CHIÊN CỦA CHÚA
Kinh thánh: Giăng 10: 22-30
Câu gốc: GIĂNG 10: 27-28 – Chiên ta nghe tiếng ta, ta quen nó, và nó theo ta. Ta ban cho nó sự sống đời đời; nó chẳng chết mất bao giờ, và chẳng ai cướp nó khỏi tay ta.
Có nhiều người đã dùng chỉ có một câu mà thôi, tức là Giăng 10: 28, để dựng lên lý lẽ rằng bất cứ ai hễ đã cầu nguyện tin nhận Chúa rồi thì sẽ không bao giờ bị hư mất.
Họ lập luận rằng Đức Chúa Jêsus đã phán: Ta ban cho nó sự sống đời đời; nó chẳng chết mất bao giờ, và chẳng ai cướp nó khỏi tay ta.
Theo ý tưởng của họ thì một người, sau khi cầu nguyện tin nhận Chúa, thì đã được Chúa lập tức ban cho sự sống đời đời ngay tại thời điểm ấy. Và cũng theo ý tưởng của họ thì vì Đức Chúa Jêsus đã phán rằng chiên của Chúa không chết mất bao giờ cho nên họ lý lẽ rằng chính vì lời hứa đó mà Cơ-đốc-nhân mặc dầu có phạm tội nhiều và nặng nề đến đâu đi nữa thì cũng sẽ không bị hư mất mà cuối cùng rồi vẫn được vào Thiên đàng.
Cũng chính vì Đức Chúa Jêsus đã phán rằng chiên của Chúa sẽ chẳng bị ai cướp mất khỏi tay Chúa cho nên họ lý luận rằng Cơ-đốc-nhân sẽ không bao giờ bị ma quỉ dẫn dụ nặng nề đến nỗi phải xa rời bàn tay nhân từ của Chúa. Vì vậy mà có người đã tuyên bố rằng dầu Cơ-đốc-nhân phạm tội đến một triệu lần Chúa vẫn tha.
Đã có rất nhiều người tin nơi lý lẽ đó. Sự diễn giải như vậy làm cho họ an tâm để yếu đuối, để phạm tội và đinh ning rằng dầu thế nào đi nữa thì đến cuối cùng họ vẫn được vào Thiên đàng.
Nhưng nếu chúng ta nghiên cứu kỹ lưỡng lời của Chúa trong Kinh thánh và đối chiếu, so sánh câu gốc trong Giăng 10: 28 với các câu gốc khác thì chúng ta sẽ thấy được rằng nói như vậy là sai, diễn giải như vậy là giải thích Kinh thánh theo ý riêng, là lấy tư tưởng xác thịt để thay thế Lẽ thật, nhằm để thỏa mãn xu hướng phạm tội của bản ngã và để lấy lòng người nghe, chớ không phải là giảng dạy theo ý Đức Chúa Trời bởi ơn giải thích của Đức-Thánh-Linh.
Nếu xem xét cho kỹ lưỡng thì lời của Đức Chúa Jêsus Christ trong Giăng 10: 28 là lời của Ngài phán cho những người được Chúa xem như là chiên thật của Chúa và có những chữ quan trọng sau đây liên hệ đến CHIÊN CỦA CHÚA mà chúng ta có thể hiểu được qua câu gốc nầy:
Thứ nhất là việc Chúa ban cho chiên của Ngài sự sống đời đời.
Thứ hai là chiên của Chúa chẳng bao giờ chết mất, có nghĩa là sẽ không bị hình phạt nơi hỏa ngục.
Thứ ba là dầu cho ma quỉ có cám dỗ và tấn công nặng nề đến đâu thì chiên của Chúa sẽ không bao giờ bị cướp mất khỏi tay Ngài, có nghĩa là sẽ không bao giờ bị dẫn dụ đi lạc đến nỗi phải hư mất linh hồn.
Chúng ta sẽ nhờ lời của Chúa trong Kinh thánh để xem xét qua ba đặc điểm quan trọng ấy có liên quan đến CHIÊN CỦA CHÚA như thế nào. Nhưng trước hết thì chúng ta nên suy gẫm qua một trong những lời tự thuật quan trọng của Phao-lô khi ông đề cập đến chính cá nhân ông.
Phao-lô đã từng tuyên bố rằng nếu ông không cẩn thận giữ mình thì ông vẫn có thể bị Chúa bỏ và bị hư mất như những người không tin:
1CÔ-RINH-TÔ 9: 27 – Song tôi đãi thân thể tôi cách nghiêm khắc, bắt nó phải phục, e rằng sau khi tôi đã giảng dạy kẻ khác, mà chính mình phải bị bỏ chăng.
Chữ BỊ BỎ trong câu gốc nầy không có ý nói đến việc bị bỏ trong phương diện thuộc thể, chẳng hạn như trẻ mồ côi bị bỏ rơi hay là bị người đời ruồng bỏ, bị bạn bè xa lánh. Những sự ruồng bỏ như vậy không đáng kể chi đối với Phao-lô, bởi vì ông đã từng tuyên bố rằng ông chấp nhận mọi sự để theo Chúa, như chính lời của ông đã tuyên bố trong…
PHI-LÍP 3: 8 – Tôi cũng coi hết thảy mọi sự như là sự lỗ, vì sự nhận biết Đức Chúa Jêsus Christ là quí hơn hết. Ngài là Chúa tôi và tôi vì Ngài mà liều bỏ mọi điều lợi đó. Thật, tôi xem những điều đó như rơm rác, hầu cho được Đấng Christ
Với những lời nầy của ông thì chúng ta có thể hiểu rằng nếu bị mọi người trong thế gian ruồng bỏ và mất mát hết mọi sự thì Phao-lô vẫn xem đó như là điều chẳng đáng quan tâm, bởi vì đời sống ông chỉ chú ý về Chúa mà thôi.
Chính bởi lẽ đó mà hai chữ BỊ BỎ của Phao-lô có nghĩa là bị hư mất. Ý nghĩa như vậy đã được lời của Chúa bày tỏ trong…
HÊ-BƠ-RƠ 6: 8 – Nhưng đất nào chỉ sanh ra những cỏ rạ, gai gốc, thì bị bỏ, và hầu bị rủa, cuối cùng phải bị đốt.
Như vậy chữ BỊ BỎ trong ý của Phao-lô là bị hụt mất sự cứu rỗi và phải bị hình phạt trong hỏa ngục đời đời. Sự lo lắng nầy của Phao-lô hoàn toàn phù hợp với nguyên tắc đời đời của Chúa về sự công bình và sự ăn năn, như đã có chép trong…
Ê-XÊ-CHI-ÊN 33: 12-14 – Hỡi con người, khá nói cùng con cái của dân ngươi rằng: Sự công bình của người công bình sẽ không cứu được nó trong ngày nó phạm tội, và sự dữ của kẻ dữ sẽ không làm cho nó sa ngã nơi ngày nó đã xây bỏ sự dữ ấy, cũng như người công bình sẽ không nhờ sự công bình đã qua rồi mà sống được nơi ngày mình phạm tội. Dầu mà ta có nói với người công bình rằng nó chắc sẽ sống, nếu nó cậy sự công bình mình mà phạm tội, thì sẽ không nhớ đến một việc công bình nào của nó nữa; nhưng nó sẽ chết trong sự gian ác mình đã phạm.
Vì Phao-lô là người được đầy dẫy Đức-Thánh-Linh và được Ngài soi dẫn để viết phần lớn các thư tín trong Tân ước cho nên chắc rằng ông hiểu rất rõ các nguyên tắc của Chúa và biết rằng những nguyên tắc mẫu mực ấy sẽ không bao giờ thay đổi bởi vì Đức Chúa Trời là Đấng không bao giờ thay đổi. Chính vì vậy mà ông rất lo lắng để cẩn thận giữ lấy chính mình ông trong đường lối của Chúa hầu để tránh khỏi việc bị Chúa bỏ vì sự ỷ lại của cá nhân mình.
Một người như Phao-lô mà còn sợ bị bỏ, sợ bị hư mất, thì chẳng lẽ ngày hôm nay tất cả các Cơ-đốc-nhân khác đều coi chuyện ấy như chuyện giỡn chơi?
Nếu Phao-lô còn sợ bị bỏ, tức là sợ rằng ông không nhận được sự cứu rỗi, thì chẳng lẽ tất cả các Cơ-đốc-nhân khác đều tốt hơn Phao-lô, đều sẽ được cứu mà không cần phải sợ bị bỏ?
Nếu nói theo lý lẽ của những người giảng giải sai lầm câu gốc trong Giăng 10: 28 thì có lẽ tất cả Cơ-đốc-nhân ngày hôm nay đều tốt hơn Phao-lô cho nên không cần phải sợ bị hư mất?
Tôi đã từng nghe có một số người trưng dẫn Giăng 10: 28 để rao giảng rằng Cơ-đốc-nhân phải theo Chúa với sự vui mừng, tự do thoải mái, chớ đừng cứ nơm nớp lo sợ rằng mình có được cứu hay không.
Nếu nói theo lý lẽ của những người đó thì chúng ta phải hiểu ý của họ là như thế nầy: Tất cả Cơ-đốc-nhân ngày hôm nay đều tốt hơn Phao-lô hết thảy. Ông theo Chúa mà cứ sợ mình bị bỏ, còn chúng ta thì tốt hơn Phao-lô rất nhiều, nhất là vì đã có lời hứa của Chúa trong Giăng 10: 28 cho nên không cần phải lo lắng bận tâm rằng mình có được cứu rỗi hay không. Tại vì Phao-lô tệ hơn tất cả chúng ta cho nên dầu ông đã giảng dạy rất có ơn cho người khác, dầu ông đã được Đức-Thánh-Linh soi dẫn để viết ra Kinh thánh nhưng vẫn còn tệ hơn chúng ta rất nhiều, cho nên ông mới sợ bị Chúa bỏ, còn chúng ta thì chẳng cần phải sợ điều đó. Mặc dầu Phao-lô đã được Chúa đưa lên đến tầng trời thứ ba để thấy được Thiên đàng, nhưng mà vẫn còn tệ hơn chúng ta ngày hôm nay rất nhiều cho nên ông mới sợ bị Chúa bỏ, mới tự đãi thân thể của ông cách khắc khổ. Còn như chúng ta thì hơn hẳn Phao-lô cả trăm lần cho nên không cần phải làm gì hết, không cần phải đãi thân thể mình cách khắc khổ để đi theo Chúa. Bởi vì chúng ta tốt hơn Phao-lô rất nhiều cho nên Cơ-đốc-nhân cứ thích gì làm nấy, không cần phải khăng khăng vâng theo điều răn, mạng lệnh của Chúa làm chi cho mệt. Mấy điều đó là dành cho những người xấu xa tệ hại cỡ như Phao-lô, yếu đuối cỡ như Phao-lô, còn chúng ta thì đã lời của Chúa hứa trong Giăng 120: 28 rồi cho nên cứ thoải mái sống theo ý mình rồi cuối cùng cũng được vào Thiên đàng!!!
Quý Hội thánh cứ thử nghĩ xem chúng ta có thể nào dùng câu gốc trong Giăng 10: 28 để diễn giải cách như vậy hay không. Thế mà vẫn có nhiều người lý luận kiểu như vậy để ru ngủ con cái Chúa, làm như là chỉ có một mình Phao-lô là nên sợ bị bỏ mà thôi, còn Cơ-đốc-nhân ngày hôm nay thì cứ yên tâm thoải mái mà chờ được vào Thiên đàng trong tương lai.
Chúng ta cần phải hiểu rằng lời mà Đức Chúa Jêsus Christ đã phán trong Giăng 10: 28 là chỉ dành riêng cho chiên của Chúa mà thôi. Tôi xin nhấn mạnh đến các chữ CHIÊN CỦA CHÚA tại đây để quý Hội thánh có thể chú ý đến ý nghĩa quan trọng trong ba chữ ấy.
Từ xưa đến nay thì những người tin Chúa hoặc theo đạo (tức là cả người Tin lành và Công giáo) đều tự cho rằng mình là chiên của Chúa, và thỉnh thoảng cũng được người thế gian gọi bằng những từ ngữ ấy.
Ai cũng có thể tuyên bố rằng mình là chiên của Chúa. Nhưng ý nghĩa thật sự của chữ CHIÊN TA là gì?
(còn tiếp)