BA YẾU TỐ CỦA SỰ CỨU RỖI (p.3)
Như vậy theo quan điểm của Đức Chúa Trời được bày tỏ qua các câu Kinh thánh đã trưng dẫn thì Ngài không nhìn theo kết quả bên ngoài của tôi con Chúa mà nhìn vào kết quả bên trong của từng đời sống một. Theo nguyên tắc đó Đức Chúa Trời đã từng rủa sả nặng nề người Pha-ri-si bởi vì họ chỉ có kết quả bên ngoài mà bên trong đời sống họ không có sự tái sanh, cũng không có sự nên thánh:
(Ma-thi-ơ 23: 23) Khốn cho các ngươi, thầy thông giáo và người Pha-ri-si, là kẻ giả hình! Vì các ngươi nộp một phần mười bạc hà, hồi hương, và rau cần, mà bỏ điều hệ trọng hơn hết trong luật pháp, là sự công bình, thương xót và trung tín; đó là những điều các ngươi phải làm, mà cũng không nên bỏ sót những điều kia.
(Ma-thi-ơ 23: 25-26) Khốn cho các ngươi, thầy thông giáo và người Pha-ri-si, là kẻ giả hình! Vì các ngươi rửa bề ngoài chén và mâm, nhưng ở trong thì đầy dẫy sự ăn cướp cùng sự quá độ. Hỡi người Pha-ri-si mù kia, trước hết phải lau bề trong chén và mâm, hầu cho bề ngoài cũng được sạch sẽ.
Đức Chúa Jêsus, khi nhấn mạnh đến việc lau bề trong chén và mâm, thì Ngài có ý muốn nói về sự thanh tẩy tâm hồn, tức là sự tái sanh và sự nên thánh trong đời sống của người theo Chúa. Vì thế nếu Cơ-đốc nhân chúng ta bỏ qua các tiêu chuẩn nầy thì chắc chắn chẳng thể nào đẹp lòng Đức Chúa Trời được. Bởi lẽ đó khi một người cầu nguyện tin Chúa thì phải có lòng ăn năn thật mới được tha thứ, và bằng chứng của một tấm lòng như vậy được bày tỏ qua kết quả của sự đổi mới bên trong. Thế thì chúng ta có thể thấy được sự liên hệ giữa yếu tố thứ nhất và thứ hai của sự cứu rỗi: Đó là ăn năn thật để được tha thứ và phải kinh nghiệm sự tái sanh trong đời sống cá nhân.
Từ yếu tố đầu tiên là tấm lòng ăn năn thật thì chúng ta có thể tìm hiểu đến yếu tố thứ hai của sự cứu rỗi, đó là đời sống được tái sanh. Điều nầy đã được Đức Chúa Jêsus nhấn mạnh đến trong đêm Ngài nói chuyện với Ni-cô-đem:
(Giăng 3: 3) Đức Chúa Jêsus cất tiếng đáp rằng: Quả thật, quả thật, ta nói cùng ngươi, nếu một người chẳng sanh lại, thì không thể thấy được nước Đức Chúa Trời.
(Giăng 3: 5) Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Quả thật, quả thật, ta nói cùng ngươi, nếu một người chẳng nhờ nước và Thánh Linh mà sanh, thì không được vào nước Đức Chúa Trời. Hễ chi sanh bởi xác thịt là xác thịt; hễ chi sanh bởi Thánh Linh là thần. Chớ lấy làm lạ về điều ta đã nói với ngươi: Các ngươi phải sanh lại.
Trong hai câu Kinh thánh trên Đức Chúa Jêsus đã phán dạy một cách rất rõ ràng về tiêu chuẩn để một người có thể nhận được sự cứu rỗi, là phải có một đời sống tái sanh. Nhưng từ trước đến nay tôi con của Chúa cứ suy nghĩ một cách đơn giản là hễ tin Chúa thì được cứu. Cũng có người nhận biết về lẽ đạo cần phải tái sanh, nhưng trong sự suy nghĩ cũng không thoát được quan điểm chung, là cứ cầu nguyện tin Chúa thì sẽ được tái sanh. Đúng ra thì những người ấy nghĩ rằng cứ tin Chúa và đi nhà thờ thì đời sống sẽ được đổi mới. Quả thật là những người tin Chúa có sự thay đổi, nhưng sự thay đổi đó đa phần là ở bên ngoài, nhưng bên trong thì thói quen cũ, tội lỗi cũ vẫn còn.
Theo như lời Kinh thánh mà chúng tôi đã trưng dẫn qua các phần trước thì nếu một người không thật lòng ăn năn khi trở lại với Chúa thì vẫn chưa nhận được sự tha thứ và ít có cơ hội để kinh nghiệm được sự tái sanh. Đức Chúa Jêsus phán rằng một người phải nhờ nước và Đức Thánh Linh mới có thể sanh lại. Hai điều ấy chỉ có thể nhận được khi một người thật lòng ăn năn.
Trong yếu tố thứ hai nầy thì trước nhất chúng ta nói về nước, như là yêu cầu đầu tiên cần phải thực hiện để được tái sanh, theo như lời phán của Đức Chúa Jêsus. Vì yêu cầu nầy mà Hội thánh của Chúa khắp mọi nơi đều có nghi thức làm phép báp-tem cho những người mới tin Chúa, nhưng đây chỉ là hành động bên ngoài để làm hình bóng về quyết định của tân tín hữu trong tâm tình hứa nguyện đồng sống đồng chết với Chúa, chớ không thật sự tẩy sạch được tội lỗi bên trong của một người:
(1Phi-e-rơ 3: 21) Phép báp-têm bây giờ bèn là ảnh tượng của sự ấy để cứu anh em, phép ấy chẳng phải sự làm sạch ô uế của thân thể, nhưng một sự liên lạc lương tâm tốt với Đức Chúa Trời, bởi sự sống lại của Đức Chúa Jêsus Christ.
Mặc dầu lời của Chúa trong câu gốc trên cho biết rằng phép báp-tem giúp cho một người có được sự liên lạc tốt với Đấng Christ qua lương tâm của mình (là quyết định đồng sống đồng chết với Chúa), nhưng vẫn không phải là một nghi thức làm sạch được tội bên trong. Bởi vì theo lời của Chúa, nếu phép báp-tem bằng nước còn không thể làm sạch được sự ô uế của thân thể bên ngoài, thì làm sao tẩy sạch được sự ô uế của tội lỗi bên trong tấm lòng và tư tưởng? Vì là nghi thức, nên tân tín hữu nào cũng có thể nhận được phép báp-tem tùy theo yêu cầu của Hội thánh địa phương. Nhưng muốn có được sự tái sanh bên trong thì người ấy phải nhận được báp-tem của Đức Thánh Linh.
Một mục sư có thể nói với tân tín hữu rằng khi làm phép báp-tem bằng nước thì cũng sẽ nhận được phép báp-tem bằng Đức Thánh Linh, nhưng trong thực tế, căn cứ vào lời Kinh thánh đã trưng dẫn thì người đó chỉ nhận được sự thăm viếng của Đức Thánh Linh khi thật lòng ăn năn và được tha thứ, được thanh tẩy khỏi những ô uế của tội lỗi cũ lúc chưa tin. Kinh thánh cũng cho biết thêm là người ta cần phải làm báp-tem bằng nước trước rồi sau đó mới có thể hy vọng nhận được sự thăm viếng của Đức Chúa Trời, hay còn gọi là phép báp-tem trong Thánh Linh:
(Công vụ 2: 38) Phi-e-rơ trả lời rằng: Hãy hối cải, ai nấy phải nhân danh Đức Chúa Jêsus chịu phép báp-têm, để được tha tội mình, rồi sẽ được lãnh sự ban cho Đức Thánh Linh.
Trong câu Kinh thánh trên, rõ ràng là lời của Chúa qua Phi-e-rơ cho biết rằng phải nhân danh Đức Chúa Jêsus chịu phép báp-tem thì mới được sự tha tội, chớ chẳng phải chỉ đơn thuần là làm lễ báp-tem không thôi đâu. Hai điều nầy có ý nghĩa rất khác nhau. Một đàng là làm báp-tem bằng hình thức theo sự đòi hỏi của Hội thánh địa phương để có thể chính thức trở thành thuộc viên của Hội thánh ấy. Nhưng về phương diện thứ hai là sự chịu lễ báp-tem của một người thành tâm xưng nhận tội lỗi bằng tấm lòng ăn năn thật và tin cậy nơi sự tha thứ của Đức Chúa Jêsus. Một mục sư có thể nhân danh Đức Chúa Jêsus để làm báp-tem cho tân tín hữu, nhưng vấn đề quan trọng vẫn là tấm lòng của người ấy có thật sự ăn năn tội lỗi hay không mà thôi (tức là hứa nguyện để không bao giờ tái phạm lại nữa).
(còn tiếp)