BẰNG CHỨNG TÌNH YÊU CHÚA

Vào những ngày cuối năm người ta thường bận rộn để đón năm mới, ít người để ý rằng khi chúng ta có cơ hội dự thêm một mùa Giáng Sinh nữa thì đó là bằng chứng của tình yêu Chúa đối với chúng ta trong suốt một năm dài. Ðiều đó có nghĩa là Chúa đã ban phước và gìn giữ chúng ta được bình an khỏi những nguy hiểm, bệnh tật thường thấy xãy ra trong đời.

Theo như báo cáo từ các số liệu thống kê của Liên Hiệp Quốc trong năm 2015 thì mỗi năm trên thế giới có khoảng 7.3 triệu người chết vì bệnh tim, hơn 3.1 triệu người chết vì bệnh phổi, hơn 1.2 triệu người chết vì tai nạn xe cộ, và hơn 1.4 triệu bị chết vì bệnh tiểu đường. Ðể có thể so sánh thì con số tử vong do các cuộc chiến tranh chỉ làm chết khoảng 120,000 mà thôi, thấp hơn con số tử vong do bệnh tật gây ra. Riêng tại Hoa-kỳ mỗi năm có hơn 40,000 người bị thiệt mạng vì tai nạn giao thông.

Khi chúng ta suy nghĩ đến những con số to lớn như vậy thì mới biết rằng trong cõi thuộc linh, nơi mà mắt người không thấy được thì Ðức Chúa Trời đang ban phước và gìn giữ con người khỏi những tai nạn trong cuộc sống. Vì vậy khi chúng ta còn mở mắt để thấy thêm một ngày mới, còn kinh nghiệm được niềm vui cuối năm thì đó là bằng chứng của tình yêu Chúa đã ban cho chúng ta trong một năm vừa qua.

Kinh thánh cho chúng ta biết là con người chúng ta không thể chắc chắn được về ngày mai hay tương lai của chính mình:

(Gia-cơ 4: 14) Song ngày mai sẽ ra thế nào, anh em chẳng biết! Vì sự sống của anh em là chi? Chẳng qua như hơi nước, hiện ra một lát rồi lại tan ngay.

Ðây là điều tất cả chúng ta đều cảm nhận được, nhưng nhiều khi không thật sự để tâm đến vì mãi lo với những bận rộn trước mắt hoặc cố tình quên lãng để tránh sợ hãi. Dầu vậy ai ai cũng đều muốn kéo dài sự sống mình trên quả đất nầy, và dân Y-sơ-ra-ên ngày xưa cũng có tâm lý đó, như điều Chúa đã phán trước về họ khi phải chịu sự hình phạt về tội không vâng phục:

(Phục truyền 28: 66) Sự sống ngươi vẫn không chắc trước mặt ngươi; ngày và đêm ngươi hằng sợ hãi, khó liệu bảo tồn sự sống mình.

Ðối với Cơ-đốc-nhân thì chúng ta biết rằng nếu có phải từ giã đời sống nầy để về nghỉ ngơi trong Chúa thì đó là một ơn phước, như lời Kinh thánh đã xác nhận:

(Khải huyền 14: 13) Tôi nghe có tiếng đến từ trên trời rằng: Hãy viết lấy: Từ rày, phước thay cho những người chết là người chết trong Chúa! Đức Thánh Linh phán: Phải, vì những người ấy nghỉ ngơi khỏi sự khó nhọc, và việc làm mình theo sau.

Chính sứ đồ Phao-lô cũng nhận biết như vậy và ông từng bày tỏ lòng ao ước của chính ông cũng như của những người đồng thời với ông trong các Hội thánh thời bấy giờ về việc được về nghỉ ngơi trong Chúa để tránh khỏi những nhọc nhằn khốn khó của đời sống trần gian:

(2Cô-rinh-tô 5: 8) Vậy tôi nói, chúng ta đầy lòng tin cậy, muốn lìa bỏ thân thể nầy đặng ở cùng Chúa thì hơn.

(Phi-líp 1: 23-24) Tôi bị ép giữa hai bề muốn đi ở với Đấng Christ, là điều rất tốt hơn; nhưng tôi cứ ở trong xác thịt, ấy là sự cần hơn cho anh em.

Nhưng có một điều chắc chắn là không một Cơ-đốc-nhân nào có ý nghĩ rằng cứ hễ tin Chúa rồi được chết là sướng nhất. Chúng ta ai cũng muốn duy trì sự sống mình trên đất cho đến chừng nào hết những ngày mà Chúa đã chỉ định cho mỗi một người. Vì vậy mà khi gặp hoạn nạn, thử thách, nguy hiểm hoặc đau bệnh chúng ta đều cầu xin Chúa ban phước, giải cứu và chữa lành cho.

Trong Thi thiên thứ 30 lời Kinh thánh có chỉ ra cho chúng ta thấy được bí quyết quan trọng nhất để nhờ đó lời cầu nguyện của chúng ta có thể xứng đáng được Chúa lắng nghe và nhậm lời.

(Thi thiên 30: 1) Hỡi Đức Giê-hô-va, tôi tôn trọng Ngài, vì Ngài nâng tôi lên, không cho phép kẻ thù nghịch vui mừng vì cớ tôi.

Trong câu thứ nhất trước giả của Thi thiên nầy ngợi khen Chúa và bày tỏ tấm lòng kính sợ Chúa vì đã được giúp cho được may mắn trong đời sống trần gian, như lời được ghi lại tiếp sau trong câu thứ 6 và thứ 7:

(Thi thiên 30: 6-7) Còn tôi, trong lúc may mắn tôi có nói rằng: Tôi chẳng hề bị rúng động. Hỡi Đức Giê-hô-va, nhờ ơn Ngài núi tôi được lập vững bền; Ngài ẩn mặt đi, tôi bèn bối rối.

Qua các câu Kinh thánh nầy thì chúng ta thấy được bí quyết giúp cho trước giả được Chúa giải cứu và được may mắn, đó là để Ðức Chúa Trời được vinh hiển. Ðây là điều mà nhiều người trong thế gian không thể hiểu được. Loài người nghĩ rằng Ðức Chúa Trời phải là Ðấng giải cứu nhân loại trong thế gian khỏi mọi điều bất như ý vì Ngài là Ðấng Yêu Thương, còn đời sống họ có xứng đáng được Chúa thương xót hay không lại là chuyện khác. Chính vì vậy mà khi loài người thấy những hoạn nạn tai ương xãy ra cho người nầy hay người khác thì thường oán trách Ðức Chúa Trời rằng tại sao Ngài không giải cứu. Thậm chí họ còn xoay sang chất vấn Cơ-đốc-nhân rằng tại sao chúng ta rao truyền về tình yêu của Ðức Chúa Trời mà Ngài lại để cho những điều đau thương xãy đến cho con người. Ðối với quan điểm của họ thì Ðức Chúa Trời là Ðấng phải phục vụ con người, còn họ thì không cần quan tâm Chúa là ai, Ngài muốn gì.

Vì quan điểm như vậy mà con người đối với Ðức Chúa Trời hay là đối với các thần mà họ thờ lạy cũng có chung một cách. Thí dụ như trong dân gian Việt Nam người ta cúng thần thánh một nải chuối rồi xin được phù hộ để mua may bán đắc, mà không cần biết điều đó có tương xứng hoặc đúng đắn hay không. Cơ-đốc-nhân chúng ta phải tránh để mình va vấp vào lầm lỗi nầy, vì điều đó được xem như là coi thường, hoặc như Kinh thánh ghi lại là tội khinh bỉ Ðức Chúa Trời:

(2Sa-mu-ên 12: 9) Cớ sau ngươi đã khinh bỉ lời của Đức Giê-hô-va, mà làm điều không đẹp lòng Ngài?

Lời Chúa cho biết một cách tỏ tường rằng bất cứ ai làm điều không đẹp lòng Ngài thì người đó bị kể như là đang khinh bỉ Ðức Chúa Trời, dầu là Cơ-đốc-nhân hay là người không tin Ngài. Vì Ðức Chúa Trời là Ðấng Tạo Hóa nên cả thế gian nầy đáng phải tôn kính Ngài chớ không phải chỉ riêng Cơ-đốc-nhân mà thôi.

Thử lấy thí dụ trong gia đình thì chúng ta sẽ hiểu được vì sao mọi người phải kính sợ Ðức Chúa Trời. Nếu chúng ta có một đứa con suốt ngày lêu lõng với bạn bè xấu không cần biết đến danh dự gia đình hoặc chẳng để ý gì đến lời khuyên dạy của cha mẹ, và cứ mỗi một lần về nhà là đòi hỏi tiền bạc cùng những thứ mà nó ham muốn, rồi sau khi nhận được thì lại ra đi bất chấp lời khuyên lơn, ngăn cản của cha mẹ, nghĩ rằng cha mẹ nó có bổn phận phải làm theo điều nó muốn còn nó thì chẳng cần bận tâm cha mẹ nó muốn gì, thì chúng ta nghĩ về đứa con đó như thế nào? Có cha mẹ nào mà chẳng đau lòng về tình trạng ấy.

Ðối với Ðức Chúa Trời thì con người có cùng một thái độ và hành động như vậy. Ðiều đáng buồn là nhiều khi tôi con Chúa cũng ở trong trường hợp đó, là xem thường ý muốn của Ðức Chúa Trời, chỉ quan tâm đến những vấn đề mình cần được Chúa ban phước mà thôi.

Có nhiều người thắc mắc rằng tại sao con người cứ phải làm mọi điều vì vinh hiển của Ðức Chúa Trời? Tại sao họ lại không được làm điều mà họ muốn? Tại sao Chúa lại kể điều đó là tội lỗi khi con người chỉ chú ý đến quyền lợi hoặc vinh hiển riêng của bản thân?

Nếu chúng ta đặt câu hỏi như vậy thì chưa phải là người có sự nhận biết sâu sắc. Thử nghĩ mà xem, trong gia đình chúng ta có ai thắc mắc khi mỗi bữa cơm mời ông bà cha mẹ ăn trước? Có ai trên thế giới nầy phản đối tập quán tốt là kính trọng người già cả hay trưởng bối trong gia đình? Có người Việt nào trong chúng ta cho rằng trẻ em đáng kính trọng hơn người già cả? Ai nấy trong chúng ta đều biết trả lời cho những câu hỏi trên. Nhưng đối với Ðức Chúa Trời thì loài người lại cư xử sai so với quan điểm và truyền thống mà họ tôn trọng.

Theo như Kinh thánh cho biết thì loài người chúng ta không đáng mà một mảy bụi nằm trên cân của Ðức Chúa Trời:

(Ê-sai 40: 15) Kìa, các dân tộc khác nào một giọt nước nhỏ trong thùng, và kể như là một mảy bụi rơi trên cân; nầy, Ngài giở các cù lao lên như đồi vật nhỏ.

Ðiều đó có nghĩa là nếu so sánh với sự vĩ đại cao cả của Chúa thì con người chẳng đánh kể gì hết. Vậy mà đối với nhau thì con người biết tôn trọng người già cả, trưởng bối; còn đối với Ðức Chúa Trời thì con người lại hỏi rằng tại sao Chúa đòi hỏi là cứ phải dâng vinh hiển cho Chúa mà không cho phép con người tìm kiếm sự vinh hiển riêng cho mình. Hỏi như vậy thì còn tệ triệu lần hơn là khi nói với gia đình rằng từ nay trở đi không cần phải tôn trọng ông bà cha mẹ, mạnh ai nấy sống, mạnh ai nấy tìm lợi riêng cho mình, bất kể ngôi thứ trong gia đình, bất kể tôn ti trật tự, bất kể danh dự, gia huy. Thí dụ như vậy thì chúng ta mới thấy sự sai lầm của con người đối với Ðức Chúa Trời là nặng nề và nghiêm trọng như thế nào.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *