CƠ ĐỐC NHÂN VÀ RƯỢU (p. 3)

Nếu quý anh chị em đọc bài viết nầy mà có thắc mắc về đức tin của bà Ma-ri thì chúng tôi sẽ cậy ơn Chúa để trình bày trong một dịp khác. Đề tài về bà Ma-ri là một trong những chủ để thần học thường được bàn cãi nhiều nhất trong suốt những thế kỷ gần đây. Trong giới hạn của bài viết nầy chúng tôi chỉ chú trọng về việc uống rượu trong cuộc sống của Cơ-đốc nhân mà thôi.

Cũng cần nói thêm, là khi viết về đề tài rượu bia, chủ ý của chúng tôi là cố sức trình bày chân lý và điều răn của Chúa một cách kỹ lưỡng, chi tiết và rõ ràng để quý anh chị em trong đức tin có thể hiểu được. Việc có chấp nhận hay không những điều chúng tôi đề cập đến trong bài viết nầy hoàn toàn phụ thuộc vào quan điểm và ý thích của từng người, cũng giống như bao nhiêu lẽ thật và mẫu mực khác trong Kinh thánh. Lời của Chúa đã được bày tỏ cho trần gian hàng ngàn năm qua nhưng việc con người có tin nhận hay không hoàn toàn tùy thuộc nơi ý muốn cá nhân. Vì vậy việc làm của chúng tôi cũng không nằm ngoài nguyên tắc đó. Chúng tôi không có ý định đả kích hay chê bai sở thích và thói quen của người khác. Chúng ta tự quyết định về điều mình cần phải làm tùy theo nhận thức của mỗi người, nhưng rốt lại tất cả đều sẽ bị phán xét bởi những mẫu mực chung mà Đức Chúa Trời đã có cho ghi lại trong lời của Ngài. Vì thế chủ ý của chúng tôi là cố gắng trình bày thật tỏ tường về lẽ thật của Chúa trong Kinh thánh để mỗi chúng ta được sâu nhiệm hơn trong Lời Sự Sống và để có thể được phước khi biết tôn quý, trân trọng và làm theo các nguyên tắc, tín lý như điều Chúa đã phán dạy. Nguyền xin lời của Chúa được gieo trồng vững chắc trong anh chị em. Nguyền xin danh Ngài được vinh hiển và cả sáng qua đời sống thánh khiết, ngay thẳng của mỗi chúng ta trong từng ngày của đời sống nầy. A-men.

Sau đây là những điều mà Kinh thánh đã bày tỏ rõ ràng cho tôi con Đức Chúa Trời về vấn đề uống rượu bia cũng như tình trạng say sưa luông tuồng. Từ xưa đến nay rượu vẫn là một loại thức uống luôn có trong thực đơn của mọi dân tộc trên thế giới từ Âu sang Á. Người ta không biết chắc chắn rằng rượu có xuất xứ từ đâu hay có từ khi nào. Nhưng lần đầu tiên Kinh thánh có đề cập đến rượu là sau khi cơn nước lụt chấm dứt. Chính Nô-ê là người đầu tiên trong được Kinh thánh ghi lại là biết dùng nho để cất rượu. Lần đầu tiên ông uống thứ rượu mà ông làm ra thì Nô-ê say và lõa thể ở trong trại của ông:

(Sáng thế ký 9: 20-21) Vả, Nô-ê khởi cày đất và trồng nho. Người uống rượu say, rồi lõa thể ở giữa trại mình.

Không phải là ngẫu nhiên mà Kinh thánh cho ghi lại điều nầy. Chúng ta biết rằng cả Kinh thánh đã được Đức Chúa Trời soi dẫn để giúp ích cho đức tin của tôi con Chúa và chính Đức Chúa Jêsus đã nhắc nhở rằng một chấm một nét trong lời của Ngài đều không được bỏ qua, thì chắc câu chuyện về việc Nô-ê say sưa phải có bài học hữu ích cho Cơ-đốc nhân nên mới được tường thuật lại.

Vì thế, khi chúng ta suy nghĩ theo quan điểm ấy thì sẽ thấy rằng rượu đã khiến cho một người được Đức Chúa Trời kể là công bình như Nô-ê phải phạm tội:

(Sáng thế ký 6: 9) Nầy là dòng dõi của Nô-ê. Nô-ê trong đời mình là một người công bình và trọn vẹn, đồng đi cùng Đức Chúa Trời.

(Sáng thế ký 7: 1) Đức Giê-hô-va phán cùng Nô-ê rằng: Ngươi và cả nhà ngươi hãy vào tàu, vì về đời nầy ta thấy ngươi là công bình ở trước mặt ta.

Lõa thể (hay lõa lồ) là điều được xem như là sự xấu hổ từ thời của A-đam và nếu một người để cho tình trạng đó xãy ra, nhất là phô bày cho người khác thấy thì là điều bất xứng:

(Sáng thế ký 3: 7) Đoạn, mắt hai người đều mở ra, biết rằng mình lõa lồ, bèn lấy lá cây vả đóng khố che thân.

(Khải huyền 16: 15) Kìa, ta đến như kẻ trộm. Phước cho kẻ tỉnh thức và giữ gìn áo xống mình, đặng khỏi đi lõa lồ và người ta không thấy sự xấu hổ mình!

