NGƯỜI ÐÀN BÀ GÓA TẠI SA-RÉP-TA

Kinh thánh: 1Các Vua 17: 7-24

Nếu so với nam giới thì người phụ nữ rất ít được nhắc đến trong Kinh thánh nhưng mỗi một người phụ nữ được đề cập đến đều là những gương hoặc là những bài học ích lợi cho con dân Chúa của các thời đại nối sau.

Vì quyển Kinh thánh là vật duy nhất Chúa ban cho chúng ta trong đời sống nầy để nhờ những lời được ghi trong ấy mà xây dựng đức tin trong những ngày tháng theo Chúa giữa trần gian, nên chỉ những điều quan trọng và cần thiết mới được đề cập đến mà thôi. Chính vì lẽ ấy mà các nhân vật phụ nữ được ghi lại để qua đời sống họ con dân Chúa có thể học lấy cho chính mình điều mà Ðức Chúa Trời muốn dạy dỗ.

Người phụ nữ mà Ðức Chúa Trời đã dùng để nuôi tiên tri Ê-li là một người nữ ngoại bang thuộc về dân Si-đôn. Dân tộc nầy thờ lạy thần tượng và từng hà hiếp dân Y-sơ-ra-ên vào thời các quan xét:

CÁC QUAN XÉT 10: 12 – Lại khi dân Si-đôn, dân A-ma-léc, và dân Ma-ôn hà hiếp các ngươi, thì các ngươi có kêu cầu cùng ta, và ta đã giải cứu các ngươi khỏi tay chúng nó.

Trong các câu đầu của đoạn 17 trong sách 1Các Vua, lời Kinh thánh cho biết rằng Ðức Chúa Trời đã dùng cơn hạn hán để trừng phạt dân Y-sơ-ra-ên trong ba năm rưỡi về tội thờ lạy thần tượng của họ:

1CÁC VUA 17: 1 – Ê-li ở Thi-sê-be, là một người trong bọn đã sang ngụ Ga-la-át, nói với A-háp rằng: Ta đứng trước mặt Giê-hô-va Đức Chúa Trời của Y-sơ-ra-ên hằng sống mà thề rằng: Mấy năm về sau đây, nếu ta chẳng nói, chắc sẽ không có sương, cũng không có mưa.

GIA-CƠ 5: 17 – Ê-li vốn là người yếu đuối như chúng ta. Người cầu nguyện, cố xin cho đừng mưa, thì không mưa xuống đất trong ba năm rưỡi.

Có một câu hỏi đã được đặt ra rằng vì sao Ðức Chúa Trời không dùng một người nữ nào đó trong dân Y-sơ-ra-ên để nuôi sống tiên tri của Ngài trong thời gian hạn hán, mà lại dùng một người nữ ngoại bang? Câu hỏi nầy đã được ghi lại trong sách Tin lành Lu-ca và do chính Ðức Chúa Jêsus đã đề cập đến khi Ngài phán với dân chúng tại thành Na-xa-rét trong ngày Sa-bát:

LU-CA 4: 25-26 – Ta nói thật cùng các ngươi, về đời Ê-li, khi trời đóng chặt trong ba năm sáu tháng, cả xứ bị đói kém, trong dân Y-sơ-ra-ên có nhiều đàn bà góa; dầu vậy, Ê-li chẳng được sai đến cùng một người nào trong đám họ, nhưng được sai đến cùng một đàn bà góa ở Sa-rép-ta, xứ Si-đôn.

Qua lời tường thuật của Kinh thánh thì chúng ta có thể thấy rằng đang khi người phụ nữ nuôi sống tiên tri Ê-li thì chính bà và con của bà cũng duy trì được sự sống của họ qua phép lạ mà Ðức Chúa Trời đã thực hiện. Tại sao Chúa không ban cơ hội được hưởng phép lạ ấy cho một người nào trong số những đàn bà góa của dân Y-sơ-ra-ên mà lại ban ơn ấy cho một người phụ nữ ngoại bang? Khi suy gẫm đến những phần Kinh thánh kế sau đó, nhất là qua sự phán dạy của Ðức Chúa Jêsus chúng ta sẽ tìm được câu trả lời và thấy được bài học dạy dỗ mà Ðức Chúa Trời dùng người phụ nữ Si-đôn để truyền đạt lại cho con dân Ngài trong các thế hệ sau.

Ban đầu, khi cơn hạn hán vừa xãy đến thì Ðức Chúa Trời sai tiên tri Ê-li đến sống tại khe Kê-rít gần bên sông Giô-đanh để có nước uống và Ngài sai chim quạ mang bánh đến cho ông mỗi một ngày. Nhưng khi cơn hạn hán kéo dài thêm và khi khe đã cạn nước thì Ðức Chúa Trời lại sai tiên tri Ê-li đi đến thành Si-đôn của dân Phê-ni-xi. Ðây là tên gọi chính thức của dân ấy nhưng vì thành Si-đôn là thành nổi tiếng và cường thạnh của họ nên người ta vẫn hay gọi dân Phê-ni-xi là dân Si-đôn.

Trong chương trình cứu rỗi loài người của Ðức Chúa Trời thì dân Y-sơ-ra-ên bao giờ cũng được ưu tiên hơn các dân tộc khác, vì Chúa đã chọn dòng dõi của Áp-ra-ham để qua họ Ngài ban phước cho cả thế gian.

SÁNG THẾ KÝ 22: 18 – Bởi vì ngươi đã vâng theo lời dặn ta, nên các dân thế gian đều sẽ nhờ dòng dõi ngươi mà được phước.

Ðiều nầy đã được xác nhận nhiều lần trong Kinh thánh và cũng đã được chính Ðức Chúa Jêsus bày tỏ khi Ngài phán với người đàn bà Ca-na-an có con bị quỉ ám.

MA-THI-Ơ 15: 26 – Ngài đáp rằng: Không nên lấy bánh của con cái mà quăng cho chó con ăn.

Nhưng vì dân Y-sơ-ra-ên không trân trọng địa vị của họ trong Chúa, vẫn thường chống đối lại ý muốn của Ðức Chúa Trời và cứ thờ lạy thần tượng nên ân điển đáng lẽ được ban cho họ thì được đem ban cho dân ngoại bang. Ðiều đó không những xãy ra trong thời kỳ Cựu ước mà còn được Ðức Chúa Trời thực hiện trong thời đại ân điển sau nầy:

CÔNG VỤ 13: 46 – Phao-lô và Ba-na-ba bèn nói cùng họ cách dạn dĩ rằng: Ấy cần phải truyền đạo Đức Chúa Trời trước nhất cho các ngươi; nhưng vì các ngươi đã từ chối, và tự xét mình không xứng đáng nhận sự sống đời đời, nên đây nầy, chúng ta mới xây qua người ngoại.

Ðức Chúa Jêsus đã cho biết một trong những lý do mà người đàn bà góa tại Sa-rép-ta được chọn để nuôi Ê-li và bởi đó nhận được ân điển của Chúa hầu cho chính bà và con trai được nuôi sống qua cơn hạn hán lớn, ấy là vì dân Y-sơ-ra-ên không biết tôn trọng tiên tri của Ðức Chúa Trời sai đến với họ, như lời đã chép rằng: ‘Quả thật, ta nói cùng các ngươi, không có một đấng tiên tri nào được trọng đãi trong quê hương mình’.

LU-CA 4: 24 – Ngài lại phán rằng: Quả thật, ta nói cùng các ngươi, không có một đấng tiên tri nào được trọng đãi trong quê hương mình.

Ngoài ra chúng ta có thể thấy rằng trong thời kỳ mà A-háp làm vua dân Y-sơ-ra-ên thì cả vương quốc không có bao nhiêu người kính sợ Chúa. Ða số dân Y-sơ-ra-ên lúc bấy giờ đều thờ lạy thần tượng theo như cách của các dân tộc ngoại bang sống chung quanh. Căn cứ vào lịch sữ của dân Y-sơ-ra-ên được ghi lại trong Kinh thánh thì A-háp là vị vua gian ác hơn hết những người đã từng cai trị trước ông:

1CÁC VUA 16: 29-30 – Năm thứ ba mươi tám đời A-sa, vua Giu-đa, thì A-háp, con trai Ôm-ri, lên ngôi làm vua Y-sơ-ra-ên; người ở Sa-ma-ri, cai trị trên Y-sơ-ra-ên hai mươi hai năm. A-háp, con trai Ôm-ri, làm điều ác trước mặt Đức Giê-hô-va hơn hết thảy các người tiên bối mình.

A-háp đã lấy vợ ngoại bang, tức là hoàng hậu Giê-sa-bên, là con gái của vua dân Si-đôn:

1CÁC VUA 16: 31 – Vả, người lấy sự bắt chước theo tội lỗi của Giê-rô-bô-am, con trai Nê-bát, làm nhỏ mọn, nên người đi lấy Giê-sa-bên, con gái Ết-ba-anh, vua dân Si-đôn, mà làm vợ; người cũng đi hầu việc Ba-anh và thờ lạy nó.

Chính người đàn bà nầy đã ra lệnh giết các tiên tri của Chúa:

1CÁC VUA 18: 4 – Xảy ra khi Giê-sa-bên diệt hết các đấng tiên tri của Đức Giê-hô-va, thì Áp-đia có đem một trăm đấng tiên tri đi giấu trong hai hang đá, mỗi hang năm mươi người, dùng bánh và nước mà nuôi họ.

Vì người đầu trưởng của dân sự phạm tội thờ lạy thần tượng nên cả vương quốc cũng theo đó mà phạm tội cùng một cách như vậy.

Trong khi đó thì người đàn góa tại Sa-rép-ta, mặc dầu là người ngoại bang, lại biết đến danh của Ðức Chúa Trời:

1CÁC VUA 17: 12 – Nàng đáp: Tôi chỉ mạng sống của Giê-hô-va Đức Chúa Trời của ông mà thề, tôi không có bánh, chỉ có một nắm bột trong vò và một chút dầu trong bình; nầy tôi lượm hai khúc củi, đoạn về nấu dọn cho tôi và con trai tôi; khi ăn rồi, chúng tôi sẽ chết.

Dầu vậy, bà không phải là người có đức tin mạnh mẽ, vì theo như lời Kinh thánh tường thuật lại, thì phải đến phép lạ lần thứ hai bà mới thật sự nhận biết Ê-li là tiên tri của Chúa và lời phán của Ngài là chân thật:

1CÁC VUA 17: 24 – Nàng bèn nói cùng Ê-li rằng: Bây giờ tôi nhìn biết ông là một người của Đức Chúa Trời, và lời phán của Đức Giê-hô-va ở trong miệng ông là thật.

Trong khi sự hạn hán xãy ra nặng nề và lâu dài, đến nỗi không những toàn xứ Y-sơ-ra-ên bị khô hạn, mà ngay cả đến xứ dân ngoại cũng không tránh khỏi tình trạng nầy, nên cả khu vực rộng lớn thời bấy giờ phải chịu nạn đói kém.

Những gia đình giàu có, quyền thế và những gia đình có người chồng làm đầu trưởng thì có thể chịu đựng và vượt qua được cơn hạn hán; nhưng đối với một người đàn bà góa không chồng thì sự khó khăn phải đối diện lớn hơn nhiều. Vì vậy khi tiên tri Ê-li gặp bà thì cả hai mẹ con chỉ còn một chút thực phẩm đủ cho một bữa ăn mà thôi.

Vì cớ hạn hán nên chắc rằng nếu bà phải đi ăn xin thì cũng không ai còn có gì để bố thí, vì mỗi người đều cố giữ điều mình có để nuôi sống bản thân. Lúc bấy giờ không ai biết rằng sự hạn hán và cơn đói kém sẽ kéo dài bao lâu.
Theo như phản ứng tự nhiên thì khi một người đến lúc đối diện với sự chết thì đều cố gắng trì hoãn hoặc tìm mọi cách để cứu mình. Khi người phụ nữ nầy tỏ ý chấp nhận số phận và sửa soạn để cùng con trai chịu chết vì đói thì hoàn cảnh của bà đã đến mức tuyệt vọng rồi.

Nhưng khi tiên tri Ê-li bảo bà dùng phần bột và dầu còn sót lại để làm bánh cho ông ăn, và người phụ nữ ngoại bang vâng lời ngay thì qua đó chúng ta có thể thấy được sự tôn trọng mà bà dành cho tiên tri Ê-li. So với dân Y-sơ-ra-ên thì đặc điểm nầy của bà là lý do mà bà và con trai được phước của Chúa, không những được cứu sống một lần mà đến cả hai lần như điều đã được ghi lại trong Kinh thánh.

Người phụ nữ nầy không hề phản đối lời của tiên tri Ê-li khi ông bảo bà phải nấu cho ông ăn trước. Ðiều mà bà đáp lại lời của ông chỉ là cách để mô tả tình trạng tuyệt vọng mà mẹ con bà đang phải đối diện. Khi tiên tri Ê-li trấn an bà và cho biết rằng Ðức Giê-hô-va sẽ chu cấp cho không hề thiếu thốn thì bà vâng lời ngay để đi làm bánh cho người của Ðức Chúa Trời.

Ngày hôm nay chúng ta còn có một tiên tri nào nữa trong vòng con dân Chúa cho đến thời kỳ sau rốt (là lúc mà hai tiên tri chót xuất hiện như đã được ghi lại trong sách Khải huyền) thì Kinh thánh chính là hình ảnh của một tiên tri mà Chúa đã sai đến trong trần gian và đến với mỗi một người chúng ta. Cũng như các tiên tri ngày xưa được Ðức Chúa Trời hướng dẫn để nói ra lời của Ngài cho dân Y-sơ-ra-ên, thì khi Cơ-đốc-nhân mở Kinh thánh ra, những lời đã chép ở trong là lời của Ðức-Thánh-Linh phán với mỗi một người chúng ta.

Vì vậy mức độ mà Cơ-đốc-nhân chúng ta ngày hôm nay tôn trọng Kinh thánh và không hề có chút nghi ngờ về lời của Ngài sẽ quyết định mức độ ơn phước mà mỗi một cá nhân và chính gia đình của người đó sẽ được hưởng trong Chúa.

Bởi sự vâng lời và đức tin của bà về điều mà tiên tri Ê-li đã bày tỏ rằng Ðức Chúa Trời sẽ làm, người đàn bà góa Sa-rép-ta và con trai của bà được cứu sống hai lần. Lần thứ nhất là bà và con trai không bị chết vì đói. Lần thứ hai là linh hồn của đứa trẻ được trả lại vào thân thể đã chết của nó. Hai sự cứu sống nầy là hình ảnh minh họa cho sự cứu rỗi về cả đời thuộc linh và thuộc thể của một người khi biết tôn trọng Ðức Chúa Trời và tiên tri của Ngài, hay nói theo cách ngày nay là biết tôn trọng Chúa và lời của Ngài trong Kinh thánh.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *