SỰ THỊNH VƯỢNG
THÁNH KINH TỔNG QUÁT
PHẦN THỨ NĂM – CON NGƯỜI
VI. ĐỜI SỐNG THUỘC THỂ
SỰ THỊNH VƯỢNG
Trong đời sống nầy, cả Cơ-đốc-nhân lẫn người chưa tin Chúa đều có chung một số ao ước trong phương diện thuộc thể. Một trong những ao ước mà con người vẫn hằng mong mõi là làm sao để được thịnh vượng (có nghĩa là được giàu có, sung túc). Đức Chúa Trời biết được điều đó và chính Ngài cũng muốn ban cho con dân Chúa một đời sống sung túc cả trong cõi thuộc linh lẫn đời thuộc thể. Vì vậy mà trong Kinh thánh đã có ghi lại những bí quyết để con dân Chúa có thể theo đó mà đạt được sự thịnh vượng tốt đẹp vốn đã được Đức Chúa Trời dành sẳn để ban cho chúng ta.
BÍ QUYẾT ĐỂ ĐƯỢC THỊNH VƯỢNG TRONG CHÚA
Bí quyết thứ nhất mà Kinh thánh có bày tỏ để Cơ-đốc-nhân có thể tìm cầu cho chính mình sự thịnh vượng trong Chúa là phải có lòng kính sợ Đức Chúa Trời một cách trọn vẹn, như trường hợp của các bà mụ người Hê-bơ-rơ trong thời dân Y-sơ-ra-ên còn làm phu tù tại Ai-cập:
(Xuất Ê-díp-tô ký 1: 21) Ấy vậy, vì bà mụ có lòng kính sợ Đức Chúa Trời, nên Ngài làm cho nhà họ được thạnh vượng.
Bí quyết thứ hai để có thể tìm được sự thịnh vượng trong Chúa là biết vâng phục và làm theo mọi điều Kinh thánh đã dạy dỗ, theo như lời mà Đức Chúa Trời đã truyền cho Y-sơ-ra-ên ngày xưa phải thực hiện:
(Giô-suê 1: 7) Chỉ hãy vững lòng bền chí, và cẩn thận làm theo hết thảy luật pháp mà Môi-se, tôi tớ ta, đã truyền cho ngươi; chớ xây qua bên hữu hoặc bên tả, để hễ ngươi đi đâu cũng đều được thạnh vượng.
Mặc dầu Cơ-đốc-nhân đang sống trong thời kỳ ân điển nhưng nhiều điều trong luật pháp của Chúa vẫn còn được áp dụng. Chẳng những thế thôi, mạng lệnh của Chúa dành cho Cơ-đốc-nhân ngày nay còn sâu sắc và đầy đủ hơn là luật pháp mà dân Y-sơ-ra-ên ngày xưa phải tuân thủ. Vì vậy Cơ-đốc-nhân cần phải biết rõ điều nào mình cần phải làm, điều nào cần phải tránh (theo như sự dạy dỗ của Kinh thánh) để có thể tìm cầu cho chính mình, gia đình và Hội thánh địa phương sự thịnh vượng mà Đức Chúa Trời đã dành sẳn cho những người có đời sống đẹp lòng Ngài.
Một trong những thí dụ điển hình mà Kinh thánh có ghi chép lại là trường hợp của Sa-lô-môn. Trong buổi đầu trị vì của ông, Sa-lô-môn đã có một đời sống đẹp lòng Chúa nên ông được Chúa ở cùng và nhờ đó mà trở nên rất thạnh vượng, đất nước được hùng cường, giàu có:
(2Sử ký 1: 1) Sa-lô-môn, con trai Đa-vít, được vững bền trong nước mình; Giê-hô-va Đức Chúa Trời người ở cùng người, và làm cho người rất thạnh vượng.
ĐẶC ĐIỂM CỦA SỰ THỊNH VƯỢNG MÀ CHÚA BAN CHO
Ấy là Cơ-đốc-nhân không thể nào lầm lẫn được giữa sự thịnh vượng do sức riêng của cá nhân đạt được và sự thịnh vượng bởi sự ban cho của Đức Chúa Trời, giống như trong trường hợp của Đa-vít:
(2Sa-mu-ên 5: 12) Bấy giờ, Đa-vít nhìn biết rằng Đức Giê-hô-va đã lập mình làm vua trên Y-sơ-ra-ên, và khiến nước mình được thạnh vượng vì cớ dân Y-sơ-ra-ên của Ngài.
Sự phân biệt như vậy giúp cho Cơ-đốc-nhân tránh được trình trạng lầm lẫn hoặc bị lừa dối bởi sự giả tạo của một số người khi họ dùng sự gian dối để đạt được những thành công trong cuộc sống rồi sau đó (nhằm đánh bóng cá nhân họ như một người có đạo đức và biết kính sợ Chúa) vào giữa Hội thánh lớn tiếng cảm tạ Chúa về những điều họ có trong khi mọi người đều biết rằng đó chỉ là kết quả của xác thịt mà thôi.
ĐIỀU CẦN PHẢI LÀM KHI ĐÃ ĐƯỢC THỊNH VƯỢNG
Con dân Chúa khi được Ngài ban phước cho và trở nên thịnh vượng, thì phải biết làm chứng về điều đó mà dâng sự vinh hiển cho Đức Chúa Trời. Áp-ra-ham chắc đã hằng làm như vậy đến nỗi người đầy tớ của ông cũng rất dạn dĩ để làm chứng về sự thịnh vượng mà Chúa đã ban cho nhà Áp-ra-ham:
(Sáng thế ký 24: 25) Đức Giê-hô-va đã ban phước cho chủ tôi bội phần, trở nên thạnh vượng; Ngài cho chủ tôi chiên, bò, bạc, vàng, tôi trai tớ gái, lạc đà và lừa.
KẾT QUẢ CỦA SỰ THỊNH VƯỢNG
Sự thịnh vượng mà Chúa ban cho sẽ làm cho con dân Ngài trở nên những người có ảnh hưởng rộng lớn giống như trường hợp của Áp-ra-ham:
(Sáng thế ký 26: 13) Người nên thạnh vượng, của cải càng ngày càng thêm cho đến đỗi người trở nên rất lớn.
Cũng như trong trường hợp của Giô-sép, sự may mắn và thịnh vượng mà Chúa ban cho ông đã phải làm cho chủ để ý và mặc dầu Giô-sép chỉ là một kẻ nô lệ trong nhà nhưng ông vẫn được chủ tin cậy:
(Sáng thế ký 39: 3) Chủ thấy Đức Giê-hô-va phù hộ chàng và xui cho mọi việc chi chàng lãnh làm nơi tay đều được thạnh vượng.
Sự tin cậy như vậy cũng thấy xãy ra cả khi Giô-sép bị hàm oan và bị giam trong ngục. Sự may mắn thịnh vượng mà Chúa đã ban giúp cho Giô-sép tạo được lòng tin nơi người cai ngục mặc dầu lúc ấy Giô-sép đang ở trong thân phận tù đày:
(Sáng thế ký 39: 23) Chủ ngục chẳng soát lại những việc đã ở nơi tay Giô-sép, vì có Đức Giê-hô-va phù hộ chàng, xui cho việc chi chàng làm cũng được thạnh vượng.
HẬU QUẢ CỦA SỰ THỊNH VƯỢNG
Khi một người được thịnh vượng thì có thể bị người khác ganh ghét và tìm cách xa lánh, như trong trường hợp của A-bi-mê-léc đối với Áp-ra-ham. Vì vậy con dân Chúa khi được Ngài ban cho sự thịnh vượng thì cũng cần phải chuẩn bị tâm lý để đối diện với sự ghen ghét và ganh tỵ của người đời:
(Sáng thế ký 26: 16) A-bi-mê-léc nói cùng Y-sác rằng: Hãy ra khỏi nơi ta, vì ngươi thạnh vượng hơn chúng ta bội phần.
(còn tiếp)