ẤN CHỨNG CỦA ĐỨC THÁNH LINH 1

ẤN CHỨNG CỦA ĐỨC THÁNH LINH 1

Kinh thánh: Khải huyền 7: 1-4

Câu gốc: Khải huyền 7: 3 – Chớ làm hại đất, biển và cây cối, cho đến chừng nào chúng ta đã đóng ấn trên trán những tôi tớ Đức Chúa Trời chúng ta.

*******

Lời của Chúa cho biết là trong thời kỳ cuối cùng, trước khi Đức Chúa Jêsus tái lâm thì sẽ có những thời kỳ hoạn nạn chưa từng có trong lịch sử của con người. Đó là vì cớ tội ác của thế gian càng ngày càng nhiều, càng ngày càng trầm trọng. Nhưng trước khi cơn đại nạn xãy ra thì Đức Chúa Trời sẽ sai thiên sứ Ngài đóng ấn trên con dân của Chúa để nhờ đó mà họ được phân biệt khỏi những người gian ác và có thể tránh được sự hoạn nạn khó khăn sắp sửa xãy ra trên cả thế giới. Vì lời Kinh thánh đã được báo trước cho nên Cơ-đốc-nhân chúng ta phải thức tỉnh và cố gắng để làm sao chính mình cũng được đóng ấn hầu cho khỏi bị họa lây với những kẻ phạm tội.

Trong câu Kinh thánh nầy thì rõ ràng là Đức Chúa Trời phán bảo các thiên sứ đừng làm hại đất, biển và cây cối cho đến khi nào sự đóng ấn trên con dân Chúa được hoàn tất. Điều ấy có nghĩa là sau đó thì những tai ương lớn lao chắn chắn sẽ xãy ra, và sự đóng ấn để phân biệt như vậy bày tỏ tình yêu và đặc ân của Đức Chúa Trời dành cho những người biết vâng phục theo sự dạy dỗ của Chúa trong Kinh thánh và sống một đời làm đẹp lòng Ngài. Còn những người không cp1 dấu ấn của Chúa thì sẽ phải chịu ảnh hưởng của những tai ương ấy:

KHẢI HUYỀN 9: 4 – Có lời truyền cho chúng nó chớ làm hại loài cỏ ở đất, thứ xanh và cây cối nào, nhưng chỉ làm hại những người không có ấn Đức Chúa Trời ở trên trán.

Sự hủy phá đất, biển và cây cối phải được trì hoãn là vì Đức Chúa Trời không muốn con dân của Chúa bị ảnh hưởng trong đời sống thuộc thể vì họ vẫn còn sống trong trần gian. Chúng ta có thể hiểu được rõ ràng là khi đất đai bị hủy phá thì sẽ có sự đói kém xãy ra, khi mùa màng và hoa quả không phát triển được. Mặc dầu hiện nay tình trạng đói kém đang xãy ra nhiều nơi trên thế giới, nhất là tại Phi châu và một số các quốc gia nghèo, nhưng đó mới chỉ là sự cảnh cáo của Chúa và mới chỉ là sự bắt đầu mà thôi.

Có một số Cơ-đốc-nhân thắc mắc rằng không biết chừng nào thì thời kỳ cuối cùng sẽ xãy ra, nhưng trong thực tế và theo lời Kinh thánh cho biết thì thời kỳ cuối cùng đã đến rồi và đã bắt đầu từ hơn 2,000 trước, tức là được bắt đầu khi Đức Chúa Jêsus giáng sanh, vì lời của Chúa đã khẳng định về điều đó:

HÊ-BƠ-RƠ 1: 2 – Rồi đến những ngày sau rốt nầy, Ngài phán dạy chúng ta bởi Con Ngài, là Con mà Ngài đã lập lên kế tự muôn vật, lại bởi Con mà Ngài đã dựng nên thế gian.

Lời Kinh thánh đã phán rõ ràng rằng Đức Chúa Jêsus được sai đến thế gian trong thời kỳ sau rốt để phán dạy thế gian về tội lỗi và về sự cứu chuộc đời đời trong danh Ngài. Điều đó có nghĩa là thời kỳ cuối cùng bắt đầu lúc Đức Chúa Jêsus giáng sinh. Nhưng đây không phải là câu Kinh thánh duy nhất mà Đức Chúa Trời cho chúng ta biết về thời kỳ cuối cùng bắt đầu từ lúc nào. Một chỗ khác trong thư tín Hê-bơ-rơ cũng có đề cập đến mốc thời gian quan trọng nầy

HÊ-BƠ-RƠ 9: 26 – Bằng chẳng vậy, thì từ buổi sáng thế đến nay, Ngài đã phải chịu khổ nhiều lần rồi. Nhưng hiện nay đến cuối cùng các thời đại, Ngài đã hiện ra chỉ một lần, dâng mình làm tế lễ để cất tội lỗi đi.

Theo như câu Kinh thánh mà tôi vừa mới đọc qua thì chúng ta có thể hiểu được rằng việc Đức Chúa Jêsus giáng sinh vào trong trần gian là khởi điểm cuối cùng của các thời đại để giúp cho con người có cơ hội trở lại với Đức Chúa Trời khi tin rằng Đức Chúa Jêsus đã dâng chính mình Ngài làm của lễ đền tội cho mỗi một cá nhân trong trần gian.

Như vậy thì Cơ-đốc-nhân có thể biết chắc chắn rằng thời kỳ cuối cùng đã đến rồi và đã bắt đầu từ hơn 2,000 năm trước. Điều đó cũng có nghĩa là sự tái lâm của Đức Chúa Jêsus gần lắm rồi và con dân Chúa phải thức tỉnh mà chuẩn bị chính mình cho thật kỹ càng đầy đủ để có thể được gặp Đức Chúa Jêsus trong vinh hiển và vui mừng.

Và khi chúng ta biết rằng thời kỳ cuối cùng đã đến rồi thì cũng phải biết rằng sự hoạn nạn và khó khăn sẽ xãy ra ngày càng nhiều trên trái đất, tức là cường độ của những tai ương sẽ tăng dần cả về số lượng và ảnh hưởng. Trong hơn hai ngàn năm qua thì thế giới đã có những cuộc chiến tranh lớn làm thiệt mạng hàng triệu người và những cuộc chiến tranh sắp tới đây sẽ còn khốc liệt hơn nữa. Trong kỳ Đệ nhất thế chiến thì có khoảng 9 triệu binh sĩ tử trận và 13 triệu thường dân bị thiệt mạng. Sau đó tàn dư của cuộc chiến còn gây thêm bệnh dịch (mà người ta gọi là bệnh cúm Tây ban nha) làm cho hơn 20 triệu người khác bị tử vong. Còn trong kỳ Đệ nhị thế chiến thì tổng cộng có đến khoảng 85 triệu sinh mạng bị tử vong, kể cả thường dân và binh sĩ. Nhưng theo lời của Đức Chúa Jêsus đã báo trước thì đó chỉ mới là khởi đầu của cơn đại nạn mà thôi:

MA-THI-Ơ 24: 7-8 – Dân nầy sẽ dấy lên nghịch cùng dân khác, nước nọ nghịch cùng nước kia; nhiều chỗ sẽ có đói kém và động đất. Song mọi điều đó chỉ là đầu sự tai hại.

Với sự phát triển vượt bậc của khoa học kỹ thuật như chúng ta thấy ngày hôm nay thì các loại vũ khí cũng được sản xuất nhiều hơn với mức độ gây tử thương cao gấp trăm lần hơn các loại vũ khí đã được sử dụng trước đây. Ngoài các loại vũ khí nguyên tử và hạt nhân thì chúng ta thấy một số nước trên thế giới còn có cả vũ khí vi trùng nữa, giống như con vi trùng gây cơn đại dịch đang làm bối rối cả thế giới như hiện nay.

Đó là nói về chiến tranh, ngoài ra còn phải kể đến các thiên tai đã và đang xãy ra khắp nơi trên thế giới như hạn hán, lũ lụt, động đất, sóng thần, cháy rừng và các nguồn nước bị ô nhiễm. Chính vì vậy mà chúng ta thấy đói kém và bệnh dịch xãy ra nhiều nơi và càng ngày càng lan rộng trên bình diện của cả thế giới. Theo tin tức cho biết thì trước đây nạn cào cáo phá hoại mùa màng thường chỉ xãy ra tại châu Phi mà thôi, nhưng bây giờ thì những đám mây cào cào đã bay sang Tây Á, rồi đến Ấn độ, sang qua Trung quốc và rồi xuất hiện tại Việt Nam. Với tình hình như vậy thì nạn đói chắc chắn sẽ xãy ra và ảnh hưởng đến nhiều người vì dân số thế giới ngày hôm nay đã tăng trưởng rất cao.

Để có thể thấy được rằng thời kỳ Đức Chúa Jêsus tái lâm đã gần lắm rồi thì chúng ta cũng phải đề cập đến một trong những nguy cơ hiện nay, là sự lây nhiễm những loại bệnh dịch không có thuốc chữa, chẳng hạn như bệnh AIDS và bệnh COVID-19. Các chuyên gia y tế cho biết là sang năm tới thì sẽ có triển vọng sản xuất được thuốc ngừa và thuốc trị cho bệnh COVID-19 nhưng tỷ lệ thành công chưa đến 50%, nghĩa là chỉ trị bệnh cầu may mà thôi chớ không có gì là bảo đảm hoàn toàn hiệu nghiệm. Vì những tình trạng khó khăn như vậy mà các số liệu thống kê cho biết là số người bị căng thẳng thần kinh đến nỗi suy sụp tinh thần và mất trí càng ngày càng nhiều, cũng như tỷ lệ của những người tự tử cũng ngày một tăng cao. Theo báo cáo của Hội đồng Y Tế thế giới thì những năm gần đây có khoảng 800,000 tự tử mỗi năm, có nghĩa là cứ 40 giây thì có một người tự tử. Riêng tại Hoa-kỳ thì chính phủ cho biết các năm qua thì có khoảng 45,000 tự tử mỗi một năm, nghĩa là mỗi ngày có khoảng 123 người tự tử, tức là mỗi 12 phút thì có một người kết liễu đời sống mình.

Nhưng theo lời báo trước của Đức Chúa Jêsus thì đó mới chỉ là khởi đầu của cơn đại hạn mà thôi. Vì vậy trong thời kỳ khó khăn và thiếu hy vọng như hiện nay thì niềm tin nơi Đức Chúa Jêsus là quan trọng hơn hết cho mọi người, và cũng vì thế mà Cơ-đốc-nhân phải cố gắng hết sức để chuẩn bị chính mình hầu có thể tránh được đại nạn và được cứu rỗi trong Chúa.

Câu Kinh thánh nền tảng của chúng ta ngày hôm nay cho thấy một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu cho việc được tránh khỏi hoạn nạn của thời kỳ sau rốt và gặp Đức Chúa Jêsus trong ngày Chúa tái lâm là việc được chính được có được dấu ấn của Đức Chúa Trời.

Tất cả chúng ta đều biết tầm quan trọng của việc đóng ấn. Ngày xưa thì người ta dùng ấn của vua để đóng vào những văn bản tối quan trọng hầu cho mọi người biết rằng những điều đó không thể thay đổi được mà phải chấp hành triệt để, bằng không thì sẽ phạm tội khi quân và có thể mất mạng. Trong Kinh thánh đã có ghi lại những trường hợp quan trọng của việc đóng ấn, như trong thời kỳ dân Giu-đa bị lưu đầy tạo xứ Ba-by-lôn:

ĐA-NI-ÊN 6: 8 – Bây giờ hỡi vua, hãy lập điều cấm đó và ký tên vào, hầu cho không đổi thay đi, theo như luật pháp của người Mê-đi và người Phe-rơ-sơ, không thể đổi được.

Ngày hôm nay thì việc đóng dấu cũng có tầm quan trọng trong việc chứng thực những giấy tờ hồ sơ quan trọng để làm bằng chứng trước luật pháp. Nếu không có dấu ân của chính quyền thì các văn bản hồ sơ không được xem là có hiệu lực hoặc đáng tin cậy. Trong phương diện thuộc linh thì sự đóng ấn của Đức Chúa Trời còn quan trọng hơn tất cả mọi con dấu trong trần gian, vì Ngài là Vua trên muôn vua, Chúa trên muôn chúa và quyền lực của Ngài bao trùm cả vũ trụ nầy cho đến đời đời. Một trong những bằng chứng điển hình của sự đóng ấn của Đức Chúa Trời là quyền Kinh thánh mà chúng ta đang có trên tay. Lời của Chúa đã xác nhận rằng Kinh thánh được soi dẫn bởi Đức Chúa Trời, là Đấng Chân thật và không bao giờ thay đổi. Điều đó có nghĩa là Kinh thánh là văn bản được Đức Chúa Trời đóng ấn để ban cho loài người:

2TI-MÔ-THÊ 3: 16-17 – Cả Kinh thánh đều là bởi Đức Chúa Trời soi dẫn, có ích cho sự dạy dỗ, bẻ trách, sửa trị, dạy người trong sự công bình, hầu cho người thuộc về Đức Chúa Trời được trọn vẹn và sắm sẵn để làm mọi việc lành.

Chính vì được Đức Chúa Trời soi dẫn, kể như là được đóng ấn bởi Ngài, nên vì vậy mà giá trị của quyển Kinh thánh được lưu truyền đời đời không dứt và không bao giờ thay đổi:

1PHI-E-RƠ 1: 25 – Nhưng lời Chúa còn lại đời đời. Và lời đó là đạo Tin lành đã giảng ra cho anh em.

Vì là lời của Đấng Tạo Hóa nên quyển Kinh thánh rất là quan trọng để nhờ đó mà Cơ-đốc-nhân có thể biết được ý muốn của Đức Chúa Trời để làm theo và có thể nhận được sự sống đời đời trong ngày Đức Chúa Jêsus tái lâm. Chẳng những thế thôi lời của Chúa trong Kinh thánh còn được dùng để đoán xét nhân loại trong lần phná xét chung thẫm và cuối cùng:

GIĂNG 12: 48 – Người nào bỏ ta ra và không nhận lãnh lời ta, đã có kẻ xét đoán rồi; lời ta đã rao giảng, chính lời đó sẽ xét đoán họ nơi ngày sau cùng.

NHư vậy thì chúng ta có thể hiểu được rằng yếu tố để Cơ-đốc-nhân có thể được đóng ấn trong thời kỳ cuối cùng hầu cho nhờ đó mà tránh thoát được những tai ương khủng khiếp của con đại nạn sắp sửa xãy ra là ghi nhờ và làm theo những điều Chúa đã phán dạy trong Kinh thánh.

Trong câu gốc nền tảng thì chúng ta có thể thấy là Đức Chúa Trời phán bảo các thiên sứ chỉ đóng ấn những người được gọi là tôi tớ của Chúa mà thôi. Hai chữ tôi tớ nầy không phải có ý nói riêng về các mục sư, truyền đạo hoặc giáo sĩ, mà được dùng để mô tả chung tất cả những Cơ-đốc-nhân là người biết vâng phục lời của Chúa như là một người tôi tớ vâng phục chủ.

Mặc dầu Kinh thánh gọi Cơ-đốc-nhân là con cái của Đức Chúa Trời, nhưng để nhấn mạnh đến việc phải biết làm theo lời phán dạy của Chúa bằng một tấm lòng vâng phục trọn vẹn tuyệt đối thì Kinh thánh gọi Cơ-đốc-nhân chúng ta là tôi mọi của Đấng Christ và là tôi mọi của Đức Chúa Trời:

1CÔ-RINH-TÔ 7: 22 – Vì kẻ tôi mọi được Chúa gọi, ấy là kẻ Chúa đã buông tha; cũng một lẽ ấy, ai đang tự do mà được gọi, thì làm tôi mọi của Đấng Christ.

1PHI-E-RƠ 2: 16 – Hãy ăn ở như người tự do, nhưng chớ dùng tự do làm cái màn che sự hung ác, song phải coi mình là tôi mọi Đức Chúa Trời.

Khi lời của Chúa phán dạy Cơ-đốc-nhân phải coi mình là tôi mọi của Đức Chúa Trời thì điều đó có nghĩa là những người tin nhận Đức Chúa Jêsus Christ đều đã được ban cho thân phận là con cái của Chúa nhưng phải có tấm lòng vâng phục mạng lệnh của Chúa một cách tuyệt đối như là một kẻ tôi mọi vâng phục chủ.

Nếu tất cả các Cơ-đốc-nhân đều biết vâng phục Chúa 100% kể từ ngày tin nhận Chúa thì có lẽ câu Kinh thánh nầy sẽ không cần phải ghi vào trong Kinh thánh. Nhưng vì vẫn có nhiều Cơ-đốc-nhân chỉ tin Chúa bằng lời mà không làm theo những điều Chúa đã phán dạy nên Kinh thánh mới nhắc nhở con dân Chúa bằng hai câu gốc mà tôi vừa đọc qua và bằng nhiều câu Kinh thánh khác nữa mà tôi không trưng dẫn ở đây.

Có thể có nhiều lý do làm cho Cơ-đốc-nhân chúng ta chưa hoàn toàn vâng phục Chúa một cách tuyệt đối, hoặc vì bị cám dỗ, hoặc vì quá bận rộn trong cuộc sống nên chưa thực hành sự sống đạo được, hoặc vì lơ là, hoặc vì chưa có lòng muốn làm theo. Nhưng dầu là lý do nào đi nữa thì chúng ta cũng phải nhớ rằng cơn đại nạn mà Chúa đã báo trước trong Kinh thánh chắc chắn sẽ xãy ra, vì Ngài là Đấng Chân Thật không bao giờ nói dối:

HÊ-BƠ-RƠ 6: 17-18 – Đức Chúa Trời cũng vậy, muốn càng tỏ ra cho những kẻ hưởng lời hứa biết ý định Ngài là chắc chắn không thay đổi, thì dùng lời thề; hầu cho nhờ hai điều chẳng thay đổi đó, và về hai điều ấy Đức Chúa Trời chẳng có thể nói dối, mà chúng ta tìm được sự yên ủi lớn mạnh, là kẻ đã trốn đến nơi ẩn náu, mà cầm lấy sự trông cậy đã đặt trước mặt chúng ta.

Vì tình yêu thương đối với con dân Ngài mà Đức Chúa Trời đã báo trước cho chúng ta biết về cơn đại nạn sắp sử sẽ xãy ra trên địa cầu. Cũng vì tình yêu thương mà Đức Chúa Trời ra lệnh cho các thiên sứ phải trì hoãn sự trừng phạt thế gian để đón ấn cho những người có đời sống vâng phục trọn vẹn. Vì vậy Cơ-đốc-nhân phải hết sức cố gắng để làm sao cho chính cá nhân mình được đóng ấn của Đức-Thánh-Linh trong thời kỳ đầy khó khăn nầy.

Để được khích lệ và nhắc nhở về một tấm lòng vâng phục Chúa trọn vẹn thì chúng ta có thể sy nghĩ đến trường hợp của một người nô lệ ngày xưa. Sau khi được chủ mua ở chợ về thì họ sẽ bắt đầu thực hiện các công việc mà chủ giao phó một cách chuyên cần và chăm chú, nhất là không bao giờ cãi trả, hầu cho được chủ thương xót và hy vọng sau nầy được chủ cho trở thành người tự do. Chính vì lẽ đó mà Kinh thánh đã khuyên dạy các nô lệ và tôi tớ ngày xưa phải có thái độ như vậy:

TÍT 2: 9 – Hãy khuyên những tôi tớ phải vâng phục chủ mình, phải làm đẹp lòng chủ trong mọi việc, chớ cãi trả.

Trong phương diện thuộc linh thì Cơ-đốc-nhân cũng giống như thế. Chính Chúa đã chuộc mua chúng ta từ giữa thế gian tối tăm bằng dòng huyết quý báu của Ngài trên thập tự giá nên Cơ-đốc-nhân đáng phải hết lòng sống cho Ngài và vâng phục Ngài một cách tuyệt đối để sau nầy được hưởng sự sống đời đời và được cứu khỏi cơn đại nạn khi còn sống giữa trần gian:

Ê-PHÊ-SÔ 1: 7 – Ấy là trong Đấng Christ, chúng ta được cứu chuộc bởi huyết Ngài, được tha tội, theo sự dư dật của ân điển Ngài,

1CÔ-RINH-TÔ 6: 20 – Vì chưng anh em đã được chuộc bằng giá cao rồi. Vậy, hãy lấy thân thể mình làm sáng danh Đức Chúa Trời.

Xin Cơ-đốc-nhân chúng ta đừng nghĩ rằng sống vâng phục Chúa là khó rồi để từ đó nản lòng. Trong cuộc đời nầy không có sự gì là dễ dàng, từ công việc làm hàng ngày cho đến việc học tập, hay là sự giao tiếp giữa xã hội hoặc việc nấu ăn trong bếp, hoặc việc giữ trẻ em hay là chăm sóc người già yếu. Mỗi một công việc lớn nhỏ đều đòi hỏi sự cố gắng và kiên nhẫn của chúng ta. Mỗi nghề ngiệp đều có sự nguy hiểm và khó khăn riêng, nhưng nếu chúng ta cứ kiên trì, chịu khó và chấp nhận những hiểm nguy của nghề nghiệp thì lâu dần công việc sẽ trở nên dễ dàng, nhiều khi còn trở thành điều mà chúng ta yêu thích. Vì vậy mà người ta mới có câu là yêu nghề và đam mê trong nghề nghiệp.

Trong phương diện thuộc linh cũng vậy. Có thể là khi bắt đầu tập sống một đời vâng phục Chúa thì Cơ-đốc-nhân thấy khó, nhưng nếu cứ cố gắng, bền đỗ và nhất là biết cậy nhờ năng lực của Chúa thì lâu dần chúng ta sẽ thấy việc sống đời vâng phục Chúa là vui vvẽ và thỏa lòng như thế nào. Ấy là vì lẽ đó mà con dân Chúa ngày xưa đã cho biết là họ rất vui vẻ để làm theo điều răn Chúa:

THI THIÊN 119: 35 – Xin hãy khiến tôi đi trong đường điều răn Chúa, vì tôi lấy làm vui vẻ tại đó.

THI THIÊN 119: 47 – Tôi sẽ vui vẻ về điều răn Chúa, là điều răn tôi yêu mến.

Con dân Chúa ngày xưa có thể vui vẻ làm theo điều răn Chúa với tấm lòng vâng phục trọn vẹn là vì họ nhờ cậy nơi sức lực của Ngài. Đức Chúa Trời của chúng ta là Đấng không thay đổi nên ngày hôm nay nếy Cơ-đốc-nhân cũng biết nhờ cậy nơi sức mới của Chúa mỗi ngày thì chắc chắn chúng ta có thể sống đời vâng phục đẹp lòng Chúa để nhờ đó được đóng ấn của Đức-Thánh-Linh mà thoát khỏi cơn đại nạn sắp sửa giáng xuống trên thế gian.

Vì vậy cầu xin Đức Chúa Trời thêm sức cho Cơ-đốc-nhân để có thể tập tành sống đời vâng phục mỗi ngày như kẻ tôi tớ thật của Đấng Christ. Cầu xin Chúa soi sáng để Cơ-đốc-nhân có thể thấy được sự lạ lùng trong luật pháp của Chúa mà vui vẻ thực hiện trọn những những ngày tháng trần gian nầy. Và cầu xin Chúa xác nhận con dân Ngài bằng dấu ấn của Đức-Thánh-Linh hầu cho mỗi một tôi tớ thật của Chúa được qua khỏi cơn đại nạn một cách bình an mà đón tiếp Đấng Christ trong vui mừng ngày Chúa trở lại. Amen.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *