CHUẨN BỊ CHO THIÊN ĐÀNG
CHUẨN BỊ CHO THIÊN ĐÀNG
Kinh thánh: Khải huyền 21: 1-7
Câu gốc: 2TÊ-SA-LÔ-NI-CA 1: 5 phần B – Ngài muốn khiến anh em nên xứng đáng cho nước Ngài, là vì nước đó mà anh em chịu khổ.
*******
Mỗi năm khi bước vào mùa Lễ Cảm Tạ và Lễ Giáng Sinh thì Cơ-đốc-nhân thường được nhắc nhở về tình yêu của Đức Chúa Trời dành cho con người và dành cho mỗi chúng ta khi Đức Chúa Jêsus giáng sinh vào trong trần gian để chịu chết đền tội cho loài người, trong đó có quý ông bà anh chị em và chính tôi.
Suy nghĩ về tình yêu lạ lùng của Chúa thì chắc là mỗi người chúng ta đều không có ai cảm thấy rằng mình xứng đáng để Chúa phải chịu chết thế cho. Chúng ta đều vốn là những người yếu đuối, phạm nhiều lầm lỗi. Dầu vậy, chẳng những Chúa chết thay cho chúng ta nhưng Ngài còn ban cho chúng ta cơ hội được trở về với Ngài, được phép gọi Đấng Tạo Hóa quyền năng là Cha và trong tương lai sẽ được sống với Chúa trong Thiên đàng vinh hiển.
Có thể là vì cuộc sống bận rộn thường ngày nên chúng ta quên suy tưởng đến nơi vinh hiển mà Cơ-đốc-nhân sẽ đến trong tương lai, nên nhân cơ hội ngày hôm nay tôi xin được đọc những câu Kinh thánh có chép về Thiên đàng. Lời của Chúa trong Kinh thánh đã có mô tả về sự đẹp đẽ tuyệt diệu của nơi Đức Chúa Trời ngự trị và đã được ghi lại trong sách Khải huyền
KHẢI HUYỀN 21: 18-21 – Tường thì xây bằng bính ngọc, thành thì xây bằng vàng ròng, tợ như thủy tinh trong vắt. Những nền tường thành thì trang sức đủ thứ ngọc. Nền thứ nhứt, bằng bích ngọc; nền thứ nhì, bằng đá lam bửu; nền thứ ba, bằng lục mã não; nền thứ tư, bằng đá lục cẩm; nền thứ năm, bằng hồng mã não; nền thứ sáu, bằng đá hoàng ngọc; nền thứ bảy bằng ngọc hoàng bích, nền thứ tám, bằng ngọc thủy thương; nền thứ chín, bằng ngọc hồng bích; nền thứ mười, bằng ngọc phỉ túy; nền thứ mười một, bằng đá hồng bửu; nền thứ mười hai, bằng đá tử bửu. Mười hai cửa thì làm bằng mười hai hột châu; mỗi cửa bằng một hột châu nguyên khối làm thành. Đường trong thành làm bằng vàng ròng, giống như thủy tinh trong suốt.
Sự đẹp đẽ của Thiên đàng là như vậy và không có một nơi nào trong cả vũ trụ nầy có thể đẹp đẽ ngang bằng với nơi mà Đức Chúa Trời ngự trị. Nếu Cơ-đốc-nhân cứ trung tín và bền đỗ trong đức tin mà theo Chúa cách vâng phục thì đó sẽ là nơi mà chúng ta sẽ được sống đời đời với Ngài trong tương lai.
Khi biết rằng Thiên đàng là nơi đẹp đẽ tuyệt mỹ như vậy thì chắc chắn chúng ta cũng nhận thức được rằng muốn vào nơi đó quả thật là không dễ dàng chút nào. Chúng ta nhận biết như vậy thì trong hế gian nầy có nhiều lâu đài, cung điện, dinh thự vốn vĩnh viễn không thể nào so sánh được với Thiên đàng nhưng người bình thường như chúng ta lại không bao giờ vào được, thì huống chi là Thiên đàng tuyệt mỹ của Đức Chúa Trời.
Bởi lý do đó mà những ngày tháng trần gian nầy, sau khi chúng ta đã tin Chúa thì Đức Chúa Trời dùng lời của Ngài trong Kinh thánh để dạy dỗ mỗi một Cơ-đốc-nhân về điều cần phải làm hầu cho chúng ta được thay đổi, để có tư cách xứng đáng với địa vị là hoàng tử, là công chúa của Thiên đàng trong tương lai. Chúng ta có thể liên tưởng đến những điều mà Kinh thánh dạy dỗ như là một lớp học chuẩn bị cho Cơ-đốc-nhân chúng ta cho ngày được gia nhập vào dòng dõi hoàng gia của Đức Chúa Trời và được cư ngụ trong hoàng cung của Ngài nơi Thiên đàng.
Mới đây tôi có nghe một số con cái Chúa làm đơn để thi lấy quốc tịch Mỹ và có người đã đậu rồi, và vừa mới tuyên thệ vào tuần trước. Mặc dầu tiền hồ sơ, giấy tờ và đi lại tốn đến gần 1,000 đô-la Mỹ nhưng quý anh chị em đó rất vui để được tốn kém như vậy hầu có thể được kể là công dân Hoa-kỳ. Nếu thử so sánh với việc được vào Thiên đàng vinh hiển tuyệt mỹ của Đức Chúa Trời thì chúng ta có thể hình dung là điều đó sẽ khó và tốn kém như thế nào. Vì vậy mà lời Kinh thánh có nhắc nhở với chúng ta về việc chịu khổ cả về phương diện thuộc linh lẫn thuộc thể để được vào Thiên đàng trong tương lai.
2TÊ-SA-LÔ-NI-CA 1: 5 phần B – Ngài muốn khiến anh em nên xứng đáng cho nước Ngài, là vì nước đó mà anh em chịu khổ.
Chữ chịu khổ trong câu gốc nầy vừa có nghĩa thuộc linh vừa có nghĩa thuộc thể, nghĩa là Cơ-đốc-nhân vì danh Chúa mà chịu sự bắt bớ, cười chê, mỉa mai, thậm chí tuận đạo vì danh Ngài. Và chữ chịu khổ nầy cũng có nghĩa là chúng ta phải chịu để Chúa huấn luyện, dạy dỗ, phải cố gắng khó nhọc làm theo điều mà Chúa đã truyền phán qua lời của Ngài và phải đè nén tư dục của cá nhân để sống theo mẫu mực mà Chúa muốn để sau nầy có thể sống nơi Thiên đàng vinh hiển của Chúa.
Nhưng vì chúng ta là con người, còn bị tư dục xác thịt xuôi khiến nên khó mà làm nổi nếu không nhờ cậy ân điển của Chúa ban cho. Chính Phao-lô là một thí dụ điển hình khi ông tuyên bố rằng ông làm được mọi sự nhờ Chúa ban thêm sức cho ông. Nếu không bởi ân điển của Chúa thêm sức cho thì không ai trong vòng loài người, từ Phao-lô cho đến chúng ta ngày hôm nay có thể sống được như vậy. Bởi đó lời Kinh thánh mới giải bày rằng bởi ân điển mà chúng ta được cứu, nghĩa là bởi nhờ cậy nơi sức mạnh của Đức-Thánh-Linh ban cho mà Cơ-đốc-nhân mới có thể làm được điều Đức Chúa Trời muốn, chớ không phải sức riêng của chúng ta.
Cũng vì nhiều con dân Chúa không thường nhờ cậy nơi ân điển của Chúa để sống theo lời của Ngài nên có một số Cơ-đốc-nhân không có lòng vui mừng giống như người đậu quốc tịch khi được lời Kinh thánh dạy dỗ và chuẩn bị chúng ta cho ngày vinh hiển khi được chính thức công nhận là công dân Thiên đàng. Vì vậy hôm nay tôi xin được dùng lời Kinh thánh và một số vấn đề của đời thường để minh họa cho lý do vì sao mà Cơ-đốc-nhân cần phải để Chúa dạy dỗ, huấn luyện và chuẩn bị mỗi chúng ta cho ngày sẽ được chính thức làm hoàng tử và công chúa của Thiên đàng.
Trước nhất thì Kinh thánh có cho chúng ta biết là những người được mời đến dự tiệc cưới của Chiên Con trong ngày Đức Chúa Jêsus Christ tái lâm thì phải mặc áo công nghĩa của mà Chúa đã chuộc mua cho Cơ-đốc-nhân bằng chính huyết của Ngài trên thập tự giá, như lời thí dụ mà chính Đức Chúa Jêsus đã có phán và được ghi lại trong sách Ma-thi-ơ:
MA-THI-Ơ 22: 11-14 – Vua vào xem khách dự tiệc, chợt thấy một người không mặc áo lễ, thì phán cùng người rằng: Hỡi bạn, sao ngươi vào đây mà không mặc áo lễ? Người đó làm thinh. Vua bèn truyền cho đầy tớ rằng: Hãy trói tay chân nó lại, và quăng ra ngoài nơi tối tăm, là nơi sẽ có khóc lóc và nghiến răng. Bởi vì có nhiều kẻ được gọi, mà ít người được chọn.
Nhưng khi đã mặc áo công nghĩa của Đức Chúa Jêsus Christ vào rồi thì con người bên trong của Cơ-đốc-nhân cũng cần phải thay đổi để có thể xứng đáng với Thiên đàng, như điều mà chính Ngài đã phán dạy khi nói chuyện với Ni-cô-đem:
GIĂNG 3: 3 – Đức Chúa Jêsus cất tiếng đáp rằng: Quả thật, quả thật, ta nói cùng ngươi, nếu một người chẳng sanh lại, thì không thể thấy được nước Đức Chúa Trời.
Sự sanh lại có nghĩa là đời sống của chúng ta phải đổi mới để xứng đáng với nước Thiên đàng trong tương lai. Nói một cách khác thì con người cũ của chúng ta thuộc về xác thịt thì chỉ có thể sống trong trần gian tăm tối nầy mà thôi, nhưng con người mới, được tái sanh trong Chúa, mới có thể xứng đáng để sống trong Thiên đàng vinh hiển tuyệt mỹ của Đức Chúa Trời. Vì vậy tất cả những điều mà Đức Chúa Trời dạy dỗ trong Kinh thánh cũng đều nhắm vào mục tiêu đó, là chuẩn bị Cơ-đốc-nhân cho ngày được vào sống trong hoàng cung của Chúa.
Để có thể giúp cho quý Hội thánh thấy được tầm quan trọng trong việc cần chuẩn bị đời sống mình cho Thiên đàng thì tôi xin đưa ra đây một vài thí dụ điển hình để minh họa cho điều ấy. Như chúng ta đã cùng nhau suy gẫm qua trong Chúa nhật tuần rồi rằng Cơ-đốc-nhân dầu là trong vấn đề ăn uống hay là làm điều chi khác cũng phải vì vinh hiển của Đức Chúa Trời mà làm thì tôi xin được thí dụ tại đây rằng trong cuộc sống thường ngày của chúng ta thì có nhiều điều cần phải được chuẩn bị một cách cẩn thận chu đáo, và vì lời của Chúa có để cập đến vấn đề ăn uống cũng có liên quan đến sự vinh hiển của Chúa thì tôi xin được dùng thí dụ trong trong vấn đề ăn uống để từ đó chúng ta có thể liên tưởng đến việc cần phải chuẩn bị đời sống mình cho Thiên đàng là quan trọng hàng triệu lần hơn như thế nào để chúng ta có thể được ở trong sự vinh hiển Chúa đời đời.
Tôi thì không biết nấu ăn nhưng từ thời thanh niên vẫn thường phụ giúp gia đình trong chuyện bếp núc. Ngay cả bây giờ cũng vậy, đặc biệt là những lúc Hội thánh có thông công thì tôi cũng thường vào bếp để phụ nhà tôi làm đồ ăn cho kịp. Vì vậy tôi cũng biết được một ít điều về việc nấu ăn và dùng làm thí dụ ở đây.
Khi nấu ăn thì một trong những nguyên tắc quan trọng là chuẩn bị thực phẩm cho chu đáo và kỹ lưỡng. Người ta nói rằng muốn ăn ngon thì phải chịu khó, và khi nấu ăn thì không thể đi đường tắt được. Nghĩa là mọi thứ đều phải làm đúng quy trình và kỹ thuật nấu ăn.
Thí dụ đầu tiên mà tôi muốn kể ra đây với quý Hội thánh là nguyên tắc sạch và khô trong việc nấu ăn, chẳng hạn như việc đựng nước mắm ớt trong chai hay trong hủ. Thông thường thì sau khi pha nước mắm xong chúng ta phải đựng trong chai. Tại Hoa-kỳ nầy thì chúng ta không có thời gian nhiều nên không thể nấu ăn mỗi ngày, vì vậy khi làm món gì cũng làm nhiều, nước ma81m cũng vậy, pha nhiều rồi ăn đến đâu thì múc ra đến đấy. Muốn đựng nước mắm và giữ được lâu thì hủ phải được rửa sạch sẽ và lau khô. Nếu hủ không được rửa sạch mà lấy đựng nước mắm thì chỉ sau vài ngày nước mắm sẽ hư, bị chua và không dùng được nữa. Cái chua của nước mắm hư thì khác với cái chua của chanh hay dấm pha vào trong nước mắm. Ngoài ra nếu hủ rửa sạch mà không lau cho khô thì khi đem đựng nước mắm sẽ làm cho nước mắm nổi mốc, tức là có những cái váng màu trắng nổi lên trên mặt nước mắm mà nếu không để ý và ăn vào thì sẽ bị đau bụng bởi vì nước mắm ấy đã hư do vi khuẩn có trong nước chưa lau khô.
Nguyên tắc nầy cũng cần phải áp dụng cho việc trộn bì với thịt. Bì tươi trong bao đông lạnh mà chúng ta mua về thì cần phải rửa sạch bằng nước muối hoặc là đem trụng trong nước sôi, vì sau khi qua khâu chế biến để sản xuất và đóng bao thì bì không được sạch sẽ cho lắm.
Nếu trụng bì bằng nước nóng thì phải trụng cho thật nhanh và sau đó chuyển sang thau nước lạnh vì nếu không thì bì sẽ mềm chảy và dính lại với nhau, không còn ngon nữa. Sau đó phải để ráo hoặc lau khô bằng paper towel. Nếu rửa bì bằng nước muối thì phải cũng phải xả lại bằng nước lạnh để hết chất muối và sau đó cũng phải để cho ráo hoặc lấy paper towel thấm bì cho khô rồi mới trộn với thịt khìa và thín. Nếu để trong bì có nước thì chỉ sau một hay hai ngày thì bì sẽ đổ nhớt và bị hư, không ăn được.
Nguyên tắc rửa sạch nguyên vật liệu trong việc nấu ăn cũng cần phải được để ý trong việc gói bánh tét. Mặc dầu bánh tét được nấu trong nước sôi nhưng trước khi gói thì lá chuối phải được rửa và lau cho sạch, bằng không thì bánh tér sẽ không để lâu được và chỉ vào ngày sau sẽ thấy mốc nổi lên trên lá chuối và làm hư phần bánh tét bên trong.
Tại nhà thì thường muối trứng gà trứng vịt cho nhà tôi làm món cơm chiên trứng muối. Hột vịt mua ở farm về thì thường rất dơ cho nên cần phải rửa sạch rồi mới đem muốn, vì nếu không thì dẫu là ngâm trong nước muối nhưng những chất bẩn bên ngoài vỏ hột vịt sẽ hòa tan vào trong nước và thẩm thấu vào bên trong quả trứng, làm cho phần tròng trắng bị ố, không đẹp và cũng làm hư các quả trứng đang muối.
Với những thí dụ nầy thì tôi ao ước được trình bày cho quý Hội thánh thấy rằng đối với việc ăn uống của đời tạm nầy mà chúng ta còn phải thực hiện cho cẩn thận để cho món ăn vừa ngon vừa đẹp, lại phải bổ dưỡng và không hại đến sức khỏe, thì huống chi là việc đời sống của Cơ-đốc-nhân chúng ta cần phải được chuẩn bị chu đáo, kỹ lưỡng như thế nào để ra mắt Đức Chúa Trời trong Thiên đàng của Ngài.
Khi đọc lại câu chuyện về Đa-ni-ên và ba bạn của ông khi được đưa qua Ba-by-lôn để vào chầu trước mặt vua Nê-bu-cát-nết-sa thì chúng ta có thể lên tưởng đến ngày chúng ta sẽ ra mắt Chúa trong Thiên đàng là thế nào.
DA-NI-ÊN 1: 3-4 – Vua truyền cho Át-bê-na, là người làm đầu các hoạn quan mình, lấy trong con cái Y-sơ-ra-ên, trong dòng vua, và trong hàng quan sang, mà đem đến mấy kẻ trai trẻ không có tật nguyền, mặt mày xinh tốt, tập mọi sự khôn ngoan, biết cách trí, đủ sự thông hiểu khoa học, có thể đứng chầu trong cung vua, và dạy cho học thức và tiếng của người Canh-đê.
Và Kinh thánh cho biết là họ phải được huấn luyện đầy đủ trong 3 năm rồi mới được vào chầu vua. Nhưng đó chỉ mới là vua của trần gian nầy mà thôi. Vì vậy để Cơ-đốc-nhân chúng ta có thể xứng đáng được vào Thiên đàng và ra mắt Đức Chúa Trời, là Vua trên muôn vua, Chúa trên muôn Chúa thì đời sống của chúng ta cần phải tái sanh và nên thánh theo như mẫu mực mà Kinh thánh đã dạy dỗ. Vì lời của Chúa đã khẳng định chắc chắn về điều đó như có chép trong thư Hê-bơ-rơ:
HÊ-BƠ-RƠ 12: 14 – Hãy cầu sự bình an với mọi người, cùng tìm theo sự nên thánh, vì nếu không nên thánh thì chẳng ai được thấy Đức Chúa Trời.
Với những câu Kinh thánh mà tôi vừa trình bày qua với quý Hội thánh thì mỗi một chúng ta nên dùng những mẫu mực mà Chúa đã dạy dỗ trong Kinh thánh để chuẩn bị chính mình cho ngày ra mắt Đức Chúa Trời trong Thiên đàng như một của lễ, một thức hương có mùi thơm theo gương của Đức Chúa Jêsus như có chép trong thư Ê-phê-sô:
Ê-PHÊ-SÔ 5: 2 – Hãy bước đi trong sự yêu thương, cũng như Đấng Christ đã yêu thương anh em, và vì chúng ta phó chính mình Ngài cho Đức Chúa Trời làm của dâng và của tế lễ, như một thức hương có mùi thơm.
Cầu xin Chúa giúp đỡ chúng ta trong cố gắng nầy, hầu cho trong ngày vinh hiển khi Chúa tái lâm, mỗi một chúng ta đều có mặt trong tiệc cưới Chiên Con và được hưởng sự sống bình an, vui thỏa trong Đức Chúa Trời đến đời đời. Amen.