PHƯƠNG PHÁP HỌC KINH THÁNH

Tất cả các Cơ-đốc-nhân đều biết tầm quan trọng của Kinh thánh, vì là quyển sách duy nhất được Đức-Thánh-Linh soi dẫn và bày tỏ niềm tin nơi Đức Chúa Trời và nơi Đức Chúa Jêsus Christ. Cơ-đốc-nhân cũng biết rằng mỗi người phải học Kinh thánh chớ không chỉ trân trọng quyển Kinh thánh suông bằng hình thức mà thôi. Nhưng vấn đề quan trọng là học như thế nào.

Từ xưa đến nay đã có rất nhiều phương pháp học Kinh thánh được giới thiệu với con dân Chúa qua các thời đại, và để tổng hợp lại thì sau đây là những điểm chính yếu về phương pháp học Kinh thánh mà con dân Chúa có thể áp dụng để hiểu biết về Đức Chúa Trời nhiều hơn, cũng như về chương trình của Ngài dành cho loài người và đường lối để đạt đến sự sống đời đời trong tương lai.

Về phương diện thuộc linh, thì Cơ-đốc-nhân phải nhờ cậy Đức-Thánh-Linh soi sáng để có thể học Kinh thánh một cách có kết quả đúng theo ý muốn của Đức Chúa Trời (Giăng 16: 13). Trong những phần kế tiếp thì điều nầy sẽ được nhắc đi nhắc lại để con dân Chúa có thể ghi nhớ luôn luôn.

Về phương diện học tập thì việc học Kinh thánh có ba tiến trình, hoặc ba mức độ từ dễ đến khó như sau: Thứ nhất là đọc Kinh thánh (Phục truyền 31: 1, Nê-hê-mi 8: 3, Giê-rê-mi 36: 8), thứ hai là nghiên cứu Kinh thánh (Thi thiên 119: 27, 125) và thứ ba là suy gẫm Kinh thánh (Giô-suê 1: 8, Thi thiên 1: 2).

ĐỌC KINH THÁNH

Đây là bước thứ nhất trong việc học lời của Chúa. Đọc Kinh thánh là điều mà tất cả các Cơ-đốc-nhân đều có thể thực hiện được, vì trong bản dịch Kinh thánh tiếng Việt thì các tên họ và địa danh đều đã được chuyển sang tiếng Việt hầu cho không ai bị bối rối trong việc phát âm tiếng ngoại quốc.

Nhưng mặc dầu đây là điều dễ làm nhưng chỉ có một số Cơ-đốc-nhân thực hiện việc đọc Kinh thánh, còn đa số thì rất thờ ơ với lời của Chúa. Theo thống kê của các Hội thánh Hoa-kỳ đã công bố vài năm trước đây thì chỉ có 60% con dân Chúa người Mỹ là có đọc Kinh thánh, nhưng số người đọc mỗi ngày thì chỉ khoảng 22% mà thôi. Còn đối với Cơ-đốc-nhân Việt Nam thì chưa có con số thống kê nào hết vì chưa có người thực hiện việc thăm dò thói quen đọc Kinh thánh trong vòng con dân Chúa người Việt.

Nhưng điều đó cũng cho thấy rằng trong thực tế việc Cơ-đốc-nhân đọc lời của Chúa mỗi một ngày là ít lắm. Vì vậy để có thể được sâu nhiệm trong lời của Chúa thì Cơ-đốc-nhân cần phải đọc Kinh thánh mỗi ngày, và phải biết dành một thì giờ nhất định trong ngày để đọc lời của Chúa. Nếu không có sự quyết tâm thì mặc dầu đây là bước đầu tiên và dễ làm thì Cơ-đốc-nhân cũng sẽ không bao giờ thực hiện được trọn vẹn và liên tục.

Theo như sự phát biểu của nhiều người thì dường như có một số Cơ-đốc-nhân chỉ đọc Kinh thánh những lúc nào cần thiết mà thôi, chẳng hạn như khi gặp điều buồn khổ, lo lắng hoặc sợ hãi. Đọc Kinh thánh trong những dịp như vậy là tốt, vì chắc chắn con dân Chúa sẽ được lời của Ngài an ủi, khích lệ và nâng đỡ nhiều.

Nhưng đó không phải là phương pháp để giúp cho Cơ-đốc-nhân tăng cường sự hiểu biết của mình trong lời của Chúa. Vì có nhiều Cơ-đốc-nhân, khi sự khó khăn thử thách đã qua, thì liền quên lãng việc đọc Kinh thánh ngay, nhất là khi đời sống được thuận lợi, bình an và bận rộn với những cuộc vui.

Cơ-đốc-nhân phải cố gắng đọc Kinh thánh mỗi ngày trong suốt đời sống mình, không lúc nào ngưng nghỉ. Có nhiều Cơ-đốc-nhân chỉ đọc Kinh thánh qua hết một lần rồi thôi, vì nghỉ là đã đủ. Nhưng theo kinh nghiệm của các tôi tớ Chúa trong các thời đại đã qua thì càng đọc trọn quyển Kinh thánh nhiều lần chừng nào thì càng sâu nhiệm trong lời của Chúa chừng nấy.

Dẫu vậy, có người đã cho biết rằng vì Kinh thánh có nhiều chỗ khó hiểu nên vì vậy mà họ không muốn đọc trở lại Kinh thánh lần thứ hai sau khi đã cố gắng đọc qua hết một lần. Sự khó hiểu trong Kinh thánh là một thực tế không thể chối cãi, vì lời của Chúa bao gồm sự sâu nhiệm của Đức Chúa Trời, là sự khôn ngoan mà tâm trí của con người không thể dò được (Thi thiên 145: 3). Chính bởi lẽ đó mà lời của Chúa mới nhắc nhở rằng Cơ-đốc-nhân phải đọc Kinh thánh với sự giúp đỡ của Đức-Thánh-Linh (Thi thiên 119: 18, Giăng 16: 13), nhất là khi đọc đến các lời tiên tri (2Phi-e-rơ 1: 20). Ngoài ra vì nguyên nhân ấy mà Đức Chúa Trời mới chọn lựa và kêu gọi nhiều người dấn thân hầu việc Ngài và sau đó trang bị cho họ để trở nên các người hướng dẫn con dân Chúa học Kinh thánh. Đó là trọng trách của những người ấy mà các sứ đồ đã xác định từ thời kỳ Hội thánh đầu tiên (Công vụ 6: 4, Ê-phê-sô 4: 11, 1Ti-mô-thê 2: 6-7, 2Ti-mô-thê 1: 11).

Vì vậy mà mỗi Hội thánh địa phương cần phải có một tôi tớ Chúa để giúp đỡ con dân Ngài học Kinh thánh và mỗi một người hầu việc Chúa phải nhớ rằng trọng trách chính yếu của mình là giúp đỡ Cơ-đốc-nhân hiểu được lời Kinh thánh một cách chính xác để nhờ đó mà họ được cứu, chớ không phải trọng trách của chức vụ là vì những phận sự khác kém quan trọng hơn (Công vụ 6: 4).

Thực tế cho thấy là nhiều khi con dân Chúa không hiểu được đặc điểm nầy nên đòi hỏi người mục sư của họ phải bận rộn với những công tác không phải là trọng trách của việc học Kinh thánh (Công vụ 6: 2). Làm như vậy thì người hầu việc Chúa sẽ không có cơ hội thực hiện chức vụ của họ một cách xứng đáng với sự kêu gọi của Chúa. Ngược lại thì cũng có một số người hầu việc Chúa rất thờ ơ với việc trau dồi sự hiểu biết về Kinh thánh cho chính mình (Giăng 3: 10, 1Ti-mô-thê 1: 7, 1Ti-mô-thê 6: 3-5) hầu có thể giúp đỡ Hội thánh đi đúng đường lối của Chúa, đến nỗi đã lấy những điều khác làm trọng tâm cho chức vụ chớ không phải là việc giúp đỡ con dân Chúa tăng trưởng trong sự hiểu biết về lời của Đức Chúa Trời.

