CHIỀU MUỘN
Tôi đưa tay lên lau mấy giọt mồ hôi trên trán và thở phào nhẹ nhõm. Vậy là phần trang trí cho chương trình Mừng Chúa Giáng Sinh đã xong. Suốt cả tuần nay, hễ rãnh việc ở xí nghiệp là tôi chạy bay về nhà thờ để cùng mấy anh em trong ban Thanh niên chuẩn bị cho mùa Giáng Sinh. Nhiều khi chúng tôi làm việc luôn tay cho đến tận khuya, chỉ kịp gặm ổ bánh mì nguội chay cứng cho đỡ lòng. Dầu vậy, ai nấy trong chúng tôi cũng thật vui. Tình thân giữa chúng tôi cũng theo ngày tháng càng đậm đà, mật thiết hơn. Chẳng một ai trong chúng tôi thở than, cũng chẳng một ai ta thán, vì chúng tôi biết mình đang làm điều đáng phải làm cho Cha yêu dấu của chúng tôi, là Cứu Chúa Jêsus Christ, Ðấng đã vì chúng tôi giáng sinh vào trong trần gian và cũng vì chúng tôi mà đành treo thân trên thập tự.
Thường thì mọi năm, phần chuẩn bị nầy kéo dài cho đến tận giờ diễn lễ đêm hai mươi bốn mới tạm gọi là xong. Nhưng như vậy thì chúng tôi khó có thể ngợi khen Chúa một cách hiệu quả khi đứng chung trong Ca đoàn. Thở hổng nổi thì làm sao mà hát! Thế cho nên năm nay chúng tôi làm việc bằng tốc độ hỏa tiển, hầu có dư thì giờ nghỉ ngơi một chút trước khi bước vào chương trình. Giờ đây chúng tôi nhìn nhau, cười tươi, thỏa lòng. Ðồng hồ chỉ hơn bốn giờ rưỡi. Bảy giờ thì chương trình bắt đầu. Tôi uống nốt chút cà phê còn lại trong đáy ly rồi chia tay với mọi người. Ai nấy trong chúng tôi cũng hối hả.
Chiều cuối năm, mặt trời lặn sớm. Hình như có một chút sương mờ bàng bạc rơi xuống đâu đó phía sau các hàng cây khi tôi tắt máy xe và dẫn vào phía sau vườn nhà. Tôi hơi ngạc nhiên vì cái vắng lặng khác thường hơn mọi ngày. Tôi gặp Phấn Thông, cô em út của tôi, đứng trên các bậc cửa đón tôi về như bao nhiêu ngày qua. Nhưng đôi mắt của nhỏ lại ươn ướt.
– Anh mệt lắm không? Nhỏ hỏi tôi.
– Không. Nhưng sao bé khóc vậy? Bộ cãi lộn với mấy chị hả?
Thông lắc đầu. Giọng của nhỏ buồn thiu:
– Anh Vũ vừa về khi nãy.
Tôi không ngờ Vũ lại về hôm nay. Mỗi lần Vũ về, Phấn Thông rất vui, nhưng không được lâu, bởi cớ sự trở về của Vũ thường làm gia đình tôi, nhất là mẹ, buồn nhiều hơn. Tôi hỏi Thông:
– Còn mẹ, mẹ ở đâu cưng?
– Mẹ ở trong phòng cầu nguyện. Tụi em không biết phải làm sao hết.
Nhỏ lại như sắp khóc. Tôi ôm lấy bờ vai nhỏ gầy guộc của Thông.
– Ðừng buồn, em. Anh Vũ về, em phải vui chứ.
– Em biết, nhưng tại thấy mẹ khóc. Mình phải làm sao hở anh?
Tôi dìu nhỏ vào nhà. Phấn Thông quấn quít tôi từ những ngày còn rất bé. Nhõng nhẽo đến độ bắt tôi phải vừa giỡn vừa ca hát nhỏ mới chịu ăn muỗng cơm mẹ đút cho. Lớn lên một chút, nhỏ theo tôi đi khắp nơi. Ði đá banh, đi câu cá, nhỏ cũng nhất định đòi đi theo cho được. Cho đến năm Thông học lớp ba, bắt đầu thích những trò chơi con gái, lúc đó tôi mới biết ‘sự tự do’.
Nhưng lúc vào trung học rồi, thì mọi sự thay đổi. Nhỏ bắt đầu chăm sóc tôi. Những lúc đi về khuya, trễ bữa cơm tối, tôi không còn phải xuống bếp lục nồi như trước, vì đã có Thông dọn cơm sẳn cho tôi. Vì tôi hay đi về thất thường, ban ngày ở xí nghiệp, ban đêm học Kinh thánh, tập hát, thăm viếng, nên mẹ thường hay trách yêu tôi và bảo mấy cô em:
– Anh con là con trai, đi sớm về khuya, hơi đâu mà lo cho nó.
Mấy cô em tôi thì đồng ý như vậy, ngoại trừ nhỏ Thông. Một lần kia mẹ tôi cũng phải bật cười và bảo tôi:
– Con coi con Thông kìa. Nó trông con về còn hơn nắng hạn trông mưa nữa. Hết đi ra rồi đi vào, hỏi cả trăm lần sao giờ nầy con chưa về.
Năm nay Thông đã gần mười tám rồi, cao hơn, đẹp hơn, nhưng với tôi em vẫn còn bé lắm, nhí lắm.
Ðến trước cửa buồng của mẹ tôi đứng lại, phân vân một chút, rồi đẩy cửa bước vào.
Mẹ tôi đang quỳ gối bên giường cầu nguyện, và tôi nghe tiếng mẹ khóc. Tôi đứng lặng hồi lâu, nhìn dáng gầy gò của mẹ và mái tóc bạc rung rung theo tiếng nấc nghẹn ngào. Mẹ tôi một đời khổ vì con cái. Chúng tôi hay làm mẹ buồn trong nếp sinh hoạt thường ngày của tuổi trẻ. Sau ngày thất trận, bố tôi buồn nhiều hơn, già mau hơn, để rồi một ngày của ba năm trước, ngọn đèn trong bố tôi chợt tắt, vĩnh viễn, để mẹ lại trong nỗi buồn vô cùng. Vũ cũng mất biệt trọn một năm dài. Chúng tôi cầu nguyện hằng đêm để mong một ngày thấy lại vẽ vui tươi của mẹ và Vũ bình yên trở về dưới mái nhà xưa. Và tôi nhớ đến câu hỏi của Thông trong những đêm khuya hai anh em lặng lẽ ăn bữa tối với nhau trong cái thanh vắng tịch mịch:
– Bao giờ thì mẹ không còn buồn nữa hở anh?
Tôi không biết phải trả lời thế nào cho đủ nghĩa, đành chỉ đáp:
– Ðó là lúc anh Vũ chẳng còn ra đi nữa.
Tôi gọi nhỏ:
– Mẹ!
Mẹ nhìn lên. Mắt mẹ đẫm lệ, đỏ hoe.
– Mẹ đừng khóc nữa. Anh Vũ đã về bình yên mà.
– Rồi nó lại ra đi. Làm sao mẹ biết được điều gì sẽ xãy ra cho nó lần sau nầy. Mẹ cầu nguyện Chúa gìn giữ nó và để mẹ không còn xa nó nữa.
Tôi cố dỗ dành mẹ:
– Con tin rằng Chúa sẽ nghe lời cầu xin hằng bao nhiêu năm nay của chúng ta cho ảnh. Mẹ đừng buồn nữa nghe. Mẹ khóc, mấy đứa nhỏ cũng khóc ở ngoài kia, con cũng không chịu được nữa. Mẹ đừng buồn quá như vậy.
Mẹ gật đầu nhưng vẫn còn nghẹn ngào:
– Con ra thăm nó đi. Nó ngồi sau vườn đó.
Tôi gật đầu:
– Nhưng mẹ phải hứa với con là mẹ đừng khóc nữa nghe. Ðêm nay là đêm Giáng Sinh mà. Mẹ khóc thì làm sao tụi con có thể vui vẻ tôn vinh Chúa được?
Mẹ xua tay:
– Con ra thăm anh con đi. Có giữ nó lại, kẻo nó lại đi nữa. Mẹ khổ quá!
Tôi đi ra sau vườn. Bóng đêm đã xuống. Có một chút gay gay lạnh của mùa Ðông về theo gió. Trong cái tịch mịch của buổi chiều muộn, tôi nghe lòng chùng xuống với nỗi đau bên trong đời sống mình. Tôi tự hỏi, làm sao tôi có thể giữ Vũ lại cho mẹ, cho mấy em?
Tôi và Vũ là hai anh em sinh đôi, nhưng tính tình khác hẳn nhau. Ngày xưa, lúc còn bé, chúng tôi xưng hô với nhau là mầy tao. Nhưng bố mẹ không chịu. Bố bảo anh chị em trong nhà phải có ngôi thứ rõ ràng, không thể nào mầy tao như vậy được, và bố bắt tôi phải gọi Vũ bằng anh. Lúc đầu tôi đâu có chịu. Tôi thích làm người lớn lắm mà. Tôi chỉ gọi Vũ bằng anh trước mặt bố mẹ. Vũ cũng chẳng tỏ ý kiến gì về điều nầy.
Vũ trầm tĩnh và cứng rắn hơn tôi. Một ngày kia khi chúng tôi đã lên lớp năm, tôi có chuyện cãi cọ xô xát với mấy thằng bạn cùng lớp. Lúc tôi hoàn toàn cô thế thì Vũ đến. Ðó là lần đầu tiên tôi khám phá ra cái ngọn lữa thiêu nuốt, hừng hực bạo động ở đàng sau, ở bên trong con người Vũ. Từ ngày đó bọn con trai trong trường đều sợ Vũ, và tự nhiên tôi kêu Vũ bằng anh mà chẳng thấy khó khăn gì.
Tôi tìm thấy Vũ ngồi ở dưới gốc mận đào tận cuối vườn, chỗ Vũ vẫn thường ngồi mỗi lần trở về. Vũ chẳng hề nhìn lên khi tôi đến. Ánh trăng sao nhợt nhạt đổ xuống một bên vai áo bạc màu của Vũ. Vũ vẫn gầy gò như thuở nào. Mỗi lần Vũ về là mỗi lần Vũ trầm lặng hơn, buồn bã hơn. Tôi biết, bạn bè của Vũ đã lần lượt nằm lại đâu đó trong rừng thẳm, trong hoang vu, sau những ghềnh đá cheo leo. Mỗi lần Vũ về, nỗi cô đơn của Vũ càng lớn hơn, nặng trĩu hơn. Tôi ngồi xuống một bên Vũ mà chẳng biết phải nói gì. Vũ hút thuốc, đầu lữa lóe đỏ trong đêm tối và tôi nhìn thấy đôi mắt đen ưu sầu trong thinh lặng của anh.
Sau ngày tan quân, dù lúc đó anh em chúng tôi hãy còn là thiếu niên, gia đình đã có thể nhìn thấy được sự khang khác lạ lùng ở trong Vũ. Vũ biếng cười, chẳng nô giỡn như tôi hoặc các bạn đồng lứa trong những cuộc vui trẻ con. Vũ vắng nhà vào buổi tối thường xuyên hơn. Cho đến một ngày, khi chúng tôi chưa tròn mười bảy tuổi, Vũ bỏ đi chẳng nói với ai một lời nào.
Mười bảy tuổi tôi vẫn còn trẻ con lắm, nhưng Vũ đã có cái phong thái của một thanh niên mười tám, đôi mươi. Vũ ra đi để lại tiếng thở dài của bố, giọt nước mắt của mẹ trong đêm thâu, và cũng mang đi môi cười của Bội Quỳnh, cô em lớn của tôi.
Quỳnh thương Vũ lắm, thương như là Thông thương tôi vậy đó, mà có lẽ còn hơn thế nữa. Ngày mà tôi còn chân trần dang nắng đá banh, còn xắn quần lội ruộng bắt cá, thì Vũ đã biết ngồi lại dưới bóng mận đào, dạy cô em tôi thắt từng cái nơ cho con diều nhỏ, chuốt cho em tôi cây trâm gỗ, hoặc chở Quỳnh trên chiếc xe đạp cọc cạch làm ướt đẫm mồ hôi lưng áo để về quê, dạy cô em tôi vẽ bóng nhà tranh soi trên sông nước, con đò chiều bên bến nước đục trong.
Vũ là hình ảnh đẹp trong tâm hồn thơ con gái của Bội Quỳnh. Ngày Vũ ra đi, cô em tôi ngẩn ngơ như ngọn cỏ chong chong giữa gió xoáy. Em dấu bố mẹ giọt nước mắt nhưng không hề dấu tôi nỗi sầu muộn của em. Vì tôi mang hình ảnh của Vũ.
Cũng từ những năm tháng đó, tôi buột mình phải quên đi tiếng réo gọi của bạn bè trong những trò chơi mà tôi say mê, để đứng lại, để là Vũ cho bố mẹ, cho Bội Quỳnh, và để là tôi cho Phấn Thông, cho Trầm Hương. Ngọn tóc của Quỳnh dài theo ngày tháng mong đợi. Tuổi con gái của em trôi qua trong mảnh đời đơn sơ, chỉ với cái kẹp mà Vũ đã mua, với cái trâm mà Vũ đã làm. Bao nhiêu năm rồi, biết bao nhiêu tên con trai đến làm thân với tôi, cả mấy thằng bạn quỉ sứ của tôi nữa, chỉ cốt để được làm quen với em. Và biết bao nhiêu trái tim đã thất vọng, đã rút lui với tiếng thở dài. Ngày nay dòng tóc em đã trở thành nỗi say mê của các giáo viên và lời xì xầm của đám học trò con gái trong ngôi trường mà em đang dạy. Nhưng tôi biết, em ao ước một lần được cắt ngắn nó và sẽ là vĩnh viễn.
Vũ rút thêm một điếu thuốc nữa và bật lữa. Tôi biết hút thuốc lá là điều không tốt nhưng chưa bao giờ dám cản Vũ. Lần nầy thì tôi cũng chỉ biết thốt lên vài ba chữ tỏ ý không hài lòng:
– Vũ, anh hút thuốc nhiều quá!
Vũ nhìn tôi, ánh lữa của que diêm soi bóng rèm mi của Vũ tên đôi gò má xương xương, cứng rắn. Ðôi mắt của Vũ thật mênh mông, sâu thẳm. Và khi nhìn vào bóng tối sâu thẳm đó, tôi chợt nhớ đến Nguyệt.
Nguyệt là cô bé hàng sớm đồng trang lứa với chúng tôi. Cùng lớn lên trong khu cư xá cũ kỹ nầy, cùng nô giỡn những trò chơi con nít, cùng giận hờn, cãi cọ. Và rồi, không một ai trong chúng tôi để ý rằng mình chợt lớn. Tự dưng Nguyệt tránh mặt Vũ. Những buổi chiều tan học, tôi biết có một đôi mắt thẹn thùng dõi theo bước Vũ sau những hàng me keo nhạt nắng. Tôi chẳng biết Vũ có để ý đến điều nầy hay không, vì khi xưa ba chúng tôi thân nhau lắm. Thỉnh thoảng tôi chợt tìm thấy trong trang vở của Vũ một cành hoa khô. Ngày đó tôi cứ tưởng là của Bội Quỳnh làm tặng cho anh. Còn Vũ thì vẫn lặng lẽ như vô cùng. Cho đến ngày Vũ ra đi, tôi mới bừng tỉnh để biết rằng hai người đã thương nhau. Tình yêu đầu đời của hai kẻ thiếu niên lớn lên trong cùng một con phố, một mái trường.
‘Vắng tiếng mưa, trăng buồn như ngõ tối’, một câu thơ vô nghĩa của tuổi học trò mà tôi thốt nhiên nhớ lại. Vầng trăng đó chỉ kịp tròn một lần rồi vĩnh viễn tan vào hư vô. Ngày Nguyệt ngã bệnh tôi mới thật sự hiểu được tình yêu mà hai người dành cho nhau. Họ đã cho nhau trọn nhịp đập của đời sống họ. Thời gian và sự ngăn cách trở nên vô nghĩa. Ba của Nguyệt nghiêm khắc lắm và hầu như suốt bao nhiêu năm dài nàng chỉ nhận có mỗi hai lá thư của Vũ qua tôi. Tôi chẳng biết nàng đã gởi cho Vũ bao nhiêu lá thư. Những đêm tôi về muộn, nhìn thấy cửa sổ nhà nàng vẫn còn le lói ánh đèn, tôi biết ánh sáng đó dành cho ai. Nguyệt ra đi để Vũ tròn mơ ước. Ðêm cuối cùng của nàng, chú Sáu, ba nàng, đặt bàn tay mệt mõi lên vai tôi để giữ tôi lại. Tôi xót xa cho điều kết thúc nầy. Chẳng một ai trong chúng tôi biết Vũ ở đâu để nhắn về. Hình như bóng đêm không ngủ trong cư xá chúng tôi. Cơn hấp hối của nàng thật là dài. Tôi ngồi dưới chân giường nhìn nàng ra đi. Chú thím Sáu cũng có mặt ở đó. Trên hai khóe mắt xanh xao của nàng có hai giọt nước mắt long lanh như sương khuya, như một lời tạ lỗi. Tôi chỉ có thể gào lên trong thinh lặng: ‘Vũ ơi, anh ở đâu giờ nầy?’
Mộ của Nguyệt được đặt nằm phía dưới chân mộ của bố tôi. Cả hai gia đình đều đồng ý như vậy vì Vũ. Ngày trở về Vũ bàng hoàng khi biết tin Nguyệt mất. Vũ ra ngồi ngoài nghĩa trang hàng giờ, lặng lẽ dưới bóng những mộ bia buồn thãm đó. Tôi cũng ra tìm Vũ như mọi khi và cảm thấy thương anh nhiều hơn. Tôi biết Vũ thương yêu mọi người nhiều lắm, thương bằng cả trái tim, cả linh hồn của mình. Nhưng chẳng bao giờ Vũ hé môi để nói với ai về điều đó. Tôi biết mọi điều Vũ làm là làm vì những người thân yêu của mình. Từ khi còn bé đến giờ, tôi chưa từng biết một lần Vũ đòi hỏi bất cứ điều gì cho riêng anh. Vũ không hề sỡ hữu cả đến đời sống của anh. Vũ đã cho đi cuộc sống mình mà không một lời thở than. Và tôi cũng biết trong phần đời mong manh của Vũ, tình yêu của anh đã tắt theo nhịp thở của Nguyệt, và sẽ chẳng bao giờ Vũ còn có thể yêu một người con gái nào khác nữa. Tôi xót xa cho phần đời gian truân của Vũ. Tôi nhìn dáng Vũ ngồi lặng lẽ, và nói thì thầm trong đáy lòng mình: ‘Vũ ơi, mọi người biết anh thương yêu nhiều lắm. Anh sẳn sàng chết cho những người anh yêu. Nhưng Vũ ơi, tình yêu đó trong anh phải được hướng dẫn, phải được soi sáng để thật sự là hạnh phúc vĩnh viễn. Anh phải được hướng dẫn bởi Ðấng Cội Nguồn của Tình Yêu để tình yêu trong anh thật sự có giá trị trong đời nầy và cho cõi đời đời’.
Một tư tưởng chợt lóe sáng lên trong tôi và tôi biết nó đến từ đâu. Tôi dạn dĩ đặt tay lên bàn tay khô chắc của Vũ:
– Vũ, đêm nay là đêm Giáng Sinh. Hằng bao nhiêu năm rồi anh chẳng còn dự lễ nửa đêm với gia đình. Em muốn anh đưa mẹ tới nhà thờ tối nay và cùng dự lễ với gia đình, với mẹ và mấy em.
Vũ quay nhìn tôi. Trong bóng tối tôi cảm nhận một tia sáng ngạc nhiên trong mắt Vũ, vì đã lâu lắm rồi tôi mới dùng chữ muốn đối với anh. Hình như Vũ cười mà cũng hình như không.
– Vũ, tôi tiếp, bao nhiêu năm nay mẹ đã khóc vì anh trong những đêm dài. Cả Bội Quỳnh và mấy đứa nhỏ nữa. Vũ ơi, quê hương vẫn còn đó, nhưng mẹ nay tóc đã bạc nhiều. Mẹ đã già rồi Vũ ơi. Bao giờ thì mẹ không còn khóc nữa hở Vũ?
Vũ không trả lời. Tôi chờ đợi. Tôi biết đây là lúc tôi không được phép chần chừ hay ngần ngại nữa.
– Vũ, anh có thể làm được điều đó không?
Vũ vẫn lặng lẽ, nhưng như đời sống Vũ trong tôi và tôi trong Vũ, tôi cảm nhận một sự thay đổi, một luồng gió mát từ bao la thổi về. Tôi biết Ðức Chúa Trời đang hành động đàng sau và bên trong cuộc đời sầu muộn của anh. Vũ vẫn nhìn tôi, nhưng nụ cười trên khóe mi anh đã rõ. Lần đầu tiên trong đời tôi dám làm một cử chỉ mạnh mẽ đối với anh: Tôi đứng lên kéo Vũ vào nhà. Vũ không hề cưỡng lại. Và trong cái bao la vô cùng của buổi chiều muộn cuối năm, tôi nghe tiếng đập của nhịp tim Vũ trong tôi và lời thì thầm của con tim đó: ‘Anh hứa sẽ chẳng bao giờ còn để mẹ khóc vì anh nữa’.
Thạch Nham 1983