BẢO TÀNG VIỆN KINH THÁNH ĐẦU TIÊN TẠI MỸ
Ngày thứ Tư 2/24 vừa qua Bảo tàng viện sưu tầm về Kinh thánh đã được mở cửa lần đầu tiên tại Nashville, tiểu bang Tennessy, trong khuôn viên hội trường báo chí Cơ-đốc giáo thế giới của xướng ngôn viên tôn giáo quốc gia (National Religious Broadcasters International Christian Media Convention). Đây là bảo tàng viện đầu tiên tại Hoa-kỳ trưng bày các cổ vật về Kinh thánh và các dụng cụ sao chép Kinh thánh từ xưa đến nay do gia đình ông Green, chủ nhân của các cửa hàng thủ công Hobby Lobby sưu tầm và thành lập. Tại bảo tàng viện người ta có thể tìm thấy nhiều cổ vật hiếm rất quý giá về sự sao chép các bảng Kinh thánh cổ xưa cùng những di vật tại các khu vực được đề cập đến trong Kinh thánh. Đây chỉ là lần mở cửa thử nghiệm để giới thiệu với báo chí mặc dầu dân chúng vẫn có thể tự do tham gia. Ban quản trị cho biết là bảo tàng sẽ chính thức được trưng bày tại thủ đô Washington, chỉ cách dinh thự Quốc hội (Capitol) có 3 dãy nhà mà thôi và sẽ bắt đầu mở cửa vào năm 2016. Với cơ sở cao tám tầng và tổng diện tích là 430,000 bước vuông (square feet) bảo tàng nầy sẽ là nơi thu hút đủ mọi tầng lớp dân chúng đến tham quan, nhất là giới học giả Kinh thánh. Giám đốc viện bảo tàng Cary Summers cho biết là trong số những cố vấn chuyên khoa về Kinh thánh thì 20% là người Công giáo, 20% là người Do thái, 60% còn lại là người Tin Lành từ tất cả các giáo hội.
Tại Israel, các nhà khảo cổ học người Do-thái đã khám phá ra các di tích về vải lụa, da thuộc và hạt giống có tuổi từ thời đại của vua Đa-vít và Sa-lô-môn, tức là thế kỷ thứ 10 trước Thiên Chúa giáng sinh (T.C.). Khám phá nầy giúp cho các học giả Kinh thánh có thể biết thêm về đời sống của người Y-sơ-ra-ên vào thời đại ấy như thế nào. Đó là theo lời phát biểu của giáo sư Erez ben-Yosef, người đứng đầu đoàn khảo cổ thuộc viện đại học Tel-Aviv. Địa điểm mà người ta khai quật được các cổ vật nằm trong khu vực mỏ đồng Timna, nơi mà các nhà khảo cổ học tin rằng đã được khai thác vào thời vua Sa-lô-môn. Nhờ vào khí hậu rất khô tại khu vực nầy mà các vải lụa, da thuộc và hạt giống được giữ lại trong điều kiện tốt suốt nhiều thế kỷ qua. Chẳng những vậy thôi, các di vật nầy còn giúp cho các chuyên gia khảo cổ biết thêm về văn hóa của người Ê-đôm, là cư dân ở tại khu vực trước khi người Y-sơ-ra-ên vào chiếm lấy Đất hứa.