BA YẾU TỐ ĐỂ ĐƯỢC CỨU RỖI 1
BA YẾU TỐ ĐỂ ĐƯỢC CỨU RỖI 1
Kinh thánh: Gia-cơ 2: 14-26
Câu gốc: GIA-CƠ 2: 26 – Vả, xác chẳng có hồn thì chết, đức tin không có việc làm cũng chết như vậy.
Bất cứ một người trưởng thành nào trong vòng chúng ta cũng đều biết rằng đời sống con người là có giới hạn, và một ngày nào đó thì mỗi người đều sẽ phải lần lượt ra đi. Đó là định luật chung cho tất cả những người từng sinh ra vào trong trần gian nầy. Vì vậy, mục tiêu quan trọng hàng đầu của Cơ-đốc-nhân kể từ ngày tin Chúa và theo Chúa đến nay là làm sao để có thể nhận được sự cứu rỗi trong ngày Đức Chúa Jêsus trở lại. Vì theo lời Kinh thánh thì sau khi rời khỏi đời sống nầy thì con người chỉ có hai chỗ để đến mà thôi, đó là được sống vinh hiển đời đời với Đấng Tạo Hóa ở trong Thiên đàng của Ngài, hoặc là bị hình phạt đời đời trong hỏa ngục tăm tối. Bởi lẽ đó mà việc tìm biết làm thế nào để có thể chắc chắn nhận được sự sống đời đời phải là mối quan tâm hàng đầu của Cơ-đốc-nhân. Con dân của Chúa không nên ỷ y để nghĩ rằng cứ hễ đã cầu nguyện tin Chúa thì sẽ nhận được sự sống đời đời. Sự cầu nguyện tin Chúa mới chỉ là yếu tố thứ nhất trong 3 yếu tố cần thiết để có thể nhận được sự cứu rỗi. Nếu đã cầu nguyện tin nhận Chúa mà thiếu 2 yếu tố kia thì Cơ-đốc-nhân vẫn phải đối diện với nguy cơ bị bỏ lại trong ngày Đức Chúa Jêsus tái lâm. Bởi lẽ đó chúng ta phải nhìn vào đời sống của Phao-lô để được thức tỉnh và cảnh giác. Theo như lời Kinh thánh cho biết thì mặc dầu sứ đồ Phao-lô là người thánh của Chúa và được Chúa ban cho những ân điển lạ lùng để có thể làm nhiều phép lạ, ngay cả việc cứu được người đã chết sống lại, thì ông vẫn hằng quan tâm đến việc làm sao để chính mình ông có thể nhận được sự cứu rỗi sau khi qua đời (1Cô-rinh-tô 9: 27).
Chữ bỏ mà Phao-lô đã dùng trong câu gốc nầy có ý muốn nói đến việc không nhận được sự cứu rỗi từ nơi Chúa. Khi Phao-lô cho biết rằng ông đãi thân thể ông một cách nghiêm khắc thì ông có ý muốn nói rằng ông luôn luôn từ chối sự đòi hỏi của bản ngã và nhất định không bao giờ chìu theo các sự tham muốn của xác thịt ông, hầu cho chính ông có thể sống trọn lành theo tiêu chuẩn và mẫu mực mà Đức Chúa Trời đã chỉ định cho con dân Ngài vốn có ghi trong cả quyển Kinh thánh. Điều đó giúp cho Cơ-đốc-nhân chúng ta thấy rằng nếu một người có đầy dẫy đức tin và năng quyền của Đức Chúa Trời như Phao-lô mà còn phải quan tâm đến việc làm sao để có thể nhận được sự cứu rỗi sau khi qua đời thì chúng ta là những Cơ-đốc-nhân bình thường càng phải cẩn thận và quan tâm đến điều đó hơn mọi sự khác là dường nào.
Khi Phao-lô được Đức-Thánh-Linh cảm động để từng tuyên bố rằng người công bình sẽ sống bởi đức tin mà ông còn cố gắng hết sức để sống đẹp lòng Chúa thì huống chi là những Cơ-đốc-nhân bình thường như chúng ta ngày hôm nay. Dầu vậy vẫn có một số anh chị em suy nghĩ rất đơn giản về sự cứu rỗi và cho rằng cứ hễ tin Chúa là được cứu, bất kể là mình sống như thế nào trong trần gian nầy. Quan niệm như vậy rất là nguy hiểm vì không đặt căn bản hoàn toàn trên lời của Chúa đã phán dạy về sự cứu rỗi.
Yếu tố đầu tiên để một người có thể nhận được sự cứu rỗi là tin nơi Đức Chúa Trời và tin nơi sự chết chuộc tội của Đức Chúa Jêsus Christ. Lòng tin đó phải chân thành và phải được bày tỏ bằng lời theo như nguyên tắc mà Kinh thánh đã chỉ định (Rô-ma 10: 9).
Người tử tội bị đóng đinh một bên Đức Chúa Jêsus là trường hợp điển hình của một người nhận được sự cứu rỗi nhanh chóng như vậy. Ấy là vì người tử tội đó đã tuyên xưng đức tin của ông nơi Đức Chúa Jêsus và tin rằng Ngài sẽ sống lại, khi trình bày lòng mong ước của ông là sẽ được Đức Chúa Jêsus nhớ đến mình khi Ngài tái lâm, như lời đã được chép trong
LU-CA 23: 42 – Đoạn lại nói rằng: Hỡi Jêsus, khi Ngài đến trong nước mình rồi, xin nhớ lấy tôi!
Kinh thánh đã dùng trường hợp của người tử tội để cho chúng ta biết rằng khi một người tuyên xưng đức tin của mình trong giờ phút cuối cùng trước khi qua đời, như trong trường hợp của một người bị bệnh hấp hối trên giường, hoặc trường hợp của một binh sĩ hấp hối ngoài mặt trận, thì những người như vậy sẽ nhận được cứu rỗi. Ấy là bởi vì những người đó không còn có cơ hội để yếu đuối hoặc phạm tội nữa. Vì vậy sự cứu rỗi của họ là chắc chắn. Và đó là trường hợp của những người hễ tin là được cứu.
Nhưng trong thực tế thì không phải người nào cũng cầu nguyện tin Chúa hoặc tuyên xưng đức tin của mình lúc đang hấp hối hoặc sắp sửa qua đời, nên trường hợp như vậy là ít hơn trường hợp của những người sau khi đã cầu nguyện tin Chúa rồi thì còn sống thêm nhiều năm tháng nữa trên đất nầy. Trong những năm tháng ấy thì chính sự yếu đuối vì bản ngã hoặc việc phạm tội vì cớ thua bại trước sự cám dỗ của ma quỉ mà Cơ-đốc-nhân có thể bị hụt mất sự cứu rỗi đời đời. Đó là lý do vì sao mà sứ đồ Phao-lô đã lo lắng cho chính cá nhân ông theo như câu Kinh thánh mà tôi đã trưng dẫn khi nãy cùng với quý Hội thánh. Cơ-đốc-nhân chúng ta cần phải nhớ rằng Đức Chúa Trời là Đấng Công Bình, tức là Đấng thưởng phạt phân minh nên nguyên tắc đời đời của Chúa là hễ kẻ nào phạm tội thì sẽ phải chịu sự hư mất, từ kẻ gian ác cho đến người từng được kể là công bình. Nguyên tắc đó không bao giờ thay đổi, như lời của Chúa đã phán và đã có ghi lại trong
Ê-XÊ-CHI-ÊN 33: 13 – Dầu mà ta có nói với người công bình rằng nó chắc sẽ sống, nếu nó cậy sự công bình mình mà phạm tội, thì sẽ không nhớ đến một việc công bình nào của nó nữa; nhưng nó sẽ chết trong sự gian ác mình đã phạm.
Khi đọc qua câu Kinh thánh vừa được trưng dẫn thì chúng ta có thể thấy rằng mặc dầu Đức Chúa Trời kể một người là công bình, như trong trường hợp người đó đã từng cầu nguyện tin nhận Chúa, nhưng nếu cứ ỷ y rằng mình sẽ được cứu mà tiếp tục phạm tội và không sống theo tiêu chuẩn thánh khiết của Đức Chúa Trời đã chỉ định, thì người đó vẫn bị kể là gian ác và phải chết trong tội lỗi mình, nghĩa là phải chịu sự hình phạt đời đời. Mặc dầu lời của Chúa đã phán rõ ràng như vậy nhưng vẫn có người cho rằng đây là luật pháp của thời kỳ Cựu ước, còn trong thời kỳ Ân điển thì khác hẳn. Nhưng Cơ-đốc-nhân chúng ta phải nhớ rằng Đức Chúa Trời là Đấng Không Bao Giờ Thay Đổi và hễ nguyên tắc nào mà Ngài đã lập thì dầu là thời kỳ Cựu ước hay thời kỳ Ân điển thì cũng đều giống như nhau và được áp dụng trong cùng một cách, như lời Kinh thánh đã khẳng định về nguyên tắc ấy trong
HÊ-BƠ-RƠ 6: 4-6 – Vì chưng những kẻ đã được soi sáng một lần, đã nếm sự ban cho từ trên trời, dự phần về Đức Thánh Linh, nếm đạo lành Đức Chúa Trời và quyền phép của đời sau, nếu lại vấp ngã, thì không thể khiến họ lại ăn năn nữa, vì họ đóng đinh Con Đức Chúa Trời trên thập tự giá cho mình một lần nữa, làm cho Ngài bị sỉ nhục tỏ tường.
Chúng ta biết rằng trong thế gian nầy chỉ có một đạo lành mà thôi, là Tin lành về sự cứu rỗi trong Đức Chúa Jêsus. Vì vậy khi lời của Chúa đề cập đến những kẻ đã nếm đạo lành và được dự phần về Đức-Thánh-Linh thì điều đó có nghĩa là Kinh thánh muốn nói đến những người đã cầu nguyện tin nhận Chúa bởi sự cảm động của Đức-Thánh-Linh. Nhưng nếu họ cứ tiếp tục phạm tội, mà Kinh thánh gọi là cứ vấp ngã, thì điều đó được xem như là tiếp tục đóng đinh Đức Chúa Jêsus vào thập tự giá. Một người như thế là đang cố tình phạm tội và dẫu đã cầu nguyện tin Chúa thì vẫn không thể được cứu, theo như lời của Chúa đã phán và có ghi lại trong
HÊ-BƠ-RƠ 10: 26-27 – Vì nếu chúng ta đã nhận biết lẽ thật rồi, mà lại cố ý phạm tội, thì không còn có tế lễ chuộc tội nữa, nhưng chỉ có sự đợi chờ kinh khiếp về sự phán xét, và lửa hừng sẽ đốt cháy kẻ bội nghịch mà thôi.
Vì câu Kinh thánh nầy được viết ra trong thời kỳ Ân điển thì chúng ta biết nó quan trọng như thế nào đối với sự cố tình phạm tội trong vòng Cơ-đốc-nhân, tức là những người đã từng cầu nguyện tin nhận Chúa rồi. Theo như Kinh thánh cho biết thì người ta chỉ có thể nhận biết lẽ thật khi được Đức-Thánh-Linh thăm viếng và giải bày, và trong thực tế thì Đức-Thánh-Linh đã đến rồi trong ngày lễ Ngũ tuần đầu tiên. Vì vậy đây là câu gốc được dùng để cảnh cáo Cơ-đốc-nhân trong thời kỳ ân điển, rằng chớ có cố tình phạm tội, vì Đức Chúa Jêsus chỉ cầu thay cho những người lầm lỡ khi yếu đuối, chớ không có chỗ nào trong Kinh thánh cho biết rằng Ngài cầu thay cho những kẻ cứ cố tình phạm tội mãi, tức là cứ cố tình đóng đinh Ngài vào thập tự giá hết lần nầy đến lần khác theo như câu Kinh thánh trong Hê-bơ-rơ mà chúng ta mới vừa đọc qua.
Chúng ta có thể dùng lời của Phao-lô đã bày tỏ trong 1Cô-rinh-tô 9: 27 mà đã được trưng dẫn lúc nãy để suy nghĩ thêm một chút về điều ấy hầu có thể làm vững tin thêm về những điều mà Kinh thánh đã phán dạy có liên quan đến việc tin nhận Chúa. Chúng ta thử suy nghĩ như thế nầy: Nếu thật sự Cơ-đốc-nhân sẽ nhận được sự cứu rỗi sau khi đã cầu nguyện tin nhận Chúa bất kể là có sống theo mẫu mực của Chúa hay không, thì Phao-lô đã không cần phải lo lắng cho sự cứu rỗi của chính cá nhân ông, vì nếu so với tất cả các Cơ-đốc-nhân khác từng sống trong trần gian nầy thì Phao-lô là người xứng đáng hơn hết. Nhưng một người như Phao-lô mà còn phải cẩn thận quan tâm đến việc làm sao để chính cá nhân ông có thể nhận được sự cứu rỗi, thì huống chi là những Cơ-đốc-nhân bình thường như chúng ta ngày hôm nay. Vì vậy con dân của Chúa cần phải lấy đời sống của Phao-lô để cảnh tỉnh chính mình hầu không phải hối tiếc về sự lơ là của mình trong phương diện đức tin khi Đức Chúa Jêsus trở lại.
Bởi lẽ đó sự cầu nguyện tin nhận Chúa mới chỉ là yếu tố đầu tiên để một người có thể nhận được sự cứu rỗi trong Chúa nhưng không phải là yếu tố duy nhất để người ta được cứu. Hai yếu tố còn lại là sự tái sanh và sự nên thánh mà lời của Chúa đã khẳng định rằng Cơ-đốc-nhân cần phải có để có thể diện kiến Đức Chúa Trời trong ngày vinh hiển, tức là khi được Ngài ban cho sự sống đời đời, như lời Kinh thánh có chép trong
GIĂNG 3: 3 – Đức Chúa Jêsus cất tiếng đáp rằng: Quả thật, quả thật, ta nói cùng ngươi, nếu một người chẳng sanh lại, thì không thể thấy được nước Đức Chúa Trời.
HÊ-BƠ-RƠ 12: 14 – Hãy cầu sự bình an với mọi người, cùng tìm theo sự nên thánh, vì nếu không nên thánh thì chẳng ai được thấy Đức Chúa Trời.
Chúng ta có thể thấy rõ ràng rằng lời của Chúa đã khẳng định là nếu không tái sanh và không nên thánh thì không ai được cứu rỗi, kể cả người đã cầu nguyện tin nhận Chúa mà không chịu sống theo mẫu mực của Ngài đã phán dạy trong Kinh thánh. Nhưng hôm nay thì tôi chỉ xin trình bày về yếu tố thứ nhất mà thôi, là sự cầu nguyện tin nhận Chúa và mức độ đức tin liên quan đến hành động ấy. Những lần sau thì tôi sẽ xin trình bày thêm về sự tái sanh và sự nên thánh.
Kính thưa quý Hội thánh, lý do mà một người mặc dầu đã cầu nguyện tin nhận Chúa nhưng vẫn chưa được kể là có đức tin thật trong Đức Chúa Jêsus là vì có người thực hiện điều đó như một nghi thức gia nhập tôn giáo chớ không hề có lòng tin thật sự nơi Đức Chúa Trời và sự cứu rỗi trong Đức Chúa Jêsus Christ. Như điều mà tôi đã có đề cập đến sơ qua trong bài giảng Khi Nào Đức Chúa Jêsus Trở Lại phần thứ hai thì đức tin của một người chỉ được kể là đức tin thật khi có hành động hay việc làm cặp theo, còn nếu chỉ tin suông mà không có việc làm cặp theo thì đó chỉ là đức tin chết, như lời của Chúa đã có ghi lại trong
GIA-CƠ 2: 26 – Vả, xác chẳng có hồn thì chết, đức tin không có việc làm cũng chết như vậy.
Trước khi giải thích nhiều hơn về sự liên quan giữa việc cầu nguyện tin nhận Chúa và mức độ đức tin mạnh yếu như thế nào, hoặc là sự cầu nguyện tin nhận Chúa mà không hề có đức tin, thì tôi xin kể ra đây một thí dụ để minh họa cho điều đó. Câu chuyện là như thế nầy: Có một người kia, tạm gọi là anh A, đến nói với một bạn hữu của mình ở trong làng rằng ở làng bên cạnh có một người lực sĩ khỏe lắm, một ngày ăn hết năm nồi cơm to. Người bạn nghe xong thì gật gù trả lời là anh tin có người ăn nhiều đến như vậy, rồi lại tiếp tục công việc đang làm dở dang. Thấy người bạn mình không có hứng thú gì về câu chuyện của người lực sĩ kia nên anh A nói tiếp thêm rằng người lực sĩ đó có sức quật ngã một con trâu. Người bạn cũng ừ hứ và nói là anh tin rằng anh lực sĩ kia có sức khỏe như vậy, rồi lại tiếp tục công việc. Thấy vậy anh A bèn nói thêm là người lực sĩ ở làng bên có lần đã đánh xỉu một con voi. Người bạn cũng gật đầu và nói rằng tôi tin, rồi lại tiếp tục công việc như cũ không hề lộ vẻ quan tâm gì hết.
Cách thức mà người bạn kia tin vào lời nói của anh A có thể làm thí dụ cho sự cầu nguyện tin Chúa mà không hề có đức tin gì hết. Vì đối với người bạn của anh A thì chuyện người lực sĩ kia có ăn nhiều như thế nào, có vật ngã một con trâu hay đánh xỉu một con voi cũng chẳng can hệ gì đến anh. Thậm chí người lực sĩ kia có đánh xỉu mười con voi cũng chẳng đáng để chú ý. Người bạn nói rằng anh tin, cốt chỉ để làm vui lòng anh A mà thôi, hoặc để anh A yên tâm đi nơi khác hầu anh có thể tập trung làm công việc của mình mà không bị khuấy rối. Cũng một thể ấy, trong vòng những Cơ-đốc-nhân đã cầu nguyện tin nhận Chúa thì có một số anh chị em chẳng hề quan tâm đến Đức Chúa Trời là Đấng thế nào, rằng Ngài có bao nhiêu mỹ đức, rằng sự dạy dỗ của Chúa trong Kinh thánh là gì hoặc ý muốn của Ngài ra sao. Họ hoàn toàn không để ý đến và cũng chẳng cần tìm hiểu gì hết. Họ dửng dưng với Kinh thánh và hầu như không có cầu nguyện chi hết. Thế thì sự cầu nguyện tin Chúa với một tấm lòng như vậy thì làm sao thỏa mãn được tiêu chuẩn của Đức Chúa Trời, làm sao có thể bày tỏ được đức tin thật của một người? Bởi có những trường hợp như vậy trong vòng Cơ-đốc-nhân mà Kinh thánh mới cho biết là sự cầu nguyện tin Chúa chỉ là bước đầu tiên, là yếu tố thứ nhất mà thôi, chớ không phải là cứ hễ cầu nguyện tin Chúa thì sẽ được cứu.
Chính Đức Chúa Jêsus đã cho biết là nếu Cơ-đốc-nhân không làm theo ý muốn của Đức Chúa Trời thì sẽ không có cơ hội nhận được sự sống đời, như lời Ngài đã phán và đã có ghi lại trong
MA-THI-Ơ 7: 21 – Chẳng phải hễ những kẻ nói cùng ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, thì đều được vào nước thiên đàng đâu; nhưng chỉ kẻ làm theo ý muốn của Cha ta ở trên trời mà thôi.
1GIĂNG 2: 17 – Vả thế gian với sự tham dục nó đều qua đi, song ai làm theo ý muốn Đức Chúa Trời thì còn lại đời đời.
Mặc dầu lời phán của Đức Chúa Jêsus đã rõ ràng như vậy, nhưng trong thực tế vẫn có những Cơ-đốc-nhân không hề biết ý muốn của Chúa là gì, hoặc chỉ biết một cách mơ hồ về những điều như là phải đi nhà thờ, phải đọc Kinh thánh, phải cầu nguyện, ngoài những điều đó ra thì không để ý gì thêm nữa. Vì vậy việc vâng lời và làm theo ý muốn Chúa rất là quan trọng, chớ không phải chỉ có sự cầu nguyện suông trong việc tin nhận Chúa mà thôi.
Tôi xin kể thêm một thí dụ nữa để minh họa cho đức tin thật của một người khi cầu nguyện tin nhận Chúa. Thí dụ nầy cũng tương tự như thí dụ trước nhưng có phản ứng khác hẳn. Câu chuyện như thế nầy: Một hôm khác thì anh A gặp một người bạn, mà tôi xin được tạm gọi là anh C. Anh A nói cho bạn biết là ở làng bên cạnh có một văn nhân cứ hễ ứng khẩu là thành thơ. Hễ người đó thấy lá vàng rụng là làm được một bài thơ. Thấy cá lội trong hồ thì làm được một bài thơ khác. Thấy khói lam chiều trên mái lá thì cùng làm được một bài thơ. Nói tóm lại là văn nhân đó có một biệt tài mà người xưa gọi là ‘Lãm thế quan thi khởi’, nghĩa là thấy mọi cảnh vật đều có thể làm thành thơ. Vừa nghe anh A nói xong thì anh C hết sức vui mừng và hỏi ngay lập tức là làm sao để anh có thể gặp được thi nhân đó. Anh C cho biết là đối với anh thì việc được chỉ một lần diện kiến một nhân tài như vậy thì cũng đủ để anh thỏa mãn suốt đời và nài nỉ anh A phải đi liên lạc giùm để anh có thể sớm gặp được thi nhân ấy.
Câu chuyện thí dụ nầy là có thể được dùng để mô tả đức tin của một người nơi Đức Chúa Trời, là sau khi đã cầu nguyện tin nhận Ngài thì sốt sắng tìm hiểu về Chúa và vui mừng để được học biết về Ngài nhiều hơn. Đó là tâm tình của các Cơ-đốc-nhân trong thời kỳ Hội thánh đầu tiên mà Kinh thánh đã có ghi lại trong
CÔNG VỤ 17: 11 – Những người nầy có ý hẳn hoi hơn người Tê-sa-lô-ni-ca, đều sẵn lòng chịu lấy đạo, ngày nào cũng tra xem Kinh thánh, để xét lời giảng có thật chăng.
Những Cơ-đốc-nhân của thời kỳ Hội thánh đầu tiên đã cho chúng ta thấy được sự sốt sắng hết lòng trong việc tìm hiểu về Đức Chúa Trời, về ý muốn của Ngài và các mẫu mực trong Kinh thánh sau khi đã tiếp nhận Chúa. Cơ-đốc-nhân ngày nay đáng phải theo gương họ để có thể bày tỏ đức tin thật của mình nơi Đức Chúa Trời và nơi Đức Chúa Jêsus Christ. Bởi lẽ đó mà chúng ta có thể hiểu được rằng sự cầu nguyện tin nhận Chúa có thể được thực hiện mà không có chút đức tin nào hết, nhưng một người có đức tin thật nơi Chúa thì sau khi đã cầu nguyện tin nhận Ngài thì sẽ hết lòng tìm kiếm Chúa và học biết về Ngài nhiều hơn để nhớ đó có thê biết được ý muốn Chúa mà làm theo.
Như vậy thì qua những điều mà chúng ta vừa suy gẫm thì quý Hội thánh đã có thể biết được rằng sự cầu nguyện tin nhận Chúa chỉ là bước đầu tiên, là yếu tố thứ nhất để một người có thể nhận được sự cứu rỗi trong Chúa, chớ không phải là yếu tố duy nhất. Trong những dịp sau nầy thì tôi sẽ xin được trình bày thêm về các đặc điểm của đức tin thật để quý Hội thánh được biết hầu cho chúng ta không bị lầm lẫn trong quan điểm là hễ tin Chúa thì được cứu theo cách mà nhiều người suy nghĩ, tức là cứ cầu nguyện tin Chúa thì sẽ nhận được sự sống đời đời. Quan điểm ấy rất nguy hiểm và tai hại cho Cơ-đốc-nhân, vì nó làm cho con dân Chúa không chịu tái sanh và thiếu cố gắng trong tiến trình nên thánh cần phải có trong vòng những người theo Chúa.
Vì vậy, cầu xin Đức Chúa Trời tiếp tục giúp đỡ cho Cơ-đốc-nhân để sau khi đã tuyên xưng đức tin của mình bằng cách cầu nguyện tin nhận Chúa thì có thể bày tỏ đức tin ấy ra bằng hành động sốt sắng tìm kiếm và học hỏi ý muốn của Ngài trong Kinh thánh. Cầu xin Đức Chúa Trời thêm sức cho để Cơ-đốc-nhân sau khi đã biết ý muốn Chúa rồi thì cố gắng làm theo với tấm lòng vâng phục trọn vẹn hầu cho đức tin của mình được kể là đức tin thật cho đến ngày Đức Chúa Jêsus tái lâm. Và cầu xin Đức Chúa Trời tưởng thưởng cho Cơ-đốc-nhân thật đầy dẫy một một khi biết sống mẫu mực theo như tiêu chuẩn của Chúa đã có ghi trong Kinh thánh để con dân Ngài được khích lệ càng thêm mà duy trì và tăng trưởng đức tin ấy cho đến ngày gặp mặt Chúa. Amen.
CÁC CÂU KINH THÁNH ĐÃ ĐƯỢC TRƯNG DẪN:
RÔ-MA 10: 9 – Vậy nếu miệng ngươi xưng Đức Chúa Jêsus ra và lòng ngươi tin rằng Đức Chúa Trời đã khiến Ngài từ kẻ chết sống lại, thì ngươi sẽ được cứu.
1CÔ-RINH-TÔ 9: 27 – Song tôi đãi thân thể tôi cách nghiêm khắc, bắt nó phải phục, e rằng sau khi tôi đã giảng dạy kẻ khác, mà chính mình phải bị bỏ chăng.