THÁNH KINH GIẢI LUẬN / 2Phi-e-rơ 3: 18

2PHI-E-RƠ 3: 18 – Hãy tấn tới trong ân điển và trong sự thông biết Chúa và Cứu Chúa chúng ta là Đức Chúa Jêsus Christ. Nguyền xin vinh hiển về nơi Ngài, từ rày đến đời đời! A-men.

*******

Vì câu Kinh thánh nầy có chữ HÃY đứng đầu cho nên chúng ta biết đây là một mạng lệnh hoặc là một lời khuyên. Theo ý nghĩa thông thường thì mạng lệnh là điều cần phải làm và lời khuyên là điều cần nên làm. Vì vậy mặc dầu là mạng lệnh hoặc là một lời khuyên thì câu Kinh thánh nầy cũng đều có cùng một ý nghĩa là Cơ-đốc-nhân phải thực hiện theo ý muốn của Chúa đã được bày tỏ qua câu Kinh thánh nầy.

Trước hết thì chúng ta cần phải để ý đến chữ TẤN TỚI. Đây là chữ có nghĩa là tăng trưởng hoặc thêm lên mỗi một ngày. Chữ TẤN TỚI còn có nghĩa là không dừng lại, cũng như một cái cây tăng trưởng liên tục cho đến khi trưởng thành.

Khi suy nghĩ đến chữ TẤN TỚI thì chúng ta hiểu rằng tất cả các Cơ-đốc-nhân đều đã nhận được ân điển của Chúa, nhưng mức độ của những ân điển ấy phải được thêm lên mỗi một ngày không ngừng nghỉ.

Tất cả chúng ta đều biết rằng Đức Chúa Trời là Đấng Yêu Thương và sự yêu thương của Ngài là bao la bất tận. Vì vậy khi Chúa muốn con dân Ngài phải tấn tới trong ân điển tức là Cơ-đốc-nhân cần phải làm sao để chính mình có thể nhận được ơn phước của Chúa nhiều hơn mỗi một ngày và cứ tăng thêm mãi cho đến đời đời.

Cũng bởi lẽ đó mà khi chúng ta suy nghĩ đến việc đây là một mạng lệnh thì mới thấy được tình yêu của Chúa đối với chúng ta là lớn lao như thế nào. Chúa muốn chúng ta cứ nhận được ân điển của Chúa luôn luôn, không ngừng nghỉ. Chẳng những thế thôi Chúa còn muốn chúng ta nhận ơn phước của Chúa nhiều thêm lên mỗi ngày.

Nhưng có thể là khi đề cập đến đây thì có người sẽ thắc mắc rằng nếu Đức Chúa Trời đã muốn con dân Ngài nhận được ân điển thêm lên mỗi một ngày thì Ngài cứ việc tự nhiên ban phước cho có phải là hay hơn không, đâu cần phải đặt ra mạng lệnh làm chi.

Nhưng khi đặt câu hỏi như vậy thì Cơ-đốc-nhân có thể đã quên rằng Đức Chúa Trời còn là Đấng Công Bình nữa. Ngài không thể ban phước cho con người một cách vô lý được, nhất là ban phước vô lý cho Cơ-đốc-nhân. Mặc dầu Đức Chúa Trời yêu thương và chịu chết cho cả nhân loại, nhưng không phải tất cả mọi người đều được cứu, mà chỉ có những người chịu tin nhận Ngài và đầu phục Ngài mà thôi. Cũng một thể ấy mặc dầu Đức Chúa Trời yêu thương Cơ-đốc-nhân nhưng Ngài không thể ban phước cho con dân Ngài một cách vô lý, nhất là ban phước cho những người biếng nhác trong phương diện thuộc linh.

Vì vậy khi Chúa ban ra mạng lệnh rằng phải tất tới trong ân điển của Ngài thì điều đó có nghĩa là Cơ-đốc-nhân phải cố gắng để có thể nhận được ơn phước của Chúa nhiều hơn mỗi một ngày.

Theo lời của Chúa thì ân điển hoặc ơn phước thì có nhiều loại, bao gồm mọi phương diện trong cuộc đời của chúng ta, từ phương diện tâm thần, sức khỏe, công việc làm, học tập, giao tiếp, đi lại, ăn uống, ngủ nghỉ, mà Kinh thánh gọi chung là mọi ân điển hoặc là mọi ơn phước:

GIA-CƠ 1: 17 – Mọi ân điển tốt lành cùng sự ban cho trọn vẹn đều đến từ nơi cao và bởi Cha sáng láng mà xuống, trong Ngài chẳng có một sự thay đổi, cũng chẳng có bóng của sự biến cải nào.

2CÔ-RINH-TÔ 9: 8 – Đức Chúa Trời có quyền ban cho anh em đủ mọi thứ ơn đầy dẫy, hầu cho anh em hằng đủ điều cần dùng trong mọi sự, lại còn có rời rộng nữa để làm các thứ việc lành.

Ê-PHÊ-SÔ 1: 3 – Ngợi khen Đức Chúa Trời, Cha Đức Chúa Jêsus Christ chúng ta, Ngài đã xuống phước cho chúng ta trong Đấng Christ đủ mọi thứ phước thiêng liêng ở các nơi trên trời,

PHI-LÍP 4: 19 – Đức Chúa Trời tôi sẽ làm cho đầy đủ mọi sự cần dùng của anh em y theo sự giàu có của Ngài ở nơi vinh hiển trong Đức Chúa Jêsus Christ.

Vì vậy khi Đức Chúa Trời truyền phán rằng chúng ta phải tấn tới trong ân điển của Ngài thì Cơ-đốc-nhân phải thực hiện những điều mà Chúa muốn, vì đó là cách để chúng ta có thể nhận được phước của Chúa nhiều hơn mỗi một ngày.

GIÔ-SUÊ 1: 8 – Quyển sách luật pháp nầy chớ xa miệng ngươi, hãy suy gẫm ngày và đêm, hầu cho cẩn thận làm theo mọi điều đã chép ở trong; vì như vậy ngươi mới được may mắn trong con đường mình, và mới được phước.

GIÊ-RÊ-MI 7: 23 – Nhưng, nầy là mạng lịnh mà ta đã truyền cho họ: Hãy nghe tiếng ta, thì ta sẽ làm Đức Chúa Trời các ngươi, các ngươi sẽ làm dân ta; hãy đi theo cả đường lối ta dạy cho, để các ngươi được phước.

GIA-CƠ 1: 25 – Nhưng kẻ nào xét kĩ luật pháp trọn vẹn, là luật pháp về sự tự do, lại bền lòng suy gẫm lấy, chẳng phải nghe rồi quên đi, nhưng hết lòng giữ theo phép tắc nó, thì kẻ đó sẽ tìm được phước trong sự mình vâng lời.

Nhưng mạng lệnh của Chúa trong câu gốc nầy không chỉ dừng lại tại chỗ phán dạy rằng Cơ-đốc-nhân phải tấn tới trong ân điển của Chúa, mà còn truyền phán thêm rằng con dân Chúa cũng phải tấn tới trong sự thông biết Chúa.

Được phước của Chúa là đều mà tất cả các Cơ-đốc-nhân đều muốn, nhưng số người muốn biết nhiều thêm về Chúa thì lại ít lắm.

Biết về Chúa khác với việc thực hành tin kính, chẳng hạn như đi nhà thờ, đọc Kinh thánh, cầu nguyện, dâng hiến, phục vụ.

Biết về Chúa có nghĩa là hiểu rằng Đức Chúa Trời là Đấng thế nào, bản tánh, mỹ đức của Chúa ra sao và phải hiểu đường lối của Chúa, tức là hiểu cách thức mà Chúa đang tể trị vũ trụ và thế gian, hiểu rằng tại sao Chúa lại làm điều nầy hoặc cho phép điều kia xãy ra, nhất là trong những trường hợp hoàn toàn khác hẳn với quan niệm chung của con người.

Bởi lẽ đó mà theo tâm lý thông thường thì Cơ-đốc-nhân có thể dễ dàng thực hiện mạng lệnh thứ nhất của Chúa trong câu gốc nầy, có nghĩa là tìm cách tấn tới trong ân điển, nhưng đối với mạng lệnh thứ hai là tấn tới trong sự thông biết Chúa thì có nhiều người lại bỏ qua.

Chẳng những thế thôi mà còn có một số Cơ-đốc-nhân nghĩ rằng đi nghe thờ nghe giảng mỗi Chúa nhật là cách tìm hiểu về Chúa, nhưng thật ra thì những lần như vậy chỉ là nghe để biết chớ chưa thật sự hiểu về Chúa bao nhiêu, nhất là trong thời kỳ hiện tại thì thường thích nghe những bài giảng khích lệ, an ủi, hoặc vui cười chớ ít khi được nghe về luật pháp, tức là những điều Chúa muốn Cơ-đốc-nhân phải làm và lại càng ít được nghe về những bài giảng liên quan đến bản tánh của Đức Chúa Trời.

Khuynh hướng chung trong các bài giảng cũng như trong ý thích của Cơ-đốc-nhân đã làm cho con dân Chúa không hiểu về chính mình Chúa bao nhiêu. Một trong những thí dụ điển hình là Cơ-đốc-nhân thường biết về mỹ đức yêu thương của Chúa nhưng lại ít biết về bản tánh công bình, thánh khiết của Ngài. Bởi lẽ đó mà Cơ-đốc-nhân thường không chú ý đến vấn đề phải sống thế nào để xứng đáng với tiêu chuẩn của Kinh thánh, nhất là vẫn thường từ chối việc phải nên thánh ngay khi còn sống trong trần gian nầy mặc dầu đó là điều mà Đức Chúa Trời đã nhiều lần nhấn mạnh đến trong lời của Ngài.

2PHI-E-RƠ 3: 11 – Vì mọi vật đó phải tiêu tán thì anh em đáng nên thánh và tin kính trong mọi sự ăn ở của mình là dường nào.

HÊ-BƠ-RƠ 12: 14 – Hãy cầu sự bình an với mọi người, cùng tìm theo sự nên thánh, vì nếu không nên thánh thì chẳng ai được thấy Đức Chúa Trời.

1TÊ-SA-LÔ-NI-CA 4: 3 – Vì ý muốn Đức Chúa Trời, ấy là khiến anh em nên thánh: tức là phải lánh sự ô uế.

(còn tiếp)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *