BÀI GIẢNG TRÊN NÚI (p. 2)

Nhưng có một điểm đáng nói và rất quan trọng về sự nhận biết rằng mình nghèo khó phần tâm linh là sự nhận biết ấy phải có luôn luôn trong đời sống của Cơ-đốc nhân, nhất là đối với những người đã dâng mình hầu việc Chúa. Đó là bí quyết để giữ mình trong sự nhu mì, khiêm nhường và biết luôn trông đợi sự ban cho từ nơi Đức Chúa Trời. Một điều đáng buồn là tinh thần nầy ít khi thấy có trong đời sống của Cơ-đốc nhân, nhất là ở những người đã tin Chúa lâu năm, hoặc đã được tấn phong để hầu việc Chúa. Nếu có thấy chút ít thì là thấy trong đời sống của những người mới tin Chúa, là người biết rằng họ chỉ mới chập chững bước đi trong đường đức tin mà thôi.

Đối với những người đã tin Chúa lâu năm, nhất là đối với những người đang giữ các chức vụ và địa vị quan trọng trong Hội thánh thì hầu như chẳng có ai tiếp tục mang sự nhận thức nầy. Đa số đều cho rằng họ đã được phong phú, được hiểu biết nhiều, có đầy đủ kiến thức trong phương diện tâm linh rồi, và từ đó nảy sinh ra những sự không đẹp lòng Chúa, chẳng hạn như lên mình kiêu ngạo, thích ra lệnh, muốn người khác phải vâng lời họ, và đặc biệt quan trọng hơn nữa là bắt đầu coi thường Kinh thánh, không còn xem Kinh thánh là lời của Đức Chúa Trời đáng được tôn trọng, như là kim chỉ nam cho đời sống mình; nhưng hạ giá trị của quyển Kinh thánh xuống như là phương tiện để chứng tỏ rằng họ đúng (dùng Kinh thánh theo cách trưng dẫn bổ sung cho ý tưởng cá nhân như điều mà chúng tôi đã trình bày một phần trong bài viết về vấn đề nghiên cứu Kinh thánh).

Chính vì lý do đó mà nhiều người sau khi đã tin Chúa một thời gian thì không còn đi nhà thờ với mục tiêu là thờ phượng Chúa nữa mà xem đó như là cơ hội để dòm ngó, chỉ trích người khác. Vì nghĩ rằng họ là những người đã được giàu có và phong phú về tâm linh rồi nên bắt đầu có thái độ đòi hỏi người khác phải giống như họ (chớ không phải khích lệ nhau để giống Chúa), phải nghe theo quan điểm của họ (chớ không phải nhắc nhở nhau để sống theo quan điểm và mẫu mực của Kinh thánh). Ngay cả những người đang hầu việc Chúa cũng vậy, muốn con cái Chúa vâng phục những nguyên tắc mà họ chỉ định cho Hội thánh phải làm theo (chớ không phải khuyên nhủ, khích lệ con cái Chúa sống theo tiêu chuẩn của Kinh thánh) nên vì vậy họ tự lựa chọn điều nào cần phải làm để răn đe con cái Chúa, còn những điều khác thì bỏ qua, không hề đề cập đến để lấy lòng người (trái ngược với lời dạy của Đức Chúa Jêsus là dạy dỗ con cái Chúa giữ theo MỌI ĐIỀU mà Ngài đã truyền phán, như đã được chép trong sách Ma-thi-ơ):

(Ma-thi-ơ 28: 19-20) Vậy, hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh mà làm phép báp tem cho họ, và dạy họ giữ hết cả MỌI ĐIỀU mà ta đã truyền cho các ngươi. Và nầy, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế.

Rõ ràng là Đức Chúa Jêsus đã phán dạy rằng con dân Chúa giữ hết mọi điều, chớ không phải chỉ giữ vài điều mà hàng giáo phẩm, các mục sư cho là cần phải giữ, và những điều khác thì bỏ qua (chẳng hạn như luật pháp về hôn nhân và ly dị).

Khi chúng tôi đề cập đến việc tôi con của Chúa phải nhận thức rằng mình nghèo khó (ở trong hoàn cảnh khó khăn) trong phương diện tâm linh suốt cả đời sống nầy thì đó không phải là quan điểm riêng của chúng tôi, mà là điều Kinh thánh đã bày tỏ. Khi lời của Chúa đã phán dạy tỏ tường rằng Cơ-đốc nhân phải bắt chước Đấng Christ và bắt chước Đức Chúa Trời thì điều đó là một mạng lệnh mà mỗi một tôi con Chúa phải vâng phục và làm theo suốt đời:

(1Cô-rinh-tô 11: 1) Hãy bắt chước tôi, cũng như chính mình tôi bắt chước Đấng Christ vậy.

(Ê-phê-sô 5: 1) Vậy anh em hãy trở nên kẻ bắt chước Đức Chúa Trời như con cái rất yêu dấu của Ngài.

Theo như hai câu Kinh thánh trên thì hễ chúng ta xem mình (hoặc muốn người khác nhận biết mình) là người yêu mến Đức Chúa Trời thì đương nhiên phải biết bắt chước Đấng Christ và thậm chí phải bắt chước Đức Chúa Trời. Trong ngôn ngữ, hễ nói đến chữ bắt chước thì có nghĩa là làm sao cho thật giống. Nhưng Cơ-đốc nhân chúng ta phải bắt chước Chúa trong phương diện nào? Chính Đức Chúa Trời đã phán dạy chúng ta về điều mà tôi con của Chúa cần phải bắt chước Ngài:

(Lê-vi ký 20: 26) Đối cùng ta các ngươi hãy nên thánh, vì ta, Đức Giê-hô-va, là thánh; ta đã phân rẽ các ngươi với các dân, để các ngươi thuộc về ta.

(1Phi-e-rơ 1: 15-16) Nhưng, như Đấng gọi anh em là thánh, thì anh em cũng phải thánh trong mọi cách ăn ở mình, bởi có chép rằng: Hãy nên thánh, vì ta là thánh.

Như chúng tôi vừa đề cập đến ở phần trên, hễ bắt chước thì phải làm sao cho thật giống. Nhưng chừng nào thì Cơ-đốc nhân chúng ta giống được như Đấng Christ, giống được như Đức Chúa Trời về sự thánh khiết? Ai cũng có thể trả lời được câu hỏi nầy, ấy là vĩnh viễn, dầu cả cõi đời đời, cũng không thể nào ngang bằng được với sự thánh khiết tuyệt đối của Chúa. Nói như vậy không có nghĩa là Cơ-đốc nhân không cần phải bắt chước Chúa (vì không thể giống được), nhưng vì bắt chước Ngài là mạng lệnh cần phải làm nên Cơ-đốc nhân phải tập tành bắt chước Chúa luôn luôn trong đời nầy và suốt cả cõi đời đời, bắt chước luôn không lúc nào ngưng nghỉ. Vậy thì thử hỏi lúc nào thì Cơ-đốc nhân có thể tự mãn rằng mình đã thoát khỏi sự thiếu thốn trong phương diện tâm linh (đạt đến sự thánh khiết cần phải có)?

Kế đến, chúng ta phải biết rằng Cơ-đốc nhân được thánh khiết là nhờ nơi lời của Đức Chúa Trời, như chính miệng của Đức Chúa Jêsus đã phán:

(Giăng 17: 17) Xin Cha lấy lẽ thật khiến họ nên thánh; lời Cha tức là lẽ thật.

(Giăng 17: 19) Con vì họ tự làm nên thánh, hầu cho họ cũng nhờ lẽ thật mà được nên thánh vậy.

Thế nên khi chúng ta biết rằng mặc dầu mỗi ngày chúng ta mỗi đổi mới nhờ ơn của Chúa và lời của Ngài, mặc dầu sự thánh khiết trong chúng ta hôm nay cao hơn ngày hôm qua một chút, nhưng vẫn còn trong tình trạng thiếu thốn (sự thiếu thốn nầy là đời đời), thì làm sao ngày hôm nay tôi con của Chúa lại có thể tự mãn rằng mình đã thoát khỏi tình trạng nghèo khó phần tâm linh, đã có đầy đủ sự hiểu biết về Kinh thánh rồi? Vì nếu một người, dầu là mục sư hay Cơ-đốc nhân bình thường, mà tự cho rằng đã có đủ lời của Chúa trong khi mức độ thánh khiết trong đời sống còn chưa hơn hẳn người thế gian, thì sự mâu thuẫn trong người ấy lớn biết chừng nào. Những người như vậy còn thua cả các Cơ-đốc nhân tự nhận là mình còn thiếu thốn, thấp thỏi đối với tiêu chuẩn thánh khiết của Chúa để chuyên cần tìm hiểu, học hỏi, suy gẫm lời Kinh thánh mỗi một ngày.

Chính vì lòng tự mãn của cá nhân, không còn nhận biết rằng mình vẫn đang ở trong tình trạng thiếu thốn, khó khăn thuộc linh để hết lòng tìm kiếm Chúa, nên có rất nhiều người không hiểu được lẽ thật, không giải thích được các lẽ đạo căn bản của đức tin, và nếu có đưa ra tín lý mới thì hoàn toàn sai trật với nguyên tắc, mẫu mực của Kinh thánh (chẳng hạn như có một mục sư tiến sĩ giải thích rằng tự tử vẫn được cứu, hoặc nhiều người khác cho rằng lạy bàn thờ người chết vẫn được, miễn tấm lòng không thờ lạy thần tượng thì thôi, hoặc những người khác nữa cho rằng hễ ly dị mà có đầy đủ giấy tờ thì vẫn có quyền tái giá). Chính tinh thần tự mãn, kiêu ngạo như vậy mà tạo ra biết bao là rối rắm trong Hội thánh Chúa ngày hôm nay.

Trở lại với lời phán đầu tiên của Đức Chúa Jêsus trong Bài giảng trên núi thì Chúa khẳng định rằng chỉ có những người cảm biết mình vẫn còn nghèo khó trong tâm linh mới được hưởng nước Thiên đàng. Điều đó cũng có nghĩa là những người tự mãn rằng mình đã biết Kinh thánh đủ để không cần tra cứu, học hỏi nữa, không muốn tìm cầu sự soi dẫn của Chúa nữa sẽ có nguy cơ đánh mất phần thưởng đó. Loài người còn nhấn mạnh đến vấn đề học nữa, học mãi, mà tôi con của Chúa thì lại có nhiều người không chịu học gì hết từ nơi lời Kinh thánh. Thử nhìn vào thế hệ tôi con Chúa ngày nay thì chúng ta có thể thấy được điều ấy. Người Cơ-đốc nhân bình thường thì viện cớ là vì cuộc sống bận rộn nên chểnh mãnh với lời của Chúa. Người mục sư thì viện dẫn sự bận rộn của chức vụ, nào là thăm viếng, chứng đạo, họp hội, du hành, nên không có nhiều thời giờ suy gẫm, tra cứu, học hỏi. Nhất là khi có tinh thần tự mãn rằng họ đã đạt được bằng cấp nầy kia rồi nên chẳng cần học thêm làm chi. Khi suy nghĩ như vậy thì tôi con của Chúa đã không còn có tinh thần cảm biết sự thiếu thốn khó khăn trong phương diện tâm linh của chính mình.

(còn tiếp)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *