CƠ-ÐỐC-NHÂN VÀ RƯỢU (p. 2)
Trước khi tra xem lời Kinh thánh thì chúng tôi cũng muốn đề cập qua về lập luận của một số các anh em về vấn đề uống rượu bia. Không ít người đã từng trình bày về vấn đề nầy nhưng chưa có một người nào thật sự đi vào tận sâu chi tiết một cách thỏa đáng. Ðể bắt đầu thì chúng tôi muốn nhắc lại câu chuyện Ðức Chúa Jêsus hóa nước thành rượu ở tại tiệc cưới Ca-na. Có nhiều người dùng câu chuyện nầy để bênh vực cho việc uống rượu của họ. Một số người khác thì cố tìm cách thay đổi chi tiết của câu chuyện để cho thấy rằng không nên dùng tiệc cưới Ca-na để biện minh cho việc uống rượu bia. Những người ấy nói rằng rượu mà Ðức Chúa Jêsus đã dùng phép lạ làm ra đó không phải là loại rượu thông thường, nghĩa là không có tác dụng làm người uống bị say. Các anh em ấy giải thích Kinh thánh như vậy là cố tình thay đổi ý nghĩa của văn tự được dùng trong lời của Ðức Chúa Trời. Mặc dầu có ý tốt là không muốn Cơ-đốc-nhân dùng phép lạ của Chúa đã thực hiện trong tiệc cưới Ca-na để ủng hộ thói quen uống rượu của họ, nhưng việc làm ấy (thay đổi ý nghĩa của văn tự) là điều tuyệt đối không nên. Một người tôi tớ Chúa phải chân thật về lời Kinh thánh mới có thể hy vọng làm đẹp lòng Ngài. Khi Kinh thánh dùng chữ rượu thì điều đó đúng với tính chất thông thường của thức uống ấy, không thể suy diễn cách khác được. Rượu đã được nhắc đến từ thời Nô-ê và vì uống rượu say mà ông lõa thể ở trong trại mình, đến nỗi làm trò cười cho con. Vì vậy các anh em ấy không thể gắng gượng để thay thế ý nghĩa thật sự của chữ rượu.
Nguyên nhân chính yếu khiến Ðức Chúa Jêsus làm phép lạ hóa nước thành rượu tại tiệc cưới Ca-na là vì Chúa muốn bắt phục bà Ma-ri, muốn cho bà biết rằng Ngài là Ðấng Cứu Thế, chớ chẳng phải làm phép lạ nầy để cho Cơ-đốc-nhân ngày nay lấy cớ đó mà uống rượu và say sưa.
Khi đọc lại phần Kinh thánh trong sách Tin lành Giăng về câu chuyện xãy ra tại tiệc cưới Ca-na thì chúng ta có thể thấy một cách rõ ràng là bà Ma-ri muốn Ðức Chúa Jêsus thực hiện một phép lạ, và khi người ta cho biết rằng đang giữa tiệc mà thiếu rượu thì đấy là cơ hội cho bà đạt mong muốn đã có từ bấy lâu:
(Giăng 2: 3) Vừa khi thiếu rượu, mẹ Đức Chúa Jêsus nói với Ngài rằng: Người ta không có rượu nữa.
Kinh thánh không hề đề cập rằng người ta báo cho bà Ma-ri biết là rượu đã hết. Sự việc ấy xãy ra như là một tình huống bất ngờ cho cả bữa tiệc và những khách dự đều biết, trong đó có bà Ma-ri. Ngoài ra, tại điểm nầy chúng tôi muốn nhắc nhở về nguyên tắc đọc Kinh thánh mà Ðức Chúa Jêsus đã dạy dỗ, ấy là một chấm một nét trong lời của Ngài đều không được bỏ qua, vì từng chữ, từng dấu chấm phết đều có ý nghĩa của nó. Trong câu Kinh thánh trên chúng ta phải chú ý đến chữ ‘VỪA’. Chữ ấy có hàm ý là trông đợi một điều nào đó và khi vừa có cơ hội là thực hiện ngay. Chúng tôi xin thí dụ như thế nầy: Trận túc cầu đã được bắt đầu gần 10 phút rồi nên vừa ăn cơm xong là anh tôi mở TV ngay.
Cũng một thể ấy, khi Kinh thánh dùng chữ vừa thì điều đó ngụ ý rằng sự việc xãy ra là cơ hội để bà Ma-ri yêu cầu Ðức Chúa Jêsus thực hiện một phép lạ. Rõ ràng là Kinh thánh không hề cho chúng ta biết mối liên hệ giữa chủ tiệc cưới và bà Ma-ri. Như vậy có nghĩa là bà chẳng có trách nhiệm hoặc phận sự chi tại tiệc cưới ấy nên việc hết rượu hay còn không phải là việc của bà. Chính bởi lẽ ấy mà khi bà đề cập với Ðức Chúa Jêsus về việc hết rượu thì Chúa đã trách cứ bà với giọng nặng nề:
(Giăng 2: 4) Đức Chúa Jêsus đáp rằng: Hỡi đàn bà kia, ta với ngươi có sự gì chăng? Giờ ta chưa đến.
Nếu thật là bà Ma-ri có trách nhiệm trong tiệc cưới và vì vậy mà bà hỏi Ðức Chúa Jêsus để được giúp đỡ thì chắc Chúa không trách bà bằng câu nói ấy. Chúng ta có thể thấy là khi đoàn dân đông, những kẻ khó nghèo bệnh tật đến xin Ðức Chúa Jêsus giúp đỡ thì Kinh thánh đều ghi lại rằng Chúa động lòng thương xót họ:
(Ma-thi-ơ 20: 29-34) Đang khi Đức Chúa Jêsus và môn đồ ra khỏi thành Giê-ri-cô, thì có một đoàn dân đông theo Ngài. Nầy, có hai người mù ngồi bên đường, nghe nói Đức Chúa Jêsus qua đó, thì kêu lên rằng: Lạy Chúa, con cháu vua Đa-vít, xin thương xót chúng tôi! Chúng rầy hai người ấy, biểu nín đi; nhưng họ kêu lớn hơn nữa, rằng: Lạy Chúa, con cháu vua Đa-vít, xin thương xót chúng tôi! Đức Chúa Jêsus dừng lại, gọi hai người mù đến, mà phán rằng: Các ngươi muốn ta làm chi cho? Họ thưa rằng: Lạy Chúa, xin cho mắt chúng tôi được mở ra. Đức Chúa Jêsus động lòng thương xót, bèn rờ đến mắt họ; tức thì hai người thấy được và đi theo Ngài.
Những người xa lạ cần sự giúp đỡ mà Ðức Chúa Jêsus còn động lòng thương xót, huống chi là bà Ma-ri. Nếu thật sự bà là người có trách nhiệm lo cho tiệc cưới ngày hôm đó và chẳng may thiếu rượu khiến bà có thể bị trách móc hoặc chê bai, và bà phải nhờ Ðức Chúa Jêsus giúp đỡ thì chắc Chúa đã không quở nặng bà với câu nói như trên. Vả lại, chúng ta biết rằng Ðức Chúa Jêsus yêu thương mẹ phần xác của Ngài. Có ai trong chúng ta thắc mắc vì sao Ðức Chúa Jêsus vào trần gian để thực hiện chương trình cứu rỗi cho nhân loại mà Ngài phải đợi đến năm 30 tuổi mới ra thi hành chức vụ? Thời gian đều nằm trong kế hoạch của Ngài, nhưng có một điều chúng ta có thể nhận thấy được là một trong những nguyên nhân khiến cho Ngài tỏ mình với thiên hạ trễ như vậy là vì Chúa muốn các em Ngài lớn đủ để chăm sóc bà Ma-ri. Chúng ta hiểu được điều đó khi thấy tình yêu của Ðức Chúa Jêsus dành cho bà được thể hiện rõ ràng lúc Chúa sắp sửa trút hơi thở cuối cùng trên thập tự giá. Trong giây phút đau đớn hơn hết và biết rằng Ngài sắp sửa chịu tử nạn thì Ðức Chúa Jêsus vẫn nhớ đến bà Ma-ri để gởi gắm bà cho Giăng chăm sóc:
(Giăng 19: 25-27) Tại một bên thập tự giá của Đức Chúa Jêsus, có mẹ Ngài đứng đó, với chị mẹ Ngài là Ma-ri vợ Cơ-lê-ô-ba, và Ma-ri Ma-đơ-len nữa. Đức Chúa Jêsus thấy mẹ mình, và một môn đồ Ngài yêu đứng gần người, thì nói cùng mẹ rằng: Hỡi đàn bà kia, đó là con của ngươi! Đoạn, Ngài lại phán cùng người môn đồ rằng: Đó là mẹ ngươi! Bắt đầu từ bấy giờ, môn đồ ấy rước người về nhà mình.
Với tình yêu lớn lao như vậy dành cho bà Ma-ri thì không lý nào Ðức Chúa Jêsus quở trách bà nếu bà thật sự cần được cứu giúp vào lúc đang giữa tiệc cưới mà hết rượu. Nhưng vì Ma-ri còn chưa biết chắc về chức vụ của Ngài là Ðấng Mê-si (nghĩa là Ðấng Christ) nên bà nhân cơ hội lúc người ta hết rượu để mong thấy Ðức Chúa Jêsus làm phép lạ. Tấm lòng băn khoăn của bà được Kinh thánh mô tả lại hết sức rõ ràng từ đêm Chúa vừa giáng sanh đến mãi sau nầy:
(Lu-ca 2: 15-19) Sau khi các thiên sứ lìa họ lên trời rồi, bọn chăn chiên nói với nhau rằng: Chúng ta hãy tới thành Bết-lê-hem, xem việc đã xảy đến mà Chúa cho chúng ta hay. Vậy, họ vội vàng đi đến đó, thấy Ma-ri, Giô-sép, và thấy con trẻ đang nằm trong máng cỏ. Đã thấy vậy, họ bèn thuật lại những lời thiên sứ nói về con trẻ đó. Ai nấy nghe chuyện bọn chăn chiên nói, đều lấy làm lạ. Còn Ma-ri thì ghi nhớ mọi lời ấy và suy nghĩ trong lòng.
Khi Kinh thánh dùng chữ suy nghĩ trong lòng là có ý muốn cho thấy sự băn khoăn của Ma-ri về chức vụ của Ðức Chúa Jêsus là Ðấng Christ (câu 11) mà các mục đồng đã kể lại qua sự báo trước của thiên sứ.
Sự băn khoăn trong lòng bà Ma-ri tiếp tục kéo dài suốt những năm tháng tiếp theo, vì sau khi Ðức Chúa Jêsus đã làm phép lạ tại Ca-na và rồi chính thức tỏ mình với dân chúng để giảng đạo đồng thời làm nhiều phép lạ hơn nữa, thì bà Ma-ri vẫn chưa đi theo Ngài như các người phụ nữ khác:
(Lu-ca 8: 1-3) Kế đó, Đức Chúa Jêsus đi thành nầy đến thành kia, làng nầy đến làng khác, giảng dạy và rao truyền tin lành của nước Đức Chúa Trời. Có mười hai sứ đồ ở với Ngài. Cũng có mấy người đàn bà đi theo Ngài, là những người đã được cứu khỏi quỉ dữ và chữa khỏi bịnh: Ma-ri, gọi là Ma-đơ-len, từ người bảy quỉ dữ đã ra, Gian-nơ vợ Chu-xa, là quan nội vụ của vua Hê-rốt, Su-xan-nơ và nhiều người khác nữa giúp của cải cho Ngài.
(Ma-thi-ơ 12: 46-47) Khi Đức Chúa Jêsus còn phán cùng dân chúng, thì mẹ và anh em Ngài đến đứng ngoài, muốn nói cùng Ngài. Có người thưa cùng Ngài rằng: Đây nầy, mẹ và anh em thầy ở ngoài, muốn nói cùng thầy.
Rõ ràng là bà Ma-ri và các em của Ðức Chúa Jêsus không có đi theo Ngài để nghe giảng đạo. Kinh thánh lại cũng cho biết rằng các em Ngài không tin Ngài:
(Giăng 7: 5) Bởi chưng chính các anh em Ngài không tin Ngài.
Chúng ta biết Giô-sép là một người có nghĩa và đạo đức, còn Ma-ri là một người phụ nữ đẹp lòng Ðức Chúa Trời, vì vậy mà khi còn tuổi thơ Ðức Chúa Jêsus đã đồng ý chịu lụy cả hai ông bà mặc dầu Chúa biết rõ chức vụ của Ngài từ năm mới mười hai tuổi:
(Lu-ca 2: 49-51) Ngài thưa rằng: Cha mẹ kiếm tôi làm chi? Há chẳng biết tôi phải lo việc Cha tôi sao? Nhưng hai người không hiểu lời Ngài nói chi hết. Đoạn, Ngài theo về thành Na-xa-rét và chịu lụy cha mẹ. Mẹ Ngài ghi các lời ấy vào lòng.
Cũng một thể ấy, các em của Ngài cũng phải là những người con ngoan ngoãn, hiền lành, biết vâng lời cha mẹ. Nhưng khi Kinh thánh cho biết là ngay trong thời gian Ðức Chúa Jêsus đang thi hành chức vụ mà các em Ngài cũng không tin Ngài thì điều đó chứng tỏ rằng tấm lòng băn khoăn của bà Ma-ri đã ngăn trở bà không thể thuyết phục được các người con khác về chức vụ là Ðấng Christ của Ðức Chúa Jêsus, vì vậy mà bà và các người con khác không đi theo Chúa để nghe giảng đạo. Chính Ðức Chúa Jêsus đã đề cập đến điều đó lúc Ngài về lại thành Na-xa-rét:
(Mác 6: 4) Song Đức Chúa Jêsus phán cùng họ rằng: Đấng tiên tri chỉ bị quê hương mình, bà con mình và trong nhà mình khinh dể mà thôi.
Rõ ràng là Ðức Chúa Jêsus có đề cập đến việc bị người trong nhà khinh dễ, ấy là muốn nói đến tấm lòng hồ nghi của bà Ma-ri và sự không tin của các em Ngài. Vì vậy mà họ không đi theo để nghe Ngài giảng dạy.
Tại chỗ nầy thì cũng có người lý luận rằng bà Ma-ri không đi theo Ðức Chúa Jêsus vì chắc bà còn bận rộn chuyện gì khác. Nhưng nói như vậy là quên nguyên tắc thông thường mà một người tin kính Chúa thường chọn để thực hiện, đó là nghe lời giảng dạy của Chúa, mà trong trường hợp nầy là sự dạy dỗ của Ðức Chúa Jêsus. Chúng ta có thể thấy được điều ấy qua tấm gương của Ma-ri, em gái của La-xa-rơ và Ma-thê:
(Lu-ca 10: 38-42) Khi Đức Chúa Jêsus cùng môn đồ đi đường, đến một làng kia, có người đàn bà, tên là Ma-thê, rước Ngài vào nhà mình. Người có một em gái, tên là Ma-ri, ngồi dưới chân Chúa mà nghe lời Ngài. Vả, Ma-thê mảng lo việc vặt, đến thưa Đức Chúa Jêsus rằng: Lạy Chúa, em tôi để một mình tôi hầu việc, Chúa há không nghĩ đến sao? Xin biểu nó giúp tôi. Chúa đáp rằng: Hỡi Ma-thê, Ma-thê, ngươi chịu khó và bối rối về nhiều việc; nhưng có một việc cần mà thôi. Ma-ri đã lựa phần tốt, là phần không có ai cất lấy được.
Nếu Ma-ri (em Ma-thê) còn biết điều tốt nhất cần phải làm thì chẳng lẽ Ma-ri mẹ phần xác của Ðức Chúa Jêsus lại không biết? Bà là một người phụ nữ đạo đức, đẹp lòng Ðức Chúa Trời, thì chắc bà biết việc nghe lời Ðức Chúa Jêsus giảng dạy là điều nên làm, nhưng vì tấm lòng băn khoăn, không biết chắc về chức vụ của Ngài là Ðấng Mê-si đã cản trở bà cho đến khi bà thấy sự trút hơi của Chúa trên thập tự giá. Kinh thánh tường thuật lại là lúc ấy chính người đội trưởng La-mã cũng công nhận rằng Ðức Chúa Jêsus là Con Ðức Chúa Trời:
(Mác 15: 39) Thầy đội đứng đối ngang Ngài, thấy Ngài trút linh hồn như vậy, thì nói rằng: Người nầy quả thật là Con Đức Chúa Trời.
Nếu người đội trưởng bình thường mà còn nhận biết Ngài là Ðấng Christ, thì huống chi là bà Ma-ri. Chính vì vậy mà sau khi Ðức Chúa Jêsus bị đóng đinh thì từ đó trở đi bà Ma-ri mới thật sự tin rằng Ngài là Ðấng Mê-si và mới hiệp với môn đồ Ngài trong sự cầu nguyện:
(Công vụ 1: 14) Hết thảy những người đó bền lòng đồng một ý mà cầu nguyện với các người đàn bà, và Ma-ri là mẹ Đức Chúa Jêsus cùng anh em Ngài.
Sau khi đã xem xét lời Chúa một cách cẩn thận thì chúng ta mới biết tại sao bà Ma-ri muốn Ðức Chúa Jêsus thi hành phép lạ trong tiệc cưới Ca-na. Mặc dầu Ðức Chúa Jêsus quở trách bà, nhưng vì muốn bày tỏ chính Ngài để bà được biết rằng Ngài là Ðấng Christ, Ðức Chúa Jêsus đã làm phép lạ. Chúng ta cũng nên chú ý là khi phép lạ nầy xãy ra thì những người trong tiệc cưới ngày hôm ấy không biết rằng đó là phép lạ được làm ra bởi quyền năng của Ðức Chúa Jêsus:
(Giăng 2: 9) Lúc kẻ coi tiệc nếm nước đã biến thành rượu (vả, người không biết rượu nầy đến bởi đâu, còn những kẻ hầu bàn có múc nước thì biết rõ), bèn gọi chàng rể…
Nếu Ðức Chúa Jêsus thật sự muốn khuyến khích người ta uống rượu thì Ngài đã bày tỏ điều đó ra một cách rõ ràng. Nhưng ngược lại, Chúa làm phép lạ nầy chỉ vì đức tin của bà Ma-ri mà thôi, nên chỉ có bà và các môn đồ biết việc đã xãy ra. Tiếc thay, sau khi Ðức Chúa Jêsus làm phép lạ thì chỉ có các môn đồ tin Ngài:
(Giăng 2: 11) Ấy là tại Ca-na, trong xứ Ga-li-lê, mà Đức Chúa Jêsus làm phép lạ thứ nhất, và tỏ bày sự vinh hiển của mình như vậy; môn đồ bèn tin Ngài.
Ðây là phép lạ đầu tiên mà Ðức Chúa Jêsus đã làm một cách âm thầm. Tất cả các phép lạ sau đó của Ngài đều được thực hiện một cách công khai trước thiên hạ để làm chứng về chức vụ của Ngài trên đất. Vì vậy chúng ta phải hiểu rằng Ðức Chúa Jêsus đã làm phép lạ tại Ca-na là vì cớ đức tin của Ma-ri chớ không phải Ngài làm phép lạ để Cơ-đốc-nhân ngày hôm nay vịn vào điều đó để biện minh cho thói quen thích uống rượu bia của họ. Những người ấy đã lợi dụng Kinh thánh để thỏa mãn thói quen không từ bỏ được của đời sống cũ trước ngày chưa tin Chúa. Ðiều đó cũng có nghĩa là trên bề mặt thì mang danh là Cơ-đốc-nhân, nhiều khi lại mang danh là người đã dâng mình hầu việc Chúa, nhưng đàng sau, bên trong, con người cũ vẫn còn y nguyên, chưa hề bị đóng đinh, chưa bao giờ kinh nghiệm được sự từ bỏ mình. Các anh em phải cẩn thận về điều đó, vì cứ giữ lấy đời sống cũ như vậy thì khó mà vào được Thiên đàng, vì chưa thật sự tái sanh, theo như chính lời Ðức Chúa Jêsus đã phán:
(Giăng 3: 3) Đức Chúa Jêsus cất tiếng đáp rằng: Quả thật, quả thật, ta nói cùng ngươi, nếu một người chẳng sanh lại, thì không thể thấy được nước Đức Chúa Trời.
(Ê-phê-sô 4: 22) Anh em phải bỏ cách ăn nết ở ngày trước, thoát lốt người cũ là người bị hư hỏng bởi tư dục dỗ dành.
Lời Kinh thánh dùng chữ PHẢI thì đó có nghĩa là một mạng lệnh không thể bỏ qua. Uống rượu bia là thói quen của những ngày chưa tin phải được từ bỏ, phải bị đóng đinh. Ðừng vì ham thích thói quen ấy mà hụt mất phần thưởng đời đời.
Chúng tôi phải trình bày cách chi tiết như trên vì không muốn Cơ-đốc-nhân, nhất là những người hầu việc Chúa lợi dụng Kinh thánh mà uống rượu, uống bia. Việc làm ấy đã sai với các nguyên tắc trong lời của Ðức Chúa Trời mà lại còn thêm lợi dụng Kinh thánh nữa thì là làm cho lầm lỗi nặng thêm gấp đôi, gấp ba. Các anh em cần thức tỉnh, kẻo không sẽ phải hối hận ngày sau.
Chúng ta sẽ xem xét đến tất cả những câu gốc trong trọn quyển Kinh thánh để có thể thấy rằng uống rượu là điều mà Chúa muốn tôi con Ngài phải từ bỏ. Sự hiểu sai dẫn đến việc biện minh cho thói quen uống rượu bia bắt nguồn từ việc lơ là với Kinh thánh, không tìm hiểu cặn kẽ điều Ðức Chúa Trời đã phán dạy trong cả Cựu ước và Tân ước, mà chỉ nắm bắt một vài câu gốc theo ý tưởng cá nhân nên mới có tình trạng ấy xãy ra.
(còn tiếp)