GIỮ LẤY CHÚA (p. 2)
Chắc có người sẽ hỏi rằng vì sao ơn lớn nhất mà Đức Thánh Linh ban cho không phải là sự cứu rỗi đời đời, thì câu trả lời của chúng tôi là vì trước nhất Cơ-đốc nhân phải hiểu biết Lẽ Thật của Đức Chúa Trời có ghi trong Kinh thánh hầu có thể biết được ý muốn của Ngài mà làm theo cho thật đúng đắn thì lúc bấy giờ Đức Thánh Linh mới có thể ấn chứng vào lòng người ấy để nhận được sự cứu rỗi trong đời sau. Vì nếu một người chưa biết lẽ thật, chưa biết rõ ý muốn của Chúa, chưa đồng ý để làm theo thì thế nào mà Đức Thánh Linh ấn chứng trong đời sống người đó được? Ấn chứng của Ngài chỉ dành cho những người sẽ có cơ hội nhận ơn cứu rỗi trong tương lai. Đó là một trong tín lý căn bản mà Kinh thánh đã bày tỏ qua những câu gốc sau đây:
(Ma-thi-ơ 7: 21) Chẳng phải hễ những kẻ nói cùng ta rằng: Lạy Chúa, lạy Chúa, thì đều được vào nước thiên đàng đâu; nhưng chỉ kẻ làm theo ý muốn của Cha ta ở trên trời mà thôi.
(1Giăng 2: 17) Vả thế gian với sự tham dục nó đều qua đi, song ai làm theo ý muốn Đức Chúa Trời thì còn lại đời đời.
(Hê-bơ-rơ 10: 36) Vì anh em cần phải nhịn nhục, hầu cho khi đã làm theo ý muốn Đức Chúa Trời rồi, thì được như lời đã hứa cho mình.
(Giăng 14: 23) Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Nếu ai yêu mến ta, thì vâng giữ lời ta, Cha ta sẽ thương yêu người, chúng ta đều đến cùng người và ở trong người.
Như vậy, rõ ràng là Đức Chúa Trời muốn Cơ-đốc nhân chúng ta sống một đời vâng phục để biết làm theo ý muốn của Ngài hầu có thể nhận được lời hứa về sự sống đời đời trong danh Cứu Chúa Jêsus Christ. Nhưng nếu không biết lẽ thật thì làm sao biết đâu là ý muốn của Đức Chúa Trời và đâu là quan điểm do con người hoặc xác thịt đặt ra (chẳng hạn như ăn chay mùa Thương khó, rửa tội cho trẻ thơ)?
Thế nên những Cơ-đốc nhân xem thường lời Kinh thánh, lại không chịu vâng phục để làm theo sự dạy dỗ của Chúa có ghi trong lời của Ngài, thì những người đó đang đứng trước nguy cơ đánh mất linh hồn mình. Thái độ bất tuân, không vâng giữ, không làm theo lẽ thật mà Đức Thánh Linh đã bày tỏ là nguyên nhân dẫn đến sự làm buồn lòng Ngài, mà Kinh thánh đã dùng các từ ngữ là ‘khinh lờn sự ban ơn của Đức Thánh Linh’.
Chúng ta thử suy nghĩ về thí dụ sau đây để hiểu thêm về việc Cơ-đốc nhân xem thường sự soi dẫn của Đức Thánh Linh để có thể thấu đáo các lẽ thật trong lời của Chúa và từ đó dẫn đến việc làm buồn lòng Ngài. Trong đời nầy, bất cứ dân tộc nào, bất cứ nền văn hóa nào người ta cũng đều tôn trọng những người trong chức vụ là thầy giáo, cả Âu lẫn Á. Riêng đối với người Việt Nam chúng ta thì cũng có truyền thống tôn sư, trọng đạo. Nho giáo của Trung hoa có câu ‘Nhất tự vi sư, bán tự vi sư’, có nghĩa là dầu dạy một chữ hay nữa chữ vẫn là thầy. Câu ngạn ngữ nầy cũng được người Việt chúng ta trân trọng và áp dụng. Ngoài ra văn hóa Á châu còn xem người thầy ngang bằng như người cha, vì thế mới có chữ sư phụ. Từ truyền thống ấy, nếu một người con hay một người học trò mà bất tuân lệnh của cha hoặc của thầy thì bị xem như là đứa con bất hiếu, đứa đồ đệ ngỗ nghịch. Điều nầy thì ai trong chúng ta cũng có thể hiểu được.
Trong phương diện thuộc linh thì địa vị của Đức Thánh Linh đối với Cơ-đốc nhân chúng ta còn quan trọng, vĩ đại và cao cả tỷ lần hơn là vai trò của một người cha, người thầy của đời nầy đối với con cái, đệ tử của họ. Cũng bởi lẽ ấy, sự bất tuân, không chịu làm theo sự dạy dỗ của Đức Thánh Linh bị xem là nặng nề, nghiêm trọng còn hơn cả sự bất hiếu, ngỗ nghịch của loài người đối với người cha người thầy trong đời nầy. Kinh thánh đã dùng chữ cố tình phạm tội để mô tả thái độ bất tuân của Cơ-đốc nhân đối với sự dạy dỗ của Đức Thánh Linh về những mạng lệnh mà Chúa muốn Cơ-đốc nhân phải thực hiện. Chúng ta đọc lại câu Kinh thánh trong Hê-bơ-rơ một lần nữa để thấy rõ ràng ý tưởng ấy:
(Hê-bơ-rơ 10: 26-29) Vì nếu chúng ta đã nhận biết lẽ thật rồi, mà lại cố ý phạm tội, thì không còn có tế lễ chuộc tội nữa, nhưng chỉ có sự đợi chờ kinh khiếp về sự phán xét, và lửa hừng sẽ đốt cháy kẻ bội nghịch mà thôi. Ai đã phạm luật pháp Môi-se, nếu có hai ba người làm chứng, thì chết đi không thương xót, huống chi kẻ giày đạp Con Đức Chúa Trời, coi huyết của giao ước, tức là huyết mà mình nhờ nên thánh, là ô uế, lại khinh lờn Đức Thánh Linh ban ơn, thì anh em há chẳng tưởng rằng người ấy đáng bị hình rất nghiêm đoán phạt hay sao?
Đức Chúa Jêsus đã cho chúng ta biết một nguyên tắc rất quan trọng trong luật pháp của Đức Chúa Trời là hễ không biết thì không có tội và vì vậy mà con dân Chúa được tha thứ, như trong trường hợp của Đa-vít:
(Giăng 15: 22) Nếu ta không đến và không phán dạy họ, thì họ chẳng có tội lỗi gì; song bây giờ họ không có thể chữa chối được tội lỗi mình.
(Thi thiên 19: 12) Ai biết được các sự sai lầm mình? Xin Chúa tha các lỗi tôi không biết.
Nhưng khi đã được tha thứ và nhận biết lẽ thật rồi (tức là những điều nên làm và những điều cần phải tránh theo như mạng lệnh trong lời của Chúa) mà Cơ-đốc nhân còn cố tình phạm tội (nghĩa là không chịu vâng phục để làm theo) thì người đó đang trực tiếp làm buồn Đức Thánh Linh, như câu gốc trong Hê-bơ-rơ 10: 26-29 đã đề cập đến.
Một điều rất quan trọng mà Cơ-đốc nhân chúng ta nên để ý, là khi Kinh thánh cho biết rằng không còn có tế lễ chuộc tội nữa, thì chúng ta cần phải nhớ là câu gốc nầy được viết ra sau khi Đức Chúa Jêsus đã hoàn tất sự dâng chính mình Ngài làm tế lễ chuộc tội cho cả nhân loại. Chúng ta thử suy nghĩ thế nầy để có thể hiểu được vấn đề nghiêm trọng tại đây: Nếu một người cố tình phạm tội (khi không làm theo sự dạy dỗ của Đức Thánh Linh về các lẽ thật trong Kinh thánh) mà vẫn còn được tha bởi của lễ chính Đấng Christ đã dâng trên thập tự giá, thì câu gốc nầy là dư thừa, thậm chí sai trật nữa. Nhưng nếu câu gốc nầy đúng và chân thật vì được viết ra bởi sự soi dẫn của Đức Thánh Linh, thì chắc chắn rằng kẻ cố tình phạm tội không còn được tha thứ như trước.
Suy nghĩ như vậy thì chúng ta mới hiểu được vấn đề và có thể thấy được sự thống nhất trong lời của Chúa: Khi một tôi con của Chúa biết điều cần phải làm và điều cần nên tránh mà vẫn cố tình phạm tội thì người đó đang làm buồn lòng Đức Thánh Linh. Tội ấy là nặng nên không còn có tế lễ để chuộc tội nữa, chỉ còn hình phạt đời nầy và đời sau mà thôi. Vì vậy lời của Chúa mới khuyên là Cơ-đốc nhân nên biết sống đời vâng phục, để làm theo sự dạy dỗ của Đức Thánh Linh về các lẽ thật trong Kinh thánh, hầu tránh được việc làm buồn lòng Ngài, vì ấy chẳng ích lợi chi cho chúng ta, mà còn nguy hiểm đến linh hồn mình. Vả lại, chính Đức Chúa Jêsus cũng đã cho chúng ta biết là mọi tội lỗi phạm đến Đức Thánh Linh đều bị xem là rất nặng nề, đến nỗi đời đời không được tha:
(Mác 3: 28-29) Quả thật, ta nói cùng các ngươi, mọi tội lỗi sẽ tha cho con cái loài người, và hết thảy những lời phạm thượng họ sẽ nói ra cũng vậy; nhưng ai sẽ nói phạm đến Đức Thánh Linh thì chẳng hề được tha, phải mắc tội đời đời.
(Lu-ca 12: 10) Ai nói nghịch cùng Con người, thì sẽ được tha; song kẻ nói lộng ngôn phạm đến Đức Thánh Linh, thì không được tha đâu.
(Ma-thi-ơ 12: 31-32) Ấy vậy, ta phán cùng các ngươi, các tội lỗi và lời phạm thượng của người ta đều sẽ được tha; song lời phạm thượng đến Đức Thánh Linh thì sẽ chẳng được tha đâu. Nếu ai nói phạm đến Con người, thì sẽ được tha; song nếu ai nói phạm đến Đức Thánh Linh, thì dầu đời nầy hay đời sau cũng sẽ chẳng được tha.
Vì vậy mà Đa-vít, khi hiểu được lẽ thật ấy, đã cầu nguyện xin Chúa giúp ông tránh khỏi việc cố tình phạm tội, vì tội ấy bị xem là nghiêm trọng, bởi cớ liên quan đến ơn ban (sự giãi bày chân lý) của Đức Thánh Linh:
(Thi thiên 19: 13) Xin Chúa giữ kẻ tôi tớ Chúa khỏi cố ý phạm tội; Nguyện tội ấy không cai trị tôi; Thì tôi sẽ không chỗ trách được, và không phạm tội trọng.
Trở lại với đề tài chính là giữ lấy Chúa thì bây giờ chúng ta đã biết là nếu Cơ-đốc nhân làm buồn lòng Đức Thánh Linh thì Ngài sẽ lìa khỏi người ấy, và như vậy thì ấn chứng của Ngài cũng không còn và kẻ phạm tội đành chịu mất linh hồn. Bởi lẽ đó mà lời của Chúa khuyên Cơ-đốc nhân chúng ta chớ làm buồn lòng Ngài bằng việc coi thường các tín lý, lẽ thật mà Đức Thánh Linh đã bày tỏ trong Kinh thánh. Việc tránh làm buồn lòng Đức Thánh Linh cũng bao gồm luôn cả việc nên tập tành sống đời vâng phục, tôn trọng và làm theo các mẫu mực mà Kinh thánh đã có ghi lại, chẳng hạn như các điều sau đây:
(Rô-ma 12: 2) Đừng làm theo đời nầy, nhưng hãy biến hóa bởi sự đổi mới của tâm thần mình, để thử cho biết ý muốn tốt lành, đẹp lòng và trọn vẹn của Đức Chúa Trời là thể nào.
(Cô-lô-se 3: 8) Nhưng bây giờ anh em nên trừ bỏ hết mọi sự đó, tức là sự thạnh nộ, buồn giận và hung ác. Đừng nói hành ai, chớ có một lời tục tỉu nào ra từ miệng anh em.
(Ê-phê-sô 5: 18) Đừng say rượu, vì rượu xui cho luông tuồng; nhưng phải đầy dẫy Đức Thánh Linh.
(Rô-ma 12: 11) Hãy siêng năng mà chớ làm biếng; phải có lòng sốt sắng; phải hầu việc Chúa.
Sau khi chúng tôi đã trình bày về điều mà Đức Chúa Trời đã từng phán là phải tìm kiếm Ngài hết lòng thì mới gặp được, nay chúng tôi lại đề cập đến nguyên tắc thứ hai trong việc cố gắng làm sao để kinh nghiệm sự hiện diện của Chúa trong đời sống Cơ-đốc nhân, đó là việc giữ lấy Ngài.
(còn tiếp)