THỜI KỲ ĐỨC CHÚA JÊSUS TÁI LÂM – CHUYỆN TÍCH CỦA LÓT

Trong tất cả các tôn giáo trên thế giới thì chỉ có Cơ-đốc-giáo/Thiên Chúa giáo là đề cập đến ngày tận thế và ngày Ðức Chúa Jêsus tái lâm. Những tôn giáo khác không hề nhắc đến việc giáo chủ của họ trở lại trần gian. Ðây là một trong những điểm khác biệt lớn nhất giữa niềm tin nơi Ðức Chúa Jêsus và các tôn giáo khác. Các tôn giáo trên thế giới chỉ thuần về triết lý và các nghi lễ, còn Cơ-đốc-giáo là một thực tế lịch sữ. Vì vậy mà trong Kinh thánh có ghi lại rất nhiều lời tiên tri, có những lời đã ứng nghiệm, những lời tiên tri khác thì đang ứng nghiệm, và có những lời tiên tri sẽ ứng nghiệm trong tương lai. Chúng tôi sẽ lần lượt trình bày hết cả 3 loại tiên tri trên để góp phần vào việc làm vững niềm tin của Cơ-đốc-nhân trong thời kỳ cuối cùng.

Trong phạm vi bài viết nầy chúng tôi sẽ trình bày về một trong những lời tiên tri đang được ứng nghiệm liên quan đến sự tái lâm của Ðức Chúa Jêsus. Sự quan tâm về ngày trở lại của Ðức Chúa Jêsus không phải là vấn đề mới mẽ chỉ xãy ra trong thời kỳ cận đại, mà đã được đề cập đến từ hơn 2000 năm trước, lúc Ngài đang còn thi hành chức vụ trên mặt đất.

Chính các môn đồ của Ðức Chúa Jêsus đã đến hỏi Ngài về vấn đề nầy khi Chúa đang ngồi trên núi Ô-li-ve, đối ngang Ðền thờ:

(Ma-thi-ơ 24: 3) Ngài đang ngồi trên núi Ô-li-ve, môn đồ tới riêng cùng Ngài, và nói rằng: Xin Chúa phán cho chúng tôi biết lúc nào những sự đó sẽ xảy ra? và có điềm gì chỉ về sự Chúa đến và tận thế.

Ðức Chúa Jêsus đã phán bảo cho các môn đồ Ngài nhiều điều liên quan đến thời kỳ ấy, nhưng chúng tôi chỉ muốn được đề cập ở đây về lời tiên tri có liên quan đến Lót, cháu của Áp-ra-ham:

(Lu-ca 17: 28-30) Việc đã xảy ra trong đời Lót cũng vậy, người ta ăn, uống, mua, bán, trồng trỉa, cất dựng; đến này Lót ra khỏi thành Sô-đôm, thì trời mưa lửa và diêm sinh, giết hết dân thành ấy. Ngày Con người hiện ra cũng một thể nầy.

Bằng cách đề cập đến Lót, Ðức Chúa Jêsus đã cho chúng ta biết một trong các phương pháp để có thể nhận định được lúc nào thì bắt đầu thời kỳ cuối cùng và khoảng thời gian tương ứng với sự tái lâm của Chúa. Không phải là tình cờ mà cuộc đời của Lót và những sự kiện quan trọng trong cuộc đời của ông được ghi lại trong Kinh thánh. Theo như lời của Ðức Chúa Jêsus đã phán thì chúng ta có thể thấy được rằng những điều đó được ghi chép để làm hình bóng về ngày tái lâm của Ðức Chúa Jêsus. Vì thế nếu một người nghiên cứu về thời kỳ cuối cùng mà quên không suy nghĩ đến những điều đã xãy ra cho Lót thì sự nghiên cứu như vậy còn thiếu sót.

Bây giờ chúng tôi sẽ lược thuật một số sự kiện xãy ra trong đời của Lót để từ đó chúng ta có thể hiểu được các lời tiên tri về thời kỳ cuối cùng.

Tên của Lót được đề cập đến lần đầu tiên là trong đoạn 11 của sách Sáng thế ký. Kinh thánh cho biết rằng ông là con trai của Ha-ran, em út của Áp-ram (mà sau nầy được gọi là Áp-ra-ham):

(Sáng thế ký 11: 27) Đây là dòng dõi của Tha-rê: Tha-rê sanh Áp-ram, Na-cô và Ha-ran; Ha-ran sanh Lót.

(Sáng thế ký 11: 31) Tha-rê dẫn Áp-ram, con trai mình, Lót, con trai Ha-ran, cháu mình, và Sa-rai, vợ Áp-ram, tức dâu mình, đồng ra khỏi U-rơ, thuộc về xứ Canh-đê, đặng qua xứ Ca-na-an. Khi đến Cha-ran thì lập gia cư tại đó.

Như vậy Lót gọi Tha-rê là ông nội và gọi Áp-ra-ham là bác. Kinh thánh cho biết thêm là không chỉ Áp-ra-ham là người giàu có, mà Lót cũng có nhiều chiên bò (Sáng thế ký 13: 5), chính vì vậy mà bọn chăn chiên của hai người có chuyện tranh giành với nhau:

(Sáng thế ký 13: 7) Trong khi dân Ca-na-an và dân Phê-rê-sít ở trong xứ, xảy có chuyện tranh giành của bọn chăn chiên Áp-ram cùng bọn chăn chiên Lót.

Bởi nguyên nhân ấy mà Áp-ra-ham đề nghị hai bác cháu chia rẽ nhau để tránh sự xung đột nặng nề hơn:

(Sáng thế ký 13: 8) Áp-ram nói cùng Lót rằng: Chúng ta là cốt nhục, xin ngươi cùng ta chẳng nên cãi lẫy nhau và bọn chăn chiên ta cùng bọn chăn chiên ngươi cũng đừng tranh giành nhau nữa.

Nghe theo lời đề nghị của Áp-ra-ham, Lót đã chọn vùng đồng bằng phía bên kia sông Giô-đanh làm nơi trú ngụ, vì nơi đó có nguồn nước dồi dào và đất đai mầu mỡ phì nhiêu như vườn Ðịa đàng:

(Sáng thế ký 13: 10) Lót bèn ngước mắt lên, thấy khắp cánh đồng bằng bên sông Giô-đanh, là nơi (trước khi Đức Giê-hô-va chưa phá hủy thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ) thảy đều có nước chảy tưới khắp đến Xoa; đồng đó cũng như vườn của Đức Giê-hô-va.

Sau khi đã chọn vùng đất có thể trú ngụ và chăn bầy vật, Lót chia tay với Áp-ra-ham và đến ở trong thành Sô-đôm. Thành nầy và thành Gô-mô-rơ là hai thành phạm tội đồng tính luyến ái rất nặng nề đến nỗi tiếng kêu oan của những người bị dân hai thành ấy hại bay lên tới tai Ðức Chúa Trời:

(Sáng thế ký 13: 13) Vả, dân Sô-đôm là độc ác và kẻ phạm tội trọng cùng Đức Giê-hô-va.

(Sáng thế ký 18: 20-21) Đức Giê-hô-va phán rằng: Tiếng kêu oan về Sô-đôm và Gô-mô-rơ thật là quá, tội lỗi các thành đó thật là trọng. Ta muốn ngự xuống, để xem xét chúng nó ăn ở có thật như tiếng đã kêu thấu đến ta chăng; nếu chẳng thật, thì ta sẽ biết.

Bằng chứng về tội đồng tính luyến ái của thành Sô-đôm và Gô-mô-rơ được ghi lại trong đoạn 19 của sách Sáng thế ký:

(Sáng thế ký 19: 4-5) Hai thiên sứ chưa đi nằm, mà các người nam ở Sô-đôm, từ trẻ đến già, tức cả dân, đều chạy đến bao chung quanh nhà. Bọn đó gọi Lót mà hỏi rằng: Những khách đã vào nhà ngươi buổi chiều tối nay ở đâu? Hãy dẫn họ ra đây, hầu cho chúng ta được biết.

Các chữ ‘hầu cho chúng ta được biết’ được Kinh thánh dùng để mô tả dự định của các người nam thành Sô-đôm là muốn có quan hệ luyến ái đồng tính với các thiên sứ. Chính vì ý muốn đó của họ mà Lót, vì muốn bảo vệ những người khách ngụ trong nhà mình (theo như phong tục tập quán của người thời bấy giờ), đã đưa hai con gái của ông ra cho họ, nhưng họ vẫn không chịu. Tội ác của họ lớn ở chỗ là tất cả các người nam, từ trẻ đến già, đều muốn quan hệ luyến ái với các thiên sứ.

Nếu chúng ta trở lại đoạn 18 của sách Sáng thế ký thì sẽ thấy rằng Ðức Chúa Trời hiện đến với Áp-ra-ham qua hình ảnh của ba vị thiên sứ:

(Sáng thế ký 18: 1-2) Đức Giê-hô-va hiện ra cùng Áp-ra-ham nơi lùm cây dẻ bộp của Mam-rê, đang khi ngồi nơi cửa trại lúc trời nắng ban ngày. Áp-ra-ham nhướng mắt lên, thấy ba người đứng trước mặt. Vừa khi thấy, bèn bắt từ cửa trại chạy đến trước mặt ba người đó, sấp mình xuống đất.

Sau khi dùng bữa do Áp-ra-ham dọn cho, thì hai vị đi đến Sô-đôm, còn một vị thì ở lại, và qua vị thiên sứ thứ ba nầy mà Ðức Chúa Trời chuyện trò với Áp-ra-ham. Theo như Kinh thánh cho biết thì không ai có thể thấy được Ðức Chúa Trời khi còn sống trong xác thịt nầy, vì thế Ðức Chúa Trời dùng thiên sứ của Ngài để nói chuyện với con người, mà trong trường hợp nầy là Áp-ra-ham:

(Xuất Ê-díp-tô ký 33: 20) Ngài lại phán rằng: Ngươi sẽ chẳng thấy được mặt ta, vì không ai thấy mặt ta mà còn sống.

Về phần thiên sứ của Chúa thì dầu họ hiện ra trong trần gian bằng thân xác như con người nhưng chúng ta biết chắc rằng họ phải là những đấng đẹp đẽ, sáng láng. Ấy bởi lẽ đó mà toàn bộ người nam tại thành Sô-đôm muốn có quan hệ với các đấng ấy ngay. (Chúng tôi sẽ đăng bài THIÊN SỨ CỦA ÐỨC CHÚA TRỜI để trình bày chi tiết hơn về họ)

(còn tiếp)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *