XUÂN NẦY DÀNH CHO CHÚA
XUÂN NẦY DÀNH CHO CHÚA
Kinh thánh: Ê-xê-chi-ên 8: 1-18
Câu gốc: 1GIĂNG 5: 21 – Hỡi các con cái bé mọn, hãy giữ mình về hình tượng!
Chỉ còn một tuần lễ nữa là chúng ta đã có buổi nhóm thờ phượng Chúa vào ngày đầu năm. Như đã tôi đã có thông báo cho quý Hội thánh biết thì năm nay chúng ta nhóm đầu năm vào Chúa nhật 30 tháng Giêng. Theo như truyền thống từ bấy lâu nay thì Hội thánh chúng ta thường nhóm trước các ngày lễ lớn trong năm, vì lúc ấy còn mang nhiều không khí nô nức của sự chuẩn bị, còn nếu nhóm lại sau ngày lễ thì sự nô nức đó cũng đã nguội bớt vì ngày lễ đã qua, nhất là ở tại Hoa-kỳ đây thì những ngày truyền thống chẳng hạn như Tết thì chúng ta vẫn phải đi làm đi học bình thường chớ không được nghỉ như lúc còn ở tại Việt Nam. Vả lại vì chỗ nhóm của một số các Hội thánh địa phương cũng bị hạn chế vì phải tùy thuộc vào giờ giấc của các Hội thánh Hoa-kỳ cho nên chúng ta nhóm trước ngày lễ thì bao giờ cũng thuận tiện hơn. Bởi lẽ đó để chuẩn bị cho việc nhóm thờ phượng Chúa ngày đầu năm Âm lịch thì hôm nay tôi xin được cùng với quý Hội thánh suy gẫm đến chủ đề nầy để chúng ta có thể được lời Kinh thánh nhắc nhở về sự chuẩn bị mừng Chúa trong dịp Tết năm nay.
Như tất cả chúng ta đều đã biết thì thời gian nầy trong năm là lúc chúng ta nhớ lại những ngày đã qua và chuẩn bị cho một năm mới nữa sắp sửa đến. Việc làm đó không những là truyền thống mà còn là điều đáng phải có, bởi vì ngày đầu năm là rất quan trọng, là dấu mốc để tiếp tục một năm nữa được bình an, vui vẽ và đầy phước mới trong Chúa. Đối với một dấu mốc thời gian quan trọng như vậy thì sự chuẩn bị bao giờ cũng là điều cần thiết, không những là cho những sự kiện lớn mà còn là cho tất cả mọi điều chúng ta thực hiện thường ngày, chẳng hạn như nấu một bữa ăn, may một cái áo, sửa một chiếc xe, lợp lại mái nhà hoặc là đi chợ, đi học, đi làm, tất cả mọi điều đó đều cần phải được chuẩn bị trước. Sự thiếu chuẩn bị thường làm cho công việc của chúng ta bị trì hoãn, bị gián đoạn, bị hư hỏng, bị thất bại hoặc mang đến kết quả không được như ý muốn. Bởi lẽ đó mà khi Chủ đề của chúng ta là XUÂN NẦY DÀNH CHO CHÚA thì đương nhiên là chúng ta phải suy gẫm đến sự chuẩn bị cách thế nào để bày tỏ lòng kính yêu Chúa vào dịp Tết năm nay.
Nhưng trước hết thì tôi xin được đề cập đến lý do vì sao mà tôi chọn lấy Chủ để nầy. Thật ra thì tất cả chúng ta ở đây đều đã dành cuộc đời mình cho Chúa kể từ ngày chúng ta đầu phục và tin nhận Ngài. Khi dành cuộc đời mình cho Chúa thì đương nhiên là mọi điều trong đời sống chúng ta đều ưu tiên cho Ngài, ngay cả ngày tháng mà chúng ta được Chúa cho hưởng trên đất nầy. Nhưng như điều mà chúng ta đã biết thì con đường theo Chúa của chúng ta không phải lúc nào cũng bằng phẳng, yên tịnh, sóng êm gió lặng. Từ ngày tin Chúa đến hôm nay thì mỗi một người trong chúng ta đều đã từng trãi qua những chặng đường khó khăn, những phần đời lúc chìm lúc nổi và có những lúc bị đau bệnh, bị buồn phiền, mất mát, thậm chí đôi khi cay đắng nữa. Chính vì những chặng đường như vậy mà nhiều lúc Cơ-đốc-nhân chúng ta bị phân tâm, có lúc hoang mang, cũng có lúc bị lo buồn, bối rối, thậm chí đi đến chỗ nãn lòng, dường như muốn thối lui, nhất là sau gần hai năm chúng ta phải chịu sự khó khăn, kềm chế, trói buộc, ngăn cấm bởi các sắc lệnh có liên quan đến căn bệnh thế kỷ mà chúng ta đã biết.
Dầu là có những lúc gặp khó khăn thử thách như vậy nhưng Chúa đã có gìn giữ, bảo vệ, chữa lành chúng ta cho đến ngày hôm nay. Vì vậy mà tôi đã chọn Chủ đề nầy để muốn cùng với quý Hội thánh bày tỏ tấm lòng ao ước được Chúa tiếp tục bồng ẵm và ban phước cho trong năm mới nầy. Vì Chúa đã có thương xót bảo vệ chúng ta cho nên để đáp lại tình yêu ấy thì tôi muốn cùng với quý Hội thánh biệt riêng mọi điều vui mừng hớn hở ngày đầu Xuân năm nay để dâng lên cho Ngài. Không những vậy thôi mà tôi tin rằng chúng ta cả thảy đều muốn dâng hết cho Chúa cả cuộc đời còn lại của mình để trong muôn một có thể bày tỏ trước mặt Ngài tấm lòng biết ơn và kính yêu Chúa của chúng ta là thế nào.
Kính thưa quý Hội thánh, đối với những người chưa tin thì họ hay nói một cách văn hoa là những ngày nầy được chuẩn bị để đón Chúa Xuân, nhưng nếu hỏi họ rằng Chúa Xuân là ai thì nhiều người trong số họ sẽ trả lời một cách mơ hồ rằng thì là mùa Xuân chứ ai nữa. Bởi lẽ đó mà chúng ta có thể thấy rằng chữ Chúa Xuân trong dân gian Việt Nam là chữ dùng để hình tượng hóa mùa Xuân mà thôi, chớ thật ra người ta không biết cũng chưa bao giờ nhớ đến Đấng đã làm ra và ban mùa Xuân cho nhân loại. Đấng ấy là Đức Chúa Trời của chúng ta, như lời Kinh thánh đã khẳng định trong Sáng thế ký 1: 14.
SÁNG THẾ KÝ 1: 14 – Đức Chúa Trời lại phán rằng: Phải có các vì sáng trong khoảng không trên trời, đặng phân ra ngày với đêm, và dùng làm dấu để định thì tiết, ngày và năm.
Và một câu nữa trong Đa-ni-ên 2: 21.
ĐA-NI-ÊN 2: 21 – Chính Ngài thay đổi thì giờ và mùa, bỏ và lập các vua, ban sự khôn ngoan cho kẻ khôn ngoan, và sự thông biết cho kẻ tỏ sáng.
Hai câu Kinh thánh nầy cho thấy rằng ngay từ buổi đầu tiên khi Đức Chúa Trời tạo dựng nên thiên nhiên vũ trụ thì Ngài cũng đã tạo dựng nên mùa màng thời tiết để chuyển đổi chu kỳ sự sống cho muôn vật và cho con người. Bởi lẽ đó vì Đức Chúa Trời là Đấng đã tạo dựng nên mùa màng thì tiết cho nên ngày đầu năm mới chúng ta dành mùa Xuân nầy cho Ngài là điều đương nhiên, không có gì phải thắc mắc. Nhưng điều mà chúng ta cần biết là những chi tiết về việc dành mùa Xuân nầy cho Ngài là thế nào.
Nói một cách tổng quát thì khi Cơ-đốc-nhân dành điều gì cho Chúa thì chúng ta phải dâng lên cho Ngài một cách trọn vẹn, tức là 100%, để bày tỏ tấm lòng chân thành của mình, chớ không phải là chỉ dành cho Ngài một phần nào đó mà thôi, còn những phần khác thì dành lại cho chúng ta. Vì vậy mà khi chúng ta cùng đồng ý với nhau rằng Xuân Nầy Dành Cho Chúa thì chúng ta sẽ cùng nhau suy gẫm đến một số phương diện để làm căn bản rồi từ đó mỗi một người trong chúng ta sẽ được soi sáng thêm để có thể biết được là còn điều nào nữa cần dành hết cho Ngài trong mùa Xuân nầy.
Chắc nhiều người trong chúng ta có thể nhớ lại những ngày đầu Xuân lúc còn thơ ấu, khi gia đình và hàng xóm của chúng ta chuẩn bị đón Xuân, khi mà miền Nam còn phồn thịnh, lúc mà Sài Gòn còn được gọi là Hòn Ngọc Viễn Đông của vùng Đông Nam Á và được thế giới biết đến nhiều. Lúc đó thì nhà nào cũng sửa soạn trong ngoài cho được sạch sẽ, mới mẽ để đón Tết. Tôi nhớ là các gia đình ngày đó trong khu phố mà chúng tôi ở thường hay quét vôi lại vách trong vách ngoài của căn nhà để nhìn được mới, vì ngày trước thì người ta hay quét vôi chớ không sơn tường như ngày hôm nay. Hồi tưởng đến hình ảnh của sự làm mới lại căn nhà như vậy làm cho tôi liên tưởng đến sự đổi mới mà lời của Chúa có khuyên dạy Cơ-đốc-nhân chúng ta trong Rô-ma 12: 2.
RÔ-MA 12: 2 – Đừng làm theo đời nầy, nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình, để thử cho biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào.
Sự đổi mới trong tâm tâm thần mà lời của Chúa có khuyên dạy trong câu Kinh thánh nầy chính là sự đổi mới quan trọng, cốt lõi trong đời sống của Cơ-đốc-nhân. Vì khi một người đã có được tâm thần đổi mới thì tự nhiên những phương diện khác trong đời sống, chẳng hạn như lời nói và ngôn từ, hành động, thói quen và sự suy nghĩ cũng như quan niệm cũng sẽ thay đổi theo. Chính bởi lẽ đó mà Đức Chúa Trời mới phán dạy chúng ta là trước nhất cần phải đổi mới trong tâm thần mình.
Như vậy thì chúng ta có thể hiểu được rằng sự đổi mới là quan trọng trong đời sống của Cơ-đốc-nhân, trước hết là để bày tỏ rằng mình vâng phục sự dạy dỗ của Chúa và thứ hai là để dùng chính mình làm nhân chứng cho mọi người về sự đổi mới muôn vật mà Đức Chúa Trời sẽ thực hiện trong tương lai, như lời Kinh thánh đã cho biết trước trong Khải huyền 21: 5.
KHẢI HUYỀN 21: 5 – Đấng ngự trên ngôi phán rằng: Nầy, ta làm mới lại hết thảy muôn vật. Đoạn, lại rằng: Hãy chép, vì những lời nầy đều là trung tín và chân thật.
Sự làm mới lại muôn vật là điều chắc chắn, vì như chúng ta có thể thấy được trong thực tế và theo chính kinh nghiệm của mình thì trời đất và muôn vật ngày hôm nay đều ít nhiều có những sự giới hạn và đã bị tội lỗi làm cho ô uế. Bởi vậy cho nên để ban thưởng cho những người được cứu có một nơi tốt đẹp hoàn toàn để sống đời đời với Chúa thì Ngài sẽ tạo dựng nên trời mới đất mới. Sự đổi mới hoàn toàn như vậy sẽ bắt đầu khi Đức Chúa Jêsus Christ tái lâm, như lời Kinh thánh đã cho biết trước trong Ma-thi-ơ 19: 28.
MA-THI-Ơ 19: 28 – Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Quả thật, ta nói cùng các ngươi, đến kỳ muôn vật đổi mới, là khi Con người sẽ ngự trên ngôi vinh hiển của Ngài, thì các ngươi là kẻ đã theo ta, cũng sẽ ngồi trên mười hai ngôi, mà xét đoán mười hai chi phái Y-sơ-ra-ên.
Nếu chúng ta để ý đến các chữ được gạch dưới thì sẽ thấy rõ ràng rằng khi Đức Chúa Jêsus ngự đến thì đó sẽ là lúc sự đổi mới muôn vật được chính thức bắt đầu, nhưng không phải là trên Trái đất nầy, vì quả Địa cầu mà chúng ta đang sống đây sẽ bị tiêu hủy hoàn toàn để nhường chỗ cho trời mới đất mới, như lời Kinh thánh đã có chép trong 2Phi-e-rơ 3: 7.
2PHI-E-RƠ 3: 7 – Nhưng trời đất thời bây giờ cũng là bởi lời ấy mà còn lại, và để dành cho lửa. Lửa sẽ đốt nó đi trong ngày phán xét và hủy phá kẻ ác.
Và một câu nữa trong Khải huyền 20: 11.
KHẢI HUYỀN 20: 11 – Bấy giờ tôi thấy một tòa lớn và trắng cùng Đấng đang ngồi ở trên; trước mặt Ngài trời đất đều trốn hết, chẳng còn thấy chỗ nào cho nó nữa.
Vì sự đổi mới hoàn toàn muôn vật là điều sẽ phải xãy đến cho nên ngày hôm nay Cơ-đốc-nhân chúng ta cần phải chứng tỏ tấm lòng trông đợi của mình về sự đổi mới ấy bằng việc chính mình phải thay đổi, có nghĩa là từ bỏ đời sống cũ để thay vào đó bằng đời sống mới dưới sự hướng dẫn hoàn toàn của Đức-Thánh-Linh, như lời của Chúa đã có dạy dỗ trong Tít 3: 4-5.
TÍT 3: 4-5 – Nhưng từ khi lòng nhân từ của Đức Chúa Trời, là Cứu Chúa chúng ta, và tình thương yêu của Ngài đối với mọi người đã được bày tỏ ra, thì Ngài cứu chúng ta, không phải cứu vì việc công bình chúng ta đã làm, nhưng cứ theo lòng thương xót Ngài, bởi sự rửa về sự lại sanh và sự đổi mới của Đức Thánh Linh.
Nhưng khi nói đến đây thì tôi thấy cần phải nhắc nhở đến một điều, ấy là có một số người sau khi tin Chúa rồi lại thì không chịu cố gắng thay đổi đời sống họ mà biện minh rằng vì Kinh thánh cho biết là Đức Chúa Trời sẽ làm mới lại hết thảy muôn vật, và họ nghĩ rằng đến lúc đó Chúa cũng sẽ làm mới lại họ để xứng đáng với Thiên đàng cho nên ngày hôm nay họ không cần thay đổi gì hết và chờ Chúa sẽ thay đổi họ trong tương lai. Với sự biện minh đó thì có một số Cơ-đốc-nhân vẫn sống giống như người thế gian mặc dầu đã tin Chúa rồi và cứ khăng khăng từ chối lẽ thật về sự tái sanh và sự nên thánh. Nhưng những người biện minh như vậy đã không nhớ đến lời Kinh thánh trong 2Cô-rinh-tô rằng Cơ-đốc-nhân cần phải đổi mới hàng ngày trong mọi phương diện, tức là mỗi ngày phải tập từ bỏ dần dần mọi tật xấu để cứ tốt hơn thêm nữa theo từng ngày mà mình đã trãi qua, như lời Kinh thánh đã có dạy dỗ trong 2Cô-rinh-tô 4: 16.
2CÔ-RINH-TÔ 4: 16 – Vậy nên chúng ta chẳng ngã lòng, dầu người bề ngoài hư nát, nhưng người bề trong cứ đổi mới càng ngày càng hơn.
Theo các chữ được gạch dưới trong câu gốc nầy thì chúng ta thấy rằng mỗi ngày thì Cơ-đốc-nhân sẽ già yếu đi một chút, cơ thể mòn mõi một chút, nhưng tâm tinh bên trong thì cứ phải đổi mới càng ngày càng hơn. Đây chính là lời mô tả tiến trình nên thánh hàng ngày của Cơ-đốc-nhân, tức là mỗi ngày chúng ta phải tốt hơn lên trong Chúa, ngày hôm nay phải thánh khiết hơn ngày hôm qua, dầu là chỉ một chút xíu thôi thì cũng phải tốt hơn ngày hôm qua và cứ như vậy mà tiếp tục nên thánh suốt cả cõi đời đời. Vì vậy mà tôi mới thường trình bày cùng với quý Hội thánh là sự nên thánh của Cơ-đốc-nhân là một tiến trình đời đời không lúc nào ngưng nghỉ.
Bây giờ sau khi đã biết là sự đổi mới là điều cần thiết và là điều cần phải làm, nhất là khi chúng ta muốn dành mùa Xuân nầy cho cho Chúa và dành suốt cả đời sống chúng ta cho Ngài thì chúng ta sẽ suy gẫm đến chi tiết của một số điều mà mình cần phải đổi mới trong những ngày đầu Xuân năm nay.
Trước hết thì chúng ta suy nghĩ đến phương diện thuộc thể và theo như truyền thống ngày Tết của người Việt chúng ta. Như điều mà tôi đã có đề cập đến khi nãy thì vào những ngày cuốì năm khi người ta chuẩn bị đón Xuân thì nhiều người vẫn thường dọn dẹp, quét tước, lau chùi, trang hoàng căn nhà của họ cho đẹp đẽ sáng sủa để mừng Xuân. Như vậy đối với Cơ-đốc-nhân thì chúng ta sẽ làm gì để mừng Chúa và dành mùa Xuân nầy cho Ngài trong căn nhà mà chúng ta đang sống?
Chúng ta biết rằng mặc dầu Đức Chúa Trời là Đấng có mặt ở mọi nơi mọi chỗ nhưng chỉ có những nơi nào thật xứng đáng thì Chúa mới ngự đến nơi đó lâu dài mà thôi, vì vậy mà khi Cơ-đốc-nhân chúng ta ao ước rằng căn nhà của chúng ta được có Chúa hiện diện thường xuyên để bảo vệ và chăm sóc cho thì chúng ta phải sửa soạn căn nhà mình cho thật xứng đáng. Những điều ô uế bất xứng còn sót lại kể từ ngày tin Chúa thì phải được đem ra hết thảy và bỏ đi, chẳng hạn như những hình tượng mà người chưa tin vẫn hay thờ lạy hoặc tôn sùng. Có những Cơ-đốc-nhân, sau khi đã tin Chúa rồi thì không còn thờ lạy thần tượng nữa, nhưng mà vẫn không bỏ đi những hình tượng ấy. Họ nói rằng muốn giữ những hình tượng ấy lại để làm bộ sưu tập, chẳng hạn như những tượng nho nhỏ làm bằng cẩm thạch hoặc được bọc vàng hoặc được làm bằng ngà voi hay bằng gỗ quý. Vì sự quý giá như vậy mà họ giữ lại những hình tượng ấy và mặc dầu không hề thờ lạy chúng nhưng tấm lòng thì vẫn còn quý mến những hình tượng ấy bởi vì thấy chúng có giá trị về vật chất. Cũng có trường hợp khi Cơ-đốc-nhân đi du lịch thì mặc dầu không có đi vào các chùa miễu để tham quan nhưng lại mua những hình tượng nho nhỏ bày bán ở bên ngoài những chùa miễu ấy vì thấy chúng đẹp mắt hoặc dễ thương. Đó là lời kể lại của chính những người ấy, tức là những Cơ-đốc-nhân mà tấm lòng vẫn còn lưu luyến cái đẹp của hình tượng. Các Cơ-đốc-nhân ấy mua những hình tượng nho nhỏ đó đem về và chưng trong một chỗ kín, nếu có ai thấy được thì biện minh rằng đó chỉ là bộ sưu tập du lịch mà thôi. Nhưng thật ra nếu nói là sưu tập thì có biết bao nhiêu điều vô hại khác và không có liên quan gì đến các hình tượng thì tại sao họ lại không mua mà lại cứ nhất định là phải sưu tập cho bằng được những hình tượng mà người ta đang thờ lạy?
Đó là những điều mà Cơ-đốc-nhân cần phải dứt khoát từ bỏ, đừng để cho cá nhân mình phạm phải tội hâm hẩm, nữa đạo nữa đời khi còn lưu luyến cái đẹp của hình tượng. Chính bởi lẽ đó mà lời của Chúa trong Kinh thánh cho biết rằng Cơ-đốc-nhân phải cẩn thận đối với hình tượng, như đã có chép trong 1Giăng 5: 21.
1GIĂNG 5: 21 – Hỡi các con cái bé mọn, hãy giữ mình về hình tượng!
Theo như ý tưởng trong câu gốc nầy thì tốt hơn là Cơ-đốc-nhân không nên có bất cứ sự dính líu nào với hình tượng, dầu là tôn sùng, kính trọng hoặc là lưu luyến với cái đẹp của hình tượng. Cơ-đốc-nhân cần phải tuyệt đối dứt bỏ mọi điều có liên quan với hình tượng, bởi vì những điều đó Đức Chúa Trời xem là thứ ô uế và con dân Chúa chớ nên để mình có bất cứ sự liên hệ nào, theo như lời phán dạy của Chúa trong Ê-sai 52: 11.
Ê-SAI 52: 11 – Các ngươi hãy đi, hãy đi, đi ra khỏi đó! Đừng động đến đồ ô uế, hãy ra khỏi giữa nó. Các ngươi là kẻ mang khí dụng Đức Giê-hô-va, hãy làm cho sạch mình!
Các chữ ĐI RA KHỎI ĐÓ có nghĩa là đừng nên có sự dính líu nào đối với hình tượng, hoặc là Cơ-đốc-nhân đừng đến những nơi mà người ta thờ lạy thần tượng, hoặc là trong nhà của mình cũng đừng có bất cứ hình tượng nào mà người ta tôn sùng hoặc thờ lạy. Điều đó bao gồm luôn việc trong nhà của mình đừng nên treo những hình ảnh của các nhân vật nổi tiếng mà người ta vẫn thường ưa thích hoặc ngưỡng mộ, chẳng hạn như hình của những ca sĩ nổi tiếng, chân dung của các tài tử xinh đẹp hoặc hình chụp của các lãnh tụ chính trị. Con dân Chúa cần phải làm theo lời mà Chúa đã truyền phán và có ghi lại trong Lê-vi ký ký 19: 4.
LÊ-VI KÝ 19: 4 – Chớ xây về hình tượng và cũng chớ đúc tượng tà thần: Ta là Giê-hô-va Đức Chúa Trời của các ngươi.
Các chữ CHỚ XÂY VỀ HÌNH TƯỢNG là có ý muốn nói đến việc ngưỡng mộ hoặc ham thích hình tượng đến nỗi đem nó chưng bày trong nhà của mình. Cơ-đốc-nhân chúng ta nên tránh điều đó để căn nhà của chúng ta có thể xứng đáng làm nơi mà Chúa sẽ đến thăm viếng vào mùa Xuân năm nay và ngự trị thường xuyên suốt cả đời sống mình, theo như ý tưởng trong lời của Chúa đã từng phán và đã có ghi lại trong Lê-vi ký 26: 12.
LÊ-VI KÝ 26: 12 – Ta sẽ đi giữa các ngươi, làm Đức Chúa Trời các ngươi và các ngươi sẽ làm dân ta.
Lời của Chúa trong câu Kinh thánh nầy cho thấy rằng Chúa rất thích được đi lại và có mặt giữa vòng con dân Chúa, tức là dân Y-sơ-ra-ên và Cơ-đốc-nhân ngày nay, nhưng chúng ta cần phải sửa soạn chính mình và nơi ở của mình cho xứng đáng với sự hiện diện của Chúa. Bởi lẽ đó mà việc dành mùa Xuân nầy cho Chúa có liên quan đến cả phương diện thuộc thể và thuộc linh của chúng ta trong nếp sinh hoạt thường ngày.
Khi tôi nói rằng Cơ-đốc-nhân nên loại bỏ khỏi nhà của mình hình ảnh và chân dung của những nhân vật được thế gian ngưỡng mộ thì có lẽ một số người sẽ cho đó là cực đoan, hoặc như từ ngữ vẫn thường được dùng trong Hội thánh là quá mấu. Những người phản đối có thể nghĩ rằng việc chưng bày hình ảnh của những nhân vật nổi tiếng trong chính trị, văn nghệ hoặc phim ảnh có gì hại đâu, đâu phải là hễ chưng bày thì là thờ phượng sùng bái những người ấy. Nhưng thật ra thì sự đam mê thường bắt đầu bằng những câu nói giống như vậy, bất kể là việc ghiền hút thuốc lá, ghiền rượu, ghiền cờ bạc, ghiền ma túy hay là ghiền ca nhạc, ghiền phim bộ thì cũng đều bắt đầu bằng câu làm một chút, thử một chút thì có hại gì đâu. Trong thực tế thì chính những sự ngưỡng mộ một nhân vật nào đó cách như vậy mà có Cơ-đốc-nhân đã nghe theo lời của họ còn nhiều hơn là nghe theo lời của Chúa, thậm chí còn thay đổi cả quan điểm của cá nhân mình để phù hợp với quan điểm và tính cách của những người nổi tiếng đó, chẳng hạn như trong cách ăn mặc, kiểu tóc, tướng đi, ngay cả trong cách tôn vinh Chúa, cũng cố gắng làm sao cho thật giống với thần tượng mà họ ngưỡng mộ. Cũng chính bởi lẽ đó mà trong một số trường hợp thì Cơ-đốc-nhân tôn vinh Chúa mà có cung cách biễu diễn và lời giới thiệu cứ như là đang hát nhạc vàng của thế gian. Lời của Chúa cho biết rằng chúng ta là muối của đất, là ánh sáng của thế gian thì điều đó có nghĩa là chúng ta phải ảnh hưởng thế gian để họ bắt chước chúng ta về cung cách chừng mực, nghiêm trang, chớ không phải là con dân Chúa bắt chước thế gian và học theo lối sống của họ. Vấn đề nầy thì một lần khác tôi sẽ trình bày chi tiết thêm.
Còn bây giờ, khi nói về những điều mà chúng nên loại bỏ ra khỏi nhà của mình thì tôi thấy cũng nên nói đến những điều mà chúng ta cần có để trang hoàng cho nhà cửa của chúng ta mà đón Chúa vào mùa Xuân năm nay. Có thể là những điều mà tôi trình bày ở đây đã được quý Hội thánh biết đến và đã thực hiện từ bấy lâu nay nhưng dầu vậy thì tôi cũng nên đề cập qua để tất cả những anh chị em khác cũng được biết.
Khi muốn sửa soạn căn nhà của chúng ta cho được đẹp lòng Chúa để được Ngài ngự đến luôn luôn thì một trong những cách tốt nhất là chúng ta chưng bày các câu Kinh thánh đề cập đến các điều răn và mạng lệnh của Chúa để cả gia đình chúng ta, từ ông bà cha mẹ cho đến con cháu đều có thể được nhắc nhở và thường xuyên nhìn thấy khi đi lại và lúc vào ra trong nhà của mình, theo như cách thức mà lời của Chúa đã có truyền phán và đã được ghi lại trong Phục truyền 6: 5-9.
PHỤC TRUYỀN 6: 5-9 – Ngươi phải hết lòng, hết ý, hết sức kính mến Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi. Các lời mà ta truyền cho ngươi ngày nay sẽ ở tại trong lòng ngươi. Khá ân cần dạy dỗ điều đó cho con cái ngươi và phải nói đến, hoặc khi ngươi ngồi trong nhà, hoặc khi đi ngoài đường, hoặc lúc ngươi nằm, hay là khi chỗi dậy. Khá buộc nó trên tay mình như một dấu, và nó sẽ ở giữa hai con mắt ngươi như ấn chí, cũng phải viết các lời đó trên cột nhà và trên cửa ngươi.
Khi lời của Chúa nhắc nhở đến việc VIẾT CÁC LỜI ĐÓ TRÊN CỘT NHÀ VÀ TRÊN CỬA thì chúng ta có thể hiểu rằng đó là một trong những cách chưng bày các câu gốc trong gia đình của chúng ta. Ngày hôm nay thì người ta có bán những cái khuôn treo tường mà chúng ta có thể lồng các câu Kinh thánh vào đó và có thể thay đổi mỗi một ngày. Điều đó sẽ giúp cho chúng ta được nhắc nhở về các mạng lệnh của Chúa khi đi lại và lúc vào ra trong nhà của chúng ta. Điều đó sẽ rất là đẹp lòng Chúa vì Ngài ưa thích con dân Chúa làm như vậy.
Ngoài ra thì chúng ta còn có thể trưng bày cảnh đẹp của thiên nhiên và các loại bông hoa, vì bằng cách đó thì chúng ta có thể liên tưởng đến tình yêu của Chúa dành cho con người và đặc biệt là dành cho Cơ-đốc-nhân chúng ta, theo như lời của Chúa đã phán dạy trong Lu-ca 12: 27.
LU-CA 12: 27 – Hãy xem hoa huệ mọc lên thể nào: Nó chẳng làm khó nhọc, cũng không kéo chỉ. Song ta phán cùng các ngươi, dầu vua Sa-lô-môn sang trọng đến đâu, cũng không được mặc áo như một hoa nào trong giống ấy.
Theo ý tưởng trong câu Kinh thánh nầy thì chúng ta có thể thấy rằng khi mình nhìn thấy cái đẹp của bông hoa thì sẽ có thể liên tưởng đến tình yêu của Chúa dành cho con người, nhất là dành cho những người sống đẹp lòng Ngài. Một bông hoa mọc giữa thiên nhiên mà Chúa còn ban cho nó vẻ đẹp như vậy thì huống chi là những người đã đầu phục Chúa và mang trên người danh hiệu của Ngài, tức là chữ Cơ-đốc-nhân, nghĩa là người của Đấng Christ theo tiếng Hán Việt. Ngoài ra thì trong nhà của chúng ta cũng có thể chưng bày thêm các hình ảnh thiên nhiên như núi cao, sông dài, biển rộng. Khi nhìn đến các tranh ảnh ấy thì chắc chúng ta sẽ nhớ đến bài Thánh ca Lớn Bấy Duy Ngài để có thể ngợi khen Chúa không thôi vì cớ Ngài đã dựng nên vũ trụ tươi đẹp nầy, nhất là tạo nên mùa Xuân rực rỡ để con người, nhất là con dân Chúa, được hưởng những ngày vui tươi đẹp đẽ trong đời sống nầy.
Là Cơ-đốc-nhân và được sinh ra là người Việt Nam thì chúng ta cũng vui Xuân như bao nhiêu người khác, nhưng vì Đức Chúa Trời là Đấng ưu tiên số một trong đời sống chúng ta cho nên ngay cả đến việc chưng bày và trang hoàng nhà cửa thì chúng ta cũng cố tâm làm đẹp lòng Chúa và làm chứng cho mọi người về đức tin của chúng ta trong Đấng Christ. Người trong thế gian nầy có thể theo truyền thống cũ hoặc trào lưu mới để trang hoàng nhà cửa của họ vào ngày Tết, nhưng chúng ta là con dân của Chúa thì lấy Kinh thánh làm nền tảng trong mọi sinh hoạt của chính mình và của gia đình mình, ngay cả trong việc sửa soạn nhà cửa để đón Xuân. Khi chúng ta biết trân trọng và căn cứ vào lời của Chúa cách như vậy thì tôi tin chắc rằng Đức Chúa Trời sẽ đẹp lòng và mùa Xuân năm nay Chúa sẽ thăm viếng gia đình của chúng ta một cách đặc biệt hơn nữa và cứ tiếp tục hiện diện thường xuyên trong cuộc sống của những người thuộc về Ngài suốt cả thời gian ở trên đất nầy và cả cõi đời đời mai sau.
Chúa nhật tuần tới thì tôi sẽ xin được tiếp tục cùng với quý Hội thánh suy gẫm thêm về một vài cách chuẩn bị đặc trưng để đón Tết hầu cho chúng ta có thể sửa soạn cả về mặt vật chất và tâm linh để dạn dĩ thưa với Đức Chúa Trời rằng: Chúa ơi, mùa Xuân nầy con xin dành hết mọi sự cho Ngài và chỉ một mình Ngài mà thôi.
Những điều mà tôi vừa mới trình bày qua chỉ là những thí dụ điển hình. Khi chúng ta cầu nguyện thêm với Đức-Thánh-Linh để nhờ Ngài soi dẫn cho thì chắc chúng ta sẽ thấy được thêm nhiều điều cần phải làm, nhiều điều cần phải loại bỏ hoặc thêm vào trong gia đình của chúng ta để căn nhà mà chúng ta đang ở có thể xứng đáng để đón Chúa vào mùa Xuân năm nay. Đức-Thánh-Linh sẽ tỏ bày chi tiết hơn nữa về những điều mà chúng ta cần phải làm và cần phải chuẩn bị.
Vì vậy, cầu xin Đức Chúa Trời tiếp tục thương xót và bày tỏ ý muốn của Ngài cho chúng ta từng hồi từng lúc để con dân Chúa biết mà làm theo hầu cho được đẹp lòng Chúa luôn luôn. Cầu xin Đức Chúa Jêsus Christ tiếp tục nhắc nhở chúng ta về mọi điều mà Ngài đã dạy dỗ trong Kinh thánh. Và cầu xin Đức-Thánh-Linh thêm sức cho để con dân Chúa thoát khỏi các ảnh hưởng của thế gian một cách hoàn toàn hầu cho có thể theo Chúa một cách trọn vẹn cho đến ngày Đấng Christ tái lâm. Amen