BA YẾU TỐ CỦA SỰ CỨU RỖI 1
Mục tiêu quan trọng nhất của Cơ-đốc-nhân là được hưởng sự sống đời sau khi rời khỏi thế gian nầy. Điều đó đáng phải là trọng tâm của việc đến với Chúa và tin nhận Ngài. Chính Kinh thánh cũng đã cho biết rằng ấy là ý muốn của Đức Chúa Trời. Dầu vậy, số người tin Chúa vì mục tiêu đó không hoàn toàn ở tỷ lệ 100%. Vì trong thực tế có nhiều người đến với Hội thánh và tin Chúa vì những lý do khác hơn là sự sống đời đời. Tất cả các Cơ-đốc-nhân đều có thể biết đến những trường hợp như vậy. Ngay cả với những người tin Chúa vì mục tiêu là sự sống đời đời thì cũng đã có người lạc bước để theo đuổi những mục tiêu khác mặc dầu trên danh nghĩa vẫn còn được gọi là Cơ-đốc-nhân. Một trong những thí dụ điển hình cho những trường hợp đó là việc Cơ-đốc-nhân lo truyền giảng cho người khác trở lại với Chúa mà lại quên chú ý đến mục tiêu là sự sống đời đời cho chính cá nhân mình. Đó là sự sai lầm mà sứ đồ Phao-lô đã cố tránh và đã có lên tiếng cảnh cáo Cơ-đốc-nhân của các thời đại sau nầy (1Cô-rinh-tô 9: 27). Việc truyền giảng chứng đạo cho người chưa tin là một trong những công tác hàng đầu mà Cơ-đốc-nhân phải thực hiện, nhưng không phải vì thế mà quên sự cứu rỗi cho chính linh hồn mình.
Tất cả các tôi con Chúa trong Hội thánh ngày nay đều biết về đại mạng lệnh mà Đức Chúa Jêsus đã truyền phán cho các môn đồ, các sứ đồ, trước khi Ngài thăng thiên về trời, là đi khắp thế gian giảng Tin Lành cho muôn dân (Ma-thi-ơ 28: 19-20).
Mạng lệnh đó được truyền theo chiều dài của lịch sữ Hội thánh tận đến thời đại của chúng ta ngày nay. Mỗi một Hội thánh, mỗi một Cơ-đốc nhân đều chú ý đến mạng lệnh ấy và cố hết sức để thực hiện. Nguyện vọng của mỗi một tôi con của Chúa là đem được nhiều người về với Ngài. Bất cứ Cơ-đốc nhân nào cũng thích, cũng vui, khi thấy Hội thánh của mình được đông đảo, và chúng ta thường đề cao, nhắc nhở đến những người được ơn trong việc dẫn dắt thân hữu về với Đấng Christ, về với Hội thánh, theo như tinh thần của câu gốc trong sách tiên tri Đa-ni-ên:
ĐA-NI-ÊN 12: 3 – Những kẻ khôn sáng sẽ được rực rỡ như sự sáng trên vòng khung; và những kẻ dắt đem nhiều người về sự công bình sẽ sáng láng như các ngôi sao đời đời mãi mãi.
(Chúng ta cần để ý đến những chữ dắt đem về sự công bình, chớ chẳng phải là dắt đem về với Hội thánh không mà thôi. Xin xem Ma-thi-ơ 7: 21)
Tâm tình và nguyện vọng như vậy là điều rất tốt, rất đáng để khích lệ và phát huy trong từng Hội thánh, từng cá nhân tôi con Chúa. Nhưng cũng từ vấn đề trọng tâm nầy mà nảy sinh những nan đề khác mà tôi con Chúa vẫn thường làm ngơ, bỏ qua và thậm chí cố tình uốn nắn sao cho vừa với quan điểm và ý tưởng của mình. Đó là sự sống đạo trong vòng tôi con của Chúa. Tất cả những rắc rối xãy ra trong nội bộ của Hội thánh từ xưa đến nay đều có xuất xứ từ đời sống chưa tái sanh, chưa nên thánh của tôi con Chúa. Đó là một thực tế đáng buồn mà chúng ta phải nhìn nhận. Theo thiển ý của chúng tôi thì có lẽ tôi con Chúa quá tập trung trong việc làm sao tăng trưởng Hội thánh về mặt nhân sự, làm sao cho người tin Chúa được đông đảo, nên ít khi để ý đến vấn đề sống đạo cho xứng đáng với tiêu chuẩn mà Đức Chúa Trời đã chỉ định trong Kinh thánh:
MA-THI-Ơ 7: 21 – Chẳng phải hễ những kẻ nói cùng ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, thì đều được vào nước Thiên đàng đâu; nhưng chỉ kẻ làm theo ý muốn của Cha ta ở trên trời mà thôi.
Bởi lẽ đó mà Chúa cũng đã cho biết rằng số người tin Chúa sẽ rất đông, mà số người thật sự được Ngài cho vào Thiên đàng lại rất ít:
MA-THI-Ơ 22: 14 – Bởi vì có nhiều kẻ được gọi, mà ít người được chọn.
Một nguyên nhân khác làm cho có thờ ơ với việc sống đạo một cách xứng đáng với tiêu chuẩn trong Kinh thánh là vì tôi con Chúa hiểu về sự cứu rỗi quá đơn giản, khi cho rằng hễ tin Chúa là được cứu. Đây là tín lý vẫn thường được nghe nhắc đi nhắc lại nhiều lần, không những với tân tín hữu mà còn với những Cơ-đốc-nhân đã tin Chúa lâu năm. Điều nầy làm cho nhiều người, sau khi dẫn được thân hữu đến tin nhận Chúa và gia nhập vào Hội thánh thì xem như trách nhiệm của mình đã xong. Có người thậm chí còn tự mãn về kết quả mà họ có đến nỗi không dâng sự vinh hiển đó cho Đức Thánh Linh. Ngay cả rất nhiều Cơ-đốc nhân đã tin Chúa lâu năm cũng nghĩ như vậy và đời sống chẳng có thay đổi bao nhiêu so với ngày chưa tin. Nhưng thật ra Kinh thánh dạy rõ ràng, chi tiết hơn về sự cứu rỗi, mà nếu tôi con của Chúa bỏ qua hoặc không biết thì sẽ ảnh hưởng rất tai hại đến tương lai của mỗi người trong ngày Đức Chúa Jêsus tái lâm.
Lý do thứ ba khiến cho trọng tâm về sự sống đạo của Cơ-đốc nhân bị bỏ qua hoặc bị lãng quên là vì thói quen du di cho nhau về những mực thước cần phải thực hiện, nhằm mục đích để cá nhân được thoải mái khi theo Chúa. Khi một mục sư nhấn mạnh nhiều về tình yêu thương, tha thứ mà ít nói đến vấn đề sống đạo hoặc phải nên thánh thì có lẽ cũng vì muốn con cái Chúa không dòm ngó nhiều vào đời tư của mình để khỏi bị bắt bẻ hay bị chỉ trích. Thậm chí có người còn lạm dụng Kinh thánh để nói rằng tín hữu trong Hội thánh không được quyền nói đụng đến mục sư bởi vì họ là những người đã được Chúa xức dầu (chúng tôi sẽ bàn thảo đến vấn đề nầy khi có dịp) với chủ tâm là muốn bịt miệng mọi người. Về phần Cơ-đốc nhân thì cũng không muốn nói đến vấn đề sống đạo hoặc nên thánh, chủ yếu cũng vì muốn nữa theo Chúa mà nữa giống như người thế gian để có thể làm điều họ làm, thậm chí Cơ-đốc nhân còn lên án những người đề cập đến sự sống đạo như là những kẻ quá mấu, sống dưới đất mà nói chuyện trên trời, hoặc phỉ báng bằng những danh từ như giả hình, mộng tưởng, nhiều khi dùng Kinh thánh một cách sai lầm mà cho rằng không được đoán xét người khác.
Lý do thứ tư khiến cho tôi con Chúa ngày nay ít khi đề cao đến vấn đề sống đạo hoặc nên thánh là vì chỉ nhìn đức tin bằng con mắt xác thịt, có nghĩa là chỉ để ý đến kết quả bên ngoài (chẳng hạn như có bao nhiêu người tin Chúa) mà không chú tâm đến chất lượng bên trong của một đời sống đã tái sanh. Vì quan điểm đó mà tôi con Chúa ngày nay đề cao về kết quả truyền giảng mà không hề nhấn mạnh đến việc làm theo mẫu mực trong Kinh thánh. Thậm chí có người còn hiểu lời Kinh thánh một cách sai lầm khi cho rằng Cơ-đốc nhân ngày nay sau khi đã tin Chúa rồi thì không cần sống theo các tiêu chuẩn của luật pháp nữa.
Trong bối cảnh lệch lạc đó của Hội thánh ngày hôm nay chúng tôi xin được cậy ơn của Chúa để làm một việc thầm lặng so với nổ lực nổi bật của công cuộc truyền giảng, là trình bày về ba yếu tố quan trọng quyết định đến sự cứu rỗi của một người. Trong Kinh thánh cho biết là trong công trường thuộc linh thì phải có người trồng kẻ tưới (người trồng là những anh chị em đang làm công tác truyền giảng, người tưới là những người làm công tác bồi linh để củng cố đức tin của tôi con Chúa) để có thể cân bằng hoạt động của Hội thánh chung:
1CÔ-RINH-TÔ 3: 8 – Người trồng, kẻ tưới, đều bằng nhau; ai nấy sẽ nhận phần thưởng tùy theo việc mình đã làm.
Đối với những tôi con của Chúa tập trung trong công tác truyền giảng và với những anh chị em khác thì chúng tôi xin trưng dẫn một vài câu Kinh thánh sau đây cùng với những câu hỏi gợi ý để bắt đầu bài viết của chúng tôi. Ngày còn đang thi hành chức vụ trên đất, Đức Chúa Jêsus đã phán hỏi lời nầy:
LU-CA 18: 8 – Ta nói cùng các ngươi, Ngài sẽ vội vàng xét lẽ công bình cho họ. Song khi Con người đến, há sẽ thấy đức tin trên mặt đất chăng?
Với câu hỏi trên Chúa muốn cho Cơ-đốc nhân ngày nay biết rằng trong ngày Đức Chúa Jêsus tái lâm, đức tin của con dân Chúa trên đất nầy ít đến nỗi dường như không thấy có chút nào. Khi nói về đức tin thì Chúa muốn chỉ vào đời sống của Cơ-đốc nhân, vì người ngoại chưa biết Chúa thì làm sao có đức tin được. Chúng ta thử so sánh với mạng lệnh mà chính Chúa đã phán về việc giảng Tin Lành cho muôn dân và về ngày Chúa trở lại khi Tin Lành được giảng ra khắp đất:
MA-THI-Ơ 28: 19-20 – Vậy, hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh mà làm phép báp tem cho họ, và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi. Và nầy, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế.
MA-THI-Ơ 24: 14 – Tin Lành nầy về nước Đức Chúa Trời sẽ được giảng ra khắp đất, để làm chứng cho muôn dân. Bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến.
Khi tôi con của Chúa vâng theo mạng lệnh của Đức Chúa Jêsus mà đi truyền giảng khắp thế giới thì chắc chắn là số người tin sẽ đông, theo như lòng mong ước của Cơ-đốc nhân và thực tế ngày nay cho thấy. Nhất là khi Chúa phán rằng lúc Tin Lành được giảng ra khắp thì Chúa sẽ tái lâm. Như vậy trong ngày Đức Chúa Jêsus trở lại trần gian nầy số người tin theo Chúa sẽ rất đáng kể, nhưng tại sao chính Ngài lại phán rằng lúc đó đức tin của tôi con Chúa ít đến nỗi dường như không có chút chi? Thế thì số người tin thì đông đảo mà đức tin thì lại ít, nghĩa là làm sao? Ấy là vì Hội thánh Chúa ngày nay không chú ý bao nhiêu đến việc nhấn mạnh đến sự sống đạo, đến việc được nên thánh, là kết quả của một đời sống có đức tin thật, nhưng chỉ chú ý đến số lượng mà thôi, nghĩa là mỗi năm có bao nhiêu người tin Chúa, chớ không màng đến việc tôi con Chúa phải sống mẫu mực như thế nào. Nói như vậy không có nghĩa là chúng tôi đả kích công tác truyền giảng, nhưng chúng tôi chỉ muốn nhấn mạnh đến việc phải cân bằng giữa việc làm chứng cho người chưa tin và sống thế nào để đẹp lòng Chúa. Thật ra hai điều ấy có liên quan với nhau theo như lời Kinh thánh đã bày tỏ, nhưng xu hướng ngày nay của tôi con Chúa thì lại quên hẳn điều đó.
(còn tiếp)
CÁC CÂU KINH THÁNH ĐÃ TRƯNG DẪN:
MA-THI-Ơ 28: 19-20 – Vậy, hãy đi dạy dỗ muôn dân, hãy nhân danh Đức Cha, Đức Con, và Đức Thánh Linh mà làm phép báp tem cho họ, và dạy họ giữ hết cả mọi điều mà ta đã truyền cho các ngươi. Và nầy, ta thường ở cùng các ngươi luôn cho đến tận thế.
1CÔ-RINH-TÔ 9: 27 – Song tôi đãi thân thể tôi cách nghiêm khắc, bắt nó phải phục, e rằng sau khi tôi đã giảng dạy kẻ khác, mà chính mình phải bị bỏ chăng.
1TI-MÔ-THÊ 2: 4 – Ngài muốn cho mọi người được cứu rỗi và hiểu biết lẽ thật.