ẤN CHỨNG CỦA ĐỨC THÁNH LINH 2
Như tất cả chúng ta đều đã biết thì trong Kinh thánh có nhiều mạng lệnh mà Đức Chúa Trời đã cho ghi lại trong lời của Ngài để dạy dỗ Cơ-đốc-nhân cách phải sống thế nào trong cuộc đời nầy để làm chứng tốt về Chúa cho người chưa tin. Những mạng lệnh ấy cũng là cách thức mà Đức Chúa Trời muốn chuẩn bị chúng ta cho Thiên đàng trong tương lai. Đa số các mạng lệnh ấy đều được bắt đầu bằng những chữ HÃY, ĐỪNG, PHẢI, CHỚ. Câu gốc nền tảng của chúng ta sáng hôm nay cũng là một trong những mạng lệnh của Đức Chúa Trời dành cho Cơ-đốc-nhân vì có chữ CHỚ. Mạng lệnh nầy rất quan trọng vì có liên quan đến Đức-Thánh-Linh và có liên quan đến một trong những yếu tố cần thiết mà nhờ đó Cơ-đốc-nhân có thể nhận được sự cứu rỗi trong tương lai. Yếu tố đó là việc được Đức-Thánh-Linh đóng ấn trong tấm lòng của chúng ta cho đến ngày cứu chuộc. Vì tầm quan trọng rất lớn của mạng lệnh nầy nên sáng hôm nay tôi xin được cùng với quý Hội thánh nghiên cứu về ý nghĩa của sự ấn chứng bởi Đức-Thánh-Linh.
Phần thứ nhất của Chủ đề nầy thì chúng ta đã có nghiên cứu qua trước đây, nhưng đó chỉ là ấn chứng để biệt riêng con dân Chúa ra khỏi những người khác trong thế gian nầy hầu cho Cơ-đốc-nhân có thể tránh được những tai vạ khủng khiếp sẽ xãy ra trước ngày Đức Chúa Jêsus Christ tái lâm. Nhưng ấn chứng đó chỉ là ấn chứng bên ngoài để biệt riêng mà thôi, còn ấn chứng của Đức-Thánh-Linh ở bên trong tấm lòng của con dân Chúa mới quyết định cho việc Cơ-đốc-nhân có được cứu hay không trong ngày Đức Chúa Jêsus trở lại.
Khi mạng lệnh của Chúa phán dạy rằng chớ làm buồn cho Đức-Thánh-Linh thì điều đó cũng có nghĩa là Cơ-đốc-nhân phải làm vui lòng Ngài. Nhưng trước khi chúng ta suy gẫm đến việc làm sao để có thể làm vui lòng Đức-Thánh-Linh thì chúng ta cần nên suy nghĩ đến sự quan trọng của việc được Đức-Thánh-Linh ấn chứng và dấu ấn có ý nghĩa như thế nào.
Theo lời của Chúa trong Kinh thánh cho biết và khi liên hệ với đời sống thực tế thì chúng ta có thể biết được ý nghĩa của việc đóng ấn và tầm quan trọng của nó. Từ xưa đến nay thì việc đóng dấu hay đóng ấn là công tác hành chánh thông thường trong tất cả các triều đại cũng như trong mọi nền văn hóa trên toàn thế giới. Theo như lời Kinh thánh cho biết thì một trong những ý nghĩa quan trọng của việc đóng ấn là dùng điều đó để xác nhận quyền sở hữu.
Vì vậy khi chữ đóng ấn được dùng trong phương diện thuộc linh thì điều đó bày tỏ sự sở hữu của Đức Chúa Trời trên những tạo vật được riêng ra cho Ngài. Nếu nói một cách tổng quát thì mọi điều trong cả vũ trụ bao la nầy đều thuộc về Đức Chúa Trời, bất kỳ vật thấy được hay không thấy được, bất kỳ vật nhỏ hay lớn, nhưng sự đóng ấn thì lại cho biết về sự sở hữu đặc biệt hơn nữa, chẳng hạn như việc Đức Chúa Trời đã đóng ấn các thiên sứ để cho biết là họ hoàn toàn thuộc riêng về Ngài (Gióp 9: 7).
Như trong phần thứ nhất của bài giảng với Chủ đề XUẤT XỨ VÀ SỰ PHẢN NGHỊCH CỦA MA QUỈ thì tôi đã có trình bày với quý Hội thánh rằng chữ các ngôi sao trong Kinh thánh được dùng để mô tả về các thiên sứ. Và theo như câu Kinh thánh nầy thì họ đều đã được đóng ấn để cho biết rằng các thiên sứ hoàn toàn được biệt riêng ra để hầu việc Đức Chúa Trời.
Cũng cùng một cách như vậy, khi Đức Chúa Trời chọn dòng dõi của Áp-ra-ham để làm dân riêng thuộc về Ngài thì Đức Chúa Trời đã ban cho họ luật pháp và lễ cắt bì như là dấu ấn biệt riêng dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi mọi dân tộc khác để hầu việc và thờ phượng Ngài, như lời Kinh thánh đã có chép trong (Phục truyền 11: 18).
Mặc dầu loài người là do Đức Chúa Trời tạo dựng nên nhưng ngày xưa thì chỉ có một mình dân Y-sơ-ra-ên là được Đức Chúa Trời phán dạy trực tiếp. Vì vậy theo như câu Kinh thánh nầy cho biết thì Mười Điều Răn và các luật pháp khác mà Đức Chúa Trời đã ban cho dân Y-sơ-ra-ên là dấu ấn xác nhận rằng họ là dân tộc thuộc riêng về Ngài. Chẳng những thế thôi, trong luật pháp ấy thì luật cắt bì là một dấu ấn rõ ràng hơn ghi lại trên thân thể họ để biệt riêng người Y-sơ-ra-ên ra khỏi những dân tộc khác trong thế gian, như lời Kinh thánh đã được ghi lại trong (Rô-ma 4: 11-12).
Như thế thì qua hai câu Kinh thánh nầy thì chúng ta có thể thấy rằng sự cắt bì được xem như là dấu ấn của Đức Chúa Trời ở trên cơ thể của dân Y-sơ-ra-ên. Bởi lẽ đó chúng ta có thể hiểu được rằng khi một dân tộc hay một người thuộc riêng về Đức Chúa Trời thì dân tộc ấy hoặc cá nhân người ấy phải có dấu ấn của Chúa để bày tỏ ra sự sở hữu hoặc sự biệt riêng của Ngài trên họ. Trong thời kỳ Cựu ước thì dân Y-sơ-ra-ên có luật pháp của Môi-se và phép cắt bì như là dấu ấn sở hữu của Đức Chúa Trời trên đời sống họ. Còn trong thời kỳ ân điển thì Cơ-đốc-nhân cũng có luật pháp của Tân ước và dấu ấn của Đức-Thánh-Linh để bày tỏ sự sở hữu ấy.
Khi so sánh như vậy thì chúng ta có thể hiểu rằng Cơ-đốc-nhân không thể không có dấu ấn của Đức-Thánh-Linh. Người nào không có dấu ấn ấy thì bị kể như là không thuộc về Đức Chúa Trời và cũng sẽ không được dự phần tại Thiên đàng trong tương lai. Tôi sẽ trình bày thêm về điều nầy để cho rõ nghĩa hơn.
Theo như lời của Chúa cho biết thì khi một người thật lòng ăn năn và cầu nguyện tin nhận Chúa thì người đó sẽ nhận được sự tha tội trong danh của Đức Chúa Jêsus Christ và ngay tại thời điểm ấy thì Đức-Thánh-Linh sẽ đóng dấu ấn của Ngài trên tấm lòng của người vừa mới tin nhận Chúa, như lời Kinh thánh đã được ghi lại trong (Ê-phê-sô 1: 13).
Qua câu Kinh thánh nầy thì chúng ta có thể nhớ lại lời mà Đức Chúa Jêsus đã hứa trước khi Ngài thăng thiên về trời, đó là Ngài sẽ ở cùng những người đã tin nhận Ngài luôn luôn cho đến tận thế, như lời của chính Chúa đã phán và đã có ghi lại trong (Ma-thi-ơ 28: 19-20).
Chúng ta biết rằng sau khi Đức Chúa Jêsus thăng thiên về trời thì Ngài ngồi bên hữu Đức Chúa Trời để cầu thay cho con dân Chúa, vì vậy mà khi Chúa cho biết rằng Ngài sẽ ở với chúng ta cho đến tận thế thì Chúa có ý muốn nói đến sự hiện diện của Đức-Thánh-Linh ở bên trong đời sống của những người thật lòng ăn năn và tin nhận Ngài. Nhưng tại điểm nầy thì có một số người đã suy nghĩ sai về ý nghĩa của lời mà Đức Chúa Jêsus đã phán và cho rằng bất kể Cơ-đốc-nhân sống thế nào thì Đức-Thánh-Linh cũng sẽ ở với họ luôn cho đến ngày tận thế theo như lời hứa của Đức Chúa Jêsus. Khi đọc Kinh thánh lại một cách kỹ lưỡng hơn thì chúng ta sẽ thấy rằng sự suy nghĩ chủ quan như vậy hoàn toàn không chính xác với lời của Chúa.
Khi Đức Chúa Jêsus còn thi hành chức vụ của Ngài ở trên đất thì Chúa đã cho biết rằng bất cứ ai muốn được Ngài ở cùng thì người đó tuyệt đối không được chối Chúa, bằng không thì dẫu đã tin Chúa rồi nhưng vẫn bị Ngài chối bỏ, như lời của Chúa đã phán và đã có ghi lại trong (Ma-thi-ơ 10: 32-33).
Vì Đức Chúa Jêsus là Đấng cầu thay cho Cơ-đốc-nhân tại bên hữu Đức Chúa Trời cho nên khi Cơ-đốc-nhân chối Chúa trên đất nầy thì tại Thiên đàng Đức Chúa Jêsus cũng chối bỏ người đó, tức là không còn cầu thay cho người đó nữa trước mặt Đức Chúa Trời. Chẳng những Ngài chối bỏ kẻ đó tại Thiên đàng mà ngay tại thế gian nầy kẻ chối bỏ Chúa cũng bị Đức Chúa Jêsus chối bỏ trước mặt các thiên sứ được sai xuống để giúp đỡ các Cơ-đốc-nhân, như lời của Chúa đã có phán và đã được ghi lại trong (Lu-ca 12: 9).
Chữ thiên hạ trong câu gốc nầy cho thấy rằng việc chối Chúa của những Cơ-đốc-nhân yếu đuối là việc mà họ đã làm khi còn sống tại trần gian và vì thế mà họ cũng bị Chúa chối bỏ trước mặt các thiên sứ. Điều đó có nghĩa là những kẻ phạm tội không còn nhận được sự giúp đỡ của các thiên sứ nữa. Như điều mà tôi có trình bày qua trong Bài giảng với Chủ đề CƠ-ĐỐC NHÂN VÀ THIÊN SỨ thì các thiên sứ đã được Đức Chúa Trời sai xuống để giúp đỡ những người sẽ hưởng được ơn cứu rỗi. Nhưng nếu đang nữa đường theo Chúa mà họ chối bỏ Ngài hoặc bằng hành động, hoặc bằng lời nói, hoặc bằng cách sống theo kiểu người thế gian, thì sự giúp đỡ từ các thiên sứ cũng sẽ ngừng lại, bởi vì đó là điều mà Đức Chúa Jêsus đã cho biết trong Lu-ca 12: 9 như vừa được trưng dẫn qua.
Nguy cơ mà người đã tin Chúa rồi có thể bị Chúa chối bỏ đã được bày tỏ qua câu gốc nền tảng của chúng ta sáng hôm nay và tôi xin được đọc lại một lần nữa để quý Hội thánh có thể thấy được điều đó (Ê-phê-sô 4: 30).
Nguy cơ mà Cơ-đốc-nhân có thể bị chối bỏ như vậy là lý do chính yếu mà lời của Chúa đã dùng các chữ ĐẾN NGÀY CỨU CHUỘC. Nếu sự đóng ấn của Đức-Thánh-Linh chỉ có một lần là đã đủ để Cơ-đốc-nhân có thể nhận được sự cứu rỗi thì Kinh thánh sẽ dùng chữ CHO chớ không dùng chữ ĐẾN như đã được ghi lại trong câu gốc nầy. Trong bản tiếng Anh thì hai chữ đó cũng khác nhau. Chữ ĐẾN có nghĩa là unto hoặc until, tức là cho đến. Còn chữ cho có nghĩa là chữ for trong tiếng Anh. Vì sự cứu rỗi của chúng ta là quan trọng hơn hết mọi điều, quan trọng đến nỗi chính Đức Chúa Trời đã phải giáng thế thành người để chịu sỉ nhục và chịu chết trên thập tự giá thì Cơ-đốc-nhân không thể nào bất cẩn trong việc suy nghĩ đến sự cứu chuộc của linh hồn mình. Chẳng những thế thôi, khi Đức Chúa Jêsus cho biết là một chấm một nét trong lời của Chúa cũng không thể bỏ đi được thì điều đó có nghĩa là đối với câu gốc nầy thì chúng ta phải chú ý một cách cẩn thận đến sự khác biệt giữa chữ ĐẾN và chữ CHO hầu nhờ đó mà có thể chắc chắn về sự cứu rỗi của mình trong ngày Đức Chúa Jêsus tái lâm. Tôi xin đọc lại thêm hai lần nữa câu gốc nền tảng của chúng ta sáng hôm nay, và mỗi lần đọc thì dùng chữ ĐẾN hoặc chữ CHO để quý Hội thánh có thể thấy được sự khác nhau là như thế nào.
Nếu lời của Chúa đã dùng chữ CHO trong câu gốc nầy thì điều đó có nghĩa là sự đóng ấn của Đức-Thánh-Linh chỉ cần một lần mà thôi và bất kể là sau đó Cơ-đốc-nhân có sống thế nào đi nữa thì chỉ một lần như vậy cũng đã đủ để cho Cơ-đốc-nhân nhận được sự cứu rỗi đời sau. Nhưng khi lời của Chúa đã dùng chữ ĐẾN thì điều đó có nghĩa là sự đóng ấn của Đức-Thánh-Linh cần phải được tiếp tục và chỉ hiện diện trong đời sống của Cơ-đốc-nhân khi con dân Chúa hội đủ về điều kiện mà Chúa đã đặt ra ở đầu câu, tức là đừng làm buồn lòng Đức-Thánh-Linh. Ý nghĩa của câu gốc nầy hoàn toàn thống nhất với lời phán của Đức Chúa Jêsus trong Ma-thi-ơ 28: 19-20 mà tôi đã có trưng dẫn khi nãy. Ấy là Chúa chỉ ở cùng với con cái Ngài luôn luôn cho đến tận thế khi Cơ-đốc-nhân biết vâng giữ mọi điều mà Chúa đã phán dạy, tức là biết sống một đời vâng phục trọn vẹn hoàn toàn.
Có một vài người đã lý giải về câu gốc nầy rằng lời mà Đức Chúa Jêsus đã hứa rằng sẽ ở cùng luôn luôn là hứa với các sứ đồ. Họ lý giải như vậy nhằm cố tình chối bỏ mạng lệnh là Cơ-đốc-nhân phải vâng giữ hết mọi điều mà Chúa đã truyền phán. Nhưng chúng ta có thể thấy rằng các sứ đồ đâu có sống mãi cho đến ngày tận thế để Đức Chúa Jêsus có thể hứa rằng Ngài ở cùng họ luôn luôn cho đến ngày ấy.
Như tôi đã từng trình bày cùng với quý Hội thánh trong các bài giảng trước đây thì Đức Chúa Trời vừa là Đấng Chân Thật nhưng Ngài cũng là Đấng Công Bình nữa, nên vì lẽ đó mà mặc dầu Ngài đã hứa ban sự sống đời đời cho những người thật lòng tin nhận Ngài, nhưng nếu Cơ-đốc-nhân không chịu sống theo sự dạy dỗ và mẫu mực của Chúa thì người đó vẫn bị kể là kẻ có tội và vẫn bị Chúa từ bỏ. Nguyên tắc nầy đã được Chúa cho ghi lại xuyên suốt trong Kinh thánh cả trong phương diện thuộc thể và thuộc linh.
Theo phương diện thuộc thể thì mặc dầu Đức Chúa Trời đã hứa ban xứ Ca-na-an tốt đẹp cho dòng dõi của Áp-ra-ham, nhưng không phải vì Ngài đã hứa như vậy mà dân Y-sơ-ra-ên muốn sống thế nào mặc ý và vẫn nhận được lời hứa đó. Kinh thánh đã có ghi lại về nguyên tắc không bao giờ thay đổi đó giữa lời hứa của Chúa và sự cần phải vâng phục của dân Y-sơ-ra-ên, như đã có chép trong (Giô-suê 23: 16).
Mặc dầu Đức Chúa Trời đã hứa ban xứ Ca-na-an tốt đẹp cho họ, nhưng khi họ sống theo ý riêng và bắt chước dân ngoại để thờ thần tượng thì Chúa cũng đuổi họ ra khỏi xứ ấy và cho họ phải đi lưu đày. Khi Sa-tan phạm tội thì Chúa cũng đã đuổi nó khỏi Thiên đàng và khi A-đam phạm tội thì Chúa vẫn đuổi hai ông bà ra khỏi vườn Ê-đen mặc dầu Ngài đã lập vườn đó cho họ. Cũng một thể ấy, mặc dầu Đức Chúa Trời đã hứa cho Cơ-đốc-nhân được sự sống đời đời sau khi đã tin nhận Chúa và sau khi đã được kể là công bình bởi sự tha tội trong danh Đức Chúa Jêsus nhưng nếu sau đó họ cứ cố tình phạm tội và không chịu ăn năn thì vẫn bị Chúa chối bỏ như thường. Nguyên tắc ấy đã được ghi lại trong (Ê-xê-chi-ên 18: 24).
Mặc dầu lời của Chúa đã phán rõ rằng như vậy về nguyên tắc công bình của Ngài, nhưng vẫn có nhiều người biện minh rằng trorng thời kỳ ân điển thì những Cơ-đốc-nhân phạm tội vẫn được tiếp tục tha thứ và sẽ nhận được sự sống đời đời trong tương lai, nhưng những lý thuyết như vậy rất nguy hiểm cho linh hồn của những người nghe theo, bởi vì ngay trong thời kỳ ân điển nầy thì Đức Chúa Trời cũng đã cảnh cáo gắt gao về sự cố tình phạm tội nếu Cơ-đốc-nhân cứ tiếp tục sống giống như người thế gian. Sự cảnh cáo như vậy đã được chép trong (Hê-bơ-rơ 6: 5-6).
Chữ vấp ngã nầy có ý nói đến sự cố tình phạm tội mà lời của Chúa có đề cập đến trong Hê-bơ-rơ 10: 26. Điều đó cho chúng ta thấy rằng ngay trong thời kỳ ân điển nầy thì Cơ-đốc-nhân vẫn không thể ỷ y mà cứ sống theo cách của người thế gian và cứ tiếp tục tự ru ngủ chính mình rằng mình sẽ được Chúa tha thứ mãi không thôi. Ngoài ra chữ dự phần về Đức-Thánh-Linh còn có ý muốn nói đến những người đã cầu nguyện tin Chúa và đã được đóng ấn của Ngài kể từ thời điểm ấy. Chữ dự phần có nghĩa là người nầy người kia đã được Đức-Thánh-Linh đóng ấn và chính cá nhân mình cũng được nữa, tức là được dự phần trong việc Đức-Thánh-Linh đóng ấn cho con dân của Chúa trong khắp cả thế gian. Và theo ý nghĩa của câu gốc nền tảng của chúng ta sáng hôm nay thì khi đã được Đức-Thánh-Linh đóng ấn rồi thì việc mà Cơ-đốc-nhân cần phải thực hiện là cố gắng làm vui lòng Đức-Thánh-Linh luôn luôn để sự đóng ấn như vậy được còn mãi cho đến ngày Đức Chúa Jêsus tái lâm.
Chính vì sự nguy hiểm khôn lường của việc cố tình phạm tội mà tất cả các sứ đồ của Chúa, từ Gia-cơ, Phi-e-rơ, Giăng cho đến sứ đồ Phao-lô đều đã có nhắc nhở nhiều lần về điều đó trong các thư tín của họ, và nhờ những sự nhắc nhở như vậy mà chúng ta biết được rằng một trong những lý do chính yếu làm cho Đức-Thánh-Linh buồn lòng là sự chối bỏ quyền tể trị của Chúa trên đời sống của cá nhân. Điều đó được thể hiện qua việc Cơ-đốc-nhân không chịu tuân theo những mạng lệnh mà Chúa đã có dạy dỗ trong Kinh thánh, như đã có chép trong (Hê-bơ-rơ 12: 25).
Cơ-đốc-nhân chúng ta đều biết rằng mặc dầu hiện nay chúng ta chưa thấy được Đức Chúa Trời nhưng Ngài vẫn đang trực tiếp truyền phán với chúng ta qua lời Kinh thánh. Vì vậy các chữ CHỚ TỪ CHỐI ĐẤNG PHÁN CÙNG MÌNH có nghĩa là sự từ chối sống theo các mẫu mực mà Chúa đã dạy dỗ trong Kinh thánh. Đó là sự chối Chúa của Cơ-đốc-nhân. Vì nếu thật Đức Chúa Trời là Chúa và là Chủ của đời sống chúng ta thì hễ điều gì mà Ngài muốn chúng ta làm thì Cơ-đốc-nhân phải vâng giữ và thực hiện điều đó một cách triệt để, hết lòng. Có như vậy thì Cơ-đốc-nhân mới có thể làm vui lòng Đức-Thánh-Linh để được Ngài tiếp tục ấn chứng cho chúng ta cho đến ngày cứu chuộc. Đây là điều mà các sứ đồ đã nhắc nhở thường xuyên trong các thư tín của họ nhưng Cơ-đốc-nhân vẫn tiếp tục bỏ qua, chẳng hạn như tình trạng đang xãy ra ngày hôm nay, khi có nhiều Cơ-đốc-nhân trẻ chung sống với nhau ngoài hôn nhân, và Cơ-đốc-nhân vẫn còn tiếp tục uống rượu bia và ngoại tình cứ y như là người thế gian.
Lời của Chúa cho biết là nếu Cơ-đốc-nhân muốn sống đẹp lòng Chúa thì phải chăm chỉ thực hiện những điều mà Đức-Thánh-Linh ưa muốn. Những ưa muốn đó hoàn toàn ngược lại với những tham muốn của thế gian và xác thịt, như đã có chép trong (Rô-ma 8: 5-6).
Tất cả các Cơ-đốc-nhân đều biết đến hai câu Kinh thánh vừa được trưng dẫn, nhưng vấn đề trọng tâm là phải thực hiện điều mà lời của Chúa đã dạy dỗ. Các sứ đồ ngày xưa đã được Đức Chúa Trời soi dẫn để viết các thư tín của họ và trong đó thì họ đã hướng dẫn Cơ-đốc-nhân rất nhiều điều cần phải thực hiện hầu có thể sống đẹp lòng Đức Chúa Trời. Vì vậy mà chúng ta sẽ cậy ơn Chúa để lần lượt suy gẫm đến tất cả mọi điều có liên quan đến sự đòi hỏi của Đức-Thánh-Linh hầu cho con dân của Chúa có thể chăm chỉ làm theo ý muốn của Ngài như lời của Chúa đã bày tỏ trong hai câu gốc nầy. Nhưng trong thời giờ sáng hôm nay thì tôi chỉ xin được cùng quý Hội thánh suy gẫm một chút về một trong những nguyên tắc căn bản mà Đức Chúa Jêsus đã dạy dỗ có liên quan đến mạng lệnh chớ làm buồn Đức-Thánh-Linh, đó là hễ Cơ-đốc-nhân muốn được đẹp lòng Chúa và được Ngài yêu thì phải nhớ các điều răn của Chúa và làm theo, như chính lời của Đức Chúa Jêsus đã phán và đã được ghi lại trong (Giăng 14: 21).
Theo như lời của Chúa trong câu gốc nầy thì chúng ta có thể thấy rằng được Chúa yêu tức là cũng được đẹp lòng Đức-Thánh-Linh, và như vậy thì Cơ-đốc-nhân phải luôn luôn ghi nhớ các điều răn của Chúa và hết sức cố gắng để làm theo. Những điều răn ấy không chỉ giới hạn trong Mười Điều Răn mà còn bao gồm tất cả những mạng lệnh mà Chúa đã có dạy dỗ trong Kinh thánh. Nhưng theo thực tế cho thấy thì có một số Cơ-đốc-nhân chỉ yêu mến Chúa bằng lời mà không có hành động cặp theo, có nghĩa là vẫn tiếp tục sống như người thế gian, từ lời ăn tiếng nói, cách hành xử cho đến cả tư tưởng và quan điểm nữa. Sự khác biệt như vậy giữa lời nói yêu mến Chúa và đời sống còn giống như người thế gian thì không thể được kể là yêu mến Đức Chúa Trời, như lời của chính Đức Chúa Jêsus đã có phán dạy rõ ràng trong (Giăng 14: 23-24).
Theo như lời của Chúa trong hai câu gốc nầy thì những sự dạy dỗ của Đức Chúa Jêsus cho Cơ-đốc-nhân thì nhiều lắm, nhưng chúng ta có thể tóm tắt lại một cách ngắn gọn là con dân Chúa phải làm gương tốt cho người chưa tin hầu cho Đức Chúa Trời được sáng danh và giúp cho họ có thể được cảm động mà đến với Chúa, như lời của Chúa đã có phán dạy trong (Ma-thi-ơ 5: 16).
Chúng ta đều biết rằng chỉ bởi sống theo mẫu mực của Kinh thánh thì Cơ-đốc-nhân mới có thể làm gương tốt cho người khác mà thôi. Nhưng có nhiều người đã lý giải sai lầm rằng Cơ-đốc-nhân không cần phải sống theo điều răn của Đức Chúa Trời trong Kinh thánh vì đã không còn bị ràng buột bởi luật pháp nữa. Sự giải nghĩa Kinh thánh cách như vậy đã làm cho biết bao Cơ-đốc-nhân cứ sống phóng túng theo cách của người thế gian mà vẫn cứ tưởng là họ cũng sẽ được đẹp lòng Chúa và được cứu trong tương lai. Tất cả những sự lầm lẫn như vậy đều đã được lời của Chúa báo trước và đều đã được ghi lại trong Kinh thánh và tôi sẽ xin được lần lượt trình bày mọi điều đó với quý Hội thánh trong thời gian tới.
Nhưng đối với việc đừng làm buồn Đức-Thánh-Linh để Ngài có thể đóng ấn luôn luôn trong đời sống chúng ta cho đến ngày cứu chuộc thì con dân Chúa phải hết sức cố gắng sống một đời vâng phục trọn vẹn theo sự dạy dỗ của Đức Chúa Jêsus. Chỉ có như vậy thì chúng ta mới được đẹp lòng Ngài, mới được Chúa yêu và được Ngài ở cùng luôn luôn bởi Đức-Thánh-Linh cho đến khi Đức Chúa Jêsus Christ hiện ra lần thứ hai.
Vì vậy cầu xin Đức Chúa Trời toàn năng tiếp tục nhắc nhở Cơ-đốc-nhân trong việc cố gắng bày tỏ tấm lòng kính yêu Chúa của mình bằng việc vâng phục và làm theo các sự dạy dỗ của Chúa trong Kinh thánh. Cầu xin Đức Chúa Trời thêm sức cho con dân Ngài để có thể quyết tâm và bền chí sống một đời vâng lời như vậy luôn suốt cả đời sống nầy. Và cầu xin Đức-Thánh-Linh tiếp tục soi sáng cho con dân Chúa về mọi điều cần phải làm, mọi lời xứng hiệp cần phải nói và mọi tư tưởng trong sáng cần phải có để chúng ta có thể làm đẹp lòng Ngài luôn luôn cho đến ngày cứu chuộc. Amen.
CÁC CÂU KINH THÁNH ĐÃ TRƯNG DẪN:
XUẤT Ê-DÍP-TÔ KÝ 13: 16 – Ấy sẽ làm một dấu hiệu nơi tay ngươi, và ấn chí nơi trán giữa cặp mắt ngươi, để nhắc cho nhớ rằng Đức Giê-hô-va đã dùng tay quyền năng rút chúng ta ra khỏi xứ Ê-díp-tô.
PHỤC TRUYỀN 11: 18 – Vậy, hãy cất để trong lòng và trong trí mình những lời ta nói cùng các ngươi, đeo nó như một dấu nơi tay, như một ấn chí giữa hai con mắt.
GIÔ-SUÊ 23: 16 – Nếu các ngươi bội giao ước của Giê-hô-va Đức Chúa Trời các ngươi đã dặn biểu, nếu các ngươi đi hầu việc các thần khác, và quì lạy trước chúng nó, thì cơn thạnh nộ của Đức Giê-hô-va sẽ nổi phừng cùng các ngươi, và các ngươi bị diệt mất liền khỏi xứ tốt đẹp mà Ngài đã ban cho.
NÊ-HÊ-MI 9: 38 – Dầu các sự nầy, chúng tôi lập giao ước chắc chắn, và chúng tôi ghi chép nó các quan trưởng, người Lê-vi, và những thầy tế lễ của chúng tôi đóng ấn cho.
GIÓP 9: 7 – Ngài dạy biểu mặt trời, nó bèn chẳng mọc, Ngài đóng ấn trên các ngôi sao.
GIÓP 41: 6 – Nó có oai hùng vì cớ các hàng khiên của nó, bằng thẳng dính khắn nhau như được niêm phong.
Ê-SAI 8: 16 – Ngươi hãy gói lời chứng nầy, niêm phong luật pháp nầy trong môn đồ ta!
GIÊ-RÊ-MI 32: 10 – Tôi viết khế và niêm phong, mời người làm chứng và cân bạc trong cái cân.
Ê-XÊ-CHI-ÊN 18: 24 – Nhưng nếu kẻ công bình xây bỏ sự công bình của mình, nếu nó phạm sự gian ác, nếu nó bắt chước mọi sự gớm ghiếc mà kẻ dữ tự làm, thì nó sẽ sống không? Không có một việc công bình nào nó đã làm sẽ được nhớ lại; vì cớ sự phạm pháp mà nó đã làm, và tội lỗi nó đã phạm, nên nó sẽ chết trong đó.
GIĂNG 14: 21 – Ai có các điều răn của ta và vâng giữ lấy, ấy là kẻ yêu mến ta; người nào yêu mến ta sẽ được Cha ta yêu lại, ta cũng sẽ yêu người, và tỏ cho người biết ta.
RÔ-MA 4: 11-12 – Vậy, người đã nhận lấy dấu cắt bì, như dấu ấn của sự công bình mà người đã được bởi đức tin, khi chưa chịu cắt bì; hầu cho làm cha hết thảy những kẻ tin mà không chịu cắt bì, đặng họ được kể là công bình, và cũng làm cha những kẻ chịu cắt bì, tức là cha những kẻ không những chịu cắt bì thôi, lại cũng noi theo dấu đức tin mà Áp-ra-ham, tổ phụ chúng ta, đã có trước khi chưa chịu cắt bì vậy.
RÔ-MA 8: 5-6 – Thật thế, kẻ sống theo xác thịt thì chăm những sự thuộc về xác thịt; còn kẻ sống theo Thánh Linh thì chăm những sự thuộc về Thánh Linh. Vả, chăm về xác thịt sanh ra sự chết, còn chăm về Thánh Linh sanh ra sự sống và bình an.
Ê-PHÊ-SÔ 1: 13 – Ấy lại cũng trong Ngài mà anh em sau khi đã nghe đạo chân thật, là đạo Tin lành về sự cứu rỗi anh em, ấy là trong Ngài mà anh em đã tin và được ấn chứng bằng Đức Thánh Linh là Đấng Chúa đã hứa.
Ê-PHÊ-SÔ 4: 30 – Anh em chớ làm buồn cho Đức Thánh Linh của Đức Chúa Trời, vì nhờ Ngài anh em được ấn chứng đến ngày cứu chuộc.
HÊ-BƠ-RƠ 6: 4-6 – Vì chưng những kẻ đã được soi sáng một lần, đã nếm sự ban cho từ trên trời, dự phần về Đức Thánh Linh, nếm đạo lành Đức Chúa Trời, và quyền phép của đời sau, nếu lại vấp ngã, thì không thể khiến họ lại ăn năn nữa, vì họ đóng đinh Con Đức Chúa Trời trên thập tự giá cho mình một lần nữa, làm cho Ngài bị sỉ nhục tỏ tường.
HÊ-BƠ-RƠ 12: 25 – Anh em hãy giữ, chớ từ chối Đấng phán cùng mình; vì nếu những kẻ kia cự Đấng truyền lời báo cáo ở dưới đất, còn không tránh khỏi thay, huống chi chúng ta, nếu cự Đấng truyền lời báo cáo từ trên trời, thì càng không tránh khỏi được.