ẢNH HƯỞNG HỮU ÍCH CỦA ÂM NHẠC

ẢNH HƯỞNG HỮU ÍCH CỦA ÂM NHẠC

Kinh thánh: 1Sa-mu-ên 16: 14-23

Câu gốc: Ê-PHÊ-SÔ 5: 19 – Hãy lấy ca vịnh, thơ thánh, và bài hát thiêng liêng mà đối đáp cùng nhau, và hết lòng hát mừng ngợi khen Chúa.

*******

Trong câu Kinh thánh nầy lời của Chúa nhấn mạnh cho chúng ta thấy tầm quan trọng của âm nhạc trong sinh hoạt thường ngày, nghĩa là trong sự giao tiếp của chúng ta đối với mọi người chung quanh. Chắc chắn một điều là trong thực tế chúng ta không hát hò đối đáp với nhau mỗi khi gặp mặt hoặc tiếp chuyện, nhưng khi lời Kinh thánh phán dạy rằng chúng ta nên lấy ca vịnh và thơ thánh mà đối đáp nhau thì điều đó có nghĩa là chúng ta cần phải nói chuyện, tương giao với nhau bằng tâm tình của những người đang hát với sự vui mừng ở trong lòng.

Âm nhạc là một trong những đặc điểm nổi bật về đức tin của chúng ta nơi Đức Chúa Trời. Tất cả các cuộc nhóm họp của con cái Đức Chúa Trời đều có âm nhạc kèm theo. Cơ-đốc-nhân chúng ta ca hát trong mọi hoàn cảnh của đời sống. Khi vui thì chúng ta ca hát là lẽ đương nhiên, như trong trường hợp của Đa-vít, của Mi-ri-am và của Hội thánh Chúa khắp mọi nơi trên thế giới. Khi gặp hoạn nạn thử thách thì chúng ta cũng ca hát, như trường hợp của Phao-lô và Si-la khi hai người ngợi khen Chúa lúc bị xiềng xích trong tù ngục, như lời Kinh thánh có ghi lại trong sách Công vụ:

CÔNG VỤ 16: 25-26 – Lối nửa đêm, Phao-lô và Si-la đang cầu nguyện, hát ngợi khen Đức Chúa Trời; và những tù phạm đều nghe. Thình lình, có cơn động đất rất lớn, đến nỗi nền ngục rúng động; cùng một lúc, các cửa mở ra, xiềng tù phạm thảy đều tháo cả.

Tôi cũng đã từng thấy tôi con Chúa hát thánh ca tại trại giam Cây Gừa Bạc Liêu, tại trại giam Khám Lá Bến Tre và chính tôi cũng đã có ca hát tại những nơi đó nữa. Những bài thánh ca đã giúp chúng tôi thắng hơn sự buồn bã trong thời gian bị giam cầm.

Ngay cả trong lúc tang chế thì Cơ-đốc-nhân chúng ta vẫn hát. Tính cách đặc biệt về sự ca hát là một phần đời quan trọng của Cơ-đốc-nhân và chúng ta sẽ cứ ca hát luôn, không chỉ trong đời nầy mà suốt cả cõi đời đời trước ngôi vinh hiển của Đức Chúa Trời.

Chúng ta có thể nhận thấy dễ dàng là đời sống của con người không thể thiếu âm nhạc. Ngay cả tự nhiên cũng có đầy âm thanh của vạn vật để làm cho phong cảnh được thêm sinh động. Những người thợ săn dày dạn kinh nghiệm cho biết rằng họ có thể cảm nhận được sự nguy hiểm nếu đi đến một khoảng rừng rậm mà tại đó không có tiếng của chim chóc hoặc bất cứ một loại côn trùng nào hết. Lúc ấy họ có thể biết ngay là có một con thú dữ nào đó đang rình rập và chờ sẳn, chẳng hạn như một con sư tử, một con cọp hay một con trăng gió. Trong tâm trí con người cũng vậy. Khi một người không còn cảm nhận được những âm thanh của âm nhạc thì điều đó có nghĩa là cơ thể họ, nhất là hệ thần kinh của họ không còn mạnh khỏe như lúc bình thường.

Tầm quan trọng của âm nhạc đối với con người có hai phương diện, tốt và xấu. Vì vậy việc nhận biết những tác dụng hữu ích của âm nhạc rất là quan trọng để chúng ta có thể nhờ đó biết sử dụng âm nhạc một cách thích hợp cho tâm trí và cơ thể của chúng ta. Chẳng những vậy thôi, âm nhạc còn có tác dụng rất quan trọng đối với đời thuộc linh của Cơ-đốc-nhân. Vì vậy hôm nay chúng ta sẽ cùng nhau tìm hiểu qua một số các phát hiện của khoa học về âm nhạc và từ đó liên hệ đến những lời của Chúa đã có ghi lại trong Kinh thánh để chúng ta có thể thấy được vì sao Đức Chúa Trời khuyên dạy chúng ta nên ca hát vui mừng luôn ở trong Ngài.

Theo như lời Kinh thánh cho biết thì ngày xưa, khi vua Đa-vít lúc còn trẻ tuổi và trong cảnh hàn vi, thì ông đã sử dụng tài năng âm nhạc của ông để xua đuổi ác thần phá rối trong tâm trí của Sau-lơ. Việc Đa-vít sử dụng âm nhạc như vậy có thể được xem là một hình thức chữa bệnh, tức là giúp cho những người bị rối loạn tâm thần được an tịnh, như lời Kinh thánh đã có chép trong 1Sa-mu-ên 16.

1SA-MU-ÊN 16: 23 – Vậy, khi Đức Chúa Trời khiến ác thần nhập vào Sau-lơ, thì Đa-vít lấy đờn và gảy. Sau-lơ bèn được an ủi, lành mạnh, và ác thần lìa khỏi người.

Ngày hôm nay các chuyên gia về sức khỏe cũng đã công nhận tác dụng hữu ích đó của âm nhạc lên hệ thần kinh của con người. Nhưng ngay từ xưa, người ta cũng đã mường tượng ra được tác dụng hữu ích của âm nhạc đến sức khỏe của con người, nhưng chưa có những nghiên cứu và ghi nhận rõ ràn hoặc chi tiết như giới khoa học đang thực hiện ngày hôm nay. Một trong những bằng chứng điển hình về sự nhận thức đó của người xưa, dầu rằng còn mơ hồ, đã được thể hiện qua ngôn ngữ, chẳng hạn như trong tiếng Hoa. Những chuyên gia nghiên cứu về Hán ngữ cho biết rằng chữ thuốc men YAO trong tiếng Hoa có xuất xứ từ chữ âm nhạc YUE.

Các chuyên gia y tế và một số bệnh nhân qua kinh nghiệm của họ đã đồng ý với nhau về điểm nầy: Ấy là khi chúng ta ca hát, nhất là khi diễn tả tấm lòng của mình bằng âm nhạc thì điều đó được xem như là đánh thức những phần cơ thể mà bấy lâu nay đã yên lặng hoặc bị lãng quên, và nhờ vậy mà làm cho cơ thể chúng ta hoạt động tốt hơn, hài hòa hơn giữa các bộ phận có chức năng khác nhau trong thân thể.

Chúng ta cũng cần nên biết qua về một trong những những tác hại không tốt nếu sử dụng ăm nhạc không thích hợp. Theo các cuộc nghiên cứu tại Hoa-kỳ cho biết thì những người vừa lái xe vừa nghe nhạc khích động với âm thanh lớn sẽ làm cho họ lái xe nhanh hơn tốc độ cho phép và lái xe ẩu hơn. Qua các cuộc nghiên cứu thì các chuyên gia thấy rằng đối với những người lái xe nghe nhạc êm dịu và thư giản thì họ sang lane chỉ khoảng 70 lần hoặc ít hơn trong vòng một tiếng đồng hồ, còn đối với những người lái xe mà nghe nhạc khích động với âm thanh lớn thì sang lane đến 140 lần hoặc nhiều hơn thế nữa. Ngoài ra vận tốc lái xe của họ nhanh hơn hẳn những người khác đến trên 10 miles một giờ hoặc hơn nữa. Vì vậy các chuyên gia nghiên cứu về hiệu ứng của âm nhạc đã đề nghị là khi lái xe thì chúng ta nên nghe nhạc êm dịu, tức là dưới 120 nhịp một phút, tốt nhất là nhạc khoảng 70 nhịp một phút. Còn loại nhạc khích động với 150 nhịp trở lên thì rất nguy hiểm.

Vì tác dụng hữu ích của âm nhạc lên hệ thần kinh con người nên các cựu quân nhân Hoa-kỳ đã thành lập một tổ chức dùng âm nhạc để điều trị sự căng thẳng thần kinh của các binh sĩ sau khi họ giải ngũ để giúp họ hội nhập trở lại với đời sống dân sự bình thường. Tổ chức nầy có tên là Hội Chiến Binh Âm Nhạc (Warrior Music Foundation).

Trong thực tế đời sống thì hầu như ai cũng thích hát để bày tỏ tấm lòng mình qua âm nhạc, vì Đức Chúa Trời đã tạo ra con người với khả năng ấy. Mặc dầu loài vật cũng có khả năng phát âm nhưng tiếng chim hót, tiếng dế gáy, tiếng kêu của con ve sầu không thể nào hay đuợc bằng giọng hát của con người. Vì vậy khi chúng ta không hát thì điều đó có nghĩa là chúng ta bỏ phí phần tài năng mà Đức Chúa Trời đã ban cho con người.

Ngoài ra thì khi chúng ta hát sẽ làm cho tâm trí và tinh thần chúng ta thư giản, nhất là khi hát Thánh ca, vì chắc chắn một điều là không ai có thể hát được khi giận dữ, và lúc giận dữ thì không thể hát được. Vì vậy các chuyên gia tâm lý cho biết là sự ca hát giúp cho cá nhân tốt hơn và giúp cho thế giới tươi đẹp hơn. Lịch sữ đã ghi lại rằng nhờ các con cái Chúa trong phong trào Cải chánh đã hát ngợi khen Chúa vào thời Trung cổ một cách hết lòng mà Tin lành đã phát triển mạnh mẽ tại Châu Âu và lan tràn qua Mỹ châu rồi đến khắp nơi trên thế giới. Lịch sữ của Hội thánh chung cũng cho biết rằng không có một cuộc phục hưng nào mà không được bắt đầu bằng tinh thần ca hát ngợi khen Chúa của các Cơ-đốc-nhân trong Hội thánh địa phương.

Các khoa học gia cho biết là khi chúng ta hát thì cơ thể tiết ra một chất hormone gọi là Endorphins giúp tăng cảm giác tích cực trên não bộ của con người. Ngoài ra khi hát hợp ca với nhau thì cơ thể lại phát ra thêm một loại hormone nữa có tên gọi là Oxytocin giúp cho người ta có cảm giác thân thiện với nhau. Đó là về phần các chất kích thích tố. Ngoài ra việc ca hát còn được xem là một trong những hoạt động thể hình (aerobic) vì nhờ vào số lượng oxygen được đưa đến bộ não nhiều hơn, và nhờ đó giúp cho não được thư giãn, tạo được cảm giác thoải mái. Các bác sĩ còn cho biết thêm là khi hát thì lượng cortisol level (stress hormone) trong cơ thể sẽ giảm, nhờ đó mà tăng sức đề kháng của hệ miễn nhiễm (immune systems). Đó là lý do tại sao các bà mẹ khi dỗ con bằng các bài hát, câu hò thì rất có hiệu quả để các em bé nín khóc và yên tịnh lại.

Ngày hôm nay người ta thườn dùng âm nhạc để điều trị các bệnh có liên quan đến thần kinh hệ, chẳng hạn như tật nói lấp, autism (chậm lớn) và bệnh Parkinson’s disease, vì âm nhạc giúp cho hệ thần kinh tự điều chỉnh lại và tăng cường trí nhớ.

Một câu chuyện thật về việc được chữa lành bởi âm nhạc đã được đăng trên các tờ báo lớn tại Hoa-kỳ, và được tường thuật lại như sau: Một vài ngày trước mùa Giáng sinh năm 2018 một em bé 2 tuổi tên là Jaxon bị bệnh tiêu chảy cấp tính và phải được đưa vào bệnh viện vì thận của em bé không còn hoạt động được nữa. Sau mấy tuần nằm điều trị trong bệnh viện mà không có dấu hiệu khả quan, nên các bác sĩ cho biết là bắt buột phải mổ nhưng không chắc là em bé sẽ sống được. Nhưng không mổ thì em bé cũng không sống được nên phải mổ để cầu may. Em bé Jaxon là con của giám đốc nhóm nhạc thánh Tin lành tại Hoa-kỳ có tên là Bethel Music, và cha của em đã báo hung tin đó nhiều người thân quen để nhờ họ góp phần trong sự cầu nguyện cho bé Jaxon được Chúa chữa lành. Trong số những người nhận được tin là một người bạn thân của cha bé Jaxon và cũng là nhạc sĩ trưởng của ban nhạc. Anh nầy kể lại rằng: Khi nhận được tin thì anh cũng có ý nghĩ là bé Jaxon chắc không thể lành bệnh được, rồi anh hình dung ra như là có một gã khổng lồ của sự không tin đứng trước mặt anh và nói với anh rằng em bé Jaxon sẽ không thể sống sót được với căn bệnh cấp tính kia. Nhưng liền sau đó tấm lòng của anh đột nhiên trào dâng lên lời của một bài hát mới với những câu chính mà tôi tạm dịch ra như thế nầy:

Tôi cất tiếng hát Haleluja trước mặt kẻ thù nghịch tôi. Tôi cất tiếng hát Haleluja lớn hơn tiếng kẻ không tin. Tôi cất tiếng hát Haleluja, vũ khí của tôi là dòng thơ tiếng nhạc. Tôi cất tiếng hát Haleluja, Thiên đàng đến tranh chiến thay cho tôi. Tôi sẽ hát lớn tiếng giữa cơn cuồng phong, lớn hơn và lớn hơn nữa, bạn sẽ nghe tiếng ngợi khen của tôi rền vang, từ đống tro tàn hy vọng sẽ vùng lên, sự chết bị thua bại vì Vua tôi vẫn sống.

Hãy bắt đầu hát lớn lời Haleluja của bạn, vì tôi không thể hát thế cho bạn đâu. Có một bài nhạc viết trong trái tim của bạn, chỉ một mình bạn hát được mà thôi, và khi bạn hát kẻ thù nghịch sẽ chạy xa, khi bạn hát tường ngục tù đổ sụp. Khi bạn hát Thiên đàng sẽ lâm thế. Vậy nên hãy cất cao tiếng Haleluja của bạn. Cất cao lên như một biểu chương, cất cao lên như một ngọn cờ, cất cao lên giữa trời giông tố, cất lên, cất cao lên. Như tấu khúc cho Vua chúng ta. Mọi điều chúng con xin dâng Chúa Jêsus. Chúng con cất cao giọng hát lớn tiếng vì danh Ngài.

Sau khi anh viết xong bài nhạc và thu âm, thì liền gởi đến cho cha của bé Jaxon và anh nầy đã cho hát đi hát lại bài thánh ca ấy tại ngay giường bệnh của cậu bé. Nhờ sự cầu nguyện của rất nhiều con dân Chúa khắp nơi và nhờ lời nhạc thánh nghe đi nghe lại tại giường bệnh, phép lạ đã xãy ra. Cậu bé Jaxon được chữ lành, sau đó bắt đầu nói được, rồi chập chững đi và đến hôm nay thì được khỏe mạnh hoàn toàn. Quý Hội thánh có thể nghe bài hát nầy tr6en Youtube với tựa đề ‘Raise A Hallelujah’.

Tôi được biết là có một số người lớn tuổi được các bác sĩ khuyên là về nhà nên tập hát để giữ cho phổi được hoạt động tốt và đều đặn. Những người đã tin Chúa rồi thì vấn đề ca hát không phải là điều mới mẽ hoặc xa lạ gì, nhưgn đối với những người khác thì vì họ chỉ quen nghe hát chớ chính mình không thường hay hát, nên sau khi được bác sĩ khuyên như vậy thì về nhà hoặc là hát karaoke, có người thì mua đàn keyboard về để tập đàn và hát mặc dầu đã ngoài 70 tuổi rồi.

Như vậy thì chúng ta có thể thấy được là âm nhạc rất tốt cho sức khỏe của con người, nhất là tốt cho hệ thần kinh. Vì vậy chúng ta nên thường xuyên hát ngợi khen Chúa, không phải chỉ tại Hội thánh mà thôi, nhưng hát tại nhà riêng nữa. Tạ ơn Chúa là Hội thánh chúng ta đã có sẳn nhạc và lời, chúng ta chỉ cần hát mà thôi.

Vì vậy, cầu xin Chúa ban cho Hội thánh chúng ta có tâm tình ca hát nhiều hơn nữa, mạnh mẽ hơn nữa, hết lòng hơn nữa để Chúa được sáng danh, được đẹp lòng và chắc chắn rằng Chúa sẽ ban phước nhiều hơn để Hội thánh chúng ta được phục hưng. Cầu xin Chúa cảm động để chúng ta có thể khích lệ lẫn nhau để hát vì danh Ngài, hát vì ích lợi của mỗi cá nhân chúng ta, vì lợi ích của mỗi gia đình và vì tương lai của Hội thánh trước ngày Chúa trở lại. Amen.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *