NHỮNG NGƯỜI ÐƯỢC PHƯỚC KHI CHÚA GIÁNG SINH
Kinh thánh cho biết rằng Ðức Chúa Trời giáng thế thành người là vì yêu thương cả nhân loại và muốn mọi người đều được cứu (Giăng 3: 16). Dầu vậy khi suy nghĩ về ơn phước thực tiễn mà một người có thể nhận được khi Ðức Chúa Jêsus giáng sinh thì chúng ta phải nhắc đến tên của bốn người được ghi trong sách tin lành Lu-ca, đó là thầy tế lễ Xa-cha-ri, vợ của người tên là Ê-li-sa-bét, cụ Si-mê-ôn và bà An-ne.
Sự Ðức Chúa Jêsus giáng sinh là lần thứ nhất Chúa đến trong trần gian. Chúa đến để thực hiện chương trình cứu rỗi của Ngài, dâng chính mạng sống Ngài trên thập tự giá để chuộc tội cho cả loài người (1Giăng 3: 5). Hễ ai thành thật tin nhận sự chuộc tội ấy cho cá nhân mình thì sẽ được tái sanh, được đổi mới để có thể nhận lấy sự cứu rỗi từ nơi Chúa trong tương lai. Vì vậy Ðức Chúa Jêsus sẽ đến trong trần gian lần nữa để đón tiếp những người được cứu vào trong nước đời đời của Ngài (Hê-bơ-rơ 9: 28). Tất cả những ai đã tin nhận Ngài và biết chờ đợi trong sẳn sàng như người đầy tớ ngay lành trung tín, như những nữ đồng trinh khôn ngoan sẽ được thấy Ngài trong Tiệc cưới Chiên Con.
Trong lần Ðức Chúa Jêsus đến trần gian kỳ thứ nhất thì những người xứng đáng nhận được ân điển là nhìn thấy Ngài, nhận biết Ngài và được sự vui mừng lớn trong sự hiện diện của Chúa, giống như trường hợp của vợ chồng thầy tế lễ Xa-cha-ri:
(Lu-ca 1: 39-43) Trong những ngày đó, Ma-ri chờ dậy, lật đật đi trong miền núi, đến một thành về xứ Giu-đa, vào nhà Xa-cha-ri mà chào Ê-li-sa-bét. Vả, Ê-li-sa-bét vừa nghe tiếng Ma-ri chào, con nhỏ ở trong lòng liền nhảy nhót; và Ê-li-sa-bét được đầy Đức Thánh Linh, bèn cất tiếng kêu rằng: Ngươi có phước trong đám đàn bà, thai trong lòng ngươi cũng được phước. Nhơn đâu ta được sự vẻ vang nầy, là mẹ Chúa ta đến thăm ta?
Cụ Si-mê-ôn:
(Lu-ca 2: 25-27) Vả, trong thành Giê-ru-sa-lem có một người công bình đạo đức, tên là Si-mê-ôn, trông đợi sự yên ủi dân Y-sơ-ra-ên, và Đức Thánh Linh ngự trên người. Đức Thánh Linh đã bảo trước cho người biết mình sẽ không chết trước khi thấy Đấng Christ của Chúa. Vậy người cảm bởi Đức Thánh Linh vào đền thờ, lúc có cha mẹ đem con trẻ là Jêsus đến, để làm trọn cho Ngài các thường lệ mà luật pháp đã định…
Bà tiên tri An-ne:
(Lu-ca 2: 36-) Lại có bà tiên tri An-ne, con gái của Pha-nu-ên, về chi phái A-se, đã cao tuổi lắm. Từ lúc còn đồng trinh đã ở với chồng được bảy năm; rồi thì ở góa. Bấy giờ đã tám mươi bốn tuổi, chẳng hề ra khỏi đền thờ, cứ đêm ngày hầu việc Đức Chúa Trời, kiêng ăn và cầu nguyện. Một lúc ấy, người cũng thình lình đến đó, ngợi khen Đức Chúa Trời, và nói chuyện về con trẻ với mọi người trông đợi sự giải cứu của thành Giê-ru-sa-lem.
(Mặc dầu Kinh thánh chỉ ghi lại việc Ê-li-sa-bét chào đón Ma-ri vào nhà của bà thì điều đó không có nghĩa là thầy tế lễ Xa-cha-ri không được gặp Ðức Chúa Jêsus. Vì sau đó Kinh thánh có cho biết là Ma-ri ở lại nhà của hai ông bà để thăm viếng đến 3 tháng mới trở về)
Cũng một thể ấy, chúng ta có thể suy gẫm về đời sống của bốn người tin kính nầy để học biết về cách thế nào sửa soạn chính mình mà đón tiếp Ðức Chúa Jêsus trong ngày Chúa đến thế gian lần thứ hai, tức là sự tái lâm của Ngài. Ðây không phải là những bài học duy nhất để nhờ đó Cơ-đốc-nhân chúng ta chuẩn bị cho ngày vinh hiển trong tương lai. Kinh thánh có dạy dỗ rất nhiều về đời sống của một Cơ-đốc-nhân thật phải như thế nào nhưng trong bài viết nầy chúng tôi chỉ dùng gương của bốn người tin kính kia mà thôi. Hy vọng sẽ có nhiều lần khác nữa cùng bạn đọc suy nghĩ đến các mẫu mực quan trọng mà Kinh thánh đã dạy Cơ-đốc-nhân chúng ta cần phải có trước ngày Ðức Chúa Jêsus tái lâm.
Kinh thánh cho chúng ta biết là nếu Cơ-đốc-nhân biết chờ đợi sự Chúa trở lại theo như ý muốn của Ngài thì cũng sẽ nhận được ân điển giống như bốn người tin kính trong sách Lu-ca, là được thấy Ngài (Khải huyền 22: 4), nhận biết Ngài (1Giăng 3: 2) và được sự vui mừng lớn trong sự hiện diện vinh hiển của Chúa (Giu-đe 1: 24).
Chúng ta cần nhận biết một chút về ba điều trên trước khi đi xa hơn, rằng cả người không tiếp nhận Chúa hoặc những người từ khước ơn cứu rỗi cũng sẽ nhìn thấy Chúa khi Ngài trở lại (Khải huyền 1: 7) nhưng thay vì sẽ nhận biết Chúa là Ðấng nhân từ yêu thương thì họ sẽ nhận biết Chúa là quan án công bình, Ðấng xử phạt mọi người theo hành đồng, việc làm (2Cô-rinh-tô 5: 10) và ngay cả lời nói của họ đã từng thốt ra trong đời nầy (Ma-thi-ơ 12: 37). Trong khi Cơ-đốc-nhân thật nhận được sự vui mừng trong vinh hiển của Chúa thì những người đã từng từ khước Ngài sẽ phải chịu đau đớn trong nơi khổ hình.
Trở lại với đời sống của bốn người tin kính trong sách tin lành Lu-ca thì chúng ta thấy họ có chung hai đặc điểm sau đây:
– Là những người công bình:
(Lu-ca 1: 5-6) Trong đời Hê-rốt, vua nước Giu-đê, có một thầy tế lễ, về ban A-bi-a, tên là Xa-cha-ri; vợ người là Ê-li-sa-bét, thuộc về chi phái A-rôn. Cả hai đều là công bình trước mặt Đức Chúa Trời, vâng giữ mọi điều răn và lễ nghi của Chúa một cách không chỗ trách được.
(Lu-ca 2: 25) Vả, trong thành Giê-ru-sa-lem có một người công bình đạo đức, tên là Si-mê-ôn, trông đợi sự yên ủi dân Y-sơ-ra-ên, và Đức Thánh Linh ngự trên người.
(Lu-ca 2: 36-37) Lại có bà tiên tri An-ne, con gái của Pha-nu-ên, về chi phái A-se, đã cao tuổi lắm. Từ lúc còn đồng trinh đã ở với chồng được bảy năm; rồi thì ở góa. Bấy giờ đã tám mươi bốn tuổi, chẳng hề ra khỏi đền thờ, cứ đêm ngày hầu việc Đức Chúa Trời, kiêng ăn và cầu nguyện.
Riêng về bà An-ne, mặc dầu Kinh thánh không có ghi lại rằng bà là người công bình, nhưng lại ghi rằng bà là tiên tri và nói chuyện về hài nhi Jêsus với những người đang trông đợi Ðấng giải cứu (Lu-ca 2: 38). Như vậy điều đó có nghĩa là bà được sự soi dẫn của Ðức-Thánh-Linh và chắc phải là người công bình mới nhận được ân điển ấy, vì không lẽ nào Ðức Chúa Trời lại dùng kẻ không công bình để làm tiên tri cho Ngài, và không thể nào một kẻ không công bình chịu ở luôn trong đền thờ của Chúa để chuyên lòng kiêng ăn, cầu nguyện và hầu việc Ngài.
– Là những người có lòng trông đợi sự cứu rỗi của Chúa:
Trong bốn người, chỉ có một mình Si-mê-ôn là được Kinh thánh ghi rằng đang trông đợi sự yên ủi dân Y-sơ-ra-ên (Lu-ca 2: 25 như vừa trưng dẫn ở trên) (hoặc là sự cứu vớt, như trong Lu-ca 2: 30).
Nhưng trong lời ca tụng Chúa của thầy tế lễ Xa-cha-ri thì ngay câu đầu tiên đã có đề cập đến sự cứu chuộc của Chúa:
(Lu-ca 1: 67-68) Bấy giờ, Xa-cha-ri, cha con trẻ ấy, được đầy dẫy Đức Thánh Linh, thì nói tiên tri rằng: Ngợi khen Chúa, là Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên, vì đã thăm viếng và chuộc dân Ngài.
Theo như Kinh thánh cho biết thì hễ điều gì đầy dẫy trong lòng thì miệng mới nói ra (Lu-ca 6: 45). Như vậy Xa-cha-ri và vợ phải là những người hằng trông đợi sự giải cứu của Chúa cho dân sự Ngài nên đó là điều mà ông mới thốt ra trước nhất khi ca ngợi Chúa.
Về phần bà An-ne, mặc dầu Kinh thánh cũng không ghi lại rằng bà là người trông đợi sự giải cứu của Chúa nhưng lại cho biết rằng bà nói chuyện về hài nhi Jêsus với những người đang trông đợi điều ấy từ nơi Chúa đối với thành Giê-ru-sa-lem và dân sự của Ngài (Lu-ca 2: 38). Như vậy có nghĩa là bà cũng là người quan tâm đến sự giải cứu của Chúa nên mới có thể nói chuyện với những người có chung một sự quan tâm.
Qua hai đặc điểm cùng có trong bốn người tin kính được ghi trong sách tin lành Lu-ca thì chúng ta có thể nhận biết được rằng đây là những điều mà Kinh thánh muốn nhắc nhở Cơ-đốc-nhân chúng ta cần phải có để trông đợi ngày Ðức Chúa Jêsus tái lâm.
CÁC CÂU KINH THÁNH ÐÃ TRƯNG DẪN
(Giăng 3: 16) Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời.
(1Giăng 3: 5) Vả, các con biết Đức Chúa Jêsus Christ đã hiện ra để cất tội lỗi đi, và biết trong Ngài không có tội lỗi.
(Hê-bơ-rơ 9: 28) Cũng vậy, Đấng Christ đã dâng mình chỉ một lần đặng cất tội lỗi của nhiều người; Ngài lại sẽ hiện ra lần thứ hai, không phải để cất tội lỗi đi nữa, nhưng để ban sự cứu rỗi cho kẻ chờ đợi Ngài.
(Lu-ca 1: 56) Ma-ri ở với Ê-li-sa-bét chừng ba tháng, rồi trở về nhà mình.
(Khải huyền 22: 4) Chúng sẽ được thấy mặt Chúa, và danh Chúa sẽ ở trên trán mình. Đêm không còn có nữa…
(1Giăng 3: 2) Hỡi kẻ rất yêu dấu, chính lúc bây giờ chúng ta là con cái Đức Chúa Trời, còn về sự chúng ta sẽ ra thể nào, thì điều đó chưa được bày tỏ. Chúng ta biết rằng khi Ngài hiện đến, chúng ta sẽ giống như Ngài, vì sẽ thấy Ngài như vốn có thật vậy.
(Giu-đe 1: 24) Vả, nguyền Đấng có thể gìn giữ anh em khỏi vấp phạm và khiến anh em đứng trước mặt vinh hiển mình cách rất vui mừng, không chỗ trách được.
(Khải huyền 1: 7) Kìa, Ngài đến giữa những đám mây, mọi mắt sẽ trông thấy, cả đến những kẻ đã đâm Ngài cùng trông thấy; hết thảy các chi họ trong thế gian sẽ than khóc vì cớ Ngài. Quả thật vậy. A-men!
(2Cô-rinh-tô 5: 10) Bởi vì chúng ta thảy đều phải ứng hầu trước tòa án Đấng Christ, hầu cho mỗi người nhận lãnh tùy theo điều thiện hay điều ác mình đã làm lúc còn trong xác thịt.
(Ma-thi-ơ 12: 37) Vì bởi lời nói mà ngươi sẽ được xưng là công bình, cũng bởi lời nói mà ngươi sẽ bị phạt.
(Lu-ca 2: 38) Một lúc ấy, người cũng thình lình đến đó, ngợi khen Đức Chúa Trời, và nói chuyện về con trẻ với mọi người trông đợi sự giải cứu của thành Giê-ru-sa-lem.
(Lu-ca 2: 29-30) Lạy Chúa, bây giờ xin Chúa cho tôi tớ Chúa được qua đời bình an, theo như lời Ngài; Vì con mắt tôi đã thấy sự cứu vớt của Ngài.
(Lu-ca 6: 45) Người lành bởi lòng chứa điều thiện mà phát ra điều thiện, kẻ dữ bởi lòng chứa điều ác mà phát ra điều ác; vì do sự đầy dẫy trong lòng mà miệng nói ra.