Vì vậy việc học Kinh thánh rất là quan trọng để không những giúp cho Cơ-đốc-nhân biết chương trình cứu rỗi của Chúa để chính mình có thể hưởng được sự sống đời đời tại Thiên đàng trong tương lai, mà còn giúp cho con dân Chúa biết phân biệt đâu là trọng trách chính yếu của mỗi một người tin Chúa hầu cho có thể làm theo một cách xứng đáng và được đẹp lòng Đức Chúa Trời.

Chúng ta thử suy nghĩ đến thí dụ nầy để có thể thấy được tầm quan trọng của việc học Kinh thánh. Theo như lời của Chúa cho biết thì một linh hồn quý hơn cả thế gian (Ma-thi-ơ 16: 26). Vì linh hồn của con người mà Đức Chúa Jêsus phải chịu bị đóng đinh. Nhưng để cứu rỗi những linh hồn quý giá như vậy thì Đức Chúa Trời chỉ ban cho loài người có một quyển Kinh thánh mà thôi để từ đó mỗi người có thể biết được cách thế nào để linh hồn mình được cứu rỗi. Kinh thánh quý báu là như vậy. Thế thì Cơ-đốc-nhân phải hết sức chuyên cần trong việc học Kinh thánh.

Nếu một Cơ-đốc-nhân không đọc Kinh thánh thường xuyên mỗi ngày thì đời sống thuộc linh của người đó khó có thể phát triển mạnh mẽ, vì lời của Đức Chúa Trời là bánh hằng sống bổ ích cho linh hồn (Ê-sai 55: 2). Nếu một người hầu việc Chúa không đọc Kinh thánh thường xuyên mỗi ngày thì sẽ không có đủ lời của Chúa đế giúp đỡ cho con dân Chúa được trưởng thành trong đức tin.

Nếu Cơ-đốc-nhân không đọc Kinh thánh một cách thường xuyên mỗi một ngày thì sẽ chẳng bao giờ biết được rõ ràng những điều mình cần phải làm và những điều mình cần phải tránh. Nếu một người hầu việc Chúa không đọc Kinh thánh thường xuyên mỗi một ngày thì sẽ không bao giờ hiểu được các chân lý và lẽ thật trong Kinh thánh để giải bày rõ ràng cho con dân Chúa trong Hội thánh mà mình đang hầu việc.

Khi đọc Kinh thánh thì đây là những điều Cơ-đốc-nhân nên thực hiện:

– Đánh dấu và ghi lại các câu gốc hoặc các phần Kinh thánh mà mình chú ý, thấy có sự dạy dỗ cho cá nhân. Phải đọc lại thường xuyên để được nhắc nhở luôn về những câu hoặc những phần Kinh thánh ấy.

– Đánh dấu và ghi lại những thắc mắc mà mình đã có trong khi đọc Kinh thánh để có thể nhớ lại và tìm kiếm sự giải thích từ những người hầu việc Chúa khi có cơ hội.

– Phải có lịch trình đọc Kinh thánh mỗi ngày và quyết tâm thực hiện cho bằng được để điều nầy trở thành thói quen cho cả cuộc đời mình.

– Phải đọc Kinh thánh từ Sáng thế ký cho đến Khải huyền và tiếp tục đọc đi đọc lại. Tránh việc chỉ đọc những phần Kinh thánh mà mình thích trong khi đó lại bỏ qua những phần khác trong lời của Chúa.

– Phải luôn luôn bắt đầu việc đọc Kinh thánh hàng ngày bằng sự cầu nguyện để xin Chúa soi dẫn, mặc dầu có nhiều chỗ vẫn chưa hiểu được.

– Phải đọc Kinh thánh với sự xác tín rằng lời của Chúa không hề có sự sai lầm trong nội dung. Đừng để những lỗi chính tả về in ấn hoặc về cách dùng từ ngữ làm cho tâm trí mình có sự nghi ngờ. Cơ-đốc-nhân cần nên nhớ rằng lời của Chúa không hề có sự mâu thuẫn nào, dầu là rất nhỏ (Thi thiên 12: 6, 119: 89, Châm ngôn 2: 6, Ê-sai 45: 23, 55: 11, 1Phi-e-rơ 2: 22). Vấn đề nầy sẽ được đề cập đến trong các phần sau để con cái Chúa có thể vững đức tin trong lời của Ngài.

Nếu Cơ-đốc-nhân không đọc Kinh thánh thường xuyên mỗi một ngày thì sẽ chẳng bao giờ có thể thành công được trong bước thứ hai của việc học lời của Chúa, là nghiên cứu Kinh thánh. Mặc dầu có một số người vẫn nghiên cứu Kinh thánh mà không hề có thói quen đọc Kinh thánh hằng ngày, cũng như việc có một số học giả nghiên cứu Kinh thánh mà hoàn toàn không có đức tin nơi Đức Chúa Jêsus, nhưng kết quả của những sự nghiên cứu ấy không phù hợp với lẽ thật trong Kinh thánh, thậm chí còn mâu thuẫn và dẫn đến những sai lầm lớn lao theo như các bằng chứng sẽ được đăng trong những phần sau.

Nói tóm lại thì Cơ-đốc-nhân phải đọc Kinh thánh thường xuyên mỗi ngày để có thể thực hiện được bước thứ hai của việc học lời của Chúa, là nghiên cứu Kinh thánh.

NGHIÊN CỨU KINH THÁNH

Bước thứ hai của việc học Kinh thánh là nghiên cứu Kinh thánh. Để được sâu nhiệm và tăng trưởng đức tin trong Chúa thì Cơ-đốc-nhân cần phải thực hiện việc nghiên cứu Kinh thánh, dầu đây là điều khó hơn việc đọc Kinh thánh. Cùng với những đặc điểm cần phải có trong việc đọc Kinh thánh thì sau đây là một số yêu cầu cần thiết để việc nghiên cứu Kinh thánh của Cơ-đốc-nhân được thành công (hay còn gọi là Nguyên tắc nghiên cứu Kinh thánh).

– Thứ nhất là phải có sự hiểu biết bao quát về Kinh thánh để có thể tra cứu, đối chiếu các câu và các phần khác nhau trong Kinh thánh. Chính vì vậy mà việc ghi nhớ và thuộc lòng lời của Chúa càng nhiều chừng nào thì càng rất hữu ích cho việc nghiên cứu Kinh thánh (Phục truyền 6: 17, Châm ngôn 4: 4).

– Thứ hai là cần phải dành thì giờ nhiều hơn cho việc nghiên cứu Kinh thánh, vì công tác nầy cần phải đọc nhiều và ghi lại nội dung chính của những điều đã đọc rồi so sánh với Kinh thánh (1Ti-mô-thê 4: 13).

– Thứ ba là phải có đức tin vững vàng nơi sự chân thật và đúng đắn của lời Đức Chúa Trời, vì trong sự nghiên cứu Kinh thánh thì Cơ-đốc-nhân sẽ có lúc phải xem xét đến những quan điểm trái ngược và sai lầm của một số người trong giới học giả Kinh thánh thời nay (1Ti-mô-thê 1: 7, 2Phi-e-rơ 2: 1). Nhờ đức tin như vậy mà Cơ-đốc-nhân sẽ không bị hoang mang, hồ nghi và bị dẫn dụ sai khỏi lẽ thật của Đức Chúa Trời (2Phi-e-rơ 3: 17).

– Thứ tư là phải cầu nguyện thường xuyên cho việc nghiên cứu Kinh thánh, vì công tác nầy, nếu không cậy nhờ ơn Chúa giúp đỡ, thì sẽ dễ dàng làm cho Cơ-đốc-nhân bị sai lạc đang khi muốn trở nên sâu nhiệm trong lời của Chúa (1Ti-mô-thê 6: 20-21).

Việc nghiên cứu Kinh thánh là khó khăn và cần nhiều thì giờ hơn là việc đọc Kinh thánh, vì vậy mà không phải Cơ-đốc-nhân nào cũng có thể nghiên cứu lời của Chúa cách sâu nhiệm được. Bởi lẽ đó mà Đức Chúa Trời đã chọn lựa và kêu gọi một số người dâng mình để chuyên tâm thực hiện điều nầy và giải bày lại cho con dân Chúa được biết.

Thế thì trong mối tương quan giữa các con dân Chúa với nhau thì các tôi tớ Chúa có bổn phận nghiên cứu và giải bày lời Kinh thánh cho các anh chị em mình, còn Cơ-đốc-nhân thì giúp đỡ người hầu việc Chúa trong phương diện thuộc thể để họ có thể chuyên tâm nghiên cứu Kinh thánh cho cẩn thận và sâu nhiệm (1Cô-rinh-tô 9: 14). Như vậy thì cả Hội thánh đều được ích lợi chung trong phương diện trân trọng lời của Chúa, tìm biết và làm theo ý muốn của Ngài để được cứu rỗi trong ngày Đức Chúa Jêsus trở lại thế gian.

– Thứ năm là nhận biết quá khứ và tương lai, tức là hiểu biết rằng quá khứ tội lỗi của mình đã được Chúa tha thứ, xóa bôi hết và từ thời điểm hiện tại trở đi thì mình sống bằng một đời sống mới theo tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời. Vì vậy một trong những nguyên tắc quan trọng của việc học Kinh thánh là ăn năn về quá khứ (Giăng 8: 3-11) và quên nó đi (Ê-sai 1: 18, 44: 2). Sự quên đi nầy không phải là không nói đến những tội lỗi đó nữa (1Ti-mô-thê 1: 13), mà là đề cập về nó với một tấm lòng thanh thản, không còn bị mặc cảm gì hết (2Sa-mu-ên 12: 13-23). Cảm giác phạm tội không còn ở trong lòng người biết ăn năn. Mặc cảm đó chỉ tồn tại trong lòng của những kẻ không muốn từ bỏ tội lỗi mà thôi.

(còn tiếp)

CÁC CÂU KINH THÁNH ĐÃ TRƯNG DẪN:

PHỤC TRUYỀN 31: 11 – Khi cả Y-sơ-ra-ên đến chầu trước mặt Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, trong chỗ Ngài sẽ chọn, thì ngươi phải đọc luật nầy trước cả Y-sơ-ra-ên cho chúng nghe.

GIÔ-SUÊ 1: 8 – Quyển sách luật pháp nầy chớ xa miệng ngươi, hãy suy gẫm ngày và đêm, hầu cho cẩn thận làm theo mọi điều đã chép ở trong; vì như vậy ngươi mới được may mắn trong con đường mình, và mới được phước.

NÊ-HÊ-MI 8: 3 – Người đứng tại phố ở trước cửa Nước, đọc trong quyển ấy từ rạng đông cho đến trưa, có mặt các người nam và nữ, cùng những kẻ có thể hiểu được. Cả dân sự lắng tai nghe đọc sách luật pháp.

THI THIÊN 1: 2 – Song lấy làm vui vẻ về luật pháp của Đức Giê-hô-va, và suy gẫm luật pháp ấy ngày và đêm.

THI THIÊN 12: 6 – Các lời Đức Giê-hô-va là lời trong sạch, dường như bạc đã thét trong nồi dót bằng gốm, luyện đến bảy lần.

THI THIÊN 119: 18 – Xin Chúa mở mắt tôi, để tôi thấy sự lạ lùng trong luật pháp của Chúa.

THI THIÊN 119: 27 – Cầu Chúa làm cho tôi hiểu biết con đường giềng mối Chúa, thì tôi sẽ suy gẫm các công việc lạ lùng của Chúa.

THI THIÊN 119: 89 – Hỡi Đức Giê-hô-va, lời Ngài được vững lập đời đời trên trời.

THI THIÊN 119: 125 – Tôi là kẻ tôi tớ Chúa; xin hãy ban cho tôi sự thông sáng, để tôi hiểu biết các chứng cớ của Chúa.

THI THIÊN 145: 3 – Đức Giê-hô-va là lớn và đáng ngợi khen thay; Sự cao cả Ngài không thể dò xét được.

CHÂM NGÔN 2: 6 – Vì Đức Giê-hô-va ban cho sự khôn ngoan; Từ miệng Ngài ra điều tri thức và thông sáng.

Ê-SAI 45: 23 – Ta đã chỉ mình mà thề, lời công bình ra từ miệng ta sẽ chẳng hề trở lại: mọi đầu gối sẽ quì trước mặt ta, mọi lưỡi sẽ chỉ ta ma thề.

Ê-SAI 55: 2 – Sao các ngươi trả tiền để mua đồ không phải là bánh? Sao các ngươi đem công lao mình đổi lấy vật chẳng làm cho no? Hãy chăm chỉ nghe ta, hãy ăn của ngon, và cho linh hồn các ngươi vui thích trong của béo.

Ê-SAI 55: 11 – Lời nói của ta cũng vậy, đã ra từ miệng ta, thì chẳng trở về luống nhưng, mà chắc sẽ làm trọn điều ta muốn, thuận lợi công việc ta đã sai khiến nó.

GIÊ-RÊ-MI 36: 8 – Ba-rúc, con trai Nê-ri-gia, theo mọi sự tiên tri Giê-rê-mi đã dạy đọc lời Đức Giê-hô-va trong sách, tại nhà Đức Giê-hô-va.

MA-THI-Ơ 16: 26 – Người nào nếu được cả thiên hạ mà mất linh hồn mình, thì có ích gì? Vậy thì người lấy chi mà đổi linh hồn mình lại?

GIĂNG 3: 10 – Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Ngươi là giáo sư của dân Y-sơ-ra-ên, mà không hiểu biết những điều đó sao!

GIĂNG 16: 13 – Lúc nào Thần lẽ thật sẽ đến, thì Ngài dẫn các ngươi vào mọi lẽ thật; vì Ngài không nói tự mình, nhưng nói mọi điều mình đã nghe, và tỏ bày cho các ngươi những sự sẽ đến.

CÔNG VỤ 6: 2 – Mười hai sứ đồ bèn gọi hết thảy môn đồ nhóm lại, mà nói rằng: Bỏ sự dạy đạo Đức Chúa Trời mà giúp việc bàn tiệc thật chẳng xứng hợp.

CÔNG VỤ 6: 4 – Còn chúng ta sẽ cứ chuyên lo về sự cầu nguyện và chức vụ giảng đạo.

RÔ-MA 12: 7 – Ai được gọi đến làm chức vụ, hãy buộc mình vào chức vụ; ai dạy dỗ, hãy chăm mà dạy dỗ;

Ê-PHÊ-SÔ 4: 11 – Ấy chính Ngài đã cho người nầy làm sứ đồ, kẻ kia làm tiên tri, người khác làm thầy giảng Tin lành, kẻ khác nữa làm mục sư và giáo sư.

1TI-MÔ-THÊ 1: 7 – Họ muốn làm thầy dạy luật, mà không hiểu điều mình nói hoặc điều mình tự quyết.

1TI-MÔ-THÊ 2: 6-7 – Ngài đã phó chính mình Ngài làm giá chuộc mọi người. Ấy là lời chứng đã làm đúng kỳ (ta nói thật, không nói dối), vì lời chứng ấy, ta đã được cử làm thầy giảng, là sứ đồ và giáo sư cho dân ngoại, để dạy họ về đức tin và về lẽ thật.

1TI-MÔ-THÊ 6: 3-5 – Ví thử có người dạy dỗ đạo khác, không theo lời có ích của Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta và đạo lý theo sự tin kính, thì người đó là lên mình kiêu ngạo, không biết chi hết; nhưng có bịnh hay gạn hỏi, cãi lẫy, bởi đó sanh sự ghen ghét, tranh cạnh, gièm chê, nghi ngờ xấu xa, cùng những lời cãi lẽ hư không của kẻ có lòng hư xấu, thiếu mất lẽ thật, coi sự tin kính như là nguồn lợi vậy.

2TI-MÔ-THÊ 1: 11 – Ấy là vì Tin lành đó mà ta đã được lập làm người giảng đạo, sứ đồ và giáo sư.

1PHI-E-RƠ 2: 22 – Ngài chưa hề phạm tội, trong miệng Ngài không thấy có chút chi dối trá.

2PHI-E-RƠ 1: 20 – Trước hết, phải biết rõ rằng chẳng có lời tiên tri nào trong Kinh thánh lấy ý riêng giải nghĩa được.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *