CHIẾN TRANH DẦU HỎA THẾ KỶ THỨ 21 (p. 1)
Hiện tại giá dầu hỏa trên thế giới đã giãm sút rất nhiều, xuống thấp đến mức rẻ hơn cả cà-phê, sữa và nước uống. Nguyên nhân có tình trạng nầy là vì cuộc chiến tranh giành thị trường của các nước sản xuất dầu thô. Từ nhiều thập niên trước Ả-rập Saudi là nước có nguồn dầu hỏa lớn nhất và là nước sản xuất đứng đầu trên thế giới. Ðể kiểm soát và thống trị thị trường quốc tế, Ả-rập Saudi đã vận động và mời gọi một số nước để thành lập khối OPEC (tổ chức các quốc gia xuất cảng dầu hỏa - Organization of the Petroleum Exporting Countries). Bởi sự khống chế thị trường như vậy mà Ả-rập Saudi có ảnh hưởng không phải là nhỏ trên chính trường thế giới. Thêm vào đó, Saudi Arabia lại được sự ủng hộ mạnh mẽ của Hoa-kỳ mặc dầu chính phủ Riyadh là những kẻ hết sức ủng hộ các nhóm Hồi giáo cực đoan trên thế giới, nhiều nhóm trong số đó trở thành các tổ chức khủng bố. Nguyên nhân mà Saudi Arabia được sự ủng hộ của Hoa-kỳ cũng là vì nguồn dầu thô mà họ sở hữu.
Sau Thế chiến thứ hai thì Hoa-kỳ trở thành người thắng trận và có thế lực mạnh mẽ đối với các nước đồng minh được sự trợ giúp của Washington. Nhờ vị trí quân sự và chính trị nầy mà đồng đô-la của Mỹ trở thành đồng tiền chính được trao đổi trên thị trường thế giới. Lúc bấy giờ chính phủ Hoa-kỳ dùng vàng để bảo chứng cho đồng đô-la và quy định giá tương đồng là $35 đô-la cho mỗi một ounce vàng (bằng 28.350 gram). Vì sự thông dụng của đồng đô-la trên cả thế giới nên các quốc gia đã dùng nó để mua vàng từ trong nội địa Hoa-kỳ. Tình trạng nầy làm cho nguồn dự trự vàng của Mỹ bị thất thoát trầm trọng. Ðể ngăn chận, tổng thống Nixon đã ban hành đạo luật bãi bỏ việc dùng vàng làm bảo chứng cho đồng đô-la vào năm 1971. Nhưng khi giữ được vàng ở lại trong nước thì Washington phải đối diện với một nan đề khác, là giá trị của đồng đô-la trở nên suy yếu đáng lo ngại. Thế là chính phủ Hoa-kỳ cử đại diện đến Riyadh để bàn thảo với hoàng gia Saudi về kế hoạch dùng dầu thô để bảo đảm giá trị của đồng đô-la. Washington yêu cầu hoàng gia Saudi là từ đó trở đi chỉ bán dầu thô cho quốc gia nào trả bằng đồng đô-la Mỹ mà thôi. Ngược lại, Hoa-kỳ bảo đảm sự cầm quyền của hoàng gia Saudi tại đất nước nầy bằng cách gởi quân đội đồn trú thường trực tại bán đảo Arabia. Kế hoạch nầy có lợi cho cả đôi bên nên từ đó đến nay giá dầu thô trên thị trường thế giới luôn luôn được định giá bằng đồng đô-la Mỹ và Saudi Arabia cũng dần dần trở nên chính phủ có ảnh hưởng lớn tại khu vực Trung Ðông.
Dầu vậy có nhiều quốc gia không thích tình trạng nầy, một trong những nước ấy là Iran. Sự hiềm khích giữa hai nước bắt nguồn từ quan điểm tôn giáo, nhưng cũng phải kể đến những nguyên nhân về kinh tế và chính trị. Ngoại trừ Saudi Arabia thì Iran là nước đứng hàng thứ hai trong khu vực có nguồn khoáng sản dầu thô đáng kể. Sự cạnh tranh về kinh tế dẫn đến sự đối đầu chính trị. Sau khi Iran lật đổ hoàng gia Pahlavi được Mỹ ủng hộ vào đầu thập niên 80 của thế kỷ trước thì tân chính phủ mới của Iran tìm đồng minh từ nơi Liên bang Sô-viết. Nhằm triệt tiêu khả năng của Iran, Saudi Arabia đã ủng hộ Iraq để tấn công Iran và gây ra cuộc chiến vịnh Ba-tư kéo dài suốt 8 năm (1980-1988) làm hơn 1 triệu người tử thương cho cả đôi bên. Sau đó Saudi Arabia ủng hộ Hoa-kỳ trong việc cấm vận nền kinh tế của Iran để ngăn ngừa sự phát triển của đối thủ chính thức trong khu vực. Cũng vì lời hứa với hoàng gia Saudi mà Hoa-kỳ đã đưa quân sang Arabia khi Iraq tiến chiếm Kuwait và đe dọa sự tồn vong của chính quyền Riyadh. Ðó là nguyên nhân chính dẫn đến cuộc chiến vùng vịnh vào năm 1990-1991.
(còn tiếp)