Luật pháp của Chúa dành cho thầy tế lễ cũng có đề cập đến vấn đề ấy:

(Xuất Ê-díp-tô ký 20: 26) Ngươi chớ đi từ bực thang lên bàn thờ ta, hầu cho sự lõa lồ ngươi không tố lộ.

(Xuất Ê-díp-tô ký 28: 42) Hãy chế cho họ quần lót trong bằng vải gai, đặng che sự lõa lồ, mặc từ ngang lưng quần cho đến bắp vế.

Vì sự lõa thể là điều xấu hổ, không được để xãy ra, nên nếu có người nào cố tình dùng rượu mà làm cho người khác phải bị phơi bày ra như vậy thì bị Chúa rủa sả:

(Ha-ba-cúc 2: 15) Khốn thay cho kẻ pha đồ độc cho người lân cận mình uống, làm cho nó say, đặng xem sự lõa lồ nó!

Trong trường hợp của Nô-ê thì mặc dầu ông không cố tình, nhưng vì uống rượu say đến nỗi phải lõa thể thì đó là một sự sai phạm lớn. Nô-ê là người được ơn trước mặt Đức Chúa Trời hơn hẳn tất cả những người cùng thời với ông, chính vì vậy mà Chúa đã bảo vệ ông và cả gia đình khỏi sự hủy diệt của cơn nước lụt. Nhưng vì rượu mà ông gián tiếp phạm tội lõa thể trước mặt người khác, tai hại hơn nữa là để cho con có thể nhìn thấy. Mặc dầu Nô-ê không cố ý, nhưng bởi sự bất cẩn của ông mà làm cho người con thứ hai là Cham phải chịu sự rủa sả vì tội nhìn xem sự lõa thể của cha:

(Sáng thế ký 9: 22) Cham, là cha Ca-na-an, thấy sự trần truồng của cha, thì ra ngoài thuật lại cùng hai anh em mình.

(Sáng thế ký 9: 24-25) Khi Nô-ê tỉnh rượu rồi, hay được điều con thứ hai đã làm cho mình, bèn nói rằng: Ca-na-an đáng rủa sả! Nó sẽ làm mọi cho các tôi tớ của anh em nó.

Có nhiều người thắc mắc rằng tại sao Nô-ê phạm lỗi mà Cham lại bị rủa sả. Nhưng trong trường hợp đó Cham không phải là người hoàn toàn vô tội. Hai anh em của ông biết rằng cha họ lõa thể thì liền tìm cách che đậy mà không phải nhìn thấy tình trạng của cha, nhưng Cham thì lại khác. Ông không những không chịu che đậy cho cha mình, mà lại còn đi kể điều xấu hổ ấy cho các anh em, nên vì thế phải bị rủa sả:

(Sáng thế ký 9: 23) Nhưng Sem và Gia-phết đều lấy áo choàng vắt trên vai mình, đi thụt lui đến đắp khuất thân cho cha; và bởi họ xây mặt qua phía khác, nên chẳng thấy sự trần truồng của cha chút nào.

Chúng ta không bàn luận nhiều về tội của Cham, nhưng chỉ chú ý đến việc phạm tội của Nô-ê, ấy là vì rượu mà ông tự sĩ nhục mình và làm cho người khác (con của ông) phải vấp phạm:

(Khải huyền 3: 18) Ta khuyên ngươi hãy mua vàng thử lửa của ta, hầu cho ngươi trở nên giàu có; mua những áo trắng, hầu cho ngươi được mặc vào và điều xấu hổ về sự trần truồng ngươi khỏi lộ ra; lại mua thuốc xức mắt đặng thoa mắt ngươi, hầu cho ngươi thấy được.

Theo như lời của Chúa trong câu Kinh thánh trên thì lõa thể là một sự xấu hổ, một điều sĩ nhục, và Nô-ê vì cớ rượu mà chuốc lấy sự ấy cho bản thân ông. Đó là một điều đáng tiếc đối với Nô-ê, và cũng là bài học thức tỉnh cho Cơ đốc nhân ngày hôm nay. Nhưng rất ít người xem đó như một tấm gương để giữ mình, vì nghĩ rằng họ chẳng bao giờ say đến độ như Nô-ê. Thật ra, say rượu đến nỗi lõa thể chỉ là một trong những bài học về câu chuyện của Nô-ê mà thôi, lời của Chúa còn cho chúng ta thấy từ vấn đề ấy có những bài học khác nữa quan trọng hơn nhiều. Ngoài ra cũng có rất nhiều người cố gắng biện minh cho việc thích uống rượu của họ bằng cách tuyên bố rằng họ uống nhưng chẳng bao giờ say. Thực tế đời sống cho thấy không có người nào thích uống rượu mà không từng ít nữa là say một lần. Như với trường hợp của Nô-ê, một lần cũng đủ để lãnh lấy hậu quả suốt đời, có khi cho cả cõi đời đời như điều mà chúng ta sẽ trình bày tiếp theo sau đây. Kinh thánh cho biết là khi một người vì cớ món ăn, thức uống của mình mà làm cho người khác vấp phạm thì là kẻ ác:

(Rô-ma 14: 20) Chớ vì một thức ăn mà hủy hoại việc Đức Chúa Trời. Thật mọi vật là thanh sạch; nhưng ăn lấy mà làm dịp cho kẻ khác vấp phạm, thì là ác.

(còn tiếp)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *