ĐỨC CHÚA TRỜI YÊN LẶNG

Một trong những khó khăn hơn hết mà nhiều Cơ-đốc nhân phải đối diện khi theo Chúa là sự yên lặng của Đức Chúa Trời. Cơ-đốc nhân có thể dễ dàng thắng hơn sự cám dỗ nếu được nghe tiếng nói của Chúa mỗi ngày. Cơ-đốc nhân có thể dấn thân và hy sinh nếu được chuyện trò với Chúa mỗi một lần cần thêm sự khích lệ. Nhưng trong thực tế thì đa số các trường hợp mà con dân Chúa cần sự trả lời của Ngài khi phải đối diện với những nghịch cảnh trong cuộc sống thì đều chỉ được phán bảo qua lời Kinh thánh. Vẫn có một số tôi con Chúa nghe được tiếng thì thầm êm dịu của Chúa qua những lần cầu nguyện tương giao với Ngài, nhưng đó không phải là điều xãy ra thường xuyên với tất cả các Cơ-đốc-nhân. Những kinh nghiệm được nghe tiếng phán của Chúa cách như vậy chỉ là của cá nhân, còn đối với đời sống chung của nhân loại, nhất là của Cơ-đốc-nhân thì sự yên lặng của Chúa gần như là tuyệt đối. Ở đây chúng tôi muốn đề cập đến tiếng nói thật sự của Chúa chớ không phải những hiện tượng trong thiên nhiên để bày tỏ ý định hoặc sự trừng phạt của Ngài vì cớ tội lỗi của con người. Mặc dầu Kinh thánh đã chép rằng vũ trụ, thiên nhiên, vạn vật bày tỏ chính Đức Chúa Trời (Thi thiên 19: 1), nhưng điều mà con dân Chúa cần là tiếng nói rõ ràng của Đấng Tạo Hóa.

Không những Chúa yên lặng đối với tôi con của Ngài mà đối với cả thế gian cũng như vậy. Khi những kẻ chưa tin đố thách hoặc phỉ báng Ngài thì Chúa vẫn yên lặng. Nhiều khi Cơ-đốc nhân tự hỏi rằng tại sao Chúa không lên tiếng hoặc trừng phạt ngay những kẻ như thế để loài người có thể nhận biết rằng Ngài là Đấng Thực Hữu. Nhưng Đức Chúa Trời có lý do của Ngài để yên lặng đối với trần gian. Trong cơ hội nầy chúng tôi xin được dùng Kinh thánh để cùng với quý anh chị em tìm hiểu đôi chút về sự yên lặng của Đức Chúa Trời để qua đó chúng ta củng cố thêm đức tin của chính mình trong Đấng vẫn quan sát mọi hoạt động cùng tư tưởng của con người trên đất nầy.

Sự yên lặng của Đức Chúa Trời đã được Kinh thánh đề cập đến trong trường hợp của dân Y-sơ-ra-ên ngày họ còn làm nô lệ tại xứ Ê-díp-tô. Mặc dầu Đức Chúa Trời đã phán hứa với Áp-ra-ham rằng Ngài chọn dòng dõi của ông để làm tuyển dân của Ngài (Sáng thế ký 17: 7), để ban phước cho họ và chuẩn bị họ để từ đó đưa Đấng Christ vào trong trần gian để thực hiện chương trình cứu rỗi của Ngài dành cho nhân loại, thì Đức Chúa Trời vẫn yên lặng khi dân Y-sơ-ra-ên bị lao khổ và bị giết hại tại xứ Ê-díp-tô.

Để chúng ta có thể hiểu được sự yên lặng của Đức Chúa Trời đối với dân Y-sơ-ra-ên thì Cơ-đốc nhân có thể tự hỏi thế nầy: Có điều gì ích lợi cho một người hay một dân tộc khi được Đức Chúa Trời toàn năng chọn lựa mà lại không được Ngài giải cứu khi họ gặp hoạn nạn, khốn khổ?

Một điều chắc chắn là dân Y-sơ-ra-ên biết Đức Chúa Trời là Đấng đã ban phước cho tổ phụ của họ, tức là Áp-ra-ham, Y-sác và Gia-cốp, nhưng chắc họ phải tự hỏi vì sao đến thời đại của họ thì Ngài lại yên lặng và để cho nhiều thế hệ phải chịu nô lệ nhọc nhằn tại xứ Ê-díp-tô (Xuất Ê-díp-tô ký 1: 11-14), thậm chí Chúa để cho các trẻ em của người Hê-bơ-rơ bị giết tại đó (Xuất Ê-díp-tô ký 1: 22).

Đối với lòng nhân bản của con người thì khi những điều không hay xãy ra cho trẻ nhỏ thì ai cũng đều động lòng trắc ẩn. Nhưng tại sao trong trường hợp các trẻ thơ Hê-bơ-rơ bị giết hại như vậy, nhất là khi chúng lại là tuyển dân của Ngài, thì Đức Chúa Trời vẫn yên lặng? Một phần của lời giải thích sẽ được chúng tôi tiếp tục trình bày trong bài viết NƯỚC THIÊN ĐÀNG THUỘC VỀ TRẺ THƠ, nhưng tại đây thì Kinh thánh cho chúng ta biết về một lý do khác. Ấy là vì dân Y-sơ-ra-ên trong thời gian đó không hết lòng kêu cầu với Đức Giê-hô-va.

Trong những câu Kinh thánh mô tả về sự nhọc nhằn, khổ cực của họ ngày đó, không có một chỗ nào ghi lại rằng họ có kêu cầu, hoặc kêu cầu đủ để Đức Chúa Trời can thiệp cho hoàn cảnh của họ. Không phải là Ngài không biết về hiện trạng mà họ đang phải đối diện, nhưng Đức Chúa Trời vẫn muốn họ tìm kiếm Ngài trước hết. Đức Chúa Trời có chương trình của Ngài dành cho cả nhân loại, ngay đến từng cá nhân Chúa cũng có chương trình cho mỗi người. Nhưng như điều mà chúng tôi đã từng trình bày nhiều lần về các nguyên tắc căn bản trong Kinh thánh thì Đức Chúa Trời luôn luôn muốn để cho con người được tự do lựa chọn điều mà họ muốn làm, con đường hoặc hoàn cảnh sống mà họ muốn trãi qua. Đây là một trong những nguyên tắc căn bản mà Cơ-đốc nhân phải nhớ để có thể hiểu được chương trình của Đức Chúa Trời khi nghiên cứu Kinh thánh cũng như thấu biết được sự việc lớn nhỏ xãy ra trong đời sống nầy.

Thử lấy trường hợp của A-đam và Ê-va để làm thí dụ. Ngày mà Đức Chúa Trời tạo dựng họ và đặt họ trong vườn Ê-đen thì Chúa đã ban cho A-đam và Ê-va quyền tự do cá nhân. Chúa không tạo dựng họ như hai người máy, chỉ biết vâng lời mà không hề có sự lựa chọn nào khác. Đức Chúa Trời tạo dựng con người vì tình yêu của Ngài đối với họ, và Ngài cũng muốn con người kính yêu Ngài, nhưng là với sự tự nguyện chớ không phải bị bắt buột. Không một người nào muốn tìm kiếm tình yêu của một cái máy. Đức Chúa Trời lại còn hơn thế nữa vì Ngài là Đấng Cao Cả. Tình yêu không có sự chọn lựa của người máy không xứng đáng cho Ngài. Vì vậy mà Đức Chúa Trời đã ban cho con người sự tự do để lựa chọn hầu họ có thể kính yêu Ngài với lòng tự nguyện. Đó mới là tình yêu thật.

Vì là Đấng Toàn Năng nên Đức Chúa Trời biết rằng A-đam và Ê-va sẽ dùng sự tự do có được để lựa chọn điều sai lầm đối với mạng lệnh của Ngài về cây biết điều thiện và điều ác mà Chúa đã trồng tại giữa vườn. Dầu vậy Chúa vẫn để cho A-đam và Ê-va sử dụng quyền tự do chọn lựa để thực hiện điều hai ông bà muốn làm, ngay cả khi Ngài biết rằng hậu quả của việc họ làm sẽ dẫn đến sự chết cho họ và cho tất cả các dòng dõi sau nầy. Ngài cũng biết rằng việc họ làm sẽ khiến Ngài phải giáng sinh vào trong trần gian để chịu đóng đinh vào thập tự giá mà chuộc tội cho cả loài người. Lý do mà Đức Chúa Trời ban cho con người quyền tự do và chính Ngài cũng không cất bỏ quyền đó ngay cả khi con người dùng sự tự do để chống đối Ngài là vì Chúa muốn con người đầu phục Ngài một cách tự nguyện, không vì cớ một sự bắt buột nào (Cô-lô-se 4: 12).

Chữ trọn niềm vâng phục trong câu gốc trên bày tỏ tấm lòng tự nguyện của Cơ-đốc nhân khi đến với Chúa bởi sự lựa chọn tự do của mình. Nếu đề cập một cách sâu xa hơn nữa thì nguyên nhân Đức Chúa Trời ban sự tự do cho loài người là vì Ngài là Đấng Công Bằng. Chúa không muốn mọi người bị ép buột để kính sợ Ngài, nhưng Ngài để con người được tự do chọn lựa để muốn kính sợ Ngài hay không. Cũng vì mỹ đức công bằng đó của Chúa mà dẫu Ngài yêu loài người và sẳn sàng chết để cứu chuộc nhân loại thì Chúa vẫn lập Thiên đàng và hỏa ngục để con người chọn lựa là họ muốn đi đến nơi nầy hay nơi kia. Đức Chúa Trời gớm ghét tội lỗi nhưng Ngài vẫn để cho con người được tự do lựa chọn giữa cái thiện và cái ác, và từ đó nhận lấy kết quả hoặc hậu quả của sự chọn lựa mà họ thực hiện trong đời nầy.

Trở lại với việc Đức Chúa Trời yên lặng đối với dân Y-sơ-ra-ên lúc họ còn làm nô lệ tại xứ Ê-díp-tô, thì vì Chúa đã ban cho họ sự tự do lựa chọn nên Đức Chúa Trời muốn họ phải thật sự bày tỏ tấm lòng muốn nhờ cậy Ngài để được giải cứu khỏi ách nô lệ. Đức Chúa Trời là Đấng Toàn Tri, vì vậy Ngài biết trước mọi sự chọn lựa của con người. Việc Chúa yên lặng là muốn con người tự biết chính mình khi thực hiện quyền tự do lựa chọn của họ. Vì nếu Đức Chúa Trời tự nhiên làm điều con người cần trước khi họ thật sự bày tỏ lòng mong muốn thì sau nầy họ có thể cãi chối trước mặt Chúa, như điều mà Kinh thánh đã ghi lại về việc dân Y-sơ-ra-ên oán trách Chúa sau khi đã được cứu khỏi ách nô lệ tại Ê-díp-tô (Xuất Ê-díp-tô ký 11: 4-6). Họ được giải cứu vì đã kêu cầu với Chúa, vậy mà vẫn còn oán trách Ngài rằng tại sao lại cứu họ ra khỏi Ê-díp-tô làm chi để rồi họ không được ăn dưa hành của kiệu của xứ ấy. Thái độ đó của họ thật là vô lý biết bao. Vì vậy nếu Chúa giải cứu họ trước khi họ hết lòng kêu cầu với Ngài thì sự oán trách của họ còn lớn biết chừng nào.

Rõ ràng là họ muốn được cứu lúc còn nhọc nhằn trong đời nô lệ tại Ai-cập, rõ ràng là họ xin có bánh ăn trong đồng vắng, vậy mà dân Y-sơ-ra-ên vẫn lằm bằm, vẫn than phiền với Đức Chúa Trời về những điều họ không vừa ý, đến nỗi so sánh cuộc sống nô lệ ngày trước với sự tự do mà họ hiện đang có, đến nỗi tự đánh lừa chính họ về việc có thịt có cá ăn cách nhưng không tại nơi mà họ từng bị đọa đày. Cuộc đời nô lệ làm gì có được những bữa ăn đầy đủ, béo bổ, vậy mà họ vẫn cứ oán trách Môi-se, và qua đó gián tiếp oán trách Đức Chúa Trời, làm như Ngài là Đấng buột họ phải rời khỏi nơi họ ham thích, là nơi có cuộc sống sung túc nhàn hạ chớ không phải là nơi làm nô lệ nhọc nhằn.

Đó là lý do mà Đức Giê-hô-va đã yên lặng suốt một thời gian dài đang khi tuyển dân của Ngài phải chịu đau thương dưới ách nô lệ. Mãi đến khi lời kêu cầu của họ đã đủ mạnh để thấu đến Ngài thì Đức Chúa Trời mới sai Môi-se đến mà dẫn dắt họ ra khỏi Ê-díp-tô.

Đây là bài học cho Cơ-đốc nhân chúng ta khi phải đối diện với sự yên lặng của Chúa. Chẳng phải Ngài không thấy hoặc không nghe tiếng chúng ta kêu cầu cùng Ngài về những hoàn cảnh bất như ý mà chúng ta đang phải đối diện trong đời sống nầy, nhưng giống như trong trường hợp của dân Y-sơ-ra-ên ngày xưa, lời kêu cầu của chúng ta nhiều khi chưa bày tỏ được sự cấp thiết và lòng mong muốn thật sự của chính mình để được Đức Chúa Trời giải cứu.

Nếu nói về những thí dụ điển hình trong cuộc sống hàng ngày thì chúng ta có thể thấy nhiều lắm, từ đời sống cá nhân cho đến sinh hoạt chung của Hội thánh, từ đời sống hôn nhân cho đến các mối giao tiếp bạn bè trong cuộc sống, từ nan đề trong học đường cho đến những khó khăn tại sở làm, từ thất bại trong công việc làm cho đến những đau yếu bệnh tật trong cơ thể, từ những hoạn nạn đời thuộc thể cho đến những cám dỗ đời thuộc linh. Theo thực tế của đời sống nầy cho thấy thì Cơ-đốc nhân gặp phải những điều bất như ý nhiều lắm, và vì vậy con dân Chúa cũng cần phải cầu nguyện hết sức sốt sắng để được Chúa lắng nghe và giúp đỡ cho. Nhưng dầu vậy thì trong nhiều trường hợp sự tha thiết cầu nguyện của Cơ-đốc-nhân vẫn chưa đạt được đến mức hết lòng để Đức Chúa Trời trực tiếp can thiệp mà cứu giúp chúng ta.

Chúng tôi có biết một thanh niên, từ rất nhiều năm trước đã cầu nguyện xin Chúa cho được có đời sống tự do khi hoàn cảnh thật là cùng đường bế tắt, dường như chẳng có chút hy vọng nào. Lúc bấy giờ thì anh hầu như không có gì hết. Công việc làm không có, sức khỏe không có, tài năng cũng không. Người thanh niên đó đã cầu nguyện để xin được có cơ hội học tập mà hầu việc Chúa trong sự tự do đang khi tại quê hương trường thần học không được phép mở cửa. Trong những buổi cầu nguyện sáng tại Hội thánh địa phương thì anh đã quỳ gối trước mặt Chúa từ 5 giờ 30 sáng cho đến giữa trưa để khóc mà nài xin. Dầu vậy mãi đến 12 năm sau Chúa mới trả lời để cho anh được có cơ hội học tập mà ra hầu việc Chúa.

Vì vậy khi Cơ-đốc nhân chúng ta đối diện với sự yên lặng của Đức Chúa Trời thì điều đó không phải là vì cớ Ngài làm ngơ với chúng ta, nhưng ấy là vì sự kêu cầu của chúng ta chưa đủ tha thiết và thành tâm để Đức Chúa Trời trực tiếp can thiệp. Chúng ta phải có tấm lòng tìm kiếm Đức Chúa Trời hết mực, giống như những bậc đàn anh trong đức tin đã đi trước chúng ta, giống như Đa-vít đã làm ngày xưa (Thi thiên 6: 3-8).

Sự thành tâm kêu cầu, khóc lóc trước mặt Đức Giê-hô-va là nguyên tắc mà Chúa đã dạy dỗ Cơ-đốc-nhân cần phải có khi đối diện với sự yên lặng của Đức Chúa Trời (Phục truyền 4: 29).

Không những Đức Chúa Trời yên lặng đối với dân Y-sơ-ra-ên ngày họ còn đang làm nô lệ tại Ê-díp-tô hoặc yên lặng với nhân loại mà Kinh thánh còn ghi lại rằng Đức Chúa Trời yên lặng ngay cả đối với chính Ngài. Đó là trong trường hợp của Đức Chúa Jêsus. Tất cả các Cơ-đốc nhân đều biết rằng Đức Chúa Jêsus chính là Đức Chúa Trời hiện thân thành người. Ngài giáng sinh vào trong trần gian để làm của lễ chuộc tội cho cả nhân loại. Lúc Đức Chúa Jêsus bị đóng đinh trên thập tự giá thì Ngài có kêu cầu với Đức Chúa Trời nhưng không được trả lời (Ma-thi-ơ 27: 46). Điều đó cho thấy rằng trong giờ phút đau đớn hơn hết chính Đức Chúa Trời cũng yên lặng với chính Ngài.

Giống như trường hợp đã xãy ra đối với dân Y-sơ-ra-ên thì chúng ta có thể thấy rằng Đức Chúa Trời phải có lý do để yên lặng với chính Ngài, tức là với Đức Chúa Jêsus. Kinh thánh cho biết rằng vì Đức Chúa Trời yêu thương cả thế gian mà Ngài đã đến để thực hiện chương trình cứu rỗi đã định trước (Giăng 3: 16, Ga-la-ti 4: 4-5). Nhưng trước khi trình bày thêm về sự yên lặng của Đức Chúa Trời thì chúng tôi muốn dừng lại một chút tại đây để nói thêm về chữ Con hoặc Con Một trong câu Kinh thánh trên. Vì có thể có một vài đọc giả là người chưa tin Chúa nên các bạn sẽ thắc mắc về chữ Con mà Kinh thánh đã dùng để chỉ về Đức Chúa Jêsus, nhất là khi chúng tôi cho biết rằng Ngài chính là Đức Chúa Trời, tức là Đấng Tạo Hóa.

Chữ Con hoặc Con Một là cách sử dụng từ ngữ trong văn hóa Hê-bơ-rơ (là ngôn ngữ được dùng để viết ra Kinh thánh Tân ước) để cho biết rằng Đức Chúa Jêsus ra từ Đức Chúa Trời (giống như con sanh bởi cha), nhưng không theo cách hiểu thông thường của người Việt. Vì vậy chính Đức Chúa Jêsus đã phán rằng Ngài và Đức Chúa Trời chỉ là một mà thôi (Giăng 10: 30).

Việc Đức Chúa Trời giáng sinh thành người trong trần gian và đồng thời cũng tiếp tục ngự trị tại Thiên đàng là một phần trong quyền năng nhiệm mầu của Đấng đã dựng nên cả vũ trụ chỉ bằng lời phán mà thôi. Chúng tôi sẽ có dịp trình bày thêm về Ngài trong những dịp khác để chúng ta có thể thấy được Đức Chúa Trời là Đấng đáng được thờ phượng và cung kính như thế nào (Xin đọc thên bài viết ĐỨC CHÚA TRỜI BA NGÔI).

Bây giờ thì chúng ta có thể trở lại với sự yên lặng của Đức Chúa Trời. Vì lợi ích của con người, tức là để cho chương trình cứu chuộc loài người của Ngài được thực hiện một cách trọn vẹn không bị gián đoạn mà Đức Chúa Trời đã yên lặng với chính Đức Chúa Jêsus trong giờ phút đau đớn hơn hết trên thập tự giá. Nếu Đức Chúa Trời can thiệp để cứu giúp Đức Chúa Jêsus vào lúc ấy thì chương trình cứu chuộc loài người của Ngài sẽ không được hoàn tất. Sự gián đoạm như vậy sẽ làm mất cơ hội cho con người trở lại với Chúa và được tha thứ.

Đó là lý do thứ hai mà Đức Chúa Trời đã yên lặng. Còn lý do thứ nhất là vì Đức Chúa Trời muốn chính con người nhận biết rằng họ thật sự cần đến Chúa khi hết lòng tha thiết cầu xin Ngài giúp đỡ. Vì vậy trong đời sống của con dân Chúa, nhiều lúc Cơ-đốc nhân phải đối diện với sự yên lặng của Chúa mặc dầu chúng ta đã cầu nguyện, thậm chí đổ nước mắt hàng đêm như trường hợp của Đa-vít để xin Chúa giải cứu khỏi những khó khăn, hoạn nạn, bệnh tật hoặc tất cả những điều bất như ý khác, nhưng vẫn không nghe thấy Đức Chúa Trời trả lời. Những lúc như vậy không phải là Đức Chúa Trời quên chúng ta, hoặc Ngài không nghe lời thở than của chúng ta, hoặc Ngài giận chúng ta, nhưng ấy là vì lợi ích lâu dài hoặc vì lợi ích đời đời của chúng ta mà Đức Chúa Trời yên lặng, hầu cho chúng ta được tôi luyện trong thử thách, trong hoạn nạn, như vàng được thử trong lửa (Gióp 23: 10, Châm ngôn 17: 3).

Không phải vì sợ vàng tan chảy mà người thợ không dùng lửa để trừ hết các cáu cặn trong vàng bạc, thì cũng một thể ấy, không phải vì cớ con dân Chúa than van hoặc cảm thấy khổ sở mà Đức Chúa Trời không tôi luyện Cơ-đốc nhân để được xứng đáng hơn ngày hôm qua và xứng đáng cho Thiên đàng mai sau, theo như lời Kinh thánh đã bày tỏ (Ê-sai 48: 10).

Trong thực tế thì có nhiều con cái Chúa đã hiểu được phương pháp nầy của Chúa, nên thay vì họ than thở. thì trái lại họ vui mừng, cảm tạ ơn Chúa vì sự quan tâm của Đức Chúa Trời dành cho sự sống đời đời của từng con cái Ngài, như trường hợp mà sứ đồ Phao-lô đã kinh nghiệm (2Cô-rinh-tô 12: 7-9).

Vì vậy, dầu Cơ-đốc nhân có phải đối diện với sự yên lặng của Chúa sau khi đã cầu nguyện tha thiết với Ngài nhiều năm tháng, thì con dân Chúa cần phải suy nghĩ xem rằng hoàn cảnh mà Đức Chúa Trời cho phép đang xãy ra dạy dỗ chính mình về điều gì trong đời thuộc linh, hầu có thể nhờ đó mà được lợi ích trong đức tin, còn hơn là than van, lằm bằm, để rồi rốt lại chẳng có thể thay đổi được hoàn cảnh hiện tại mà nhiều khi còn mắc tội thêm với Chúa vì những phản ứng không đẹp lòng Ngài.

Khi chúng ta biết rằng Đức Chúa Trời từng yên lặng đối với dân Y-sơ-ra-ên và Ngài cũng đã từng yên lặng với chính Ngài, thì chắc chắn một điều là Đức Chúa Trời cũng nhiều khi yên lặng đối với Cơ-đốc nhân trong thời kỳ ân điển. Sự yên lặng của Chúa đối với loài người là một thực tế mà ai nấy trong chúng ta đều dễ dàng nhận biết. Chẳng những Đức Chúa Trời yên lặng với con dân Ngài và nhiều khi ngay cả với những kẻ phạm tội gian ác hơn hết Chúa cũng yên lặng chớ không trừng phạt ngay. Kinh thánh cho biết vì sự yên lặng ấy mà loài người tưởng rằng không có Đức Chúa Trời và họ cứ tiếp tục phạm tội, không hề suy nghĩ đến hậu quả của ngày sau (Truyền đạo 8: 11).

Bởi vì Đức Chúa Trời yên lặng, không trừng phạt lập tức những kẻ phạm tội nên họ cứ tưởng rằng hễ trốn tránh được luật pháp của loài người thì xem như là đã thành công trong mưu toan tội ác của họ. Một điều đáng nói là nhiều khi Cơ-đốc nhân cũng không hiểu được sự yên lặng nầy của Đức Chúa Trời nên có nhiều người sau khi đã tin Chúa, nhìn thấy tội ác đầy dẫy ngoài xã hội mà không có công lý, nhìn thấy hiện trạng yếu đuối lầm lỗi của con dân Chúa trong Hội thánh mà không có sự trừng phạt của Chúa thì họ đâm ra nghi ngờ ngay cả đức tin của chính mình nơi Đức Chúa Trời. Lâu dần sự hồ nghi đó cứ lớn mãi đến độ có người chối bỏ Chúa vì tưởng rằng niềm tin trong Đấng Christ cũng giống như bao nhiêu tôn giáo khác, là sản phẩm của trí tưởng tượng chớ Đức Chúa Trời không có thật.

Trường hợp trên không phải chỉ xãy ra đối với một vài người, mà là cho nhiều người, thậm chí trong số họ có những người đã dâng mình hầu việc Chúa hoặc đã ở trong chức vụ lâu năm. Chính vì thiếu đức tin hoặc không có đức tin khi đối diện sự yên lặng của Đức Chúa Trời nên những người như vậy không còn bước theo con đường chính đáng của Kinh thánh trong việc hướng dẫn con dân Chúa thờ phượng Ngài. Có thể ban đầu họ có đức tin nhưng khi thấy Đức Chúa Trời cứ tiếp tục yên lặng ngay cả với những trường hợp quan trọng hơn hết, ngay cả khi người ta phỉ báng Đấng Tạo Hóa, ngay cả khi tôi con Chúa cầu nguyện thiết tha nhiều năm mà vẫn không được trả lời, thì có một số người, mặc dầu bề ngoài vẫn còn mang lấy danh hiệu và chức vụ của mình, nhưng bên trong lòng thì đức tin đã chết từ lâu. Đó là những người không còn tôn trọng mẫu mực trong Kinh thánh nữa, những người không tin rằng Kinh thánh thống nhất từ đầu chí cuối, những người không còn nhờ Đức Thánh Linh soi sáng để hiểu biết đường lối và ý tưởng trong lời của Đức Chúa Trời, những người tưởng rằng với kiến thức và bằng cấp của thế gian vẫn có thể giảng dạy được lời của Chúa, những người nghĩ rằng bằng khả năng và phương pháp của loài người vẫn có thể giúp cho các hàng băng ghế trong Hội thánh được đầy chật. Ngay cả đối với những người hầu việc Ngài như vậy, Đức Chúa Trời vẫn tiếp tục yên lặng và để cho họ được thành công lớn trong đời nầy, được vang danh, được nổi tiếng, được nhiều người hâm mộ, được trở thành mẫu mực của các thế hệ kế tiếp, được trở thành tấm gương mà nhiều người nô nức bắt chước theo để hầu việc Đấng Christ cách như vậy. Đức Chúa Trời yên lặng đối với họ vì Chúa có lý do của Ngài.

Còn về phần chúng ta thì có thể tự hỏi vì sao Đức Chúa Trời cứ tiếp tục yên lặng với trần gian, cứ tiếp tục yên lặng với Cơ-đốc nhân, với những tôi tớ thánh của Chúa như lời Kinh thánh đã bày tỏ (Thi thiên 70: 5). Khi Đa-vít dùng chữ chớ chậm trễ để kêu cầu cùng Chúa thì điều đó cho thấy rằng Đức Chúa Trời đã từng yên lặng với ông rất lâu, và mặc dầu ông đã nài xin Chúa tha thiết nhiều năm thì vẫn chưa thấy Chúa giải cứu.

Nếu đối với Đa-vít là người đẹp lòng Đức Chúa Trời mà Ngài còn yên lặng lâu như vậy thì huống chi những Cơ-đốc nhân bình thường như chúng ta ngày nay. Dầu vậy Kinh thánh đã cho chúng ta biết một trong những lý do mà Đức Chúa Trời yên lặng, ấy là để tạo cơ hội cho nhiều người được cứu (2Phi-e-rơ 3: 9). Khi hiểu được như vậy thì nhờ đó mà chúng ta có lòng bình an trong Ngài và cứ tiếp tục chờ đợi cho đến khi thời gian thuận hiệp cho sự trả lời của Đức Giê-hô-va.

Câu Kinh thánh trên nhắc nhở cho chúng ta biết là Đức Chúa Trời không bao giờ quên lời Ngài mà đã hứa về việc Chúa sẽ tái lâm để cứu Hội thánh của Ngài trên đất. Việc Chúa chưa trở lại là bởi lòng yêu thương của Ngài để tạo cơ hội cho những kẻ phạm tội có thì giờ để ăn năn. Không những là cho những kẻ gian ác trong đời nầy mà còn cho cả những Cơ-đốc nhân yếu đuối phạm tội. Đức Chúa Trời mà chúng ta đang thờ phượng là Chúa của Tình Yêu. Ngài muốn cho mọi người được cứu nên yên lặng ngay cả đối với những kẻ phỉ báng Ngài vì cớ thương xót họ. Ngài không trừng phạt họ ngay lập tức hầu cho họ có thì giờ để ăn năn. Đối với những Cơ-đốc nhân yếu đuối lầm lỗi trong Hội thánh khắp mọi nơi thì cũng như vậy.

Cũng một thể ấy, Chúa có hứa là Ngài sẽ không bao giờ để con cái Ngài trên đất nầy cảm thấy sự cô đơn của kẻ mồ côi, nhưng Chúa sẽ nhanh chóng đến để tiếp cứu, để trả lời cho những điều mà Cơ-đốc nhân nài xin tha thiết với Ngài (Giăng 14: 18). Dầu vậy sự trả lời của Chúa sẽ được thực hiện theo thì giờ của Chúa chớ không theo thì giờ của chúng ta (Thi thiên 75: 2, Khải huyền 22: 12).

Khi hiểu được sự yên lặng của Chúa thì Cơ-đốc nhân có thể nhận biết rằng đó cũng là vì lợi ích của con dân Chúa mà thôi. Vì vậy hoặc là chúng ta phải biết cầu nguyện tha thiết hơn để bày tỏ rằng điều mà chúng ta đang nài xin là nhu cầu cấp thiết để được Chúa trả lời:

(Hê-bơ-rơ 4: 16) Vậy, chúng ta hãy vững lòng đến gần ngôi ơn phước, hầu cho được thương xót và tìm được ơn để giúp chúng ta trong thì giờ có cần dùng.

(Phi-líp 4: 19) Đức Chúa Trời tôi sẽ làm cho đầy đủ mọi sự cần dùng của anh em y theo sự giàu có của Ngài ở nơi vinh hiển trong Đức Chúa Jêsus Christ.

Hoặc là phải xem xét lại chính mình mỗi khi Đức Chúa Trời yên lặng về sự cầu xin của chúng ta, vì biết rằng điều đó mang lại lợi ích đời đời cho con dân Ngài, hầu có thể chịu đựng mọi hoàn cảnh mà Chúa cho phép xãy ra trong đời sống mình, theo như gương của Phao-lô:

(2Cô-rinh-tô 12: 10) Cho nên tôi vì Đấng Christ mà đành chịu trong sự yếu đuối, nhuốc nha, túng ngặt, bắt bớ, khốn khó; vì khi tôi yếu đuối, ấy là lúc tôi mạnh mẽ.

Hoặc là chúng ta cần phải ăn năn những lầm lỗi kín dấu từ trước đến nay để được Đức Chúa Trời thương xót qua cơ hội, thì giờ mà Đức Chúa Trời dành cho chúng ta bởi sự yên lặng của Ngài:

(Khải huyền 2: 5) Vậy hãy nhớ lại ngươi đã sa sút từ đâu, hãy ăn năn và làm lại những công việc ban đầu của mình; bằng chẳng vậy, ta sẽ đến cùng ngươi, nếu ngươi không ăn năn thì ta sẽ cất chân đèn của ngươi khỏi chỗ nó.

Cầu xin Chúa cho mỗi chúng ta càng hiểu biết về Chúa hơn nữa, không những về các mỹ đức của Ngài, mà cả về sự yên lặng đặc biệt của Chúa để ai nấy trong chúng ta có lòng bình an, giữ vẹn được đức tin, bước đi cách vững vàng trong đường lối Ngài cho đến khi gặp Đức Chúa Trời mặt đối mặt trong sự vinh hiển lạ lùng của Thiên đàng. A-men.

NHỮNG CÂU GỐC ĐÃ TRƯNG DẪN:

SÁNG THẾ KÝ 17: 7 – Ta sẽ lập giao ước cùng ngươi, và cùng hậu tự ngươi trải qua các đời; ấy là giao ước đời đời, hầu cho ta làm Đức Chúa Trời của ngươi và của dòng dõi ngươi.

XUẮT Ê-DÍP-TÔ KÝ 1: 11-14 – Vậy, người Ê-díp-tô bèn đặt các kẻ đầu xâu để bắt dân Y-sơ-ra-ên làm xâu khó nhọc; họ xây thành Phi-thom và Ram-se dùng làm kho tàng cho Pha-ra-ôn. Nhưng người Ê-díp-tô càng bắt làm khó nhọc chừng nào, dân Y-sơ-ra-ên càng thêm nhiều lên, và tràn ra chừng nấy. Người Ê-díp-tô bèn đem lòng ghen ghét dân Y-sơ-ra-ên, bắt làm công việc nhọc nhằn, gây cho đời dân ấy nên cay đắng, vì nỗi khổ sở nhồi đất, làm gạch và mọi việc khác ở ngoài đồng. Các công việc nầy người Ê-díp-tô bắt dân Y-sơ-ra-ên làm nhọc nhằn lắm.

XUẤT Ê-DÍP-TÔ KÝ 1: 22 – Pha-ra-ôn bèn truyền lịnh cho cả dân mình rằng: Phàm con trai của dân Hê-bơ-rơ mới sanh, hãy liệng xuống sông; còn con gái, thì để cho sống.

XUẤT Ê-DÍP-TÔ KÝ 2: 23 – Cách ít lâu, vua xứ Ê-díp-tô băng; dân Y-sơ-ra-ên than thở kêu van lên thấu Ðức Chúa Trời.

Theo thời gian mà Kinh thánh cho chúng ta biết thì từ khi vua Pha-ra-ôn ra lệnh giết các hài nhi của người Hê-bơ-rơ cho đến khi Môi-se được Đức Giê-hô-va gọi để dẫn dắt dân Y-sơ-ra-ên ra khỏi Ê-díp-tô thì dài khoảng bốn mươi năm, đó là chưa kể những năm trước đó. Như vậy là cần phải có một thời gian thật dài để dân Y-sơ-ra-ên ý thức được hoàn cảnh khốn khó mà họ đang chịu để lời cầu khẩn họ tha thiết đủ hầu Đức Chúa Trời có thể trực tiếp giải cứu.

XUẤT Ê-DÍP-TÔ KÝ 11: 4-6 – Bọn dân tạp ở trong dân Y-sơ-ra-ên sanh lòng tham muốn, đến đỗi dân Y-sơ-ra-ên lại khóc nữa mà rằng: Ai sẽ cho chúng tôi ăn thịt? Chúng tôi nhớ những cá chúng tôi ăn nhưng không tại xứ Ê-díp-tô, những dưa chuột, dưa gang, củ kiệu, hành, và tỏi. Bây giờ, linh hồn chúng tôi bị khô héo, không có chi hết! Mắt chỉ thấy ma-na mà thôi.

PHỤC TRUYỀN 4: 29 – Ở đó ngươi sẽ tìm cầu Giê-hô-va Đức Chúa Trời ngươi, và khi nào hết lòng hết ý tìm cầu Ngài thì mới gặp.

GIÓP 23: 10 – Nhưng Chúa biết con đường tôi đi; Khi Ngài đã thử rèn tôi, tôi sẽ ra như vàng.

THI THIÊN 6: 3-8 – Đức Giê-hô-va ôi! Linh hồn tôi cũng bối rối quá đỗi; Còn Ngài, cho đến chừng nào? Lạy Đức Giê-hô-va, xin hãy trở lại, giải cứu linh hồn tôi; Hãy cứu tôi vì lòng nhân từ Ngài. Vì trong sự chết chẳng còn nhớ đến Chúa nữa; Nơi âm phủ ai sẽ cảm tạ Chúa? Tôi mỏn sức vì than thở, mỗi đêm tôi làm trôi giường tôi, dầm nó với nước mắt. Mắt tôi hao mòn vì buồn thảm, làng lệt vì cớ cừu địch tôi. Hỡi kẻ làm ác kia, khá lìa xa ta hết thảy; Vì Đức Giê-hô-va đã nghe tiếng khóc lóc ta.

THI THIÊN 19: 1 – Các từng trời rao truyền sự vinh hiển của Đức Chúa Trời, bầu trời giải tỏ công việc tay Ngài làm.

THI THIÊN 70: 5 – Còn tôi bị khốn cùng và thiếu thốn; Đức Chúa Trời ôi! Xin hãy mau mau đến cùng tôi: Chúa là sự giúp đỡ tôi, Đấng giải cứu tôi; Đức Giê-hô-va ôi! Chớ chậm trễ.

THI THIÊN 75: 2 – Khi ta đến thì giờ đã định, thì sẽ đoán xét cách ngay thẳng.

CHÂM NGÔN 17: 3 – Nồi dót để luyện bạc, lò để luyện vàng; Nhưng Đức Giê-hô-va thử lòng của loài người.

TRUYỀN ĐẠO 8: 11 – Bởi chẳng thi hành ngay án phạt những việc ác, nên lòng con loài người chuyên làm điều ác.

Ê-SAI 48: 10 – Nầy, ta luyện ngươi, nhưng không phải như luyện bạc; ta đã thử ngươi trong lò hoạn nạn.

MA-THI-Ơ 27: 46 – Ước chừng giờ thứ chín, Đức Chúa Jêsus kêu tiếng lớn lên rằng: Ê-li, Ê-li, lam-ma sa-bách-ta-ni? nghĩa là: Đức Chúa Trời tôi ơi! Đức Chúa Trời tôi ơi! sao Ngài lìa bỏ tôi?

GIĂNG 3: 16 – Vì Đức Chúa Trời yêu thương thế gian, đến nỗi đã ban Con Một của Ngài, hầu cho hễ ai tin Con ấy không bị hư mất mà được sự sống đời đời.

GIĂNG 10: 30 – Ta với Cha là một.

GIĂNG 14: 18 – Ta không để cho các ngươi mồ côi đâu, ta sẽ đến cùng các ngươi.

2CÔ-RINH-TÔ 12: 7-9 – Vậy nên, e rằng tôi lên mình kiêu ngạo bởi sự cao trọng cả thể của những sự tỏ ra ấy chăng, thì đã cho một cái giằm xóc vào thịt tôi, tức là quỉ sứ của Sa-tan, để vả tôi, và làm cho tôi đừng kiêu ngạo. Đã ba lần tôi cầu nguyện Chúa cho nó lìa xa tôi. Nhưng Chúa phán rằng: Ân điển ta đủ cho ngươi rồi, vì sức mạnh của ta nên trọn vẹn trong sự yếu đuối. Vậy, tôi sẽ rất vui lòng khoe mình về sự yếu đuối tôi, hầu cho sức mạnh của Đấng Christ ở trong tôi.

GA-LA-TI 4: 4-5 – Nhưng khi kỳ hạn đã được trọn, Đức Chúa Trời bèn sai Con Ngài bởi một người nữ sanh ra, sanh ra dưới luật pháp, để chuộc những kẻ ở dưới luật pháp, và cho chúng ta được làm con nuôi Ngài.

CÔ-LÔ-SE 4: 12 – Ê-pháp-ra, người hàng xứ với anh em, tôi tớ của Đức Chúa Jêsus Christ, có lời chào anh em; người vì anh em chiến đấu không thôi trong khi cầu nguyện, để anh em trở nên toàn vẹn và trọn niềm vâng phục mọi ý muốn của Đức Chúa Trời.

2PHI-E-RƠ 3: 9 – Chúa không chậm trễ về lời hứa của Ngài như mấy người kia tưởng đâu, nhưng Ngài lấy lòng nhịn nhục đối với anh em, không muốn cho một người nào chết mất, song muốn cho mọi người đều ăn năn.

KHẢI HUYỀN 22: 12 – Nầy, ta đến mau chóng, và đem phần thưởng theo với ta, để trả cho mỗi người tùy theo công việc họ làm.

Leave a Reply

Your email address will not be published. Required fields are marked *