng ta sẽ đổ cơn giận ta trên chúng nó, và làm trọn sự giận của ta nghịch cùng chúng nó trong đồng vắng.

(Lu-ca 6: 46) Sao các ngươi gọi ta: Chúa, Chúa, mà không làm theo lời ta phán?

(Lu-ca 6: 49) Song kẻ nào nghe lời ta mà không làm theo, thì giống như một người kia cất nhà trên đất không xây nền: dòng nước chảy mạnh xô vào nhà đó, tức thì nhà sụp xuống, và sự hư hại lớn lao.

Thế nên, mặc dầu ở trên là lời khuyên đừng uống rượu, nhưng nó cũng không khác gì là mạng lệnh của Chúa, vì nếu Cơ-đốc nhân không làm theo thì sẽ có thể vì thói quen hoặc ý thích của mình trong việc uống rượu bia mà làm cho người khác vấp phạm và khiến chính mình trở thành kẻ ác, thiếu tình yêu thương. Chúng ta biết là không có một người nào bị kể là ác mà được vào Thiên đàng. Còn kẻ thiếu tình yêu thương thì bị kể là kẻ còn sống trong bóng tối tăm, theo như lời Kinh thánh:

(Ma-thi-ơ 13: 49-50) Đến ngày tận thế cũng như vầy: các thiên sứ sẽ đến và chia kẻ ác với người công bình ra, ném những kẻ ác vào lò lửa; ở đó sẽ có khóc lóc và nghiến răng.

(1Giăng 4: 8) Ai chẳng yêu, thì không biết Đức Chúa Trời; vì Đức Chúa Trời là sự yêu thương.

(1Giăng 2: 11) Nhưng ai ghét anh em mình, thì ở trong sự tối tăm, làm những việc tối tăm, và không biết mình đi đâu, vì bóng tối tăm đã làm mù mắt người.

Ấy đó là lời Kinh thánh đề cập đến việc đừng uống rượu, chớ chưa nói chi về vấn đề say sưa, vậy mà vẫn có nhiều tôi con Chúa cứ khăng khăng muốn uống rượu hoặc vẫn giữ tánh thích rượu bia của họ. Chúng tôi có lần nghe một con cái Chúa tại Việt Nam cho biết là vị mục sư quản nhiệm của một Hội thánh địa phương còn cho mọi người biết là người ấy thích uống bia ăn thịt chó. Nếu một người hầu việc Chúa mà còn như vậy thì những nam giới khác, nhất là thanh niên trong Hội thánh đó sẽ như thế nào? Căn cứ theo các câu Kinh thánh vừa trưng dẫn ở trên thì có một điều chắc chắn là những người như vậy sẽ phải chịu sự trách phạt của Đức Chúa Trời vì cớ nêu gương xấu cho bầy chiên của Ngài.

Phao-lô không uống rượu vì cớ yêu con cái Chúa, không muốn làm họ vấp phạm và cũng vì muốn giữ lấy tiếng tốt cho chức vụ của ông. Còn một số mục sư ngày nay thì không hề có chút tình yêu thương nào đối với con cái Chúa trong Hội thánh khi cứ tiếp tục giữ thói quen thích uống rượu bia của họ, bất kể người khác có thể vì đó mà bị vấp phạm. Đã vậy họ cũng không có chút gì tôn trọng lấy chức vụ đã nhận nơi Chúa, không hề có một chút tâm tình nào giống như bậc đàn anh đi trước là Phao-lô. Họ hướng dẫn Hội thánh cách như vậy thật nguy hiểm quá.

Còn đối với những anh em khác thì cũng không lấy chuyện Nô-ê để răn giữ mình. Nếu Nô-ê, là người được kể là công bình hơn hẳn tất cả những người cùng thời với ông, mà còn vì rượu phải phạm tội, thì các anh em nghĩ mình là ai mà có thể giữ cho đời sống cá nhân khỏi lầm lỗi nếu vẫn còn thích uống rượu bia và nhậu nhẹt? Kinh thánh ghi lại câu chuyện của Nô-ê không phải là vô ích đâu. Nó sẽ được dùng làm mẫu mực để đoán định phần thưởng đời đời của chúng ta ngày đứng trước mặt Chúa. Vì vậy các anh em đáng nên tỉnh thức và chịu sửa sai đi, kẻo mai sau phải hối hận đời đời.

Lần thứ hai Kinh thánh đề cập đến rượu thì cũng là lần tường thuật lại một trong những tội lỗi ghê gớm nhất trong thế gian, là tội loạn luân giữa cha với con gái, mà không chỉ với một người, nhưng với hai người.

(còn tiếp)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *