PHƯƠNG PHÁP SỬ DỤNG KINH THÁNH
Ðể bày tỏ tình yêu của Chúa và chương trình cứu rỗi nhân loại của Ngài qua Ðức Chúa Jêsus Christ, Ðức Chúa Trời chỉ ban cho con người có một vật duy nhất để dùng mà nghiên cứu, học hỏi, suy gẫm và làm mẫu mực trọn cuộc đời, đó là quyển Kinh thánh. Mặc dầu con người có thể nhận biết sự hiện diện của Ðấng Tạo Hóa qua vũ trụ, thiên nhiên và qua chính cơ thể của mình, nhưng Kinh thánh là vật duy nhất trình bày một cách chi tiết về Ðức Chúa Trời. Vì vậy đối với Cơ-đốc-nhân việc sử dụng Kinh thánh là điều tối quan trọng hơn hết so với các công việc khác trong đời sống nầy, vì nhờ Kinh thánh mà chúng ta biết được ý muốn của Ðức Chúa Trời để làm theo hầu có thể được cứu và hưởng sự sống đời đời, như lời Ðức Chúa Jêsus đã từng phán (Ma-thi-ơ 7: 21). Thế cho nên biết cách thế nào để sử dụng Kinh thánh cho đúng hầu có thể tìm hiểu được các chân lý và lẽ thật trong ấy là điều mà Cơ-đốc-nhân cần phải quan tâm hết sức mình.
MỤC TIÊU CỦA KINH THÁNH
Có một đặc điểm mà tất cả các Cơ-đốc-nhân đều có thể nhận thấy được, ấy là mặc dầu Kinh thánh chỉ có một quyển, nhưng niềm tin nơi Ðức Chúa Trời và trong Ðức Chúa Jêsus lại chia ra làm nhiều hệ phái khác nhau, không những về nghi lễ và tổ chức hành chánh, mà khác nhau ngay cả trong tín lý nữa. Nguyên nhân khiến cho điều nầy xãy ra là vì mỗi người đều muốn diễn giải Kinh thánh theo cách mà mình thấy thích hợp và đúng nhất so với quan điểm cá nhân của chính mình, chớ không phải theo quan điểm của Đức Chúa Trời.
Cũng từ điều nầy mà có một câu hỏi được đặt ra, rằng cách giải thích Kinh thánh thế nào là đúng nhất. Từ sau thời kỳ các Sứ đồ đến nay chưa có một người nào dám tuyên bố rằng sự diễn giải Kinh thánh của mình là đúng nhất nhưng mặt khác lại có rất nhiều người, nhiều hệ phái cho rằng sự diễn giải Kinh thánh của họ là đúng hơn cả. Ðiểm khác nhau và cũng là nan đề đáng chú ý là ai cũng đúng và không một ai đúng nhất. Vì vậy trong bài viết nầy chúng tôi sẽ trình bày phương pháp mà Cơ-đốc-nhân có thể xem xét, sử dụng, góp ý và xác định rồi áp dụng vào việc nghiên cứu Kinh thánh của mình để có thể đi đến chung một kết quả thống nhất.
Trước khi một Cơ-đốc-nhân nghiên cứu, giải luận Kinh thánh thì mỗi người cần phải biết mục tiêu của Kinh thánh, nghĩa là vì nguyên do nào mà Kinh thánh được viết ra. Ðây là điểm trọng tâm hơn hết cần phải được xác định trước khi một người muốn tìm hiểu về các ý nghĩa trong lời của Ðức Chúa Trời.
Theo như lời Kinh thánh thì mọi điều trong vũ trụ nầy, từ con người đến các sự vật, được thành lập, thực hiện và hoạt động đều nhằm tôn sự vinh hiển của Ðức Giê-hô-va (1Sử ký 16: 24, Thi thiên 19: 1, Rô-ma 11: 36).
Chính vì mục tiêu hàng đầu và quan trọng nhất, là tôn cao vinh hiển cho Ðức Chúa Trời, nên lời Kinh thánh đã có khuyên dạy rằng Cơ-đốc-nhân phải sống và hành động theo nguyên tắc ấy (1Cô-rinh-tô 10: 31). Khi sự ăn uống, là việc làm thường nhật hàng ngày của con người vì cớ nhu cầu thuộc thể, mà còn phải làm theo cách có thể dâng vinh hiển cho Chúa, thì huống chi là những công việc quan trọng khác, chẳng hạn như truyền giảng, chứng đạo và đặc biệt là nghiên cứu Kinh thánh.
Thế cho nên việc Cơ-đốc-nhân cố hết sức để truyền giảng cứu lấy linh hồn tội nhân là một trong những cách góp phần vào sự rao truyền vinh hiển của Ðức Giê-hô-va để mọi người biết rằng Ngài là Ðấng Yêu Thương và Công Bình, Ðấng Tha Thứ và Cứu Chuộc (Ê-sai 61: 1-3).
Theo như mục tiêu nầy, thì Kinh thánh được viết ra để tôn sự vinh hiển của Chúa. Ðiều đó có nghĩa là mọi điều được ghi lại trong Kinh thánh cùng sự nghiên cứu giải luận của Cơ-đốc-nhân đều là để dâng vinh hiển cho Ðức Giê-hô-va (Giăng 5: 39).
Chữ làm chứng trong câu Kinh thánh trên có nghĩa là bày tỏ về Ðức Chúa Trời và sự vinh hiển của Ngài. Nếu cứ nhắm theo mục tiêu tối quan trọng nầy của Kinh thánh thì Cơ-đốc-nhân chúng ta sẽ thấy rằng việc nghiên cứu, giải luận lời của Ðức Chúa Trời có 3 đặc điểm mấu chốt cũng đều tập trung vào mục tiêu là tôn dâng sự vinh hiển cho Chúa.
MỤC TIÊU CỦA VIỆC NGHIÊN CỨU KINH THÁNH
Thứ nhất, vì Kinh thánh đã được viết ra để dâng vinh hiển cho Ðức Chúa Trời nên việc nghiên cứu Kinh thánh của Cơ-đốc-nhân cũng phải nhắm đến mục tiêu nầy. Khi đề cập như vậy thì có lẽ nhiều người trong chúng ta sẽ thấy điều đó dường như là việc dư thừa, nhưng trong thực tế các cá nhân và đoàn thể Cơ-đốc thường nghiên cứu và giải thích Kinh thánh theo phương pháp trưng dẫn bổ túc chớ không theo phương pháp trưng dẫn để mở rộng. Khi tôi con Chúa sử dụng Kinh thánh theo phương pháp trưng dẫn bổ túc thì Cơ-đốc-nhân đang làm vinh hiển chính mình chớ không dâng vinh hiển cho Chúa. Chúng tôi sẽ đề cập chi tiết hơn về điều nầy trong những phần sau.
Thứ hai, mục tiêu của việc nghiên cứu và giải luận Kinh thánh là để nhận biết chương trình và kế hoạch cứu rỗi con người của Ðức Chúa Trời. Mục tiêu nầy thì có nhiều người đã biết nhưng trong thực tế khi nghiên cứu Kinh thánh thì Cơ-đốc-nhân lại có khuynh hướng diễn giải lời Chúa để bênh vực quan điểm riêng, hoặc để chỉ trích một ai đó, hoặc để tự hào về khả năng hiểu biết Kinh thánh và đề cao các ân tứ thuộc linh của chính mình. Nhưng khi một người hiểu được chương trình và kế hoạch cứu rỗi con người mà Chúa đã định (2Ti-mô-thê 1: 9-10) thì có thể góp phần vào sự tôn vinh hiển cho Ðức Chúa Trời bởi nhận thấy được qua Kinh thánh những mỹ đức của Ðức Chúa Trời, nhất là mỹ đức yêu thương của Ngài (1Giăng 4: 16).
Thứ ba, mục tiêu của việc nghiên cứu Kinh thánh là nhằm để biết cách thế nào một người có thể nhận được và duy trì ơn cứu rỗi của Chúa một cách trung tín cho đến cuối cùng (2Ti-mô-thê 3: 15). Khi một đời sống được cứu chuộc thì điều đó góp phần tôn cao sự vinh hiển của Ðức Chúa Trời vì đã thỏa mãn được ý muốn yêu thương của Ngài (1Ti-mô-thê 2: 4).
Vì vậy, sau việc nhận biết mục tiêu mà Kinh thánh được viết ra, thì việc sử dụng phương pháp nào trong khi nghiên cứu và giải luận lời của Ðức Chúa Trời rất là quan trọng, chẳng những ảnh hưởng đến đức tin và đời thuộc linh của cá nhân mà còn ảnh hưởng đến những người mà chúng ta giúp đỡ hoặc truyền đạt lại.
Bởi lẽ đó phương pháp tốt nhất để sử dụng Kinh thánh là nhằm vào mục tiêu tôn vinh Đức Chúa Trời trong mọi phương diện và khía cạnh của đời sống, về thuộc linh cũng như thuộc thể. Để có thế giúp con dân Chúa hiểu được điều nầy thì trước tiên chúng tôi xin đưa ra đây một số thí dụ phản diện để Cơ-đốc-nhân thấy rằng trong thực tế có nhiều người sử dụng Kinh thánh sai với mục tiêu mà Đức Chúa Trời đã chỉ định khi cho ghi lại lời của Ngài vào trong một quyển sách.
Có một số người nghiên cứu Kinh thánh chỉ với mục đích là tìm bằng cấp hoặc học vị mà thôi, cho nên mặc dầu họ trở thành những học giả Kinh thánh nhưng lại hạ giá trị lời của Chúa xuống thấp hơn các dạng sách vở khác của loài người. Thậm chí còn có người phê bình rằng Đức Chúa Jêsus thiếu khôn khéo trong lời giảng dạy của Ngài đến nỗi đụng chạm đến chính quyền La-mã và vì vậy mà bị giết chết (Xin xem bài Đức Chúa Jêsus và chính trị).
(còn tiếp)
CÁC CÂU KINH THÁNH ÐÃ TRƯNG DẪN:
1SỬ KÝ 16: 24 – Trong các nước hãy thuật sự vinh hiển của Ngài; Tại muôn dân khá kể những công việc mầu của Ngài.
THI THIÊN 19: 1 – Các từng trời rao truyền sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, bầu trời giải tỏ công việc tay Ngài làm.
Ê-SAI 61: 1-3 – Thần của Chúa Giê-hô-va ngự trên ta; vì Đức Giê-hô-va đã xức dầu cho ta, đặng giảng tin lành cho kẻ khiêm nhường. Ngài đã sai ta đến đặng rịt những kẻ vỡ lòng, đặng rao cho kẻ phu tù được tự do, kẻ bị cầm tù được ra khỏi ngục; đặng rao năm ban ơn của Đức Giê-hô-va, và ngày báo thù của Đức Chúa Trời chúng ta; đặng yên ủi mọi kẻ buồn rầu; đặng ban mão hoa cho kẻ buồn rầu ở Si-ôn thay vì tro bụi, ban dầu vui mừng thay vì tang chế, ban áo ngợi khen thay vì lòng nặng nề; hầu cho những kẻ ấy được xưng là cây của sự công bình, là cây Đức Giê-hô-va đã trồng để được vinh hiển.
MA-THI-Ơ 7: 21 – Chẳng phải hễ những kẻ nói cùng ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, thì đều được vào nước thiên đàng đâu; nhưng chỉ kẻ làm theo ý muốn của Cha ta ở trên trời mà thôi.
GIĂNG 5: 39 – Các ngươi dò xem Kinh thánh, vì tưởng bởi đó được sự sống đời đời: ấy là Kinh thánh làm chứng về ta vậy.
RÔ-MA 11: 36 – Vì muôn vật đều là từ Ngài, bởi Ngài, và hướng về Ngài. Vinh hiển cho Ngài đời đời, vô cùng! A-men.
1CÔ-RINH-TÔ 10: 31 – Vậy, anh em hoặc ăn, hoặc uống, hay là làm sự chi khác, hãy vì sự vinh hiển Đức Chúa Trời mà làm.
1TI-MÔ-THÊ 2: 4 – Ngài muốn cho mọi người được cứu rỗi và hiểu biết lẽ thật.
2TI-MÔ-THÊ 1: 9-10 – Ấy chính Chúa đã cứu chúng ta, đã gọi chúng ta bởi sự kêu gọi thánh, chẳng phải theo việc làm chúng ta, bèn là theo ý riêng Ngài chỉ định, theo ân điển đã ban cho chúng ta trong Đức Chúa Jêsus Christ từ trước muôn đời vô cùng, mà bây giờ mới bày ra bởi sự hiện ra của Đức Chúa Jêsus Christ, Cứu Chúa chúng ta, Ngài đã hủy phá sự chết, dùng Tin lành phô bày sự sống và sự không hề chết ra cho rõ ràng.
1GIĂNG 4: 16 – Chúng ta đã biết và tin sự yêu thương của Đức Chúa Trời đối với chúng ta. Đức Chúa Trời tức là sự yêu thương, ai ở trong sự yêu thương, là ở trong Đức Chúa Trời, và Đức Chúa Trời ở trong người ấy.
2TI-MÔ-THÊ 3: 15 – Từ khi con còn thơ ấu đã biết Kinh thánh vốn có thể khiến con khôn ngoan để được cứu bởi đức tin trong Đức Chúa Jêsus Christ.
(xin xem tiếp PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU VÀ GIẢI LUẬN KINH THÁNH)