CÁC NGUYÊN TẮC CĂN BẢN TRONG KINH THÁNH
GIĂNG 6: 63 – Ấy là Thần linh làm cho sống, xác thịt chẳng ích chi. Những lời ta phán cùng các ngươi đều là Thần linh và Sự sống.
Kính thưa quý Hội thánh, như tất cả chúng ta đều biết thì trong vũ trụ có hai thế giới cùng đang tồn tại với nhau, đó là thế giới hữu hình mà chúng ta đang sống đây và thế giới vô hình mà mắt thường không thể thấy được. Trước khi A-đam phạm tội thì hai thế giới ấy có thể liên hệ mật thiết với nhau, chẳng hạn như việc Đức Chúa Trời đến thăm A-đam thường xuyên trong vườn Địa đàng và nói chuyện với ông. Nhưng sau khi A-đam phạm tội thì hai thế giới ấy dần dần tách biệt nhau. Và khi tội lỗi của con người càng ngày càng tăng thì sự xa cách giữa hai thế giới hữu hình và vô hình càng ngày càng lớn. Sự xa cách đó được nhìn thấy qua việc Đức Chúa Trời không còn phán bảo trực tiếp với con người nữa và trong các thời đại sau nầy thì thiên sứ cũng ít thường xuất hiện giữa vòng loài người. Nói một cách đơn giản và dễ hiểu thì tội lỗi của con người đã như là một đám mây đậm làm cho thế gian nầy càng ngày càng tăm tối hơn và càng xa cách với thế giới vô hình đẹp đẽ và thánh khiết của Đức Chúa Trời. Hình ảnh đám mây đen đậm như vậy đã được Kinh thánh đề cập đến và khi tội lỗi của một người được Chúa tha thứ thì cũng giống như việc đám mây đậm đó bị xóa đi, nhưng đó là điều chỉ xãy ra đối với cá nhân mà thôi, như lời Kinh thánh có chép trong (Ê-sai 44: 22).
Chính vì đám mây đậm của tội lỗi như vậy mà con người không thể hiểu được nhiều về cõi vô hình và những điều xãy ra mà mắt con người không thấy được. Nhưng vì tình yêu của Đức Chúa Trời dành cho con người mà Chúa vẫn tạo điều kiện cho con người có thể biết được về Ngài, về chương trình cứu rỗi của Chúa và về những điều cần thiết quan trọng trong cõi vô hình. Vì vậy mà quyển Kinh thánh và lời của Ngài được ra viết trong đó là phương pháp và cách thức mà Đức Chúa Trời đã ban cho con người để có thể biết được về thế giới mà mắt thường không thể nhìn thấy được.
Nhưng vì lời của Đức Chúa Trời là sâu nhiệm mà khả năng hiểu biết của con người về thế giới vô hình là có hạn nên nhiều khi người ta không thể thấu suốt hoặc giải thích được lời Kinh thánh một cách chính xác và thống nhất. Chính bởi lẽ đó mà Đức Chúa Trời đã có thiết lập sẳn những nguyên tắc căn bản trong Kinh thánh để con cái Ngài có thể căn cứ vào đó mà đoán định sự chân thật và đúng đắn của mọi quan điểm và lời giải thích về Kinh thánh. Tình yêu của Đức Chúa Trời là tuyệt diệu đối với con người, nên Ngài không chỉ ban cho quyển Kinh thánh rồi để tự con người vật vã trong sự tìm hiểu về lời của Ngài, nhưng Chúa đã có chuẩn bị sẳn phương pháp hữu ích và đơn giản để con dân Chúa có thể theo Ngài với tâm thần bình an và yên tịnh. Vấn đề quan trọng là Cơ-đốc-nhân có chịu sử dụng những nguyên tắc căn bản ấy trong việc tìm hiểu lời của Chúa hay không mà thôi.
Tình yêu của Chúa đối với con cái Ngài còn đặc biệt ở chỗ nầy nữa. Đó là những nguyên tắc căn bản mà Chúa đã ban cho thì không hề phức tạp hoặc khó hiểu, mà lại rất đơn giản và mọi người đều có thể sử dụng được. Đối với các nguyên tắc căn bản của Chúa trong Kinh thánh thì Cơ-đốc-nhân không cần có học thức cao cũng có thể hiểu được. Bởi vì nếu phải có văn bằng, chứng chỉ để có thể hiểu được những nguyên tắc ấy thì những Cơ-đốc-nhân bình thường trong cuộc sống làm sao có thể theo Chúa một cách độc lập được. Đức Chúa Trời không muốn con cái Ngài phải phụ thuộc vào loài người. Ngài muốn Cơ-đốc-nhân chỉ phụ thuộc vào Kinh thánh mà thôi, là lời của Đức-Thánh-Linh và chính là lời của Đức Chúa Trời. Ý muốn của Chúa về việc Cơ-đốc-nhân cần phải đứng vững trên chân của mình trong phương diện đức tin đã được bày tỏ trong (Ga-la-ti 5: 1).
Qua hai câu Kinh thánh nầy thì chúng ta có thể thấy được ý muốn của Đức Chúa Trời dành cho con cái của Ngài. Ấy là sau khi Cơ-đốc-nhân đã được Chúa tha thứ và trở thành người tự do khỏi ách tội lỗi rồi, thì mỗi một người phải tự đứng vững trong đức tin của chính mình chớ không phải là phụ thuộc vào đức tin của người khác, bất kể người đó là ai. Vì nếu Cơ-đốc-nhân theo Chúa mà phụ thuộc vào sự giải bày của con người, dầu người đó cũng là một Cơ-đốc-nhân, thì có khi sẽ bị dẫn dắt đi sai lạc khỏi đường lối chính đáng của Đức Chúa Trời nếu như người mà mình phụ thuộc vào bị sai lạc. Trường hợp như vậy đã xãy ra nhiều lần từ xưa đến nay, mà Kinh thánh cũng đã có tường thuật lại một số trường hợp. Nhưng nếu Cơ-đốc-nhân cứ chăm chú nhờ cậy nơi lời của Chúa luôn luôn thì sẽ được vững vàng trong đức tin cho đến cuối cùng. Chính bởi lẽ đó mà trong 1Cô-rinh-tô 2: 5 mới cho biết rằng Cơ-đốc-nhân không nên nương dựa đức tin của mình vào sự khôn ngoan của loài người, bất kể người đó là ai, mà chỉ nên dựa vào quyền phép của Đức Chúa Trời mà thôi, tức là dựa vào các chân lý và nguyên tắc trong Kinh thánh để theo Chúa, vì Kinh thánh là bằng chứng về quyền phép của Đức Chúa Trời. Chỉ có như vậy thì đức tin của Cơ-đốc-nhân mới có thể được đúng đắn và trọn vẹn cho đến cuối cùng.
Vì Đức Chúa Trời muốn con cái Ngài được độc lập trong phương diện đức tin nên các nguyên tắc căn bản trong Kinh thánh đã được bày tỏ ra một cách rất rõ ràng dễ hiểu để chúng ta có thể sử dụng được trong mọi phương diện có liên quan đến đức tin và đời sống của chính mình giữa trần gian nầy. Nguyên tắc thứ nhất mà Kinh thánh đã bày tỏ là Không Hề Có Bất Cứ Sự Mâu Thuẫn Nào Trong Lời Của Chúa. Nguyên tắc nầy tuy đơn giản nhưng rất quan trọng đối với việc chúng ta nghe giải thích về Kinh thánh, vì vậy mà Cơ-đốc-nhân phải nhớ nằm lòng và phải thường xuyên sử dụng để củng cố đức tin của mình ở trong Chúa. Tôi sẽ xin được trình bày chi tiết hơn để quý Hội thánh có thể thấy được hết sự quan trọng của nguyên tắc nầy.
Như chúng ta có thể thấy được trong thực tế thì mặc dầu cả thế giới nầy chỉ có một quyển Kinh thánh mà thôi do Đức Chúa Trời ban cho, nhưng người ta lại giải thích Kinh thánh rất khác nhau và vì lẽ đó mà tạo ra rất nhiều giáo hội có tín lý và niềm tin rất khác biệt. Điều nầy làm cho không ít người thắc mắc rằng làm sao Cơ-đốc-nhân có thể biết được chính xác tín lý nào là đúng và tín lý nào là không đúng, khi tất cả những điều mà người ta trình bày và giải thích đều căn cứ trên Kinh thánh. Vì tình trạng không biết làm sao để đoán định đâu là tín lý đúng đắn và chính xác nên người ta thường lựa chọn giáo hội theo ý thích của cá nhân mình. Điều đó có nghĩa là khi Cơ-đốc-nhân thích sự rao giảng của một người nào đó thì sẽ theo giáo hội mà người đó đang hầu việc Chúa. Nói một cách tổng quát hơn thì người theo Chúa trên cả thế giới nầy thường kể mình là tín đồ của giáo hội nào có tín lý mà họ thích nhất theo quan điểm của cá nhân họ. Nhiều người lý luận rằng giáo hội nào cũng đặt niềm tin trên lời Kinh thánh cho nên Cơ-đốc-nhân không nên phân biệt rằng giáo hội nầy đúng giáo hội kia sai, mà chỉ cần biết rằng cuối cùng rồi thì tất cả mọi người theo Chúa đều được cứu. Nhưng nếu chúng ta xem xét lại Kinh thánh thì sẽ thấy rằng lời phán của Đức Chúa Trời thì hoàn toàn ngược lại với quan điểm đó, như đã được ghi lại trong các câu Kinh thánh sau đây:
MA-THI-Ơ 7: 21 – Chẳng phải hễ những kẻ nói cùng ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, thì đều được vào nước Thiên đàng đâu; nhưng chỉ kẻ làm theo ý muốn của Cha ta ở trên trời mà thôi.
LU-CA 18: 8 – Ta nói cùng các ngươi, Ngài sẽ vội vàng xét lẽ công bình cho họ. Song khi Con người đến, há sẽ thấy đức tin trên mặt đất chăng?
2TI-MÔ-THÊ 3: 15 – Từ khi con còn thơ ấu đã biết Kinh thánh vốn có thể khiến con khôn ngoan để được cứu bởi đức tin trong Đức Chúa Jêsus Christ.
Qua ba câu Kinh thánh nầy thì chúng ta có thể thấy rằng lời của Chúa đã khẳng định là chỉ bởi làm theo ý muốn của Chúa đã có ghi lại trong Kinh thánh thì con người mới được cứu rỗi mà thôi, chớ không phải là việc theo giáo hội nầy hay giáo hội kia. Và khi chính Đức Chúa Jêsus đã phán rằng trong ngày Chúa tái lâm thì số người được cứu sẽ rất ít vì không có bao nhiêu người được kể là có đức tin thật, thì điều đó cho chúng ta biết rằng việc Cơ-đốc-nhân hiểu biết về ý muốn của Chúa trong Kinh thánh sẽ không phải là nhiều và số người biết làm theo các ý muốn đó thì lại càng ít hơn nữa. Vì vậy mà ba câu Kinh thánh nầy và các câu Kinh thánh khác đáng phải làm cho chúng ta tỉnh thức và chú ý về Kinh thánh càng ngày càng hơn.
Về nguyên tắc căn bản thứ nhất mà tôi vừa mới đề cập đến khi nãy thì đó là điều mà nhiều người đã biết. Nguyên tắc nầy không phải là một nguyên tắc kín dấu và cũng không phải là một nguyên tắc khó nhớ, nhưng vấn đề quan trọng cần để ý là mức độ tin cậy của Cơ-đốc-nhân đối với nguyên tắc nầy và việc có áp dụng nó hay không mà thôi. Có nhiều người vì không tin cậy Kinh thánh hoàn toàn nên dầu biết đến nguyên tắc nầy nhưng không hề áp dụng đến. Họ nghĩ rằng Kinh thánh cũng có chỗ mâu thuẫn nên đối với họ thì nguyên tắc nầy chỉ là lý thuyết mà thôi chớ không có sự thực dụng. Vì vậy mà yêu cầu tiên quyết để Cơ-đốc-nhân có thể áp dụng nguyên tắc nầy là tin nơi Kinh thánh 100%. Nếu Cơ-đốc-nhân nào chỉ tin nơi Kinh thánh 99% mà thôi thì nguyên tắc nầy là hoàn toàn vô ích đối với họ. Nhưng thử hỏi trong vòng Cơ-đốc-nhân ngày nay thì có bao nhiêu người thật sự tin nơi Kinh thánh 100%.
Trước khi trình bày xa hơn về nguyên tắc thứ nhất nầy thì tôi xin nói thêm một chút về niềm tin của Cơ-đốc-nhân nơi Kinh thánh. Từ xưa đến nay thì đã có rất nhiều người không tin nơi lời của Chúa một cách hoàn toàn, nhưng ngay trong thời đại mà chúng ta đang sống đây thì số người nghi ngờ về sự trọn vẹn của Kinh thánh còn nhiều hơn thế nữa. Trong những lần tới cũng với chủ đề nầy thì tôi sẽ trình bày với quý Hội thánh về trường hợp liên quan đến những người nghi ngờ Kinh thánh mặc dầu họ là những người nổi tiếng và có văn bằng cao trong Cơ-đốc giáo. Vì cớ địa vị của họ mà bởi đó có nhiều người tin theo quan điểm của họ hơn là tin nơi sự chân thật và chính xác trong lời của Đức Chúa Trời. Những người đó đã bẻ cong lời của Chúa và giải thích Kinh thánh theo quan điểm của cá nhân họ, nhưng có rất nhiều người nghe theo và tin theo. Nhưng Cơ-đốc-nhân chúng ta cần phải chú ý đến đặc điểm nầy: Ấy là khi một người đã nghi ngờ Kinh thánh, dầu chỉ là 1% mà thôi thì điều đó cũng cho thấy rằng họ không tin nơi quyền năng của Đức Chúa Trời một cách tuyệt đối. Chúng ta thử nghĩ mà xem, nếu một người nghi ngờ rằng dầu Đức Chúa Trời đã ban cho thế gian có một quyển Kinh thánh mà thôi, nhưng Ngài lại không thể giữ cho lời của Ngài được thống nhất từ đầu đến cuối, thì làm sao họ có thể tin rằng Đức Chúa Trời sáng tạo cả vũ trụ bao la nầy? Bởi lẽ đó khi một người đã nghi ngờ lời Kinh thánh, dầu chỉ là 1% mà thôi thì đức tin của người đó cũng bị kể là đức tin nghi ngờ, chớ không phải là đức tin thật.
Vì vậy, chỉ khi nào Cơ-đốc-nhân tin cậy nơi Kinh thánh 100% thì nguyên tắc thứ nhất nầy mới áp dụng hữu hiệu mà thôi. Tôi xin được đưa ra một vài thí dụ thực tế trong việc áp dụng nguyên tắc thứ nhất nầy trước khi trình bày đến những yêu cầu cần phải có để có thể áp dụng nguyên tắc nầy một cách kết quả. Trước đây mấy năm thì có người đã giới thiệu với tôi về những quyển sách do một số người đã viết ra khi họ tự thuật lại việc họ đã chết và sống lại. Những người đó cho biết rằng khi họ chết đi rồi thì có người được Chúa cho thấy Thiên đàng vinh hiển của Ngài đẹp đẽ như thế nào, còn những người khác thì được Chúa đưa đến hỏa ngục để thấy các tội nhân đang bị hình phạt đau đớn một cách khủng khiếp tại đó ra sao. Vì vậy mà khi họ sống lại thì đã lập tức tường thuật lại kinh nghiệm đó bằng sách vở để bán ra và phân phối cho nhiều người với lời khuyên rằng phải tin Chúa đi để được sống đời đời tại Thiên đàng đẹp đẽ và cũng để tránh hình phạt khủng khiếp tại hỏa ngục. Vì mục tiêu viết sách của họ là mong muốn người khác được cứu rỗi trong Đức Chúa Jêsus, có nghĩa là có mục tiêu cao cả về phương diện thuộc linh, nên chính vì vậy mà có rất nhiều Cơ-đốc-nhân tin rằng kinh nghiệm của họ là thật mà quên hoặc không biết áp dụng nguyên tắc Không Hề Có Sự Mâu Thuẫn Nào Trong Lời Của Chúa để nhận biết là tin vào sự từng trãi của những người ấy thì có đúng hay không.
Thứ nhất, khi Cơ-đốc-nhân nghe về việc một người nào đó đã qua đời và được Đức Chúa Trời cho vào nhìn ngắm Thiên đàng của Ngài, rồi sau đó được sống lại để làm chứng cho thế gian, thì chúng ta phải dùng lời Kinh thánh để kiểm nghiệm xem là lời làm chứng về từng trãi đó có thật hay không, bất kể là họ làm chứng vì mục tiêu nào. Theo như lời Kinh thánh cho biết thì Phao-lô, mặc dầu là người thánh của Chúa và đã làm nhiều công việc lớn lao cho Chúa trong thế gian nầy, thì cũng chỉ được Đức Chúa Trời cho nhìn thấy Ba-ra-đi, hay còn gọi là tầng trời thứ ba mà thôi, chớ chưa được thấy Thiên đàng, như lời ông đã tường thuật lại trong (2Cô-rinh-tô 12: 1-4).
Sự từng trãi nầy của Phao-lô được ông kể lại một cách khiêm nhường qua việc không đề cập trực tiếp rằng người được từng trãi đó chính là ông, nhưng sự kiện đó thì rất ứng nghiệm với việc Phao-lô bị tạm thời chết đi sống lại, như đã được đề cập đến trong (Công vụ 14: 19).
Sự tạm chết đi nầy của Phao-lô khác với việc bị ngất xỉu, vì nếu chỉ là ngất xỉu mà thôi thì khi ông bị người ta kéo đi thì chắc là phải tỉnh lại. Nhưng lời Kinh thánh cho biết là ông bị kéo đi xa như vậy mà vẫn không hồi tỉnh, thì điều đó có nghĩa là ông đã chết đi, được Đức-Thánh-Linh cho thấy Ba-ra-đi nơi tầng trời thứ ba, rồi sau đó mới sống lại.
Kinh nghiệm chết đi sống lại của Phao-lô có thể dùng để làm thước đo mà đoán định về lời làm chứng của những người kia rằng họ đã thấy được Thiên đàng. Khi Phao-lô là người thánh của Chúa và được Đức-Thánh-Linh sử dụng để viết ra phần lớn Kinh thánh Tân ước mà ông chỉ thấy được Ba-ra-đi chớ chưa thấy được Thiên đàng, thì những người kia là ai mà lại nhận được ân điển lớn hơn ân điển đã ban cho Phao-lô? Dầu chúng ta không biết những người đó, nhưng có một điều chắc chắn là họ không thể xứng đáng hơn Phao-lô để có thể nhận được ân điển lớn hơn điều mà chính Phao-lô cũng chưa nhận được. Vì nếu Cơ-đốc-nhân nào tin rằng Đức Chúa Trời ban cho những người kia ân điển tuyệt diệu hơn hẳn cả ân điển đã ban cho Phao-lô để có thể nhìn thấy Thiên đàng thì họ cũng đã gián tiếp tin rằng Đức Chúa Trời là Đấng không công bằng nên Ngài đã ban thưởng bất công cho những kẻ thiếu xứng đáng hơn Phao-lô. Ông là người mà Kinh thánh gọi là sứ đồ của Đức Chúa Jêsus thì những người kia là ai mà lại nhận được ân điển lớn hơn ân điển đã ban cho sứ đồ của Chúa. Trong câu chuyện về những người làm mướn trong vườn nho có ghi trong Ma-thi-ơ 20: 1-16 thì Đức Chúa Jêsus cho biết là những kẻ làm công giờ thứ mười một chỉ có thể nhận được sự ban cho của Chủ bằng với những người làm công từ giờ đầu tiên, chớ không có chỗ nào trong Kinh thánh cho biết là họ nhận được sự ban cho lớn hơn. Vì vậy khi những kẻ kia cho rằng họ qua đời và được Chúa cho thấy Thiên đàng của Ngài thì điều đó hoàn toàn mâu thuẫn với mỹ đức công bình của Chúa và không đáng để tin.
Điểm thứ hai mà chúng ta có thể biết rằng kinh nghiệm được thấy Thiên đàng của những người kia không đáng tin cậy là vì hiện nay Áp-ra-ham, là tổ phụ đức tin, vẫn còn ở nơi Ba-ra-đi, thì làm sao những kẻ không thể có đức tin bằng Áp-ra-ham lại thấy Thiên đàng được. Khi Đức Chúa Jêsus kể thí dụ về Ba-ra-đi thì chúng ta biết rằng điều đó phải là sự thật, vì chính Ngài là Chân Lý và là lời nói của Đấng Chân Thật hiện thân thành người, như lời Kinh thánh đã khẳng định trong các câu gốc sau:
GIĂNG 1: 14 – Ngôi Lời đã trở nên xác thịt, ở giữa chúng ta, đầy ơn và lẽ thật; chúng ta đã ngắm xem sự vinh hiển của Ngài, thật như vinh hiển của Con một đến từ nơi Cha.
GIĂNG 1: 17 – Vì luật pháp đã ban cho bởi Môi-se, còn ơn và lẽ thật bởi Đức Chúa Jêsus Christ mà đến.
GIĂNG 14: 6 – Vậy Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Ta là Đường đi, Lẽ thật, và Sự sống; chẳng bởi ta thì không ai được đến cùng Cha.
GIĂNG 6: 63 – Ấy là Thần linh làm cho sống, xác thịt chẳng ích chi. Những lời ta phán cùng các ngươi đều là Thần linh và Sự sống.
Kinh thánh đã cho biết rằng Đức Chúa Jêsus là Lẽ Thật và chính Ngài cũng đã xác định về điều đó, vậy mà có những kẻ không hiểu chân lý trong Kinh thánh lại diễn giải với con cái Chúa rằng điều mà Đức Chúa Jêsus phán về Ba-ra-đi là không có thật. Vậy mà vẫn có nhiều Cơ-đốc-nhân nghe theo. Điều nầy thì tôi đã có trình bày trong Chủ đề Đức Chúa Jêsus Và Các Thí Dụ Của Ngài, chắc quý Hội thánh còn nhớ. Nhưng tại đây thì chúng ta cần phải xác quyết rằng vì điều xãy ra tại Ba-ra-đi là lời phán của Đức Chúa Jêsus nên đó là một thực tế trong cõi vô hình mà chúng ta phải ghi nhớ để tỉnh thức và để chuẩn bị đức tin của mình cho thật đầy đủ. Vì vậy khi Áp-ra-ham là tổ phụ của đức tin mà còn ở tại Ba-ra-đi cho đến ngày Đức Chúa Jêsus tái lâm thì những kẻ kia không thể nhận được ân điển lớn hơn ân điển của Áp-ra-ham để được nhìn thấy Thiên đàng của Chúa. Những kẻ đó chắc chắn là không thể xứng đáng hơn Phao-lô và chắc chắn hơn nữa là không thể xứng đáng hơn Áp-ra-ham, là tổ phụ đức tin của mọi người theo Chúa.
Điểm thứ ba mà chúng ta thấy rằng kinh nghiệm của những kẻ kia không đáng tin cậy, ấy là Phao-lô đã cho biết rằng khi ông được nhìn thấy Ba-ra-đi ở từng trời thứ ba thì Chúa đã có phán dặn rằng không được nói thêm gì hơn nữa về nơi ấy, như lời Phao-lô đã có ghi lại trong 2Cô-rinh-tô 12: 3-4 mà chúng ta đã đọc qua khi nãy và tôi xin được đọc lại lần nữa để chúng ta có thể hiểu được mạng lệnh ấy.
Hai câu gốc nầy cho thấy rằng khi Phao-lô được nhìn thấy quang cảnh của Ba-ra-đi tại tầng trời thứ ba và nghe được những lời tại đó thì ông không được mô tả hoặc nói thêm gì về nơi ấy cả. Mạng lệnh nầy của Chúa không chỉ dành cho Phao-lô mà cũng dành cho tất cả những người khác nhận được ân điển đó. Chính vì vậy mà trong cả Kinh thánh thì chốn Ba-ra-đi chỉ có một mình Đức Chúa Jêsus nhắc đến mà thôi. Nhưng những kẻ không hiểu rõ chân lý trong Kinh thánh thì lại cho rằng vì trong cả Kinh thánh chỉ có một mình Đức Chúa Jêsus là nhắc đến Ba-ra-đi nên nơi đó là không có thật. Như vậy thì chúng ta có thể thấy rằng việc không thông hiểu Kinh thánh sẽ dẫn người ta đến chỗ sai lầm, thậm chí phạm thượng giống như vậy.
Theo lời của Đức Chúa Jêsus thì Ba-ra-đi là nơi chốn có thật trong cõi vô hình, vì chính Ngài đã từng phán với người tử tội bị đóng đinh một bên Ngài tại đồi Gô-gô-tha rằng ông sẽ được cùng với Ngài đến nơi đó, như lời của Chúa đã phán và đã có ghi lại trong (Lu-ca 23: 43).
Thêm nữa, vì Ba-ra-đi là nơi có thật nhưng không phải là Thiên đàng nên khi Đức Chúa Jêsus sống lại thì Ngài đã cho bà Ma-ri biết là Ngài chưa lên cùng Đức Chúa Cha, có nghĩa là chưa trở lại nơi Đức Chúa Trời đang ngự trị, mặc dầu Ngài đã vào Ba-ra-đi rồi, như lời mà Đức Chúa Jêsus đã phán và đã có ghi lại trong (Giăng 20: 17).
Chính vì chưa trở lại Thiên đàng nên Đức Chúa Jêsus mới báo trước cho các môn đồ biết qua câu Kinh thánh nầy rằng Ngài sẽ ngự lên nơi ấy vào thời gian sau nầy, tức là sau khi Ngài đã ở thêm với các môn đồ trong bốn mươi ngày để dạy dỗ họ về đường lối của Chúa. Lúc bấy giờ thì Ngài mới chính thức thăng thiên để trở về Thiên đàng mà ngồi bên hữu Đức Chúa Trời, như lời Kinh thánh đã được ghi lại trong các câu gốc sau:
CÔNG VỤ 1: 1-3 – Hỡi Thê-ô-phi-lơ, trong sách thứ nhất ta, ta từng nói về mọi điều Đức Chúa Jêsus đã làm và dạy từ ban đầu, cho đến ngày Ngài được cất lên trời, sau khi Ngài cậy Đức Thánh Linh mà răn dạy các sứ đồ Ngài đã chọn. Sau khi chịu đau đớn rồi, thì trước mặt các sứ đồ, Ngài lấy nhiều chứng cớ tỏ ra mình là sống, và hiện đến với các sứ đồ trong bốn mươi ngày, phán bảo những sự về nước Đức Chúa Trời.
CÔNG VỤ 1: 9 – Ngài phán bấy nhiêu lời rồi, thì được cất lên trong lúc các người đó nhìn xem Ngài, có một đám mây tiếp Ngài khuất đi, không thấy nữa.
Căn cứ vào các câu Kinh thánh vừa được trưng dẫn thì chúng ta thử nghĩ mà xem, nếu nói theo những kẻ kia rằng Ba-ra-đi không có thật hoặc Ba-ra-đi là Thiên đàng, thì chẳng lẽ Đức Chúa Jêsus sau khi bị đóng đinh rồi thì Ngài về Thiên đàng nhưng không gặp Đức Chúa Trời, và sau đó Ngài trở lại thế gian để phán với bà Ma-ri rằng Ngài chưa lên cùng Cha, rồi ở với các môn đồ 40 ngày và thăng thiên trở về lại Thiên đàng lần thứ hai. Khi những kẻ kia tuyên bố rằng Ba-ra-đi không có thật hoặc Ba-ra-đi là Thiên đàng thì điều đó cho thấy rằng họ đã diễn giải Kinh thánh bằng ý riêng chớ không phải căn cứ vào lời của Chúa. Vì vậy mà đây cũng là một trong những thí dụ có thể giúp cho chúng ta thấy rằng khi người ta cậy nhờ nơi năng lực cá nhân để diễn giải lời Kinh thánh thì họ thường đi đến những chỗ mâu thuẫn giống như vậy, tức là mâu thuẫn với chính họ và nhất là mâu thuẫn với lẽ thật của Chúa trong Kinh thánh. Vì vậy mà Cơ-đốc-nhân chúng ta cần phải hết sức cẩn thận về những điều mình đã nghe.
Bởi lẽ đó mà khi Cơ-đốc-nhân muốn áp dụng nguyên tắc Không Hề Có Sự Mâu Thuẫn Nào Trong Lời Của Chúa thì chúng ta cần phải biết nhiều về Kinh thánh. Đó là yêu cầu quan trọng thứ nhất khi muốn xử dụng nguyên tắc nầy. Bằng nếu không biết nhiều Kinh thánh thì dẫu có muốn áp dụng nguyên tắc nầy thì cũng không thể thực hiện được. Chính vì lý do ấy mà Hội thánh chúng ta đã có chương trình đọc Kinh thánh hằng tuần chung với nhau suốt hơn mười năm qua, với mục tiêu là khích lệ và giúp đỡ quý Hội thánh biết nhiều hơn, hiểu nhiều hơn và nhớ nhiều hơn lời của Đức Chúa Trời. Chỉ có như thế thì chúng ta mới xứng đáng là con cái của Sự Sáng, đi trong sự sáng và làm ánh sáng cho thế gian theo như các lời mà Đức Chúa Trời đã có cho ghi lại trong Kinh thánh.
1TÊ-SA-LÔ-NI-CA 5: 5 – Anh em đều là con của Sự sáng và con của Ban ngày. Chúng ta không phải thuộc về ban đêm, cũng không phải thuộc về sự mờ tối.
THI THIÊN 119: 105 – Lời Chúa là ngọn đèn cho chân tôi, ánh sáng cho đường lối tôi.
MA-THI-Ơ 5: 14 – Các ngươi là sự sáng của thế gian; một cái thành ở trên núi thì không khi nào bị khuất được.
Nếu Cơ-đốc-nhân không biết nhiều về Kinh thánh hoặc tự đánh lừa chính mình rằng đã biết Kinh thánh đủ rồi thì con dân của Chúa có thể bị người ta dẫn dắt sai lạc khỏi đường lối của Ngài bằng khả năng hùng biện của họ khi diễn giải Kinh thánh. Khả năng nầy thì người chưa tin và những kẻ thờ lạy thần tượng cũng có nữa, cho nên ma quỉ có thể dùng điều đó để dẫn dụ Cơ-đốc-nhân. Nhưng nếu con dân Chúa biết sử dụng Kinh thánh như các Cơ-đốc-nhân của thời kỳ Hội thánh đầu tiên thì chúng ta sẽ được vững vàng trong đức tin cho đến cuối cùng. Xin chúng ta đọc trong sách Công vụ 17: 10-11 thì sẽ thấy được tấm gương của các Cơ-đốc-nhân thời xưa trong việc dùng Kinh thánh để tra xét lời giảng dạy của người khác.
CÔNG VỤ 17: 10-11 – Tức thì, trong ban đêm, anh em khiến Phao-lô và Si-la đi đến thành Bê-rê. Đến nơi rồi, thì vào nhà hội người Giu-đa. Những người nầy có ý hẳn hoi hơn người Tê-sa-lô-ni-ca, đều sẵn lòng chịu lấy đạo, ngày nào cũng tra xem Kinh thánh, để xét lời giảng có thật chăng.
Qua hai câu Kinh thánh nầy thì chúng ta có thể thấy rằng đối với các Cơ-đốc-nhân ngày xưa thì ngay cả lời giảng của Phao-lô và Si-la mà họ còn phải tra xem Kinh thánh để biết xem lời giảng của hai ông có đúng với lẽ thật hay không, huống chi là Cơ-đốc-nhân ngày nay đối với sự diễn giải Kinh thánh của các mục sư và giáo sĩ sau nầy. Chỉ bởi tra xem và so sánh với các chân lý và nguyên tắc căn bản trong Kinh thánh thì Cơ-đốc-nhân mới giữ được đức tin của mình cho đúng đường lối mà Đức Chúa Trời đã định. Vì loài người thì có nhiều ý tưởng khác nhau, nhưng lời của Chúa thì đều thống nhất trước sau như một. Bởi thế mà đối với nguyên tắc thứ nhất nầy thì chúng ta nên ghi nhớ và sử dụng luôn luôn trong mọi trường hợp cần thiết, cả trong phương diện thuộc linh lẫn thuộc thể. Nhất là quý Hội thánh phải hết sức trung tín trong việc đọc lời của Chúa và học hỏi những tín lý căn bản trong Kinh thánh. Lần tới thì tôi xin được trình bày tiếp thêm về sự từng trãi được nhìn thấy Thiên đàng của những người kia và ý nghĩa thật của việc giữ chìa khóa nước Thiên đàng là như thế nào để quý Hội thánh có thể biết nhiều hơn về nguyên tắc thứ nhất mà chúng ta vừa suy gẫm qua sáng hôm nay.
Vì vậy cầu xin Đức Chúa Trời tiếp tục ban phước luôn cho quý Hội thánh để khích lệ chúng ta trong việc trung tín nghiên cứu và học hỏi lời của Ngài trong Kinh thánh. Cầu xin Đức Chúa Trời ban ơn cho Cơ-đốc-nhân được bình an cả bên trong lẫn bên ngoài để con dân Chúa có thể yên tâm mà chuyên chú vào Lời sự sống. Và cầu xin Đức-Thánh-Linh tiếp tục soi sáng cho Cơ-đốc-nhân về các ý nghĩa cùng các tín lý quan trọng trong cả quyển Kinh thánh để nhờ đó mà con dân Chúa cứ bước đi trong sự sáng láng để làm vinh hiển Chúa, để được lợi ích cho đức tin của chính mình và để làm chứng tốt cho người chưa tin. Amen.
CÁC NGUYÊN TẮC CĂN BẢN TRONG KINH THÁNH
Ê-SAI 44: 22 – Ta đã xóa sự phạm tội ngươi như mây đậm, và tội lỗi ngươi như đám mây. Hãy trở lại cùng ta, vì ta đã chuộc ngươi.
LU-CA 23: 43 – Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Quả thật, ta nói cùng ngươi, hôm nay ngươi sẽ được ở với ta trong nơi Ba-ra-đi.
GIĂNG 6: 63 – Ấy là Thần linh làm cho sống, xác thịt chẳng ích chi. Những lời ta phán cùng các ngươi đều là Thần linh và Sự sống.
GIĂNG 20: 17 – Đức Chúa Jêsus phán rằng: Chớ rờ đến ta, vì ta chưa lên cùng Cha! Nhưng hãy đi đến cùng anh em ta, nói rằng ta lên cùng Cha ta và Cha các ngươi, cùng Đức Chúa Trời ta và Đức Chúa Trời các ngươi.
CÔNG VỤ 14: 19 – Bấy giờ có mấy người Giu-đa từ thành An-ti-ốt và thành Y-cô-ni đến dỗ dành dân chúng. Chúng ném đá Phao-lô, tưởng người đã chết, nên kéo ra ngoài thành.
2CÔ-RINH-TÔ 12: 1-4 – Tôi cần phải khoe mình, dầu chẳng có ích gì; nhưng tôi sẽ nói đến các sự hiện thấy và sự Chúa đã tỏ ra. Tôi biết một người trong Đấng Christ, cách mười bốn năm trước, đã được đem lên đến từng trời thứ ba (hoặc trong thân thể người, hoặc ngoài thân thể người, tôi chẳng biết, có Đức Chúa Trời biết). Tôi biết người đó (hoặc trong thân thể người, hoặc ngoài thân thể người, tôi cũng chẳng biết, có Đức Chúa Trời biết), được đem lên đến chốn Ba-ra-đi, ở đó, nghe những lời không thể nói, mà không có phép cho người nào nói ra.
GA-LA-TI 5: 1 – Đấng Christ đã buông tha chúng ta cho được tự do; vậy hãy đứng vững, chớ lại để mình dưới ách tôi mọi nữa.
1CÔ-RINH-TÔ 2: 5 – Hầu cho anh em chớ lập đức tin mình trên sự khôn ngoan loài người, bèn là trên quyền phép Đức Chúa Trời.