NIÊN LỊCH THƯƠNG KHÓ CỦA ÐỨC CHÚA JÊSUS CHRIST

Theo như Kinh thánh cho biết thì khi Ðức Chúa Jêsus lìa khỏi gia đình và bắt đầu chức vụ của Ngài trên đất thì Chúa đã được ba mươi tuổi (Lu-ca 3: 23).

Ðể bắt đầu chức vụ, Ðức Chúa Jêsus đi đến sông Giô-đanh và chịu Giăng Baptist làm lễ báp-têm cho Ngài (Ma-thi-ơ 3: 13). Sau đó Ðức Chúa Jêsus đi đến thành Giê-ru-sa-lem để dự lễ Vượt qua (Giăng 2: 23).

Vì là kỳ lễ đầu tiên khi Ðức Chúa Jêsus bắt đầu thi hành chức vụ nên các sữ gia gọi đây là lễ Vượt qua lần thứ nhất. Theo như luật pháp của Cựu ước, thì mỗi năm dân Y-sơ-ra-ên dự lễ Vượt qua vào ngày 14 tháng Giêng (Dân số ký 9: 5). Như vậy, khi Ðức Chúa Jêsus chịu Giăng Baptist làm lễ báp-tem thì vào khoảng mùa hè hoặc chậm lắm là cuối thu của năm Ðức Chúa Jêsus được ba mươi tuổi, vì không lẽ nào người ta nhận lễ báp-tem vào mùa Ðông, khi nước sông giá lạnh và có lúc bị đóng băng. Cũng theo cùng một cách tính như vậy thì Ðức Chúa Jêsus dự lễ Vượt qua lần thứ nhất vào lúc Ngài đã được ba mươi mốt tuổi.

Trong dịp dự lễ Vượt qua nầy, Ðức Chúa Jêsus đã đổ bàn của người đổi bạc và người bán bồ câu (Mác 11: 15).

Trong kỳ lễ Vượt qua lần thứ hai Ðức Chúa Jêsus không lên thành Giê-ru-sa-lem như lần trước mà lại đi sang bờ bên kia của biển Ga-li-lê (Giăng 6: 1-4) và làm phép lạ, hóa bánh cho 5000 người ăn. Như vậy, trong lần lễ Vượt qua nầy Ðức Chúa Jêsus đã được ba mươi hai tuổi.

Năm sau, Ðức Chúa Jêsus bị đóng đinh trước ngày lễ Vượt qua lần thứ ba (Ma-thi-ơ 6: 2). Các nhà sữ học Kinh thánh gọi đây là lễ Vượt qua cuối cùng (chữ cuối cùng là vì tương ứng với chức vụ của Ðức Chúa Jêsus ở trên đất). Vào kỳ lễ Vượt qua nầy thì Ðức Chúa Jêsus đã được 33 tuổi. Kinh thánh cũng ghi lại việc Ngài ăn bữa tối cuối cùng với các môn đồ (Ma-thi-ơ 26: 17-19) và báo trước về việc Ngài sẽ chịu thương khó và chịu chết (Lu-ca 22: 15).

Chúng ta cần phải phân biệt giữa bữa ăn cuối cùng của Ðức Chúa Jêsus với các môn đồ của Ngài (còn gọi là tiệc thánh) và lễ Vượt qua. Bữa ăn cuối cùng được dọn cho Chúa 2 ngày trước lễ Vượt qua, tương ứng với ngày thứ Năm của tuần lễ. Ðêm hôm ấy Ðức Chúa Jêsus đến cầu nguyện tại vườn Ghết-sê-ma-nê và bị bắt giải đến nhà thầy cả thượng phẩm. Ðến sáng ngày thứ Sáu thì Ðức Chúa Jêsus bị kết án và bị đem đi đóng đinh lên thập tự giá tại đồi Gô-gô-tha vào khoảng 9 giờ (Mác 15: 25). Chúa chịu đau đớn từ giữa trưa đến 3 giờ chiều (Ma-thi-ơ 27: 45) thì trút hơi thở cuối cùng (Ma-thi-ơ 27: 46 & 50). Vì ngày thứ Bảy hôm sau là lễ Vượt qua nên các thầy tế lễ xin hạ xác Chúa xuống khỏi cây thập tự và đem chôn trong mộ. Ðến hừng sáng Chúa nhật thì Ðức Chúa Jêsus sống lại.

Như vậy, khi Ðức Chúa Jêsus phán rằng Ngài sẽ bị đóng đinh, chịu chết và ba ngày sau sẽ sống lại thì được ứng nghiệm vào trình tự như đã kể ở trên. Vì một ngày của người Do-thái được bắt đầu lúc mặt trời lặn của ngày hôm trước (Xuất Ê-díp-tô ký 12: 18) nên chúng ta có thể hiểu như thế nầy:

– Ngày thứ nhất là từ chiều thứ Năm đến chiều thứ Sáu, đó là ngày Ðức Chúa Jêsus chịu thương khó và chịu đóng đinh. Chúa chết vào lúc 3 giờ chiều của ngày thứ nhất (thứ Sáu).

– Ngày thứ hai là từ chiều thứ Sáu cho đến chiều thứ Bảy, là lúc Chúa đã chết và bị đem đi chôn trong mộ (Mác 15: 42-43).

– Ngày thứ ba là từ chiều thứ Bảy sang đến ngày Chúa nhật, là lúc Chúa sống lại vào buổi sáng (Mác 16: 1). Mặc dầu chỉ là 2 ngày rưỡi nhưng vì sự kiện Chúa sống lại xãy ra trong ngày thứ ba nên được Kinh thánh ghi lại là 3 ngày.

Căn cứ theo Kinh thánh thì chúng ta có thể ước định rằng Ðức Chúa Jêsus chịu thương khó vào tối thứ Năm ngày 12 tháng Giêng, chịu chết vào ngày thứ Sáu và sống lại vào sáng Chúa nhật ngày 15 tháng Giêng năm 29 S.C.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *