BÀI GIẢNG TRÊN NÚI (p. 3)

Phước thứ hai mà Đức Chúa Jêsus đề cập đến trong phần đầu của Bài giảng trên núi là sự than khóc:

(Ma-thi-ơ 5: 4) Phước cho những kẻ than khóc, vì sẽ được yên ủi!

Sự than khóc là điều mà tất cả mọi người được sinh vào trong trần gian nầy đều trãi qua, đều có kinh nghiệm. Nhưng không phải sự than khóc nào cũng được phước. Để hiểu cho cặn kẽ về phước nầy thì chúng ta cần nhờ đến Kinh thánh để biện biệt xem sự than khóc nào thì được phước mà sự than khóc nào là vô ích.

Trong Kinh thánh có ghi lại sự than khóc của Y-sơ-ra-ên khi bị Đức Chúa Trời trừng phạt.

(Giê-rê-mi 6: 26) Hỡi con gái của dân ta, hãy thắt lưng bằng bao gai, và lăn trong tro bụi. Hãy phát tang như mất con trai một, làm cho nghe tiếng than khóc đắng cay; vì kẻ tàn phá sẽ xông tới trên chúng ta thình lình.

Sự than khóc như vậy là đương nhiên vì cớ hoạn nạn, đau đớn, tật bệnh, chiến tranh, chết chóc đến với họ bởi cơn giận của Đức Chúa Trời. Đó không phải là sự than khóc mà Đức Chúa Jêsus đề cập đến trong bài giảng của Ngài để nhơn đó mà người ta được phước.

Sự than khóc xứng hiệp và đẹp lòng Đức Chúa Trời là sự than khóc về linh hồn của những kẻ sẽ bị hư mất. Điều ấy thể hiện mối quan tâm của Cơ-đốc nhân cho sự cứu rỗi của người khác và muốn làm theo lời phán của Đức Chúa Trời. Nhờ sự biết than khóc cách như vậy mà tôi con Chúa được phước của Ngài, theo như mẫu mực mà lời Kinh thánh đã bày tỏ trong Thi thiên:

(Thi thiên 126: 5) Kẻ nào gieo giống mà giọt lệ, sẽ gặt hái cách vui mừng. Người nào vừa đi vừa khóc đem giống ra rải, ắt sẽ trở về cách vui mừng, mang bó lúa mình.

Một Cơ-đốc nhân có tâm tình than khóc vì linh hồn của kẻ sẽ bị hư mất khi làm công tác truyền giảng sẽ được phước và thấy kết quả mà Chúa ban cho, giống như người nông phu gặt hái được công lao của mình qua hình ảnh những bó lúa trĩu nặng.

Nhưng nói như vậy cũng không có nghĩa là người nào được kết quả trong khi truyền giảng đều có tâm tình thương xót linh hồn kẻ khác. Có những người truyền giảng chỉ vì lợi cho bản thân họ mà thôi, để được tiếng tăm, để được khen ngợi và tôn trọng. Một trong những thí dụ điển hình mà Kinh thánh có ghi lại về những người sốt sắng truyền giảng, nhưng không phải vì thương yêu linh hồn của người chưa biết Chúa, là những người Pha-ri-si. Chính Đức Chúa Jêsus đã nhìn thấy tấm lòng ích kỷ của họ, vốn chỉ biết đến lợi ích bản thân mà thôi, khi Ngài rủa sả và phán tỏ tường về tội lỗi của họ:

(Ma-thi-ơ 23: 15) Khốn cho các ngươi, thầy thông giáo và người Pha-ri-si, là kẻ giả hình! vì các ngươi đi khắp dưới nước trên bộ để khuyên một người vào đạo mình; và khi đã khuyên được rồi, thì các ngươi làm cho họ trở nên người địa ngục gấp hai các ngươi.

Rõ ràng mục tiêu truyền giảng của họ không phải là để cứu linh hồn người ta, vì nếu quả thật như vậy thì khi họ đã khuyên được người khác theo đạo rồi thì phải cố gắng giúp đỡ để những người ấy có đời sống mẫu mực, xứng đáng với tiêu chuẩn của Kinh thánh hầu đẹp lòng Đức Chúa Trời và có thể được hưởng Thiên đàng trong tương lai. Nhưng trái lại, sau khi đã dẫn dắt người ta theo đạo rồi thì những người Pha-ri-si lại làm cho họ còn xấu hơn là trước khi tin.

Thực chất mục tiêu của những người Pha-ri-si khi khuyên người ta theo đạo là vì muốn củng cố địa vị quyền lực của họ, để quyền thế của họ đối với tín đồ càng mạnh mẽ hơn nữa, để được người khác tôn trọng, khen ngợi. Chính vì lẽ đó mà họ chỉ dạy người mới theo đạo những nghi thức tôn giáo chớ không thật sự mong muốn thấy người ta thay đổi tấm lòng để được tốt hơn. Người Pha-ri-si còn chưa tốt đủ theo tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời thì làm sao họ có thể hướng dẫn người khác tốt hơn được. Thông thường thì rất ít học trò qua được mức độ giảng dạy của người thầy, thế cho nên những người mới theo đạo không thể tốt hơn người Pha-ri-si được.

Đức Chúa Jêsus thấy được tấm lòng của con người nên đã cho chúng ta biết bản chất của những người Pha-ri-si là thế nào mặc dầu họ rất sốt sắng để khuyên người khác vào đạo:

(Ma-thi-ơ 23: 23) Khốn cho các ngươi, thầy thông giáo và người Pha-ri-si, là kẻ giả hình! vì các ngươi nộp một phần mười bạc hà, hồi hương, và rau cần, mà bỏ điều hệ trọng hơn hết trong luật pháp, là sự công bình, thương xót và trung tín; đó là những điều các ngươi phải làm, mà cũng không nên bỏ sót những điều kia.

Theo lời phán của Đức Chúa Jêsus thì người Pha-ri-si là những người sốt sắng truyền giảng nhưng tấm lòng họ không có một chút thương xót nào đối với người khác.

Đó cũng là nan đề trong Hội thánh Chúa khắp mọi nơi ngày hôm nay. Chúng ta có thể thấy đủ các chương trình, các nổ lực trong việc truyền giảng cho người chưa tin. Rất nhiều người dấn thân đi ra để đem Tin Lành đến những nơi xa. Và mặc dầu có nhiều người tin nhận Chúa nhưng mực độ đạo đức của cả Hội thánh chung không thăng tiến được bao nhiêu, mà trái lại càng sa sút, càng tệ hại bấy nhiêu. Đó là một thực tế mà người ta có thể nhìn thấy ở khắp nơi. Tại Hoa-kỳ đây thì Cơ-đốc nhân ngày hôm nay việc gì cũng dám làm, không còn một chuẩn mực đạo đức nào nữa cả. Còn ở tại Việt Nam thì mặc dầu các nhà thờ đông chật người nhưng dư luận thì lại đầy dẫy về việc các mục sư tham quyền cố vị, tranh đấu giành giật địa vị, chức tước. Riêng phần Cơ-đốc nhân thì có đời sống không khác gì người thế gian, cũng lừa gạt, gian dối, ăn chơi, ngoại tình cứ y như là người chưa biết Chúa. Nếu kể ra một cách chi tiết thì thật không biết bao nhiêu điều. Chúng tôi tin là tôi con Chúa khắp nơi đều biết về tình trạng tệ hại của Hội thánh ngày hôm nay, biết nhiều còn hơn chúng tôi nữa. Tình trạng ấy xãy ra là vì tôi con Chúa chỉ nhắm đến việc truyền giảng cho người chưa biết Chúa và không hề quan tâm đến việc Cơ-đốc nhân phải có một đời sống nên thánh. Chúng tôi đã không biết bao nhiêu lần nhấn mạnh đến lời phán quả quyết của Đức Chúa Jêsus về tiêu chuẩn quan trọng nầy để được vào Thiên đàng, nhưng hình như chẳng có ai để ý đến, hoặc nếu có thì quan niệm về vấn đề ấy cũng hết sức là phiến diện. Đức Chúa Jêsus đã từng phán rằng:

(Ma-thi-ơ 7: 21) Chẳng phải hễ những kẻ nói cùng ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, thì đều được vào nước Thiên đàng đâu; nhưng chỉ kẻ làm theo ý muốn của Cha ta ở trên trời mà thôi.

Nếu lần lượt hỏi các tôi con của Chúa thì không biết có bao nhiêu người thật sự trưng dẫn một cách chính xác và đầy đủ về những ý muốn của Chúa có ghi lại trong Kinh thánh. Chúng tôi dùng chữ những trong câu vừa qua để nhấn mạnh đến vấn đề nầy, vì dường như tôi con Chúa ngày nay chỉ nhớ có mỗi một ý muốn của Chúa mà thôi, là Đại mạng lệnh về việc đi truyền giảng khắp thế gian. Dầu vậy khi nhớ đến điều đó thì cũng chỉ nhớ có phân nữa ý muốn của Chúa mà thôi:

(Ma-thi-ơ 28: 19-20) Vậy, hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh mà làm phép báp tem cho họ, và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi. Và nầy, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế.

Như chúng tôi vừa nhắc đến ở trên, thì trong Đại mạng lệnh của Chúa mọi người dường như chỉ nhớ câu 19 mà không hề quan tâm đến ý tưởng của Chúa trong câu 20. Tôi con của Chúa rất náo nức để truyền giảng, thậm chí ly dị vợ, ly dị chồng, để được tự do mà đi truyền giảng. Khi đem người mới tin vào Hội thánh thì dạy tín lý để làm báp-tem cho, chớ không phải dạy tín lý để đời sống những người đó được thay đổi. Thử hỏi những người đã làm phép báp-tem rồi nhớ được bao nhiêu về những tín lý, tín điều đã học được? Thậm chí nhiều mục sư ngày nay còn không nhớ hoặc không làm theo nữa, huống chi là người chưa tin.

Đức Chúa Jêsus đã nhấn mạnh đến việc làm theo ý muốn Chúa, rồi Ngài cũng dặn dò là người mục sư và các cựu tín hữu phải dạy cho những người mới tin ghi nhớ hết tất cả mọi điều mà Chúa đã tuyền cho và phải áp dụng, phải làm theo, chớ không phải chỉ nhớ rồi bỏ qua mà không thực hiện. Vậy mà tôi con Chúa ngày nay cứ tiếp tục quên, chỉ nghĩ đến chuyện truyền giảng mà thôi. Ý muốn của Chúa là tất cả tôi con của Ngài phải nên thánh để được cứu trong tương lai, nhưng Hội thánh chung cứ tiếp tục quên lãng mục tiêu nầy trong nếp sinh hoạt thường ngày giữa thế gian:

(1Tê-sa-lô-ni-ca 4: 3) Vì ý muốn Đức Chúa Trời, ấy là khiến anh em nên thánh: tức là phải lánh sự ô uế.

Nếu Cơ-đốc nhân chịu khó ngồi lại, suy nghĩ về bốn câu gốc sau đây (khi đặt kế bên nhau) thì sẽ thấy lời của Chúa nhấn mạnh đến việc Ngài muốn Cơ-đốc nhân nên thánh để được cứu là rõ ràng như thế nào:

(Ma-thi-ơ 7: 21) Chẳng phải hễ những kẻ nói cùng ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, thì đều được vào nước Thiên đàng đâu; nhưng chỉ kẻ làm theo ý muốn của Cha ta ở trên trời mà thôi.

(1Giăng 2: 17) Vả thế gian với sự tham dục nó đều qua đi, song ai làm theo ý muốn Đức Chúa Trời thì còn lại đời đời.

(1Tê-sa-lô-ni-ca 4: 3) Vì ý muốn Đức Chúa Trời, ấy là khiến anh em nên thánh: tức là phải lánh sự ô uế.

(Hê-bơ-rơ 12: 14) Hãy cầu sự bình an với mọi người, cùng tìm theo sự nên thánh, vì nếu không nên thánh thì chẳng ai được thấy Đức Chúa Trời.

Thế cho nên, khi trở lại với phước của sự than khóc, thì chúng ta có thể thấy rằng nếu một người biết cảm thương cho linh hồn của những người chưa tin và mong muốn họ được cứu rỗi, thì không những phải cố gắng truyền giảng mà còn cố gắng trong cả nếp sống đạo gương mẫu để giúp cho những người mới tin tập tành sống đời tin kính để họ cũng được cứu trong tương lai. Khi một Cơ-đốc nhân có tâm tình như vậy thì sẽ được Đức Chúa Trời yên ủi bằng những phần thưởng đáng khích lệ, không phải là số nhiều mà chất lượng của những người đã trở về với Chúa.

Nhưng biết than khóc về linh hồn của người khác chỉ mới là một trong những ý nghĩa của chữ than khóc mà thôi. Kinh thánh còn cho chúng ta biết về sự than khóc của kẻ biết ăn năn tội trở về với Chúa và sự than khóc của những người vì danh Chúa mà chịu khổ, chịu bị bắt bớ trong đời nầy.

(còn tiếp)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *