BA YẾU TỐ CỦA SỰ CỨU RỖI (p. 4)
Ở đây chúng tôi xin được nhắc lại những tín lý căn bản trong Kinh thánh để chúng ta có thể ghi nhớ, vì rất quan trọng đối với niềm tin trong Đấng Christ, đó là nếu chưa ăn năn thật thì chưa có sự tha thứ, mà nếu chưa có sự tha thứ thì sự ô uế của tội lỗi cũ vẫn còn, chính vì lẽ đó là người ta chưa thể nhận được sự thăm viếng của Đức Thánh Linh, hoặc trong trường hợp mà chúng tôi đang trình bày tại đây, thì chưa thể nhận được phép báp-tem trong Đức Thánh Linh. Lời của Chúa đã phán dạy như vậy rất rõ ràng trong các câu Kinh thánh sau:
(Phục truyền 4: 24) Vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi như một đám lửa thiêu cháy, và là Đức Chúa Trời hay kỵ tà.
(Phục truyền 23: 14) Bởi vì Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi đi giữa trại quân ngươi, đặng giải cứu ngươi và phó kẻ thù nghịch cho. Vậy, trại quân ngươi phải thánh, kẻo Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi thấy sự ô uế ở nơi ngươi, và xây mặt khỏi ngươi chăng.
(1Cô-rinh-tô 6: 19) Anh em há chẳng biết rằng thân thể mình là đền thờ của Đức Thánh Linh đang ngự trong anh em, là Đấng mà anh em đã nhận bởi Đức Chúa Trời, và anh em chẳng phải thuộc về chính mình sao?
Nếu ngày xưa Đức Chúa Trời đã đòi hỏi trại quân của người Y-sơ-ra-ên phải thánh để có thể xứng đáng cho Chúa ngự tại đó, thì huống chi nay thân thể của Cơ-đốc nhân là đền thờ của Đức Thánh Linh thì phải càng thánh khiết biết chừng nào. Nhưng nếu một người chưa được tha thứ và sự ô uế vì cớ tội lỗi vẫn còn đó thì làm sao Đức Thánh Linh có thể vào ngự trong đời sống của người ấy, hay nói cách khác theo như lời Kinh thánh, là ban phép báp-tem trong danh Ngài cho người đó được.
Chính tại chỗ nầy có sự lầm lẫn trong quan điểm của Cơ-đốc nhân trong các thời đại. Chúng ta thường nghĩ rằng Đức Thánh Linh sẽ vào đời sống của con dân Chúa để thanh tẩy tâm linh của mỗi người. Nhưng theo lời Kinh thánh thì sự thanh tẩy nầy phải xãy ra trước, tức là được tha thứ bởi dòng huyết của Đức Chúa Jêsus, rồi sau đó mới có thể được xem là xứng đáng để được Đức Thánh Linh ngự vào:
(Cô-lô-se 1: 22) Nhưng bây giờ Đức Chúa Trời đã nhờ sự chết của Con Ngài chịu lấy trong thân thể của xác thịt mà khiến anh em hòa thuận, đặng làm cho anh em đứng trước mặt Ngài cách thánh sạch không vết, không chỗ trách được.
(Tít 2: 12-14) Ân ấy dạy chúng ta chừa bỏ sự không tin kính và tình dục thế gian, phải sống ở đời nầy theo tiết độ, công bình, nhân đức, đang chờ đợi sự trông cậy hạnh phước của chúng ta, và sự hiện ra của sự vinh hiển Đức Chúa Trời lớn và Cứu Chúa chúng ta, là Đức Chúa Jêsus Christ, là Đấng liều mình vì chúng ta, để chuộc chúng ta khỏi mọi tội và làm cho sạch, đặng lấy chúng ta làm một dân thuộc riêng về Ngài, là dân có lòng sốt sắng về các việc lành.
(Hê-bơ-rơ 1: 3) Con là sự chói sáng của sự vinh hiển Đức Chúa Trời và hình bóng của bổn thể Ngài, lấy lời có quyền phép Ngài nâng đỡ muôn vật; sau khi Con làm xong sự sạch tội, bèn ngồi bên hữu Đấng tôn nghiêm ở trong nơi rất cao.
(Hê-bơ-rơ 9: 13-14) Vì nếu huyết của dê đực bò đực cùng tro bò cái tơ mà người ta rưới trên kẻ ô uế còn làm sạch được phần xác thịt họ và nên thánh thay, huống chi huyết của Đấng Christ, là Đấng nhờ Đức Thánh Linh đời đời, dâng chính mình không tì tích cho Đức Chúa Trời, thì sẽ làm sạch lương tâm anh em khỏi công việc chết, đặng hầu việc Đức Chúa Trời hằng sống, là dường nào!
(Hê-bơ-rơ 9: 22) Theo luật pháp thì hầu hết mọi vật đều nhờ huyết mà được sạch: không đổ huyết thì không có sự tha thứ.
(1Giăng 1: 7) Nhưng, nếu chúng ta đi trong sự sáng cũng như chính mình Ngài ở trong sự sáng, thì chúng ta giao thông cùng nhau; và huyết của Đức Chúa Jêsus, Con Ngài, làm sạch mọi tội chúng ta.
(Khải huyền 1: 6) Đấng yêu thương chúng ta, đã lấy huyết mình rửa sạch tội lỗi chúng ta, và làm cho chúng ta nên nước Ngài, nên thầy tế lễ của Đức Chúa Trời là Cha Ngài, đáng được sự vinh hiển và quyền năng đời đời vô cùng! A-men.
Để trình bày một cách chính xác và dễ hiểu, thì nguyên tắc của Kinh thánh là thế nầy: Trước hết một người phải được Đức Chúa Jêsus tha thứ và rửa sạch tội của quá khứ bởi dòng huyết của Ngài, và sau khi đã được kể là tinh sạch rồi thì mới xứng đáng được Đức Thánh Linh ngự vào, ấy bởi vì Ngài là Đấng kỵ tà, Ngài không chịu nỗi sự ô uế của tội lỗi trong đời sống con người. Dẫu vậy, Ngài cũng là Đấng thanh tẩy tấm lòng của Cơ-đốc nhân, nhưng là thanh tẩy những yếu đuối, vấp phạm vì cớ vô tình sau khi đã tin nhận Chúa, chớ không phải là thanh tẩy tội lỗi của đời sống cũ, phạm bởi vì cố tình. Sự rửa sạch trước và sau như vậy đã được Đức Chúa Jêsus nhắc đến trong đêm Ngài chịu thương khó:
(Giăng 13: 10) Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Ai đã tắm rồi, chỉ cần rửa chân, thì được sạch cả. Vả, các ngươi đã được tinh sạch, nhưng chưa được tinh sạch đều.
Chính vì lẽ ấy mà Kinh thánh cho biết rằng người đã tin Chúa rồi mà cố tình phạm tội thì không còn có tế lễ nào để chuộc tội nữa:
(Hê-bơ-rơ 10: 26-29) Vì nếu chúng ta đã nhận biết lẽ thật rồi, mà lại cố ý phạm tội, thì không còn có tế lễ chuộc tội nữa, nhưng chỉ có sự đợi chờ kinh khiếp về sự phán xét, và lửa hừng sẽ đốt cháy kẻ bội nghịch mà thôi. Ai đã phạm luật pháp Môi-se, nếu có hai ba người làm chứng, thì chết đi không thương xót, huống chi kẻ giày đạp Con Đức Chúa Trời, coi huyết của giao ước, tức là huyết mà mình nhờ nên thánh, là ô uế, lại khinh lờn Đức Thánh Linh ban ơn, thì anh em há chẳng tưởng rằng người ấy đáng bị hình rất nghiêm đoán phạt hay sao?
Chữ khinh lờn Đức Thánh Linh ban ơn có nghĩa là Cơ-đốc nhân cứ tiếp tục phạm tội như khi còn chưa tin và bởi đó xem thường sự tha thứ đã nhận được trong Chúa.
Thế nên các câu Kinh thánh vừa trưng dẫn ở trên được dùng để răn đe Cơ-đốc nhân, và bày tỏ rằng khi một người đã tin Chúa, đã nhờ dòng huyết của Đức Chúa Jêsus mà được thanh tẩy rồi, và bởi đó được Đức Thánh Linh ngự vào đời sống mình, mà lại cố tình phạm tội thì không được tha thứ nữa. Vì sự chuộc tội và tha thứ của Đấng Christ chỉ một lần mà thôi, còn sự thanh tẩy của Đức Chúa Trời chỉ được thực hiện đối với những tội phạm vì cớ vô tình, theo như lời Kinh thánh đã xác định:
(Hê-bơ-rơ 6: 4-6) Vì chưng những kẻ đã được soi sáng một lần, đã nếm sự ban cho từ trên trời, dự phần về Đức Thánh Linh, nếm đạo lành Đức Chúa Trời, và quyền phép của đời sau, nếu lại vấp ngã, thì không thể khiến họ lại ăn năn nữa, vì họ đóng đinh Con Đức Chúa Trời trên thập tự giá cho mình một lần nữa, làm cho Ngài sỉ nhục tỏ tường.
Đó là lý do mà vì sao Kinh thánh cho biết là có tội chúng ta có thể cầu thay được, nhưng cũng có tội không thể cầu thay, ấy là vì được thực hiện bởi sự cố ý:
(1Giăng 5: 16-17) Ví có kẻ thấy anh em mình phạm tội, mà tội không đến nỗi chết, thì hãy cầu xin, và Đức Chúa Trời sẽ ban sự sống cho, tức là ban cho những kẻ phạm tội mà chưa đến nỗi chết. Cũng có tội đến nỗi chết; ấy chẳng phải vì tội đó mà ta nói nên cầu xin. Mọi sự không công bình đều là tội; mà cũng có tội không đến nỗi chết.
Rõ ràng là Kinh thánh cho biết có những tội không cần phải cầu thay, vì có cầu nguyện cho người đó cũng vô ích, nguyên do cũng vì cớ cố tình phạm tội. Nhiều người tưởng rằng cứ tiếp tục phạm tội, thế nào Chúa cũng tha, vì Ngài là Đấng hay thương xót. Nhưng suy nghĩ như vậy là sai lầm, vì khi một người cố tình phạm tội mà lại được Chúa tha, thì người đó là kẻ lợi dụng lòng nhân từ của Chúa, còn Chúa thì là Đấng bị loài người lợi dụng. Chắc chắn là điều ấy không bao giờ xãy ra. Vì sự vinh hiển của Ngài nên Đức Chúa Trời chắn chắn sẽ không bao giờ để cho con người lợi dụng, mặc dầu Chúa vẫn là Đấng nhân từ. Chính vì hiểu được như vậy nên Đa-vít đã từng cầu nguyện xin cho ông tránh khỏi sự cố ý phạm tội:
(Thi thiên 19: 13) Xin Chúa giữ kẻ tôi tớ Chúa khỏi cố ý phạm tội; Nguyện tội ấy không cai trị tôi; Thì tôi sẽ không chỗ trách được, và không phạm tội trọng.
Sự cố ý phạm tội không đẹp lòng Đức Chúa Trời và làm buồn lòng Đức Thánh Linh, vì vậy mà lời của Chúa khuyên dạy là Cơ-đốc nhân chúng ta đừng làm buồn lòng Ngài bởi việc cứ tiếp tục phạm tội sau khi đã tin Chúa:
(Ê-phê-sô 4: 30) Anh em chớ làm buồn cho Đức Thánh Linh của Đức Chúa Trời, vì nhờ Ngài anh em được ấn chứng đến ngày cứu chuộc.
Chúng ta có thể hiểu thêm từ câu Kinh thánh trên rằng nếu một Cơ-đốc nhân cứ tiếp tục phạm tội, làm buồn lòng Đức Thánh Linh và Ngài từ bỏ người đó, đến nỗi không còn có dấu ấn của Ngài trong đời sống họ nữa, thì trong ngày cứu chuộc người ấy không đủ tiêu chuẩn để được nhận vào Thiên đàng (vì nếu một người làm buồn lòng Đức Thánh Linh mà vẫn được vào Thiên đàng thì Kinh thánh không phán dạy chúng ta bằng câu gốc trên và cũng chẳng có ai bận tâm để ý đến việc Đức Thánh Linh buồn hay vui).
Đến đây thì chúng ta có thể hiểu được về hai bước đầu tiên để một người có thể hy vọng nhận được sự cứu rỗi trong Chúa:
– Bước thứ nhất là phải được tha tội, tức là phải nhận biết mình là người có tội, phải xưng tội và thật lòng ăn năn khi tin nhận Chúa để được rửa sạch tội lỗi cũ bởi dòng huyết báu của Đấng Christ, rồi nhờ đó được kể là xứng đáng để nhận sự thăm viếng của Đức Thánh Linh.
– Bước thứ hai là tái sanh, tức là phải hết sức tránh việc cố tình phạm tội để không làm buồn lòng Đức Thánh Linh (vì đời sống cũ là thích phạm tội để thỏa mãn tư dục cá nhân, còn đời sống mới là tránh phạm tội để sống theo tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời đã định).
Sau khi đã hiểu được hai yếu tố quan trọng kể trên thì chúng ta mới suy nghĩ đến yếu tố thứ ba, đó là phải nên thánh. Cả ba yếu tố nầy đều nhấn mạnh đến việc làm sao để được cứu vào trong Thiên đàng của Chúa:
(Ê-phê-sô 1: 7) Ấy là trong Đấng Christ, chúng ta được cứu chuộc bởi huyết Ngài, được tha tội, theo sự dư dật của ân điển Ngài.
(Giăng 3: 3) Đức Chúa Jêsus cất tiếng đáp rằng: Quả thật, quả thật, ta nói cùng ngươi, nếu một người chẳng sanh lại, thì không thể thấy được nước Đức Chúa Trời.
(Hê-bơ-rơ 12: 14) Hãy cầu sự bình an với mọi người, cùng tìm theo sự nên thánh, vì nếu không nên thánh thì chẳng ai được thấy Đức Chúa Trời.
(còn tiếp)