NIÊN LỊCH GIÁNG SINH CỦA ÐỨC CHÚA JÊSUS CHRIST
Tất cả các Cơ-đốc-nhân đều biết về câu chuyện giáng sinh của Ðức Chúa Jêsus. Một trong những thắc mắc thỉnh thoảng vẫn được nêu ra là Chúa đã thật sự sanh ra khi nào và làm sao để có thể tính được một cách tương đối năm tháng của ngày Giáng sinh.
Chúng ta có thể dùng những sự kiện lịch sữ đã được ghi lại trong Kinh thánh để ước tính khoảng thời gian ấy.
Sự kiện thứ nhất là việc Hoàng đế Augustus (31 B.C. đến 14 A.D) ra chiếu chỉ lập sổ bộ của cả đế quốc để giúp chính quyền La-mã có thể căn cứ vào đó mà thu thuế của dân (Lu-ca 2: 1). Kinh thánh cũng cho biết thêm là việc lập sổ dân nầy được ban hành và thực hiện khi Quirinius đang làm tổng đốc xứ Sy-ri (Lu-ca 2: 2) (bao gồm cả vùng Palestine và xứ của dân Do-thái).
Theo như các khám phá của khảo cổ học sau nầy và hiện nay được lưu giữ tại các viện bảo tàng của Ý-đại-lợi và Anh quốc thì Quirinius làm tổng đốc xứ Sy-ri hai lần, lần thứ nhất vào năm thứ 6 đến thứ 4 B.C và lần thứ hai vào năm 6 đến 9 A.D. Việc lập sổ bộ lần thứ hai dưới quyền của ông được ghi lại chính xác là vào năm thứ 7 S.C, ứng với lời Kinh thánh trong sách Công vụ các Sứ đồ (Công vụ 5: 37). Thông thường thì việc lập sổ hộ tịch chỉ diễn ra khoảng 5 năm hoặc 10 năm một lần, hoặc khi có một tổng đốc mới đến nhiệm chức. Như vậy thì sự giáng sanh của Ðức Chúa Jêsus có thể đã xãy ra vào trong khoảng thời gian giữa năm thứ 4 B.C và năm thứ 2 A.D.
Sự kiện thứ hai mà người ta có thể căn cứ vào đó để ước tính ngày Giáng sinh là việc vua Hê-rốt ra chiếu chỉ phải diệt hết các trẻ em từ lúc mới sanh cho đến 2 tuổi (Ma-thi-ơ 2: 16). Theo sữ sách ghi lại thì vua Hê-rốt nầy (Herod the Great) cai trị từ năm 37 đến năm thứ 3 B.C. và là người đã ra lệnh giết các em bé của vùng Bết-lê-hem. Lệnh nầy chắc đã ban bố vào khoảng những năm cuối đời của Hê-rốt, vì sau khi Giô-sép và Ma-ri đem Ðức Chúa Jêsus trốn qua xứ Ê-díp-tô thì chỉ một thời gian ngắn sau là đã nghe được tin vua Hê-rốt băng hà (Ma-thi-ơ 2: 19-20).
Dùng cả hai sự kiện nầy tổng hợp lại thì các sữ gia ước tính rằng Ðức Chúa Jêsus đã giáng sinh trong khoảng thời gian giữa năm thứ 4 và năm thứ 3 trước Công nguyên.
Sự kiện thứ ba mà chúng ta có thể sử dụng để tính ngày Giáng sinh là việc các mục đồng thức đêm chăn giữ bầy chiên của mình (Lu-ca 2: 8). Theo như phong tục tập quán của người thời bấy giờ được ghi lại trong sử sách thì việc các kẻ chăn giữ bầy súc vật của mình giữa đồng nội vào ban đêm chỉ xãy ra vào những tháng mùa hè mà thôi. Vào mùa Ðông khi tiết trời ban đêm lạnh lẽo, những kẻ chăn chiên thường giữ bầy của mình trong những nơi kín gió, chẳng hạn như chuồng trại, có khi ngay cả trong nhà mà họ đang ở để được ấm áp cho chính họ và cho cả bầy. Chỉ khi mùa hè đến, lúc thời tiết nóng nực và mặt trời lên sớm vào buổi sáng, thì họ mới giữ chiên ngoài đồng để được thoáng mát và có thể mau chóng đi đến các bãi chăn khi bình mình vừa ló dạng.
Như vậy, căn cứ vào lời Kinh thánh thì chúng ta có thể ước tính rằng Ðức Chúa Jêsus được sanh ra vào mùa hè của năm thứ 4 trước Công nguyên.
Chúng ta có Lễ Giáng Sinh vào ngày 25 tháng Mười Hai mỗi năm là do kế hoạch của giáo hội Công giáo lúc bấy giờ (năm 354 A.D.) muốn xóa bỏ truyền thống cúng bái thần mặt trời của các dân tộc vùng châu Âu vào ngày Ðông chí (từ ngày 20 cho đến 22 tháng Chạp).
Dầu vậy, sau gần hai ngàn năm dự Lễ Giáng Sinh với hình ảnh truyền thống của mùa Ðông tuyết trắng, không ai muốn hát rằng: ‘Ðêm hè nóng nực Chúa sinh ra đời…!’