THÁNH KINH GIẢI LUẬN / 1Ti-mô-thê 1: 5

CHỨC VỤ RAO BẢO CHO THẾ GIAN 2

Kinh thánh: 1Ti-mô-thê 1: 1-11

Câu gốc: 1TI-MÔ-THÊ 1: 5 – Mục đích của sự răn bảo, ấy là sự yêu thương, bởi lòng tinh sạch, lương tâm tốt và đức tin thật mà sanh ra.

Trong phần thứ hai của Chủ đề nầy thì chúng ta sẽ cùng nhau suy gẫm đến lý do vì sao cần phải rao bảo về tội lỗi cho mọi người, tức là cho cả Cơ-đốc-nhân và người chưa tin. Theo như điều mà chúng ta đã suy gẫm qua trong các tuần lễ trước thì bước đầu tiên trong tiến trình theo Chúa là phải nhận biết rằng mình có tội, và để người ta có thể nhận biết như vậy thì phải có người rao bảo cho họ biết thế nào là tội lỗi theo tiêu chuẩn thánh khiết của Đức Chúa Trời. Ngoài ra thì sự rao bảo về tội lỗi cũng phải được thực hiện thường xuyên để cho con dân Chúa đều được nghe, vì như thực tế cho thấy thì không phải là sau khi tin Chúa rồi thì Cơ-đốc-nhân không còn phạm tội nữa. Chính sứ đồ Giăng đã cho biết trong 1Giăng 1: 8 rằng con dân Chúa vẫn thường phạm tội mặc dầu đã biết Đức Chúa Trời rồi. Nhưng sự khác biệt của việc phạm tội trước khi và sau khi tin nhận Chúa là ở chỗ có cố tình hay không. Khi Cơ-đốc-nhân được nhắc nhở thường xuyên về tội lỗi thì sẽ được thức tỉnh luôn luôn và nếu lỡ có phạm lầm lỗi thì điều đó chỉ là sự vô tình mà thôi, chớ chẳng phải là cố ý. Bởi vì hễ Cơ-đốc-nhân phạm tội một cách cố ý thì sẽ không được tha thứ. Cũng chính vì lẽ ấy mà sự rao bảo về tội lỗi cho Cơ-đốc-nhân rất là quan trọng, vì giúp cho con dân Chúa tránh được sự cố tình phạm tội. Bởi thế cho nên trong cả Tân ước thì lời của Chúa đã nhắc nhở đến chữ tội 329 lần trong khi đó thì chỉ nhắc đến chữ phước có 96 lần mà thôi. Điều đó cho thấy rằng nan đề tội lỗi trong đời sống của con người, nhất là của Cơ-đốc-nhân, thì cần phải được giải quyết trước rồi sai đó thì phước thật sự mới được ban cho. Vì vậy mà sự rao bảo về tội lỗi chính là cách giúp cho Cơ-đốc-nhân tìm được phước trong Chúa cho đời nầy và cho cõi đời đời mai sau. Sự rao bảo như vậy được xem là hành động của tình yêu thương. Bởi lẽ đó mà việc chúng ta cần phải tìm hiểu về ý nghĩa và tầm quan trọng của sự rao bảo về tội lỗi là điều đáng nên làm để Cơ-đốc-nhân có thể được khích lệ mà đảm nhận chức vụ nầy một cách tự tin và sốt sắng hết lòng cho đến ngày được nghỉ ngơi trong Chúa.

Như điều mà chúng ta đã cùng nhau học qua trong phần thứ nhất thì chức vụ rao bảo tội về lỗi cho mọi người trong thế gian đã được Đức Chúa Trời giao phó cho tất cả các Cơ-đốc-nhân, tức là bao gồm cả người đã dâng mình hầu việc Chúa và các con cái Chúa bình thường khác trong Hội thánh. Nhưng điều nầy đã làm cho có người thắc mắc để hỏi rằng nếu cả con cái Chúa và tôi tớ Chúa đều rao bảo về tội lỗi cho thế gian thì có gì khác biệt đâu giữa chức vụ của một người mục sư và một Cơ-đốc-nhân bình thường. Thắc mắc như vậy là điều dễ hiểu, vì nhiều người vẫn cho rằng việc truyền giảng chứng đạo cho người chưa tin là trách nhiệm chính yếu của người hầu việc Chúa, còn con cái Chúa thì chỉ phụ giúp một phần nào đó mà thôi. Bây giờ khi nghe biết rằng trách nhiệm rao bảo về tội lỗi cho thế gian cũng bao gồm cho cả các Cơ-đốc-nhân bình thường khác nữa thì có người thắc mắc như vậy là điều đương nhiên. Bởi lẽ đó trước khi chúng ta cùng nhau suy gẫm đến lý do vì sao mà Cơ-đốc-nhân phảo rao bảo về tội lỗi cho mọi người thì chúng ta sẽ cùng xem xét đến một trong những điểm khác biệt chủ yếu giữa chức vụ của người hầu việc Chúa và của một Cơ-đốc-nhân bình thường.

Chúng ta đều biết rằng khi một người dâng mình hầu việc Chúa thì người đó đã hứa nguyện dùng trọn cuộc đời của họ để tập trung vào việc rao giảng Tin lành của Đức Chúa Jêsus cho mọi người. Ngày nào họ còn sống và còn có thể nói được cách rành rẽ thì họ phải cứ tiếp tục rao giảng cho đến khi qua đời. Chức vụ hầu việc Chúa không phải là một nghề nghiệp theo cách suy nghĩ thông thường của thế gian. Vì hễ là nghề nghiệp thì người ta sẽ có ngày về hưu, nhưng vì sự dâng mình hầu việc Chúa là một chức vụ suốt đời nên không có ngày về hưu mà cũng không phải chờ có lương hướng mới rao giảng lời của Chúa. Ngay cả khi không được Hội thánh ủng hộ về phương diện tài chánh thì người đã dâng mình hầu việc Chúa cũng phải rao giảng lời của Ngài cho đến cuối cùng. Có như vậy thì mới thể hiện được trọn vẹn ý nghĩa của sự dâng mình trọn đời. Còn nếu vì có lương hướng mới rao giảng và nếu không có lương huớng thì ngừng nghỉ thì như vậy đâu phải là dâng mình vì Chúa mà là dâng mình vì đồng lương. Trong thực tế thì đã có một số người sau khi không còn được Hội thánh giúp đỡ về phương diện tài chánh thì tuyên bố là họ đổi nghề và ra khỏi chức vụ để không còn phải rao giảng nữa. Hành động như vậy đã làm mất đi ý nghĩa thật sự của sự dâng mình trọn đời. Vả lại, khi một người đã hứa nguyện với Chúa rằng dâng đời sống họ để hầu việc Chúa trọn đời thì không có lý nào nữa đường lại thưa với Chúa rằng họ rút lại lời hứa ấy để đi làm công việc khác vì nhu cầu sinh nhai. Đối với Đức Chúa Trời thì lời nào đã hứa với Ngài thì phải làm cho trọn, bằng không thì người đó sẽ bị xem là kẻ có tội, theo như lời Kinh thánh đã được ghi lại trong Dân số ký 30: 3.

DÂN SỐ KÝ 30: 3 – Khi một người nào có hứa nguyện cùng Đức Giê-hô-va, hoặc phát thề buộc lấy lòng mình phải giữ một sự gì, thì chớ nên thất tín. Mọi lời ra khỏi miệng người, người phải làm theo.

Đức Chúa Trời là Đấng Thành Tín cho nên mọi lời mà Cơ-đốc-nhân đã hứa nguyện với Ngài đều phải giữ và làm theo cho đến cuối cùng, bằng không thì kẻ đó sẽ phạm tội thất hứa và sẽ phải lãnh lấy hình phạt của tội lỗi đó. Vấn đề nầy thì tôi sẽ trình bày rõ hơn trong Chủ đề Chức Vụ Hầu Việc Chúa, nhưng tại đây thì tôi chỉ muốn đề cập sơ qua để cho quý Hội thánh thấy rằng sự khác biệt giữa người hầu việc Chúa và các Cơ-đốc-nhân khác đối với chức vụ rao bảo về tội lỗi là một bên thì làm công tác ấy trọn thời gian còn một bên thì chỉ thực hiện công tác ấy trong những hoàn cảnh hoặc cơ hội mà Đức Chúa Trời cho phép xãy đến. Nói cách khác thì người hầu việc Chúa phải tìm mọi cách để rao bảo tội lỗi cho mọi người được biết, còn đối với Cơ-đốc-nhân bình thường thì chỉ rao bảo trong lúc có dịp tiện mà thôi.

Để cho dễ hiểu thì tôi xin đưa một thí dụ như thế này. Đối với một Cơ-đốc-nhân bình thường thì mặc dầu biết rằng lời của Chúa nhắc nhở là mình phải rao bảo về tội lỗi cho mọi người ở mọi nơi, chẳng hạn tại công xưởng, sở làm, nhưng không phải là lúc nào mình cũng rao bảo được tại những nơi ấy. Chẳng hạn như vào buổi sáng khi đến làm việc thì Cơ-đốc-nhân có thể chào thăm người nầy người kia, và hỏi họ có khỏe hay không. Nhưng đó không phải là cơ hội để rao bảo về tội lỗi, vì như chúng ta đều biết, là sau khi chào hỏi xong thì mọi người đều phải làm công việc của mình, chớ đâu phải là vào hãng xưởng để ngồi đó uống trà bàn mà chuyện thời sự. Đặc biệt là có một số công việc thì đòi hỏi người công nhân phải hết sức tập trung để tránh xãy ra tai nạn lao động, thì trong những thì giờ như vậy thì làm sao Cơ-đốc-nhân có thể rao bảo về tội lỗi cho người bạn đang làm việc ngay cạnh bên mình? Nhưng đến khi tan sở thì mọi người cũng đã mệt mõi hết rồi cho nên ai nấy đều muốn được về nhà mau chóng để nghỉ ngơi, nên lúc đó cũng không phải là lúc để Cơ-đốc-nhân làm chứng hoặc rao bảo lời của Chúa cho họ. Vì vậy mặc dầu biết là con dân Chúa phải rao bảo về tội lỗi cho mọi người trong mọi hoàn cảnh, nhưng đối với một Cơ-đốc-nhân bình thường thì nhiều khi cả năm cũng chưa có cơ hội để nói về lời của Chúa cho bạn đồng nghiệp tại chỗ làm việc. Nhưng đối với người đã dâng mình hầu việc Chúa thì mỗi ngày người ấy phải tìm ra mọi cơ hội để có thể rao bảo về tội lỗi cho mọi người, nhất là trong những lần có dịp rao giảng về lời của Chúa trước mặt Hội thánh. Sự khác biệt giữa người hầu việc Chúa và các Cơ-đốc-nhân bình thường là như vậy. Tôi tin rằng quý Hội thánh có thể thấy được điều đó rõ ràng hơn nữa khi liên hệ thực tế về đời sống của các tôi tớ Chúa ngày hôm nay.

Trở lại với nội dung chính của việc suy gẫm lời của Chúa sáng hôm nay thì chúng ta sẽ cùng nhau xem xét qua lý do thứ nhất mà tôi con Chúa cần phải rao bảo cho mọi người biết về tội lỗi. Lý do nầy đã được bày tỏ ra trong câu gốc nền tảng của chúng ta sáng hôm nay và tôi xin được đọc lại lần nữa trong 1Ti-mô-thê 1: 5.

1TI-MÔ-THÊ 1: 5 – Mục đích của sự răn bảo, ấy là sự yêu thương, bởi lòng tinh sạch, lương tâm tốt và đức tin thật mà sanh ra.

Lời của Chúa trong câu Kinh thánh nầy đã cho biết rõ ràng chính xác về lý do đầu tiên và trước hết của sự rao bảo về tội lỗi cho mọi người, ấy là vì lòng yêu thương. Như điều mà tôi đã từng đề cập qua với quý Hội thánh trước đây thì chúng ta có thể thấy rằng trong thực tế thì nhiều người không thích nghe nói về tội lỗi, nhất là về những tội mà họ đã phạm cho nên chính vì thế mà họ không muốn ai nhắc đến. Vì đó là tâm lý chung của người chưa tin và của nhiều Cơ-đốc-nhân nên trong Hội thánh chung thì có những người rao giảng thường bị áp lực để không được nói về tội lỗi mà phải nói về một điều nào khác để thỏa mãn người nghe hầu có thể giữ được chức vụ và đồng lương của họ.

Nhưng theo lời của Chúa thì khi rao bảo cho người khác về tội lỗi thì hành động đó mới bày tỏ được tình yêu thương của tôi con Đức Chúa Trời dành cho mọi người. Khi nói đến đây thì chắc tất cả quý Hội thánh đều hiểu được vì sao đó là hành động yêu thương. Chúng ta đều biết rằng con người sinh vào trần gian nầy, sống mấy mươi năm trên đất rồi thì cũng phải qua đời. Sau khi qua đời rồi thì người ta chỉ có hai chỗ để đi đến mà thôi, hoặc là trầm luân đời đời trong hỏa ngục hoặc là được sống đời đời một cách vinh hiển với Đức Chúa Trời. Nhưng để nhận được sự sống đời đời thì người ta phải nhận biết rằng mình có tội và phải đến với Chúa bằng tấm lòng ăn năn thật để được Ngài tha thứ cho. Chúng ta đều biết rằng không một người có tội nào được vào Thiên đàng của Chúa. Nhưng để người ta nhận biết rằng họ có tội thì cần phải có người rao bảo cho họ về tội lỗi. Chính vì lẽ đó mà lời của Chúa mới cho biết rằng chức vụ nầy là chức vụ yêu thương, ấy là vì muốn giúp cho người ta tìm được sự sống đời đời trong Đức Chúa Jêsus Christ. Và hễ càng thực hiện sự rao bảo thường xuyên chừng nào thì càng bày tỏ được tấm lòng yêu thương chừng nấy, nhất là đối với các Cơ-đốc-nhân khác, là anh chị em của chúng ta trong đức tin, nhằm để họ được thức tỉnh mà tránh khỏi sự cố tình phạm tội.

Để có thể hiểu được về lý do thứ nhất nầy, là động cơ của tình yêu thương khi rao bảo cho mọi người về tội lỗi, thì chúng ta có thể suy nghĩ thêm như thế nầy. Ấy là ma quỉ không muốn cho con người nhận được sự cứu rỗi của Đức Chúa Trời cho nên nó mới cám dỗ loài người phạm tội, kể từ thời A-đam cho đến ngày nay và mãi cho đến ngày phán xét cuối cùng. Trong âm mưu làm cho con người tiếp tục phạm tội thì Sa-tan đã cám dỗ người ta phạm tội càng ngày càng nhiều cho đến chừng số người phạm một tội nào đó đã đông thì tội lỗi ấy không còn bị xem là tội lỗi nữa mà trở thành chuyện bình thường, trở thành trào lưu của xã hội hoặc trở thành một nghề nghiệp chính thức có giấy phép hẳn hoi và được luật pháp bảo vệ, chẳng hạn như nghề kỵ nữ tại hầu hết các nước trên thế giới trong thế kỷ thứ 21 nầy. Thậm chí tại một số nước thì nghề ấy còn được người ta tôn trọng nữa và trao cho giải thưởng hàng năm, chẳng hạn như tại Nhật bản và tại các nước Tây phương. Một số nước Châu Á cũng bắt đầu bước theo trào lưu ấy. Trong một thế giới chìm đắm trong tội lỗi bởi sự cám dỗ của mà quỉ như vậy mà nếu Cơ-đốc-nhân không rao bảo cho người khác về tội lỗi, tức là về những điều cần nên làm và những điều cần phải tránh thì ai sẽ đảm nhận chức vụ đó theo ý muốn của Đức Chúa Trời? Bởi thế cho nên chức vụ rao bảo về tội lỗi bày tỏ một trong những ý nghĩa quan trọng của vai trò làm muối của đất, làm ánh sáng của thế gian theo như sự chỉ định của Chúa dành cho tất cả các con dân Ngài.

Nếu Cơ-đốc-nhân không rao bảo về tội lỗi thì người ta sẽ không phân biệt được rõ ràng đâu là điều cần nên làm và đâu là điều cần phải tránh theo tiêu chuẫn thánh khiết của Đức Chúa Trời, và điều đó sẽ làm cho người ta không chịu nhận rằng họ có tội và từ đó không muốn đến với Chúa. Như vậy thì việc không rao bảo về tội lỗi hoặc chỉ rao bảo cầm chừng cho có lệ sẽ làm cho số người bị hư mất đông thêm và số người có cơ hội được cứu cứ giảm dần. Như vậy thì việc không rao bảo về tội lỗi bày tỏ tấm lòng ích kỷ đối với người khác và đi ngược lại ý muốn của Đức Chúa Trời, là muốn cho mọi người được cứu, như lời của Chúa đã cho biết trong 1Ti-mô-thê 2: 4.

1TI-MÔ-THÊ 2: 4 – Ngài muốn cho mọi người được cứu rỗi và hiểu biết lẽ thật.

Câu Kinh thánh nầy bày tỏ tình yêu thương của Chúa đối với nhân loại, là muốn cho mọi người được cứu mặc dầu người ta thì thường không muốn đến với Ngài. Nhưng khi ý muốn yêu thương của Chúa là như vậy mà Cơ-đốc-nhân lại thờ ơ hoặc tránh né để không thi hành chức vụ rao bảo tội lỗi cho mọi người thì điều đó chẳng khác gì là làm trái ý Chúa và chống nghịch với ý muốn của Ngài. Từ trước đến nay thì có một số người đã hiểu lầm về chức vụ rao bảo tội lỗi khi tuyên bố rằng sự chứng đạo truyền giảng của họ là bằng chứng cho thấy rằng họ đang làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời. Nhưng thật ra thì sự chứng đạo truyền giảng của một số người không đơn thuần là chỉ bắt nguồn từ tình yêu thương. Nếu suy nghĩ cho kỹ thì chúng ta sẽ thấy rằng sự mời gọi người ta đến với Chúa của nhiều Hội thánh ngày nay thì hoàn toàn không phải là vì tình yêu thương đối với linh hồn của những kẻ hư mất, mà vì một lý do khác. Tôi xin đưa ra đây một thí dụ để minh chứng về điều đó. Chẳng hạn như khi ban quản trị của một Hội thánh họp lại, mà có nơi thì gọi là ban trị sự hoặc có giáo hội thì gọi là ban chấp sự, thì có những lúc họ bàn thảo như thế nầy: Hiện tại chi phí của Hội thánh tăng nhiều quá, nào là tiền đất, tiền thuế, tiền điện, tiền nước, nào là cung lương mục sư và ủng hộ tài chánh cho các ban nghành để hoạt động, mà nhân số của Hội thánh thì không có đông, vì vậy mà chúng ta phải tăng cường thêm các chương trình chứng đạo truyền giảng để phát triển Hội thánh. Nói đến đây thì chúng ta có thể hiểu được rằng họ đang muốn nói đến vấn đề gì và đang muốn phát triển Hội thánh vì mục đích gì. Như vậy là trong chủ ý của họ thì sự truyền giảng chứng đạo là phương pháp giúp cho Hội thánh tăng sỉ số và tăng mức độ dâng hiến để bảo đảm có đầy đủ tài chánh mà hoạt động, chớ không phải vì cớ linh hồn của những người bị hư mất. Bởi thế mà nhiều Hội thánh và nhiều người rao giảng thời nay thường chỉ nói đến phước không mà thôi, để thu hút người ta đi nhà thờ và dâng hiến, chớ không nói về tội lỗi hầu giúp cho người ta nhận biết rằng họ có tội mà ăn năn. Còn nếu họ có nói về tội thì thường là nói về tội không đi nhà thờ và tội không dâng hiến, nhất là tội không dâng phần mười, chớ không hề đả động gì đến những tội lỗi khác.

Trong khi đó thì lời của chính Đức Chúa Jêsus lại cho biết rằng tình yêu thương thật là giúp cho người sống theo điều răn của Chúa để được Đức Chúa Trời yêu thương và ban phước cho, như lời của Chúa đã được ghi lại trong Tin lành Giăng 15: 10.

GIĂNG 15: 10 – Nếu các ngươi vâng giữ các điều răn của ta, thì sẽ ở trong sự yêu thương ta, cũng như chính ta đã vâng giữ các điều răn của Cha ta, và cứ ở trong sự yêu thương Ngài.

Theo như lời của Chúa đã cho biết trong câu Kinh thánh nầy thì chỉ những người vâng giữ các điều răn của Chúa thì mới được ở trong sự yêu thương của Ngài mà thôi, mà điều răn của Chúa trong Kinh thánh thì nhiều lắm, chớ không phải chỉ có một vài điều. Nhưng nếu không rao bảo về điều răn và tội lỗi, tức là nói về điều đúng và điều sai, để người khác biết mà làm theo hoặc tránh xa, thì làm sao có thể giúp cho họ ở trong sự yêu thương của Chúa? Ngoài ra thì lời của Chúa còn cho biết thêm rằng một Cơ-đốc-nhân thật sự kính yêu Đức Chúa Trời là người biết sống và làm theo điều răn của Chúa, như lời Kinh thánh đã bày tỏ ra trong 2Giăng 1: 6.

2GIĂNG 1: 6 – Vả, sự yêu thương là tại làm theo các điều răn của Đức Chúa Trời. Đó là điều răn mà các ngươi đã nghe từ lúc ban đầu, đặng làm theo.

Qua hai câu Kinh thánh vừa trưng dẫn thì chúng ta có thể thấy rằng Cơ-đốc-nhân muốn được Chúa yêu thì phải vâng giữ điều răn Chúa và khi Cơ-đốc-nhân thật sự kính yêu Chúa thì cũng phải làm theo các điều răn của Ngài. Như vậy thì khi chúng ta rao bảo về luật pháp và điều răn, tức là rao bảo về tội lỗi cho anh chị em của mình trong đức tin thì điều đó đã bày tỏ được tấm lòng yêu thương của chúng ta đối với họ, vì giúp cho họ biết phải sống thế nào để được đẹp lòng Đức Chúa Trời hầu có thể được phước của Ngài như là một sự ban thưởng. Còn nếu chỉ nói về phước không mà thôi, mà chẳng hề đề cập gì đến tội lỗi và các điều răn, thì sự rao giảng như vậy chỉ là một sự ru ngủ để người ta đến với cá nhân mình chớ không phải đến với Đức Chúa Trời.

Ngoài ra thì cách rao giảng ngày nay cũng rất thường nói về tình yêu thương, tức là nhấn mạnh đến sự tha thứ, nhưng không phải là vì tấm lòng yêu thương lẫn nhau một cách thật tình mà chỉ vì muốn dung túng tội lỗi trong Hội thánh của Đức Chúa Trời, tức là người rao giảng thì làm ngơ, không hề đả động gì đến tội lỗi trong vòng Cơ-đốc-nhân, để làm ra vẻ tha thứ, còn con cái Chúa thì cũng bỏ qua tội lỗi của người rao giảng, để cũng được tiếng giống như vậy. Rốt lại thì cách rao giảng như thế chỉ làm cho xác thịt và thế gian có lợi, chớ chẳng lợi ích chi cho con dân Chúa trong phần tâm linh, còn về phần Hội thánh thì càng ngày càng mất uy tín, tức là mất chất mặn và sự sáng của mình trong xã hội loài người.

Ngoài ra thì cũng còn có cách rao giảng khác về tội lỗi, nhưng là tội lỗi của việc không tham gia chính trị, tội lỗi của việc không theo chủ nghĩa nầy để chống lại chủ nghĩa kia, và trưng dẫn lời nói của con người trong các bài giảng để làm bằng chứng mà lên án những tội lỗi đó, làm như là lời nói của con người có giá trị ngang bằng với lời Kinh thánh.

Nhưng theo lời của Chúa thì sự răn bảo về tội lỗi bằng một tâm tình yêu thương là dùng lẽ thật của Kinh thánh để tỉnh thức người khác về các dạng tội lỗi và hậu quả nguy hiểm của chúng, để con dân Chúa được tăng trưởng trong đức tin và trong sự hiểu biết càng thêm về Đức Chúa Trời và về Đấng Christ, như lời của Chúa đã được chép trong Ê-phê-sô 4: 14 và 15.

Ê-PHÊ-SÔ 4: 14-15 – Ngài muốn chúng ta không như trẻ con nữa, bị người ta lừa đảo, bị mưu chước dỗ dành làm cho lầm lạc, mà day động và dời đổi theo chiều gió của đạo lạc, nhưng muốn cho chúng ta lấy lòng yêu thương nói ra lẽ chân thật, để trong mọi việc chúng ta đều được thêm lên trong Đấng làm đầu, tức là Đấng Christ.

Thế thì theo như lời của Chúa trong hai câu Kinh thánh nầy thì lòng yêu thương thật tình trong Chúa là hết lòng giải bày về lẽ thật, về mực thước và điều răn, về tội lỗi và sự nguy hiểm của nó để Cơ-đốc-nhân nhờ đó mà cảnh giác, nhờ đó mà được thức tỉnh để đạt đến mức độ trưởng thành trong sự hiểu biết về ý muốn của Đức Chúa Trời và về những yêu cầu cần phải có để nhận được sự sống đời đời trong tương lai, chớ không phải là đến nhà thờ để tiếp tục bị ru ngủ bởi những lời rao giảng về những loại phước mà trong các sách học làm người của thế gian cũng hay quảng bá, chẳng hạn như yên tâm giữa khó khăn, làm sao sống vui khỏe, hoặc làm sao để được thành công hoặc làm sao để được đắc nhân tâm và mua may bán đắt.

Ngoài ra cũng theo lời của Chúa thì khi chúng ta rao bảo về tội lỗi và về những mực thước cần có của một đời sống tin kính thì điều đó là một hành động yêu thương vì muốn anh chị em của mình trong đức tin được trọn vẹn càng hơn trước mặt Đức Chúa Trời. Một trong những thí dụ điển hình về tấm lòng yêu thương qua việc răn bảo người khác về tội lỗi là đời sống của Phi-e-rơ. Ông là một người rất kính yêu Chúa và vì tấm lòng như vậy mà Đức Chúa Jêsus đã giao phó cho ông chức vụ chăn bầy chiên của Ngài, như lời Kinh thánh đã được chép trong Giăng 21: 17.

GIĂNG 21: 17 – Ngài phán cùng người đến lần thứ ba rằng: Hỡi Si-môn, con Giô-na, ngươi yêu ta chăng? Phi-e-rơ buồn rầu vì Ngài phán cùng mình đến ba lần: Ngươi yêu ta chăng? Người bèn thưa rằng: Lạy Chúa, Chúa biết hết mọi việc; Chúa biết rằng tôi yêu Chúa! Đức Chúa Jêsus phán rằng: Hãy chăn chiên ta.

Đức Chúa Jêsus biết rằng Phi-e-rơ hết lòng kính yêu Ngài và vì thế mà ông cũng sẽ hết lòng yêu thương những người thuộc về Chúa, tức là các Cơ-đốc-nhân của Hội thánh đầu tiên. Chính bởi lẽ đó mà Chúa mới giao phó cho ông chức vụ chăn chiên trong Hội thánh của Ngài. Và trọng tâm trong chức vụ của Phi-e-rơ thì đã được ông bày tỏ rõ ràng ra trong 1Phi-e-rơ 1: 13.

1PHI-E-RƠ 1: 13 – Nhưng tôi còn ở trong nhà tạm nầy bao lâu, thì coi sự lấy lời răn bảo mà tỉnh thức anh em, là bổn phận của tôi vậy.

Lời nầy của Phi-e-rơ cho thấy rằng hễ ông còn sống chừng nào thì sẽ còn tiếp tục răn bảo con dân Chúa về tội lỗi chừng nấy để bày tỏ tấm lòng yêu thương của ông đối với Chúa và đối với anh chị em của ông trong đức tin. Thế thì cũng cùng một cách như vậy, Cơ-đốc-nhân nào trong đời sống nầy mà hết lòng kính yêu Chúa và yêu thương Hội thánh của Ngài thì sẽ cứ tiếp tục rao bảo về điều răn và mẫu mực trong Kinh thánh, về tội lỗi và hậu quả nguy hiểm của nó cho đến ngày được nghĩ ngơi khỏi những lao khổ của trần gian. Thực hiện chức vụ rao bảo một cách trung tín như vậy là bày tỏ tấm lòng vâng phục ý muốn Chúa và yêu thương mọi người, nhất là đối với anh chị em của mình trong đức tin.

Sự nhận biết như vậy là một lợi ích lớn lao cho người đảm nhận chức vụ rao bảo cho thế gian, vì khi biết rằng bởi tình yêu thương đối với Chúa và đối với mọi người mà mình đã thường xuyên rao bảo như từ trước đến nay, thì người rao bảo sẽ có lòng tự tin để tiếp tục thực hiện chức vụ của mình cho đến cuối cùng. Dẫu người ta thích hay không, dẫu người ta có lắng nghe hay không, dẫu người ta có làm theo hay không thì vẫn khôngh phải là điều làm cho người rao bảo chùng bước. Vấn đề quan trọng là làm đẹp lòng Đức Chúa Trời và vâng phục ý muốn Ngài. Chúa chính là Đấng mà chúng ta muốn làm đẹp lòng, chớ không phải là con người, như tâm tình của Phao-lô đã bày tỏ ra trong Ga-la-ti 1: 10.

GA-LA-TI 1: 10 – Còn bây giờ, có phải tôi mong người ta ưng chịu tôi hay là Đức Chúa Trời? Hay là tôi muốn đẹp lòng loài người chăng? Ví bằng tôi còn làm cho đẹp lòng loài người, thì tôi chẳng phải là tôi tớ của Đấng Christ.

Phao-lô, cũng giống như Phi-e-rơ, nhận biết rằng ông rao bảo về tội lỗi cho mọi là vì động lực của tình yêu thương, cho nên ông không cần phải làm đẹp lòng loài người bằng cách rao giảng theo ý muốn họ, mà chỉ muốn làm đẹp lòng Đức Chúa Trời bằng cách rao giảng đúng theo ý chi của Ngài mà thôi. Chính vì hiểu như vậy mà Phao-lô cũng đã khuyên Ti-mô-thê thực hiện chức vụ rao giảng theo cách ấy bất kể thời thế, hoàn cảnh và tâm lý của con người, như lời của ông đã được ghi lại trong 2Ti-mô-thê 4: 2.

2TI-MÔ-THÊ 4: 2 – Hãy giảng đạo, cố khuyên, bất luận gặp thời hay không gặp thời, hãy đem lòng rất nhịn nhục mà bẻ trách, nài khuyên, sửa trị, cứ dạy dỗ chẳng thôi.

Lời Kinh thánh trong câu gốc nầy đã bày tỏ rõ ràng lắm về bổn phận của chức vụ rao bảo cho mọi người về lẽ thật và về tội lỗi để chúng ta có thể theo đó mà thực thi cho đến cuối cùng. Bởi vậy cho nên dầu lời rao bảo của chúng ta không hợp với sở thích của con người thì tôi con của Chúa cứ bền lòng trung tín mà nói và dạy dỗ chẳng thôi để hy vọng có người sẽ thức tỉnh và được cứu, dầu người đó là người chưa tin hay đã là một Cơ-đốc-nhân mà chưa kinh nghiệm được sự tái sanh trong đời sống họ. Vì thế cho nên khi chúng ta nhận biết rằng vì tình yêu thương mà mình đã kiên trì nhắc nhở con dân Chúa và mọi người về tội lỗi theo ý muốn của Đức Chúa Trời thì tôi con của Chúa sẽ có lòng bình yên lớn và sự tự tin mạnh mẽ để thực hiện chức vụ nầy luôn luôn cho đến cuối cùng.

Vì vậy cầu xin Đức Chúa Trời giúp cho Cơ-đốc-nhân hiểu được động lực chính yếu của chức vụ rao bảo cho thế gian là tình yêu thương để con dân Chúa có thể dạn dĩ, tự tin, can đảm mà thực hiện chức vụ nầy luôn luôn trong sự sốt sắng vui mừng. Cầu xin Đức Chúa Trời thấy tấm lòng của tôi con Chúa khi rao bảo về tội lỗi cho mọi người để ban thêm sức và tiếp tục xuống phước cho để khích lệ sự rao bảo càng mạnh mẽ hơn. Và cầu xin Đức-Thánh-Linh tiếp tục soi sáng cho tôi con Chúa để có thể hiểu được chính xác và tường tận các lẽ thật trong Kinh thánh hầu có thể rao bảo cho mọi người một cách đúng đắn, làm chứng cho cho mọi người một cách gương mẫu cho đến ngày Đức Chúa Jêsus tái lâm. Amen.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *