BA YẾU TỐ CỦA SỰ CỨU RỖI (p. 2)

Yếu tố thứ nhất mà chúng ta cần phải thực hiện trong mong muốn được cứu, là phải được tha thứ những tội lỗi đã phạm trong quá khứ. Sự tha thứ nầy chỉ có thể đạt được qua sự chuộc tội của Đức Chúa Jêsus trên thập tự giá, chính vì vậy mà một người muốn được tha phải ăn năn tội lỗi cá nhân và phải cầu nguyện tiếp nhận Đức Chúa Jêsus, nhận rằng sự chết của Ngài là để trả món nợ tội lỗi mà cả trần gian đã phạm trước mặt Đức Chúa Trời.

Đối với bước thứ nhất nầy thì tất cả Cơ-đốc nhân chúng ta đều biết, đều đã thực hiện, nhưng hiểu rõ ràng thì dường như chỉ có một số người mà thôi. Vì trong bước thứ nhất nầy có hai vấn đề mà tôi con Chúa vẫn thường lầm lẫn.

Thứ nhất là sự ăn năn. Thử nhớ lại ngày cầu nguyện tin nhận Chúa, tất cả chúng ta đều đề cập đến ba điều trong lời cầu nguyện của mình (hoặc là lập lại theo lời của người mục sư hướng dẫn thân hữu tin Chúa). Ba điều đó là nhận rằng mình có tội, ăn năn về các tội lỗi đã phạm để xin Chúa tha thứ, rồi kể từ đó mời Chúa vào làm Chủ đời sống chúng ta.

Sự nhận biết mình là người có tội thì ai cũng có thể thực hiện được, vì đó là một thực tế của mọi người sống trong thế gian nầy. Nhưng về vấn đề ăn năn thì ít người để ý đến. Mặc dầu miệng thì nói ăn năn nhưng ít người có tấm lòng thật sự ăn năn trong giờ phút cầu nguyện tiếp nhận Chúa. Sự ăn năn mà chúng tôi đề cập đến ở đây không phải là theo quan điểm của con người, hoặc điều mà tâm trí chúng ta nhận thức, nhưng phải theo tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời đã có ghi trong Kinh thánh (để được Chúa chấp nhận), bằng không thì sự ăn năn của chúng ta chỉ là hình thức mà thôi, và sẽ không đem lại hiệu quả gì cho sự cầu nguyện tin Chúa của chúng ta.

Theo nguyên tắc của Kinh thánh thì sự ăn năn thật là từ bỏ những tội lỗi mà mình đã phạm và không bao giờ lập lại tội ấy nữa hầu để được tha thứ:

(Công vụ 3: 19) Vậy, các ngươi hãy ăn năn và trở lại, đặng cho tội lỗi mình được xóa đi.

Chính Đức Chúa Jêsus đã xác nhận nguyên tắc trên khi phán với người đàn bà tà dâm rằng Ngài tha thứ tội lỗi mà bà đã phạm và nhắc nhở bà đừng phạm lại tội ấy:

(Giăng 8: 11) Người thưa rằng: Lạy Chúa, không ai hết. Đức Chúa Jêsus phán rằng: Ta cũng không định tội ngươi; hãy đi, đừng phạm tội nữa.

Không tái phạm tội lỗi cũ là yêu cầu cần phải có để cho thấy một tấm lòng ăn năn thật, và chỉ có sự ăn năn như vậy mới được tha thứ mà thôi, theo như lời Đức Chúa Jêsus đã dạy dỗ:

(Lu-ca 17: 3) Các ngươi hãy giữ lấy mình. Nếu anh em ngươi đã phạm tội, hãy quở trách họ; và nếu họ ăn năn, thì hãy tha thứ.

Nhiều người lầm tưởng rằng Chúa tha thứ tất cả tội lỗi mặc dầu người ta chưa ăn năn, hoặc chỉ cần ăn năn bề ngoài thôi cũng đủ. Nhưng nếu chúng ta suy nghĩ vấn đề một cách kỹ lưỡng hơn thì sẽ thấy quan điểm như vậy sai trật biết bao nhiêu. Đối với loài người còn sống trong thế gian tăm tối và đầy tội lỗi nầy mà cần phải ăn năn mới được tha thứ, thì chẳng lẽ Đức Chúa Trời sẳn sàng tha thứ khi người ta chưa thật sự ăn năn? Nếu thế thì Thiên đàng của Chúa sẽ như thế nào? Ma quỉ phạm tội mà không chịu ăn năn còn bị đuổi khỏi Thiên đàng, chẳng lẽ loài người chưa chịu ăn năn vẫn được vào nơi vinh hiển ấy?

Vì ăn năn thật là yếu tố cần có để được tha thứ nên trong chức vụ của ông, Giăng Báp-tít đã rao giảng như vậy cho mọi người trong xứ Giu-đê thời bấy giờ:

(Lu-ca 3: 3) Giăng bèn dạo qua hết thảy miền lân cận sông Giô-đanh, giảng dạy phép báp-têm về sự ăn năn để được tha tội.

Nguyên tắc nầy đã được Kinh thánh ghi lại rõ ràng nhưng thân hữu không được nhắc nhở để thực hiện sau khi tin nhận Chúa và Cơ-đốc nhân lẫn các tôi tớ Chúa cũng không hề để ý đến nguyên tắc ấy bao nhiêu. Vì lẽ đó, nhiều người sau khi đã cầu nguyện tin nhận Chúa vẫn tiếp tục sống đời sống cũ, tiếp tục phạm lại tội lỗi cũ, mà cứ tưởng rằng mình đã được tha thứ rồi. Nếu Đức Chúa Trời đã cho ghi lại nguyên tắc trên vào trong lời của Ngài mà tôi con Chúa cứ tiếp tục bỏ qua thì chúng ta nghĩ rằng Ngài đẹp lòng với điều đó để tha thứ cho chúng ta hay sao? Hoặc giả có người nghĩ rằng vì Chúa là Đấng Nhân Từ nên cứ mặc kệ nguyên tắc của Chúa, không cần phải làm theo, Chúa cũng không có phản ứng gì đâu? Nếu có ai trong vòng Cơ-đốc nhân nghĩ như vậy thì phải coi chừng, vì trời đất nầy qua đi còn dễ hơn là bỏ qua dẫu một chấm một nét trong lời của Ngài mà không làm theo. Chính Đức Chúa Jêsus đã từng hỏi về vấn đề nầy, rằng:

(Lu-ca 6: 46) Sao các ngươi gọi ta: Chúa, Chúa, mà không làm theo lời ta phán?

Và Ngài đã cho biết về kết quả của việc làm theo lời của Ngài (hoặc hậu quả của sự bất tuân):

(1Giăng 2: 17) Vả thế gian với sự tham dục nó đều qua đi, song ai làm theo ý muốn Đức Chúa Trời thì còn lại đời đời.

Nguyên tắc về sự ăn năn không dừng lại tại điểm ấy, nhưng để mỗi một Cơ-đốc nhân có thể tự xác định được rằng chính mình có thật sự ăn năn chưa thì Chúa đòi hỏi là sự ăn năn của ngày cầu nguyện tin nhận Chúa phải có kết quả:

(Ma-thi-ơ 3: 8) Vậy, các ngươi hãy kết quả xứng đáng với sự ăn năn.

Nhiều người biện minh rằng câu gốc nầy ghi lại lời Chúa đòi hỏi người Pha-ri-si chớ không phải đòi hỏi Cơ-đốc nhân phải có kết quả. Nhưng nói như vậy là cố tình ngụy biện, vì nếu những người giả hình còn cần phải kết quả thì chẳng lẽ Cơ-đốc nhân của những thời đại sau đó không cần điều ấy (nghĩa là có đời sống còn tệ hơn những kẻ trước đây từng là người giả hình, tức là không cần có kết quả gì hết về sự ăn năn của cá nhân)? Vả lại, lời của Chúa cho biết là cả Kinh thánh được Ngài soi dẫn để trở nên có ích cho con dân Chúa trong mọi thời đại, thì chẳng lẽ chỉ riêng câu gốc nầy là dùng cho người Pha-ri-si thôi sao?

(2Ti-mô-thê 3: 16) Cả Kinh thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn, có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình.

Nhưng chắc cũng có một vài người khi nghe đề cập đến vấn đề cần có kết quả để xác định sự ăn năn trong ngày trở lại với Chúa có thật lòng hay không, thì vội vã cho rằng mình ăn năn thật vì đã có nhiều kết quả trong việc truyền giảng, trong việc dâng hiến, trong việc phục vụ Chúa và những công tác khác. Hiểu như vậy là chưa nắm vững được các tín lý căn bản trong Kinh thánh. Ở đây chúng tôi không có ý làm giảm giá trị công tác truyền giảng của các anh chị em khác, cũng không có ý xem nhẹ công khó của tôi con Chúa phục vụ Ngài trong các Hội thánh, nhưng sự kết quả mà Kinh thánh cho biết để làm bằng chứng về sự ăn năn thật là một đời sống tái sanh, một đời sống nên thánh trong cố gắng chuẩn bị xứng đáng cho Thiên đàng mai sau.

Sự kết quả ở bên ngoài và bên trong là hai điều khác nhau. Việc dẫn đưa nhiều người vào Hội thánh, việc dâng hiến hoặc làm công tác phục vụ chưa hẳn là bằng chứng của một đời sống kết quả trong Chúa. Tất cả những điều đó là tốt nếu xuất phát từ một đời sống đã tái sanh và nên thánh, bằng nếu chỉ là kết quả của sức lực hoặc khả năng con người thì vẫn chưa thể gọi là kết quả theo tiêu chuẩn của Kinh thánh. Như đã đề cập đến ở trên, chúng tôi hoàn toàn không có ý phủ nhận công khó của các anh chị em khác đối với công việc Chúa, chúng tôi chỉ cố gắng trình bày một cách rõ ràng ngay thẳng về các chân lý trong Kinh thánh, dẫu rằng có thể làm các anh chị em khác buồn lòng, nhưng vì Chúa là Đấng đáng kính sợ nên những điều chúng tôi viết ra đây không phải để đẹp lòng loài người mà để làm đẹp lòng Đức Chúa Trời, là Đấng chúng tôi đang hầu việc, theo như tâm tình của đàn anh đi trước, là Phao-lô:

(1Tê-sa-lô-ni-ca 2: 4) Nhưng vì Đức Chúa Trời đã xét chúng tôi là xứng đáng giao cho việc giảng Tin lành, nên chúng tôi cứ nói, không phải để đẹp lòng loài người, nhưng để đẹp lòng Đức Chúa Trời, là Đấng dò xét lòng chúng tôi.

Thử nhìn vào thực tế của đời sống thì các anh chị em có thể hiểu điều mà chúng tôi muốn nói đến tại đây. Nếu nói về kết quả bên ngoài trong việc dẫn đưa nhiều người vào Hội thánh, thì các ca sĩ, nghệ sĩ thu hút người khác đến với họ tại các buổi hòa nhạc, hài kịch đông hơn là đến với Hội thánh chúng ta. Các trận chung kết túc cầu có đông người tham dự hơn là những buổi truyền giảng ngoài trời của các mục sư nổi tiếng (Lần mục sư tiến sĩ Billy Graham giảng tại Hán thành (Nam Triều tiên) vào tháng 6 năm 1973 có khoảng 1.1 triệu người tham dự, là lần nhóm họp đông đảo nhất trong lịch sữ Hội thánh từ xưa đến nay). Nếu nói về vấn đề dâng hiến thì người ta đóng góp cho các cuộc vận động tranh cử tổng thống nhiều hơn là Cơ-đốc nhân dâng hiến vào công việc nhà Chúa. Số tiền mà người ta dùng để nhậu nhẹt mỗi tuần vẫn thường nhiều hơn là sự dâng hiến của con cái Chúa. Nếu nói về sự tận tụy thì loài người hy sinh cho lý tưởng và các đảng phái chính trị của họ nhiều hơn là sự phục vụ của Cơ-đốc nhân trong Hội thánh. Đáng buồn một điều là nhiều tôi con Chúa không thấy được điều đó, nên hễ làm được chút gì cho Hội thánh của Chúa là lên mình kiêu ngạo, muốn có quyền lực và ảnh hưởng ngay lập tức trong nhà của Đức Chúa Trời.

Như điều mà chúng tôi đã trình bày từ phần đầu của bài viết nầy, thì đức tin của nhiều tôi con Chúa ngày nay chỉ thấy sự kết quả bên ngoài và không chú tâm đến đời sống nên thánh bên trong bao nhiêu, nên Hội thánh càng ngày càng sa sút về chuẩn mực đạo đức, đến nỗi muối mất mặn, đèn lu mờ, không gieo nổi ảnh hưởng tin kính vào trong xã hội, vào trong quốc gia mà mình đang sống. Chẳng những thế thôi, rất nhiều người, ngay cả những người đã ra hầu việc Chúa lâu năm, vẫn cứ tiếp tục lên án, chống đối việc khích lệ, hướng dẫn, dạy dỗ con cái Chúa phải tái sanh, phải nên thánh. Hội thánh ngày nay không những gặp sự khó khăn bên ngoài, mà còn gặp sự cản trở bên trong từ chính những anh chị em tự xưng là cùng đức tin với nhau. Đó là điều đáng buồn, đáng ưu tư lắm.

Nếu nói về kết quả bên ngoài thì Nô-ê là người thất bại hơn hết trong vòng con dân Chúa. Suốt thời gian đóng tàu dài đăng đẳng (trong khoảng 100 năm, từ lúc ông được Đức Chúa Trời báo trước về việc Ngài sẽ hủy diệt thế gian – khi ông đã có 3 con trai – cho đến khi nước lụt xãy ra), ông cố sức truyền giảng mà không có một người nào tin Chúa. Rốt lại, khi cơn nước lụt đến, chỉ có một mình ông và gia đình là có đức tin nơi Đức Chúa Trời mà thôi. Nhưng thử hỏi, trong cả thế gian ngày hôm nay, ai trong vòng chúng ta, ngay cả những người dẫn hàng trăm, hàng ngàn người về với Chúa, được gọi là thầy giảng đạo công bình như Nô-ê?

(2Phi-e-rơ 2: 5) Nếu Ngài chẳng tiếc thế gian xưa, trong khi sai nước lụt phạt đời gian ác nầy, chỉ gìn giữ Nô-ê là thầy giảng đạo công bình, với bảy người khác mà thôi.

(còn tiếp)

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *